Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Bút ký: “Trở về nguồn” - Trần Thị Thắng

30-04-2012 06:52:29 AM

VanVN.Net - Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh (1981-2011); 50 năm thành lập Hội văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Gia Định (1963-2013) và hướng tới kỷ niệm 37 năm giải phóng Sài Gòn, ngày 25-3-2012. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức chuyến về nguồn tại chính xóm Thuốc, xã An Phú, Củ Chi, nơi căn cứ của Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định xưa. Đoàn đi gồm bốn thế hệ nhà văn: Thế hệ chống Pháp, Mỹ có nhà văn Vũ Hạnh, Hoài Vũ. Thế hệ chống Mỹ: Thạch Cương, Lê Điệp, Lê Quang Trang, Mai Phan (Phan An), Lam Giang, Khuynh Diệp, Hoàng Đình Chiến, Nguyễn Quốc Trung. Thế hệ sau giải phóng Sài Gòn: Thu Nguyệt, Lê Tú Lệ, Phan Hoàng, Trần Trí Thông, Nguyễn Đặng Mừng… Một thế hệ được mọi người kỳ vọng, đó là lớp nhà văn còn rất trẻ sau đổi mới: Tiến Đạt, Trần Nhã Thụy, Phan Trung Thành, Nhật Quỳnh, Trần Minh Hợp, Trương Anh Quốc, Bùi Tuyết Nhung, Trần Huy Minh Phương, Lê Thùy Vân, La Thị ánh Hường, Hoa Níp, Phạm Phương Lan, Chu Quang Mạnh Thắng, Trần Văn Thưởng, Nguyễn Văn Thịnh, Nông Huyền Sơn, Thanh Bình Nguyên…

Câc nhà văn TP Hồ Chí Minh trong chuyến đi thực tế về nguồn

Xe đưa đoàn đi từ TP. Hồ Chí Minh lên xóm Thuốc 70 km, qua Đồng Dù, nơi khét tiếng của sư đoàn 25 Mỹ (biệt danh là Tia chớp nhiệt đới) đóng và càn vào Củ Chi mà Thạch Cương, Lam Giang từng chịu trận. Khi lên đến xóm Thuốc, đồng chí phụ trách văn hóa xã đưa chúng tôi ra rừng cao su, đó là cứ Văn nghệ. Nơi đây xưa vốn vẫn là những rừng cao su bình yên, với nghề trồng “thuốc rê” lâu đời nên có tên xóm Thuốc. Giặc Mỹ thả bom, cho xe tăng vào ủi hầm bí mật, thả thuốc phát quang, rải chất độc đi-ô-xin, xóm Thuốc trở nên tiêu điều như một vùng đất chết. Sau chiến tranh, cả xã muốn trở lại như xưa đã phải san đất, lật cỏ, rà phá bom mìn để có đất mà trồng cấy. Một lần nữa máu của người dân, người lính lại chảy.

Còn nhớ vào ngày 27-4-1973, cứ Văn nghệ vừa qua một cuộc chống càn lớn nhờ sự phối hợp của du kích, trung đội nữ pháo binh Hố Bò, tiểu đoàn Sài Gòn do anh Sáu Cảnh làm tiểu đoàn trưởng chống trả quyết liệt, ngụy mới chịu lui về Đồng Dù. Chúng tôi đang thu dọn hầm hào, nhà ăn, kho lúa sau một trận càn thì có tin du kích Nguyễn Thị Lèo ra cấy lúa bị trúng mìn chết. Từng là xã đội trưởng, chị trao chức vụ lại để một mình bám trụ. Tôi và anh Thạch Cương đi dự tang lễ, sau khi phủ lá cờ Tổ quốc lên quan tài, du kích bồng súng bắn ba phát đạn chỉ thiên, chúng tôi òa lên khóc. Bây giờ khi  cây xanh phủ dày lên xóm Thuốc, chúng tôi lại về đây, lớp nhà văn già trẻ đang nghe lại kỷ niệm chiến trường xưa, chị Nguyễn Thị Lèo - nguyên xã đội trưởng - có nghe thấy không? Nhà văn Vũ Hạnh đã bao lần trở lại Hố Bò, xóm Thuốc học nghị quyết, từng giả là dân lái trâu. Năm 1965, ông vào học chính trị trong cứ Văn nghệ ở Củ Chi, nhân  chuyện trò với Trần Bạch Đằng, ông hứa sẽ viết một tập sách cho ra tấm ra món. Vào Sài Gòn ông viết trong hai tuần xong cuốn Người Việt cao quý, in ngay năm 1965, đã tái bản 15 lần. Vào tù rồi lại ra tù, ông bán bản quyền cho nhà sách Khai Trí để có tiền ăn, sửa nhà, làm báo bí mật cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng (tờ Tin Văn). Nhà phê bình  Rum Bảo Việt, nhà thơ Giang Nam, Viễn Phương, Hoài Vũ, Thạch Cương cùng các thành viên: Phan An, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Khuynh Diệp, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Văn Sơn chuẩn bị mở trại viết văn cho 30 sinh viên gồm các tác giả thành danh  hoạt động trong thành. Để bảo đảm tuyệt mật, chúng tôi mở lớp ở Long Nguyên, bên kia sông Sài Gòn. Lớp học đó có Trương Quốc Khánh, Lê Duy Hạnh, Đồng Tháp, trong chiến khu có Trần Văn Tuấn, Lam Giang, Lương Minh Cừ . Nhiều nhà văn, nhà thơ nhà báo ở nhiều tờ báo quan trọng sau này trưởng thành từ lớp học trên. Ngay xóm Thuốc, số đầu tiên của Văn nghệ giải phóng làm ở Củ Chi do Trần Hữu Trang nhà soạn kịch làm chủ nhiệm. Thư ký tòa soạn là nhà văn Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Hiếu (Tư Châu) thiết kế báo, viết xã luận, minh họa. Năm 1962, số báo in xong tại Củ Chi, Nguyễn Văn Hiếu đã mang số báo đầu tiên ra khoe Bác Hồ và đem số báo đó sang giới thiệu một số nước ở châu Âu, châu á. Năm 1968, Lê Văn Thảo xuống Củ Chi viết bài, anh đọc truyện ngắn: Những ngôi sao trên bầu trời ven đô của Thạch Cương. Anh sung sướng khi phát hiện ra cây bút địa phương, nên cùng Thạch Cương về Trung ương Cục, giới thiệu cây bút mới với Anh Đức. Giữa tháng 4-1973, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà sang thăm cứ Văn nghệ ở xóm Thuốc. Anh Giang Nam mời ở lại ăn cơm ngay căn phòng Giang Nam và Hoài Vũ ở. Cơm canh định bưng lên thì Nam Hà nhất định đòi về. Hai anh vừa đi 15 phút thì máy bay quần đảo và bắn rốc két đúng hầm Giang Nam và Hoài Vũ (ngay dưới chân chúng tôi đứng hôm nay). Mùi mắm tôm, khét lẹt, giấy tờ bay tung tả. Giang Nam mới nhận được 1kg mắm ruốc của chị nhà gửi vào, nay bị bom đánh tan tành, anh vừa thu dọn vừa nói:

- Sẽ làm một bài thơ trên đất Củ Chi.

Tối hôm đó anh đã làm xong bài thơ: Những hố bom trên đất Củ Chi, anh mang đọc cho Hoài Vũ và Thạch Cương nghe. Cùng trên mảnh đất này, Viễn Phương sáng tác rất nhiều bài thơ. Đoàn cải lương Củ Chi thường lấy những sáng tác mới của Viễn Phương, chuyển thể thành cải lương để hát cho đồng bào Củ Chi nghe trực tiếp trên những sàn diễn dã chiến. Đoàn còn ca tân nhạc, thường “hát cho đồng bào tôi nghe” những bài hát quen thuộc như  Vàm Cỏ Đông thơ của Hoài Vũ, nhạc của Trương Quang Lục. Hoài Vũ thời ấy ở Củ Chi, được làm căn cước giả với nghề nghiệp tự khai là thợ hồ để khi có điều kiện vào thành hoạt động công khai. Nhà văn Thạch Cương, từ nhà giáo sang làm báo Ngọn cờ Gia Định có nhiều truyện ngắn trên vùng đất này và hai bộ tiểu thuyết dày dặn: Đường vào chiến khu Đ, Đất thở. Hai tiểu thuyết đã dành nhiều trang viết về sự dấn thân của các nhà văn của Việt Nam từng sống và hoạt động trên vùng đất này như Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Thủy Thủ. Ai cũng thử sức viết, thử lòng dũng cảm, lấy Củ Chi là mảnh đất nuôi dưỡng cho sáng tác của mình. Ngày 15-2-1974, tôi và Hà Phương sang đại đội nữ pháo binh viết bài. Tình hình chiến sự ác liệt, nên các  chị đòi xem tư cách đảng viên, Hà Phương là đảng viên, tôi chưa là đảng viên nên phải về. Dẫu vậy, Hà Phương cũng làm được bài thơ Sắc huệ hồng, là một trong những bài thơ hay nhất của chị. Tôi về cứ và được kết nạp vào đảng. Ngày, 19-3 chúng tôi lại sang cứ của chị. Hôm ấy chị em đi đánh đồn Gò Mả ở Trung Lập Thượng về, một nữ pháo thủ hy sinh khi mảnh pháo phía bên kia văng phải. Cả các pháo thủ lẫn hai nhà báo đều khóc sướt mướt bên mộ người nữ pháo thủ được chôn cất lúc trời gần sáng. Mỹ đã gây ra trên đất này biết bao tội ác, biến một khu đất xanh màu mỡ thành vùng đất chết để chà sát, tát dân ra khỏi Củ Chi. Còn chiến lược “Chiến tranh cục bộ”  đã tạo nên tình thế da beo, đan cài những vùng đất giải phóng với ấp chiến lược. Chính những vùng giải phóng xen cài, tạo điều kiện cho ngày giải phóng 30-4-1975. Quân ta ào ào tiến vào nhổ căn cứ Đồng Dù, huyện lỵ Củ Chi, tiến thẳng vào Sài Gòn.

Sài Gòn vừa giải phóng, nhà văn Trần Bạch Đằng thôi thúc Giang Nam, Hoài Vũ, Thạch Cương cùng các nhà văn nhà thơ Lê Giang, Diệp Minh Tuyền, Lê Quang Trang, Trần Đức Cường,  Hà Phương, Hà Công Tài, Phùng Đức Thắng, Nguyễn Khắc Thuần, làm ngay số báo ban đầu tại 190 Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Để nhanh chóng ra số báo đặc biệt tại Sài Gòn, nhà thơ Diệp Minh Tuyền liên hệ gọi các công nhân in trở lại đi làm, mở kho giấy để ra báo. Ngày  28-5- 1975 số báo đầu tiên in ốpset, khổ  28 X 24, 24 trang, in ba màu, có hình Bác Hồ giơ tay chào toàn dân.

Đứng trên cứ Văn nghệ xưa nói về những sáng tác, những hoạt động của những nhà văn phải nhớ ơn những người đã sẵn sàng hy sinh để có ngày toàn thắng. Cả đoàn đến Bến Dược dâng hương viếng gần 50.000 liệt sĩ được khắc tên trên tấm bia đá lớn nhất nước. Nơi đây luôn được nhân dân khắp nơi đến thắp hương tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Mọi người háo hức ra thăm địa đạo Bến Dược, nơi căn cứ Khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định. Hệ thống hầm bí mật, hầm ngầm địa đạo nằm sâu dưới lòng đất: tầng 1 sâu 3m, tầng 2 sâu 6m, tầng 3 sâu 10 m, với chiều dài 200km (phía đông). Nếu sang phía tây chúng ta lại gặp Bến Đình, nơi ăn ở, hội họp từng là căn cứ Huyện ủy huyện.

50 nhà văn, nhà thơ trở về nguồn hôm nay thì có 30 cây bút trẻ với những cảm nghĩ khác nhau. Họ đang làm việc ở các tờ báo lớn. Trong cuộc đời còn rất dài của mình, chắc chắn họ còn lui tới Củ Chi nhiều lần để viết về cuộc chiến tranh thần thánh của mảnh đất thép theo quan niệm của giới trẻ. Dù vậy, Củ Chi vẫn mãi mãi là mảnh đất cho bao thế hệ cần tìm về, lấy lại niềm tin cho chính mình, cho toàn xã hội, nơi ấy vẫn thắp sáng một ngọn lửa được đốt lên từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

 

(Nguồn: Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...