Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Các nàng Geisha ở xứ Phù Tang

Anh Chi - 22-04-2014 06:48:11 AM

VanVN.Net - Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản tiến bước rất nhanh trên con đường dân chủ và công nghiệp hóa. Trong văn chương cũng vậy, bên cạnh Mori Ogai và Natsume Soseki hết sức tân kỳ, có tài năng lớn thì Nagai Kafu cũng đã sáng tạo nên những tiểu thuyết tầm cỡ nói về đời sống tại các khu vực hồng lâu của các nàng geisha… Đó là lý do khiến tôi viết tạp văn này.

Có lẽ không ít thương gia và khách du lịch ngoại quốc đã từng có ý nghĩ rằng, những kỹ nữ Nhật Bản tuyệt thế, cũng chỉ là những gái điếm hạng sang(!). Những người ấy đâu biết rằng, trên đất nước Phù Tang, từ xưa xa, đời sống các nàng kỹ nữ đã trở thành một nét văn hóa truyền thống. Muốn gì thì cũng phải thừa nhận một thực tế là, từ nhiều thế kỷ trước, tiếng tăm của các kỹ nữ Nhật Bản đã vang truyền tới nhiều nước trên thế giới.

Ngày xưa, ở Kyoto, ở Tokaido và nhiều nơi trên đất Nhật, có hẳn những khu phố riêng của các kỹ nữ. Tiếng Nhật gọi họ là các Geisha. Muốn trở thành một Geisha thực thụ, các cô gái phải học tập rất nhiều để có thể ăn nói, giao thiệp duyên dáng, để có thể hiểu biết thực thụ về thơ ca Nhật Bản; và, phải rèn luyện công phu để nắm được nghệ thuật cầm, kỳ, thi, họa, để hát, múa, và nhiều trò vui nữa. Không ít Geisha còn biết sáng tạo nên những kiểu quần áo đẹp, như những nhà tạo mẫu thời trang thực sự. Có thể nói, các nàng Geisha là những người có tài năng và rất có ý thức trong việc giữ gìn những nét văn hóa dân tộc. Các nàng tự nhận lấy một bổn phận là luôn khuyên nhủ những du tử phóng đãng trở về với mái ấm gia đình. Một Geisha có tài thì có thể làm hài lòng khách bằng những bài ca, điệu múa, bằng những bài thơ, những tri thức giàu mỹ cảm về hội họa, sân khấu… và đặc biệt là bằng cách ăn nói vui vẻ, tế nhị.

Vai trò của Geisha là dẫn đưa tình cảm, tâm trí của khách vào cái đẹp, khiến họ có cảm hứng thực sự trước vẻ đẹp văn hóa ứng xử Nhật Bản… Cuối một buổi tiếp khách, một Geisha có thể ngủ với khách, nhưng, nàng chỉ ngủ với người khách đã thật sự hòa hợp tâm trí với nàng. Nếu không có người khách như vậy, Geisha chỉ làm tròn bổn phận của một người giới thiệu cái đẹp văn hóa Nhật mà thôi. Còn khi ngủ với khách, giá cả đêm đó là do nàng quyết định. Các nàng Geisha, có người vẫn lấy chồng, có nhiều người ở một mình suốt đời. Đa phần các Geisha chọn cho mình một tình nhân, làm chỗ dựa tinh thần, lại cũng là người để nàng chăm sóc, cung phụng. Những người mà các nàng chọn làm tình nhân thường là các văn nhân, tài tử hoặc những du tử đa tình, có khi là người đàn ông mà sự hiểu biết sâu sắc của anh là nguồn an ủi cho các Geisha. Thu nhập của mỗi Geisha khá cao. Họ không trở thành những người giàu có, nhưng từ xưa, đã luôn là những người ủng hộ nhiều cho các quỹ từ thiện và rất sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khó.

Một thời kỳ khá dài, ở cố đô Kyoto có một đường phố của các Geisha. Đêm đêm, trước mỗi căn nhà ở hai bên mặt phố đều bày những đèn lồng bằng giấy, thắp rất sáng. Trên mỗi chiếc đèn lồng thường có tên chủ nhà hàng phòng trà và tên của nàng Geisha làm việc ở đấy. Rất nhiều chiếc đèn lồng với tên những nàng Geisha tài danh đã khiến đường phố Geisha nổi tiếng khắp đất nước, nổi tiếng sang cả nhiều đất nước khác. ở đường phố này, ngày xưa có câu chuyện tình của một Geisha, rất nổi tiếng, đến mức cứ nói đến phố Geisha là người ta nhớ đến nàng. Nàng tên là Kimiko, con gái của một nhà võ sĩ đạo, từ bé đã được thụ hưởng một nền giáo dục khuôn mẫu. Nhưng rồi gia đình sa sút, nàng phải bán mình làm tiếp viên để lấy tiền nuôi mẹ và em gái. Nàng có một vẻ đẹp dịu dàng, với sự nỗ lực học hỏi, nên đã trở thành một Geisha nổi tiếng, nhanh chóng được giới quý phái Kyoto ái mộ. Suốt nhiều năm, nàng nhận được nhiều quà tặng, và mặc dù được nhiều người quý mến, nhưng không một người nào được nàng dành cho tình cảm đặc biệt. Bỗng một hôm, người ta sửng sốt, bởi Kimiko trốn khỏi phòng trà, đi theo một người yêu chuộng nàng. Đó là một người sống khiêm nhường và thanh cao giữa chốn phồn hoa đô hội. Và Kimiko biết, người đó yêu nàng sâu sắc.

Hai người về sống tại một biệt thự xa cách chốn thị thành. Tại đó, họ quên đi mọi ưu phiền của xã hội đầy bon chen. Sau rất nhiều cố gắng, chàng đã thuyết phục được cha mẹ đồng ý cho chàng cưới Kimiko. Nhưng, Kimiko thì kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân. Chung sống đến tháng thứ tám, nàng mới nói cho chàng hiểu rằng, khi phải nuôi mẹ và em gái, nàng đã phải bán mình; và rồi, nàng cố gắng hết mình vươn lên làm một Geisha, nên phận của nàng không bước vào gia đình danh gia vọng tộc của chàng được. Chàng gạt đi, muốn thuyết phục nàng. Nàng ôn tồn nhưng kiên quyết: “Lúc này em bình tĩnh và sáng suốt hơn anh. Hãy nghe em nói, em có bổn phận trân trọng tình yêu của anh và cả cuộc đời anh nữa. Rồi đây, khi không còn được gần gũi anh, em vẫn yêu anh, và sẽ rất sung sướng khi anh thành đạt trong cuộc sống… Nếu anh còn nói đến chuyện hôn nhân thì em sẽ bỏ đi ngay lập tức”. Họ chung sống với nhau được mười tháng thì Kimiko lặng lẽ bỏ đi không một lời để lại. Không ai rõ nàng ra đi lúc nào và đến sống ở đâu…

Thời gian trôi đi, trôi đi mãi. Rồi đến lúc cả em gái Kimiko cùng những người ái mộ nàng cũng quên nàng. Dường như thời gian có thể làm khô cạn nước mắt người ta và xoa dịu bớt mọi đau thương. Người yêu nàng đã được cha mẹ hỏi, cưới cho một người vợ. Vợ chàng sinh hạ cho chàng một đứa con trai. Tiếng cười đã đến với ngôi biệt thự mà Kimiko từng ở ngày xưa. Và rồi, một buổi sáng, có người ni cô đến khất thực trước ngôi biệt thự đó. Đứa trẻ chạy ra nhìn ni cô, và ni cô âu yếm vuốt ve nó. Người hầu gái mang ít gạo ra cúng thí đã rất ngạc nhiên khi thấy đứa trẻ đòi đưa gạo để nó trực tiếp đưa cho ni cô. Ni cô cảm ơn và nhờ nó nói với cha nó một lời. Nó đồng ý ngay. Ni cô mỉm cười, dịu dàng vuốt ve đứa trẻ, rồi từ biệt. Đứa trẻ chạy vào nhà, tìm cha, và nói: “Cha ơi! Một người mà cha không bao giờ gặp nữa nhờ con nói với cha là người ấy rất sung sướng vì đã trông thấy con”. Nghe vậy, người đàn ông ôm mái đầu đứa con vào ngực, và mắt ông mờ lệ. Ông hiểu rằng, thật vô vọng nếu đi tìm Kimiko ở những ngôi chùa hẻo lánh nào đó. Ông âm thầm cầu mong cõi lòng nàng đang sống ở đâu đó, có được sự yên ổn, dịu êm.

Ngoài câu chuyện về nàng Kimiko, đất nước phù Tang còn có nhiều tiểu thuyết, nhiều vở kịch khá nổi tiếng, nói về cuộc đời các nàng Geisha trong các thế kỷ trước với nhiều cảnh ngộ, nhiều số phận, thật bi thương và cũng thật sâu xa ý nghĩa làm người. Theo sự phát triển của xã hội, dần dần, các cô gái Nhật ít muốn trở thành những nàng Geisha. Họ có cơ hội trở nên những người thành đạt trong các nghề mới mà thời đại khoa học công nghệ đang mở ra. Đầu thế kỷ XX, ở Nhật Bản có gần năm mươi ngàn nàng Geisha, cuối thế kỷ chỉ còn chừng năm ngàn nàng. Bà Enomoto, một cựu Geisha, có hơn nửa thế kỷ gắn bó với văn hóa phòng trà, đã nhận xét: “Phụ nữ nhật ngày nay không mấy người dám chấp nhận những kỷ luật khắt khe mà một Geisha truyền thống phải chấp nhận”. Còn bà Fumiko Oda, 72 tuổi với rất nhiều kinh nghiệm cuộc sống và rất lịch lãm, là chủ nhân một phòng trà ở quận Pontocho, Tokyo, vẫn trầm tĩnh nhận định rằng: “Một thế kỷ qua thế giới biết bao thay đổi, nhưng ở phòng trà Nhật Bản, mọi thứ đã, đang và còn sẽ như vậy”. Hầu hết các phòng trà đều dành hai phòng tuyệt vời nhất trên lầu làm nơi khách có thể gọi thức ăn và gặp gỡ Geisha. Nàng Geisha đẹp xinh trò chuyện tâm giao với khách, làm cho khách vui vẻ, hào hứng, ham sống; có khi khách muốn một nỗi buồn đẹp sâu lắng, nàng có thể ngâm một bài thơ haiku kinh điển của thi hào Matsuo Basho:

            Lưng trời mây phủ trăng trôi

            đầu cành mưa đọng

            nước rơi khôn cầm…

Nàng Geisha nào cũng là chủ của bản thân họ. Nếu ai đó nghĩ rằng, Geisha là những điếm hạng sang, thì hoàn toàn sai lầm. Các Geisha của Nhật Bản vừa đẹp vừa có tài, và chỉ có thể trao gửi mình cho người xứng đáng. Trước đây vài thập kỷ, chàng Morgan, người Mỹ, đến Nhật Bản, đã gặp rồi yêu một nàng Geisha. Chàng cũng được nàng yêu lại. Morgan đã cầu hôn, rồi bỏ ra năm mươi ngàn USD để tổ chức hôn lễ và đưa nàng về quê… Vậy đấy, khách mười phương vẫn tìm đến gặp các nàng Geisha ở đất nước Phù Tang, bởi qua các nàng, khách tiếp cận được sắc đẹp cùng những giá trị văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Đơn cử, phòng trà của bà Fumiko Oda mỗi ngày có ít ra là hai trăm khách. Trong số đó, không ít người đến phòng trà bởi quyến luyến một trong các nàng Geisha. Một danh sĩ, mỗi lần gặp Fumiko Oda vẫn thường nói với bà rằng, ở Nhật Bản sẽ luôn có những nàng Geisha.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 16/2014)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...