Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Ghi chép: "Dân làng biển" - Đào Đức Tuấn

01-07-2014 07:15:47 AM

VanVN.Net - Mỗi người một cảnh ngộ gắn bó sống chết với biển giã, gió cát. Câu chuyện cuộc đời của những ngư dân chân chất, nghĩa khí ở vùng đất “xứ Nẫu”, Bình Định – Phú Yên có thể coi là một nét chấm phá cho bức tranh về mảnh đất này, mảnh đất mà giờ đây đang ngày đêm tiếp thêm những nguồn sinh lực tinh thần cho vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, “tiền đồn” của Tổ quốc hôm nay.

1.

Giữa ngày biển Đông dậy sóng, tôi về làng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) tìm gặp ông Nguyễn Văn Thoại (Ba Thoại), người được mệnh danh là “ngư ông” cứu người và tàu thuyền bị nạn trên biển. Ở tuổi 50, Ba Thoại đang là tổ trưởng tập đoàn 10 tàu cá nổi tiếng ở vùng biển Hòa Hiệp. Người đàn ông chất phác, hiền lành nhưng luôn quyết liệt trong bao nhiêu tình huống cấp kỳ sóng nước.

Với Ba Thoại, làm ăn trên biển, gặp người bị nạn mà không cứu giúp, đó mới là chuyện bất thường. Ông nhớ, một ngày cuối năm 2008, tàu nhà đang no cá trở về thì ông linh cảm có ai đó đang kêu cứu. Ba Thoại quyết định tăng tốc, cho tàu rẽ ngang trong nhập nhoạng buổi chiều tối, sóng càng lúc càng mạnh. Chạy khoảng 15 phút thì anh em trên tàu lờ mờ nhìn thấy ba bóng người đang trên một chiếc thuyền vỏ lườn gần chìm hẳn, cố sức dùng chiếc áo phất vẫy làm hiệu.

Tàu lại gần cặp mạn, Ba Thoại nhận ra một người đàn ông cùng 2 đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi mặt mày tái nhợt trong nước mắt, nước biển. Ba Thoại lập tức cho thả thúng chai xuống, tìm cách đẩy áp sát vào thuyền bị nạn rồi buột dây kéo, lần lượt đưa 3 người lên tàu của mình. Cả ba quỳ thụp, chắp tay vái lạy liên hồi. Đây là 3 cha con sống ở làng chài Vũng La (Sông Cầu, Phú Yên), cách chỗ bị nạn hơn 80 cây số. Họ đi biển từ đêm trước. Ra giữa biển, thuyền bị chết máy, không sửa được. Biển động mạnh, sóng đánh đứt dây neo làm nó trôi từ nửa đêm qua. Trong suốt một ngày, họ nhìn thấy 3, 4 chiếc ghe lớn đi ngang, dù đã cố sức phất tín hiệu xin cứu nhưng không ghe nào dừng lại. Thuyền bị nước vào, đã ngập lút, nếu không được vớt thì chắc sẽ bị làm mồi sóng biển.

Suốt chặng đường trở về bờ, không biết bao nhiêu lần, Ba Thoại thầm cám ơn linh cảm đã “xúi giục” mình có quyết định nhanh, chạy đúng hướng nên tìm được người bị nạn. “Cứ nhìn nét mặt xanh tái, hốc hác của 2 đứa trẻ, tôi xót xa không chịu được. Chúng chỉ bằng tuổi đứa con út của tôi, suýt nữa đã bị vùi xác giữa biển cả. Sống ở đời, lương tâm làm người không bao giờ cho mình được quyền hờ hững khi biết có người đang giữa lằn ranh sống chết”, Ba Thoại trầm ngâm.

Nghe tâm tình của Ba Thoại, càng thấu hiểu thêm cái tình, cái nghĩa của người đi biển. Giữa chập chùng sóng cả, có lẽ sức mạnh lớn nhất giúp cho con người vượt lên được chính là tình đồng loại. Ấy vậy mà nhớ lại sự việc vừa xảy ra chưa lâu trên vùng biển Hoàng Sa, khi tàu hải cảnh của Trung Quốc không những ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh hải của ta, mà nhẫn tâm hơn, còn cố ý húc chìm tàu cá ĐNA-90152 của Việt Nam và ngăn cản các tàu của ta vào cứu các ngư dân, thì không thể có cách lý giải nào khác ngoài sự thô bạo và vô nhân tính. Tại hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”, sau khi đi thăm và gặp gỡ nhân chứng từ con tàu này, một học giả quốc tế trong đoàn đã phải thốt lên: “Vì hành vi đâm tàu này là do tàu hải cảnh Trung Quốc gây ra, nên tôi coi đây là hành động cướp biển cấp quốc gia…”.

Chẳng hiểu khi thực hiện những hành vi kẻ cướp đó, có ai trên con tàu hải cảnh kia còn được chút “lương tâm làm người” như người ngư dân chân đất Ba Thoại hay không?...

 

2.

Đến nhà cựu lính Trường Sa Phạm Rùm (chủ DNTN Thủy sản Năm Rùm), gặp lúc ông đang đi công chuyện. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Năm tiếp chuyện: “Tui với anh Rùm cùng sanh năm 1966, học cùng lớp phổ thông, rồi ảnh đi lính Trường Sa từ năm 1985 - 1988. Ban đầu do gia đình hai bên “tác động”, cũng có mấy lần biên thư, ra quân là cưới ngay. Tui buôn bán tôm từ nhỏ, còn ảnh ra quân thì vừa làm công tác của xã, làm ruộng, vừa hùn hạp với anh em nuôi tôm. Da người nào cũng đen cháy vì suốt ngày ở ngoài đồng cát nắng. Khi đó, bỏ tiền triệu ra “đánh bạc” với tôm sú, tui cũng run nhưng ảnh gan lắm…”.

Năm Rùm về góp chuyện: “Anh em lính đảo đâu có dịp tiêu tiền, khi ra quân về đất liền, thằng nào cũng “khờ đặc”, chẳng biết mệnh giá thay đổi ra sao. Thế rồi lập gia đình, làm ruộng xứ cát này chẳng kiếm mấy hột, nghèo quá. Vợ chồng bàn nhau mượn vốn góp nuôi tôm, rồi đầu tư thu mua tôm của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cứ thế tích góp, mở rộng quy mô. Đến năm 2010, anh em bên ngành thuế khuyên lập doanh nghiệp để thuận tiện trong thủ tục, đường hướng làm ăn lớn…”.

Ngày Năm Rùm rời quân ngũ, vùng cát sông Bàn Thạch (hạ lưu sông Ba) bắt đầu được mệnh danh là “dòng sông Dream”, bởi người dân trúng tôm sắm xe Dream rất nhiều. Thế rồi dịch bệnh hoành hành, nhiều đại gia tôm sú phải lên rừng đốt than. Thế nhưng nhà Năm Rùm vẫn giữ “thăng bằng” nhờ cả quyết chuyển hướng nhanh sang nuôi tôm thẻ chân trắng, rồi vận động, đầu tư cho nhiều người cùng nuôi.

“Cũng nhờ các mối thông tin làm ăn, mình nắm bắt được cái ưu việt của con tôm thẻ chân trắng, như năng suất cao, ít dịch bệnh. Quan trọng là phải dám đầu tư nuôi theo mô hình khép kín, làm việc rõ ràng với các công ty để có được con giống đảm bảo. Mình phải quyết đoán làm trước, rồi bà con mới “nhìn vào” mà cùng làm. Bà con có nuôi tôm nhiều thì doanh nghiệp mình mới đủ nguồn tôm thương phẩm để cung ứng theo các hợp đồng”, Năm Rùm cho hay.

Cùng với mua bán tôm thương phẩm, cung cấp thức ăn thủy sản, DNTN Năm Rùm hiện đang trực tiếp nuôi 5ha tôm thẻ chân trắng. Ông cho biết, mỗi năm mình thu mua của khách hàng 500 - 700 tấn tôm, riêng các hồ nuôi của gia đình là 70 - 80 tấn; doanh thu trên 800 tỷ đồng/năm.

Ông Ngô Tận - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam nhận xét: “Gia đình ông Năm Rùm làm ăn rất căn cơ, tổ chức doanh nghiệp đâu ra đó. Mỗi năm, doanh nghiệp này đều đóng góp thuế trên 10 tỷ đồng, bình quân 1 tỷ đồng/tháng. Điều “đáng giá” nhất của Năm Rùm là tiên phong trong làm kinh tế, tạo khí thế để vực dậy ổn định vựa tôm làng cát ba xã Hòa Hiệp; doanh nghiệp và người nuôi tôm luôn tương hỗ nhau sòng phẳng để phát triển. Ông Năm Rùm cũng là người tham gia nhiệt tình công tác địa phương, đóng góp lớn cho các công trình phúc lợi, làm từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn”.    

Nhiều người thực sự ấn tượng khi ngày 14-3 vừa qua, vợ chồng ông mời về nhà trên 300 bạn bè cựu binh Trường Sa, trong buổi gặp mặt tưởng niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma – Trường Sa. Hôm ấy, ai cũng xúc động vì nghĩa khí của người lính - doanh nhân Năm Rùm. “Chúng tôi liên kết nhau lại để chia sẻ buồn vui, kinh nghiệm làm ăn kinh tế. Cảm thấy nhẹ lòng khi được chung tay tương trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi động viên gia đình anh em hy sinh ở Trường Sa. Trong lúc biển Đông đang nóng bỏng, nhắc nhớ sự kiện Gạc Ma để mỗi người Việt phải thêm cảnh giác trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc”, Năm Rùm nói.

 

3.

Một đời với nghề biển, gia đình ông Nguyễn Văn Ái (64 tuổi, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hiện sở hữu 4 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất trên 3.000CV. Trong đó, tàu BĐ-94032 (1.250CV) “đương kiêm” tàu cá tư nhân lớn nhất miền Trung hiện nay. Cả 6 con trai của vợ chồng ông Ái đều theo nghiệp xa bờ; trong đó, 4 con trai lớn đang làm thuyền trưởng 4 tàu, 1 người sắp làm thuyền trưởng tàu vỏ thép (đang tiến hành đóng) và cậu út đang làm công tác hậu cần nghề cá. Hai cô con gái đều có chồng làm biển.

Cách đây 20 năm, gia đình đông con, vợ mắc trọng bệnh, cuộc sống khó khăn tứ bề. Ông Ái phải đành lòng bán chiếc ghe nhỏ, rồi gỡ từng tấm tôn mái nhà,… để bán chạy thuốc, chạy ăn. Thế nhưng bản chất kiên cường, “máu” làm giàu của dân Bình Định đã không làm ông buông tay. Chạy thuốc vợ khỏi bệnh, ông Ái mượn tiền mua ghe mới. Và rồi cần cù bám biển và nhờ “trời thương”, tàu nhà được mùa mấy năm liền. Ông lần lượt mua mới, đổi tàu có công suất lớn dần để đánh bắt dài ngày, với năng suất cao dần. Đến lúc này, vợ chồng ông Ái và các con đang sở hữu hai tàu 450 CV, một tàu 1.000CV và 1.250CV.

“Nhóm tàu gia đình luôn cử một chiếc làm nhiệm vụ hậu cần và chuyên chở cá vào bờ để bán, cá tươi luôn được giá. Mỗi tàu đều trang bị dàn lưới vây, lưới rút đến giàn câu cá ngừ đại dương, nên có thể “trị” được nhiều loại cá. Do tính toán kỹ nên hầu như không chuyến khơi nào của tàu nhà bị lỗ tổn. Nhiều mùa tiền vô như nước, ham lắm. Anh em đi bạn cũng được chia lãi rất khá, đời sống ai cũng tấn tới”, ông Ái cho hay.

Hiện tại, gia đình ông đang lập dự án vay 4 tỷ đồng vốn ưu đãi để tiếp tục nâng cấp lớn cho đội tàu, làm giàu cho dòng tộc và gia đình hàng trăm bạn tàu. Theo ông Ái, điều tiên quyết của nghề đi biển là sự đồng lòng liên kết, trong bờ đoàn kết 1 thì ngoài biển phải đoàn kết 10. Gần đây, khi Trung Quốc gia tăng các hành động quá khích ngang ngược trên biển Đông, ông Ái cho rằng nghề đánh bắt xa bờ đang đối diện thách thức vô cùng lớn. “Chúng tôi rất uất giận, vì ngư trường biển Đông là nơi lâu nay kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình, nay có kẻ ngang nhiên giành giật. Đất nước lâm nguy, ngư dân càng phải liên kết chặt chẽ, đồng lòng bám biển, giữ vững lãnh hải quốc gia”, ông Ái tỏ lòng. 

Có một chút gì ẩn ức, hờn căm trong câu nói này. Nhưng hình như đó không chỉ vì ông và nhiều bà con ngư dân đã từng chịu nhiều thua thiệt khi phải chống chọi với tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của ta khi họ đang làm ăn trên biển, mà đằng sau cái oang oang mộc mạc trong giọng nói của người dân xứ biển kia, còn là một sự đòi hỏi. Một sự đòi hỏi khó khăn, nhưng hoàn toàn chính đáng...

*

Trở lại những làng biển ở Bình Định, Phú Yên trong những ngày này có lẽ không ai là không thấy xốn xang những cảm xúc lạ thường. Những rặng dừa xanh ngút mắt, những con sóng vỗ về gềnh đá mải miết ngày đêm gọi tên những văn nhân nổi tiếng của Bàn Thành tứ hữu xưa kia, như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên... không còn ngự trị nữa, mà mà thay vào đó là một âm hưởng vô cùng mới lạ: âm hưởng hào hùng về một tình yêu Tổ quốc vô cùng thiêng liêng đang gào gọi nơi biển đảo mang hai tiếng: Hoàng Sa, Trường Sa! Những tiếng gào gọi đó được cất lên khi âm thầm, khi hào sảng ngay trong con người những ngư dân chân chất, nghĩa khí ở vùng đất xứ Nẫu này, như Ba Thoại, như Năm Rùm, như ông Ái… Nhưng dù họ là những con “sói biển” giữa trùng khơi, những doanh nghiệp đang “vắt cát thành vàng”, hay gì gì đi nữa, thì trước tiên, họ cũng đều là Những Người Dân Làng Biển quê tôi…

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...