Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tọa đàm “Thơ và chủ quyền biển đảo Tổ quốc”

Bài và ảnh: Phong Lan - 27-06-2014 06:11:57 PM

VanVN.Net – Sáng 27/6/2014, tại tòa soạn báo Văn nghệ (số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội), cuộc tọa đàm mang chủ đề “Thơ và chủ quyền biển đảo Tổ quốc” đã được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình của các nhà thơ, nhà văn đã có nhiều sáng tác về biển và các nhà báo, biên tập viên thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Nhà văn Khuất Quang Thụy

Nhà văn Khuất Quang Thụy – TBT tuần báo Văn nghệ, TBT Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net) mở đầu buổi tọa đàm với những hồi ức về thời gian tham gia chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là những ám ảnh khi theo tàu ra đảo Gạc Ma năm 1988. Nhà văn xúc động khi nhớ lại: “Lần đó chúng tôi ra đảo để nhặt xác anh em. Bản thân tôi đã từng chứng kiến nhiều tình huống hy sinh của đồng chí, đồng đội mình, nhưng không có hình ảnh nào thương tâm hơn những thân xác anh em đã bị ngâm trong nước biển nhiều ngày trước khi được mang đi chôn cất…” Nhiều thế kỷ qua, chúng ta đã có những tác phẩm thể hiện tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình và tinh thần giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trong những ngày gần đây, trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng lãnh hải thuộc quyền sở hữu của Việt Nam, tiếng nói thơ ca đã được cất lên từ nhiều phía, không chỉ ở những người cầm bút chuyên nghiệp mà rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước đều muốn thể hiện tiếng lòng của mình qua câu chữ. Trên các trang báo in, báo mạng và hệ thống phương tiện truyền thông khác, bên cạnh những tin tức, bài phản ánh, những phóng sự về tình hình căng thẳng ngoài biển Đông thì thời lượng và dung lượng dành cho các tác phẩm nghệ thuật (trong đó thơ chiếm đa số) cũng rất đáng kể. Mặc dù không trực tiếp đối mặt với các thế lực xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa nền hòa bình như các lực lượng làm nhiệm vụ tại các vùng biên giới, hải đảo, nhưng các văn nghệ sĩ luôn sục sôi lòng yêu nước, sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công cuộc lớn của nhân dân, đó là bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội Nhà văn Việt Nam, liên tục trong những năm gần đây luôn có những đoàn công tác đi thực tế tại các vùng biên giới, hải đảo và có nhiều sáng tác được ghi nhận… Giữa những ngày Việt Nam và thế giới đang “nóng” lên từng giờ trước những sự kiện dội về từ biển Đông, tuần báo Văn nghệ đã tổ chức cuộc tọa đàm “Thơ và chủ quyền biển đảo Tổ quốc” nhằm tạo một diễn đàn để các nhà văn, nhà thơ, nhà báo bày tỏ ý kiến, quan điểm, sáng kiến của mình về vấn đề này.

 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, người đã có nhiều tác phẩm viết về biển (cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), đưa ra những nhận định khái quát trong bài phát biểu “Thi ca đương đại luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa suốt 40 năm qua”. Nếu tính từ dấu mốc năm 1974, suốt 40 năm qua, những sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa đã luôn có mặt trong thi ca Việt Nam đương đại và có thể nói rằng, các nhà thơ chính là những người đầu tiên ghi lại cảm xúc bằng văn học những khát vọng hòa bình của dân tộc ta cùng nỗi đau, uất hận về biển đảo của Tổ quốc bị nước ngoài xâm chiếm. Hiện nay, văn học về đề tài biển đảo của chúng ta đang có nhiều chuyển động vào giai đoạn cao trào với nhiều sáng tác khá ấn tượng về Hoàng Sa, Trường Sa. Tin rằng trong thời gian tới, đề tài về biển đảo sẽ tiếp tục khơi gợi cảm hứng bất tận cho người cầm bút bởi sứ mệnh lớn lao của một nhà thơ, nhà văn yêu nước là phải có tác phẩm đến được với trái tim nhiều triệu người, để cất lên tiếng nói thi ca yêu nước và khát vọng hòa bình – độc lập – tự do của dân tộc Việt Nam.

 

Nhà thơ Hữu Việt

Nhà thơ Hữu Việt vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa, cảm xúc về những người lính làm nhiệm vụ ngoài biển khơi dường như vẫn đang còn nguyên vẹn. Anh đặt ra câu hỏi: “Ngoài những giờ phút tập trung làm nhiệm vụ, lính đảo nhớ ai nhất?” Và câu trả lời được tìm thấy ở những bài thơ viết về tình yêu mà chiến sĩ đảo xa thuộc lòng từng câu. Điều này khiến nhà thơ Hữu Việt cảm thấy mình còn mắc nợ, anh mong muốn các nhà thơ sẽ có nhiều hơn nữa những bài thơ tình dành tặng những người lính trẻ ngày hôm nay đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhà thơ Trần Quang Quý (đứng). Hàng trước, từ trái sang: nhà thơ Trịnh Công Lộc và nhà thơ Nguyễn Hoa

Nhà thơ Trần Quang Quý đưa ra ý kiến nên có một cuộc thi thơ sáng tác về biển đảo do báo Văn nghệ tổ chức để thu hút, tập hợp được nhiều tác phẩm xuất sắc và có thể xuất bản tuyển tập sau cuộc thi. Ý kiến này được các nhà thơ bàn thảo sôi nổi và đưa đến sự đồng thuận khá cao về việc sẽ tổ chức một cuộc vận động sáng tác về chủ quyền Tổ quốc, mở rộng cả về đề tài và đối tượng tham dự.

Nhà thơ, nhà báo Lê Anh Hoài

Nhà thơ, nhà báo Lê Anh Hoài đưa ra ý kiến: Chúng ta có biểu hiện thời vụ và tuyên truyền, chính vì vậy nên khi có biến thì lại có đợt phát động thi thơ, phát động sáng tác, lại in ấn nhiều. Khi tình hình có chiều hướng khác thậm chí có thể lại tuyên truyền theo hướng khác hẳn. Tôi cho rằng báo Văn nghệ là đầu tàu, là nơi thẩm định và xuất bản uy tín nên cần giữ được chất lượng cao, duy trì được yêu cầu cao về chuyên môn đối với tác phẩm in trên tờ báo. Không chạy theo phong trào. Chủ đề giữ gìn biên cương, biển đảo nói riêng cũng như tình yêu nước nói chung luôn phải là chủ đề lớn trên báo Văn Nghệ. Tôi nghĩ cần “giữ lửa” cho mạch sáng tác về chủ đề này. Thời gian gần đây, tôi thấy có hiện tượng nhiều sáng tác với chủ đề biển đảo rơi vào tình trạng mô phỏng, ước lệ, sáo rỗng. Nói đến biển đảo là chỉ nhấn đi nhấn lại vài thứ trực tiếp, trực diện nhất. Trong khi cuộc sống của bộ đội rất phong phú, hiện thực cuộc sống ngồn ngộn. Bên cạnh đó, đề tài hậu phương, những người thân như cha mẹ, con cái, người yêu, bè bạn của lính… là những đề tài chưa được khai thác sâu và dài hơi. Lòng yêu nước của nhiều thế hệ được thể hiện ra trong cuộc sống đời thường cũng chưa được quan tâm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (đứng)

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tổng kết cuộc tọa đàm, theo ông, chúng ta cần phải vượt qua tâm thức “sợ” biển để hòa mình với đại dương, tiến ra biển lớn trong thời đại hiện nay để có thể làm chủ được vùng lãnh hải của Tổ quốc. Muốn làm chủ được biển, cần phải có một trình độ văn minh cao, phải có một lòng yêu nước nồng nàn, ý thức quyết tâm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền Việt Nam và một thái độ rõ ràng, kiên quyết trước mọi hành vi xâm lược của nước ngoài. Ngay từ thuở xa xưa cho đến những thập kỷ gần đây, cha anh chúng ta đã nhiều lần giành lại biển đảo Tổ quốc từ sự xâm chiếm vô lí của kẻ thù, nhưng những hi sinh cao cả ấy thường bị rơi vào im lặng. Ngày hôm nay, chúng ta có nhiều phương tiện hỗ trợ để có thể lên tiếng một cách sâu rộng đối với dư luận trong nước và quốc tế ngay khi xảy ra những hành động ngang ngược, khiêu khích từ phía Trung Quốc trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Văn học nghệ thuật luôn vận động cùng thời cuộc, chính vì vậy, ngay trong giai đoạn này, tiếng nói thi ca về tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hơn bao giờ hết, được cất lên trong lòng mọi người dân Việt Nam ở khắp toàn cầu. Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam cần phải thể hiện rõ trách nhiệm công dân - nghệ sĩ trong từng sáng tác có chất lượng cao khi sáng tác về tình yêu Tổ quốc.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thể hiện ca khúc do ông sáng tác, trong đó có điệp khúc "Bãi cát vàng, bãi cát vàng, bãi cát vàng... Hoàng Sa, Hoàng Sa..."

Không khí cuộc tọa đàm khá sôi nổi

Nhà thơ Đặng Huy Giang (bên phải) và nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Từ trái sang, các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Hữu Việt, Nguyễn Thụy Kha


Cuộc tọa đàm tạm khép lại với những vấn đề được đặt ra một cách cụ thể đối với mỗi nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong thời gian tới. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi văn chương sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên tại tòa soạn báo Văn nghệ.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...