Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Tôi muốn mình mãi mãi là người lính biển

Lê Mạnh Thường - 14-06-2011 03:19:27 PM

VanVN.Net – Trong Hội nghị viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất vừa qua, có một người lính vừa trải qua một hành trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh và chủ quyền dài ngày trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, vội vã cập cảng để kịp ngày dự Hội nghị rồi lại vội vã trở về đơn vị nhận nhiệm vụ mới – đó là trung úy Cảnh sát biển Lê Mạnh Thường. Bài tham luận của anh được viết từ biển Đông, ngay trên chuyến tàu trở về đất liền…

Kính thưa các thủ trưởng!

Kính thưa các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí!

Trước khi về dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất, tôi vừa trải qua một chuyến hành trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh và chủ quyền dài ngày trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Khi con tàu trở về đến cảng, cầm trên tay chiếc giấy mời dự Hội nghị thì những mệt nhọc do sóng gió, do thời tiết nắng nóng, do lênh đênh nhiều ngày trên biển cũng như sự căng thẳng trong quá trình làm nhiệm vụ bỗng nhiên biến mất trong tôi - thay vào đó là niềm vui và sự phấn khích.

Quả thật, tôi rất vui khi lần đầu tiên được tham dự một Hội nghị dành cho những người sáng tác trẻ về văn học nghệ thuật của Quân đội. Ngoài niềm vui và sự phấn khích ra thì có thể nói, sự kiện này đối với tôi còn là niềm tự hào. Tự hào là bởi tôi được đại diện cho những người lính đang ngày đêm bám biển, bám tàu, bám đảo để góp mặt vào một hoạt động văn hoá mang nhiều ý nghĩa này. Hơn nữa, điều đó cũng cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo cũng như cơ quan chủ quản về VHNT cấp trên đối với những cây bút nghiệp dư như tôi - một cây viết phong trào ở cơ sở. Và qua đây, phần nào cũng đánh dấu sự trưởng thành của bản thân tôi từ những ngày mới chập chững bước chân trên con đường văn chương đến nay.

Kính thưa Hội nghị!

Chiến tranh cách mạng và người lính là một đề tài văn học xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cho đến ngày nay - khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, chúng ta đang nỗ lực vươn lên trên con đường CNH - HĐH. Cũng có những nhận định, những ý kiến cho rằng, đề tài này hiện nay không thu hút được sự quan tâm nhiều của công chúng bởi nó đã cũ, đã nhàm vì có quá nhiều người viết về nó. Nhưng với tôi thì hiểu rằng, mặc dầu lửa chiến tranh đã tắt, những đau thương mất mát đã dần vơi đi, cuộc sống có biết bao điều mới mẻ, bất ngờ ập đến, văn học có thêm nhiều đề tài mới để khai thác nhưng dù thế nào đi nữa thì chiến tranh cách mạng và người lính luôn là một đề tài không bao giờ cũ. Đây là một đề tài mà người viết và người đọc luôn dành một vị trí trang trọng trong sáng tác và thưởng thức văn học. Nó vẫn luôn hiện hữu và có hiệu quả tác động to lớn trong đời sống văn học nước nhà.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, bối cảnh của đất nước mà chúng ta đang sống hiện nay nó khác xa với cái thời của “xe không kính”, cái thời của “bom giật bom rung” trong cuộc chiến ác liệt chống giặc thù của cha anh ta ngày trước. Lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật mỏng manh... chính trong sự hiểm nguy tột cùng ấy, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam được hiển hiện lên sáng chói nhất, rực rỡ nhất. Và lúc đó, những tác phẩm văn học sử thi, những câu chuyện về chiến tranh, về người lính ra đời mang nặng hơi thở của mùi thuốc súng.

Còn hôm nay, với một xã hội có thể nói là hết sức tấp nập, sôi động, muôn màu muôn vẻ. Nền văn học nước nhà có một bước phát triển vượt bậc. Văn học trẻ, văn học mạng nở rộ như rừng hoa khoe sắc. Các tác giả luôn miệt mài sáng tác những tác phẩm phẩm văn học phản ánh một cách sinh động, đa chiều mọi mặt của cuộc sống với những đặc trưng vùng miền, những nghĩ suy, trăn trở của mọi thành phần trong xã hội. Trong khi đó, các tác giả đã trải qua chiến tranh hoặc thường viết những tác phẩm về chiến tranh cách mạng đang dần thưa đi mặc dầu tâm huyết luôn dư thừa, bên cạnh đó, những tác giả trẻ thì hầu như sinh ra sau chiến tranh nên khó có những cảm nhận, những hình dung về cuộc chiến một cách sâu sắc. Và có thể đề tài này cũng ít đau đáu, ít trăn trở hơn đối với họ nên những tác phẩm viết trực diện về chiến tranh cách mạng và người lính hoặc viết về thời hậu chiến cũng dần ít đi - đó cũng là điều dễ hiểu.

Tôi rất thích một câu nhận xét của tác giả Đinh Thị Như Thuý trong Trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại TP HCM năm 2008, đại ý rằng, vết thương trên đất đai, trên da thịt, nhất là những vết thương trong tâm hồn con người không dễ gì lành lặn, dù thời gian đi qua. Vì vậy đề tài chiến tranh và người lính sẽ vẫn đau đáu trong tâm trí nhiều người viết. Còn với tôi, tất nhiên, đây là một đề tài khó vì trước đó đã có nhiều tác giả có tên tuổi thể hiện thành công và những tác phẩm đó đã “đóng đinh” trong lòng người đọc. Do vậy, đòi hỏi người viết phải biết cách tư duy, sáng tạo, chọn cho mình những cách thể hiện mới lạ, tránh những gì mà “cái bóng” lớn của văn học nước nhà đã từng thể hiện. Người đọc rất mong chờ điều đó.

Kính thưa hội nghị!

Thực ra, tôi nhận thấy một thực tế rằng, trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội hay những ấn phẩm văn học, báo chí khác trong nước hiện nay cũng đang dần thưa vắng những tác phẩm viết về người lính hôm nay. Quả thật, đây cũng là đề tài khó khai thác và đề tài này cũng không còn đủ sức nóng, hay nói như ngôn ngữ hiện đại thì đề tài này không “hot” bằng những câu chuyện về tình yêu, về xã hội có quá nhiều chuyện để viết như hiện nay. Tôi là một người lính viết văn ở cơ sở. Gần mười năm nay tôi vẫn âm thầm viết truyện, làm thơ về tất cả các đề tài của cuộc sống. Và trong số đó, những tác phẩm về người lính hôm nay chiếm một số lượng khá nhiều. Bởi xuất thân là một người lính nên tôi quan niệm rằng, mặc dầu chiến tranh đã đi qua nhưng người lính hôm nay vẫn còn đó những hy sinh, mất mát vừa cụ thể nhưng cũng rất vô hình. Ở giữa thời bình, giữa cuộc sống ồn ào, vội vã của hôm nay vẫn còn những sự mất mát không thể nói hết bằng lời của những con người mang trên mình bộ sắc phục của người lính. Sự hi sinh mất mát đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đó là một mảnh ghép trong muôn vàn mảnh ghép để làm cho cuộc sống này hoàn hảo hơn, bình yên hơn, tươi đẹp hơn.

Và người lính hôm nay cũng không ngừng phấn đấu, vươn lên trên tất cả các mặt trong cuộc sống để hòa nhập với xu thế phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay. Để làm được những điều đó bắt buộc người cầm bút phải ra sức tìm tòi, khai thác, phản ánh một cách sinh động các góc cạnh của cuộc sống học tập, công tác, đời sống nội tâm của người lính. Có thể nói, đây là đề tài chủ đạo trong những sáng tác của tôi, mặc dầu những câu chuyện, những dòng văn của tôi còn vụng về, chưa thật hay nhưng đó là cách nhìn, sự cảm nhận mộc mạc của người trong cuộc, một người lính ở đơn vị cơ sở quanh năm quen với nắng và gió biển, với những chuyến hành trình trên sóng đến những vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc, đem những tác phẩm của mình chập chững bước vào cánh đồng văn chương rất đỗi mênh mông này với mong muốn góp một chút hơi thở mặn mòi của đại dương vào đời sống văn học nước nhà. Đầu năm nay, tôi vừa xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tựa đề “Tiếng đảo” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Kính thưa hội nghị!

Mười bảy năm được làm người lính biển. Khi ngồi viết những dòng tham luận này tôi chợt nảy ra một phép nhẩm tính thú vị. Quãng thời gian đó đã đưa tôi với mười một lần đến các đảo nổi đảo chìm của quần đảo Trường Sa; hai năm gắn bó với các hòn đảo của vùng biển Tây Nam và bảy năm nay làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo Vịnh Bắc bộ của Tổ quốc. Mỗi hòn đảo, mỗi vùng biển đặt chân đến để lại cho tôi những cảm xúc rưng rưng, khó tả. Ở đó, tôi đã được gặp gỡ những người lính đang ngày đêm đang chắc tay súng bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ sự bình yên cho biển đảo. Ở đó, tôi gặp được những người dân cần cù, chất phác đang ra sức gắn bó, làm giàu trên biển quê hương. Và ở đó, tôi cũng đã gặp cả những hiểm nguy luôn thường trực, những ánh mắt soi mói, những gương mặt kẻ thù đang ngày đêm rình rập để thực hiện những âm mưu đen tối hòng xâm chiếm chủ quyền biển, đảo thiêng liêng - nơi mà hàng ngàn năm nay các vị tiền nhân đã có công gìn giữ. Có thể nói, chính biển đảo đã nuôi dưỡng, đã chắp thêm cho tôi

đôi cánh của niềm đam mê văn học. Hay nói cách khác, biển đảo là cuộc sống, là hơi thở và đã đi vào những trang viết của tôi. Và mong muốn của tôi lúc này ư? Tôi không ngần ngại khi trả lời rằng: Tôi muốn mình mãi mãi là người lính biển! Tôi rất tâm đắc những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong bài thơ “Lính biển” bởi nó rất hợp với tôi, với những đồng đội ngoài khơi xa của tôi rằng: “...Da đen tóc lấm tấm phai/ Dưới chân sóng biển, trên vai mây trời/ Chân dài, váy ngắn xa xôi/ Tàu hàng, tàu pháo, tàu lôi kề gần/ Câu thơ viết dẫu lỗi vần/ Tình yêu biển đảo không phần dung sai/Mẹ cho vóc dáng trẻ trai/Bao la biển cả dắt lai tâm hồn... ”.

Tôi rất mong muốn ở Hội nghị viết văn trẻ toàn quân lần này rằng, các cây bút trẻ hãy hướng về biển đảo của Tổ quốc thân yêu- ở đó sẽ có những câu chuyện, những con người khơi gợi cho chúng ta nguồn cảm hứng mãnh liệt để sáng tác. Đó cũng là một cách bày tỏ tình yêu của mình và tiếp thêm cho độc giả tình yêu biển đảo quê hương, góp phần cùng toàn dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trước thế lực ngoại xâm.

Qua hội nghị này tôi cũng có dịp được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm về “nghiệp văn” từ những nhà văn, nhà thơ đã để lại những dấu ấn đẹp trong lòng người đọc cũng như những bạn viết trong toàn quân. Điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều trên con đường văn chương trước mặt để tôi có được những tác phẩm hay về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, đặc biệt là đề tài người lính hôm nay.

Cuối cùng, tôi xin kính chúc các thủ trưởng, các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, có thêm nhiều tác phẩm hay để hoà vào dòng chảy của văn học nước nhà.

Chúc Hội nghị những người viết văn trẻ trong quân đội lần thứ nhất thành công tốt đẹp!

Xin chân thành cảm ơn!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn