Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tản mạn về "Hát ru bầu trời"

Mai Diệp Văn - 03-07-2015 08:23:57 AM

 

Xã hội phát triển, kinh tế phát triển, mọi thứ đều dịch chuyển, văn chương vì thế cũng không đứng ngoài lề sự dịch chuyển.

Gần đây, chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương dần đi vào nước ta và sau đó xuất hiện cả một phong trào, có khi là cả hiện tượng trong văn học. Khi mà trào lưu này trở nên rầm rộ tại Việt Nam, chỉ còn lại số ít tác giả trẻ còn giữ lại cách viết truyền thống của mình.Trong đó có Lê Hòa.

Lê Hòa xuất hiện khá đều đặn trên văn đàn, các tạp chí lớn. Thơ anh dung dị, gần gũi, thân thuộc với nông thôn. Là tác giả viết khá nhuyễn với thể thơ lục bát, viết du dương nhưng cũng đầy suy tư.

Tình yêu quê hương, đất nước, tuổi thơ là những thứ rất đậm nét trong thơ anh. Bên cạnh đó, nỗi buồn thời thế được anh trải ra nhẹ nhàng nhưng lại dai dẳng trong các bài thơ.

“Uống trăng con sáo say mèm

Thênh thang sải cánh về miền hoang vu

Tưởng rằng trời đẹp như ru

Ngờ đâu đôi cánh cầm tù đôi chân”

Thơ Lê Hòa dễ đọc, dễ cảm, đồng điệu với nhiều số phận con người, do đó thơ anh được bạn đọc đón nhận đông đảo. Cái nghèo, cái khổ, cái tha hương, cái thân phận éo le được tác giả thể hiện như chính trải nghiệm của mình…

Hát ru bầu trời” chứa tất cả những gì tôi viết ở trên, là một minh chứng cho sự cố gắng của tác giả, là đam mê cũng như độ chín trong nghệ thuật viết.

Hát ru bầu trời” như một quả địa cầu có hai miền sáng tối riêng biệt. Tác giả dẫn ta đến một nửa tối với các câu chuyện buồn, thế sự buồn:

“Tôi về nhặt được bóng tôi

Dường như ngày ấy vừa rơi bóng chiều”

Sau đó, xuyên suốt cả tập thơ là những tiếng ru, lời ru, đưa con người ta về với dịu êm:

“Lọt lòng biếc một lời ru

Để ngàn năm cứ mịt mù nhớ thương”.

Đặc biệt hơn, với tập thơ này, tác giả dường như dành riêng một khoảng cho người yêu Đà Lạt, với một loạt bài như “Đà Lạt trắng một mùa sương”, “Bây giờ Đà Lạt”, “Chiều Hồ Xuân Hương”.

Bây giờ Đà Lạt phiêu diêu

Ta xông xênh phố hát điều vu vơ.

Lê Hòa chọn cách viết truyền thống, không cầu kỳ câu chữ, không mã hóa từ ngữ, không chạy theo lối viết cách tân nhưng không phải là quá cũ. Thơ anh có nhiều trải nghiệm mới về cảm xúc, về tư tưởng, về nghệ thuật và đặc biệt có nhiều bứt phá ở thể lục bát.

                                

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn