Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Gửi thư    Bản in

Những điều không đơn giản quanh một tác phẩm tưởng chừng đơn giản

21-09-2011 01:29:59 PM

VanVn.Net - Đối với bất cứ một tác phẩm nổi tiếng nào, dù ngôn từ có sáng gọn, giản dị bao nhiêu, cũng không ai dám nói là đã thấu hiểu triệt để, không còn gì để trao đổi, bàn bạc. Bởi vậy, bài viết NGHĨ THÊM VỀ “TĨNH DẠ TƯ” CỦA LÝ BẠCH: TỪ VĂN BẢN ĐẾN CHỮ NGHĨA của Trầm Thanh Tuấn đăng trên tạp chí NGÔN NGỮ số 6 năm 2011 là một tài liệu bổ ích đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu thêm về “thi tiên” họ Lý, đặc biệt đối với giáo viên (GV) môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở đang dạy tuyệt tác này…

Thật ra, người viết sách giáo khoa (SGK) đã nắm được mọi thông tin về những vấn đề mà bài tạp chí đã đề xuất một cách nghiêm túc cũng như về những cách lí giải khác SGK đã được nêu lên trong bài TĨNH DẠ TỨ, bí ẩn Lý Bạch của Nguyễn Tiến Cử đăng trên báo Văn nghệ số 3 + 4 + 5 tết Kỷ Sửu, 2009 hay trong bài Một cách hiểu mới về bài TĨNH DẠ TỨ của Lý Bạch của GS. Trần Đình Sử đăng trên tạp chí VĂN HỌC & TUỔI TRẺ, Số tháng 4, 2008. Tuy nhiên, vì SGK, đặc biệt là sách viết cho lứa tuổi 12 – 13, không phải là chỗ trình bày mọi ý kiến còn đang tranh luận, nên người viết phải chọn giải pháp phù hợp. Nay nhìn lại, thiết nghĩ, chúng tôi đã chọn được giải pháp tối ưu chừng nào Tĩnh dạ tứ vẫn còn được chọn dạy với tư cách một tác phẩm tiêu biểu của thơ Đường viết về chủ đề tình yêu quê hương như Chương trình đã xác định.

Cách xử lí tối ưu không phải là cách xử lí duy nhất trong mọi trường hợp. Đúng như quan niệm của Trầm Thanh Tuấn trong lời kết, “với độ mở của thi phẩm quen mà lạ này”, những thông tin đa dạng vẫn là cần thiết để GV không chỉ có tư liệu giải đáp thắc mắc cho học sinh (HS) khi cần thiết mà quan trọng hơn, để tự mình, bên cạnh việc làm cho HS nắm được mục tiêu cần đạt của SGK, khi có điều kiện còn có thể gợi mở cho HS những hướng suy nghĩ, tiếp cận mới mẻ đối với tác phẩm văn chương.

Trước hết, xin cảm ơn tác giả Trầm Thanh Tuấn về những chỗ đã chia sẻ với ý kiến của chúng tôi trình bày trong SGK như cho rằng không nên chia tách bạch bài thơ thành hai phần vì “bài thơ miêu tả một phản ứng tâm lí dây chuyền”, “chỉ nên tiếp cận tác phẩm này trong cái nhìn liền mạch của văn bản”, như cho rằng ánh trăng trong thơ Lý Bạch “gắn với những kỉ niệm của tuổi thơ”, với những ngày thơ bé “vẫn thường lên núi Nga Mi ngắm trăng”, như cho rằng với chữ đầu tiên của bài thơ, vẫn nên theo “cách hiểu truyền thống: Sàng có nghĩa là cái giường”… Bởi vậy, trong bài viết này, chúng tôi không chỉ trao đổi ý kiến về những vấn đề do tác giả đề xuất mà còn làm rõ thêm một vài điểm mà tác giả đã nhất trí với SGK nhưng người viết sách chưa có dịp đi sâu lí giải.

1. Trước hết là tên đề thơcách phiên âm tên đề thơ.

Dạ tứ hay là Tĩnh dạ tứ? Phần lớn in là Tĩnh dạ tứ song cũng có không ít bản in là Dạ tứ. Bởi vậy, xin đừng ngạc nhiên khi thấy ở tên đề thơ của nhiều bản dịch ra tiếng Anh không có từ dịch nghĩa chữ tĩnh như “quiet”, “silent” hay “tranquil”… Cho đến nay, chưa ai chứng minh được không có chữ Tĩnh là sai, song hầu như ai cũng thừa nhận có chữ đó thì hay hơn, tên đề thơ sẽ có sức gợi cảm hơn, phù hợp với không khí bài thơ hơn.

Chuyện phiên âm tên đề bài thơ cũng từng gây tranh luận: Tĩnh dạ tư hay Tĩnh dạ tứ? Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều khi phiên âm chữ cuối của tên đề thơ là tứ chứ không phải là tư. Trong tiếng Hán cổ trung đại, chữ này cũng có hai cách đọc, ứng với hai cách phiên âm Hán Việt là tứ. Các luận cứ và lập luận của tác giả Trầm Thanh Tuấn không đủ để bác bỏ cách phiên âm là tứ. Vẫn dẫn câu của Nghiêm Vũ nhưng đọc tứ thì đã sao? Hơn thế, ngoài Tĩnh dạ tứ, còn có thể dẫn ra bao tên bài thơ Đường có chữ cuối là tứ như Sầu tứ, Thu tứ, Xuân tứ… Chữ thứ ba ở câu cuối (低頭思故鄉) thì đúng phải đọc là song không thể dựa vào đó để buộc chữ cuối trong tên đề thơ cũng phải đọc như vậy. Không khó tìm dẫn chứng tác phẩm trong đó có hai chữ giống nhau nhưng lại phải đọc khác nhau (trong tiếng Trung Quốc cũng như trong văn bản phiên âm Hán Việt). Còn cho rằng xét về “âm luật”, cụm từ tư cố hương không thể đọc là tứ cố hương thì rõ ràng là không chính xác. Cứ cho đây là một bài tứ tuyệt Đường luật thì chữ ở vị trí thứ ba trong một câu thơ ngũ ngôn nói chung đều có thể dùng thanh bằng hay thanh trắc (trừ trường hợp dùng thanh trắc mà câu thơ phạm vào lỗi cô bình, tức câu thơ chỉ còn lại duy nhất một thanh bằng, trừ vần). Huống hồ đây là một bài thơ cổ thể, dùng thanh bằng hay trắc ở vị trí này lại càng không vi phạm âm luật!

Trên đại thể, đây là sự khác nhau cơ bản giữa tứ: trước hết và cơ bản là một động từ, do đó trong các cụm từ, thường đứng trước từ (động từ, đặc biệt là danh từ) làm bổ ngữ cho nó như tư quy (nghĩ đến chuyện về), tư cựu (nghĩ đến bạn cũ), tư cổ (nghĩ đến thời xưa), tư thân (nghĩ đến bố mẹ), tư gia (nghĩ đến quê hương, gia đình)...; còn tứ thì chỉ dùng như danh từ và trong các cụm từ thường đứng sau.

Trong các câu thơ của Vương Kiến như:

                                               今夜月明人盡望

                                                不知秋思落誰家

               Phiên âm:  Kim dạ nguyệt minh nhân tận vọng

                                                Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia?

                              Dịch nghĩa: Đêm nay trăng sáng mọi người đều ngóng về phương xa

                                                 Không biết tứ thu rơi xuống nhà nào?

                                   của Liễu Tông Nguyên như:

                                                 城上高樓接大荒

                                                 每天愁思正茫茫

                               Phiên âmThành thượng cao lâu tiếp đại hoang

                                                 Mỗi thiên sầu tứ chính mang mang

                                  hay của Lý Thiệp như:

                                                 江城吹角水茫茫

                                                 曲引邊聲怨思長

                              Phiên âmGiang thành xuy giác thuỷ mang mang

                                               Khúc dẫn biên thanh oán tứ trường…

thì các chữ 思ở các câu thứ hai chỉ có thể phiên âm là tứ không phải chỉ vì lí do đã phân tích trên mà còn vì nếu phiên âm thì sẽ sai âm luật!

     Trên đây là những lí do khiến chúng tôi đã phiên âm tên đề thơ là Tĩnh dạ tứ. Chúng tôi càng yên tâm khi thấy các bậc túc nho đồng thời cũng là các nhà nghiên cứu thơ Đường có tiếng như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Hoa Bằng…đều phiên âm như vậy.

2. Sàng (床), chữ đầu bài thơ, có nghĩa là gì? Từ điển Từ hải giải thích: cung nhân thuỳ ngoạ đích dụng cụ (Từ hải súc ấn bản. Thượng Hải từ thư xuất bản xã. 1989, trang 956), nghĩa là “dụng cụ để người nằm ngủ”. Chỉ đến mục từ Hồ sàng (còn gọi là giao sàng 交床, ỷ sàng 椅床 hay thằng sàng 繩床) mới  giải thích như “cách hiểu 2”, tức cách hiểu cho chữ sàng trong bài thơ này là một thứ giường xếp của người Hồ ngày xưa chủ yếu dùng để ngồi, trong 4 cách hiểu về chữ sàng mà anh Trầm Thanh Tuấn đã nêu, cũng như cách hiểu của Mã Vị Đô mà GS.Sử đã giới thiệu trong bài viết ở tạp chí Văn học &Tuổi trẻ. Tại sao từ cách hiểu đơn giản, truyền thống “sànggiường”, người ta lại phải đi tìm cách giải thích gượng gạo như vậy? Theo ý của Mã Vị Đô, “vì là thơ, nhà thơ đã nói tắt một chữ sàng, lược bỏ chữ Hồ đi cho nên gây hiểu lầm”. Ông lập luận: “Lý Bạch nằm trên giường, thấy ánh trăng sáng , “ngẩng đầu” nhìn thì được, nhưng cúi đầu làm sao được? Muốn cúi đầu người ta chỉ có thể ngồi hay đứng, còn nằm thì dứt khoát là không được.” Không phải chỉ có Mã Vị Đô, một vài nhà nghiên cứu cũng lập luận như vậy. Chẳng hạn, Cao Ngọc Côn, trong bài Tìm hiểu, xem xét các bản dịch bài “Tĩnh dạ Tứ” ra tiếng Anh (李白 “靜夜思”英譯探究. Lý Bạch Tĩnh dạ tứ Anh dịch thám cứu), cũng cho rằng phải hiểu sàng làtoạ cụ” (dụng cụ để ngồi) và trong bài thơ, “Lý Bạch đang ngồi trên giường hoặc đứng cạnh giường” (xin xem: Cao Ngọc Côn. 唐詩比較研究新論. Đường thi tỉ giảo nghiên cứu tân luận. NXB Thiên mã. Hồng Công, 2003, trang 176), từ đó cho rằng các bản dịch sàng thành bed đều là sai mà đúng ra phải dịch là couch. Trong tiếng Anh, couch cũng có thể dịch là giường song thường dịch là tràng kỉ hay đi – văng tức dụng cụ chủ yếu dùng để ngồi.

Chưa có cơ sở nào để khẳng định Lý Bạch đã “nói tắt” bằng cách “ lược bỏ chữ Hồ”, cũng không hề thuyết phục khi quyết đoán rằng nếu hiểu sànggiường thì lúc đó nhà thơ phải nằm mà đã nằm thì dứt khoát không thể cúi đầu được ! Cũng có thể giả định như Trầm Thanh Tuấn là lúc đó Lý Bạch “đang ngồi trên giường”, cũng có thể giả định là nhà thơ đang đứng, lại cũng có thể giả định là nhà thơ đang nằm rồi ngồi dậy …, giả định sao cũng được vì vấn đề cơ bản không phải ở chỗ đó! Thưởng thức thơ ca, phân tích thơ theo lôgic kiểu đó là giết chết hình tượng thơ vì đây không phải là sao chép sự thật mà là hình tượng nghệ thuật được sáng tạo chủ yếu bằng hư cấu. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thống nhất thừa nhận bài dân ca Tí dạ thu ca thời Lục triều đã ảnh hưởng trực tiếp đến cấu tứ của bài Tĩnh dạ tứ. Bài thơ như sau:

                                            Thu phong nhập song lí

                                            La trướng khởi phiêu dương.

                                            Cử đầu khán minh nguyệt

                                            Kí tình thiên lí quang.

                      Dịch nghĩa  : Gió thu vào trong cửa sổ

                                            Màn lụa bay tứ tung.

                                            Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

                                            Gửi tình theo ánh sáng trăng ngàn dặm.

Xét về ý và cả tứ nữa, Lý Bạch hầu như đã dùng nguyên vẹn câu thứ ba của bài dân ca. Cái khéo của nhà thơ là đã thay chữ khán thành chữ vọng, một từ có màu sắc biểu cảm rõ nét hơn và cùng với chữ nguyệt có sẵn, gợi lại thành ngữ quen thuộc vọng nguyệt hoài hương, một ý mà trong bài dân ca chưa hề có! Và ý đó đã hiện lên rõ nét ngay trong câu tiếp theo: tư cố hương. Chưa nói tới chủ ý của nhà thơ, áp lực của tính hệ thống là rất lớn. Nửa sau của hai câu cuối đối với nhau rất chỉnh (vọng minh nguyệt / tư cố hương) đã kéo theo một cách tự nhiên và tất nhiên sự xuất hiện của hiện tượng đối ở trước chỗ ngắt nhịp của hai câu thơ: Cử đầu / đê đầu, bất kể lúc đó nhà thơ cúi đầu hay ngẩng đầu, nằm, đứng hay ngồi, ở trong nhà hay ở ngoài sân! Chỉ có điều xét về giá trị biểu cảm thì không có thể thay thế được hình tượng cúi đầu ở câu cuối vì nó đã thể hiện được một cách chân thực, sinh động tình cảm quê hương đau đáu, trĩu nặng của nhà thơ trong đêm thu thanh tĩnh.

3. Minh nguyệt quang (明月光) hay khán nguyệt quang (看月光)? Rõ ràng các tập thi tuyển ở đời Tống cũng như Toàn Đường thi  về sau đều in là khán nguyệt quang. Nhạc phủ thi tuyển của Quách Mậu Sảnh (xin đính chính: không phải là Lạc phủ thi tuyển của Quách Mạo Sảnh như anh Tuấn đã phiên âm) cũng in như vậy. Đến Đường thi tam bách thủ cũng như các tập thi tuyển của Thẩm Đức Tiềm và Vương Sĩ Trinh mới xuất hiện dị bản minh nguyệt quang. Tại sao dị bản này cho đến nay lại được nhiều người sử dụng hơn? Theo ý kiến của nhiều người, vì dị bản này hay hơn. Vì sao lại hay hơn? Xin được tóm tắt như sau: Nếu là minh nguyệt quang thì giòng thơ đầu chỉ là một cụm danh ngữ, tạo thành một phần của bổ ngữ cho động từ nghi (ngỡ là) ở câu dưới (ngỡ ánh trăng sáng trước giường là sương trên mặt đất), như vậy là ở đây đã sử dụng thủ pháp đảo trang , một thủ pháp xuất hiện phổ biến trong thơ Đường, khiến cho cấu trúc câu trở nên độc đáo, mặt khác động từ khán không phù hợp với yêu cầu biểu cảm, với đặc điểm khắc hoạ diễn biến tâm lí của chỉnh thể tác phẩm.

Cho đến nay, vẫn còn một số sách dùng dị bản khán nguyệt quang như Đường thi của Ngô Tất Tố, Thơ Đường bốn ngữ của Hữu Ngọc…Ngay cả cuốn Lý Bạch đại từ điển của NXB Giáo dục tỉnh Quảng Tây cũng dùng bản này. Có điều , khi giới thiệu bản dịch ra tiếng nước khác, có tác giả lại không giữ được quan điểm nhất quán. Chẳng hạn, Hữu Ngọc, khi giới thiệu bản dịch tiếng Pháp, lại sử dụng bản của Francois – René Daillié mà hai câu đầu không có nghĩa của chữ khán:

                                           Devant mon lit étalée

                                                 lune claire

                                          Si bien qu’on dirait gelée

                                                blanche à terre.

                       (Thơ Đường bốn ngữ . NXB Văn học, 1992, trang 50 – 51)  

4. Nghi (疑) hay là nghĩ (擬, với nghĩa là giống như, tựa như)?

Vấn đề này đặt ra, một là vì quả ở thời Đường, nhiều khi chữ nghi có nghĩa là ngờ rằng, ngỡ là được dùng thông với chũ nghĩ có nghĩa là giống như , hai là vì có người đã giải thích không thoả đáng nghĩa của chữ nghi, nhấn mạnh quá đáng đến tính chất ảo giác, thác giác (cảm giác sai lầm) của từ đó, thậm chí có người mỉa mai rằng có lẽ Lý Bạch bị cận thị nên mới nhìn nhầm trăng thành sương! (xin xem bài nói trên của Cao Ngọc Côn, sách đã dẫn, trang 174). Thật ra, đó là một cách lí giải không đúng đối với từ nghi, một từ dùng rất hay của Lý Bạch. Đây tuyệt không có sự nhầm lẫn. Ngỡ có nghĩa là biết không phải thế mà vẫn cứ tưởng là thế! Trong cuộc sống, chúng ta luôn bắt gặp những tình huống tương tự. Cảm nghĩ ngỡ trăngsương vừa làm nổi bật độ sáng của trăng, vừa cho biết đây là đêm thu và đêm đã rất khuya, khí trời đã trở lạnh. Từ một cảm nhận về thị giác đã chuyển một cách tự nhiên sang một cảm nhận về xúc giác và điều đó hết sức phù hợp với không khí của câu thơ tiếp theo.

Còn trăng sáng giống như sương, thì chỉ là một sự so sánh quá bình thường; ngay từ mấy trăm năm trước, thái tử nước Lương là Tiêu Cương đã viết được câu thơ như Dạ nguyệt tự thu sương (Trăng đêm giống như sương mùa thu)! Nghi dịch thành ngỡ là rất sát nghĩa và hay. Ở các bản dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, chưa thấy dịch giả nào lột được caí thần của chữ này nên sự phê phán của Cao Ngọc Côn không phải là không có cơ sở.

  Chẳng hạn:

                                  Before my bed

                     There is bright moonlight

                              So that it seems

                      like frost on the ground

(Li Po and Tu Fu. Penguin Book Ltd Australia. 1973, p.109)

Dịch như vậy là chỉ chú ý sự giống nhau bên ngoài giữa sươngtrăng, chưa thể hiện được hoạt động tâm lí của chủ thể trữ tình.

  Hay:               So bright a gleam on the foot of my bed –

                         Could there have been a frost already?

(Trần Trọng San. Poems of the T’ang Dynasty. NXB Thanh Hoá. 1997, trang 190)

 

Dịch như vậy là có phần nhấn hơi mạnh đến sự xuất hiện của sương và cũng làm mờ đi hoạt động tâm lý của chủ thể.

5. Vọng minh nguyệt (望明月) hay vọng sơn nguyệt (望山月)?

Các bản đời Tống cũng như Toàn Đường thi đều in là vọng sơn nguyệt. Như đã nói trên, vầng trăng treo vằng vặc trên đỉnh núi Nga Mi đã đi theo suốt cuộc đời nhà thơ, có thể nói đã trở thành một ám ảnh  đối với nhà thơ, nên trong tác phẩm Lý Bạch thường xuất hiện cụm từ sơn nguyệt. Chắc rằng lúc đầu câu thứ ba của bài thơ là Cử đầu vọng sơn nguyệt. Vấn đề là tại sao từ khi có dị bản Cử đầu vọng minh nguyệt thì dị bản này liền được chấp nhận và đến nay, trong khi câu thứ nhất còn có người dùng dị bản Sàng tiền khán nguyệt quang thì với câu thứ ba, hầu như không còn ai dùng dị bản  Cử đầu vọng sơn nguyệt nữa? Đây là một vấn đề rất lý thú liên quan đến văn bản họclí thuyết tiếp nhận còn có thể tiếp tục gây tranh cãi. Chúng tôi chia sẻ với ý kiến dưới đây của Vương Vận Hi, một chuyên gia nổi tiếng về Lý Bạch: “Một số tuyển tập của nước ta trước đây, trong khi ghi chép và tuyển chọn tác phẩm có sửa chữa một số từ ngữ, đó là hiện tượng thường thấy. Trong thơ Lý Bạch, “sơn nguyệt” và “cố hương” dường như có một mối quan hệ đặc biệt. Trên con đường phiêu lãng, khi vừa xa quê hương đất Thục, nhà thơ đã viết một bài thơ rất hay có nhan đề là Nga Mi sơn nguyệt ca (Bài ca vầng trăng trên đỉnh núi Nga Mi). Cuối đời, khi tiễn biệt một vị sư cùng quê đất Thục tên là Án về kinh đô, ông lại viết một bài thất ngôn cổ thể nhan đề là Nga Mi sơn nguyệt ca tống Thục tăng Án nhập Trung Kinh. Lý Bạch yêu cố hương, yêu vầng trăng trên đỉnh núi Nga Mi. Bởi vậy, ở nơi tha hương, trong đêm thanh tĩnh, khi nhìn thấy vầng trăng trên một đỉnh núi nào đó chiếu vào giường, liền nghĩ tới vầng trăng trên núi Nga Mi, liền nghĩ tới cố hương, là việc rất tự nhiên. Người đời Thanh sửa hai chỗ khán nguyệt quang thành minh nguyệt quang, vọng sơn nguyệt thành vọng minh nguyệt, tuy không giống bản gốc, nhưng xét về phương diện nghệ thuật, quả là có chỗ vượt trội, làm cho thơ thêm hàm súc, ý vị, tăng thêm tính phổ biến, làm cho bạn đọc rộng rãi yêu mến hơn, dễ tiếp thu hơn. Vả lại, như phần trên đã giới thiệu (phần trên, tác giả đã giới thiệu hai bài thơ thời Lục Triều viết về chủ đề tình yêu quê hương có hình ảnh minh nguyệt . NKP), nhiều bài thơ ngày xưa tả cảnh đêm yên tĩnh nhớ quê hương và người thân đều dùng minh nguyệt, điều đó đã trở thành một tập quán. Tĩnh dạ tứ tuy không phải là một sáng tác truyền miệng trong dân gian, song trong quá trình lưu truyền đã bị sửa đổi và những sự sửa đổi ấy lại được quần chúng tiếp nhận, tình huống đó có phần giống với sáng tác truyền miệng. Ngày nay chúng ta không tán thành việc lại sửa đổi thơ ca của người xưa trong các tuyển tập hiện hành, song cũng phải thừa nhận hiệu quả tốt đẹp của việc sửa chữa đó đã trở thành sự thật.” (Mục từ Tĩnh dạ tứ trong cuốn Lý Bạch đại từ điẻn. Úc Hiền Hạo chủ biên. NXB Giáo dục Quảng Tây. 1995, trang 435 – 437).

*

*    *

Qua việc trình bày những vấn đề trên, chúng tôi thực tế đã khẳng định ý kiến của mình quanh bài viết về tác phẩm Tĩnh dạ tứ trong SGK: Trước mắt, không có gì phải sửa chữa, thêm bớt. Chỉ khi nào có một ý kiến mới mẻ nào đó qua tranh luận được công nhận một cách rộng rãi, chúng tôi mới đặt vấn đề bổ sung, sửa chữa. Mặc dầu vậy, như chúng tôi đã khẳng định, mọi thông tin mới về việc tiếp cận tác phẩm đều hết sức bổ ích, khôn

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...