Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Phóng sự nhiều kỳ: Một trăm người lính xe tăng - Nguyễn Thế Tường (Kỳ 3)

Kỳ 3: Đi tìm dấu tích liệt sỹ

23-12-2011 09:30:48 AM

“Tôi và Hoài là hai anh em trong gia đình sáu người con. Năm 1969, em tôi thi đỗ vào khoa vật lý trường đại học tổng hợp Hà Nội. Gia đình mừng lắm nhưng mẹ lại buồn vì con phải xa nhà. Từ Hòa Ninh ra Hà Nội xa xôi lại gặp lúc máy bay Mỹ bắn phá, lo không kiếm đủ mười đồng cho con trai nhập học, mua giấy bút, chăn màn cho con ra Thủ đô dùi mài kinh sử… Em tôi là lính xe tăng. Sau sáu tháng huấn luyện ở Vĩnh Yên, đoàn xe tăng đi vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Nửa đêm, cả nhà đang yên giấc thì nghe tiếng gõ cửa. Mẹ tôi run run thắp ngọn đèn dầu. Hoài bước vào kéo theo cả hơi lạnh đêm đông. Cả nhà mừng lắm. Ai cũng tranh thủ hỏi đủ thứ chuyện. Riêng mẹ tôi thì khóc, cứ loay hoay sờ nắn tay chân, vuốt lên mái tóc đẫm sương, nắm chặt bàn tay em như sợ em ra đi mãi mãi… Năm 1991,  mẹ tôi ốm nặng, tâm nguyện cuối cùng dặn lại là anh em tôi cố tìm đưa di hài em về. Chúng tôi lần theo giấy báo tử nhưng tìm mãi chưa ra. Vì hương hồn liệt sĩ, mong rằng, qua bài viết này nhờ những đồng đội góp sức tìm kiếm hài cốt em tôi. Em chết còn trẻ quá, chưa vợ con, chưa một lần được ăn ngon (Nguyễn Trọng Hoài D22KB hy sinh 16.5.1974 tại Bình Dương cũ) – Trích bài viết của anh Nguyễn Xuân Cúc đăng trên báo Quân đội nhân dân và báo Quảng Bình.

Ảnh. dantri.com.vn

Cuốn Lịch sử binh chủng Tăng Thiết giáp ghi lại trận đánh ấy: “Ngày 15 – 17/5/1974 đại đội tăng 5 của tiểu đoàn 22 (đoàn Thiết giáp 26 – trang bị 8 xe tăng T54 và 2 xe thiết giáp K63 được lệnh phối thuộc với sư đoàn bộ binh 9 tiêu diệt địch ở Ri net – Kiên Điền. Bước vào chiến đấu, nhờ bộ binh dẫn đường, đã xung phong đúng hướng vừa tiến vừa phát huy sức mạnh hỏa lực đánh chiếm các mục tiêu cùng bộ binh làm chủ trận địa…” Trong trận này, khi xe của Khoa, bạn cùng lớp H huấn luyện) bị trúng đạn bốc cháy. Hoài (lúc này là trợ lý chính trị tiểu đoàn) lao ra cứu bạn và hy sinh.

Khoa bị thương, trải qua một vµi trận đánh, gÇn mét n¨m sau hy sinh tại Xuân Lộc, “tấm cửa thép” của Sài Gòn. “Sáng ngày 9/4, Bộ tư lệnh quân đoàn 4 hạ lệnh nổ súng tấn công Xuân Lộc. Tiểu đoàn tăng 21 có 12 xe tăng T54 và T59 (Tê năm tư – Tê năm chín) chia hai hướng chi viện cho sư đoàn bộ binh 7 chiến đấu. Ngay từ phút đầu, trận đánh đã diễn ra hết sức gay go ác liệt…!”

Trận Xuân Lộc kéo dài mười hai ngày mới giải quyết xong. Giấy xin đi tìm mộ chí liệt sĩ của Phan Trung Khuê viết: “… Nay tôi làm giấy này kính trình các quý cấp xin phép đi tìm mộ em trai duy nhất của tôi hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ là liệt sỹ Phan Trung Khoa. Đồng đội hiện nay còn sống cho biết năm 1974 là Chính trị viên đại đội 6 tiểu đoàn 22 đoàn M26 Tăng Thiết giáp miền Đông Nam Bộ, có khả năng hy sinh ở Xuân Lộc (Đồng Nai). Gia đình tôi cha mẹ mất sớm, chỉ có tôi là anh trai duy nhất, nên phải đi tìm mộ chí em tôi để thỏa lòng mong ước…”

* * *

“ – Tao rủ được em ra Bờ hồ, tao ôm nhưng em vùng ra. Tao lại ôm, em lại vùng ra”

Câu nói này tôi nghe được từng lời vì giường tôi gần giường Chính, và tôi, dù không dám “tút” về Hà Nội cùng rất mong Chính trở lên mang theo chút hơi hướng thủ đô. Ôi! Người bạn gái nào năm xưa đã vùng khỏi vòng tay Chính, sau này có để phút giây nào thương cảm cho bạn tôi không?! Và, có thể, trong quãng đời khuê nữ chưa hẳn có cơ hội thứ hai được ôm trong vòng tay tin cậy như thế! Nguyễn Tự Chính, chàng trai Phú Yên theo ba má tập kết ra Bắc khi mới 5 tuổi, cao 1m70, vai ngang, ức nở, đầu vững, mắt luôn nhìn thẳng chính trực “giọng lơ lớ (Phú Yên), pha đôi câu Hà Nội” đẹp như một đấu sĩ La Mã, ít nói, hết sức chân thực. Chính biết yêu, liều mình trốn đơn vị về thăm người yêu nhưng vì nông nổi (như thể lái xe tăng chạy tốc độ cao bay qua vách hụt vậy) nên “em vùng ra…”. Chính hy sinh ngày 1/4/1975 ngay trên quê hương Tuy Hòa vừa được giải phóng. Trận Tuy Hòa như sau (theo lịch sử binh chủng tăng thiết giáp): “Chấp hành mệnh lệnh, trung đoàn tăng 273 tăng cường cho 320 đánh Tuy Hòa… mờ sáng ngày 1/4/1975, xe tăng ta chia làm hai hướng cùng bộ binh tiến công vào thị xã diệt căn cứ Nhạn Tháp và những điểm vòng ngoài… Địch trụ lại trên cầu Ông Chừ nhằm bảo vệ đường rút về sân bay. Xe tăng và bộ binh ta tiến đánh cầu. Địch dùng hỏa lực ngăn chặn quyết liệt, bộ binh ta không tiến lên được… Xe tăng M41 chiến lợi phẩm (ta lấy được của địch rồi dùng luôn) của đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng với bốn quả đạn diệt ngay một trận địa pháo 105 ly, bắn chìm một tàu chiến ngụy. Quân ta tràn vào thị xã. Tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm bị bắt sống.”. Chính mở nắp chỉ huy trên tháp pháo để ngắm nhìn quê hương chưa tan khói súng. Một loạt đoạn bắn thẳng xé gió bay tới. Chàng trai Phú Yên, cựu sinh viên Bách khoa – đấu sĩ La Mã – Trung đội trưởng Nguyễn Tự Chính gục ngay trên cửa tháp pháo xe tăng.

*

Không ai nghĩ vì sao Phùng Anh Dũng lại được xếp vào lớp H (hát), ra trường có thể chỉ huy một trung đội ba chiếc xe tăng. Anh chàng sinh viên Bách khoa đen gầy, bản tính bộc trực thẳng thắn chỉ có thể phù hợp với lớp K (kỹ thuật). Có thể bởi vậy mà khi cần một số lái xe thi đạt cấp một để bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, chỉ huy đã ghi ngay tên anh. Và, Dũng đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị trong tư thế đúng như danh tính của anh. Công cuộc đi tìm mộ em trai của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Thị Thanh Tú gặp khá nhiều trắc trở vì giao thông, vì bệnh quan liêu giấy tờ, cả vì sự lạnh nhạt của một số cán bộ Lãnh đạo. Và tiếc thay, trong đó có cả trạng thái vô cảm của một sĩ quan chính sách nào đó đã khiến chị rất buồn. Hồng Dung – Phó Chủ tịch quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đã phải rất khó khăn mới thuyết phục được chị cung cấp tư liệu về em trai cho ban liên lạc. Người Miền Trung khí khái khi tin là yêu hết mức mà đã mất tin là lòng hoang vắng. Trích lá thư chị Tú gửi cho đồng đội của Dũng năm 1995: “ Bao nhiêu năm rồi mà Má chị không sao nguôi nhớ Dũng, cứ nói: còn một nắm xương cũng phải đưa về. Dũng là con trai một. Má chị sanh được hai chị em. Ba chị mất sớm, suốt những năm tập kết trên đất Bắc Chị sống với Má còn Dũng học ở trường Miền Nam...theo gợi ý của cậu, chị đã đến cục chính sách hỏi, cũng qua nhiều cửa lắm, họ nói: Hai cuộc chiến tranh cả triệu liệt sĩ làm sao tra cứu được tốt nhất là đến bộ tư lệnh thiết giáp. Đến BTL thiết giáp cũng phải hỏi rất lâu. Cậu ơi! ngày trước các cậu với thằng Dũng em chị có nghiêm trang lắm như sĩ quan bây giờ không? Lúc lên đường chị nhớ rằng nó vui và hồn nhiên lắm. Tội nghiệp nó, lúc nào cũng ám ảnh bởi cái đói, thế mà luôn yêu đời dễ tính. Chao ôi! Nếu bây giờ nó còn sống, chắc chị và Má sẽ hì hụi nấu một nồi cơm to rồi ngồi nhìn nó ăn…”

Chị Tú ơi! Xin chị hiểu cho, đó là năm 1995 khi mà cuộc sống còn nhiều khốn khó, miếng cơm manh áo cho mình, cho gia đình còn đè nặng…! Dù sao chị cũng đã vượt qua khó khăn đưa được đồng đội của chúng em về với má, với đất quê hương, tha thứ cho tụi em đi, chi hai ơi!

*

Cùng hi sinh với Nguyễn Trọng Hoài ở Bến Cát còn có Đinh Quang Việt, biệt danh Việt Bột. Việt quê gốc Nam Định, người tầm thước, da trắng, mũi cao, mắt to ngơ ngác hiền, tóc bồng lượn sóng tăng gô, đẹp như một hoàng tử hay một cậu ấm con nhà lành. Tụi bạn lớp H trêu: “Da thịt mày như con gái, đạn xuyên vào ngọt lắm.” Thế mà Việt trúng đạn thật hay chính xác hơn là xe Việt trúng đạn. Tất cả có 12 sinh viên – học viên ra trường được phiên chế về M26 – tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ thì 6 người hi sinh đều trên cương vị chỉ huy. Một tỷ lệ quá cao. Chuyện đưa thi hài Việt từ Bến Cát, Bình Dương về Hà Nội phảng phất buồn và thương cảm như một câu chuyện cổ tích. Ngày ấy chưa có dịch vụ thử ADN và ngoại cảm cũng chưa phổ biến. Gần đây khi áp vong, linh hồn liệt sĩ dưới ngôi mộ (ở Hà Nội) cho biết anh không phải là Việt mà là một người lính bộ binh. Nhưng rồi liệt sĩ cho biết thêm, anh mồ côi cha mẹ nên rất muốn được nhận ba mẹ của Việt làm cha mẹ nuôi, hương khói thờ phụng. Thân phụ của Việt hơi choáng và buồn nhưng rất sẵn lòng nhận đứa con nuôi dù chỉ là di hài dưới ba thước đất. Và, cụ ông ngoài 90 lại lặn lội vào Bình Dương, lại tìm thấy tên con ở nghĩa trang Bến Cát nhưng người quản trang thật thà cho biết ở dưới mộ… không có gì. Tâm nguyện của các bậc cha mẹ muốn đưa di hài liệt sĩ về quê là một điều thiêng liêng, sẵn sàng đánh đổi nhiều thời gian và công sức. Nhưng, có một thực tế nghiệt ngã với những người lính xe tăng, là: khi xe trúng đạn bốc cháy, nhiệt độ rất lớn và với một dung tích nhỏ hẹp trong xe người lính cũng thường bị sát thương mạnh. Vả chăng, trong cơn “say chiến trận” họ thường tiếp tục bắn và… không kịp nhảy ra…

Trường hợp điển hình nhất của tình huống này là ở một liệt sĩ khác: Tư Cầu Muối. “Có những lúc muốn hái hoa rừng, anh gửi tặng em thêu áo, và ngàn vì sao trên trời xâu thành một chuỗi em đeo. Và vì, đời lính không giàu mà cũng không nghèo – anh yêu em!”. Sau giải phóng, tôi công tác ở miền Nam mười một năm, dò hỏi nhiều người sành nhạc và vẫn không thông tỏ được bài hát nào có ca từ này. Ca khúc này Tư Cầu Muối đã hát cách nay 40 năm khi còn là học viên lớp K và không biết nghiệp chướng nào đưa đẩy một sinh viên Hà Nội lại được bạn bè đặt cho cái biệt danh “đao búa” và ngã xuống tại một ngã tư có tên “Ngã tư Bảy Hiền” – cách cổng Dinh Độc Lập chỉ ba vòng cua hành tinh. Đó là cả một trường đoạn mà tôi muốn kể trong phần cuối phóng sự này có tên “Bốn mươi năm sau”.

---------------

Danh sách 14 liệt sĩ : Nguyễn Ngọc Bính ( đại học bách khoa), Nguyễn Tự Chính( B.K), Phùng Anh Dũng( B.K), Lê Phú Hải( T.H), Đào Đức Hảo ( B.K), Nguyễn Trọng Hoài( TH), Nguyễn Văn Khoa(T.H), Hán Đức Lĩnh( Đại học nông nghiệp), Ngô Ngời(B.K), Lê Minh Tân( B.K), Nguyễn Văn Thành( N.N), Nguyễn Văn Thảo(B.K), Nguyễn Văn Tư(B.K), Đinh Quang Việt(T.H).

Kỳ 2

Kỳ 1

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn