Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Văn hóa giao thông

Nhà thơ Đặng Hiển - 30-12-2011 03:58:03 PM

VanVN.Net - Văn hóa là tổng thế nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, trên con đường tiến tới văn minh, là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội. Mỗi lĩnh vực hoạt động của con người đều có văn hóa của nó...

Văn hóa đó có những điểm chung như lòng nhân ái, sự tôn trọng con người và lòng tự trọng, sự hiểu biết, tôn trọng luật lệ và trật tự chung... cũng có những điểm riêng như kiến thức chuyên ngành, sự tuân thủ những quy định riêng...

Giao thông là một ngành hoạt động quan trọng trong đời sống của cộng đồng lại là một hoạt động tương đối phức tạp, có quan hệ chuyển lưu đồng thời giữa nhiều đối tượng người và phương tiện vật chất trong một không gian nhất định, nhiều khi rất hẹp. Do đó nếu không đề cao văn hóa trong lĩnh vực này thì không thể bảo đảm được sự an toàn thậm chí có thể gây ra sự rối loạn và tổn thương trong đời sống con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Khi văn hóa giao thông đã trở thành nếp sống thì tai nạn giao thông sẽ trở thành hãn hữu

 

Theo tiêu chí văn hóa giao thông được UB ATGT quốc gia, có 3 phương châm: 3 có, 4 không, 3 có là hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông, có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; 4 không: không uống rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không vận hành phương tiện chưa đầy đủ giấy tờ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT, không có thói hư tật xấu trong ứng xử với người cùng tham gia giao thông và không để xảy ra tai nạn giao thông.

Trong các tiêu chí trên, ý thức khi tham gia giao thông chiếm vị trí hàng đầu. Đó là ý thức và sự tôn trọng, bảo vệ mình và tôn trọng, bảo vệ người khác. ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng nằm trong ý thức tham gia giao thông và kèm theo đó là sự hiểu biết về luật lệ giao thông. Còn ứng xử với người cùng tham gia giao thông cũng là biểu hiện của đạo đức và trình độ văn hóa của người tham gia giao thông. ý thức và kỹ năng ứng xử này không chỉ tạo ra sự đoàn kết  thân ái, một khía cạnh của hạnh phúc tinh thần của con người mà còn góp phần làm giảm tai nạn giao thông vì nhiều khi chỉ vì không nhường nhịn nhau, không chờ đợi nhau trong khi tham gia giao thông mà sinh ra tranh đường, chen lấn, dễ để xảy ra tai nạn, cái xảy nảy cái ung…

Văn hóa giao thông còn phải được vận dụng công tác vào tầng lớp quản lí giao thông, song đó là nội dung của một bài khác, ở đây, mới chỉ bàn đến văn hóa của người dân tham gia giao thông.

Tôi còn cảm thấy trong văn hóa giao thông có những vẻ đẹp, những hàng người xe đi thứ tự như những dòng sông trên dòng chảy của mình trông vừa sinh động, vừa nhịp nhàng. Hôm đầu tiên toàn dân đội mũ bảo hiểm, những chiếc mũ đủ màu sắc nhấp nhô như những làn sóng hoa, tôi tự nhủ, giá lúc này mình là họa sĩ hay nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Văn hóa giao thông chính là nhân tố thứ nhất và lâu dài của an toàn giao thông. Ăngghen nói: “Tự do là tất yếu đã được nhận thức”.V. I Lê nin cũng từng nói: “Kỷ luật là tự do”, còn Macxim Gooki thì nói: “Mĩ học là đạo đức học của ngày mai”.

Khi văn hóa giao thông đã trở thành nếp sống thì tai nạn giao thông sẽ trở thành hãn hữu và nếu có thì chỉ do những nguyên nhân ngẫu nhiên ngoài con người như đang đi bị hỏng săm, hư máy... Mà những nguyên nhân đó, con người do có trình độ, kỹ thuật cao và ý thức, sẽ đề phòng, loại trừ, giảm thiểu được.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn