Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những sáng tác trong mùa Vu Lan báo hiếu

12-08-2011 10:12:25 AM

VanVN.Net – Tháng 7 Âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt. Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian thường gọi là ngày cúng chúng sinh… Nhân dịp lễ này, VanVN.Net xin gửi tới bạn đọc những trang viết về lòng yêu thương, tình mẫu tử của nhiều tác giả.

 

Lòng mẹ

 

- Nguyễn Bính -

Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi! mặc áo ra chào họ
Rõ quí con tôi! Các chị trông!

Ương ương dở dở quá đi thôi!
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào! lau nước mắt
Mình cô làm bận mấy mươi người.

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương!

Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

 

 

 

 

 

Trong lời mẹ hát

- Trương  Nam Hương -

 

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

 

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

 

Dẫn con đi cùng đất nước

 

Chòng chành nhịp võng ca dao

 


Con gặp trong lời mẹ hát

 

Cánh cò trắng dải đồng xanh

 

Con yêu màu vàng hoa mướp

 

"Con gà cục tác lá chanh"

 


Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,

 

Lời ru vấn vít dây trầu,

 

Vầng trăng mẹ thời con gái,

 

Vẫn còn thơm ngát hương cau.

 


Con nghe thập thình tiếng cối

 

Mẹ ngồi giã gạo ru con

 

Lạy trời đừng giông đừng bão

 

Cho nồi cơm mẹ đầy hơn..

 


Con nghe dập dờn sóng lúa

 

Lời ru hóa hạt gạo rồi

 

Thương mẹ một đời khốn khó

 

Vẫn giàu những tiếng ru nôi.

 


Áo mẹ bạc phơ bạc phếch

 

Vải nâu bục mối chỉ sờn

 

Thương mẹ một đời cay đắng

 

Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

 


Thời gian chạy qua tóc mẹ

 

Một màu trắng đến nôn nao

 

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

 

Cho con ngày một thêm cao

 


Mẹ ơi trong lời mẹ hát

 

Có cả cuộc đời hiện ra

 

Lời ru chắp con đôi cánh

 

Lớn rồi con sẽ bay xa

 

 

 

Ngày về mẹ, giật mình nhìn lại

- Vũ Trọng Quang -

 



Con vẫn thiếu hồn thơ viết về mẹ

 

Thạch sùng tặc lưỡi tắc kè thở than

 

Dòng sông cuối cùng xuôi ra biển cả

 

Ngôn ngữ còn trôi dạt giữa mênh mang

 


Con vẫn thiếu hồn thơ viết về mẹ

 

Hiếu thảo ca dao không với tới đâu

 

Tóc con xuân qua tóc Người bạc cước

 

Trang vở còn trắng xóa những đêm sau

 


Chân vẫn đi tháng ngày hoài trăn trở

 

Hồn  lênh đênh như thể dáng con thuyền

 

Chuyên chở mây bay

 

    chuyên chở ngày mưa

 

      chuyên chở bông hồng thiếu nữ

 

 Còn khoảng trống nào tôn kính thiêng liêng

 


Con vẫn thiếu hồn thơ viết về mẹ

 

Hồn mộng mơ mắt nhìn dọc nhìn nghiêng

 

Nhìn vòng thép gai vây quanh tuổi trẻ

 

Xin cúi đầu để nhìn hướng lên trên

 


Thơ nhỏ bé bởi do Người vĩ đại

 

Chới với chạy theo con lạc dấu chân

 

Lúc mẹ núi rừng chữ còn khờ dại

 

Khi  mẹ kinh kỳ  ý tứ hóa không không

 


Những dòng này như những dòng tự khảo

 

Những dòng này không xứng gọi bài thơ

 

Bút mực của đời, của con cân não

 

Đã từ lâu bất lực đến bây giờ.

 

 

 

Mẹ


- Đỗ Trung Quân -

Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia

có người cài cho con lên áo một bông hồng

mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ

mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng

hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ

Sống tự do như một cánh chim bằng

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Những bài thơ chất ngập tâm hồn

đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác

mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ

ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

giọt nước mắt già nua không ứa nổi

ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

ta vẫn vô tình

ta vẫn thản nhiên?


Hôm nay...

anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

ngả nón đứng chào xe tang qua phố

ai mất mẹ?

sao lòng anh hoảng sợ

tiếng khóc kia bao lâu nữa

của mình?

Bài thơ này xin thắp một bình minh

trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối

bài thơ như một nụ hồng

Con cài sẵn cho tháng ngày

sẽ tới !

 

 

 

 

Bến mẹ

- Tùy bút của Trần Kiêm Đoàn -

- Đừng ra xa nữa, coi chừng... hỏng cẳng chết trôi con ơi!

Nhớ ngày xưa, mẹ tôi vẫn thường nhắc tôi như thế mỗi buổi chiều ra tắm sông Bồ. Hai phần đời người đi qua. Mẹ tôi không còn nữa. Bến Dấu Hàn trên khúc sông Bồ viền quanh phía Đông làng Liễu Hạ năm xưa nay đã “cũ”. 

Tôi về thăm lại, chỉ còn thấy cỏ lùng, cỏ lát mọc um tùm. Thế nhưng tiếng vọng của Mẹ - bất cứ bà Mẹ nào trên trái đất - cũng đều là lời kinh ghi nhớ suốt đời cho những đứa con. Gã Đất Lành (Gable Goodearth), nhà tâm lý giáo dục Ireland, đã làm một cuộc thăm dò suốt 12 năm với gần 1026 tử tù trên khắp thế giới đã tìm thấy rằng, có hơn 810 người tù kêu tiếng cuối cùng là “Mẹ”, “Mẹ ơi!”, “Con thương Mẹ”, “Mẹ tha thứ cho con!” trước giây phút bị hành quyết.

Tử tù! Những tâm hồn bạo tàn, oan khiên, chai đá nhất cũng chỉ còn Mẹ là dòng tinh huyết cuối đời trước khi nhắm mắt buông tay.

Viễn khách, kẻ tha hương thường liên tưởng quê hương với Mẹ. Ngày còn Mẹ, mỗi lần về thăm quê có nghĩa là về thăm làng. Ngày vắng Mẹ, đứa con phương xa về thăm đất nước; đâu cũng là Tổ quốc, làng cũ vẫn như xưa nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như thiếu một chút chất men nồng đượm của quê nhà. Có lẽ vì quê hương là quê mẹ. Ngày vắng mẹ rồi, lòng mẹ trải dài khắp mọi miền đất nước nên đâu cũng là…, mà cũng không là, trọn vẹn một quê hương!

Tiếng vọng lời dặn dò của Mẹ “coi chừng hỏng cẳng” cứ mãi theo tôi mà lớn, mà già, mà phấn đấu với đời, mà hiện hình với ngày tháng.  

“Hỏng cẳng” với mẹ tôi là gặp vùng nước sâu trên sông, chân không đứng được trên đất sẽ bị uống nước, chết trôi. Hỏng cẳng giữa đời là chơi vơi không có chỗ đứng cho mình, cuộc sống sẽ bị chao đảo, mất chỗ dựa. Nhưng hỏng cẳng trong chính mình mới quả thật là bi kịch của đời sống. 

Thời mới lớn, ngay cả khi biết bơi khá giỏi, đủ sức bơi ngang bơi dọc trên sông Bồ, sông Hương tôi vẫn còn lo… hỏng cẳng. Trong dòng nước tuy đã quen, nhưng khi bơi trên những tầng rong rêu xanh lè vờn qua, vờn lại dưới đáy sông, tôi vẫn cảm thấy rờn rợn khi tưởng tượng đến thế giới bí ẩn bên dưới. Có chăng những âm binh, ma rà, quái vật sẵn sàng kéo tôi về một thế giới khác. Lòng sông cũng như lòng người. Khi thấy được thì chẳng phải là điều đang thấy; khi giẫm chân lên hay sờ mó được thì nó biến tướng vô hình hay thiên hình vạn trạng.

Vào đời, tôi muốn cầu toàn nên lại càng thường xuyên bị… hỏng cẳng. Trễ là hỏng chân: Trễ giờ, trễ hẹn. Thiếu là hỏng cẳng: Thiếu thông tin, thiếu chính xác, thiếu của, thiếu người, thiếu tin tưởng. Mất là hỏng sạch: Mất công, mất thì giờ, mất việc, mất bạc, mất vui, mất sướng… đều là những khoảng trống làm hỏng chân, hỏng cẳng bất cứ khi nào.

Thằng Bờm còn có cái quạt mo để đổi. Thằng Cuội còn có gốc cây đa để ngồi. Người trần gian lên tới vua, quan, công, hầu, khanh, tướng… sau một đời đi qua, rồi cũng tan loãng như mây trên đỉnh núi. Bơ vơ. Bèo bọt. Không một chỗ nương thân. Tại sao tôi không có cái bến nào để tới, để dựa, để khỏi hỏng chân? Có dừng lại một chút với cơm áo, gia đình, cuộc sống thì liền theo sau là cả một chuỗi hỏng chân như kéo dài bất tận.

Mọi vật và mọi việc đổi thay như chong chóng mà tôi thì không tìm thấy một bến bờ nào để dựa hay ít nhất cũng có thể trú chân cho khỏi hỏng cẳng. Có chăng một nơi vượt ra ngoài mọi lý luận, định kiến và hoài nghi. Chỗ dựa cuối cùng không bao giờ đổi thay với cảnh, với tình, với người, với vật… làm ta hỏng cẳng là Lòng Mẹ. Nhưng chiều nay về làng cũ sau 25 năm sống lang bạt nơi quê người, Lòng Mẹ nơi xóm nghèo một thuở bỗng đi đâu. Gió Nồm cho Mẹ “dên” lúa vẫn về. Tiếng cu cườm gáy buồn và xa vẫn vọng tới. Nắng vàng tươi trẻ sớm mai vẫn già đi với màu chiều sẫm lại. Nơi quê Mẹ, đi đâu cũng có tình Mẹ mang theo. Tôi không cởi áo quần, nhông nhông nhảy xuống hụp lặn dưới sông Bồ hồn nhiên như xưa nhưng cái cảm giác “hỏng cẳng” chợt ùa đến. Tôi nhìn dòng sông quê hương vẫn còn rong rêu chờn vờn bên dưới. Tầm nhìn xa xôi bị ngắt quãng vì nhà cửa lác đác mọc lên bên ruộng lúa một thời xa tít tắp. Dư âm tiếng Mẹ thuở nào không còn đồng vọng. Đời có tươi thì có phai; tình có ấm lên thì có nguội. Vẫn biết thế nhưng tình cảm tự nhiên con nhớ Mẹ, thương Mẹ vượt ra ngoài biên giới chật hẹp của sự hợp lý và vô lý thường tình. Tôi muốn được gối ngủ trên phản gỗ hay giường tre có bàn tay phe phẩy cái quạt mo cau già của Mẹ. Tôi muốn ra bến Dấu Hàn để tắm nhưng có ai tắm được hai lần trên cùng một dòng sông. Sông Bồ còn đó, nhưng Mẹ không còn và bến xưa đã lấp.

Trái tim của Mẹ dẫu là uyên nguyên, là kim cương, là vĩnh cửu vẹn toàn, nhưng cũng phải đổi thay. Ngày Mẹ không còn nữa, dẫu lòng Mẹ có bao la trời biển thì cũng chỉ còn là một ý niệm đẹp. Dẫu có về Bến Mẹ thì vẫn bị lạc hướng vì không biết bến ấy nơi đâu.

Bến Mẹ, bờ xa tìm đâu cho thấy… 

Có lần được xem một trò chơi cổ của xóm Ấn Độ, tôi nghe chùm âm thanh reo lên từng đợt từ miệng của đám trẻ: “Pa-ra-mi-ta! Ba la mật đa?!”.

Khái niệm gốc của tiếng reo “Paramita” có nghĩa là “được rồi” hay “tới bến”. Cái “tới bến” đó đôi khi chẳng có gì to lớn hay kỳ vĩ mà đơn giản như hơi thở. Chỉ cần một hơi thở ra và thở vào lại được cũng là đã “tới bến” rồi. Bởi vì mỗi giây phút đi qua trên quả đất này đều có hàng trăm đứa trẻ sinh ra mà không thở vào được và có hàng nghìn con bệnh thở hắt ra rồi xuôi tay nín luôn, không còn được một hơi thở vào khi sự sống đã mất. Vì thế, một đứa trẻ kiễng chân, nín thở để ném được viên bi của nó vào mục tiêu trong cuộc chơi thi đua cũng kể là… tới bến rồi. Có những bến bờ không thấy được vì sự rung động nhẹ như sương ném xuống hồ. Hồ vẫn vắng lặng với tình cảm và tâm linh. Cái bến vô hình đầu tiên ấy là “Bến Mẹ”.

Bến Mẹ là bến yêu thương tròn đầy nhất giữa cuộc sống êm đềm và gai góc nầy. Nhưng rồi, Mẹ già, Mẹ cũng phải rũ áo ra đi. Bến Mẹ chỉ còn trong tâm tưởng của con! Mẹ về với những người muôn năm cũ.

Mùa Vu Lan, khi thu về, là mùa của Mẹ Việt. Bóng dáng bà mẹ phương Đông không là mùa Xuân hoa phấn, mùa Hè rực rỡ như bà mẹ Mỹ châu hay mùa Đông cằn cỗi úa tàn như bà mẹ Phi châu. Mẹ Việt là mùa Thu: Nắng thời xuân xanh của Mẹ đã nhạt màu vì gieo neo nuôi con. Thu quyến rũ vì Thu mong manh. Trời thu cao rộng và sâu thẳm. Mẹ mong manh vì nhân dáng Mẹ đã vàng phai; nhưng lòng mẹ càng xanh mướt mênh mông và sâu lắng vô cùng. 

Vu Lan về khi cả thế giới đang vào Thu. Đi từ phương Đông về phương Tây mười lăm năm trước, lòng tôi đã từng ấm hoài khi còn Mẹ; nhưng năm nay, tôi cũng bay theo hướng mặt trời mà chỉ thấy màu nắng cũ buồn thiu khi Mẹ không còn.

Đâu đó, từ trong tâm thức, tôi nghe tiếng vọng “Bát nhã ba la mật đa – Prajna Paramita…”, một tuyên ngôn của đại trí tuệ chinh phục chính mình. Làm sao chinh phục được những xao động ngay chính trong lòng tôi; bắt thời gian của ngày xưa còn mẹ và hôm nay mẹ không còn dừng lại thành một điểm. Và nếu thời gian chỉ còn một điểm không có ngày xưa và bây giờ thì Mẹ nơi đâu? Vui, buồn; thương, ghét… không thể diễn ra cùng lúc mà phải có trình tự trước sau. Cho dẫu hít vào và thở ra hay viên bi rời tay đứa trẻ lăn vào lỗ thì cũng cần động tĩnh của thời gian và không gian.  

Tuyên Ngôn Chinh Phục Chính Mình có giải quyết được gì trong dòng biến hiện không ngừng? Khi Bồ Tát Quán Tự Tại – là Avalokitesvara, là Như Lai, là Tánh Phật, là Người Thật trong mỗi chúng ta – chinh phục được chính mình và về lại hoàn toàn tuyệt đối trọn vẹn với chân tính của mình thì chẳng cần gì cả. Cần gì mắt mới thấy; cần gì tai mới nghe; cần gì mũi để ngửi; cần gì lưỡi để nếm; cần gì thân để cho hay nhận; cần gì ý để suy nghĩ về ta… một khi ta đã là ta. Cái Ta chân nhân, trong suốt, rỗng lặng không còn cưu mang hai bờ đối nghịch. Không sinh thì có gì để mà diệt; không dơ thì đâu cần sạch; không tăng thì còn gì để mà giảm… nên mọi giá trị nhìn ngắm, cân đo, lớn nhỏ, đẹp xấu, thương giận cũng không còn.  

Chiều Vu Lan, bao người thổn thức buồn thương vì mất Mẹ. Người ta bỗng hóa buồn vui vì tưởng tượng và khách thể hóa bóng mẹ, hồn mẹ với đóa hoa hồng. Cảm xúc thuần túy như rượu ngon, chẳng phá được nỗi buồn vì nỗi buồn như bóng đêm âm u. Chỉ có trí tuệ tuyệt vời mới tìm về được Mẹ. Trí tuệ bát nhã giúp người con đại hiếu Mục Kiền Liên tìm ra được mẹ Mục Liên Thanh Đề đang chịu đựng khổ đau dưới chín tầng địa ngục. Tuy gặp được mẹ rồi nhưng vẫn còn một vọng niệm ta và mẹ nên cơm hóa thành than. Chỉ khi nào Mẹ có trong ta, ta có trong Mẹ; ta không tìm Mẹ, Mẹ không tìm ta mới gặp được Mẹ. Chỉ khi nào Mục Kiền Liên đứng trước cửa địa ngục A Tỳ mà thấy hết những linh hồn đau khổ bằng cái tâm của Phật - Bồ Tát mười phương; không phân biệt ta, người khắp cả chín tầng địa ngục thì lửa từ bi trí tuệ mới dập tắt được lửa tham ái vô minh. Dẫu có đệ nhất thần thông nhưng còn chấp ngã – chỉ biết khóc cho mẹ mình – thì thần thông ấy cũng sẽ trở thành vô dụng. Bài học Mục Kiền Liên là bài học nhân sinh, rằng, dẫu có tu đến bậc “thánh tăng” trước đôi mắt trần nhỏ bé của người đời mà vẫn còn cố chấp, ngã mạn, tham ái lợi quyền thì vẫn phải còn quay cuồng trong vòng ngũ thú: Tài ba cho lắm cũng đành bó tay khi cơm đến gần mẹ, cháy đỏ thành than vì lửa mông muội, vô minh phát ra từ chính tâm hồn mình. Khi nỗi suy tư về Mẹ gặp nỗi suy tư về ta dấy lên, hòa quyện vào nhau, phá tan thành quách thì hai bến bờ đối đãi cũng không còn. Tiếng chuông, Bến Mẹ, chỉ còn rỗng lặng hư không. Lửa cháy ngất trời hay mây trắng phiêu du trôi đi và chuyển hóa ngay trong lòng ta chỉ bằng một niệm… 

Ta gặp Mẹ.

Khi cả tỷ, tỷ người nói lao xao mà cũng chẳng có ai nói với ai lời nào hết vì mỗi người đang tự nói với chính mình. Mỗi người tự chinh phục mình, dắt mình về Bến Mẹ. Gate, gate, paragate, parasamgate… Bồ đề tát bà ha! Đi, đi, đi cho tới bờ tới bến. Không huơ tay, kiễng chân; chẳng phải bước đi đâu cả mà giữ cho tâm hoàn toàn rỗng lặng, nuốt hết lời, hóa thân thành “tuyên ngôn chinh phục chính mình” với tâm không thành trí tuệ nên mới gọi là Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh. Bến Mẹ đây rồi. Hạnh ngộ Mẹ ơi! 

Trên đường Đài Bắc - San Francisco, mùa Vu Lan

 

 

Đi làm dâu

- Truyện ngắn của Hồ Huy Sơn -

      Bữa cơm đầu tiên đón chị dâu. Cả nhà ngồi đông đủ bên mâm cơm, nét mặt hớn hở. Chị dâu chậm rãi gắp những miếng thịt xào cùng su hào khô được mẹ phơi từ mấy tháng trước rồi ăn ngon lành, thỉnh thoảng buông bát để xới cơm cho anh trai. Phía bên kia nồi, mẹ cũng ăn chậm rãi nhưng nét mặt hình như không vui. Có vẻ như những ngày chạy vạy lo cho đám cưới của anh trai đã làm mẹ xuống sức một phần. Đến khi cha đưa bát bảo mẹ xới cơm, mẹ mới giật mình, cuống cuồng đặt bát mình xuống. Hôm nay anh trai là người vui nhất. Từ nay, chẳng còn phải nằm một mình, mùa đông đến cũng chẳng sợ lạnh!

      Sau bữa cơm, chị dâu mang bát đĩa ra giếng rửa. Chẳng ai nhìn ngó gì mà dáng điệu của chị dâu có vẻ luống cuống, như chưa hề quen với việc rửa bát. Loay hoay mãi chị dâu cũng giải quyết xong chỗ bát đĩa ấy. Bỗng chị dâu gọi anh trai ra, hỏi, sao có đống vỏ ốc sên ở đây? Anh trai nhìn đống vỏ ốc sên màu xám, con nào cũng to bằng nắm tay, bị mất đầu, rồi quay sang chị dâu đáp, anh không biết. Nhà mình đâu có nuôi lợn. Chẳng lẽ... món su hào... Anh trai chưa nói hết câu, chị dâu đã gập người nôn thốc nôn tháo. Chị dâu cứ nôn cho đến lúc chỉ còn nước dãi nhễu nhại chầm chậm rơi xuống đất, nét mặt tái xanh như tàu lá chuối non. Anh trai vội vã lấy khăn, khuôn mặt thoáng buồn.
      Hôm sau, chị dâu mời cha mẹ ra bàn uống nước để anh trai thưa chuyện. Anh trai đằng hắng, nói một cách khó khăn. Tui bây giờ có vợ rồi, muốn xin cha mẹ ra riêng để chí chu làm ăn, không lại cứ dựa dẫm vào cha mẹ... Đôi mắt chị dâu láo liên, chờ đợi. Cha không nói gì mà đờ đẫn theo làn khói thuốc lào đùng đục. Mẹ thở dài, tùy bay!

      Bà ngoại giấu giếm cho mẹ được hai thúng lúa, nhân lúc không ai có nhà, bà vội bảo mẹ gánh về. Mẹ đi như chạy. Lúc về qua sân nhà bác cả, bỗng nhiên bác cả đùng đùng từ trong nhà đi ra, giằng gánh xuống làm lúa vung vãi, vàng ngập sân. Bác cả quát ầm ĩ, đ. mẹ, sân nhà tao mà mày coi như đường cái, muốn đi thì đi vậy hả? Cái chân mày, không khéo dính đầy cứt, mày định tha về đây để ngửi hả?
      Khi đó, anh trai đang nằm ngủ trên võng, tiếng ồn làm anh trai giật mình, khóc váng lên. Mẹ chạy vào dỗ anh trai rồi ra lấy chổi hon lúa lại cho vào thúng. Hôm ấy cha đi làm cho hợp tác xã, trưa về nghe chuyện liền đùng đùng vác gậy sang nhà bác cả. May có hàng xóm can ngăn kịp thời.
      Bà nội sinh được bảy người con nhưng chỉ còn lại bốn người. Những đứa con sinh ra trong đói khổ, mỗi người một tính, một số phận. Hai o thì phiêu bạt ở nơi xa. Chuyện chồng con lỡ dở. Chỉ biết bầu bạn với những đứa con ngoài giá thú. Việc lớn hay việc bé đều phải tự gánh vác. Thỉnh thoảng hai o mới về thăm quê được. Lần nào về, hai o cũng ở nhà bác cả lâu nhất. Mãi tận mấy hôm sau mới sang thăm cha và mẹ.
      Cha và bác cả nhà ở cạnh nhau nhưng ít khi ngồi nói chuyện với nhau được vài câu nhẹ nhàng. Có vẻ như ở trong cái đói, cái khổ đã làm người ta đối xử với nhau chua chát hơn. Hồi cha và mẹ ra ở riêng, đồ đạc trong nhà chủ yếu là do tự sắm. Lúc đó anh trai mới sinh, lại bệnh tật liên miên nên nhà nghèo xơ xác. Mẹ phải về đằng ngoại xin từ bát đũa đến soong nồi. Tuyệt nhiên bác cả không chia cho cha và mẹ bất cứ cái gì. 
      Nhà ở cạnh nhau nên chuyện chạm mặt rồi lời qua tiếng lại vẫn thường xảy ra. Những tiếng cãi vã đã giảm hẳn sau khi mẹ và cha mở một con ngõ hẹp vòng ra sau nhà bác cả. Hơi xa một chút. Nhưng cha và mẹ vẫn bàn với nhau cố gắng chắt bóp để mua một căn nhà ra ngoài ở. Không phải ràng buộc lẫn nhau.

      Anh trai gặp chị dâu thật tình cờ rồi cưới nhau chóng vánh. Cái số của anh trai là số trâu bạc, khổ không để đâu cho hết. Mẹ vẫn thường bảo vậy. Mẹ thương anh trai nên nói thế. Chứ thực ra mẹ còn khổ gấp trăm lần. Bao nhiêu chuyện anh trai gây ra dù vô tình hay cố ý, mẹ đều phải gánh hết. Cha không giúp được gì cho mẹ mà còn suốt ngày rượu chè, say khướt. Nhà khác thì thế nào chứ ở đây, mẹ là trụ cột trong nhà. Mẹ một thân một mình hết đi vay nợ lại kiếm con cá, con tôm... Chẳng còn thời gian để nghĩ cho mình nữa. Lúc anh trai bảo, tui sắp lấy vợ, lẽ ra mẹ phải mừng nhưng hôm ấy mẹ im lặng không nói gì. Mẹ thương và lo lắng cho anh trai nên thành một dự cảm không tốt. Nhưng mẹ cất kín trong lòng. 
      Chị dâu đã cao lại gầy đét, tưởng như sự sống đã giảm đi mấy phần. Chị dâu là người xã trên. Nghe đâu là con của một ông giám đốc cầu đường trong tỉnh. Hồi chuẩn bị cưới cho anh trai, những lời miệng lưỡi thế gian cứ thế ùa vào tai mẹ. Rồi trôi tuột. Mẹ chẳng bận tâm. Có người bảo, anh trai lấy được chị dâu là sướng, sau này được bố vợ cho đi làm. Khi ấy mẹ tha hồ ở nhà đếm tiền. Việc anh trai cưới vợ, mẹ mừng đã đành nhưng cũng không khỏi nơm nớp. Nhưng thôi, cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, mẹ nỡ lòng nào cản ngăn. Mẹ hớt hải lo cho đám cưới của anh trai, mấy tuần sau vẫn chưa lại sức. Đôi khi ngồi một mình, mẹ lại tủi thân. Nhà người ta, việc lớn việc bé đều do đàn ông gánh vác. Đằng này, mẹ cứ phải tất tả, không khi nào ngơi tay. 
      Mấy ngày mới về, việc gì trong nhà chị dâu cũng đều mó tay vào, dù làm không tốt lắm. Từ hôm có chị dâu về, mẹ không còn phải lục cục dậy sớm nấu cám lợn; Khi nào cha và anh trai đi làm thì đổ thêm bát gạo nấu nồi cháo. Bây giờ chị dâu là người dậy sớm nhất nhà rồi làm tất. Nhưng được hơn hai tuần thì chị dâu mặc kệ. Với lại, ở riêng rồi chứ có còn ở chung nữa đâu! Vậy là mẹ lại trở về với những công việc của mình trước đây. Đôi khi những công việc của mẹ giống như một thói quen khó bỏ. Để rồi, những thói quen ấy lại làm khổ mẹ. Mà cũng chẳng thể bỏ được. Nó được quy vào bổn phận rồi! Đã là bổn phận thì ai cũng phải làm. Chị dâu những ngày mới về cũng thực hiện bổn phận sao cho xuôi xị. Những ngày sau vì ở riêng, lại được anh trai bênh chằm chặp nên chị dâu tự mình gỡ bỏ cái bổn phận chung ấy ra khỏi mình. Mẹ giận tím ruột nhưng chẳng thèm nói. Nói được gì bây giờ? Dù sao anh trai cũng là con trong nhà. Lỗi một phần do anh trai. Mẹ có rạch ròi ra cũng chẳng có lợi cho ai cả. Lại thêm ầm ĩ cho thiên hạ đưa chuyện.

      Bà nội bế anh Hưng, là con trai bác cả sang chơi, vừa lúc cha và mẹ đang ăn cơm. Anh Hưng bỗng nhiên khóc ngằn ngặt, cứ giãy giụa mãi khiến bà nội mệt đứt hơi. Ánh mắt bà nội lúc ấy thật tội nghiệp, vừa có gì đó hững hờ lại như van vỉ. Mẹ biết ý, vội vã bảo bà nội bế anh Hưng cùng vào ăn cơm. Bữa cơm có cá đồng kho khế. Hầu như ngày nào cũng được ăn. Mẹ là người sát cá nhất làng. Cứ mỗi lần hợp tác xã tháo cống, mẹ lại mang giỏ đi kiếm cá. Kiểu gì hôm ấy cũng được một bữa cá no nê. 
      Anh Hưng ăn láo liết. Như thể bị bỏ đói mấy hôm rồi. Bà nội thì ăn chậm rì nhưng nhìn ngon không thể tả. Cha và mẹ bữa ấy, mỗi người nhịn một bát nhưng cũng không còn cảm giác đói. Mãi sau, bà nội mới chậm chạp từng câu. Bà nói mà như mếu, nhà anh chị mày sắp hết lúa rồi. Mấy bữa nay toàn ăn cơm độn khoai, có bữa phải ăn củ dong thay cơm. Thằng Hưng không chịu ăn, khóc mướt. Bà nội nói xong rồi đưa ống tay áo lên chậm chậm nước mắt. Cha không nói gì, cứ để mặc những làn khói đùng đục, trắng trắng bay lên. Mùi thuốc lào nồng nặc. Rồi cha ho. Có lẽ vì sặc thuốc. Mẹ để mâm cơm chưa kịp dọn, còn vương vãi xương cá, cơm rơi rồi vào buồng đong cho bà bốn bát gạo, loại bát năm lạng. Bà nội chối đây đẩy. Nhìn kiểu từ chối của bà nội mới thật tội nghiệp làm sao! Đôi bàn tay của bà run run. Bà dúi túi gạo về phía mẹ, nhưng kiểu dúi của bà mới nhẹ nhàng, dè dặt quá chừng. Cứ như, bà sợ chỉ một tích tắc thôi, túi gạo ấy sẽ trở về bên mẹ ngay tức khắc. Nhưng mẹ lấy lại làm gì. Dù sao thì cũng là ruột thịt cả. Chỉ ngặt nỗi, bác cả lại cục cằn, nóng tính; Biết chuyện bà nội mang gạo về lại chẳng quát tháo om sòm. Nên mẹ phải dặn bà mang khéo khéo. Bà nội một tay bế anh Hưng, còn tay kia giữ cho túi gạo ép sát vào người. Bà đi một cách chậm chạp. May mà quãng đường về nhà bác cả không xa lắm.

      Chị dâu càng ngày càng lấn tới. Mẹ nói một chị dâu cãi mười. Anh trai có lớn mà không có khôn. Có lúc chị dâu sai rành rành ra đấy nhưng anh trai vẫn một mực bênh cho bằng được. Anh trai chẳng soi xét sự việc đúng, sai thế nào. Trong những cuộc va chạm, mẹ thường là người cô độc nhất. Chẳng ai đứng về phía mẹ. Cha mặc dù giận sôi người nhưng cha im lặng. Có lẽ anh trai nên làm như vậy thì hay hơn. Anh trai phải nghỉ học sớm vì nhà nghèo. Đó là thua thiệt mà anh trai phải chịu. Để rồi lớn lên, anh trai trở thành một người cục mịch, nói năng độp đoạp, chẳng ra ngô ra khoai. Nhiều khi mẹ nín nhịn cũng vì thương anh trai. 
      Ngày mùa ở quê bao giờ cũng là thời gian vất vả nhất. Việc cứ ùn ùn ra đấy, chẳng khi nào mà ngơi tay được. Việc nhiều, con người bỗng sinh ra cáu bẳn; Chỉ cần một cái gì đấy không vừa ý cũng có chuyện ngay. 
      Chị dâu dù ngày mùa hay nông nhàn cũng đều thong thả. Như thể, chị dâu sinh ra vốn đã thế rồi. Cho nên, mặc kệ mọi người trong nhà tất tưởi, chị dâu cứ túc tắc mà làm. Một bữa, khi trời đang nắng chang chang; Bất chợt một đám mây đen ùn đến, dự báo một cơn giông rất to. Mẹ liền hô hoắng mọi người ra sân xúc lúa vào nhà. Cha thì lo dọn rơm còn phơi dở ngoài đường. Anh trai lấy trang rồi cào lúa lại thành đống để mẹ xúc cho nhanh. Chẳng biết chị dâu làm gì trong buồng, mãi đến khi cơn giông trút xuống mới lót nhót ra sân. Cơn giông thật khéo đùa. Trong chốc lát, nước đã lênh láng, trắng xóa cả sân. Những hạt lúa lép nổi lềnh bềnh trên mặt nước, còn những hạt lúa chắc nằm chìm nghỉm. Nhưng vì mưa to nên cả lúa chắc lẫn lúa lép cứ vậy trôi đi. Mẹ oà khóc tức tưởi. Lúc ấy, mẹ bổ nhoài ra giữa sân, đưa hai bàn tay chụm vào rồi hốt từng nắm lúa một. Người mẹ ướt như chuột lột, những sợi tóc bết vào nhau. Nước mắt hòa với nước mưa. Anh trai bảo, mẹ gắng làm gì, sức người bằng mấy sức trời. Khi đó chị dâu cứ đứng tần ngần trên thềm. Có lẽ chị dâu cũng nghĩ như anh trai, đường nào lúa cũng ướt rồi, có bỏ công ra cũng chỉ mệt thêm mà thôi. Mẹ khóc, cục nghẹn chắn ngang cổ: “Người ta có con để nhờ con. Trời ơi! Sao tui khổ thế này. Sao trời không để cho tui chết quách đi”. Mẹ vừa khóc vừa nói nhưng tay vẫn không quên hốt lúa vào thúng mặc dù số lúa hốt vào cũng chẳng đáng là bao. Vừa lúc đó, cha từ ngoài ngõ đi vào, khuôn mặt cha lộ rõ vẻ hục hặc. Chẳng nói chẳng rằng, cha lia chiếc đòn xóc dùng để cào rơm về phía mẹ. Mẹ đang mải mê hốt lúa, không kịp tránh, bị răng đòn xóc đâm trúng chân. Máu túa ra đỏ ối. Mẹ thôi không còn hốt lúa nữa mà ôm lấy bàn chân túa máu, khóc tức tưởi. Anh trai vội vã chạy ra dắt mẹ lên thềm. Chị dâu khuôn mặt nóng bừng lên, có lẽ vì sợ, vội vã vào nhà lấy ra một nhúm thuốc lào để cầm máu cho mẹ. Để mặc chị dâu rối rít băng bó vết thương, mẹ nhìn đi nơi khác bằng ánh mắt lầm lừ. Cha đùng đùng bỏ ra ngoài đường lớn rồi đi đâu đó. Chắc là cha đi ra quán rượu. Bao giờ cũng thế...

 Cha bắt đầu trở nên cục cằn, rượu chè bét nhè kể từ sau mấy lần bị tai nạn. Lần đầu tiên là hồi đi làm ngói cho hợp tác xã. Khi cha đưa miếng đất sét đã được cắt khuôn cẩn thận vào để máy dập thành ngói, sơ ý một chút máy dập xuống rồi mà cha vẫn chưa kịp rút tay ra. Thế là bàn tay trái của cha vĩnh viễn mất ba ngón giữa. Chỉ còn lại ngón út và ngón cái. Cả hai ngón ấy cũng không lành lặn như bình thường. Nó cong queo, chênh vênh một cách tội nghiệp. Cha mang thương tật từ đó.
      Lần thứ hai là khi cha sang hàng xóm giúp bốc lúa cho vào máy tuốt. Cha là vậy, cứ xốc vác cho người ta chỉ vì mấy chén rượu sẽ được đãi sau những lần làm việc cật lực. Có khi chẳng vì cái gì. Mẹ nhiều lần khuyên cha nhưng cũng chẳng ăn thua. Cha giống như một con ma men đã hết lý trí, tự rước họa vào mình.
      Đang mải mê cho lúa vào máy thì một hạt lúa bắn vào mắt. Cha phải bỏ dở công việc, vào ghế ngồi. Lẽ ra cha phải nói cho mọi người biết. Đằng này cha im lặng. Kể cả mẹ cha cũng không nói. Cha vốn không được học hành tử tế, lại đắm mình trong rượu nên tính tình không được như người ta. Đôi khi cha cạn nghĩ. Thành ra tất cả mọi việc trong nhà, mẹ là người gánh vác.
      Mãi đến mấy ngày sau, khi thấy con mắt trái nhằm nhặm, ngứa ngáy cha mới nói cho mẹ. Mẹ hớt hải đi tìm những thứ lá có thể chữa mắt như người làng mách bảo nhưng cũng chẳng được. Cuối cùng mẹ quyết định đưa cha đi bệnh viện mãi ngoài Hà Nội.
      Đang là ngày mùa, lại chưa ra khỏi làng bao giờ nên mẹ không dám đi cùng cha. Mẹ ở nhà lo làm mùa, rồi chạy vạy tiền nong cho cha đi viện. Trong nhà chẳng bao giờ  sẵn tiền. Mỗi lần có việc đột xuất mẹ lại đi vay nặng lãi. Hoặc sẽ phải bán lúa non cho mấy bà hàng xáo. Mẹ không đi cùng cha được nên phải tới năn nỉ được đổi công để nhờ người khác thay mình. Mẹ ở nhà, công việc đè lên gấp bội. Mẹ phải làm nhiều hơn để còn sang làm cho gia đình người đã  đi viện cùng cha. Anh trai lúc ấy còn nhỏ, cũng chỉ giúp mẹ được mấy việc lặt vặt. Còn đâu mẹ làm hết. Có hôm, đã tối mịt rồi mà mẹ và anh trai vẫn hì hụi ngoài đồng, tủi quá mẹ ngồi khóc làm anh trai cũng khóc theo. Những ngày tháng ấy nặng nề đi qua, có lúc mẹ muốn ngã gục cho khoe thân. Nhưng rồi mẹ lại đứng dậy, chấp nhận nhiều cơ cực. Ông trời quả không có mắt! Tình trạng cha ngày càng xấu đi. Cuối cùng phải múc để cứu con mắt còn lại. Cha vĩnh viễn trở thành người tàn phế. Đã thế, sau này về nhà, mẹ phát hiện ra người được mẹ nhờ đưa cha đi viện đã khai thêm nhiều khoản phải chi; Mẹ ở nhà lại phải tất tưởi đi vay cho đủ tiền để gởi ra. Mẹ giận tím gan tím ruột nhưng cũng chẳng làm to chuyện. Dù sao  người ta cũng đã giúp mình trong lúc khốn khó...

      Những cuộc cãi vã giữa mẹ và chị dâu ngày càng nhiều hơn. Đôi khi vì những việc không đâu. Hàng xóm lại có thêm nhiều chuyện để bàn luận với nhau. Mỗi lần ra đường, nghe ai nhắc tới con dâu mình thế này, con dâu mình thế kia, mẹ lại cúi đầu lầm lũi vì tủi thân. Lẽ ra “trẻ cậy cha, già cậy con” thì đằng này, lúc về già, mẹ phải tự mình bươn chải, chẳng cậy nhờ được ai. Đã vậy, mẹ còn nghe phong thanh là anh trai và chị dâu sẽ dọn nhà về đằng ngoại. Nghe bảo, bên ấy đã chọn cho anh trai và chị dâu một miếng đất ở gần đấy. Giờ chỉ có việc làm nhà nữa là xong. Mẹ nghe rồi như mọi lần, chẳng bận tâm làm gì. Với mẹ, anh trai và chị dâu chuyển đi đâu cũng được. Miễn là sống tốt với nhau. Đừng để vợ chồng ít bữa lại “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Nhưng có vẻ như đó là chuyện dễ dàng xảy ra. Mẹ biết, rồi anh trai cũng không sung sướng gì đâu! Cứ nhìn kiểu chiều chuộng vợ, nhất là khi chị dâu có thai thì biết. Chị dâu kiêng khem đủ thứ, còn anh trai một hai cung phụng. Hết nấu cơm rồi giặt giũ, lúc nào cũng tất bật như bận con mọn. Mẹ càng thương anh trai càng trách mình. Thì cũng do hoàn cảnh mà ra cả thôi! Có ai muốn phải như thế này đâu?
      Anh trai và chị dâu ở buồng trong, còn cha và mẹ ở nhà ngoài. Mọi sinh hoạt của hai nhà đều tách bạch. Mẹ cảm thấy yên chuyện khi sống như thế này. Cũng như những lời đàm tiếu của người làng về chị dâu, mẹ đều bỏ ngoài tai. Nhưng có một chuyện mẹ không thể bỏ được. Đành rằng miệng lưỡi thế gian nhưng mẹ đâu phải là người như thế. Nên mẹ phải làm rõ trắng đen. Mẹ liền gọi chị dâu ra bàn nói chuyện. Giọng mẹ chậm rãi. Chị Hương quá quắt lắm rồi nhá! Sao chị lại đi nói với người ta là tui để lọ thuốc sâu dưới giường chị. Chị lại còn bảo tui hại chị, hại cháu mình... Mẹ vừa nói, nước mắt vừa ngân ngấn. Chị dâu không phải vừa. Chị đáp lại bằng giọng gay gắt. Cần gì phải nói với ai. Người nào có tật thì người đó giật mình. Anh trai sắc mặt hằm hằm, tay chỉ về phía chị dâu, quát to, mày vừa vừa cái mồm thôi! Lúc đó chị dâu bưng mặt khóc tu tu rồi chạy vào phòng. Mẹ ngao ngán quá đỗi. Chẳng có nhà nào như nhà mình vậy đâu!
      Hồi chuẩn bị cưới cho anh trai, cha và mẹ bàn với nhau sẽ xây một bức tường, ngăn ra một gian làm buồng riêng. Nhà nghèo, không có tiền để mua gạch mới, mẹ xin được mấy xe gạch được dỡ từ nhà kho đựng thuốc trừ sâu của hợp tác. Chính anh trai là người đi chở về. Mẹ mang về rồi kỳ cọ cẩn thận nhưng vẫn không hết mùi được. Để giờ, bao nhiêu tội vạ đều đổ lên đầu mẹ. 
      Sau lần mẹ và chị dâu cãi nhau, anh trai và chị dâu dẫn nhau lên đằng ngoại ở hẳn. Hôm đi cũng không nói với cha và mẹ một lời. Cứ thế dọn đồ đạc rồi chuyển đi. Khi mẹ đi thăm ruộng về, nghe hàng xóm nói lại, mẹ bần thần cả người. Mẹ cũng chẳng giữ làm gì. Nhưng ít ra khi chuyển đi, anh trai và chị dâu cũng phải nói với mẹ hoặc cha một lời. Đằng này... 
      Hôm sau bà Minh sang chơi, nhìn đôi mắt hoe đỏ của mẹ, bà Minh an ủi. Thôi, con dại cái mang. Thương là thương thằng Sinh thôi! Chứ con Hương quá quắt như vậy, ai mà thương cho nổi. Chúng nó đi, cho khỏe thân bà. Bà chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều làm gì cho mệt! Mẹ lấy tay gạt nước mắt, giọng nghẹn ngào. Thì cũng biết là vậy nhưng tui vẫn thấy đời tui sao mà khổ quá bà à! Đẻ con ra, để đến giờ chỉ còn lại hai ông bà già lọm khọm sớm tối ra vào. Có nhà ai như nhà tui đâu hở bà? Miếng trầu trong miệng bà Minh trở nên chát xít. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, biết làm sao được! 
      Ngôi nhà ba gian rêu bám xanh tường. Bốn cây cau sau nhà vẫn cao vút giữa trời. Thỉnh thoảng những bẹ cau vàng tróc ra rồi rơi uỳnh xuống đất. Nhiều khi làm mẹ giật mình. Đến mùa thu hoạch cau vì không ai trèo lên hái, những buồng cau trĩu quả dần dần chín đỏ rồi rũ mục và khô trên cây. Mẹ vẫn mải mê với việc đồng ruộng, mò cá... Cha lúc nào có ai sang thuê đi phun thuốc sâu lại vội vã ra đồng. Cũng chẳng thèm mặc quần áo bảo hộ. Tiền thu được cha đều mang đi uống rượu. Có khi say quá chẳng nhớ mà lấy tiền. Ngôi nhà ba gian rêu bám xanh tường càng ngày càng trở nên quạnh quẽ, im ắng. 
      Từ ngày anh trai và chị dâu chuyển đi; Lúc nào làm việc thì chớ, không cứ rỗi rãi là mẹ lại nhắc đến anh trai. Chẳng biết lên đó thế nào? Hai vợ chồng làm việc gì để sống? Mà con Hương giờ bụng mang dạ chửa, còn làm được gì nữa. Sao số mày khổ thế hở Sinh ơi! Bằng tuổi mày, chúng nó giờ đã nhà cao cửa rộng hết rồi... Có mấy bận, anh trai tất tưởi đạp xe về, thăm nhà một tý rồi đi ngay. Mẹ nhìn anh trai tất bật, phờ phạc lại không cầm được nước mắt. Vội vã dúi vào tay anh trai mấy cân gạo rồi cắm cúi bước vào nhà. 
      Hôm ấy mẹ đang ngồi nhặt rau ngoài sân thì thấy anh trai hộc tốc đạp xe về. Anh trai nói không kịp thở. Mấy bữa nay Hương nó đau bụng. Chắc cũng sắp sinh rồi. Mẹ lên với nó giúp tui được không? Mẹ làm sao có thể từ chối được. Vậy là chẳng kịp ăn uống gì cả, mẹ vội vội vàng vàng ngồi lên xe để anh trai chở đi. Mẹ đẻ của chị dâu đã mất vài năm trước đó. Chị dâu giờ cũng chỉ biết trông cậy vào mẹ mà thôi. 
      Nhìn chị dâu nhăn nhó trong những ngày chuyển dạ, mẹ bỗng thấy ngùi ngùi. Mẹ lại chợt nhớ tới ngày mang thai anh trai. May có bà ngoại còn sống, cũng đỡ vất vả được phần nào. Bởi thế, giờ nhìn chị dâu, mọi giận hờn trong mẹ đã tiêu tan, chỉ còn lại thương cảm. 
      Mấy ngày mẹ lên nhà anh trai, cha phải tự mình nấu ăn, làm mọi việc trong nhà. Cha ít uống rượu hơn. Thỉnh thoảng cha lại ra ngõ đứng rồi nhìn ra đường, trong lòng phấp phỏng. 
      Ngày chị dâu sinh, trời mưa như trút. Bệnh viện lại xa nhà. Mẹ trở thành bà đỡ, cùng chị dâu ngồi trên giường có riđô che. Anh trai ngồi ngoài bàn, những ngón tay đan vào nhau lóng ngóng. Chị dâu người yếu nên sinh khó. Chốc chốc, bụng chị dâu lại quặn lên. Chị dâu vật vã, mồ hôi tươm ướt áo, những sợi tóc bết vào nhau. Mẹ ngồi cạnh bên, hướng dẫn chị dâu thở đều, hai bàn tay xoa xoa lên bụng. Dường như trong cơn đau vượt cạn, chị dâu đồng thời cảm nhận được một sự êm dịu, thương yêu mà hai năm rồi chị dâu không còn cảm giác ấy nữa. Mẹ vẫn túc tắc xoa xoa lên bụng chị dâu. Có lúc, chị dâu phải bặm miệng, cắn vào môi dưới thật chặt để kìm nén cơn đau. Phải một lúc lâu sau, nước ối mới từ từ rỉ ra. Chị dâu theo lời mẹ thở mạnh. Và rồi, một thằng cu đỏ hỏn đã chào đời bằng tiếng khóc oe oe, yếu ớt. Mẹ nhẹ nhàng bế thằng bé lên, lau người cho nó. Chị dâu mặc dù đã mệt lả nhưng cũng cố ngước lên nhìn mẹ và thằng bé, ánh mắt âu yếm. Anh trai bỗng nhiên thở phào sau khi nghe được tiếng trẻ con khóc. Nhưng anh vẫn không thôi nhấp nha nhấp nhổm, mắt nhìn dáo dác vào giường bên.
         Ngoài trời, mưa vẫn đều đều rơi. Những giọt âm thanh trong trẻo, du dương hòa vào bài ca nhiều cung bậc...


 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...