Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Về một người anh

(Tưởng nhớ nhà văn Lê Phan Nghị)

Hữu Kim - 11-07-2012 07:47:21 AM

Nhà văn Lê Phan Nghị. Ảnh: Đỗ Hiếu

Nhà văn Lê Phan Nghị ra đi đột ngột quá!

Sự tĩnh lặng như mặt nước hồ thủy điện Thác Bà, ầm ào như nước hồ thủy điện Thác Bà tuôn chảy. Yên Bái… Tất cả đã mang anh đi, mang anh đi ở vùng đất mà tôi từng được đặt chân đến với bao kỷ niệm!

…Năm 1976, thời ấy vừa sau giải phóng miền Nam được một năm. Trung đoàn “Triệu Hải” của chúng tôi, từ Thanh Hóa, được lệnh hành quân lên xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Miền đất mà trong sử sách, ngày còn đi học, chúng tôi chỉ mới biết qua “cuộc khởi nghĩa Yên Bái” với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học của “Việt Nam Quốc Dân Đảng”, với những Đội Cấn, Đội Cung, những chí sỹ yêu nước cùng nhân dân Yên Bái vùng lên chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai… Nhưng cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu!...

Sông Chảy, hồ Thác Bà, thủy điện Thác Bà đẹp như tranh vẽ, đẹp như trong huyền sử… Ngày ấy, chúng tôi, những người lính của Trung đoàn 27, Trung đoàn Triệu Hải anh hùng, có nhiệm vụ làm “quản giáo” dẫn những đoàn người tù là Sỹ quan ngụy, bị tập trung cải tạo sau năm 1975. Chúng tôi đi canô ngược hồ Thác Bà, đi qua những bản làng đồng bào ven hồ, qua những “chốt”của bộ đội, dân quân áo chàm, cả nam lẫn nữ, với súng kíp, dao nắp, túi vải… giống như những hình ảnh của các chàng trai, cô gái ở thời kỳ “chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc” ngày xưa… Được vài tháng chúng tôi lại đón các anh của Sư đoàn 316 vội từ Nam ra, để phòng thủ cho biên giới phía Bắc và đánh thắng bọn Pônpốt ở biên giới phía Tây Nam…

Ngày ấy, tôi chưa biết nhà văn Lê Phan Nghị, cũng ít được đọc tác phẩm của anh! Mãi gần đây, khi có những cuộc trao đổi, học tập về nâng cao nhận thức và sáng tác văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tây Nguyên, tôi mới được gặp anh. Năm 2010, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi anh được đảm nhận cương vị cán bộ ở Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam cùng những nhà văn có tên tuổi, công tác ở cơ quan Hội vào Tây Nguyên mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học. Những mong cùng nhau phát hiện, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh sáng tác và nghiên cứu văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới ở miền đất Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng và đậm bản sắc dân tộc, chúng tôi mới có dịp gặp nhau…

Tháng bảy năm ngoái, khi đang cùng anh chị em Hội viên Hội VHNT tỉnh Kon Tum mở trại sáng tác ở Tam Đảo, khi sắp kết thúc trại, biết chúng tôi có ý định tổ chức đi thực tế tại Lạng Sơn. Từ Pleiku, qua điện thoại anh gọi: “Hữu Kim hả? Anh đây! Lê Phan Nghị đây! Các chú có ý định đi Lạng Sơn hả? Hay đấy, nên đi cho biết! Đi Lạng Sơn, anh sẽ điện cho Lộc Bích Kiệm - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lạng Sơn trước. Anh nhắn tin số điện thoại của Lộc Bích Kiệm cho chú nhé! Các chú cứ vô tư và thoải mái đi… Về Phú Thọ nữa nhé!...

Vài hôm sau anh lại điện nhắc: “Trại Tây Nguyên sắp kết thúc rồi, các chú mà về kịp thì vui lắm! Thế đã đi Lạng Sơn chưa? Lên Phú Thọ chưa? Đã giao lưu với Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc chưa? Hay lắm đấy, được lắm đấy, anh điện hết rồi đấy!” Thấy chúng tôi từ Tây Nguyên ra Bắc nên anh thương. Mong chúng tôi đi và biết được nhiều.

Bẵng đi một thời gian, gần ngày 22/12, anh lại gọi cho tôi, giọng anh trầm buồn: “Kim ơi! Anh muốn trở lại Gia Lai, Kon Tum đi tìm mộ liệt sỹ, vừa là đồng đội, vừa là người thân trong gia đình…” Tôi bảo, thì anh cứ sắp xếp vào đi, có gì về nhà em, em lo cho anh, ta đi tìm, nhưng cầu may thôi anh ạ! Thông tin thì đứt quãng, chiến trường rộng mênh mông thế…

Thời gian và công việc cuốn chúng tôi đi. Tháng trước đọc thông tin, thấy các anh sẽ mở lớp bồi dưỡng viết văn ở Yên Bái, có anh lo cho lớp, tôi rất mừng. Mừng cho cái chung của chúng ta, mừng cho anh còn khỏe mạnh, năng nổ, xông xáo, tháo vát lo cho lớp thành công, dẫu biết công việc rất nặng nề.

Vậy mà, tối 9/7/2012, mở trang Vanvn.net… Tôi rụng rời chân tay, không tin vào mắt mình, tôi ngồi lặng đi với dòng tin: “Vĩnh biệt nhà văn Lê Phan Nghị!”, gương mặt ấy, vầng trán ấy, nhà văn Lê Phan Nghị đã không còn nữa! Tôi nhớ ngày nào anh còn trêu đùa: “…bảy mươi…tám mươi tuổi mới đi vào đời…”

Than ôi! Kiếp người mong manh quá! Giờ thì ở cõi vĩnh hằng ấy, có khi anh được gặp lại  những đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc mà chả phải lặn lội đi tìm...

Xin kính cẩn thắp nén tâm nhang trước vong linh Nhà văn Lê Phan Nghị và những liệt sỹ trong tháng bảy này!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...