Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

NSND Lê Khanh: ba gương mặt mới cùng tỏa sáng

Nguyễn Thị Minh Thái - 10-04-2014 11:25:06 AM

VanVN.Net - Đó là sự tổng hòa ba trong một “Lê Khanh: diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý” và cả ba khuôn mặt đều sáng.

Trước khi mất (9.2.2001), đạo diễn Nguyễn Đình Nghi vẫn băn khoăn về Lê Khanh, sau vai diễn rực rỡ cuối cùng ông dựng cho Khanh: Lý Chiêu Hoàng, vở Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi. Lúc ấy ông đang bệnh nặng, Khanh đã chạy xe quanh Hồ Gươm mang về bông chuối rừng đỏ tươi cắm bình gốm góc phòng cho thầy Nghi ngắm đỡ mệt. Khanh chu đáo hỏi han thầy rồi vội đến phòng tập Nhà hát Tuổi Trẻ. Ông Nghi thở dài nhẹ, lo âu với tôi: “Khanh đang muốn vào Đại học Sân khấu học đạo diễn, nghề của tôi. Khanh muốn tôi ủng hộ. Tôi thì lo mất một nghệ sĩ hàng đầu sân khấu Việt, chuyên diễn vai khó nhất của những vở kịch đáo để nhất, với tính cách đích thực chuyên nghiệp của nghệ sĩ tài năng, con nhà nòi. Có vai kịch phi Khanh ra, không ai có thể diễn độc đáo hơn. Bạn có thể khuyên nhủ Khanh nghĩ cho thật chín?” Tôi vâng…

Tài năng diễn kịch bẩm sinh gia truyền

… Tôi vâng để ông Nghi an lòng, biết thâm tâm ông sẽ ủng hộ Khanh. Song, tôi hiểu Khanh đã nghĩ kỹ về chuyện được mất, khi quyết học nghề đạo diễn, quyết vượt thách thức để chuyển nghề từ diễn viên sang đạo diễn, dám đối đầu với nguy cơ đánh mất một nghệ sĩ kịch sáng giá, để đổi lấy một đạo diễn… thường thường bậc trung. Và buộc phải thoái lui, nhường vai chính cho “con hát trẻ” như một bi kịch nhãn tiền. Tôi cũng biết, điều ông Nghi lo nhất với Khanh, việc học đạo diễn là rất mới và rất khó, bởi Khanh đã rất sáng giá và sáng giá trên sân khấu, điện ảnh và được phong NSND sớm nhất trong lớp diễn viên cùng trang lứa: Chí Trung, Lan Hương, Ngọc Huyền, Minh Hằng… và cũng sớm nhất trong ba cô con gái lẫy lừng của NSND Trần Tiến và Lê Mai. (Cô chị, nghệ sĩ điện ảnh Lê Vân. Cô em, nghệ sĩ múa Lê Vi). Thêm nữa, Khanh không được học nghề diễn kịch ở trường lớp, mà Khanh thuộc lứa diễn viên đầu, tuổi 16, 17 được học và hành ngay trong Nhà hát Tuổi Trẻ. Tôi nhớ thuở mới vào nghề “ký giả kịch trường” ở tạp chí Sân khấu, năm 1977, tôi được cử đến Nhà hát Tuổi Trẻ xem Khanh diễn lại vai con mèo uống sữa, đỗ đầu cuộc thi tuyển diễn viên khắt khe của Phạm Thị Thành. Dáng thanh tú, tóc búi cao hai bên, lộ sáng khuôn mặt tươi, đôi mắt to long lanh biểu cảm, Khanh thật ăn đèn sân khấu, khi uyển chuyển bò trườn vai con mèo, đùa giỡn hồn nhiên với duy nhất đạo cụ là bát sữa trên sàn diễn. Tài năng này đã nằm sâu trong huyết thống gia tộc Lê Khanh, kể từ đời ông ngoại Lê Đại Thanh, diễn viên xuất sắc của ban kịch Thế Lữ những năm 1930. Rồi đến đời cha mẹ Trần Tiến - Lê Mai, cậu ruột: diễn viên - đạo diễn Lê Chức, di truyền đến thế hệ thứ ba, với ba chị em ngọc nữ làm rạng rỡ nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, múa Việt Nam.

Vì vậy, Lê Khanh là trường hợp rất hiếm trong nghệ thuật diễn kịch hiện đại Việt, với tài năng bẩm sinh, được trưởng thành từ thực nghiệm nghề diễn kịch tại Nhà hát Tuổi Trẻ, được phong tặng NSND, với không ít vai kịch để đời (chỉ tính riêng thập niên đầu thế kỷ XXI, đã thấy Khanh đáng được trọng thị: vai Nora trong Nhà búp bê của Ibsen, Milford trong Âm mưu và tình yêu của Schiller, bà mẹ trong Tất cả đều là con tôi (Arthur Miller), và đặc biệt là vai bà mẹ trong Lời thề thứ chín của Lưu Quang Vũ… Phong cách diễn “cứ như không” của Lê Khanh được xếp vào loại diễn viên - tính cách hàng đầu nghệ thuật diễn kịch hiện đại ở Việt Nam, khi có thể diễn nhiều loại vai rất khác biệt, đặc biệt là vai kịch khác hẳn sở trường. Trước Lê Khanh, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long và cha ruột Khanh, NSND Trần Tiến… là những nghệ sĩ tiêu biểu cho lối-diễn-tính-cách này. Song Kim từng diễn cả hai vai: bà vú già nhà quê và vũ nữ hạng sang trong cùng vở Lọ vàng, Thế Lữ đạo diễn. Vua hài kịch Trần Tiến vai Nguyễn Trãi thâm trầm thật hoàn hảo trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Và ông già nhỏ thó Đào Mộng Long thật ngời sáng trong vai phụ của loạt kịch Nga Xô Viết, Dương Ngọc Đức dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam…

Có lẽ sự tiếp nối, làm rạng rỡ phẩm chất diễn viên kịch hiện đại ấy trong sự nghiệp diễn kịch huy hoàng của Lê Khanh đã khiến không ít đạo diễn bậc thầy từng đạo diễn thành công các vai kịch của Khanh, lại có thể hình dung được sự chuyển nghề đạo diễn khá đột ngột của Lê Khanh, khi đã có lưng vốn nhân vật kịch đầy đặn đến thế?...

 

Thị Hến Lê Khanh trong vở kịch do chính mình đạo diễn

 

Lê Khanh thành “đạo diễn trẻ”

Lần đầu thi vào trường Đại học SK & ĐẢ Hà Nội, Khanh bị trượt. Giữa lúc hai đồng nghiệp Anh Tú và Lan Hương, cùng Nhà hát Tuổi Trẻ, náo nức trình diễn hai vở tốt nghiệp khoa đạo diễn, khóa 2001 - 2005: Kiều LoanNhật Nguyệt thực, thì Khanh mới đang học đạo diễn năm thứ hai. Song, cuối năm 2005, Khanh đã dựng báo cáo vở kịch gốc Nhật Bản: Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km. Đây là kịch viết lối giả định, Khanh xem Liên hoan kịch châu Á - Thái Bình dương từ vài năm trước ở Hàn Quốc. Kịch bản hay, lạ, có vẻ làm khó cho đạo diễn. Nhưng Khanh đã bị kịch bản ám đến mức quyết dàn dựng, rồi muốn ra sao thì ra. Khanh đã lấy chìa khóa mở kịch bản từ kinh nghiệm làm vai kịch với thầy Nghi, tìm bằng được ứng xử tốt nhất với kịch bản lạ lùng này. Khanh thú nhận: khi cầm kịch bản trong tay, tôi nhớ nhất bài học đạo diễn từ thầy Nghi. Thầy bảo: kịch bản là tiền đề duy nhất quyết định thành bại vở diễn. Việc lý giải câu chữ trong văn bản kịch theo cách riêng là cửa ải đầu tiên đạo diễn phải vượt. Chỉ có thể vượt bằng sức biện biệt văn học của đạo diễn, bằng cách phải đọc cho vỡ chữ văn chương kịch bản theo cách riêng độc đáo. Không mở được cửa ấy, đạo diễn không thể “chuyển ngữ” từ chữ nghĩa phi vật thể sang ngôn ngữ dàn dựng và biểu diễn hữu thể trên sàn diễn, để kịch bản cất cánh thành bội số và cuối cùng, thăng hoa lên thành giấc mơ trên sân khấu là vở diễn. Nên, tôi cảm giác Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km viết về tình yêu đôi lứa, nhưng lặn sâu dưới đáy chữ của nó lại là nỗi buồn. Buồn tiếc tình yêu bị đánh mất, và bị mất mới thấy tình yêu đáng giá, mới thấm thía rằng, sống trên đời, biết yêu và được yêu đã là quà tặng lớn của số phận. Kịch bản mênh mang nỗi buồn như thế, tôi nghĩ phải ứng xử thật gượng nhẹ. Nếu thô bạo nó sẽ tan biến, bởi nó thật dễ vỡ. Tôi đã cố nhẹ tay, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Tôi đã di chuyển cái cách tôi vào vai kịch trên sân khấu “diễn cứ như không”, sang ngôn ngữ dàn dựng vở, cũng cứ như không, nên được nhiều tiếng khen, trước là mẹ cha, cậu, chị em, bạn nghề thân thiết, sau là khán giả trẻ…

Có lẽ do tôi đã có một cách kể chuyện chân phương và hồn nhiên.

Chọn trúng lối kể chuyện có phong vị riêng, Khanh vượt tiếp cửa ải thứ hai: tìm trúng diễn viên cho hai vai kịch chủ chốt. Lê Khanh làm rất tốt việc chỉ đạo diễn xuất, giúp diễn viên thấu hiểu vai kịch, bằng kinh nghiệm diễn xuất đầy mình của bản thân. Hiệu ứng sân khấu đã đến rất nhanh. Sinh viên các trường sân khấu Hà Nội, bạn nghề và khán giả trẻ rất thiện cảm với cách kể chuyện hồn nhiên chân phương này của Lê Khanh, ngay lần đầu hành nghề đạo diễn. Đây là cách đạo diễn hoàn toàn vắng bóng mảng miếng phô phang kỹ thuật tân kỳ, chỉ mặc định một giọng kể sân khấu thấm thía, nhẹ nhõm rất Lê Khanh. Từ đây, có thể hy vọng một phong cách đạo diễn mới của Nhà hát Tuổi Trẻ, đã và sẽ có cái để xem, để cười vui, thư giãn và không thiếu điều khiến người xem trẻ phải suy ngẫm về tình yêu, về thế sự đang diễn tiến trong xã hội Việt hiện đại.

 Phong cách ấy, sau tốt nghiệp, Lê Khanh chính thức ra mắt cương vị đạo diễn bằng vở kịch Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp, với một cách kể khác. Khanh đã yêu nhân vật chính là viên đại tá về hưu, chủ ngôi nhà phố cổ Hà Nội, có hàng tá ôsin phục vụ, rốt cuộc đã van nài để thành một thân phận ôsin chính hiệu, khi bị lừa mất chính ngôi nhà cổ của mình… Có thể thấy cái đáng giá nhất của tay nghề đạo diễn Lê Khanh trong vở kịch này là đã chuyển ngữ khá tinh tế, từ một kịch bản nghiêng về cái đọc, hầu như là một kịch bản phi-xung-đột, sang vở diễn có cái để diễn và cái để xem, với một phong cách trẻ trung, tươi tắn, là điều cốt tử của nghề nghiệp mà lâu nay ít nhiều đạo diễn đã bỏ qua.

Vừa buông tay dựng Nhà Ôsin, Khanh lại “thấy thèm nhạt” trở về gõ cửa sân khấu truyền thống. Nghêu - Sò - Ốc - Hến, một hài kịch dân gian đã hiện ra như gợi ý cho Khanh cách dựng thành kịch mới và khác, nghiêng về ngôn ngữ ước lệ của sân khấu tuồng chèo truyền thống. Đổi tên vở thành Thị Hến và nhân vật đã được Khanh đổi thân phận, từ nhân vật hơi có phần lẳng lơ vụ lợi, bỗng thành nhân vật tích cực, tố cáo sự tham nhũng lạm quyền của quan tham ở nông thôn ngày xưa mà lại rất hiện đại trong vấn đề chống tham nhũng lạm quyền của hôm nay. Hóa ra Khanh đã sử dụng ngôn ngữ ước lệ rất ngọt ngào trong dung dáng một vở kịch hiện đại… Thiết kế mỹ thuật nhẹ nhõm, khúc chiết, phảng phất dung nhan chèo cổ sân đình của Hoàng Hà Tùng đã làm các diễn viên diễn tung tẩy trong ngôn ngữ hình thể và nghệ thuật thốt lời của kịch hiện đại.

Thế là Lê Khanh đã có trong hành trang đạo diễn của mình ba vở diễn, mỗi vở một cách kể chuyện duyên dáng và độc đáo, trên nền tảng của phong cách gốc: chân phương và hồn nhiên không giống ai.

Hóa ra những lo âu ngày nào của thầy Nghi và tôi đã bị Khanh hóa giải. Tất cả những cử chỉ chăm chút tích lũy từ kinh nghiệm của một tài năng diễn kịch đã được Khanh thâu hóa vào công việc đạo diễn. Khanh đã mài sắc cho chính mình một tư duy tổng thể của đạo diễn trong ngôn ngữ dàn cảnh và Khanh đã đạt đến/mang đến cho công chúng yêu sân khấu Việt Nam một hình ảnh rất đẹp của một nghệ sĩ kịch hiện đại, đó là sự tổng hòa ba trong một Lê Khanh: diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý và may mắn thay cho sân khấu Việt hiện đại, cả ba khuôn mặt đều sáng.

 

(Nguồn: daibieunhandan.vn)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...