Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Dưới chân Phăng-si-păng" của Hồng Phi

29-06-2011 09:37:52 AM

VanVN.Net - Nhà văn Hồng Phi viết truyện ngắn "Dưới chân Phăng-si-păng" từ năm 1957. Một câu chuyện được viết khá hiện đại cách nay đã 54 năm, được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, những trang in đã ngả màu và đôi chỗ bị mờ nhòe.

Bạn đọc ngày nay có thể hình dung ra những bám víu để tồn tại, những lề thói lạc hậu và cuộc sống đầy rẫy bất trắc của người Mèo, cũng coi như đại diện cho những tộc người dưới chân đỉnh Phăng-si-păng, ngay sau ngày hòa bình đã được lập lại, mà họ - những con dân của vua Mèo vẫn lo sợ và nghi hoặc, không dám tin vào một cuộc sống mới đã đến gõ cửa lều.

Mới rồi, trong một cuộc hội ngộ bạn bè, một nhà thơ thốt lên: tôi đang định đi Phăng-si-păng đây. Một nhà thơ khác liền đem máy tính ra mở cho mọi người xem cảnh mà anh đã ghi lại trên dọc đường lên Phăng-si-păng. Mấy người Mèo dẻo dai như báo cõng những du khách bị mỏi gối chồn chân giữa lưng chừng vách đá. Cảnh căng lều ngủ và ăn bữa chiều thơ mộng bên bờ suối. Hoa đỗ quyên nở rực cả một khoảng rừng...

Tôi nghĩ rằng, con cháu của anh Sài trong câu chuyện của Hồng Phi đã như những nhánh rễ tùng và bách mọc tua tủa bên thung. Và con chim phượng hoàng bay trên đỉnh Phăng-si-păng ngày nào đã mang đến cho người Mèo trong ước mong giản dị của họ: muối và gạo.

Có thể 54 năm trôi qua, họ đã có thêm những ước mong nhiều hơn thế... 

(Nhà văn Võ Thị Xuân Hà)

Con dao cùn cạo kin kít vào mảnh tre, những sợi tre trắng xốp rơi lả tả xuống đất. Ông già tỳ cằm vào đầu gối, bàn tay lặng lẽ đưa dao lên xuống. Sợi nào to, ông nhặt ra vứt đi. Bà cụ thỉnh thoảng lại rên hin hít, nắng vàng qua khe vách gỗ đọng lại đầy mặt bà làm cho nét mặt càng tái nhợt. Mỗi lần bà rên, ổ cỏ bị động, đứa bé nằm dưới chân lại xích ra, kề bếp lửa, toàn thân nó trần trùng trục. Tiếng rên không làm ông già chú ý, vẫn tiếng kin kít của lưỡi dao cùn miết vào thớ tre già.

Chợt bà cụ vật mặt úp xuống ổ nói:

- Ông không ra xin vua tha cho nó đi. Nó về mà làm ăn làm mặc chứ. Nó chết thì ai làm cái nương, làm sao có cái ăn, chết cả thôi.

Ông già vê một rúm sợi tre, nạp vào điếu. Ông thu sức rít một hơi, cái bừu ở cổ chạy lên chạy xuống. Những sợi tre này trước chỉ dùng lót thuốc châm hương cho bén nay nó thay cho thuốc. Nó ngái, nó khét nhưng ông hút liền một lúc hàng chét tay chặt, cạo đến đâu hút hết đến đấy. Hút đến sặc khói, vất điếu, ông ra cửa lều ngồi.

Kia rồi! Ông thần mặt ra nhìn trái núi trước nhà. Kia rồi! Người Kinh gọi nó là Phăng-si-păng, đầu nó chạm vào trời cao, lưng nó dựng đứng thành vại lởm chởm đá sắc, màu xám sịt. Con cái của nó tua tủa đầu non quây quần quanh chân mẹ. Nó sừng sững, nó thở hơi ngùn ngụt, những tảng mây xám cuồn cuộn vần đi vần lại trên mình nó. Ruột gan nó như bị cháy ghê gớm, nó sắp vỡ tung. Ông già run rẩy đứng dậy mồm lập bập:

- Về đi, những con phượng hoàng! Về cứu Sài cứu người Mèo chúng tôi.

Ngày xưa xa lắm, người Mèo cũng đã sống dưới chân núi này. Bấy giờ người có ít, đói rét, ốm đau dần mòn chết hết chỉ còn một thằng bé. Thằng bé ấy mà chết nữa thì hết giống người Mèo. May sao khi ấy có một con chim lớn lắm, người Kinh gọi tên nó là phượng hoàng; con chim đã cứu sống đứa bé. Đứa bé lớn dần lên và thành ra ông tổ của giống người Mèo đen sống dưới chân dãy núi Phăng-si-păng ngày nay. Bây giờ chim phượng hoàng không xuống dưới này, nó ở mãi trên đỉnh ngọn Phăng-si-păng và cứ ở trên ấy suốt.

Không biết đã bao lần ông già cứ ra ngồi trông núi mà thầm mong con phượng hoàng ngày xưa trở lại. Nhưng chim vẫn không xuống cứu ông, chỉ thấy trái núi vẫn đứng đó, đùa khói nghi ngút cả bầu trời. Buồn nản, ông quay sang mấy quả đồi trọc trước mặt. Dù trắng, dù vàng, dù xanh căng ngổn ngang bừa bãi, những bóng người đi lại nhớn nhác. Mỗi khi nhìn cảnh đó, y như ông nhắm nghiền mắt lại và chuyện cũ hiện ra trong đầu.

Một đêm giá rét, một người cưỡi ngựa bay đến làng ông la lớn:

- Vua ra đời! Vua của người Mèo ra đời!

Người đó đến nhà ông nói:

- Một người đàn bà có mang đến ba năm không đẻ, khi đẻ ra đứa bé con đã to lớn và già ngay như một người bốn mươi tuổi. Thế là vua đấy. Vua là của người Mèo, cỏ de sẽ mọc thành lúa bạt ngàn rừng núi, người Mèo không phải làm lụng vất vả cứ việc mặc áo đẹp mà ăn chơi. Vua có nhiều phép lắm, không giống người nào làm hại được người Mèo. Muốn thế phải dọn đến ở dưới chân núi Phăng-si-păng, chỗ vua ở đấy. Người Mèo phải quây quần lại để chống chọi với giống người khác. Bỏ ngay làng này đi.

Nói rồi, người đó lại đến nói với nhà khác. Mọi người túm tụm xì xào. Trải mấy đời loạn lạc, các giống người giết lẫn nhau, khổ quá. Phăng-ký ([1]), thổ phỉ hoành hành, giống người Mèo điêu đứng lắm. Đến ở với vua, sẽ được sung sướng. Giời thật là giúp người Mèo.

Thế là gia đình ông bỏ nhà, bỏ ngựa, bỏ lợn đến sống với vua. Một hôm, tàu bay của Phăng-ký ì ì suốt ngày thả xuống cho vua bao nhiêu súng đạn, gạo muối và bao nhiêu quân biệt kích. Tàu trắng vẫn lẩn lút cướp phá trong rừng sâu cũng đến làm quân của vua. Phăng-ký khai hội với vua lâu lắm, rồi Phăng-ký lên tàu bay đi. Không hiểu sao quân biệt kích cứ bắn theo tàu bay mãi. Sau, vua phân phát gạo, muối, thuốc lào cho mọi người, sướng lắm. Rồi vua lại cho mỗi con trai một khẩu súng để gìn giữ lấy người Mèo.

Người Mèo chờ mãi cỏ de không thấy thành lúa, tàu bay mãi không thấy lên. Trước vua còn vay gạo dân, sau vua cho quân đi cướp các làng. Khi đó có tin bộ đội chính phủ lên đầy các làng. Đêm đêm vua đem quân đi đánh úp bộ đội. Súng nổ, người Mèo phấp phỏng lo sợ. Sài, con giai ông đi trận bỏ về bị vua đánh gần chết và giam lại một chỗ. Người Mèo đói quá, rồi ốm đau, có người chết, không dám về cái làng, không dám đi đến đâu, vua giăng mìn tất cả. Những túp lều dân đến ở với vua càng ngày càng đổ nát, ai cũng khổ quá.

Cứ như thế, ông già tin vua sẽ không đem lại sung sướng cho người Mèo. Ai cứu giúp người Mèo bây giờ? Chim phượng hoàng vẫn chẳng hôm nào xuống núi...

Trời đổ mưa hết rừng, không trông thấy núi nữa. Ông già chán nản quay trở vào. Một tiếng mìn nổ dậy rừng xanh, núi đá rung mãi. Ông giật mình, sao lại có tiếng mìn nổ trên lưng núi Phăng-si-păng, người ở đây có ai dám lên đấy đâu. Ông già biết là sự không may mà ông chờ đợi phấp phỏng lâu nay đã đến: Bộ đội đến đánh vua!

Trời tối dần, tiếng súng loạn xạ một hồi rồi im hẳn. Im lặng nặng nề. Tiếng chân người chạy rậm rịch. Tiếng quát tháo, tiếng vua vọng từ trên đồi cao:

- Anh em không sợ. Tôi đã ra phép, bộ đội sẽ bị mưa lũ cuốn tuột xuống vực sâu. Pháp vừa đánh điện lên khen ngợi anh em và mong anh em cố hoạt động, không bao lâu Pháp sẽ quay lại. Rừng núi này là của anh em, bộ đội không làm gì được. Trong trận này...

Ông già không nghe thấy vua nói gì nữa, mưa át hết. Thật rồi, bộ đội đến rồi, bộ đội sẽ giết hết. Bộ đội là giống người khác không yêu thương người Mèo. Bộ đội cướp đất của người Mèo cho người Kinh ở, cướp của của người Mèo cho người Kinh. Nó giết, nó đánh, nói trói, bắt đi dân công, bắt nộp thuế! Người Mèo phải xa nhà, phải trói thì khác gì chết rồi, sống làm sao được. Chính mắt ông cũng trông thấy bộ đội một lần, nó bắt được một người ở bản ông làm phỉ, nó bắn luôn. Chuyện xảy ra đã lâu lắm nhưng ông còn nhớ mãi. Một lần tàu bay của Phăng-ký bỏ bom bộ đội, bộ đội không chết mà chết bao nhiêu người Mèo...

Sáng ra, mọi vật vẫn im lìm. Con ông đói, nó khóc nhó nhé mãi. Sau khi đẻ Sài, mãi đến 50 tuổi vợ ông mới đẻ đứa này, nó ốm quặt quẹo lắm. Bà cụ vẫn nằm đó, rên hin hít, bà đang lo cho số phận của Sài. Áo của người Mèo đen là kiểu áo mở ngực nhưng chỉ lộ vừa rõ hai cái vú ra ngoài thôi, áo của bà bạc và nhầu nát hở cả ngực và bụng. Những giọt nước mưa chảy thành từng ngấn trên bộ ngực két bẩn và tóp teo của bà. Không biết mưa có trôi tuột bộ đội xuống vực sâu được không? Bộ đội được vua thì Sài chết mất. Vua được thì Sài cũng chẳng được tha, người Mèo vẫn khổ. Cứ nghĩ thế bà lại rên to hơn. Tiếng mìn nổ ngày một gần, một dồn dập. Chắc bộ đội chết nhiều lắm. Chắc nó giỏi lắm, trèo qua cả Phăng-si-păng đánh xuống.

Bỗng một hồi còi đồng nổi lên choang choang, túp lều rách nát run bần bật. Súng nổ loạn xạ. Tiếng khóc inh ỏi. Sợ quá mà không chạy đâu được, ông bà già vội ôm lấy thằng bé ngồi tụm vào một góc lều. Sợ, đói, rét, ốm làm cho cả ba đờ dại như những cái xác không hồn. Mọi người chờ đợi sẽ có những quả trái phá phá tung mấy chục cái lều, người Mèo chồng chất lên nhau mà chết...

Thằng bé vội trườn ra khỏi lòng mẹ và bò ra ngoài ngưỡng cửa. Nó quay lại nhìn bố, đôi mắt mở to. Ông già cũng đã trông thấy rồi: một người bộ đội đang đứng trước cửa nhà ông. Bà cụ chưa kịp rú lên đã nằm lăn ra ổ cỏ. Chạy bây giờ thì chết, nhưng cứ ngồi im thì không chịu được. Ông rón rén lại chỗ thằng bé. Một bộ đội quần áo xanh sột soạt đứng lăm lăm khẩu súng, đầu nó đội cái mũ lưỡi trai. Đúng rồi, vua đã bảo cái quân mũ vải lưỡi trai này còn tàn ác gấp mấy lần cái quân mũ mõm trâu nhiều. Quân mũ mõm trâu đã đến làng ông, quân ấy còn giết người như thế thì quân này phải ăn thịt người. Hai mắt nó sắc như mắt chó sói, thật không giống người Mèo chút nào.

Ông vội kéo con lui vào trong. Thế là vua đã thua rồi, phép vua cũng chẳng được bộ đội. Chỉ khổ cái con trai cầm súng cho vua đánh lại bộ đội, bộ đội giết hết mất. Ông lo cho Sài nhiều quá, nó bị giam ở một chỗ thì chạy sao được. Nhưng sao bộ đội nó không sục vào nhà đâm cho gia đình ông mỗi người một nhát?

Tiếng súng đã im hẳn mà ruột gan ông vẫn quấn vào nhau. Tối đến, người Mèo vẫn chưa ai chết vì súng đạn. Ông nướng lại mấy cái bánh ngô làm bữa ăn. Qua một ngày hãi hùng, các túp lều lại lên khói. Nghe động ngoài cửa, rồi Sài lù lù chui vào lều. Cả nhà kinh ngạc, bà cụ bật dậy trợn mắt nhìn con rồi lại nằm vật xuống ngay. Sài ngơ ngác nhìn bố mẹ, miệng câm như hòn đá. Ông già hỏi:

- Sao mày lại được về đấy?

Sài ngồi thụp xuống bếp hơ tay trên lửa, như mỗi khi đi nương về. Ông già yên lặng, lật những cái bánh ngô trên than. Thằng bé nhí nhoáy đòi ăn. Sài như suy nghĩ cái gì. Bà cụ nhìn con, vẫn cái đầu tóc rối bù vàng hoe, hai con mắt vẫn xanh trong, chỉ khác mỗi cái quần biệt kích dầy cộp chằng chịt những túi. Nhìn cái quần, bà bỗng thấy con khang khác. Hai cánh tay săn chắc của Sài đã cướp phá, giết chóc bao nhiêu người từ khi làm quân của vua đến nay. Lâu lắm, Sài mới nói:

- Bộ đội phá nhà giam tha tôi đấy. Bộ đội bắt được phỉ tha hết. Không giết, không đánh, không trói.

Ông già ngạc nhiên nhìn con. Sài tiếp:

- Vua chạy thoát.

Vua chạy thoát! Thế là vua để mặc cho bộ đội làm khổ người Mèo. Nhưng bộ đội sao không thấy làm ác? Ông già khó hiểu quá.

- Bộ đội tha tôi, tôi đã chỉ cho chúng nó kho súng đạn của vua giấu trên núi xanh. Chính phủ sẽ thưởng 30 cân gạo, cho trước 5 cân gạo và một cân muối về cho bố mẹ.

Mắt ông già sáng lên. Ông vội giở tung bọc của Sài. Bà cụ lại bật dậy, thằng bé sà vào. Cả nhà xúm vào nhau bốc từng nắm muối cho lên miệng. Sài ngây người nhìn bố mẹ và em, trong óc Sài chợt hiện ra một người con gái thổi kèn lá lúa, tỉ tê đợi chờ mong ngóng Sài trở về. Sài bốc một nắm muối chạy vụt ra cửa. Thằng bé con nhìn theo nắm muối tiếc rẻ, tiếng muối vỡ sạo sạo trong miệng nó.

 

Đoàn bộ đội hăm hở leo đồi. Ba lô, súng đạn thênh thênh. Chim hót, gió nhẹ, núi non hùng vĩ. Họ đi làm nhiệm vụ an dân. Sau trận đánh, chủ trương của trên là phá trại tập trung của thổ phỉ bằng cách giáo dục nhân dân tự động bỏ về làng cũ. Trại tập trung còn, âm mưu gây phỉ của Pháp, Mỹ còn, nhân dân còn khổ sở. Hoà bình đã trở lại trên toàn đất nước, nhưng nơi đây, mới ngày hôm kia hãy còn là một bãi chiến trường.

Những đồi cỏ de nở bông đỏ sáng, dập dờn như những lưỡi lửa khổng lồ. Lâm là người vui nhất, tuy biết nhiệm vụ mới sẽ gay go gấp mấy lần tác chiến. Dưới chân đồi, đã hiện ra mấy chục cái lều rải rác trong một vũng bùn lớn. Mọi người chia tay nhau, hứa hẹn:

- Từ giờ chúng ta là một đội quân chính trị.

Lâm đến trước một túp lều hơi cách xa những túp lều khác, đổ nát hơn cả. Có tiếng trẻ khóc. Lâm hồi hộp, không biết nó khóc buồn hay khóc vui. Lâm bước vào, đứng sững lại. Một thằng bé bị vật ra giữa nhà, một ông già giữ đầu, một thanh nhiên giữ chân và một bà cụ đổ nước điếu vào cái bụng to phình của đứa bé vừa véo da bụng nó dứt thật mạnh. Nó bị đau, cựa không được, càng khóc khỏe. Nó càng giẫy, người ta càng véo mạnh, nó rú lên như người bị hành tội. Lâm đoán nó bị đau bụng và người ta đã chữa cho nó bằng cách như thế. Lâm lẳng lặng gạt mọi người ra, cởi áo bông của mình định đắp cho thằng bé. Bà cụ rên lên the thé và vất áo của Lâm đi. Lâm ngạc nhiên nói:

- Nó bị lạnh đấy mà, tôi sẽ chữa khỏi.

Không ai trả lời. Bà cụ vẫn tiếp tục công việc của mình một cách tin tưởng. Lâm lấy lọ dầu xoa ra định xoa cho đứa bé, bà cụ lại hét vào mặt Lâm. Người thanh niên khó chịu nhìn bà cụ rồi giằng đứa bé ra. Lâm xoa dầu và ủ thằng bé cho ấm, nó nín bặt. Lâm hơi ngại cho cái áo bông của mình bị dây nước điếu hoà lẫn với cáu bẩn ở người thằng bé nhưng thấy nó nín cũng yên lòng. Thằng bé bỗng mở mắt, nó đang ngạc nhiên về cái mặt lạ của Lâm, thốt nhiên nó hét rầm lên. Nó đã trông thấy cái mũ vải lưỡi trai, mắt nó xanh xám. Bà cụ vội chạy lại đòi nó trong tay Lâm và lại ríu ríu ngã vào ổ. Đứa bé rúc mãi mặt vào bụng bà cụ không dám thò ra nữa. Im lặng, khó chịu. Lâm chợt bắt gặp người thanh niên nhìn trộm mình, cặp mắt xanh trong. Lâm nhận ra ngay người đã dẫn tiểu đội mình đi lấy kho súng đạn của phỉ hôm nào. Sài thấy bộ đội chăm chăm nhìn mình thì lủi ra ngoài. Sài không muốn giáp mặt bộ đội. Sài muốn đi tìm Lay, người con gái giỏi thổi kèn lá lúa từ hôm về Sài đã lại gắn bó không lúc nào rời được.

Ông già vẫn ngồi im bên bếp nhưng những đầu ngón tay của ông rất bối rối, sờ vào than hồng không thấy bỏng. Lâm lấy thuốc lào của mình ra cho ông già hút và nói:

- Tôi là bộ đội Cụ Hồ đến đây làm chung ăn chung với gia đình để giúp đỡ gia đình sản xuất, không cho thổ phỉ quấy nhiễu nữa, cụ đồng ý chứ?

Im lặng. Lâm nhắc lại câu nói. Ông già lắc đầu quày quạy:

- Tri pâu è! (Không biết đâu!)

Tiếng ông cụ kéo dài đườn đượt. Lâm bật buồn cười nghĩ đến cái tên mà người ta đã đặt cho đồng bào ở đây: “dân tri-pâu”. Nhưng Lâm cau mày lại ngay, làm sao làm ăn được bây giờ? Phải nói, dù người ta không biết tiếng cũng nói.

- Cụ à, Pháp thua ta đã ký chữ đình chiến với chính phủ. Nhưng nó còn ngoan cố xúi dục bọn đầu sỏ thổ phỉ bắt anh em ta cầm súng chống lại chính phủ, phá hoại hòa bình của ta. Nay bộ đội đến cùng nhân dân đoàn kết tiêu phỉ để nhân dân được sung sướng.

Ông già sửng sốt. Nó nói có lý. Thảo nào tàu bay của Phăng-ký mãi không thấy lên, vua lại cứ bảo tàu bay còn bận đi khai hội. Vua có nhiều phép lạ mà cỏ de không thành lúa, mưa không trôi tuột bộ đội xuống vực sâu, có lẽ vua là đầu sỏ thổ phỉ. Bộ đội nói tốt đấy nhưng nó chỉ tốt lúc đầu thôi, sau nó mới làm ác. Mà sao nó lại đòi ăn chung với ông làm gì, cái người Kinh thâm bụng lắm, biết nó làm tốt hay làm xấu. Ông vẫn ngồi im, biết tiếng Kinh nhưng ông không nói.

Lâm càng sốt ruột. Mấy con chim đến rỉa lông trên cây hoa đào ngoài cửa lều, nó hót rất vui, nó nhảy nhót rất thoải mái. Nắng ấm mùa xuân lung linh trên những cánh hoa đào mở rộng. Hơi núi không quẩn quanh ở dưới nữa, nắng đã vén mây lên chóp những đỉnh núi cao, trông núi bây giờ như những người khổng lồ có những đầu tóc bạc đứng lặng yên. Và, bây giờ Lâm mới ngửi thấy mùi thối khẳn trong lều. Những bãi phân người, bãi còn ướt, bãi đã khô nằm rải rác bên ổ cỏ, bên nồi niêu bát đĩa. Lâm nẩy ra ý mới. Anh đứng dậy hót những bãi phân đó vất ra xa, lấy cuốc cào bùn quanh lều thành rãnh cho nước chảy. Phân và bùn hôi thối đến ngạt thở làm Lâm nhớ lại lúc bé đi ở cho địa chủ hàng ngày phải chui vào quét dọn chuồng lợn hàng chục con của nhà nó. Lợn ăn cơm nên cứt cũng hôi thối nồng nặc như thế này. Nhưng ngày đó Lâm còn biết sợ hôi thối chứ những người này ăn nằm lẫn với phân bùn cũng không biết bẩn. Tự nhiên Lâm thấy xót xa đã có những dân tộc rét, bệnh tật mà bị tiêu diệt. Nghĩ thế, Lâm làm mạnh bạo hơn lên.

Bà cụ từ nãy vẫn nằm một chỗ nhưng không bỏ sót qua một cử chỉ của người bộ đội. Bà không hiểu nó nói gì với ông cụ nhưng cứ trông nó làm lụng ngoan hơn thằng Sài, chắc nó cũng người tốt thôi. Bỗng bà hét lên, Lâm vội đặt bịch ống nước đái xuống. Bà xổ ra giữ Lâm không cho mang ống nước đái đi. Lâm ra hiệu nó gần nhà, nó bẩn, sinh bệnh. Bà cứ vừa kêu vừa giằng ống nước đái đặt vào chỗ cũ. Lâm nhớ đến sách: tôn trọng phong tục của nhân dân, nên thôi. Lâm chạy vào ôm lấy đứa bé như người chị yêu em. Lâm lấy thuốc đỏ bôi vào những mụn lở loét của thằng bé. Nó lại nhìn thấy cái mũ vải lưỡi trai trên đầu Lâm, giẫy nẩy. Lâm nựng, Lâm hát rồi vắt nhử mũi cho nó. Nó bị buồn, bật cười khanh khách. Tiếng cười dội lên trong căn lều lạnh ngắt. Phấn khởi, vững dạ Lâm vừa ôm thằng bé vừa gợi chuyện bà cụ. Biết bà đang sốt rét, Lâm lấy ký ninh ra hiệu cho bà uống. Bà lắc đầu. Sài về, nhìn quang cảnh gia đình đầm ấm tươi vui hơn trước, lòng ngại Lâm cũng đã giảm. Sài nói gì với mẹ. Bà vội nhổm dậy vơ lấy hai viên ký ninh bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến, cả cái mồm bị vàng khè nhưng bà cụ nhai rất ngon lành. Lâm vui vui, thấy kết quả bèn lân la đến chuyện thổi cơm ăn cùng và ngủ cùng. Ông già chẳng bằng lòng một cái nào. Lâm năn nỉ mãi, ông già vất ba lô của Lâm ra sân. Lâm tức giận nhìn vào mặt ông già, nhưng ánh mắt của Lâm vội dịu ngay: người ta chưa hiểu mình. Lâm cứ ra cửa đứng cho tới khi trời tối mịt, sao lấp lánh nạm bạc quanh ngọn Phăng-si-păng đen sì. Lâm thấy cô đơn, thèm khát không khí ấm cúng ở đơn vị.

Chỉ còn mỗi khoảng đất bên ống nước giải là khô ráo không bị bùn lầy. Lâm căng màn nằm ngủ ở đấy. Mùi hôi thối hầm hập bên mình, sương lạnh lùa vào đầy màn. Cố quên, Lâm nhìn sao tính toán công việc ngày mai. Cũng giờ này, bao nhiêu đồng chí phải lặn lội trên rừng lùng sục thổ phỉ để mình yên ổn làm công tác, mình phải cố gắng, đầu tiên là phải học tiếng Mèo mới được. Khẩu súng bên mình ấm dần hơi người, Lâm mệt thiếp đi...

Càng khuya gió càng lạnh, con chim éc lợn kêu thảm thiết. Ông cụ đã trông thấy rõ ràng cái màn trắng của Lâm ở ngoài cửa. Thằng con cũng trông thấy, cựa quậy mãi không ngủ được. Ông không ngờ bộ đội nó làm ra thế, ông đã làm ác với nó.

Từ bé đến giờ ông rất sợ phải làm ác cho người khác nhưng chính bây giờ ông đã làm ác với nó trong khi nó tốt nhiều, nhiều hơn cả người Mèo đối với ông, cả Sài đối với ông. Ông nhớ lại mấy ngày hôm nay, ông thấy khác quá. Từ người bộ đội đứng ở cửa lều nhà ông hôm nổ súng đến người bộ đội này, toàn người tốt. Vua bảo quân mũ lưỡi trai này ăn thịt người nhưng chắc không phải. Bộ đội tha Sài, lại cho nhà ông gạo muối, thật còn tốt hơn vua nhiều. Những tiếng “hòa bình” “đầu sỏ” “thổ phỉ” “Pháp thua không bao giờ lên nữa”, lởn vởn trong đầu ông. Ông bỗng nhổm dậy... “Bộ đội là phượng hoàng chăng?”. Thế thì người Mèo sắp sung sướng rồi. Thế mà ông quá sợ vừa làm ác với bộ đội!...

Cánh cửa lều từ từ mở. Một bàn tay lay người Lâm. Lần đầu tiên ông già nói với Lâm, bằng tiếng Kinh:

- Mày vào nhà tao mà ngủ. Đừng giận tao ([2]) làm ác nhé!

Lâm ngạc nhiên nhìn lên mặt ông già. Những hằn lõm, vệt gồ trên khuôn mặt trong bóng đêm đều rủ xuống. Lâm chỉ biết ôm vội lấy thằng bé, nó cũng chạy ra theo bố.

- Mày phải cất cái này đi. Lý người Mèo kiêng đấy.

Lâm vội cất ngay cái màn. Ông già biết tiếng Kinh, chịu nói với Lâm, lại chịu chỉ bảo Lâm cất màn chứ không có thái độ lạnh nhạt như trước. Còn gì vui sướng hơn cho Lâm.

 

Ông già tuy đã rõ bộ đội thật bụng với mình nhưng ông không muốn về làng cũ. Ông còn nhà, còn ruộng, còn ngựa, còn lợn ở làng cũ. Ông biết từ khi bộ đội đến đã trông nom ngựa lợn của ông chu đáo; về đó thì sẽ được sung sướng, nhưng ông chưa muốn về. Vua thường nói người Mèo ta như hòn đá, như cái cây mà bộ đội như con chim. Chim luôn nhảy nhót, không bao giờ dừng lại, còn hòn đá, cái cây thì vẫn đứng nguyên một chỗ. Nếu ông về làng cũ tức là bỏ vua theo bộ đội. Khi bộ đội đi, vua quay trở lại tất không để yên. Cứ nghĩ thế, ông dùng dằng, nửa muốn về, nửa muốn ở lại.

Hôm nay Sài buồn lắm, buồn muốn chết chứ không muốn sống nữa. Sài cứ nằm dài không ăn uống gì. Tiếng trống thì thùng gõ vang vào vách núi, núi hất lại rừng, rừng truyền đi mãi. Tiếng trống đám ma Lay. Hôm nay Lay đi nương, dẫm phải mìn của phỉ mà chết. Quả mìn nhẩy lên ngang bụng Lay, nổ tung cả thân thể Lay. Quả mìn đã giết Lay giết cả vui sướng của Sài ở trên đời.

Sài yêu Lay đã mấy mùa xuân. Lay đẹp lắm, má lúc nào cũng đỏ căng, lúc nào cũng cười, hễ động đi là chạy, là nhảy nhót. Ở làng cũ, có một cây đào trên trái đồi con. Đồi trông xuống một con suối lớn, nước suối trong có thể đếm được bao nhiêu hòn cuội xinh, màu đẹp dưới lòng suối. Mùa xuân, hai người tình tự với nhau ở đấy. Mà chả phải mùa xuân, Sài cũng thổi kèn lá lúa tí toét gọi Lay ra. Lay thường nói: “Cả làng, Sài là người nhiều yêu nhất”. Hai người nhận cây đào là của họ. Và không hôm nào là không ra đấy để thổi kèn cho nhau nghe, hoặc hát, hoặc chờ sương buông kín không ai trông thấy nữa...

Sài còn nhớ mãi một buổi sáng rủ Lay đi hái đào mang xuống chợ đổi muối. Đào đầy rọ, hai người dừng lại trên bờ suối, lừa ngựa nhẩy giỡn xung quanh. Lay cởi sà-cạp quấn chân, vén quần lội xuống dòng nước. Đôi chân tròn trĩnh của Lay ở dưới nước càng thêm bụ càng thêm trắng. Đôi vú của Lay đỏ hồng dưới nắng, căng mập. Sài ném một quả đào xuống bên Lay bảo:

- Quả đào nó bơi đến chơi với Lay kìa.

Dưới đáy nước trong vắt, quả đào láng đến nằm lại trên mu bàn chân người con gái. Lay cười đỏ mặt, di nát quả đào vào những hòn cuội. Thịt đào ngoi lên mặt nước rồi trôi theo dòng. Sài nhảy xuống bế thốc Lay lên, cứ thế chạy đi khắp cánh đồng và ngược lên trái đồi có cây đào của họ...

Bây giờ những cảnh đó không còn nữa, Sài không biết lấy ai để mà yêu mà sống. Không có người yêu, núi rừng mây suối cũng chả làm cho Sài vui được. Từ ngày theo vua, không được tự do về với Lay. Sài đã khổ lắm và chỉ muốn bỏ về. Những hôm bị giam, Lay không dám đến thăm, Sài càng khổ hơn. Cho đến hôm được bộ đội thả, nối lại nguồn vui với Lay, Sài sung sướng, quên hết tội ác, sợ hãi. Nhưng nay Lay đã chết rồi, Sài sống sao được!...

Tiếng trống vẫn thì thùng. Hình ảnh xác Lay nằm giữa nhà, người ta đánh trống thổi kèn bè thâu đêm làm ma cho Lay làm Sài đau đớn khổ sở. Chỉ ngày mai, người ta sẽ chôn Lay xuống đất và Sài chỉ còn lại một mình. Ai đã làm cho Lay chết? Ai đã làm cho Sài khổ sở? Ai giăng mìn? Ai? Chỉ có mỗi mình nó! Vua cái gì nó, nó giết Lay, nó làm khổ Sài. Sài tìm ra đứa giết Lay, thế mà mình đã theo nó đi làm ác, Sài khóc hô hô.

Ông già cũng không sao ngủ được. Nằm nghe tiếng trống kêu ở nhà Lay, cái núi đá nó kêu lại mà ông tưởng cái chết đang đến với ông. Nghe tiếng Sài khóc, ông đến bên con, biết nó đang khổ lắm. Sài giận dữ nói với bố:

- Về làng cũ thôi, ở đây khổ lắm.

Ông già run rẩy đi đi lại lại. Một hồi tù và của ông thầy cúng rúc lên, rừng núi sợ hãi nằm im thin thít. Lâm nói:

- Ở đây thì còn khổ mãi, không bao giờ hết khổ được.

Ông già nắm lấy tay Lâm, mắt sáng lên. Lâm nhìn vào mắt ông già nói nữa:

- Chính phủ muốn cho người Mèo hết khổ, được sung sướng như người Kinh. Bộ đội không đi đâu cả, cứ ở đây mãi bao giờ người Mèo hết khổ mới thôi. Bây giờ bộ đội cùng nhân dân tiêu phỉ, sau này bộ đội cùng nhân dân sản xuất. Người Mèo là con cụ Hồ, cụ không bỏ người Mèo đâu...

Ông già cứ ngồi nghe cán bộ Lâm nói mãi. Tuy ông không hiểu hết nhưng chắc chắn toàn điều tốt lành cả. Ông mường tượng thấy chính phủ là một cái gì vừa giỏi vừa to, vừa tốt và biết thương người Mèo. Chỉ có nghe lời chính phủ mới được sung sướng. Tiếng Lâm quyện với tiếng trống dồn dập, lại nghe như tiếng con chim phượng hoàng hót lanh lảnh hôm nào...

Ông bảo vợ con:

- Mai ta về làng cũ thôi.

 

Hôm nay gia đình Sài chuẩn bị về làng cũ. Trại tập trung đã vãn dần, những túp lều nát đổ xẹp xuống bùn. Lâm đã về đơn vị từ sớm để thu xếp công việc. Sài vẫn buồn, không phải buồn vì những tội ác mình đã làm mà buồn vì mất Lay. Sài thường đem kèn lá lúa ra thổi những khi buồn như thế. Tiếng kèn não nuột bao nhiêu, Sài càng thương nhớ Lay, càng oán ghét bọn đầu sỏ phỉ bấy nhiêu. Bà cụ từ khi khỏi bệnh cả ngày chỉ ngồi thêu quần. Bên cạnh bà là những thỏi sáp ong, những cuốn chỉ mầu, những cây bút vẽ các cỡ, và cả một nồi nước lá chàm xanh ngắt. Đến công việc này cán bộ Lâm nó cũng làm giúp, nó khéo tay lắm. Thằng bé con càng vui hơn, sạch sẽ lành lặn hơn. Lâm lấy kéo cắt tóc cho nó, phá áo cũ của mình ra may áo cho nó. Không ai bằng lòng làm thế, Lâm lại phải kiên nhẫn giải thích. Nó đã không còn nằm một chỗ, đã thích đi nghịch và tập học tiếng Kinh. Lúc nào nó cũng nghêu ngao một câu hát: “Phăng-ký nhèo, Phăng-ký chi dung” (Pháp còn ở đây, Pháp không tốt).

Chợt gian lều tối sầm, một người to lớn đứng sừng sững ở cửa. Mặt hắn dài thuồn thuột như quả bí, râu ria xồm xoàm. Người lạ lấm lét bước vào lều và ngồi xuống bếp quờ cái điếu. Hắn liếc quanh, những thồ quần áo, nồi chảo đã xếp gọn một chỗ. Không thấy một bóng bộ đội nào, hắn yên tâm, liếc mắt qua ống điếu hỏi:

- Sắp dọn về làng đấy à?

Ông già tự nhiên lặng người đi. Hắn chính là vua. Không hiểu sao vua dám đến đây, không sợ bộ đội sao. Vua nói nữa, tiếng rất nhỏ nhưng ông nghe không sót câu nào:

- Chúng mày tưởng tao thua rồi đấy. Hừ, chúng mày ăn phải lá mê rồi. Tao như ngọn cỏ, bộ đội như làn gió. Gió thổi qua, cỏ chịu nép xuống, nhưng khi gió đi rồi cỏ lại ngóc đầu dậy không bao giờ chịu thua, không bao giờ hết cả. Nay mai Phăng-ký lên ném bom nguyên tử chết hết cả, liệu bộ đội chạy thân nó chưa xong có dám cứu chúng mày không?

Vua nói trúng điều mà ông già thường lo bấy lâu, ông chỉ biết đờ ra như cục gỗ.

- Thằng Sài đã theo tao đánh đập cướp bóc bao nhiêu làng. Bộ đội nó không giết thì người Nùng, người Mán nó cũng giết. Tưởng theo nó mà được sung sướng à?

Ông già lạnh gai cả người. Bà cụ lại vật mặt nép xuống ổ rên hin hít. Hình như lưỡi bà bị rút ngắn nên tiếng rên chỉ nấc nấc ở trong cuống họng. Người lạ tiến đến bên ông già nói:

- Không đi đâu cả. Chỉ nay mai thôi tao sẽ đánh lại đây, tàu bay Pháp sẽ lên giúp đỡ tao. Người Mèo sẽ lại sung sướng.

Rồi hắn tiến lại phía Sài rít lên:

- Mày đã chỉ cho chúng nó lấy hết kho súng đạn của tao, tao biết hết. Tao sẽ giết mày, đi đâu cũng không thoát nổi bàn tay tao, chắc mày hiểu rồi đấy. Muốn được sống thì ngay ngày hôm nay phải giết cho được thằng bộ đội ở nhà này. Giết nó đi, quăng xác xuống vực cho mất tích. Chúng nó sẽ hoang mang, không dám rủ rê người Mèo bỏ nơi đây nữa. Tao sẽ quay lại, thằng ấy mà còn sống thì mày sẽ ra đỉnh đồi ăn đất. Giết được nó, chạy lên rừng với tao, ta sẽ đánh chúng nó ra khỏi nơi đây, ta lại sung sướng...

Hắn cười sằng sặc rồi lùi lũi bước ra.

Lâu lắm ông già mới hoàn hồn. Ông cứ ngồi thế mà lên cơn sốt rét run bần bật. Sài đứng vụt dậy:

- Tôi đi báo bộ đội bắt nó!

Nghe câu đó bà cụ bật dậy, hét tung cả gian lều. Ông già hổn hển:

- Mày muốn giết bố mẹ à, mày còn lạ vua à?

Nhìn bố mẹ Sài ngồi thụp xuống khóc nức nở. Ông già như nói một mình.

- Giời nó định thế rồi, người Mèo phải khổ chứ không sung sướng được. Tối hôm nay cán bộ Lâm không chết thì thằng Sài phải chết. Sài mà chết thì bố mẹ cũng chết cả thôi.

Sài nghĩ gì lung lắm rồi khoác thổ và cầm dao phát ra cửa đứng. Vừa lúc đó, Lâm về. Sài bảo:

- Cái cán bộ ơi. Bố mẹ tao bảo lên nương ngô xem còn sót bắp nào thì lấy về. Sau này dọn nhà rồi không lấy được.

Thế là hai người lên nương. Công tác ngày càng kết quả cộng với phong cảnh đất nước hùng vĩ làm Lâm vui phơi phới. Vừa mót bắp ngô, Lâm vừa hát luôn miệng, toàn những bài ca ngợi hòa bình. Lâm vui vui nghĩ đến khi xong nhiệm vụ về xuôi vinh quang biết mấy. Hậu-địch Vĩnh-Phúc những đêm ngày quần nhau với giặc. Bây giờ đồng bào chắc đương hưởng không khí hòa bình vui vẻ lắm, biết mình đang còn gian khổ ở đây không biết đồng bào nghĩ gì?...

Sài tay sờ cây ngô nhưng mắt cứ liếc trộm Lâm hoài. Ý nghĩ giết Lâm để sống và lòng thương Lâm đánh nhau trong bụng Sài. Giết Lâm thì xấu bụng quá, Lâm nó tốt với mình. Sài căm giận vua lắm, nhưng biết làm thế nào? Sài nghĩ đến những lời nói của vua, đến câu nói của bố. Sài vô giác, con dao phát vung lên. Nó run rẩy trượt trên đầu Lâm và cắm phập vào vai. Tiếng thét. Khẩu súng giương lên, đầu ruồi vừa chạm vào thân hình run rẩy của Sài. Cái cò đã vào nấc thứ nhất, ngón tay trỏ của Lâm chỉ cần nhích một chút là thân hình kia sẽ ngã vật xuống ngay. Một người con trai hiếm hoi của giống người Mèo đen sẽ ngã xuống! Một ý nghĩ vụt đến với Lâm. Không có lẽ... Nó bị mua chuộc. Nó đã tỏ ra giác ngộ nhiều... Quang cảnh gia đình Sài người khóc kẻ mếu hiện ra trước mắt... Nhất định có một bàn tay vô hình nhúng vào... Cây súng rơi xuống đất. Vừa lúc Lâm hoa mắt lả dần xuống thì Sài cũng mới chạy được.

Sài chạy một mạch về đến nhà, quơ vội cái chăn chàm rách nát và mấy cái bánh ngô chạy như điên lên rừng. Thằng bé con đuổi theo anh khóc sướt mướt. Biết là công việc đã gây ra rồi, không kịp suy nghĩ gì nữa, ông già cũng chạy đâm sầm lên núi cạnh lều. Cái chết đang chạy theo ông. Bà cụ quàng vội cái thổ quần áo lên lưng, tay dắt đứa bé săm săm bước ra cửa. Nhưng vừa ra khỏi lều bà đã bị ngã sấp xuống bùn. Bà không kêu không hét như mọi khi mà chỉ thở dốc ra. Bà cố gượng dậy nhưng vẫn không nhấc nổi thân mình lên khỏi mặt bùn. Lo sợ làm cho toàn thân bà nhủn ra, không một tí gân sức...

Máu chảy nóng trên lưng Lâm. Lâm thử nhấc tay lên, cánh tay từ từ lên khỏi mặt đất. À, xương vai chưa bị gãy. Lâm cố ngồi dậy lấy băng cá nhân ra tự băng lấy vết thương. Vết thương đau lắm nhưng trong đầu Lâm còn đau hơn. Hoảng hốt lúc đầu đã qua đi, còn lại lo lắng băn khoăn. Đến tận bây giờ Lâm mới hiểu được hết cái khó khăn gian khổ của công việc mình làm. Nhưng Lâm đã qua được thử thách ban đầu thì bất cứ thử thách nào mới nữa Lâm cũng tin đủ nghị lực vượt qua. Mắt Lâm bỗng gặp vũng máu của mình. Lâm nhớ lại hôm tác chiến, những đồng chí bị hy sinh vì mìn trên cao kia, lưng chừng núi Phăng-si-păng kia. Rừng già, núi hiểm, dốc dựng đứng. Những vũng máu vương vãi trên núi rừng đó muôn đời về sau chắc chẳng ai biết đến, nhưng chắc chắn những cây non ở đó sẽ được thêm sức mà lớn vươn. Lâm đứng dậy, con suối dưới chân mương đã bị bóng tối nhuộm đen. Lâm quyết không trở về đơn vị. Lâm sẽ về ngay nhà Sài. Tình hình chắc thay đổi lắm, cần sự có mặt của Lâm ở đấy.

Bà già không chạy được, bà quay trở lại lều nằm đợi chết. Bỗng bà nhổm dậy, mắt xanh lè. Lâm đã bước vào lều. Nét mặt rất trìu mến. Lâm nói với bà, bằng tiếng Mèo:

- Mẹ đừng sợ.

Bà ngạc nhiên nhìn những vết máu khô đen trên áo Lâm:

- Mẹ đừng sợ. Con hiểu rồi, con không giận Sài đâu.

Bà cụ kêu lên một tiếng rồi chạy lại ôm lấy chân Lâm. Không ai có thể tốt bụng bằng Lâm nữa, nó không giận cả người đã chém nó. Bà khóc sướt mướt, những giọt nước mắt trong vắt chảy trên gò má khô cằn. Lâm cúi xuống nói gọn từng tiếng:

- Mẹ ạ con biết là có đứa dọa nạt Sài, chứ Sài không phải giống người ác. Sao mẹ không báo cho con biết để chính phủ trị tội nó. Nó còn chưa bị bắt thì người Mèo còn khổ.

Lâu lâu Lâm ứa nước mắt nói:

- Nhân dân ta đông, bộ đội ta đông. Ta sợ gì nó. Nếu nhân dân một lòng một dạ với chính phủ thì nó làm được việc gì?

Bà già chợt nhận ra lẽ phải. Sài nó cũng bảo thế nhưng chỉ tại bố mẹ nó sợ hãi vua đến nỗi không nghĩ gì đến lẽ phải được nữa. Bà vùng dậy, đi nhai lá đắp vào vết thương cho Lâm. Lâm nằm im như đứa trẻ con được mẹ hiền chiều chuộng. Ánh lửa làm cho Lâm nhận thấy nét mặt bà cụ khác hẳn. Và bà, lần đầu tiên, nói tiếng nói của con người:

- Một tý! Nằm im một tý! Một tý nhá! Mày tốt nhiều quá!

Khi ấy Sài đã chạy lên rừng. Ngọn lửa bùng lên, liếm đi một khoảng sương lạnh. Bóng Sài rung rinh trên vách hang, tiếng lá rơi, thỉnh thoảng tiếng hươu gộ. Sài ngồi im nhưng trong đầu Sài con dao phát vẫn quơ lên, Lâm máu me ngã xuống. Chính mắt Sài đã trông thấy nòng súng đen ngòm của Lâm chĩa vào mình rồi, sao súng không nổ, Sài không chết. Giá bấy giờ cái súng nó nổ đạn xuyên qua ngực Sài, Sài nằm xuống chết ngay có phải hơn không. Bây giờ thì thôi. Rét thế này có chịu mãi được không? Mai kia lấy gì mà ăn? Sống đói rét trên rừng sống mất Lay thì còn khổ hơn chết nhiều lắm. Mà nhất định là bộ đội sẽ giết hết bố mẹ của Sài. Không hiểu sao Sài lại dại thế, cứ để vua nó giết mình thì bố mẹ còn được sống, cán bộ Lâm còn được sống không? Bây giờ thì chẳng ai được sống cả. Sài nhìn bàn tay của mình, bàn tay đã giết người. Sài khóc thút thít. Sao buồn thế khổ thế Lay ơi! Sài có muốn giết người đâu, có muốn làm ác đâu. Sài chỉ muốn sống yên vui thôi. Sài không muốn sống nữa đâu, Sài cũng muốn chết theo Lay đây. Giá bây giờ chém cho vua một nhát, nó chết đi, có phải bao nhiêu người khỏi khổ không. Nó cũng là xương thịt, lại có mỗi một mình, sao người Mèo mình cứ sợ nó. Phải rồi, người Mèo mê mẩn cả rồi. Nghĩ thế, Sài lại muốn sống để trả thù. Chỉ có giết thằng tướng phỉ ấy thì ta lại sống sung sướng ngay thôi.

Có tiếng động ngoài cửa hang, Sài vùng chạy.

- Sài ơi, bố đây!

Nghe đúng tiếng bố, Sài đứng dậy giận dữ nói với bố:

- Tôi bảo đi báo bộ đội bắt nó, bố mẹ không nghe bây giờ thì chết hết.

Ông già nhắc lại lời con:

- Chết hết...

Rồi ông mệt nhọc ngồi xuống bên đống lửa, sương đêm, nước mắt nước mũi ướt nhè. Một con vắt xanh nằm gọn vào giữa vết hằn sâu trên trán ông. Ngọn lửa liêm liếm lên cái mặt ông già, vài sợi tóc rung quằn vào trán, con vắt xanh rơi xuống lửa cháy xèo xèo. Ô, nếu bây giờ ông ở làng cũ rồi thì sung sướng biết bao nhiêu! Dòng họ Châu lại quây quần ở cái làng có con suối trong, những ruộng bậc thang quanh năm mây vẩn ấy...

- Chỉ có giết nó đi mình mới yên được...

Tiếng Sài đập vào tai ông. Đúng lắm! Phải giết nó đi. Nhưng ông khóc nấc ôm lấy con.

- Nhưng đằng nào mà mình không chết, muộn rồi. Bộ đội nó báo thù cho cán bộ Lâm chứ.

Đôi mắt trũng ẩn dưới vầng trán gồ của ông già nhắm lại, nước mắt ứa ra theo lông mi. Bỗng ông cụ vụt mở mắt ra, hằm hằm:

- Tao về đây. Về dắt mẹ mày lên. Núi nào cao nhất, rừng nào rậm nhất thì đến, mà làm ăn. Chết ở xó núi còn hơn sống khổ sở dưới làng.

Rồi ông xăm xăm bước ra cửa. Sài đờ đẫn nhìn theo bố.

 

Sài lò dò ra khỏi cửa rừng. Nắng ấm ban mai ùa đến, Sài thấy thèm muốn về làng sống với bố mẹ quá. Mấy hôm nay bố lên rừng tìm Sài, Sài cứ trốn bố. Bố vừa đi vừa kêu:

- Sài ơi! Về với bố mẹ đi thôi! Bộ đội khoan hồng cho mày rồi!

Tiếng bố vang vào tai Sài, Sài muốn chạy ra về với bố nhưng vẫn không dám.

Hôm nay nghe tin bố mẹ đã dọn về làng cũ, Sài nóng ruột dò ra khỏi cửa rừng.

Mặt trời nằm trên đỉnh ngọn Phăng-si-păng, những đám mây hồng cuồn cuộn trên mình núi. Sài bỗng thấy giời đất mới lạ hẳn. Sài vui chân đi nữa. Qua chỗ lều cũ, chỉ còn lại rác rưởi và bùn lầy, Sài nhắm mắt vội chạy như không muốn trông thấy chỗ đó. Chẳng bao lâu cái nơi đầy tội ác và lo sợ ấy đã khuất mất sau dãy núi cao, không bao giờ nom thấy nữa.

Sài dừng lại trên đỉnh đèo. Quê hương thân yêu hiện ra trước mắt. Những sợi khói trắng in trên nền đỏ sáng của cỏ de dập dờn. Sài đứng sững ra không ngờ làng nhà mình đã lại đông đúc thế kia. Những thửa ruộng đã xanh màu lúa non. Trâu, ngựa chạy nhảy tung tăng bên dòng suối. Sài chợt thấy mình vừa qua một cơn mê hoảng. Tội ác, lo sợ, oán thù Sài đã trút lại chỗ những ngôi lều đổ nát, khuất bên kia núi. Những ngày vui sướng thanh bình đã đến trong đầu Sài. Sài chạy nhảy tung tăng như con chim xổ lồng. Sài hát, những câu hát gợi lên cả một cuộc sống thanh bình.

Không có tiền lấy vợ không được

Lợn không có nhiều

Bạc trắng không có nhiều

Nhà người yêu không thuận

Muốn lấy phải đi cướp

Chờ cho đến mùa xuân

Ta mới ở được cùng nhau...

Sài cứ vừa đi vừa hát một mình như thế. Tiếng hát theo gió bay đi xa lắm. Bỗng Sài dừng lại. Dưới đường nhựa, một đoàn ngựa thồ. Những con ngựa thồ đầy hàng đang nối đuôi nhau lên dốc. Theo sau ngựa đủ các thứ người: Người Mèo trắng váy rộng lùng bùng lòe loẹt, người Thổ áo đen, người Nhắng áo xanh, áo hồng. Sài lạ lùng chạy lại mấy người bộ đội vác súng đi kèm:

- Các bộ đội ơi! Ngựa thồ gì đấy.

Ngựa thồ gạo, vải, muối, thuốc lào của Cụ Hồ lên cho người Mèo đây.

Sài reo lên như đứa trẻ con. Sài lại hát nghêu ngao. Các bộ đội nhìn Sài mỉm cười.

Sài phân vân một lúc, nhìn anh bộ đội. Thấy anh nào cũng hiền lành như cán bộ Lâm, Sài đánh liều hỏi:

- Bộ đội ơi, người Mèo đi bộ đội chính phủ có lấy không?

Một người bộ đội ôm lấy Sài, nói tiếng Mèo trắng: Chính phủ chả lấy người Mèo thì lấy ai. Tôi cũng người Mèo đây.

Sài hét to một tiếng rồi chạy như bay về làng. Những bông cỏ de chạy theo sau Sài. Cây đào trên trái đồi con ngả đầu chào Sài. Con suối ngày xưa Lay lội xuống nó cũng cười khúc khích với Sài...

 

Tháng 01/1957

(Nguồn Tạp chí Nhà văn)


[1] Pháp.

[2] Người Mèo khi nói tiếng Kinh thường xưng hô mày, tao, không có ý láo xược.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

VanVN.Net - Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…