Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Chất uyên bác trong “Một chút hồn sông núi”

(Đọc “Một chút hồn sông núi”, tập tạp văn của Đức Hậu – Nxb Hội nhà văn, 2009)

Đỗ Lâm Hà - 25-07-2014 07:48:49 AM

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi có nhận xét: “Đức Hậu viết nhiều thể loại, tiểu thuyết, ký và thơ. Bài thơ “Chiếc cầu đá” xứng đáng là một bài thơ hay. Nhưng truyện ngắn vẫn là thể loại đem lại cho ông thành công nhất.” (Tr 266 Khúc giã biệt Nxb Lao động – 2013). Còn tôi nghĩ Đức Hậu viết chậm nhưng đã đụng bút vào thể loại văn học nào thì cũng đều toát lên một quan điểm thẩm mĩ, một tâm hồn có tầm cao, tính khái quát và tính uyên bác. Một bạn đọc tâm sự: “Khi đọc sách là trân trọng tác giả nhưng không áp đặt, không dùng tiếng đệm đàn để át lời ca mà chỉ thôi miên vào văn bản để xem tác giả định nói gì với thiên hạ”. Tôi đọc Đức Hậu cũng mang tâm thế ấy. Trên văn đàn đã có nhiều nhà văn tên tuổi của đất nước viết về thân thế sự nghiệp, văn chương của Đức Hậu rất hay, đúng và sâu sắc. Với bài viết nhỏ này tôi chỉ mong thưởng thức được nét uyên bác trong “Một chút hồn sông núi” của ông.

Một chút hồn sông núi” ông gọi là “tạp văn” nhưng thực chất đây là một tập chân dung và tiểu luận phê bình văn học đáng giá với văn phong đương đại. Kể cả những bài mang tính báo chí cũng bao hàm chất lý luận hàn lâm. Để có “Một chút hồn sông núi” ngoài tri thức, kiến văn văn học sâu rộng, ông còn có vốn tích luỹ “Nhân tình thế thái” từ quá trình hoạt động chốn quan trường, đèn nhang nơi miếu đường văn chương như câu đối của nhà văn Lê Bính tặng ông trong dịp tết Mậu Tý-2008: “Tam Lộng sinh nhân, thập thất lai niên quan chủ hội/ Bắc Hà Nhân sĩ, lục tuần dư tuế trưởng văn gia” nghĩa là: “Làng Tam Lộng sinh ra người: 17 năm làm Chủ tịch Hội/ Ngoài 60 tuổi làm Trưởng ban Nhà văn Bắc Hà”. “Một chút hồn sông núi” gồm 30 bài viết riêng lẻ được khai thác vào 3 mảng đề tài chính: Giới thiệu nhân cách một số danh nhân văn hoá đất nước; bình những bài thơ nổi tiếng; và mảng lý luận văn học đương đại nước nhà. Chỉ một tập sách mỏng 250 trang, văn phong dung dị mà dày thông điệp, là sự tột cùng của sự hiểu biết.

Mở đầu tập sách, Đức Hậu viết về nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Đã có hàng trăm bài báo viết về Nguyễn Đình Thi, tôn ông là nhà văn hoá lớn, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học, là thiên tài, là nghệ sỹ cách mạng, là nhân cách lớn v.v…tất cả đều đúng, nhưng tôi nghĩ có lẽ nên hiểu Nguyễn Đình Thi một cách đơn giản hơn, rằng ông là một con người chân chính, một tài năng chân chính, vì mọi cảm hứng của ông luôn gắn với đất nước và dân tộc. Với tài năng đa dạng của ông, có lẽ trong ông có chút hồn sông núi do chính ông hun đúc, rèn luyện mà nên.” (Tr 8). Cụm từ “Một chút hồn sông núi” trong tâm hồn nhà văn lớn Nguyễn Đình Thi, Đức Hậu đã lấy đặt tên cho bài viết của mình và cũng là tên cho cả tập sách. Chưa đầy một trang sách nhỏ trong bài này Đức Hậu đã khéo kết cấu giới thiệu được thêm hai nhà văn hoá lớn nữa là Văn Cao và Nguyễn Hữu Đang và cũng là lối thi pháp so sánh lôgíc giữa những tâm hồn, nhân cách lớn gặp nhau. Nhà văn Nguyễn Hữu Đang vốn là trưởng ban tổ chức lễ tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, sau vì cái vạ vụ “nhân văn giai phẩm” bị tù đày rồi đưa về an trí ở Thái Bình. Hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi Nguyễn hữu Đang còn chưa được phục hồi danh dự, thì quan hệ với ông gần như bị cấm kỵ. Đức Hậu là một trong số ít người dám chơi với Nguyễn Hữu Đang từ ngày ấy. Ông Đang thường đi chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô từ quê lên thị xã chơi với Đức Hậu. Một lần trong bữa rượu nghèo, Đức Hậu mở băng casset nhạc Văn Cao cho ông Đang nghe. “Bài Trương Chi vừa vang lên, ông dừng chén rượu ngang mày, ngồi lặng phắc nghe: “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ, trầm trầm không gian mới rung thành tơ, vương vất heo may hoa yến mong chờ, ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ…” Ông nghiêng đầu, vẻ mặt đầy cảm xúc, thì thào với tôi: “Cháu ơi, nhạc Tiên đấy. Không phải nhạc Người đâu cháu ạ”. Giờ đây cả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi đã về nơi bồng lai tiên cảnh. Trước anh linh Nguyễn Đình Thi tôi chợt nhớ lời thì thào của Nguyễn Hữu Đang. Bởi tôi cảm thấy “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” cũng là khúc nhạc Tiên(Tr8). Tiếp theo là các bài “Người gửi lại một mùa xuân nho nhỏ” viết về nhạc sĩ Trần Hoàn; “Có một Thái Bình trong Chu Văn” viết về nhà văn Chu Văn; “Người phu chữ ở làng Động Trung” viết về nhà nghiên cứu Hán –Nôm Nguyễn Tiến Đoàn và các bài tiếp theo viết về một số nhà văn nhà thơ khác như nhà văn Bùi Thanh Minh, nhà biên kịch Hồng Dương, nhà văn Lê Bính, nhà báo Nguyễn Văn, nhà giáo Đặng Đình Lai v.v... Với mảng đề tài này Đức Hậu như viết ra liền một mạch bằng những câu chữ dung dị, trong sáng nhưng trí tuệ và ám ảnh. Viết ra từ tâm khảm vừa thân tình vừa kính trọng mà lại rất văn chương. “Xin trích mấy dòng của tiến sĩ Tạ Trọng Hiệp dạy tại đại học Sorbone (Paris) viết tặng ông Đoàn: “Tìm sách hay rất khó, tìm bạn càng khó hơn. Bạn tôi giỏi thay, chính là Nguyễn Tiến Đoàn, một nhà Nho chân chính con nhà chí sĩ truyền thống, nay gặp được Anh lòng tôi rờ rỡ…(Tr63). Tài văn của Đức Hậu, chỉ cần vài dòng mượn lời của người khác để ca ngợi , đánh giá nhân cách tài ba văn chương chữ nghĩa của bạn mình hay như thế, chân thành như thế, mà thật khách quan.

Mảng đề tài thứ hai trong “Một chút hồn sông núi” là bình thơ, Đức Hậu viết dưới dạng phát hiện – tác phẩm và dư luận. Ông chỉ chọn lọc bình bốn bài thơ đặc sắc mà ít người phát hiện ra sự hay và sự độc đáo của những bài thơ ấy. Đó là: Bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của cụ Dương Khuê (1836-1898), “Những vầng trăng Đồng Lộc” của Bình Nguyên, “Đãi đằng Ức Trai” của Thế Long, “Thường dân” của Nguyễn Long. Là người chuyên viết về chuyên mục đọc sách trên báo chí và viết ít nhiều về thể loại tiểu luận phê bình, nên tôi rất dị ứng với những kiểu viết không sâu sắc, dễ dãi và hời hợt. Vì thế khi đọc “Một chút hồn sông núi” tôi ngỡ ngàng về tài thơ và bình thơ của ông. Được tiếp xúc với nhiều nhà phê bình văn học có tên tuổi của đất nước và các tỉnh như Quảng Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai v.v…cũng rất khen về những bài bình thơ của Đức Hậu có sự phát hiện và sâu sắc chí lý hơn người, lời văn lại bình dị mà thấm vào tận tâm can. Đức Hậu qua phần bình thơ này lại thêm phần uyên bác trên hành trình văn chương. Riêng bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long sau khi được xếp giải A báo Văn nghệ trẻ đã có rất nhiều người bình và gần như những người yêu thơ cả nước đều thuộc. Đoàn văn nghệ sĩ Thái Bình đến tỉnh nào từ Bắc chí Nam bạn đều hỏi thăm có Thường dân (Nguyễn Long) đi đợt này không. Nhưng bài bình của Đức Hậu là sâu sắc hơn cả. Bài thơ “Đãi đằng Ức Trai” của Thế Long lâu ngày đã rơi vào quên lãng, đến mức chính tác giả cũng quên đi. Nhưng Đức Hậu: “Tôi nghĩ đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Nguyễn Trãi. Nhưng điều quan trọng hơn, nó gửi gắm tâm huyết của tác giả với quan niệm về nhân sinh sâu đậm chất nhân văn(Tr115).

Mảng đề tài về lý luận văn học ông viết mang tính đề dẫn với cương vị Trưởng ban công tác Nhà văn khu vực phía Bắc và chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt nam tại Thái Bình qua các cuộc hội thảo văn học trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế như “Nhận diện văn hoá”, “Đôi điều nghĩ ngợi về nghề báo”, “Nghiệp dư hoá chuyên nghiệp”, “Cần quan tâm đến công tác lý luận- phê bình các khu vực”, “Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết hôm nay là ai?”, “Văn học xứ Bắc thời kỳ đổi mới”, “Công nghiệp hoá- hiện đại hoá và số phận người nông dân”, và một số bài nữa. Tất cả các bài viết của ông ở mảng đề tài này mang tính lý luận, chiến lược và những vấn đề đã, đang bức xúc trên nền văn học nước nhà trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Điều thú vị, Đức Hậu khác người ở chỗ không dẫn nhiều ông Ốp ông Ép kinh điển làm rối lòng người đọc mà ông viết ra từ kho tri thức, quan điểm của mình vừa có độ tin cậy vừa dễ hiểu nhưng lại sắc bén góp vào xây dựng nền lý luận văn học của đất nước thời đương đại. Một vấn đề lớn trong văn học là nhân vật trung tâm của văn học hiện nay là ai? Đức Hậu đã hơn hai lần lý giải trên hội thảo: “Người nông dân có học vấn cao, mặc áo cổ cồn, đi xe hơi, ngồi máy lạnh ký kết các hợp đồng, đề ra các quyết sách, và người nông dân cày ruộng, làm doanh nghiệp vẫn có mối liên hệ sâu xa với nhau. Cái mạnh trước kẻ thù, trước cái chết không hề khuất phục đã qua. Cái yếu khi phải đối mặt với chính mình, phải vượt mình cũng dần bộc lộ. Cái yếu chí mạng là lối sống nửa lý nửa tình, tham bát bỏ mâm, khoa trương thành tích, dễ thoả mãn, hay đố kỵ đang phải trả nhiều giá đắt”. … “Rồi những quyết sách vừa làm vừa nghe ngóng, quyết rồi lại quyết lại. Kinh tế thị trường đang lay động đến tận gốc rễ bản lĩnh người nông dân ở mọi cương vị khác nhau(Tr201). Đức Hậu tìm ra nhân vật trung tâm của văn học hiện nay là những người nông dân như thế. Ông đã góp tiếng nói từ đáy lòng mình góp vào xây dựng nền lý luận văn học đương đại nước nhà bằng chính những gì ông thu lượm được từ một đời cầm bút làm văn chương. Nhà văn Phạm Quang Trung đã viết: “Văn Đức Hậu thật dung dị mà cũng thật ám ảnh. Có cảm giác anh đã bước vào giai đoạn đắc đạo khi tỏ rõ sự thuần thục trong nghề viết” (Báo Văn nghệ số 11 ngày 12-3-2005).

May mắn được đọc gần hết tác phẩm trên hành trình văn chương của Đức Hậu, tôi có một cảm nhận đầu tiên về ông: Sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo, từ một anh thợ mỏ than Cẩm Phả để thành một nhà văn có tên tuổi của đất nước, chứng tỏ ông đã học tập và lao động một cách phi thường để có được những tác phẩm văn học giá trị viết từ một tâm hồn cao cả và tri thức uyên bác của một nhà văn đích thực được bạn đọc trân trọng.

Một chút hồn sông núi” của Đức Hậu – Trang văn vời vợi bên đèn thức soi.

 

Thái Bình tháng 6 năm2014

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn