Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Khúc bi hùng những thời oanh liệt

(Đọc Trường ca ngắn – Kịch thơ – Nguyễn Thụy Kha, Nxb Hội Nhà văn, 2014)

Tấn Phong - 12-02-2015 07:53:14 AM

 

1.

Không phải 1, mà là 9 trường ca và kịch thơ – những thể loại hầu như vắng bóng trên văn đàn hôm nay. Cứ như lời chú thì tác giả viết trong giai đoạn 1975-1980 và gần đây nhất, 2005, 2011, 2012, 2013. Nghĩa là rất mới. Chưa bàn về thể thức, thì đây là một dụng công đáng nói và một tư duy hệ thống. Chiến tranh, với dân tộc Việt Nam, là bắt buộc, tự vệ, là nỗi đau đáu khôn nguôi, âm ỉ, dai dẳng, ám ảnh và không thể nói đã hoàn toàn hết nguy cơ. Dẫu có là hùng ca, thì vẫn là những cuộc chiến không mong muốn và nhiều mất mát, bi kịch. Nguyễn Thụy Kha (NTK) góp phần trả món nợ đeo đẳng này với tư cách không chỉ của một người viết, mà một người trong cuộc. Với tâm thế ấy, những trường ca này cho thấy tác giả dường như định phác họa, dẫu sơ khởi, một biên niên sử chiến tranh bằng thơ với sức tải trĩu nặng cần được giải phóng một cách hệ thống – và đó là bất ngờ đầu tiên ở tác giả. Đến đây, hãy thử đồng hành cùng tác giả qua một trường ca (TC) đại diện: “Lòng chảo” – mở đầu tập này. Mô-tip “lòng chảo” là xương sống của tác phẩm, là chủ đề chính xuyên suốt, lúc là một thực thể hữu hình (lòng chảo Điện biên), lúc lại là những phúng dụ, những hình tượng ẩn tàng được tác giả bám sát, sử dụng rất đắc địa. Kết cấu chương hồi từa tựa cấu trúc một giao hưởng cổ điển, có chủ đề phụ, có cao trào và kết gần trọn. Ngôn ngữ chung là trần thuật – kể chuyện, có lúc như ngôn ngữ báo chí đậm chất ký sự. Để xen vào đó là những luận đề phổ quát được biện giải đến cùng. Giữa “tiếng thình thịch gặm mòn đối phương” lại là tiếng sáo Mông chênh vênh, len lỏi trong tâm khảm người lính viễn chinh sám hối vì tội lỗi. Người lính ấy hy vọng có ngày ngồi bên dương cầm, lại phải đến Điện Biên “dập tắt những điệu xòe tiếng sáo” chứng kiến “đồng đội xả súng vào cô gái trần truồng/sau no nê xác thịt.” Quá khứ Điện Biên rùng mình khiến anh hiểu ra sự thật rằng “các anh đã rút khỏi Hà Nội để trở về Hà Nội/ như người Pháp từng rút khỏi Paris để trở về Paris/ thì chắc chắn đã không dẫn tới Điện Biên”. Rằng, người Pháp “đã quá yêu mình/nên mù lòa sự thật…(bởi) / những thước hào ma quỉ/ như trăm vòi bạch tuộc xòe ra”. Tôi cho rằng mô-típ sáo-người lính Pháp là một thành công của NTK với tư cách một người phân tích lịch sử đến nguồn cội. Lúc này, lịch sử đã vượt ngôn ngữ ẩn dụ của thi ca mà vẫn đạt hiệu quả tối đa. Tiếp tục cái mạch ấy, những người chiến thắng “đều mang trong đáy lòng mình một lòng chảo/ của một dân tộc đã bị dồn xuống đáy sâu/ để nhận ra sức mạnh của mình/ phải bật từ lòng chảo/ mà bắt đầu từ lòng chảo Điện Biên”. Để rồi đến những “lòng chảo” khác của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Iadrăng (1965), Khe Sanh (1968), Hà Nội “lòng chảo ngược” (12/1972), v.v. Mô-tip “lòng chảo” tiếp tục được khai thác triệt để với những lòng chảo tâm linh – những bi kịch trái khoáy, băn khoăn, số phận sau chiến tranh mà “ngưng tiếng súng đâu phải ngừng gió bão”, rằng “áo lính cởi rồi lại mặc vào áo lính”. Và, xót xa “chúng tôi ngã xuống cho dân tộc này chiến thắng/ nhưng lại thua ngay chiến hữu của mình”. Rằng “cuộc đấu tranh giữa thật giả trắng đen/ còn khốc liệt hơn năm xưa đánh giặc”. Da diết, dai dẳng, phi lí, nhưng là sự thật, những “anh trở về vừa làm một nhà nông/ “Lúc nhàn rỗi ra thị thành bán sức”. Chương kết trường ca này khắc họa những hình tượng nhân vật có thật trong đời (một người lính nhạc sĩ, một vị tướng già, một tổng thống Pháp, một cựu binh Mỹ). Và độc đáo nhất là một Ngô Bảo Châu “làm ra trận Điện Biên trong khoa học (bởi/ đã chiến thắng mọi cản ngăn trong lòng chảo ưu tư”. Và cuối cùng, cái “lòng chảo” ấy là “em ta đến đắm chìm”. Phải nói, ở trường ca này, Nguyễn Thụy Kha đã đẩy hình tượng lòng chảo thành một vô thức sáng tạo mang tính luận đề có sức ám ảnh dai dẳng và đã thành công.

 

2.

 

Ở “Cực sóng” vẫn là chủ đề chiến tranh với chiến công âm thầm của “Đoàn tàu Không số”: “Họ đã lần tìm giữa đại ngàn như con mình lần tìm ra những câu tập làm văn”. Đẹp thay, “họ vùi chuẩn bộ kíp mìn để nổ tung con tàu/ Vừa dọn ra mâm cơm thản nhiên ngồi uống rượu”. Rằng, cả anh và con tàu hóa thành cực sóng, hóa thành tên đảo cắm một mốc chủ quyền sừng sững.

“Màu Quảng Trị” khai thác chiến công 81 ngày đêm ta bám thành cổ nổi tiếng, một “bản giao hưởng cát trắng, những cánh buồm trăng trắng” mà “cuộc đời rộng rinh ý nghĩa lớn vô bờ/…/ Mất mát chất chồng ở trên chiến thắng”. Ta nghe văng vẳng qua trường ca này phần đệm bất hủ giao hưởng số 7 Leningrad của Dmitri Shostakovich, với những tháng ngày bị phong tỏa đói khát đớn đau cố thủ thành phố anh hùng mà chiến công Việt dẫu khác biệt vẫn nhiều nét tương đồng.

Chiến tranh tiếp tục đau đáu, dai dẳng qua “Hà Nội – tháng chạp nóng”, “Gió Tây Nguyên” (trận đánh nào cũng một rạo rực riêng). Ai cũng biết tác giả nhắc đến Hà Nội – tháng Chạp 1972 và giữa Tây Nguyên là trận Buôn Mê Thuột (10-3-1975). Nhưng rất lạ ở trường ca “Tây Nguyên” lại có 1 khúc (Khúc V: Lựa chọn) như một phản đề rất có dụng ý của tác giả. Đó là một Em mời gọi người anh hùng mũ tai bèo “đến và điên lên/ hãy tạm quên lí tưởng không nhìn thấy”. Là một “mình lựa chiều gió lồng/ khôn như khói lẻn vào chiếm đoạt/…/ các cậu chiếm Sài Gòn nhường chúng mình vào xoay xở”. Những lúc như thế, Nguyễn Thụy Kha đã buộc mọi người toát dương với những trăn trở đạo lý, những khắc nghiệt có thực của cái ác lỏi len, cái xấu lúc nào cũng chực trỗi dậy và như Julius Fucik cảnh báo: “Con người hãy cảnh giác!” Những trường đoạn như vậy đã phá cái đơn tuyến của thuật kể chuyện. Và tác giả cũng thành công.

Tiếp tục với các tác phẩm “Tình làng”, “Biến tấu Souliko”, “Mùa xuân trắng” cùng những sự kiện chiến tranh biên giới Tây Nam – phía Bắc cùng hồi ức những giai đoạn khổ đau, oanh liệt.

Tôi muốn đề cập trường ca chót: “Những người bốc vác”. Mạch chiến tranh vẫn tiếp tục, nhưng tác phẩm có một phong vị nhân bản khác. Cái nghề “cu li khuân” làm ta liên tưởng đến “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của I. Ye. Repin. Song cái nghề này ở Việt Nam diễn ra ở bến cảng, bến tàu, bến chợ. Càng có thể gọi là tột cùng, dưới đáy của nghiệp phu phen. Cái điệp khúc lầm than vác và khuân ấy đã được nhà thơ dành trọn cảm thông, chia sẻ, gọi đó là “biến tấu cần lao/ trọng lượng chia ra trọng lượng lại tụ vào/ hết lưng vai… lại trên đầu”. Cái nghề ấy, dưới ngòi bút Nguyễn Thụy Kha “Xuất hiện khi máy móc bất lực/ (để)/ thêm yêu thương những bình thường trong ta”. Với anh “chỉ thêm chiếc khăn vác/ Bỗng cao hơn giữa đời”. Anh chia sẻ với những người “chỉ một bậc lương khởi điểm/ cho một đời người”. Nguyễn Thụy Kha ở trường ca này, đã viết bản tụng ca có một không hai cho giới cần lao và đó là ý nghĩa nhân văn cho tác phẩm.

 

3.

 

Là người đọc rộng, hiểu nhiều, lấp ló trong tác phẩm là rất nhiều liên tưởng cũng nhiều điển tích, địa danh, danh nhân thế giới và Việt Nam. Các trường ca vừa dựa vào những kết cấu chương đoạn với chủ đề xuyên suốt, lại có những đoạn tung phá phát lộ một kiểu kết cấu mở. Và thường những kết cấu mở này biểu đạt những ý tưởng lạ và nói chung là thành công. Với Nguyễn Thụy Kha, trường ca lại có một chỗ đứng, một đột phá hữu hạn, tiếp tục phục hiện một thể loại  mà người viết bài này mơ ước.

 

(Nguồn: Báo Văn nghệ sô 5/2015)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn