Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Ký ức không nhạt nhòa

(Đọc tập truyện "Người đá" của Lương Ky, Nxb Lao Động)

Cao Ngọc Thắng - 05-01-2012 02:55:24 PM

VanVN.Net - 12 truyện đứng chung một tập, tạo một mạch ký ức. Cái mạch ấy khơi gợi một lối cấu trúc, một lối kể tương đồng, nhất quán: hiện tại lúc mở đầu chỉ là cái cớ để tác giả triển khai câu chuyện.

Thói quen xem chương trình thời sự trên tivi (của nhân vật tôi) đâu có gì lạ, chẳng qua để bắc cầu cho cô hàng xóm tên là Thơm ngày xưa đẹp nức tiếng, vừa hay hát lại vừa hát hay xuất hiện (Một giọng hát). Chuyện con gái muốn hiểu cho đúng nghĩa “kỷ vật” để viết bài tập làm văn khiến ông bố nhớ về kỷ niệm chiếc nhẫn đuya-ra ngày trước tặng người yêu (Kỷ vật). ở truyện Người đá cũng vậy, khi đã luống tuổi, bệnh tật, ký ức cuộc đời chìm nổi lại trỗi dậy trong ông Tư Vạn. Tuồng như trong con người ta ký ức vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau dai dẳng, mạnh mẽ, lấn át cái hiện tại. Hiện tại chỉ là một điểm dừng trong chốc lát để ngẫm lại, để soi cho tỏ tường những gì đã trải qua. Những ký ức ở mỗi truyện trong tập Người đá đều là sự nuối tiếc tình yêu thuở tuổi trẻ với những cung bậc sâu, đậm tùy hoàn cảnh trải nghiệm của các nhân vật. Cái nền chung nhất của hoài niệm ở đây nhức nhối bởi chiến tranh, nguyên nhân gây ra chia ly, chết chóc, thương tật, sự tha hóa..., làm tổn thương những mối quan hệ giữa người và người. Đó là sự ám ảnh chưa thể thoát khỏi của những người cầm bút thời hậu chiến. Có lẽ vì thế các truyện trong Người đá được kể một cách trực diện những gì đã từng xảy ra mà tác giả chứng kiến.

Bộ hài cốt ba chân, Tóc thề, Đừng nhìn như thế là những truyện khắc họa se sắt hậu quả chiến tranh. Cái chân của anh thương binh Quốc sau bao nhiêu năm mới biết được vùi chung với xác của đồng đội, nay “xin gửi vĩnh viễn cùng anh Phúc vậy!” (tr.55). Tình đồng đội như vậy và nghĩa vợ chồng:“Tay túm tóc, tay cắt thật nhanh cả lọn tóc. Mai đặt mớ tóc dày chẹt tay xuống bên thi thể chồng rồi rũ xuống chết giấc...” (tr.81) – hành động của người vợ tạ lỗi với vong linh chồng là anh bộ đội biên phòng hy sinh trên đường tuần tra, vì đã giấu giếm chuyện quan hệ ở hậu phương (không phải cố ý). Vợ chồng lão Pắng “vui không để đâu cho hết” vì được hai đứa cháu ngoại đẹp như tranh. Nhưng niềm vui chóng tan, nhường chỗ cho sợ hãi, lo âu. Cả hai đứa trẻ lần lượt biến dạng vì bị nhiễm chất độc màu da cam. “Lão Pắng nghe anh con rể kể chuyện hồi còn ở chiến trường đã từng nằm trong vùng rừng cây trụi hết lá chết khô do thuốc hóa học bọn Mỹ thả xuống” ; và, hai đứa trẻ giờ đây chỉ còn cái xác, không hồn, gặp chúng ai cũng muốn nói: “Mí yểm pần nảy” – có nghĩa là “Đừng nhìn như thế” (tr.97).

Truyện Người đá chiếm dung lượng hơn nửa số trang của toàn tập. ở đây tác giả chuyển sang địa bàn sáng tác khác so với 11 truyện trước đó. Tuy nhiên, cần nói ngay, ngòi bút Lương Ky khá nhuần nhuyễn với câu chuyện trải rộng cả thời gian và không gian, một lát cắt dọc cuộc đời ông Tư Vạn trải bao thăng trầm với nghề đá, in dấu ấn mối quan hệ với những người ông gặp ở Đông Nam Bộ, ở duyên hải Nam Trung Bộ thời chiến và hậu chiến. Trong đó, tác giả dụng công miêu tả hai mối tình của ông thầy Ba Đen, đã đưa Tư Vạn vào nghề đá, với cô út Thơm và của Tư Vạn với cô gái Chăm tên là Kiều Mơ. Cả hai mối tình ấy đều dẫn đến duyên nghiệp thổi hồn vào đá của người nghệ sĩ cũng là người thợ tạc đá, và liên quan đến hai tác phẩm – một là tượng cô gái ở trần tuyệt đẹp bên con sói già độc ác của Ba Đen, tác phẩm kia là tượng đầu vũ nữ người Chăm của Tư Vạn (được phục hồi để gắn vào bức tượng cổ mất đầu); cả hai bức tượng đều phảng phất bóng dáng, đường nét của hai phụ nữ là người họ yêu. Bi kịch tình yêu của cả hai thầy trò người thợ đá được định đoạt bởi số phận tàn tật. Số phận ấy tưởng như đính họ vào số phận của đá, biến họ thành đá. Nhưng tình yêu trong họ không chịu nằm im. Nó trỗi dậy để rồi hứng lấy sự trớ trêu. Cả hai đều có con với người phụ nữ mình yêu trong trạng huống không chủ động, nên không biết, càng xoáy sâu nỗi buồn cô đơn, hiu quạnh trong mỗi người.

Truyện Người đá viết hoạt, nhiều chi tiết đắt, xúc động và cảnh báo – đồng tiền đã và đang chi phối, băng hoại nghệ sỹ: “Tư Vạn thừa nhận con trẻ giờ có học tài thiệt. Pho tượng hoàn thành, ông khách nọ đưa mẹ tới coi. Bả gục xuống, khóc quá trời. Vậy mà... Tư Vạn ngó thấy thằng cháu ông với tụi trẻ không mảy may cảm động. Chúng chống nạnh đứng nhìn, cười hô hố, đắc ý... Chi thêm chút đi!”(tr.184). Tuy nhiên, chi tiết “bàn xoay” (tr.201) chưa thật chính xác, bởi nghề làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận không dùng dụng cụ này.

Vốn sinh trưởng và hoạt động chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc, Lương Ky (tên khai sinh Lương Viết Hùng) am tường sâu sắc mảnh đất và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông có lối kể chuyện giản dị, chất phác, đúng với tâm lý người dân và hoàn cảnh của họ. Những ký ức trong ông lắng lại, khó nhạt nhòa, bởi ông từng trải nghiệm; và, ông có góc nhìn với độ thẩm thấu của riêng mình đối với những ký ức đó.

Tập truyện Người đá là tác phẩm thứ sáu được ấn hành, trong đó có một tiểu thuyết, hai tập thơ và ba tập truyện ngắn. Lương Ky quả là người lao động nghệ thuật bền bỉ và thầm lặng.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn