Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Văn Đắc bạn tôi - nhà thơ “tự thú”

Lê Bá Thự - 06-01-2012 12:21:35 PM

VanVN.Net - Văn Đắc nói rằng, nhìn anh lúc nào cũng có vẻ vui, nhưng đó là bề ngoài, còn  anh có một dòng chảy rất thầm kín và kéo dài, chìm ở bên trong, đó là tình cảm quê hương và những day dứt về cuộc đời. Tình cảm quê hương của anh bắt nguồn từ Làng Triều, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi từ đó mẹ anh đã đặt anh vào một đầu gánh đưa anh đi tản cư, chạy giặc.

Nhà thơ Văn Đắc. Ảnh: Đỗ Hiếu

Hầu như mỗi bài thơ của Văn Đắc là một lời tự thú hoặc một bức chân dung tự họa. Chẳng hạn: “Rượu chè, thuốc lá/ Có nghiện đâu trời/ Thích vậy thôi/ Thành quen thói/ Như cái thói/ Hay đi lang thang trong đêm/ Mê mải với trăng lên? Với ai hát/ Cái thói mê/ Như mê người đẹp/ Làm xong một bài thơ/ Thấy lồng ngực mình đầy hương rượu mơ…” Bức chân dung tự họa này giống Văn Đắc có khi còn “hơn” cả chính anh. Thơ tình luôn luôn là thế mạnh của nhà thơ có cái thói mê, như mê người đẹp này. Đến nỗi hễ nói đến thơ Văn Đắc là người ta nghĩ ngay đến thơ tình. Nhiều bài thơ tình của anh hay đến độ tài hoa. Văn Đắc cháy hết mình, thăng hoa hết mình trong những cung bậc cảm xúc của tình yêu: “Nếu em không đến với anh/ Thì anh đành hóa đá”. “Chiều đã khép ngực trời sau lưng/ Hai tà áo đen cài hàng khuy lại/ Cái mầu áo mịt mù như đêm tối/ Câu thơ tình lấp lánh lối em đi”. Hoặc, “Em rót vào ta như rượu rót vào chai/ Không nỡ dốc chai, rượu tràn trên đất/ Mà em là hồn mê trong sắc đẹp/ Rót vào ta biết lúc nào đầy”. Tình yêu đương nhiên phải có hẹn hò, chính hẹn hò tạo nên những những phút giây chờ đợi, những phập phồng, thấp thỏm, những mường tượng đầy thú vị và thi vị mà người không yêu chẳng thể có được. Có lẽ vì vậy mà Văn Đắc mới nói rằng, tình mà không hẹn buồn ơi là buồn, đúng là như vậy, đố cặp tình nhân nào yêu nhau mà không có hẹn hò: “Đời mà không hẹn/ Buồn ơi là buồn/ Tình mà không hẹn/ Buồn ơi là buồn/ Nhưng mà lỗi hẹn/ Còn gì em ơi!/“. Trong thơ tình của Văn Đắc, có rất nhiều bài viết về nỗi buồn, chẳng hạn: “Nỗi buồn tôi”, “Em không có nỗi buồn như anh”, “Hãy tha cho tôi”, “Lỗi hẹn”, “Xa xôi buồn” “Hoa lộc vừng”… Phải công nhận Văn Đắc giỏi làm thơ buồn. Buồn của anh  như chiếc lá đã vàng khô còn níu mãi đầu cành. Buồn của anh khơi lên ngọn lửa tình, buồn của anh như mặt trời đánh mất trăng sao, buồn của anh mang sắc màu Văn Đắc: “Ta có nỗi buồn như ngọn đèn ngắn bấc/ Em đã khêu lên những lúc cạn dầu/ Nên xa em đèn không dám tắt/ Vắng em rồi đèn biết sáng về đâu… Giá mà có cách chôn buồn được/ Ta đến tìm em trả lại dầu”. Như đã nói ở trên, Văn Đắc nhiều trăn trở, lắm nỗi niềm, nhiều câu thơ, nhất là những câu kết của bài thơ, chính là triết lý sống của anh:“Gang tay đo mấy kiếp buồn/ Mỏi chân bạc tóc vẫn còn xa quê”; “Ta quyét cả một sân buồn/ Không nỡ quyét những cánh hoa tàn úa”;“Bặm môi mình nghĩ với mình/ Đắng cay là đấy ngọt lành là đâu”.

Văn Đắc nói rằng, nhìn anh lúc nào cũng có vẻ vui, nhưng đó là bề ngoài, còn  anh có một dòng chảy rất thầm kín và kéo dài, chìm ở bên trong, đó là tình cảm quê hương và những day dứt về cuộc đời. Tình cảm quê hương của anh bắt nguồn từ Làng Triều, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi từ đó mẹ anh đã đặt anh vào một đầu gánh đưa anh đi tản cư, chạy giặc. Anh khoe với tôi, bài thơ đầu tiên anh sáng tác chính là Bài thơ quê hương, bài thơ anh viết về làng Triều, thắm đẫm hồn quê, tình quê: “Hạ buồm xuống/ Kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào chân sóng vỗ/ Viết bài thơ cho buổi mai lên”. Chỉ bằng mấy câu thơ rút ruột nhà thơ đã khắc họa được bức tranh đẹp, sống động về Làng Triều, một làng quê vùng biển, nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn – “Cửa sông lắm lạch nhiều sò/ Áo tơi, nón rách đi mò ốc cua…”. Tôi lại phải công nhận, Văn Đắc có duyên làm thơ về làng, mỗi bài thơ về làng của anh là một khám phá về làng, không bài nào lẫn với bài nào, bài nào cũng cuốn hút người đọc, có những câu thơ hay đến độ toàn bích. Bài thơ Làng sơ tán của anh từ thời chống Mỹ, khi anh mới 27 tuổi, được giải thưởng của báo Văn nghệ năm 1969 là một bài thơ hay về làng thời chống Mỹ: Một túp lều con/ Sơ tán/ Nhiều túp lều con/ Thành làng sơ tán/ Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang/ Trận đia giăng hàng/ Rộng hơn vòng bom giặc/…Nhưng mẹ ơi/ Đường từ làng ta ra làng sơ tán/ Không dài hơn tấm lòng yêu thương của mẹ/ Mà ngắn trong mắt trắng của quân thù/… Như những ngày đánh Tây/ Mẹ lại đi sơ tán/ Làng của mẹ đây/ Trận địa của mẹ đây/ Cháu nhỏ trải nong trên đê nằm đếm vì sao hát/ “Một ông sáng sao/ Hai ông sao sáng…”. Đây nữa, một cảnh làng y như một đoạn thơ - phim làm tôi thích thú: “Lắm lúc tôi đi rối rít với đường làng/ Bọn trẻ hò reo: A, Ông Đắc. Ông Đắc/ Thế là cái tên thành tiếng hát/ Bạn nhỏ làng ơi, bạn nhỏ làng”. Càng mường tượng tôi càng lấy làm thích thú cảnh này. Có thể khẳng định, hầu như toàn bộ sáng tác của anh, dù là thơ, dù là trường ca, dù là ký đều nặng tình quê hương; hồn cốt xứ Thanh hiện lên trong từng câu, từng chữ, kể cả trong thơ tình. Văn Đắc là nhà thơ luôn luôn thủy chung với quê hương mình, luôn luôn “bám trụ” quê hương, có thể nói Văn Đắc “Thanh Hóa đến từng mi li mét”. Đến nỗi anh còn có hẳn một tập thơ với tiêu đề nghe như một lời tuyên bố: Tôi nói, tôi người Thanh Hóa. Trong lời tuyên bố dõng dạc này của anh tôi nhận ra một Văn Đắc đầy tự hào, đầy kiêu hãnh, đầy cương nghị với tư cách là một người con của vùng đất mà thiên hạ cho là to gan lớn mật, “ăn rau má phá đường tàu”. Và đây là một minh chứng hùng hồn, khẳng định lời “tuyên bố” nói trên của anh: “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”. Quá hay. Tôi thật sự tâm đắc, thậm chí thán phục và cảm ơn Văn Đắc về câu thơ ví von trời phú này.  Đề tài quê hương định danh Văn Đắc chính là nhờ những câu thơ hay như vậy.

Văn Đắc làm thơ về thiên hạ rất hay thì khỏi phải bàn, nhưng tài làm thơ về vợ như anh thì không phải nhà thơ nào cũng bì nổi: “Khi anh đang mải nhìn cỏ may/ ngả tay ra với gió/ thì tay em đang sàng gạo/ khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong/ thì em mồ hôi ướt hai đầu vú”. Phải công nhận Văn Đắc là nhà thơ rất thành khẩn với vợ, nghe anh “thành khẩn” tới mức “tự thú” mà rởn cả tóc gáy: “Vợ mình không nhớ, đi nhớ người ta /Già cóc củ đế hóa ra dại khờ”. Chẳng biết bạn tôi có dại khờ thật hay không, nhưng bạn tôi nói và nghĩ về vợ như thế này thì vợ còn giận làm sao được nữa: “Ngẫm mình nhớ ngược mong xuôi/ Chẳng nơi nào được như nơi em chờ/ Lấy thơ làm của trong nhà? Buồn vui sướng khổ chia ra cùng người”. Tôi mừng cho bạn tôi có người vợ như cô giáo Khanh. Một người vợ đảm đang, rất đỗi yêu chồng, chăm lo cho chồng, hiểu công việc của chồng và cảm thông với chồng. Thực tình, đôi khi bạn tôi cũng có “say” thật đấy, cũng hơi bị “hư” thật đấy, nhưng lúc nào hắn cũng công nhận, chẳng ai bằng vợ mình. Cho nên, với Văn Đắc, tôi dám khẳng định: dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về bà vợ.

Văn Đắc là nhà thơ ưa xê dịch, thích ngao du đây đó cùng bạn bè, hồi còn “chân cứng đá mềm” ít khi anh ở nhà, có người bảo anh là nhà thơ lãng du, có lẽ không ngoa. Tỉnh Thanh thì khỏi phải nói, chẳng còn góc nào anh chưa đến, anh thuộc như lòng bàn tay, nhiều năm anh làm thầy giáo, học trò của anh nhiều người thành đạt, chẳng những ở quê hương, mà ở khắp miền đất nước chỗ nào anh cũng có bạn, có người thân quen, có học trò cũ của mình. Anh chu du khắp trong Nam ngoài Bắc, đến đâu anh cũng có thơ hay. Có lần Văn Đắc và anh bạn rủ nhau ra Hà Nội rong chơi: “Thằng làm thơ, thằng trồng rừng/ Rủ nhau ra đất Hà Thành rong chơi…/. Mấy ngày ở Hà Nội “Nghi Tàm quán gió rẽ qua/ Hai thằng làm trúc la đà Hồ Tây”, rồi vào mấy nhà hàng ăn đặc sản, “đổ hết miếng ngọt miếng cay vào người”. “Tỉnh ra thằng đứng, thằng ngồi/ Thằng đứng nhớ núi, thằng ngồi nhớ sông”, rốt cuộc, chẳng đâu bằng quê mình. Đi thuyền trên Sông Hương anh viết: “Ngồi thuyền động nước sông Hương/ Mà chênh chao cả con đường miền Trung”. Vào Năm Căn anh nhậu với người Năm Căn, cởi áo ra nhậu, “đứa nào xỉn cho xỉn luôn”. Khi tàn cuộc Văn Đắc nhận ra: “Tàn cuộc nhìn mặt nhau/ Thấy toàn kênh với rạch/ Sóng biển Đông, biển Tây/ Vỗ ào ào trên ngực”.

Văn Đắc chẳng còn trẻ, anh đã “Díu dăng con mắt, gót chân ngại ngần”, nhưng quả thực anh không muốn mình già, anh muốn anh luôn được trẻ và được khỏe, để đi được nhiều, để viết được nhiều, và… để chơi được nhiều. Tôi thực sự xúc động khi thấy bạn tôi khát thèm tuổi trẻ: “Ta lẻn khỏi tuổi ta/ Tìm lại vườn tuổi trẻ”. Chữ “lẻn” là hình tượng dễ thương làm tôi xúc động. Thực tế cho thấy, bất chấp tuổi tác, anh vẫn còn sung sức về mọi phương diện. Thơ anh vẫn tài hoa, vẫn thăng hoa, vẫn hoa, lá, cành, vẫn “thôi miên” người đọc, thơ anh vừa từng trải, vừa đắm thắm, luôn tìm tòi, mới lạ, không lặp lại chính mình. Bài Mùa cưới, anh sáng tác năm Canh Dần 2010 là một thí dụ: “Mùa/ Các thiên thần/ Xuống trần gian làm lễ động phòng/ Vừa lả, vừa lơi, vừa đoan,vừa trang/ Uống cạn tuần trăng mật”. Ở tuổi nghỉ hưu, anh hoàn toàn thanh thản với sự đời, không chút bận lòng chuyện hư danh. Đối với Văn Đắc: “Được mất trong cõi đời này/ Có ai cầm chắc trong tay mà nhìn/ Mong còn cái tuổi cái tên/ Người ta nhớ để mình yên dưới mồ”. Bạn tôi thanh thản như vậy đó. Suy nghĩ về nghề văn, Văn Đắc nói thế này: “Muốn có thơ hay, nhà thơ phải say mê, dấn thân và luôn luôn đổi mới mình. Tự thú sâu sắc đời sống cá nhân mình để đến với đời. Sống hết mình với dân tộc mới khả dĩ đến với nhân loại. Thơ tôi là tôi vậy. Luôn khát vọng tự do và cái đẹp; luôn hướng về số phận người lao động lương thiện”. Đúng vậy, Văn Đắc là một nhà thơ “tự thú”, thơ anh sẽ bớt hay đi rất nhiều nếu không có “thần tự thú” ở trong anh.

Tôi và Văn Đắc là bạn đồng môn. Hai chúng tôi học cùng một lớp hồi Cấp III Lam Sơn, khi đó anh là Nguyễn Tiến Tới. Tốt nghiệp cấp III, tôi đi du học nước ngoài, hai đứa bặt tin nhau. Mấy chục năm sau, tình cờ tôi phát hiện ra, nhà thơ Văn Đắc chính là nguyễn Tiến Tới, bạn tôi. Thế rồi, tôi và Văn Đắc, hai thằng gặp nhau như trong mộng, cả hai cùng bất ngờ, mi, tau miệng rối rít, như hai thằng con nít. Đoạn kết bài thơ Gặp bạn đồng môn, làm tặng Văn Đắc, tôi viết: “Đi tìm thời trai trẻ/ Lạc vào miền bơ vơ/ May còn rượu và thơ/ Giúp mi đi tìm mộng”. Vừa rồi tôi về quê, tôi và Văn Đắc gặp nhau. Một buổi chiều dạo chơi với bạn trên bãi biển Sầm Sơn, tôi đọc lại bài thơ này, bạn tôi xúc động nói: Rượu bây giờ kém rồi, rốt cuộc chỉ còn mỗi thơ. Tôi vỗ vai anh, bảo rằng: Thơ không phù phiếm, thơ theo cậu suốt đời, kiếp này và cả kiếp sau.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn