Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

“Đỉnh thiêng”* của Nguyễn Hồng Công

Đặng Huy Giang - 09-08-2014 09:17:18 AM

Vệt thơ đầu tiên trong “Đỉnh thiêng” là một chùm thơ gắn với đề tài biển, đảo và người lính: “Đảo chìm”, “Nối sóng”, “Một lần”, “Lời của lính”.  Đó là ý thức, đồng thời cũng là thái độ của người viết trước tình hình đang nóng lên ở biển Đông hiện nay.      

Tứ thơ được triển khai chắc chắn, chậm rãi, có lớp lang. Câu chữ được rải ra trong một kết cấu hợp lý. “Anh là muối, anh làm viên sỏi/ Với đảo chìm chắn sóng biển Đông”; “Âm ba vọng tiếng người mở cõi/ Nợ non sông nối sóng bạc đầu”; “Biên cương lạnh/ Một lần trăng lạnh/ Một lần ta khắc khoải biên thùy” - đó là những câu thơ đáng được “điểm danh”.    

Nhưng ngay ở trong chùm thơ tưởng như chắc chắn và chậm rãi này, vẫn tìm thấy những câu thơ có biểu hiện ít nhiều của sự đột biến.    

Đây là một phát hiện:

Lính đảo nhọc nhằn với sóng

Có bao người thành mộ muối dưới biển sâu    

Đáy biển đêm mộ muối sáng âm thầm.

 

Còn đây là một khoảnh khắc chớp lóe:

 

Nơi giới hạn không còn là giới hạn

Một lần ngọn gió phất cờ lau.

 

Vệt thơ thứ hai trong “Đỉnh thiêng” là một chùm thơ viết về những người đàn bà, những người mẹ trải qua đợi chờ hoặc đợi chờ trong mất mát: “Người đàn bà chong đèn”, “Tượng người mẹ Việt Nam”, “Hòa bình”.   

Có bài được chi tiết, có bài được tổng thể. Nhưng cái quan trọng hơn là độc giả có thể “đọc” ra được khí chất và cá tính của ngòi bút.    

Đây là những câu thơ viết về sự đợi chờ lớn lao: “Trăm năm ngọn đèn/ đợi cơn trở dạ/ đợi người/ đèn chong/ thời gian cướp tóc xanh/ mấy mươi năm nhai trầu/ bao lần bình vôi cạn”. Đấy là nỗi khát khao mong có “ngày của mẹ”.    

Bài “Hòa bình” (cũng có thể đặt tên là “Trước tượng đài người mẹ Tổ quốc”) là một tứ thơ vừa lạ, vừa sâu và thật nhân bản. Hẳn tác giả phải có cảm xúc đau đớn mãnh liệt mới viết nổi những câu thơ trên? Và sức nặng của tứ thơ như dồn cả vào khổ giữa:

Những người đàn bà đủ màu da

Sinh ra những đứa con chết trận

Chắc không ai muồn làm mẹ anh hùng?   

Quả thật nếu làm mẹ mà chỉ để “sinh ra những đứa con chết trận” thì “chắc không ai muốn làm mẹ anh hùng”! Ở đây, rõ ràng danh hiệu anh hùng đồng nghĩa với mất mát, đớn đau, trong khi nếu phải nhận về mình những mất mát, đớn đau, thì không ai muốn cả.     

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà có lần nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đoàn Hương nói (đại ý): Tôi cho rằng, bây giờ, mỗi khi dựng tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhà điêu khắc nên nghĩ đến một tấm vải trắng quấn lên đầu những bức tượng như là một biểu tượng của sự chịu đựng, hy sinh dài lâu, khắc nghiệt.   

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến hai câu được rút ra từ lời thoại trong một vở kịch của B. Brếch: “Mọi cuộc chiến tranh kết thúc/ Chỉ có những bà mẹ là thất bại”. Tôi cũng nhớ đến mây câu thơ của một tác giả nước ngoài (tiếc không còn nhớ tên) viết về tâm trạng của một người mẹ có con chết trận. Với người mẹ này, cái gì còn lại cũng là may mắn:

 

May quá

Trận này, con tôi không bị thương!

May quá

Trận này, con tôi bị thương, không chết!

May quá

Trận này, con tôi chết nhưng mang được xác về!

 

Hạnh phúc thường làm nên từ khổ đau. Chiến tranh (kể cả chiến thắng) làm nên từ máu. Đó là một thực tế hiển nhiên.   

Đó là hai điểm nhấn của “Đỉnh thiêng”.  

Bên cạnh đó, “Đỉnh thiêng” còn nhiều bài thơ khác cho thấy một Nguyễn Hồng Công viết ngày một chắc tay hơn trong một bình diện thơ vừa có độ nén, vừa có độ mở. Tôi coi “Dại khờ trổ hoa” trong “Buộc gió” và “Mặc định số phận” trong “Cây đinh nguyền” là hai chi tiết lạ. Riêng hai bài lục bát “Cỏ may” và “Áo mỏng cửa thiền” đã đụng đến sự tinh tế và có nét khơi gợi.

 

Đây là toàn bài “Cỏ may”:

 

Đê làng

vấn vít cỏ may

 

Đằm sương

áo mỏng

cỏ dày lối đi

 

Đưa tay ra

nhặt cỏ khuya

 

Cỏ đâu chẳng thấy

tay vừa chạm tay.

 

Đây là toàn bài “Áo mỏng cửa thiền”:

 

Tiếng lòng

dễ nhớ, khó quên

 

Tao nhân

mặc khách

một đền Hoa Giang

 

Hanh hao

gió thổi sợi vàng

 

Chiều xô

áo mỏng

xốn xang cửa thiền.

 

Và tôi tin “Đỉnh thiêng” mới chỉ là một chặng ngắn trong hành trình thơ dài của nhà thơ Nguyễn Hồng Công.

-----------------------------

* Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3 năm 2014.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn