Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam

09-08-2011 09:36:40 AM

VanVN.Net - Đã có khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói: "Nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam là nỗi đau của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới". Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011), VanVN.Net xin giới thiệu đến bạn đọc những sáng tác viết về những nạn nhân đã phải chịu bao thiệt thòi khi mang trong mình di chứng của chất độc hóa học dioxin.

Bút kí:

"Di chứng chất độc da cam: vượt lên mọi nỗi đau"

                                                    - Nhụy Nguyên -

 

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống những cánh rừng, làng mạc Việt Nam

Ngày 10 - 8 - 1961, khi chiếc máy bay trực thăng H34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất độc khai quang đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô bắt đầu cuộc chiến tranh hoá học dã man bậc nhất trong lịch sử nhân loại với mật danh “Ranch Hand”; cho tới khi kết thúc năm 1971, đã có khoảng 20 triệu gallon cũng như nhiều chất diệt cỏ dội lên “đầu” Việt Nam, tương đương với khoảng 170 kg đioxin - loại chất độc mà chỉ cần một muỗng cà phê cũng có thể giết hàng triệu người. Đioxin – loại chất độc đe dọa trực tiếp đến sự sống của mỗi loài động vật. Là vùng rừng dày đặc, Quảng Trị sớm trở thành một trọng điểm trong kế hoạch thiết lập “vành đai trắng” của giặc. Khoảng 15.000 nạn nhân, trong đó gần 2.000 người chết do nhiễm độc quá nặng. Có hơn 1.500 ha rừng, hoa màu thời đó đã bị chết do chất độc từ máy bay Mỹ thả xuống, chủ yếu tập trung vào hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ ngày nay… Những cánh rừng nối tiếp bám rễ vào đất như muốn hút hết chất độc còn lại để con người được nằm xuống yên bình, mà chẳng được. Rồi lớp lớp người từ chiến trường xưa kia bị nhiễm độc trở về, dẫu có “tích đức” hàng chục vạn năm vẫn không nắn lại được hình người của họ, của con họ, cháu họ. Đó là đỉnh điểm, cũng là tận cùng của di chứng tội ác.

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có hàng nghìn cháu bé bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc đioxin; riêng huyện Cam Lộ chiếm với số lượng nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị. Tôi tìm đến nhà chị Ngô Thị Táo và anh Nguyễn Hữu Phong ở xóm Cồn (xã Cam Chính) để tận mắt chứng kiến một trong nhiều số phận mang hình hài… kỳ lạ! Ngôi nhà của anh chị thật nhỏ nhoi giữa những trụ tiêu đã tới kỳ thu hoạch. Giữa tháng 5, đúng thời điểm Quốc hội Mỹ đang tiến hành phiên điều trần về việc các nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam từ những thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước. Khuôn mặt hiền hoà pha niềm vui ngây dại của em lúc bắt gặp đã làm tôi chững lại. Nếu như… chiếc quần đùi em mặc không quăn lên, lòi cơ quan sinh dục đã to quá ngưỡng thanh niên, tôi sẽ gọi em là cháu - một đứa trẻ tuổi dậy thì! Tôi ngồi bên em. Với bàn tay nhỏ xinh, em lần từng nét cảm xúc trên mặt tôi. Rồi, cũng bàn tay dịu nhẹ ấy đột nhiên xộc lên tóc tôi kéo mạnh, trút cái gì đó như là sự căm hờn… Tôi gắng chịu đựng ngồi yên giữa tiếng chó sủa rộ. Ngôi nhà cũ vắng tanh. Một sợi dây màu trắng, nhớp nhúa. Tôi hình dung nó với dải khăn tang sau buổi lấp huyệt. Nó, đang buộc ngang bụng em như nỗi đau từ quá khứ của cuộc chiến tranh thảm hại đang níu em về phía tử thần!...

  Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tích tắc, người Việt lại “nhặt được” một vài nỗi đau, mà nếu ai cũng biết cách công bố, hẳn không trang thời sự nào còn trống để diễn tả sự hưng thịnh của đất nước. Tôi không đi qua chiến tranh, nhưng con đường dẫn tôi vào đời đầy rẫy bom mìn, đạn, chất nổ chưa nổ còn sót lại, và rất nhiều bộ hài cốt của các anh vẫn rải rác nằm dưới Nghĩa trang thầm lặng!

Không thể thống kê được tất thảy mọi nỗi đau từ lúc một sinh mệnh hình thành, cựa quậy trong từng lạch máu của cái bào thai được nghén trong bộn bề hậu chiến. Nỗi đau từ “vùng đioxin”. Nó vượt ra khỏi chức năng diễn đạt của ngôn ngữ. Nó vượt ra khỏi định lượng từ bi mỗi con tim chứa đựng. Hơn cả nỗi đau! Giữa người mẹ, người cha và những đứa trẻ, bên nào mới là sự thật của nỗi đau? Còn tôi, còn hàng triệu người dân Việt nữa… Hãy một lần đến xã Cam Nghĩa gặp chị Trần Thị Thảo, một lần ngồi với cháu gái dị tật từ trong bào thai, hộp sọ lồi cả ra ngoài. Hãy một lần đến với bà Mít ở thôn Phương An 2; để giúp bà chỉ mươi phút ngồi với hai “con người ngớ ngẩn”, bò lê bò toài trong vũng lầy của bệnh hoạn; la hét thất thanh trong miền đêm tĩnh mịch… Chúng ta, hãy yên lòng bên mẹ Huyến dẫu mẹ đã quá niên thất thập, để “ngắm” cái hình thù không ra người mà tôi đã sinh ra - như lời của mẹ (!).

Những con người bị tước hình người từ cuộc chiến đó, vẫn phải sống để làm chứng cứ cho tội ác trước Toà án Lương tâm của nhân loại. Chính vậy, Việt Nam kiện các công ty hóa chất của nước Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam không chỉ đơn thuần là để bớt chút gánh nặng về kinh tế, mà đòi lại công bằng cho trái đất. Dẫu còn nghèo, nhưng người Việt Nam có tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, hơn thế là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Hẳn người Mỹ biết và còn nhớ, khi phong trào chung tay xoa dịu nỗi đau da cam trong nước Việt đang lên, thì phải tạm lắng để nhường nghĩa cử đó cho các nạn nhân của đợt sóng thần ở Nam Á và Đông Nam Á… Người Mỹ chưa nhiều người trực diện với những con người bị tước hình người ở Việt Nam, nhưng tôi chắc rằng họ đã nhìn thấy thông qua băng đĩa và hình ảnh tư liệu. Bi thương! Cũng như tôi xem thời sự về một Afghanitan bị tàn phá, bao nhiêu là người dân vô tội ngã xuống. Lại tự hỏi: Người dân Mỹ đã nói gì và sẽ nói gì với Chính phủ của mình? Phải đâu họ thoả mãn với 180 triệu USD dành cho 291.000 cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị mắc các căn bệnh do đioxin gây ra? Và phần đông đồng tình với câu trả lời từ phía Mỹ, rằng đioxin chỉ là loại vũ khí khai quang, hoàn toàn vô hại với con người?!

 

Một nạn nhân của chất độc da cam ở Biên Hòa

Có thể, chất khai quang kia chỉ vô hại với con người ngay lúc nó được tung ra dưới cánh máy bay, mù trời một màu xám trắng cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngày mà anh Tài và chị Ngọc ở xã Cam Chính cứ ngước mặt lên trời ngắm nó như ngắm màn sương khói quê cha. Để rồi nay không thể biết được vợ hay chồng, hay cả hai đã ngấm thứ chất độc chết người ấy. Chỉ biết rành rành hậu quả là hình hài ngây dại của cu Nhất. Những ngày “đẹp trời” cu Nhất hễ cứ ăn xong là đi. Trói ở nhà như nhiều “nạn nhân” khác anh Tài không nỡ... Năm ngoái, cu Nhất đi vào rừng cùng với con chó - là bạn “hiểu” mình nhất. Anh Nhất và chị Ngọc tìm theo dấu chân chó thâu đêm. Trời lạnh như cắt, anh cũng phải lặn xuống rào mò mẫm, cứ mong thấy xác chứ không hy vọng thấy người... Trong gian nhà trệt của gia đình anh Hoàng Đức Quyền và chị Nguyễn Thị Em, tôi ngậm ngùi nhìn di ảnh của cháu Huỳnh. Khuôn mặt dễ thương đó như muốn nhân lên sự oan khiên của kiếp người cháu đã “đội lốt”. Khác với nhiều đứa trẻ lãnh di chứng từ chất đioxin, cháu Huỳnh hoàn toàn khoẻ mạnh về trí não. Cháu biết số phận mình, biết mọi nhọc nhằn và đau đớn mà cha mẹ ngày đêm giấu biệt. So với anh trai mình, Huỳnh sinh ra cha mẹ không có gì lo lắng. Cho tới lúc lên 2 tuổi, chân tay của cháu bắt đầu teo dần… Hai ngày trước lúc nhập viện, Huỳnh đã gọi chị gái tới dặn: “Chương trình nào không vui thì đừng xem khỏi tốn điện của mẹ!”. Nhập viện được hai ngày, bác sĩ lắc đầu, bảo “phóng tia la-de vào thân thể cháu…”. “Phóng vào thì răng mà sống được phải không chú?” - chị Em nghẹn ngào với tôi. Tuổi thọ của Huỳnh khớp với anh trai mình: 11 năm chẵn.

Rồi nữa, rất nhiều những trường hợp chỉ sinh ra để mà… có mặt. Anh Trương Văn Tài là bộ đội Thượng Lào giải ngũ năm 1980. Niềm vui trở về quê hương Cam Chính lành lặn, lập gia đình đã thai nghén đứa con đầu dòng giống. Cháu có mặt trên đời đúng 5 tiếng đồng hồ thì…như con cá tung lên khỏi mặt nước đớp chút không khí trước thời khắc chìm vào biển chết! Trong tác phẩm kinh điển Thuốc lá của Đimitơrơ Đimốp được chuyển ngữ qua tiếng Việt năm 1984 (năm các tập đoàn hoá chất Mỹ chịu bồi thường cho những chiến binh nước họ đã phải gánh chịu hậu quả tham chiến tại Việt Nam như trong đơn kiện về các bệnh liên quan tới AO), có đoạn: Tập đoàn Nicotiana, “trông xa giống như một con quái vật thời thượng cổ”. Nó đẩy vào kho thuốc lá “bao phụ nữ bụng mang dạ chửa - đã kết án con mình khi còn là bào thai”. Làm tôi liên tưởng tới vô vàn các bào thai bị nhiễm đioxin bị kết án trước khi có mặt trên đời. Chúng không hề được biết tới màu xanh bất tận, ấy là đồng xanh, trời xanh, rừng xanh và, hoà bình. Trước mặt chúng chỉ có một khoảng trời bé nhỏ tàn úa trong ráng chiều nặc mùi khói chiến tranh cùng sự cháy. Nhưng chúng vẫn còn là Con Người hiểu theo đúng nghĩa của mỹ từ này. Chính vậy, chúng có quyền được sống. Có quyền được hiểu ngôn ngữ Việt Nam cho tới khi những trái tim ấy biết kêu lên lời cuối: Chúng tôi vô tội! Phải chăng, đó mới là minh chứng thuyết phục nhất để “phía bên kia” cuộc chiến tranh Việt Nam thừa nhận, họ có tội?

Đi qua “vùng đioxin” của đất nước, tôi như lạc vào một góc của địa ngục! Không thể nói dối hồng trần, con ma chiến tranh đã dắt tôi vào thế giới của nó. Nó buộc tôi gọi bao đứa trẻ thơ dại, mơ màng trong không gian ảo kia là: những đứa trẻ mang hình hài của… quỷ! Nhân loại đã kinh qua thật nhiều những cuộc chiến phi nghĩa. Cỗ máy chiến tranh cứ thế nhào trộn bất kể tầng lớp, thứ bậc người nào - như nhào trộn một thứ hồ bê tông đắp vào vết thương của lịch sử. Con người với tư cách là chủ thể của trái đất bị đẩy đến tận cùng sự tha hoá, của sự ô nhục. Dẫu vậy, chưa giai đoạn nào trong chiều dài lịch đại tính từ thời kỳ mông muội đến nay, Con Người lại bị tước hình người khi cuộc chiến đã lùi xa vạn dặm. 

Gần 40 năm thống nhất - quãng thời gian thừa cho hoa cỏ phủ xanh trên những nấm mồ liệt sĩ. Mỗi lần tới dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, người dân Việt Nam lại nắm tay nhau đổ về nguồn cội. Trang sử vàng dân tộc lại được mở ra trước nghĩa trang liệt sĩ. Ngày qua ngày, biết bao con người hết ra - lại vào, cứ như một vòng quay của đau thương chưa thể nào mờ phai trong tâm thức bao thế hệ tiếp nối.

Và, phía sau những nấm mồ liệt sĩ ấy, nỗi đau da cam lặng lẽ khép mình như một nén nhang buồn tủi trước ngọn gió siêu hình từ mấy mươi năm thổi lại!…

 

 

Truyện ngắn:

"Hoa mẫu đơn"

              - Lê Toán -


 

Hai em bé mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bố mẹ các em đã bị chết do nhiễm chất độc màu da cam. Chất độc đó còn di truyền sang người chị. Khuôn mặt người chị thuở nhỏ rất xinh đẹp. Gần đây khuôn mặt chị phồng hộp lên như vẩy cá. Tủi phận mình nên người chị lủi thủi trong căn nhà tranh dột mái.

Người em học lớp 4 trường làng. Em là chi đội trưởng đội Thiếu niên Tiền Phong nhưng nhưng tính rụt rè, nhút nhát, chưa bao giờ dám ra khỏi nhà vào buổi tối.

Bố mẹ qua đời khi chưa kịp đặt tên cho hai đứa con gái yêu quý của mình. Cụ y tá trong làng chữa bệnh cho người chị đã đặt tên cho hai đứa trẻ. Người chị tên là Thơm, người em tên là Thảo. Con Mèo mướp trong nhà được Thảo đặt là Cat theo từ tiếng Anh mà em mới được học.

Cụ y tá yêu quý hai đứa trẻ mồ côi, mồ cút. Cụ tìm nhiều thang thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Tây chữa bệnh cho Thơm. Bệnh ngày càng nặng thêm. Da trên mặt bong từng lớp, lại rỉ nước vàng. Lớp da vẩy cá còn phồng rộp trên hai cánh tay mảnh dẻ của Thơm. Thơm tủi thân, cả ngày chảy nước mắt. Thơm không khóc được thành tiếng vì em bị câm từ khi lọt lòng mẹ.

Một ngày kia Cụ y tá nói với Thảo:

- Cháu Thảo yêu quý của ta. Ta đã dùng biết bao bài thuốc quý nhất để chữa bệnh cho cháu Thơm nhưng bệnh chẳng hề thuyên giảm. Ta biết một bài thuốc duy nhất chữa khỏi bệnh nan y này nhưng việc lấy thuốc gian truân và nguy hiểm lắm!

Cụ ngừng lại, nhìn bé Thảo rồi chậm rãi nói tiếp:

- Cháu, phải là cháu - người ruột thịt của bệnh nhân, trong đêm leo lên đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Yên Tử. Cháu phải hái ngay bông hoa mẫu đơn tím, đó là bông hoa duy nhất trên đỉnh núi mang về nhà trước khi trời sáng. Rồi tự tay cháu chữa bệnh cho chị của mình.

Cụ y tá nhắc lại:

- Cháu phải đi một mình trong đêm. Cháu biết đấy, đi một mình trong đêm lại không được dùng đèn soi đường. Trong rừng có rất nhiều thú độc nhưng cũng có nhiều con vật giúp cháu.

Thảo nghe Cụ y tá nói từng lời. Trong lòng dậy lên tình yêu thương chị. Chỉ có hai chị em liền khúc ruột. Chị chịu bao nhiêu thiệt thòi. Mỗi lần đứng trước bàn thờ nhìn mẹ mặc áo nâu, bố mặc áo bộ đội, mũ gắn ngôi sao năm cánh như đang muốn nói với Thảo những điều gì đó nghẹn trong nước mắt. Thảo thưa với Cụ y tá:

- Tối nay, cháu xin leo núi, lấy bằng được bông hoa mẫu đơn tím về.

Cat cọ đầu vào chân Cụ y tá meo meo:

- Cháu cũng xin đi cùng chị Thảo!

Thảo còn thơ dại nên hiểu ý của Cat, nhưng Cụ y tá trái tim không còn nhịp nhập tuổi thơ nên không hiểu Cat nói gì cả.

Cat lo lắng: "Nếu chị Thảo có mệnh hệ nào trên đường thì ai sẽ chăm sóc chị Thơm". Để giấu nỗi niềm của mình trước đông người, Cat nhảy phốc qua ngưỡng cửa, lên đường...

Thảo đến bên giường, thơm nhiều lên má chị thân yêu. Môi chạm vào da khô ráp khiến Thảo phải nén tiếng khóc oà trong ngực.

Cat đi trước dẫn đường. Đường quanh co, gập ghềnh, ngược dốc. Màn đêm đen đặc làm cho Cat đi xiêu vẹo, va cả đầu vào gốc cây ven đường. Cat phải vận dụng kinh nghiệm đi đêm của bác mèo già hàng xóm, thận trọng tránh đặt chân vào những chỗ "mưa trắng, nắng thâm" trên mặt đường.

Những tán cây rừng che khuất bầu trời đêm. Thỉnh thoảng có tia ánh sáng mờ le lói của ánh sao đêm trong kẽ lá. Côn trùng kêu ri ri đầy bí ẩn.

Tiếng hắng giọng của con Tắc kè trên cành cây làm cho Thơm giật mình:

- Tắc tắc! Ai đi một mình trong rừng khuya thế?

Thảo nổi da gà, run run trả lời:

- Em ạ, em là Thảo ạ!

Tắc kè hỏi tiếp:

- Em đi có việc gì vậy?

Thảo chưa kịp trả lời thì Chim cú mèo đậu trên cành cây ven đường quác một tiếng, hỏi:

- Ta cũng hỏi em đi rừng trong đêm có việc gì đấy?

Thảo dừng bước, khoanh tay nói với Tắc kè và Chim cú mèo về việc đi lấy thuốc chữa bệnh cho chị Thơm.

Thảo thật thà:

- Em chưa đi rừng ban đêm bao giờ nên sợ lắm!

Chim cú mèo bảo:

- Em không làm được việc này đâu! Khi mặt trời mọc mà em chưa mang hoa về đến nhà thì em cũng mắc bệnh hệt như chị của em. Em nên quay trở về. Một người bị bệnh hiểm nghèo trong gia đình là quá nhiều rồi!

Thảo vừa khóc, vừa trả lời:

- Em làm được ạ, em quyết làm được ạ!

Thảo lại rảo bước theo Cat.

Cảm động trước tấm lòng của Thảo, Tắc kè và Chim cú mèo cũng xin đi theo.

Càng leo lên núi đường càng hẹp, càng ngoắt ngoéo. Trong lùm cây bên đường bỗng có tiếng vỗ cánh phành phạch, tóc Thảo dựng đứng, hai chân run lẩy bẩy. Thảo lấy hết sức can đảm rồi hỏi:

- Ai doạ tôi đấy!

Một con vật nhảy từ trong bụi cây ra, đập cánh trả lời:

- Tôi đây, tôi là Gà rừng đây!

Thảo kể lại việc đi tìm hoa mẫu đơn tím trong đêm. Gà rừng xúc động từ mào đến cựa, suýt nữa gáy cúc cù cu! Thế là may, vì nếu gà cất tiếng gáy thì mặt trời có thể sẽ mọc lên từ chân trời. Sau khi trấn tĩnh lại. Gà rừng đập cánh xin tham gia Đoàn.

Càng ngày dốc càng ngược lên trời. Mồ hôi ròng ròng trên mặt. Cổ họng của Thảo khô đắng vì khát nước. Trán nóng hầm hập. Khi trèo qua một vách đá cheo leo thì Thảo khuỵu chân xuống. Tắc kè vội bậu chặt lên vách đá kêu lên thảng thốt:

- Thảo ơi! Làm sao thế?

Chim cú mèo, Gà rừng, Cat cuống quýt xúm lại:

- Trời ơi! Thảo bị làm sao thế?

Một lúc sau, Thảo từ từ mở mắt, thất thần:

- Tôi làm sao thế này?

Cat mừng quá kêu meo meo:

- Thảo vừa bị ngất đi ấy mà!

Thảo gượng dậy, nói:

- Tôi khát nước quá, khát nước quá...

Tắc kè vội bò lên vách đá ngắt một đọt cây mang về. Thảo cầm lấy đọt cây mút như mút que kem. Một lúc sau hết cơn khát.

Cat lại đi trước dẫn đường. Tắc kè bò men theo vách đá. Chim cú mèo bay lên phía trước. Gà rừng thì nhảy đúp liền hai bước một. Bỗng nhiên từ trời cao, một Ngôi sao sà xuống sát mặt đất. Đó là Ngôi sao nhỏ nhất trong các ngôi sao trên trời. Ngôi sao bay là là phía trước soi đường cho cả Đoàn. Ánh sáng Ngôi sao toả bẩy sắc cầu vồng chiếu xuống mặt đường làm cho mặt đường ánh lên như rải hoa. Ngôi sao nói:

- Từ trên bầu trời hoang vu, các Vì sao dõi theo việc làm của Thảo. Sao nào cũng muốn giúp đỡ Thảo nhưng Mặt trăng chỉ cử Ngôi sao bé nhất, ngoan nhất xuống soi đường.

Nghe nói vậy, Thảo cảm động lắm, mời Ngôi sao một đọt cây giải khát. Ngôi sao nhấp nháy cười từ chối:

- Các Ngôi sao trên trời chỉ uống gió giải khát, không biết uống nước như loài người.

Nhờ Ngôi sao soi đường nên Thảo bước vững chân hơn.

Cả đoàn lên tới một đỉnh dốc cao ngất trong sương đêm. Bất chợt, Cat dựng đứng toàn bộ lông trên lưng, ghé sát tai Gà rừng nói thầm:

- Có con thú rình bắt chúng ta ở đâu đây?

Chim cú mèo nhìn thấy lờ mờ bóng một con vật to lớn nên tái mặt. Rất may vì trời tối nên không có con vật nào nhìn thấy vẻ thất sắc ấy. Ngôi sao bèn bay lên cao, lượn vòng, phát ra ánh sáng mạnh nhất rọi lên mặt đất và phát hiện một con nai đứng sừng sững giương gạc lên trời. Nai đạp chân lên tảng đá, hỏi:

- Ai mặc áo hoa đang đi lại phía ta đó?

Thảo giật bắn người. Cát nhe răng sẵn sàng xả tấm thân bé nhỏ. Tắc kè dương cái đầu với vẻ dữ dội nhất. Gà rừng xù lông cổ. Chim cú mèo trợn mắt to đến nỗi suýt nữa bị rách mi. Nai bối rối, cất tiếng hỏi:

- Có phải Cat đấy không?

Cat giật mình đột ngột đứng sứng lại. "Ôi! tiếng nói của ai mà giống tiếng nói của bố Thảo thế nhỉ?"

Sau phút đắn đo, Cat ngập ngừng trả lời:

- Tôi đây, Cat đây! Tiếng ai mà quen như tiếng của người trong nhà vậy?

Nai trả lời:

- Ta không tiện nói ở đây!

Rồi Nai nói tiếp:

- Từ đây lên đỉnh núi rất khó đi bằng hai chân. Trước khi mặt trời mọc không kịp hái được hoa.

Gà rừng đạp cựa phanh phách vào bụi cỏ, cãi lại:

- Tôi không gáy thì mặt trời chẳng bao giờ mọc được!

Nai ôn tồn nói với Gà rừng:

- Ngoài cháu ra, còn biết bao nhiêu gà rừng trong dãy núi này gọi Mặt trời. Một mình cháu không thể làm thay đổi được cả thiên nhiên.

Gà rừng đuối lý bèn quẹt mỏ vào gốc cây bên đường. Nai quay lại phía Thảo dịu dàng nói:

- Ta xin nguyện cõng con lên đỉnh núi hái bông hoa mẫu đơn tím. Ta không làm hại con đâu!

Sau lời Nai nói, từ đâu bỗng trái tim mách bảo Thảo sự tin cậy vô bờ. Tuy vậy, chỉ tới khi Cat meo meo giục Thảo mấy lần thì Thảo mới rụt rè leo lên lưng Nai. Thảo chợt thấy lưng Nai vững vàng, ấm áp như vòng tay cha mẹ. Từ đâu đó thoang thoảng mùi mồ hôi quen thuộc giống mùi mồ hôi trên chiếc áo bộ đội của bố còn treo trong tủ ở nhà.

Nai vươn mình nhảy lên dốc. Gà rừng và Chim cú mèo vỗ cánh bay theo. Cat và Tắc kè cùng ngồi lên lưng Nai.

Trong nháy mắt, Nai đã lên tới đỉnh núi.

Nơi cao nhất đỉnh núi có một cái hồ đầy nước. Từng đàn cá biển nhiều màu sắc tung tăng bơi lội. Cáy và Còng giương càng chạy rối rít. Giữa hồ nổi lên một mô đất như hòn đảo nhỏ. Giữa hòn đảo rung rinh cây mẫu đơn xum xuê nhưng trên ngọn cây chỉ có một bông hoa tím ngát, hương thơm ngào ngạt. Nai dừng chân bên hồ nước, nói:

- Đây chính là bông hoa thần kỳ để chữa bệnh cho chị Thơm của con!

Thảo đến bên bờ hồ. Gió trên đỉnh núi lồng lộng. Nhiều ngôi sao nhấp nháy dưới lưng núi. Thảo thấy sao trời gần đến nỗi có thể lấy tay với được. Nhìn về chân trời phía đông, Thảo thấy đã hiện lên vệt lờ mờ sáng. Thảo lo quá! Nếu mặt trời mọc thì biết bao tai hoạ sẽ ập tới hai chị em. Lấy hết can đảm, Thảo lội ra giữa hồ nước. Em thầm thì chuyện trò với cây hoa mẫu đơn, rồi nhẹ nhàng hái hoa, gói vào vạt áo. Khi vào đến bờ, Thảo nhìn về phương đông thấy vệt sáng rạng hơn. Em luống cuống định lao mình chạy xuống chân dốc nhưng Nai lấy sừng ngăn lại:

- Không kịp đâu, con chỉ chạy về tới lưng dốc thì mặt trời đã mọc rồi.

Nghe Nai nói thế, Thảo oà khóc:

- Hu hu! Vậy làm sao bây giờ?

Gà rừng vỗ cánh nói:

- Anh sẽ ngậm bông hoa bay về trước. Thảo cứ thong thả đi về nhà sau.

Cat nhớ lời Cụ y tá nên cương quyết ngăn lại:

- Không được đâu, phải tự tay em Thảo mang hoa về, lại tự tay em Thảo chữa thì bệnh chị Thơm mới khỏi. Tình yêu thương mới làm cho thuốc công hiệu, meo meo!

Nai bước lại gần Thảo nói:

- Ta cõng con về tới nhà khi mới canh tư dù đối với loài Nai xuống dốc khó hơn leo dốc!

Nai đưa cho Thảo chiếc khăn quàng để buộc chặt mình vào thân Nai. Đó là chiếc khăn dù. Cat liếm nhẹ vào khăn đánh hơi, rồi tự hỏi mình:

- Chiếc khăn này sao mà giống chiếc khăn dù pháo sáng mà bố đã tặng mẹ Thơm và Thảo ngày ở chiến trường trở về?

Mới nghĩ đến đó, Cat phải meo meo để nén xúc động.

Nai bắt đầu cõng Thảo lao xuống chân núi. Tắc kè xin ở lại đỉnh núi để ghi câu chuyện hái hoa của Thảo lên vách đá cho tất cả họ hàng nhà Tắc kè biết. Cat bíu chặt vào nhánh sừng của Nai. Chim cú mèo hú một tiếng dài, rồi vỗ cánh bay theo. Rất đáng tiếc do mắt quáng gà nên lẽ ra phải bay thẳng hướng nam thì Gà rừng lại bay lạc sang hướng bắc...

Khi chuông nhà thờ boong boong điểm canh tư thì Nai dừng bước trước cửa nhà. Thảo cầm bông hoa mẫu đơn loạng choạng bước xuống sân. Chợt quay lại, Thảo không nhìn thấy Nai đâu nữa.

Cụ y tá đón chờ suốt đêm ở ngưỡng cửa, ôm chặt Thảo trong lòng. Cụ vặn to ngọn đèn dầu, thận trọng ngắt từng cánh hoa mẫu đơn để Thảo từ từ nhỏ mật hoa lên má của Thơm. Kỳ lạ thay, những lớp vẩy trên mặt của Thơm dần dần biến mất. Khuôn mặt trở nên hồng hào, làn da mềm mại như cánh hoa lan. Cụ y tá ngắt tiếp đài hoa và Thảo lại nhỏ mật lên hai cánh tay của Thơm. Hai cánh tay bong lớp da vẩy sừng, làn da trở nên trắng như ngà.

Còn đài hoa cuối cùng. Cụ y tá hướng dẫn Thảo chắt mật nhỏ vào đầu lưỡi của Thơm.

Bây giờ, Thảo nhìn chị chăm chú. Khuôn mặt Thơm hồng hào. Đôi môi đỏ thắm. Đôi mắt trong veo, hàng mi cong, đột nhiên Thơm bật lên tiếng gọi:

- Em ơi!

Đó là tiếng nói đầu tiên của Thơm mà Cụ y tá và Thảo cùng với Cat, Chim cú mèo nghe thấy trên đời này.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...