Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

"Người tình" của M.Duras – Một bản diễn ngôn về xứ thuộc địa

Nguyễn Thị Ngọc Minh - 14-07-2011 10:25:23 AM

VanVN.Net - Từng trải qua những năm tháng tuổi thơ khốn khó và dị thường ở mảnh đất Nam Kì, xứ thuộc địa của thực dân Pháp trong những năm 1920-1930, đến nỗi Duras đã thừa nhận: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau nó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra.” -  Marguerite Duras đã trả lời tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur.,,

Nhà văn Marguerite Duras

Chủ nghĩa thực dân đã cáo chung vào những năm 50 với sự nổi dậy của hàng loạt các quốc gia vốn là thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha… nhưng dấu ấn sâu đậm của nó vẫn không thể xoá bỏ trong nền văn học và văn hoá ở các quốc gia thuộc địa, và thậm chí trong nền văn học của cả các nước vốn là đế quốc thực dân - những kẻ đi chinh phục. Người tình của Duras, cũng như một loạt các tác phẩm mang màu sắc tự truyện khác của bà, Người tình Hoa Bắc, Đập chắn Thái Bình Dương, là một trong những tác phẩm cho thấy sự xuất hiện của một kẻ khác trong kinh nghiệm của một nhà văn của nước thực dân. Xứ thuộc địa đã trở thành một ám ảnh, một nguồn cảm hứng dào dạt, một hình ảnh trở đi trở lại trong các tác phẩm của một nữ văn sĩ.

1. Người tình của Duras tái hiện bối cảnh Nam Kì trong những năm 1920-1930 thời Đông Dương thuộc Pháp. Trước và trong khoảng thời gian này, có thể nói, Đông Dương đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt của những chính trị gia, nhà hàng hải, nhà truyền giáo, nhà du hành, nhà văn, nhà sử học. Đông Dương đột nhiên bị tách khỏi dòng chảy lịch sử nội tại của nó, hay được tô vẽ cho một lịch sử bằng ý đồ của người phương Tây, và trở thành một đối tượng quan sát và nghiên cứu của người Pháp. Xứ thuộc địa không phải chỉ là một thực tại, mà còn là một diễn ngôn. Trong những huyền thoại về Đông Dương, có thể thấy nổi bật ba loại diễn ngôn: Diễn ngôn chính trị ồn ào khẳng định vị trí thượng đẳng của kẻ đi khai hoá văn minh, diễn ngôn khoa học cắt đứt một cách lạnh lùng Đông Dương với lịch sử và địa lí riêng biệt của nó để đặt dưới tấm kính quan sát của những nhà nghiên cứu lịch sử, địa lí, phong tục, diễn ngôn về giới thừa nhận uy quyền tuyệt đối của người đàn ông da trắng khi mô tả người phụ nữ bản địa như là những đối tượng bị động, nhu mì… Đông Dương, như tất cả các xứ thuộc địa khác, đã được tái hiện như là một kẻ khác trong kinh nghiệm của thực dân.

Những diễn ngôn chính trị trong thời kì đầu chinh phục thuộc địa của Pháp đã nhấn mạnh địa vị thượng đẳng và bổn phận khai hoá văn minh của người Pháp, và như vậy, đã đẩy xứ thuộc địa Đông Dương vào một vị thế hạ đẳng và mông muội. Trong các báo cáo của các thanh tra thuộc địa, người dân bản xứ hoàn toàn không được đề cập đến. Trong diễn văn ngày 28 tháng 7 năm 1883, đọc trước Quốc hội Pháp, Jules Ferry đã nhiệt thành khẳng định: “Tôi lập lại rằng các chủng tộc ưu việt có một quyền, bởi vì họ có một bổn phận. Họ có nhiệm vụ khai hóa văn minh cho các chủng tộc hạ đẳng”[1], “nước Pháp cần một thứ lý tưởng chính trị khác nữa: rằng nó không thể chỉ là một xứ sở tự do, rằng nó còn phải trở nên một đất nước vĩ đại, hành xử tất cả ảnh hưởng chính đáng của nó trên định mệnh của Âu Châu, rằng nó phải truyền bá ảnh hưởng này trên toàn thế giới và chuyên chở đến mọi nơi mà nó có thể đi đến ngôn ngữ của nó, phong tục của nó, ngọn cờ, vũ khí và tài năng của nó”.

Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương thuộc Pháp, trong diễn văn đọc ngày 15 tháng Mười năm 1930, nhấn mạnh:nước Pháp sẽ nhìn thấy trên mảnh đất Á Châu này sự đâm chồi nảy lộc của một trong những cành cây xinh đẹp nhất mọc ra từ tinh thần của nó [tức nước Pháp, chú của người dịch] và những mục đích mà trong sự hòa hợp và thống nhất mọi con dân của nó sẽ chứng thực cho tính chất bền bỉ của sự hiên diện của nó”[2]

 Trong một bài diễn văn tại Hà Nội năm 1912, Sarraut đã bắt đầu như sau: “Tôi đã nhìn thấy những gì nước Pháp đã thực hiện tại Đông Dương, và tôi lấy làm hãnh diện về đất nước chúng ta…  Chúng ta đã đến nơi đây để đảm đương một sứ mệnh khai hóa vĩ đại; chúng ta đã giữ đúng đắn các lời hứa của chúng ta”. Những diễn ngôn chính trị này đã cấu thành nên một “huyền thoại đồng hoá” nhằm hợp lí hoá sự xâm lược của Pháp, và được thực thi bằng hàng loạt các thiết chế nhằm áp đặt quyền lực thực dân lên xứ thuộc địa.

Xoay quanh các thiết chế và diễn ngôn này là một nhóm các diễn ngôn khác, các diễn ngôn của các nhà hàng hải, nhà du hành, nhà khoa học. Các diễn ngôn này ẩn trong vẻ ngoài khách quan và tự nhiên là một nhãn quan áp đặt và đầy kì thị. Trong Rong chơi Sài Gòn của Isabella Bird [3], xứ thuộc địa được miêu tả như là một kẻ khác kì quái, lạc hậu, xấu xí, đáng ghê tởm bằng cách lặp đi lặp lại các định ngữ ác hiểm và đáng ghét, tầm thường, thô sơ, xấu xí, buồn cười, hèn mọn… Không gian sinh sống của con người thuộc địa được nhấn mạnh ở sự tối tăm, bẩn thỉu: Bên trong nhà rất tối, và được chia làm nhiều gian. Ngay khi tôi vừa bước vào đã có một sự đổ xô tới y như bầy dơi ùa bay vào bóng tối. Ngay giữa căn buồng là một loại cửa hầm trên sàn nhà, và hai buồng khác cũng có cửa hầm như thếXuyên qua cánh cửa này, tất cả các rác rưởi đều được đùn xuống một cách thuận tiện. Người ta ngỡ ngàng về đống rác hôi thối, rữa nát bên dưới ngôi nhà, bầu không khí nồng nặc, hôi hám và đạo quân ruồi bọ bò nhung nhúc trong nhà, cùng những người cư ngụ tại đó không được tắm rửa. Các chỗ ở thật quá sơ khai, đổ nát, xiêu vẹo mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. Khi so sánh với các nơi nương náu này, một túp lều của người Aino ngay dù là túp lều nghèo nàn nhất, cũng vẫn là một ngôi nhà kiểu mẫu của sự chắc chắn và mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc. Có vẻ là chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể lật sấp các chốn ở này và những con người sinh sống trong đó rơi xuống dòng sông.

Người dân bản xứ được miêu tả là những kẻ xấu xí, quái đản, lười biếng và bẩn thỉu:

Tôi chưa bao giờ thấy những thân hình xấu xí, chắc nịch, cứng ngắc đến như thế, những cần cổ ngắn một cách đồng nhất như thế, với đôi vai xuôi xuống như thế, những khuôn mặt bẹt và những chiếc mũi còn tẹt hơn nữa như thế, những cái miệng rộng, nặng nề, môi dày đến như thế, những xương gò má chĩa nhọn như thế, những vầng trán thấp như thế, những chiếc đầu có đỉnh bẹt ở trên như thế, và một làn da dày và căng như thế, khiến ta liên tưởng đến từ ngữ "hèn mọn". Nước da thì ngăm đen không có mấy nét bóng. Cả đàn ông và phụ nữ thì đều thấp, và răng của hai giống thì đã được nhuộm đen do việc nhai trầu thường trực, làm đỏ nước dãi, thường trực trào ra như là máu từ các khoé môi của họ.

Và đặc biệt, ngay đoạn mở đầu bài du kí, tác giả đã miêu tả cái hành trình gian khổ và cảm giác khó chịu của kẻ du ngoạn khi phải vượt qua những rào cản ngăn cách bà ta với thuộc địa, đó là hàng rào xương rồng ác hiểm và gớm ghiếc, là bầy chó loại tầm thường, trơ xương chân, tai cụp, gầy gò, đến tấn công tôi trong một cung cách dọa dẫm rụt rè, kêu ăng ắc, sủa và đớp lấy chân tôi một cách lấm lét. Nhưng ngay trong cách miêu tả khách quan tập tục và kiến trúc nhà cửa, lối sống của người An Nam này cũng hàm chứa một thái độ miệt thị. Dân bản xứ cố dựng lên một hàng rào bảo vệ, một rào cản ngăn cách, nhưng sự bảo vệ, chống đỡ và kháng cự của họ cũng yếu ớt và nhược tiểu (rụt rè, lấm lét)…

Rõ ràng, cảnh quan thuộc địa và con người thuộc địa đã không được nhìn nhận khách quan như nó vốn có. Cũng giống như trong tất cả các du kí của kẻ chinh phục khác, nó bị vật hoá, bị giả định là không có một lịch sử, một phong tục, một bản sắc. Tất cả những kiến trúc, phong tục, dáng vẻ bình thường của xứ thuộc địa đều bị bóp méo, xuyên tạc trong nhãn quan thực dân. Và ngay cả sự đề kháng của xứ thuộc địa cũng bị coi là yếu ớt, tầm thường. Vậy là, không chỉ những diễn ngôn chính trị đã áp đặt quyền lực của Pháp lên Đông Dương, mà những tài liệu tưởng chừng khách quan, khoa học nhất cũng thực thi cái quyền lực tuyệt đối của kẻ chinh phục đối với kẻ bị chinh phục. Đông Dương đã được kiến tạo như là một xứ sở hạ đẳng, mông muội, lười biếng… Đông Dương không phải chỉ là một thực tại, mà còn là một huyền thoại mà kẻ thực dân đã thêu dệt nên để hợp lí hoá quyền xâm lược của mình.

 

Cảnh trong phim Người tình

2. Ra đời vào những năm 1980, trong bối cảnh hậu thuộc địa, Người tình của Duras đem lại một cái nhìn khác về xứ thuộc địa. Tính chất phức tạp của nó, sự lưỡng phân của nó… khiến cho xứ thuộc địa mà nó mô tả không thuần tuý chỉ là một đối tượng hạ đẳng, một mảnh đất bị chinh phục. Tính chất nước đôi trong nhãn quan của nó về xứ thuộc địa cho thấy sự ảnh hưởng trở lại của kinh nghiệm thuộc địa đến thực dân.

Quả thật, kinh nghiệm về thuộc địa, những ngày tháng trải qua ở thuộc địa đã trở thành một nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời sáng tác của Duras. Thân phận của Duras ở Đông Dương đã khiến bà không đơn thuần chỉ là một khách bộ hành hay một kẻ thống trị. Tuổi thơ khốn khó và gia đình kì dị cùng những trải nghiệm ở Đông Dương đã khiến Duras bị tách ra khỏi tầng lớp tinh hoa của Pháp ở Nam Kì, và xô đẩy đến cảnh ngộ tha hương, lưu đày, hèn hạ của kẻ lưu vong nghèo khổ. Gia đình và thân phận của cô gái da trắng trong Người tình là thân phận của đứa con Pháp bị bỏ rơi trên đất thuộc địa, phải hứng chịu đầy đủ nỗi sợ hãi, kinh hoàng, cảm giác xa lạ của kẻ lưu vong, nhưng vẫn đầy định kiến về địa vị thượng đẳng của mình.

Sự đan xen và đầy mâu thuẫn giữa ý thức và vô thức, sự biểu hiện nước đôi của tham vọng thực dân đã chi phối toàn bộ cấu trúc của tác phẩm và nhãn quan của Duras về xứ thuộc địa. Diễn ngôn của Duras về xứ thuộc địa vừa thách thức quyền lực thực dân và đồng nhất mình với xứ thuộc địa, lại vừa đầy tham vọng thống trị và thôn tính. Thiên nhiên thuộc địa được miêu tả đẹp đẽ, tráng lệ nhưng cũng đầy xa lạ và thù địch với kẻ lưu vong. Con người thuộc địa hiện lên vừa như kẻ nô lệ trung thành, nhu nhược đến kì lạ, lại vừa như một mối đe dọa. Người đàn ông Trung Hoa vừa hấp dẫn bởi vẻ hào nhoáng, xa hoa vừa thụ động, yếu đuối. Những công dân Pháp thượng đẳng và đầy kiêu hãnh, kẻ khai hoá văn minh lại hiện lên như là bóng tối và tội ác, ngạo mạn và hoảng loạn, yếu đuối và nhu nhược. Cô gái da trắng, kẻ muốn đồng nhất trọn vẹn với người đàn ông Trung Hoa, thách thức sự kì thị chủng tộc thì chính là kẻ đầy tham vọng thống trị, chủ động trong tình dục. Mối tình vừa nảy nở đã lập tức trở thành một mối tình hướng đến cái chết. Hai thể xác cô đơn chính trong sự hợp nhất. Hợp nhất mà không thể hết cô đơn. Hợp nhất mà hoàn toàn xa lạ, ngăn cách. Tiểu thuyết viết về xứ thuộc địa bằng tiếng Pháp, nhưng lại phá vỡ những qui tắc ngữ Pháp chuẩn mực, chịu sự xô đẩy, thâm nhập của một thứ ngôn ngữ ngoại lai… Tất cả, mỗi dòng mỗi chữ, mỗi hình ảnh, chi tiết, nhân vật trong Người tình đều thấm đẫm bản chất nước đôi, đều vọng lên những tranh biện, sự đối chọi của hai quyền lực, hai ý thức hệ, hai nền văn hoá.

3. Có thể nói, đọc những trang viết của Duras về thiên nhiên Nam Kì, người ta không khỏi ngỡ ngàng, bởi nó dường như không phải là thứ thiên nhiên xa lạ được soi chiếu qua một nhãn quan hiếu kì hoặc khách quan của một người ngoại quốc. Nó là một thứ thiên nhiên đầy nội cảm, không chỉ được miêu tả mà được làm sống lại, thể nghiệm lại, được giả định là nó thực sự có một linh hồn. Nó được lưu giữ như một vầng sáng trong kí ức, và kì lạ thay là vẫn còn hiển hiện vẹn nguyên trong thực tại: “Tôi không thể thực sự nhớ được những ngày. Ánh mặt trời làm mờ nhòa và tiêu hủy mọi màu sắc. Nhưng những đêm, tôi nhớ chúng. Màu xanh xa xôi hơn cả bầu trời, vượt trên mọi chiều sâu, bao trùm mọi biên giới của vũ trụ. Ðối với tôi, bầu trời là một vệt sáng rực thuần khiết băng ngang màu xanh, sự hợp nhất lạnh lẽo vượt trên mọi màu sắc. Ðôi khi, khi ở Vĩnh Long, lúc mẹ tôi buồn, bà gọi xe ngựa và chúng tôi đánh xe về vùng quê để ngắm nhìn đêm trong mùa khô. Tôi đã có được sự may mắn tuyệt vời đó - những đêm đó, bà mẹ đó. Ánh sáng tuôn xuống từ bầu trời như những dòng thác trong suốt thuần khiết, thành những dòng nước lặng yên và bất động. Không gian xanh lơ, bạn có thể giữ nó trong tay. Xanh lơ. Bầu trời là sự dội đập rộn ràng của ánh sáng rực rỡ. Ðêm thắp sáng mọi vật, tất cả vùng quê trên cả hai bờ sông xa tít đến những nơi chốn mà mắt có thể nhìn thấy được. Mỗi đêm mỗi khác, mỗi đêm mang một cái tên dài như nó kéo dài. Những âm thanh của nó là những tiếng chó, những con chó đồng sủa vào sự bí ẩn. Chúng đáp lời nhau từ làng này qua làng khác, cho tới khi thời gian và không gian của đêm đã lụi tàn hẳn”. Cái ánh sáng rực rỡ, trong trẻo kì lạ của ban đêm. Những âm thanh quen thuộc… Tất cả dường như được viết bởi một nhà văn bản xứ đã gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương mình.

Và đặc biệt là những đoạn viết về con sông Cửu Long, con sông mẹ đã khai sinh ra cả vùng đồng bằng phương Nam trù phú, ngòi bút của Duras trở nên say sưa, rung động lạ thường: “Tôi nhìn dòng sông. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nói với tôi rằng trong suốt cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy lại những dòng sông đẹp đẽ, lớn rộng và hoang dã như những dòng sông này nữa, dòng Cửu Long và những nhánh của nó, chảy về biển, những khu vực mênh mông nước chẳng mấy chốc tan hòa vào những vũng biển sâu thẳm. Trong những đồng bằng hút mắt chung quanh, những con sông chảy xiết như thể mặt đất nghiêng dốc xuống”.Trong ánh mặt trời mờ mờ trên sông, mặt trời của một mùa nóng bức, hai bờ sông nhòa đi, dòng sông như chạm đến chân trời. Nó chảy lặng lẽ, không một tiếng động, như máu trong thân thể. Không có gió, chỉ có gió trong dòng nước. Ðộng cơ chiếc phà là tiếng động duy nhất, một động cơ cũ kỹ, trúc trắc với những cơ phận mòn nhão. Thỉnh thoảng, có tiếng nói thốt ra không rõ. Rồi tiếng chó sủa, đến từ mọi phía, từ bên trên sương mờ, từ các thôn làng”.Chung quanh phà là sông, ngập bờ, dòng nước cuồn cuộn của nó chảy băng qua những vùng nước tù đọng của những ruộng lúa, mà không bao giờ hòa lẫn. Con sông đã thu nhặt tất cả những gì nó gặp từ Biển Hồ và từ những khu rừng bên Cam Bốt. Nó cuốn theo mọi thứ, những mái nhà tranh, những cánh rừng, những đám cháy đã tàn, những xác chim chết, chó chết, cọp và trâu chết đuối, người chết chìm, người bù nhìn, những đám lục bình dính lấy nhau như những hòn đảo nhỏ. Tất cả mọi thứ đều chảy ra Thái Bình Dương, không có thời giờ để chìm, tất cả bị cuốn theo bởi cơn bão quay cuồng nằm sâu bên dưới dòng nước, lềnh bềnh trên bề mặt của dòng sông mạnh bạo”.

Dòng sông Cửu Long bao la, hùng vĩ và hoang dã, dòng chảy cuồn cuộn và sức sống mãnh liệt của nó như là một biểu tượng về sự vĩnh cửu, sự bình đẳng, sự tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên. Nó dào dạt một sự sống không bao giờ vơi cạn. Nó không phải chỉ được miêu tả, mà còn được thể nghiệm bởi những ấn tượng đặc biệt “những con sông chảy xiết như thể mặt đất nghiêng dốc xuống”, “hai bờ sông nhòa đi, dòng sông như chạm đến chân trời”, “nó chảy lặng lẽ, không một tiếng động, như máu trong thân thể”.

Thiên nhiên được đặc tả ở chiều kích khổng lồ của nó, sự cao rộng bao la, sâu thẳm của bầu trời đêm, sự vô tận, vĩnh hằng của dòng sông, sự mạnh mẽ của dòng chảy, rực rỡ của ánh sáng… khiến cho người ta phải thán phục, ngỡ ngàng. Điều này hoàn toàn khác với cách miêu tả thiên nhiên trong các diễn ngôn về xứ thuộc địa của người Pháp. Trong đó thiên nhiên hiện lên như một thế giới hoang sơ, tăm tối, bẩn thỉu của những vùng đầm lầy cần được phát quang. Nó không phải là thứ thiên nhiên thụ động và bạc nhược sẵn sàng tuân phục để trở thành một nguồn tài nguyên cho công cuộc khai thác thuộc địa. Nó là một bà mẹ vĩ đại, khai sinh ra sự sống, tự do tự tại, lặng lẽ và trường tồn.

Thế nhưng, cũng chính thiên nhiên ấy lại xa lạ, thù địch và đầy đe doạ: “Tôi luôn luôn ra khỏi xe đò mỗi khi lên phà, ngay cả vào ban đêm, bởi vì tôi luôn luôn sợ hãi, sợ những dây cáp có thể đứt rời và chúng tôi có thể bị cuốn trôi ra biển cả. Trong dòng nước khủng khiếp đó, tôi nhìn những thời khắc cuối cùng của mình. Dòng nước mạnh bạo đến nỗi nó có thể cuốn trôi mọi thứ - những tảng đá, ngôi nhà thờ, một thành phố. Có một trận cuồng phong nào đó đang ào ạt thổi bên dưới mặt nước. Gió rít dữ dội”. Cái nóng bức ngột ngạt của nó, khiến cho xứ sở này trở thành một nơi không có mùa xuân, không có sự phục hồi. Bóng tối tĩnh lặng, sâu thẳm của nó lại là một nỗi ám ảnh, đe doạ, khiến cho con người ta rơi vào một trạng thái hoảng loạn tột cùng.

Ánh sáng và bóng tối, an bình và hiểm nguy, rung động và sợ hãi trở thành những song đề, đối cực khi tái hiện thiên nhiên thuộc địa. Ở đây, ước vọng được đồng nhất thành một phần máu thịt của thiên nhiên ấy hoà trộn làm một với nỗi ám ảnh và cảm giác xa lạ, thù địch, khó chịu. Có lẽ, thân phận đặc biệt của Duras như một kẻ vong quốc song mãi mãi không bao giờ hoà nhập nổi với xứ sở mà mình sinh sống, thân phận của một người Pháp mãi mãi không tìm thấy thứ hoa thơm trái ngọt mà diễn ngôn thực dân đã gieo trồng trên mảnh đất thuộc địa, cảm giác về một tuổi thơ bị bỏ rơi… đã cấu thành nên nhãn quan kì lạ ấy về thiên nhiên thuộc địa trong tác phẩm Người tình. Và điều đó càng cho thấy, vĩnh viễn, thuộc địa không thể trở thành một nước Pháp nối dài. Tiếng nói phản kháng đối với quyền lực thực dân cất lên từ những trải nghiệm sâu sắc nhất của một người Pháp vong bản.

4. Và rõ ràng là trái với diễn ngôn thực dân miêu tả người dân xứ thuộc địa như những kẻ lười biếng, bẩn thỉu, hạ đẳng, phi nhân, Người tình của Duras soi chiếu con người bản địa bằng nhãn quan nước đôi. Trái với diễn ngôn thực dân miêu tả người hầu bản xứ như những kẻ lười biếng, bất tuân, Duras đã miêu tả nhân vật chị Đô bằng một cái nhìn trìu mến và thân thiện: “Chị là người quản gia không bao giờ rời mẹ tôi ngay cả khi bà trở về Pháp, ngay cả khi người anh cả tôi cố hãm hiếp chị trong căn nhà được cấp cho mẹ tôi khi bà dạy học ở Sa-Đéc, và ngay cả khi chị không còn được trả lương nữa. Chị Ðô đã được các bà sơ nuôi dạy, chị có thể thêu thùa và biết may pli, chị có thể may bằng tay, trong khi người ta đã không còn may bằng tay từ nhiều thế kỷ rồi, với những cây kim nhỏ như sợi tóc. Nhưng chính sự miêu tả thân thiện này lại biểu lộ quyền lực của kẻ thực dân đối với người bản địa. Người hầu bản địa được miêu tả như là một kẻ nhu nhược, phụ thuộc, nhịn nhục một cách kì lạ và vô điều kiện, ngay cả khi bị xúc phạm, và bóc lột.

Và cũng như chị Đô, người phụ nữ bản địa được miêu tả như là những kẻ chờ đợi, tuân phục, toàn bộ thể xác và tinh thần của họ là để chờ đợi, dành cho, hướng tới mẫu quốc, toàn bộ cuộc đời của họ sẵn sàng bị phá huỷ, chôn vùi, phụ rẫy. Sự miêu tả của Duras đã làm nổi bật bản chất nhược tiểu của người phụ nữ thuộc địa. Tôi nhìn những người đàn bà trên đường phố Sài Gòn, và trong nội địa. Một vài người rất xinh đẹp, rất trắng trẻo, họ chăm sóc nhan sắc họ rất kỹ lưỡng ở đây, nhất là trong nội địa. Họ không làm gì cả, chỉ để dành chính bản thân họ, để dành chính bản thân họ cho Âu châu, cho những tình nhân, cho những ngày nghỉ lễ ở Ý, cho những lần nghỉ phép kéo dài sáu tháng mỗi ba năm, khi mà cuối cùng họ có thể nói về đời sống ở đây như thế nào, về đời sống thuộc địa đặc biệt này, về những sự phục dịch tuyệt vời của những gia nhân, cây cỏ, những cuộc khiêu vũ, những biệt thự màu trắng, lớn đến nỗi có thể bị lạc trong đó, được chiếm cứ bởi những viên chức nơi những nhiệm sở xa xôi. Họ chờ đợi, những người phụ nữ này. Họ mặc quần áo chỉ để mà mặc thôi. Họ nhìn ngắm chính họ. Trong bóng mát của những ngôi biệt thự, họ nhìn ngắm chính họ để sau này, họ mơ mộng ra những chuyện tình lãng mạn, họ đã có những tủ quần áo khổng lồ, nhiều quần áo đến nỗi họ không biết phải dùng vào việc gì, từng cái một thêm vào mãi như thời gian, như những ngày dài chờ đợi. Một vài người trở thành quẩn trí. Một vài người bị phụ rẫy vì một cô gia nhân trẻ tuổi biết giữ kín mồm miệng. Bị bỏ rơi. Người ta có thể nghe lời nói va chạm vào họ, nghe âm thanh của cú đấm. Vài người tự tử.”

Ngay cả người tình Trung Hoa cũng được miêu tả bằng một nhãn quan nước đôi như thế. Người đàn ông Trung Hoa được bao bọc bởi một vẻ bề ngoài hào nhoáng. Nhưng bên trong là thân thể mềm mại, tinh thần yếu đuối, sự bị động trong tình dục.

Điều đặc biệt là khi miêu tả con người bản xứ, Duras đặc biệt chú ý đến lớp người ở đẳng cấp thấp, là những kẻ phụ thuộc (người hầu), là những người phụ nữ, trẻ con, người thiểu số (người đàn ông Trung Hoa). Những trụ cột mạnh mẽ, tầng lớp tinh hoa trong xứ thuộc địa hoàn toàn vắng bóng. Việc chú tâm miêu tả lớp người này càng làm nổi bật bản chất nhược tiểu của xứ thuộc địa và uy quyền thống trị của chủng tộc da trắng. Tuy nhiên, khác với diễn ngôn thực dân, Duras đã không đối xử với họ bằng một thái độ miệt thị. Cô gái da trắng nghèo khổ, lưu vong, cô đơn chính trong gia đình của mình đã tìm được tiếng nói đồng cảm với chính thân phận nhược tiểu của những kẻ nhược tiểu trong xứ thuộc địa. Những áp lực của uy quyền thực dân đã dồn tụ, xô đẩy họ vào với nhau. Người này cảm nhận sự bé nhỏ, cô đơn, phục tùng của người kia. Họ đều là một nhóm thiểu số bị gạt ra ngoài lề, bị dồn xuống đáy cùng của xã hội thuộc địa. Chính vì thế, ở chính điểm giao nối giữa tiếng nói định kiến của chủng tộc da trắng về bản chất yếu đuối của con người thuộc địa và tiếng nói đồng cảm của người phụ nữ da trắng với thân phận nhược tiểu của người thuộc địa, đã vang lên một tiếng nói thách thức đối với quyền lực thực dân và quyền lực gia trưởng, một tiếng nói của nữ quyền và giải thực.

5. Và tính chất nước đôi này cũng biểu hiện trong mối tình của cô gái da trắng và người đàn ông Trung Hoa. Mối tình này là sự thách thức đối với sự phân biệt chủng tộc và những luật lệ của xã hội thuộc địa. Thái độ khinh  miệt và thù hận của người anh cả, sự tức giận của người mẹ, sự đồn thổi về mối tình của cô ở xứ thuộc địa… là những định kiến chủng tộc mãi mãi không thể xoá bỏ. Gia đình của cô với người anh cả độc ác đáng sợ như cái chết và bóng đêm, với người mẹ dù khốn cùng, kiệt quệ và hoảng loạn vẫn tự thổi phồng mình trong một vỏ bọc thượng đẳng… giống như những đạo luật vô hình ngăn trở cô đến với người tình. Cái cách mà người anh cả của tôi đối xử với người tình của tôi, không trò chuyện với chàng, làm ngơ chàng, xuất phát từ những định kiến cực đoan đến đỗi nó diễn ra như một mẫu mực. Tất cả chúng tôi đều đối xử với người yêu tôi giống như người anh cả. Người đàn ông Trung Hoa bị từ chối, khinh miệt ngay cả khi anh ta giàu có, và ngay cả khi kẻ khinh miệt anh ta khốn cùng. Thái độ của gia đình cô gái đối với người đàn ông Trung Hoa như khẳng định một thứ uy quyền tuyệt đối ở xứ sở thuộc địa: rằng người da trắng, kẻ đi xâm lược, dù là kẻ thấp hèn nhất cũng có quyền khinh miệt một người bản xứ, dù là giàu có nhất. Đó chính là cái diễn ngôn đã định hình bằng các thiết chế của xã hội thuộc địa.

Mối tình của cô gái với người đàn ông Trung Hoa biểu hiện cái khát vọng muốn được vượt thoát ra khỏi những định luật hà khắc đó. Chấp nhận đến với người đàn ông Trung Hoa đồng nghĩa với việc bị loại trừ ra khỏi gia đình, lần đầu tiên và mãi mãi. Sự tự nguyện và chủ động đến với người đàn ông Trung Hoa của cô gái là một sự thách thức, trốn chạy, sự căm ghét và chối bỏ cái gốc rễ da trắng của mình và thể hiện khát vọng được đồng hoá vào xứ thuộc địa.

Mối tình với người đàn ông Trung Hoa còn thể hiện khát vọng được thay đổi vị thế thấp kém của người phụ nữ da trắng trong mối quan hệ với người đàn ông da trắng. Trong con mắt của người đàn ông da trắng, cô gái được nhìn như một đối tượng thụ động, đối tượng để chiếm đoạt. Đến với một người tình xứ thuộc địa, cô có thể thực thi cái quyền lực tối thượng mà người đàn ông bản quốc đã thực thi với những người phụ nữ như cô. Khoái lạc có được trong mối tình này là sự đồng cảm của những thân phận thấp hèn, nhược tiểu. Đó chính là lí do tại sao mà xứ thuộc địa, trong con mắt của người phụ nữ phương Tây, lại trở nên dễ đồng cảm hơn, thân thiện hơn. Và tiếng nói nữ quyền cũng dễ dàng cất lên từ những trang viết của những nhà văn nữ ở xứ thuộc địa.

Như vậy, tình yêu đó, khoái cảm nhục dục đó chính là một sự phản kháng đối với những quyền lực từ bên trên. Nói cách khác, đó là tiếng nói bất tuân của một quyền lực từ bên dưới.

Nhưng, Người tình của Duras không lúc nào không mang tính nước đôi. Tiếng nói bất tuân ngay lập tức bị đàn áp bởi những luật lệ khắc nghiệt. Người anh cả, thế lực của bóng đêm, tội ác, khuôn mặt của chiến tranh lúc nào cũng là một mối đe doạ. Trước sự hiện diện của người anh cả tôi, chàng ngưng không còn là người yêu của tôi nữa. Chàng không ngưng hiện hữu, nhưng chàng không còn là gì đối với tôi nữa. Chàng trở thành một lớp vỏ đã bị cháy tiêu. Sự ham muốn của tôi tuân phục người anh cả tôi, chối bỏ người tình của tôi. Khẳng định với bà mẹ rằng không hề quan hệ với người đàn ông Trung Hoa, rồi sau đó ra đi, rời khỏi xứ thuộc địa, trở về nước Pháp… là những hành động cho thấy sức mạnh ghê gớm và rào cản không thể vượt qua của định kiến chủng tộc. Mối tình mê đắm nhưng tuyệt vọng, không biết đến tương lai, là mối tình hướng đến cái chết. Và ngay cả trong lúc làm tình, trong niềm hoan lạc tột cùng được đồng nhất, thì hai con người ấy vẫn là những thực thể xa lạ, gần như không thể giao tiếp, luôn luôn bị ngăn cách. Ở đây, quyền lực thực dân đã trở thành một thứ quyền lực vô hình len lỏi khắp nơi, cả vào trong vô thức của con người.

Cô gái một mặt bị cuốn vào mối tình mê đắm với người đàn ông Trung Hoa, bất kể khác biệt tuổi tác, màu da, muốn chối bỏ gốc rễ, thách thức luật lệ, một mặt lại mang vào chính trong mối tình ấy cái tham vọng chiếm đoạt, chinh phục, thống trị của kẻ thực dân. Nhãn quan thực dân bộc lộ qua cách miêu tả người đàn ông Trung Hoa như một người yếu đuối, nhỏ bé, nhu nhược. Làn da mềm mại một cách lộng lẫy. Thân thể. Thân thể mảnh mai, không sức mạnh, không có bắp thịt, có thể là chàng đau ốm, có thể là đang dưỡng bệnh, người chàng nhẵn nhụi, không có chút gì nam tính ở chàng trừ bộ phận sinh dục, chàng yếu đuối, có lẽ là một miếng mồi ngon không nơi nương tựa để sỉ nhục, dễ bị thương tổn.­ Anh ta hiện diện trong trạng thái sợ hãi, thụ động, tuyệt vọng: run rẩy ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, khóc lóc ngay cả khi làm tình, thụ động trong quan hệ tình dục, sợ hãi những thành viên da trắng trong gia đình cô gái, không dám chống lại sự cấm đoán của người cha. Sự mô tả người tình Trung Hoa tràn đầy định kiến của phương Tây về một phương Đông yếu đuối, bạc nhược và phụ thuộc.

Cô gái da trắng hiện lên như một chủ thể tính dục chủ động, kẻ chiếm đoạt và thống trị tham lam. Dần dần chàng được nhớ lại, lại trở nên đáng thèm muốn, Tôi nhận thấy tôi thèm muốn chàng, tôi bảo chàng đến bên tôi, bảo chàng phải chiếm đoạt tôi lần nữa. Trong diễn ngôn về tính dục này, người ta có thể thấy cái uy quyền thực dân, uy quyền được áp đặt sức mạnh chủng tộc và tình dục lên xứ thuộc địa và vị trí nhược tiểu, phụ thuộc của thuộc địa.

Có thể nói, mối quan hệ phức tạp giữa thực dân và thuộc địa, bản chất nước đôi của mối quan hệ này đã thể hiện sâu sắc trong mối tình giữa một cô gái da trắng và một người đàn ông Trung Hoa. Trong đó, bất tuân và khuất phục, kháng cự và khẳng định, khát vọng đồng hoá và tham vọng chiếm đoạt hoà vào nhau làm một. Xứ thuộc địa, cũng giống như người đàn ông Trung Hoa, vừa hấp dẫn, khêu gợi được hợp nhất, vừa xa lạ, ngăn cách. Sự đồng hoá giữa thực dân và thuộc địa không bao giờ trọn vẹn. Định kiến chủng tộc và quyền lực thực dân không thể nào xoá bỏ.

Có thể nói, tính nước đôi xuyên suốt tất cả các chi tiết và quan hệ trong Người tình của Duras. Sự mâu thuẫn và tranh biện giữa yêu thương và căm hận, giữa kháng cự và khẳng định, giữa khát vọng hoà nhập bình đẳng và định kiến chủng tộc đã khiến cho tác phẩm luôn bị dồn nén tới mức căng thẳng. Ở chiều sâu của những đối cực đó là sự đối chọi quyền lực, giữa một bên là quyền lực thống trị của thực dân và một bên là sự phản kháng của kẻ nhược tiểu, sự phản kháng của bản năng tính dục và những tình cảm nhân văn của con người.

Một câu hỏi đặt ra: lí do tại sao Đông Dương lại trở thành một nỗi ám ảnh như thế trong sáng tác của Duras? Phải chăng bà bị rung động trước vẻ đẹp của xứ sở này hay Duras là người chống lại chế độ thực dân? Tiểu sử phức tạp của Duras cho thấy bà không bao giờ là người thực sự theo một lập trường chính trị nào? Vậy thứ uy quyền nào đứng sau diễn ngôn của Duras về xứ thuộc địa?

Có thể nói, mối tình của Duras với Đông Dương là một cuộc nổi loạn kép: vừa chống lại diễn ngôn thực dân được lưu hành ở xứ thuộc địa từ những ngày đầu tiên người Pháp đặt chân tới An Nam, và chống lại diễn ngôn nam quyền trong xã hội phương Tây áp đặt lên người phụ nữ một tính nữ bị động, phụ thuộc, là đối tượng chinh phục. Quyền lực thực dân và quyền uy gia trưởng biểu hiện tập trung trong nhân vật người anh cả. Anh ta được miêu tả như là kẻ thống trị, săn đuổi, chủ động, như là biểu tượng của nam quyền: luôn luôn là giết chóc, là xóa bỏ, là nắm giữ sự thống trị đời sống, khinh miệt, săn đuổi, được làm người chủ động trên điều đó, không chỉ ở nơi đây mà ở khắp mọi nơi. Anh ta là đại biểu của tội ác, của bóng đêm. Anh ta là đại biểu của chiến tranh: Tôi nhìn chiến tranh như tôi nhìn tuổi thơ của mình. Tôi thấy thời chiến và sự thống trị của người anh cả tôi là một… Tôi nhìn chiến tranh như tôi nhìn thấy anh, lan tràn khắp nơi, xâm nhập mọi chỗ, trộm cắp, giam cầm, luôn luôn ở đó, pha trộn lẫn lộn với mọi thứ, hiện diện trong thân xác, trong tinh thần, khi thức dậy và thiếp ngủ, mọi lúc, miếng mồi nhử đối với mối đam mê đầy say đắm muốn chiếm giữ vùng đất đầy vui thú đó, cái cơ thể của một đứa trẻ, những cơ thể của những người ít mạnh mẽ hơn, của những người bị chinh phục. Bởi vì điều xấu ác ở đó, ngay ở những cánh cổng, áp sát vào da thịt.

Và hơn ở bất cứ nơi đâu, ở xứ thuộc địa, quyền lực thực dân và quyền lực gia trưởng hợp với nhau làm một để tạo nên một thứ quyền lực tối thượng. Thứ quyền lực đã khiến cho người đàn ông da trắng trở thành một bạo chúa có thể thả sức thực hiện các dục vọng thống trị của mình, và đẩy người phụ nữ thuộc địa vào một vị thế nhược tiểu kép. Người đàn ông da trắng có thể tự do cưỡng hiếp và chiếm đoạt tình dục với người phụ nữ thuộc địa mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào (chị Đô vẫn ở lại mặc dù bị người anh cả hãm hiếp). Trái lại, người phụ nữ da trắng ở thuộc địa lại hoàn toàn bị động và phụ thuộc. Họ bị đưa đến Đông Dương nhằm duy trì sự thuần chủng của người da trắng, chống lại sự lai ghép chủng tộc gây ra do những quan hệ tình dục của người đàn ông da trắng với người phụ nữ bản địa. Họ bị cấm quan hệ tình dục với người đàn ông bản xứ[4]. Và như vậy, địa vị của họ là phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông da trắng. Những phụ nữ da trắng, trong Người tình  được miêu tả như là những kẻ không làm gì cả, chỉ để chờ đợi, dâng hiến, bị ruồng bỏ và phụ rẫy bởi người đàn ông Pháp. Người mẹ được miêu tả như một kẻ nô lệ của người anh cả. Cô gái bị buộc phải tuân phục người anh cả, mặc dù cô cố tình cưỡng lại sự khống chế ấy. Cô  bị đối xử như một kẻ thụ động, nô lệ bởi người đàn ông da trắng: Tôi đã quen với việc người khác nhìn mình. Người ta thường nhìn các phụ nữ da trắng ở thuộc địa, nhìn cả đến các cô gái da trắng mười-hai-tuổi nữa. Trong ba năm qua, đàn ông da trắng cũng đã bắt đầu nhìn tôi trên đường phố, và những người bạn trai của mẹ đã lịch sự mời tôi đến uống trà với họ trong khi vợ họ đang đi ra ngoài chơi quần vợt ở Câu lạc bộ Thể thao. Và như vậy, những diễn ngôn thực dân ở Đông Dương về chủng tộc và giới tính đã khiến cho người phụ nữ da trắng bị buộc chặt vào người đàn ông da trắng. Quyền lực dân đã trở thành một thứ vi hình quyền lực bởi nó không chỉ tạo ra những luật lệ, rào cản đạo đức mà còn xâm nhập sâu sắc vào ý thức của cac chủ thể.

Sự phản kháng của cô gái da trắng đối với uy quyền gia trưởng đó biểu hiện trong sự căm ghét của cô đối với người anh cả, trong sự phản đối của cô về sự phản bội, nhầm lỡ của những người phụ nữ chỉ biết chờ đợi, dâng hiến, trong việc cô lựa chọn cho mình một chiếc mũ đàn ông như là một sự khiêu khích, thách thức Nhưng tại sao lại mang chiếc mũ đó chứ? Vào lúc bấy giờ không một phụ nữ nào, không một cô gái nào đội mũ dạ của đàn ông trên thuộc địa đó cả. Ngay đến những phụ nữ bản xứ cũng không. Chắc chuyện đó đã xảy ra như thế này: Tôi chỉ thử đội nó để nghịch mà thôi, nhìn mình trong mảnh gương ở cửa hàng, rồi tôi chợt thấy rằng, bên dưới chiếc mũ đàn ông đó, cái vóc dáng vụng về gầy gò, sự bất xứng của tuổi nhỏ, đã biến thành một điều gì khác. Ðã ngưng là một sự áp đặt thô bỉ, không thể tránh né của tạo hóa. Trái lại, đã trở thành một sự lựa chọn đầy khiêu khích đối với hóa công, một sự lựa chọn của tinh thần.

Và mối tình với người đàn ông Trung Hoa ở xứ thuộc địa là biểu hiện cao nhất của sự chống đối, kháng cự này. Điều mà cô gái không thể có được trong quan hệ với người đàn ông da trắng: sự chủ động, sự thèm muốn, sự chiếm đoạt, sự thống trị… thì cô có thể thực thi với người đàn ông Trung Hoa. Qua người đàn ông Trung Hoa, cô gái có thể sắm vai trò của người đàn ông da trắng, bác bỏ diễn ngôn nam quyền. Đó thực sự là một cuộc hoán đổi vị trí, giải phóng ẩn ức.

Như thế, sở dĩ Đông Dương cho đến suốt đời vẫn trở thành một ám ảnh và bản mệnh của Duras là bởi vì ở Đông Dương, với người tình Trung Hoa, Duras đã tìm thấy con đường để giải phóng bản năng giới tính ra khỏi sự kìm kẹp của chế độ nam quyền gia trưởng. Đông Dương, với Duras, chính là một người tình huyền thoại, lí tưởng để bung toả những ẩn ức giới tính, là xứ sở để người phụ nữ thực thi quyền lực của thể xác. Và sex mới chính là nguyên nhân sau chốt trong diễn ngôn về xứ thuộc địa của Duras, đúng như Duras từng quan niệm: khi một nữ nhà văn không còn bị ám ảnh bởi sex thì những trang văn họ viết ra chỉ như là thứ văn đạo.

Như vậy, có thể nói, nằm sâu bên trong diễn ngôn về xứ thuộc địa trong Người tình của Duras là diễn ngôn hậu thuộc địa đầy tính nước đôi về mối quan hệ giữa thực dân và thuộc địa, và hơn hết, là một diễn ngôn về giới nhằm khẳng định quyền bình đẳng của người phụ nữ. Chính ở Đông Dương, chính ở nơi mà uy quyền thực dân và uy quyền gia trưởng hợp sức để trở thành một thế lực ghê gớm nhất, chính ở nơi mà con người, đặc biệt là người phụ nữ bị cấm đoán, phong toả nhất, thì sự kháng cự, sự giải phóng lại diễn ra quyết liệt nhất. Đó chính là sự nổi dậy của một thứ quyền lực từ bên dưới mà không một thế lực nào có thể bác bỏ, đàn áp, ngăn trở.

  


[1] Jules Ferry (1832-1893) bắt đầu sự nghiệp chính trị như một lãnh tụ của tầng lớp trung lưu của Đệ Tam Công Hòa Pháp Quốc, nổi bật lên chính yếu vì lòng nhiệt thành trong việc thế tục hóa hệ thống trường học của quốc gia. Trách nhiệm sau này của Ferry về sự bành trướng của Pháp tại Phi Châu và Á Châu hai lần làm ông mất chức Thủ Tướng Chính Phủ.  Trong khi thực sự can dự vào việc thụ tạo các thuộc địa, không mấy khi mà Ferry lại mang trong đầu các tư tưởng rõ ràng như ông đã phát biểu trong bài diễn văn dưới đây, được đọc vào dịp ông ta gạt bỏ sau rốt khỏi quyền lực [thực ra bài diễn văn này được đọc vào những tháng khởi đầu của nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ nhì của Jules Ferry, chú của người dịch]. Dù sao đi nữa, những chủ điểm của Ferry trong bài diễn văn này – sự từ bỏ nền kinh tế cấp tiến, sự nhấn mạnh đến “nhiệm vụ khai hóa,” và sự bảo vệ cho chủ nghĩa yêu tổ quốc Cộng Hòa - vẫn là những yếu tố quan trọng trong các tình cảm hỗ trợ cho chủ nghĩa đế quốc của Pháp.

(Theo Ngô Bắc, nguồn http://www.gio-o.com/NgoBacJFerry.html)

 [2] Tài liệu này bao gồm các đoạn giới thiệu và kết luận của một bài diễn văn dài lượng định tình hình thuộc địa của Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương thuộc Pháp, đọc ngày 15 tháng Mười năm 1930.  Trong tháng Hai của năm đó, cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã nổ ra tại Bắc Việt, được thúc đẩy bởi Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vietnamese Nationalist Party), bị chính quyền thuộc địa đàn áp cực kỳ hà khắc.  Pasquier, kẻ đã rất thấu hiểu Việt Nam, đã viết một quyển sách có giá trị về An Nam cổ xưa, là một trong những phát ngôn viên hùng hồn nhất của nền thống trị thực dân Pháp trước Thế Chiến II. 

Nguồn: Đại Hội Đồng Kinh Tế và Lý Tài Đông Dương, khóa họp thường lệ năm 1930, Diễn Văn đọc ngày 15 tháng Mười năm 1930 bởi ông Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương (Grand Conseil des Interêts Économiques et Financiers de l’Indochine, session ordinaire de 1930, Discours prononcé le 15 Octobre 1930 par M. Pierre Pasquier, Gouverneur général de l’Indochine), Hanoi-Haiphong: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1930, các trang 3-5, 117-119, bản dịch sang Anh ngữ bởi Margaret W. Brockhuysen.)

(Theo Ngô Bắc, nguồn: http://www.gio-o.com/NgoBacPPasquier.html) 

[3] Isabella Bird, một du khách đặc biệt, từng du hành đến nhiều nơi trên thế giới. Các tác phẩm của bà (tổng cộng gồm tám quyển sách chính) được sắp vào hạng bán chạy nhất. Rong chơi Sài Gòn đã đưa ra một bức tranh nhiều màu sắc và đáng ghi nhớ về những gì bà đã nhìn thấỵ Miền Nam Dông Dương (nguồn: http://www.gio-o.com/NgoBacRongChoiSaiGon.html)

[4] Vấn đề sự thuần chủng đã được đặt ra từ thời Victoria, trong đó, người da trắng, đặc biệt là người phụ nữ da trắng bị ngăn cấm quan hệ tình dục với những người khác chủng tộc nhằm duy trì sự thuần chủng. Đến thời kì bành trướng thuộc địa, vấn đề này càng được đề cao trước nguy cơ sự lai ghép chủng tộc do quan hệ tình dục của người đàn ông da trắng với phụ nữ bản địa. Và cùng với những diễn ngôn về sự thượng đẳng của chủng tộc da trắng là những hoạt động cụ thể của chính phủ, trong đó có việc đưa người phụ nữ da trắng đến Đông Dương.

 (Nguồn Vanhoanghean.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...