Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Người mang ký ức của trái tim

Đặng Anh Đào - 11-10-2013 02:38:37 PM

VanVN.Net - Chiều muộn ngày 4/10/2013, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, triệu tập gấp Tổng biên tập Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn tới phòng làm việc của mình để phổ biến một thông tin đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chủ tịch Hội Nhà văn giao nhiệm vụ cho các cơ quan thông tin của Hội chuẩn bị những tin, bài đặc biệt trong những ngày cả nước để tang vị đại tướng tài ba và nhân ái của đất nước. VanVN.Net trân trọng giới thiệu bài viết “Người mang ký ức của trái tim” của nhà văn, nhà giáo Đặng Anh Đào, em vợ của Đại tướng trực tiếp mang tới Hội Nhà văn Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau lần xuất bản thứ nhất của cuốn sách Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh), hồi âm của bạn đọc là muốn được biết thêm nữa về Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân. Vả lại, có những người đã kể, nay lại lục lọi thêm trong ký ức. Còn tôi, tôi cũng lại một lần nhớ lại để xem còn ai mà mình chưa tiếp cận được để họ kể thêm về anh Giáp. Bởi khi biết anh, hơn một năm sau đã nổ ra cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lần thứ nhất, tôi chỉ là một đứa trẻ xuôi về miền Trung, tản cư ở những nơi được gọi là yên bình. Còn anh Giáp thì ở đầu não cuộc kháng chiến – chiến khu Việt Bắc. Rồi một ngày nào đó vào năm 1951, tôi lại “tạt lên” Việt Bắc, trong khoảng vài ba tháng, nhưng cũng sống gần anh Giáp với chị Hà có lẽ chỉ vài tuần ở Chiêm Hóa, vì tôi lại phải sướt mướt xách ba lô rời xa gia đình, đến trường Tân Trào ở Tuyên Quang, vớt vát phần cuối của chương trình lớp 7.

Tuy nhiên, ngày đầu tới Chiêm Hóa, gặp lại anh Giáp và chị Hà, sau 5 năm xa cách, tôi thấy anh chị (lúc đó đã có cháu gái đầu tiên) song không hề sống trong một ngôi nhà riêng mà là sống “tập thể”, xung quanh có anh em bộ đội và văn phòng của anh. Và họ chính là những người nay tôi cần tìm tới...

Giờ đây, nhớ lại, lúc ấy tôi chỉ để ý đến hai người nổi bật: anh Phạm Khắc Lãm, bí thư của anh Giáp và chị Hồi, thư ký đánh máy. Anh Giáp rất quý anh Lãm về sự thông minh, tinh tế, thật đúng là con nhà nòi. Chị Hà cũng rất thân với anh Lãm không chỉ vì họ đều cùng cố giúp cho công việc của văn phòng tiến hành tốt từ khi còn lạ nước lạ cái, mà còn vì rất nhiều điểm phù hợp riêng tư, ví dụ như cả hai đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Hiếm khi ông trời lại tạo ra những cơ hội gặp gỡ ngẫu nhiên như vậy. Những khi anh Giáp lên đường ra trận, anh yên tâm vì có một người em, giúp chị Hà đỡ buồn. Chị có người hợp “gu” để chuyện trò bên đống lửa nhóm lên, những tối mùa đông lạnh khủng khiếp của Việt Bắc. Cũng còn một người nữa tiếp xúc nhiều với anh Giáp lúc ấy là anh Mai Xuân Tần. Chị Hà cũng rất thích kiểu nói chuyện tưng tửng của anh, nhưng ông này có vẻ “người lớn” kiệm lời, bộ điệu “phớt Ăng - lê”. Vả lại, sau đó anh lại ra mặt trận cho đến hết cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Anh tiếp tục làm cố vấn ở chiến trường C, phối hợp với lực lượng yêu nước Campuchia.

Giờ đây, anh Dũng Mã (đã cùng ở đơn vị chiến đấu với chồng tôi) không biết đang ở nơi đâu? Chị Hồi đã thành người thiên cổ. Anh Mai Xuân Tần đã viết một cuốn hồi ký có nhiều đoạn về anh Giáp, nhưng không may và rất tiếc (cho tôi), đã xuất bản năm 2006. Chỉ còn anh Lãm. Từ hồi ở Việt Bắc, sau đó 5 năm anh chuyển công tác, anh vẫn đến nhà chị Hà và anh Giáp chơi, nhưng với tôi là biền biệt... Năm ngoái, tôi chợt thấy anh một thoáng ở sân bay đi Pháp. Có lẽ anh phải ở tuổi 80 rồi, nhưng “vẫn còn mắt biếc, nét cười xưa”(dĩ nhiên không phải là “hàm én, mày ngài...”). Và sự nghiệp của anh đã rẽ vào đường quan văn, mà không phải là quan võ, anh kinh qua nhiều chức vụ rất to.

Tôi còn muốn có một dư âm gì, dù nhỏ nhất, của bác sĩ Tôn Thất Tùng qua phu nhân là bà Vi Thị Hồ. Người Anh hùng Lao động ấy đã mất đúng vào ngày 7 tháng 5 (chiến thắng Điện Biên Phủ) – chỉ khác năm (1982). Nhưng bà Tùng nói bà không biết gì về anh Giáp, đơn giản vì mỗi khi đến chơi, anh Giáp đi dạo quanh vườn nói chuyện với ông Tùng (theo lối vận động thư giãn của anh) còn bà Tùng ngồi nói chuyện riêng với chị Hà. Tôi hoàn toàn thông cảm với bà: bản thân tôi là em vợ của anh Giáp, mà cũng chẳng hiểu gì về anh, bởi một lý do giống hệt như bà!

Vốn xuất thân dạy sử ở trường Thăng Long, vào thời sau 1954, anh cũng có quan hệ làm việc thân thiết với một số sử gia như Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Dương Trung Quốc... Năm ngoái, tôi đã phỏng vấn anh Phan Huy Lê để viết một bài cho tờ Perspectives France – Vietnam của Pháp, anh đã trả lời: “Võ Nguyên Giáp đã viết nên lịch sử vĩ đại của những cuộc kháng chiến như là đồng tác giả với nhân dân và quân đội của chúng ta, đồng thời ông đã viết lại diễn biến lịch sử của cuộc chiến ấy qua những Hồi ức và những cuốn sách về chiến lược hiện đại. Trong một buổi trò chuyện với các sử gia ông đã nói: “Hiểu biết về phương pháp luận của một nhà sử học áp dụng vào việc chỉ huy quân sự và ngược lại, những kinh nghiệm chiến tranh đã giúp tôi có được tinh thần khách quan, độ chính xác lớn hơn trong tư duy.” Có lẽ, sự kết hợp giữa sự nghiệp đấu tranh với sự nghiệp của một sử gia đã mang lại cho ông kết quả ấy...”.

Thực ra, ngoài thì giờ làm công việc chính trị, quân sự và xã hội, anh Giáp đọc sách rất nhiều, và vẫn theo dõi trước tác của các nhà viết sử trong và ngoài nước. Với Phan Huy Lê là nhà khảo cổ học, anh Giáp cũng đã từng cùng đi tham quan thực địa khi phát hiện khu Hoàng Thành và lắng nghe ý kiến của các học giả. Sử gia nước ngoài như Daniel Hemerry cũng từng tới xin gặp Đại tướng để tham khảo ý kiến về sử Việt Nam – lãnh vực chuyên môn của họ... Vào năm 1981, nghe tin tôi đang có mặt ở Paris, họ đã liên hệ với tôi và nói về những ấn tượng có tính chất riêng tư, cảm tình đặc biệt đối với anh – ngoài những quan hệ chuyên môn. Tôi nghĩ: sở dĩ như vậy là vì trong liên hệ công việc, dẫu hàng mấy ngàn người đã vụt qua đời anh trong chốc lát, nhưng trong ký ức của anh, đặc biệt có phần “ký ức của trái tim”. Georges Boudarel, người đã tự nguyện xin gia nhập quân đội Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, cũng đã tìm gặp tôi năm 1981 (lúc ấy ông làm việc ở trường Paris 7). Dù chưa hề làm việc với anh Giáp, những câu đầu tiên ông hỏi thăm tôi là về anh Giáp.

...Ở một bài viết về anh Văn (Phía bên kia thành cổ) tôi đã nhắc đến Major Thomas, người thiếu tá Mỹ từng huấn luyện cho lực lượng Việt Minh thời chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 1945, và vẫn gửi thư cho anh Văn vào năm 1990... Năm nay – 2013 – tôi lại thấy trên báo Lao động bài của Uyên Minh viết về một người Mỹ khác, cũng đã “từng hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ném lựu đạn” khi anh Văn đang là ... Tổng chỉ huy của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân... Henry A.Prunier,gần 70 năm sau, còn kể lại: “Ông Giáp muốn biết tại sao, chúng tôi lại tung bổng quả lựu đạn lên và cái gì đã kích hoạt súng cối”... Có lần tướng Giáp còn cúi đầu xuống để nhìn hẳn vào thùng đạn súng cối : “Lúc đó, tôi bị sốc vì sự dũng cảm của ông Giáp...” Qua lời kể của nhà báo, tôi lại chú ý hơn đến trí nhớ đặc biệt của anh Giáp. Bởi “Năm 1995, khi Prunier trở lại gặp những người lính Việt Minh năm xưa còn sống. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra ngay. Ông cầm một quả cam theo cách cầm lựu đạn mà ông Prunier từng chỉ cho ông và kêu lên phấn khích: - Như thế, như thế, như thế”. Tôi nghĩ anh Giáp có một loại ký ức không chỉ xuất phát từ sự thông tuệ, mà như trên tôi đã gọi, là “ký ức của trái tim” nên sự thu hút tình cảm đến cả từ hai phía: anh và lớp lớp người đã từng vụt qua trong chốc lát.

Những người Việt Minh thời ấy, vì thế, đã thu phục được thiện cảm của những nhân vật mà khi nổ ra chiến tranh, lại trở thành tướng tá hoặc chính khách của lực lượng viễn chinh Pháp. Tôi đã trích ở phần đầu cuốn sách này lời của Sainteny, Đặc ủy Cộng hòa Pháp tại Bắc Bộ, nhớ lại thời hội nghị thương thảo ở Đà Lạt, tháng 4 – 1946, ông ta nói: “Võ Nguyên Giáp được coi như nhân vật đáng gờm nhất”. Nhưng trong bài của anh Đặng Tiến viết cho đài BBC (năm 2010), có nhắc lại Hồi ký của Sainteny kể về việc dự cuộc duyệt binh của Võ Nguyên Giáp cùng tướng Leclerc: “Cuộc duyệt binh có sự tham dự của tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên, gồm hầu hết là cựu binh sĩ khố đỏ”. Thời đó, “lính khố đỏ” tuyển mộ người bản địa nhưng thuộc về lính đánh thuê cho Pháp. Tuy chỉ đưa ra một chi tiết hết sức khách quan, nhưng hẳn Sainteny đã thấy được ý nghĩa hàm chứa trong đó: sức thu phục của quân đội Việt Minh... Còn nữa, vẫn theo lời Đặng Tiến: “Tướng Salan lăn lộn trên chiến trường Đông Dương từ năm 1924, cấp bậc trung úy; trong Hồi ức I (viết đến thời kỳ năm 1946), ông nói nhiều đến những cố gắng thương thảo giữa hai bên Việt - Pháp vào năm 1946 với nhiều cảm tình và kỷ niệm tốt đẹp với tướng Giáp.

Một ví dụ là chuyện đang hội họp căng thẳng thì cận vệ vào đưa tin vợ ông sinh con gái, tướng Giáp chúc mừng và mấy hôm sau gửi tặng vợ ông một bức bình phong sơn mài rất đẹp tả cảnh nông thôn miền Bắc. Chuyện nhỏ thôi, nhưng ngày nay đọc lại vẫn cảm động.

Hồi ức II (1946-1954) kể lại chi li cuộc chiến tranh Việt - Pháp, khách đối tác trở thành địch thủ khi thắng khi thua, nhưng lời lẽ lúc nào cũng tao nhã. Khi Salan qua đời, 1985, tướng Giáp có gửi người viếng tang và phân ưu.”

Những cuộc chiến, người ta vẫn không ngừng viết về chúng, gắn với những tên tuổi của tướng Giáp. Nhưng tôi nghĩ có lẽ Đặng Tiến đã gặp gỡ trong ý tưởng với tôi, khi trong hầu hết bài viết, ông lại nhấn mạnh những chi tiết trên. Võ Nguyên Giáp, ngay giữa những “địch thủ” và bản thân mình, còn có chung những “ký ức của trái tim”, huống chi với những người đồng chí hướng, gần gụi, từ người bảo vệ đến nhà khoa học. Quả là trong phần đầu của cuốn sách này, một trong những bài làm tôi cảm động nhất chính là bài Hai mươi năm làm cần vụ cho tướng Giáp. Nhưng giờ đây, tới nhà 30 Hoàng Diệu, tuy tôi có gặp được một đồng chí lái xe cho anh Giáp là Đinh Văn Mùi, nhập ngũ từ năm 1975, lúc mới đôi mươi, nhưng mãi đến năm 1980, lên cấp thiếu úy, mới làm lái xe riêng cho anh Văn. Lúc ấy anh Văn đã thôi làm Bộ trưởng quốc phòng, vào năm 1982, cũng thôi ở Bộ Chính trị, chỉ còn làm Phó Thủ tướng... Anh kể cho tôi: “Tôi là lái xe nên không được biết rõ về thủ trưởng như anh em bảo vệ, cần vụ. Vì đến đúng giờ thì xe chờ ở thềm, đến nơi thủ trưởng vào làm việc thì tôi phải ở ngoài, lau xe, tu bổ xe, để đảm bảo không bị sự cố gì khi trở về. Vì tuy bác Giáp đã thôi gần hết các chức vụ, nhưng vẫn làm việc suốt ngày, thường đi thăm các địa phương vào thứ 7, chủ nhật, cứ thế cho đến khi phải vào nhập viện tháng 7/2009. Tới nay là đã 4 cái Tết bác Văn không ăn cơm nhà. Nhưng tới năm 2010, tôi vẫn hàng ngày cùng bác Hà đưa cơm nhà vào Viện 108, sau đó anh ăn theo chế độ quy định của bác sĩ. Giờ đây, tôi lái xe dẫn bác Hà lên tận nơi vì bác cũng đã yếu hơn. Theo yêu cầu của trên, tuy đã quá hạn về hưu 8 năm, tôi vẫn ở lại, hưởng lương kịch trần của sĩ quan chuyên nghiệp (thượng tá).

Trước năm 2010, khi đi công tác, bao giờ cũng có bác Hà và chị Hồng Anh đi theo chăm sóc, và một bảo vệ ngồi cùng xe. Cũng có khi Hồng Anh ngồi ở đoàn xe tùy tùng, vì có người chuẩn bị làm việc cùng bác, trước khi tới địa điểm, ngay trên xe... Thời bao cấp (cho đến hết 1990), chúng tôi nuôi lợn, trồng chuối, trồng rau, nấu bếp... ngay trong khuôn viên có dãy nhà phụ, phía sau... Bữa ăn cũng được cải thiện, kham khổ nhưng mà vui. Bác Giáp ăn muộn. Thường đó là giờ bác đi bộ xung quanh vườn, có khi dừng lại uống chén nước trắng, chuyện trò với anh em.

Thời ấy, tôi cũng từng có khi đi lái xe mời các vị cần tới ghi chép để viết sách cùng bác, như ông Đỗ Trình, Hữu Mai,... hoặc cô giáo Hồng Hạnh đến dạy đàn... Có khi lái xe cho bác đi thăm người thân, bạn bè như ông bà Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, đến thăm hai cụ nhà ta... (tức ông bà Đặng Thai Mai).

...Ngay mới tuần trước, như thường lệ, tôi lại dẫn bác Hà đến bên giường bác Văn. Tôi nói: “Em là Mùi đây”... Bác chớp mắt, gật đầu, nắm chặt tay tôi...”

Khi nói với tôi, anh Mùi gọi anh Văn là “bác”. Nhưng thực ra khi đối thoại với thủ trưởng của mình, anh vẫn xưng hô anh em. Đó là thông lệ của những người từng gần anh Văn...

Tôi lại tìm gặp chú công vụ mới nhất. Anh Nguyễn Văn Lợi đến ở nhà 30 Hoàng Diệu sau khi anh Thìn nghỉ hưu 6 năm. Cho tới nay, anh Lợi cũng đã bảo vệ đại tướng 20 năm – dẫu chỉ bằng nửa thời gian của anh Thìn. Điểm khác biệt nữa là lúc anh Lợi đến (1992) thì anh Văn đã rời khỏi mọi chức vụ, chỉ còn làm đề tài nghiên cứu: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và quân đội Việt Nam”. Tuy vậy, anh Văn vẫn làm việc suốt ngày. Anh Lợi vì là bảo vệ, khác với lái xe, nên bất kỳ đại tướng đến đâu, đi công tác xa, đều cũng vào đứng bên cạnh ở các cuộc mít tinh, hội thảo, đi thăm các địa phương. Ngày anh Lợi ngồi nói chuyện với tôi lại đúng vào 7 tháng 5 năm 2013. Anh Lợi nói: “Tôi còn nhớ nhất 2 lần đã đi theo anh Văn lên Điện Biên: lần chuẩn bị kỷ niệm 45 năm và lần chuẩn bị kỷ niệm 50 năm... Anh không đến vào đúng vào ngày 7, nhưng tôi đã phải cương hết hết sức lực để dãn đường cho anh lúc đi bộ từ địa điểm này sang địa điểm khác cho kịp giờ, vì nhân dân và các nhà báo cứ vây chặt xung quanh. Mọi người muốn nắm tay đại tướng hoặc sờ vào vai một cái, nhưng cứ thế thì nghẽn hết cả đường.” (Tôi nghĩ họ làm vậy cũng phải, trước đây 5 năm anh đã được 88 tuổi... Lần kỷ niệm chẵn (năm 2014) anh đâu còn lên Điện Biên được nữa?)

Anh Lợi nói: “Lần vất vả gần đây nhất là lúc cùng anh Văn lên thăm lại Cao Bằng, năm 1994, đi xe Nissan. Đường rất mấp mô. Từ tỉnh đến địa điểm Khai Phắt (nơi nổ ra trận chiến thắng đầu tiên của đội Tuyên truyền Giải phóng quân, 22/12/1944), đường rừng phải dùng 4 xe Land Cruiser của tỉnh. Nhưng đến cửa rừng nguyên sinh – nơi duy nhất nhân dân địa phương không đốt rừng làm rẫy – trời lại mưa. Có 4 người cùng đi bộ (anh Lợi, anh Mùi, một bác sĩ và một con trai đại tướng là Võ Hồng Nam) phải 2 người xốc nách anh Văn, còn 1 đi trước, 1 đi sau... Hẳn là ông cụ 83 tuổi có đổ về ngả nào cũng có người đỡ! Nhưng ở nơi hoang vu ấy, người dân Hơ mông, Dao, Thái... vẫn chạy ra đón anh Văn, dưới mưa. Anh Văn dự lễ khánh thánh di tích lịch sử đỉnh đồi Trần Hưng Đạo, nơi có cánh rừng thành lập đội Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày hôm sau, lại dự mít tinh... Đó là chưa kể năm 93 tuổi anh còn lên Điện Biên kỷ niệm 50 năm chiến thắng. Hồi đó có máy bay nhưng phải đi làm 2 chặng: từ Hà Nội đến sân bay Mường Thanh bằng chiếc IR 72 của Pháp, sau đó lại dùng trực thăng bay lên Mường Phăn. Quá đông phóng viên, cả người nước ngoài chen chúc, tôi lại phải cố ngăn sao cho họ khỏi dẫm lên chân hoặc xô ngã cụ! Anh Văn đi thăm lại mấy nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương tưởng niệm, thăm lại hầm De Castries... Còn ở nhà, anh vẫn ngồi làm việc suốt ngày. Theo lịch của bác sĩ, vào giờ nhất định, tôi mang sữa hoặc nước uống vào, nếu không thì anh Văn sẽ quên. Tuy nhiên, anh vẫn xếp giờ đi bộ, đánh bóng bàn, tập Thái Cực Trường Sinh Đạo (128 động tác, tập 2 lần trong ngày). Có lần, một phóng viên nước ngoài hỏi: Vì sao đại tướng trông vẫn trẻ và khỏe so với tuổi tác đã cao như thế? Anh Văn bảo: Do tôi lạc quan. – Quả vậy, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, cho tới năm anh Văn 97 tuổi, anh mới phải nhập viện một thời gian vì đau xương”. Đến đoạn tiếp sau, tôi nhận thấy giọng nói của anh Lợi (vốn rất hồ hởi, giọng của một người cận vệ khá to con, nước da đỏ au) trầm hẳn lại: “Thế rồi năm cụ 99 tuổi bị viêm phổi, phải nằm viện dài dài...”

Đó là lúc tôi đang ở Pháp, tháng 10 năm 2010, đột nhiên các con tôi báo sang cho biết cái tin dữ mà tôi không thể nào tưởng tượng nổi: Hồng Anh ốm nặng và đã mất. Sau này, về nước, tôi được biết rằng đúng vào thời gian anh Giáp nằm viện, Hồng Anh cũng vào chữa bệnh, thăm cha, nhưng được về nhà dùng thuốc. Có ngờ đâu chỉ vì một chút chủ quan... Sợ anh Giáp bị sốc, tới hôm đưa tang con gái cưng, mọi người chỉ dám nói với anh rằng Hồng Anh ốm rất nặng. Đang nằm ốm liệt giường, anh bật dậy, hét to: “Có phải nó chết rồi không?”. Kể từ đó anh cũng không thể trở dậy để đi viếng mộ con, và đã không về nhà, kể cả ngày Tết. Tôi nghĩ rằng trong bệnh viện, người ta phải sống những ngày thật cô đơn. Nhưng anh Lợi – vẫn là anh – nói như đoán được ý nghĩ của tôi: “Cho đến nay, ở tư thế nằm, anh vẫn tập một số động tác thể dục đều đặn. Những ngày lễ lớn, ngày Tết, ngày sinh nhật, ở phòng tiếp khách của anh Văn trong bệnh viện, tứ trụ triều đình có mặt đông đủ cả. Thời gian đầu, anh còn có thể ngồi xe đẩy ra phòng ngoài tiếp khách. Hiện nay, có 2 phòng dành cho hai nhóm trực 24 trên 24: nhóm y tá và nhóm bảo vệ chúng tôi đây. Còn 1 phòng nữa, các con của anh Văn vào trực đêm, thay phiên nhau. Lúc còn nói nhiều được, anh vẫn nói chuyện với chúng tôi, anh nói rằng ngoài giờ, anh em công vụ có thể học thêm trường đại học buổi tối. Chúng tôi đã có người học ở trường đại học Xã hội Nhân văn, học Cao đẳng kế toán, học kinh tế... Còn nâng cao võ thuật thì hẳn rồi (hồi ở nhà chúng tôi vẫn đôi khi xuất chưởng để luyện võ cùng đại tướng). Khi nằm trên giường, mắt còn tinh, có lúc anh đánh dấu vào tít bài báo, bảo tôi đọc cho anh nghe. Bí thư của anh Văn là đồng chí Huân vẫn vào viện cập nhật thông tin, Thông tấn xã cũng gửi băng ghi âm cho anh Văn. Gần đây, giọng nói của anh rất yếu, nhưng tai vẫn nghe rõ. Theo lệnh của Trung ương và Bộ trưởng quốc phòng, riêng đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn duy trì chế độ giữ nguyên khung cán bộ cho cơ quan được gọi là “Văn phòng Đại tướng”, tất nhiên là số lượng nhân viên thu nhỏ lại còn dưới 10 người. Riêng tôi không biết diễn tả thế nào lòng quý mến, ngưỡng mộ. Chúng tôi mấy anh em vẫn coi anh Văn như người thày, người cha để học tập, cố gắng không ngừng, theo gương anh”.

Nghe anh Lợi nói, tôi lại nghĩ: vậy là anh vẫn sống “tập thể”, bệnh viện như ngôi nhà Hoàng Diệu thu nhỏ lại... và anh Văn vừa là người thầy cũng là một người suốt đời học tập. Đối với giáo sư Đinh Xuân Lâm, vì thầy đã sắp đến tuổi 90, tôi xin phép được đến ghi ý kiến của thầy trong một tiếng vì sau đó thày sẽ bận việc suốt từ trưa cho đến chiều, ở viện Sử. Đến nơi, tôi thấy thầy đang cầm ở tay bản dịch từ cuốn Võ Nguyên Giáp của Boudarel. Thầy không kể lại hồi ức mà đối thoại với tôi, cứ như là phóng viên. Thầy giơ cuốn sách lên và bảo tôi:

- Ở trang 31 cuốn này, có hai điểm mà Bouderel sinh thời đã không biết và bị lầm. Thứ nhất là ông ấy viết là quan cai trị Marty đã đưa Giáp ra khỏi trại giam Lao Bảo trước khi mãn hạn tù, vì ông ta “lọc lõi, kinh nghiệm trong ngành an ninh, lại có đầu óc sáng suốt đáng gờm...”; Marty sợ Giáp ở lâu trong tù, ý chí cách mạng sẽ càng trưởng thành hơn khi tiếp xúc với các chính trị phạm khác. Thế nhưng Boudarel không hiểu rằng Marty đã không “sáng suốt v...v...”: dẫu chỉ là học sinh (ở Huế) bị bắt vì tội tham gia quyên góp ủng hộ các nông dân yêu nước bị tù, nhưng lúc ấy anh Giáp đã mang nặng nợ nước, thù nhà. Điều sai thứ hai của Bouderel, là nói Giáp ra Hà Nội học ở Albert Sarrault. Thực ra, chỉ có chị Bích Hà là học ở Albert Sarrault. Vô tình, viết như vậy, Boudarel không biết rằng có thời sau 1954, những chi tiết ấy có thể là nguồn gốc để ở ta có tin đồn là ông Giáp đã từng hợp tác với thực dân, trước Cách mạng...

Thầy Lâm đúng là... sử gia (?!), vẫn theo kiểu chính xác về chi tiết lịch sử! Tôi đáp lại thày:

- Vâng, về nguồn gốc của lời đồn thổi này là do từ vài dòng trong cuốn Hồi ký của ông C. trước khi sang định cư ở Mỹ ông hay đến chơi với ba em, từ thời em còn bé. Em nhớ đến ông ấy đặc biệt vì bà vợ: bà có tên rất đẹp: Hằng Phấn, hơn thế, bà lại là một trong số vài ba phụ nữ đẹp nhất em đã từng gặp. Khi lời đồn thổi về anh Giáp được tung ra, ba em vẫn còn sống và nói với em: “Ông C. Cũng không có ác ý gì với anh Văn. Có lẽ vào đầu những năm 30, khi anh Giáp ra Hà Nội, có thể ông C đến chơi nhà ta, có thấy là thư của Marty, trùm mật thám Đông Dương gửi cho anh Giáp mà ba để trên bàn, có ghi ở đầu: Cher enfant... Bọn Tây muốn mị dân, dụ dỗ anh Giáp, ghi những chữ đó là chuyện thường tình. Nó không phải chuyển ra tiếng Việt là Con thân yêu để rồi từ đó nói rằng Marty nhận anh Giáp làm con nuôi như tin đồn hiện nay được...”

Thì giờ còn rất ít, tôi xin thầy ý kiến nhận xét về anh Giáp vì anh cũng là một trong “tứ trụ” sử gia từng làm việc với anh:

- Ấn tượng của tôi là anh Giáp làm việc rất kỹ: lắng nghe rồi đối chiếu với các ý kiến của các chuyên gia, từ đó rút ra kết luận của mình. Anh trao đổi kỹ bằng cách luôn nêu ra các câu hỏi với người đối thoại, rồi ghi chép lại. Ví dụ: thiếu tướng Bùi Phan Kỳ ở Viện Lịch sử Quân đội chủ trì đề tài nghiên cứu về Học thuyết quân sự Việt Nam chỉ mời một số chuyên gia: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, anh Giáp... Anh ngồi lắng nghe, ghi chép, cuối cùng mới phát biểu: kết luận chung là Việt Nam có học thuyết quân sự.

Hoặc về giả thiết khoa học. Một nhà nghiên cứu nêu ý kiến: Hồ Chí Minh không chịu ảnh hưởng Phật giáo từ nhỏ, vì trong ngôi nhà ở làng Sen không có thờ tượng Phật. Một ý kiến ngược lại: đây không thể là căn cứ để kết luận, bởi Phật giáo thấm nhuần cả xã hội Việt Nam và cách giáo dưỡng của nhà Phật cũng khác với nhiều tôn giáo khác, có khi không bày tượng ở trong nhà, mà ở ngoài vườn... Ngôi nhà ở làng Sen là một sự khôi phục lại, làm lại hàng rào, nhưng có thể không phải mọi chi tiết đều y nguyên, ngay cả bản sao cuối cùng... Anh Giáp chỉ ghi chép, lắng nghe: rõ ràng điều gì anh không biết thì không có ý kiến! Ngay cả việc phục hồi lại hầm De Castries, anh cũng triệu tập cả những người từng hiểu biết nó khi đánh trận, để đi đến quyết định.

Riêng tôi, tôi ít làm việc với anh hơn là Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng và Dương Trung Quốc... Vì tôi phụ trách phần cuối thế kỷ 19 đầu thế kỉ 20. Nhưng hôm tôi đọc báo cáo về “Tính chất và đặc điểm Việt Nam cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20” tôi thấy anh Giáp đến nghe và ghi chép rất kỹ. Có lẽ vì đoạn này liên quan tới cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

Trong cuốn sách, Boudarel cũng đã nói rất đúng rằng Giáp đã rút kinh nghiệm của tất cả các nhà quân sự nổi tiếng nhất trên thế giới, nhưng vẫn rút ra kết luận của riêng mình... Chính vì vậy mà anh Giáp có được bản chất tốt đẹp của người chỉ huy: anh lắng nghe ý kiến của nhân dân, và làm nên cuộc “Chiến tranh Nhân dân”.

Dân ta lại còn đồn rằng Bác Hồ là người tài giỏi về khoa tướng số. Bác nhìn thấy ở Võ Nguyên Giáp có phúc tướng nên mới chọn anh Văn đi theo, ngay từ lần đầu tiên anh được gặp Bác.

Nói đến đó, thầy Đinh Xuân Lâm hơi cười cười... Thế nhưng tôi lại nhớ tới một chi tiết trong Tổng tập hồi ký Võ Nguyên Giáp. Tháng 5 năm 1940, anh được bí mật vượt biên sang Côn Minh, rồi được đưa đến gặp “đồng chí Vương” trên một chiếc thuyền: “Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi...” Phải chăng đó cũng là mệnh trời, tạo ra cơ hội gặp gỡ, ngay từ trong nhịp đập của trái tim?...

... Lúc từ biệt tôi, thày Lâm mỉm cười hỏm hỉnh. Câu nói cuối cùng với tôi là: “Còn tôi, tôi có tự hào là nhà sử học Việt Nam được chụp ảnh cạnh anh Văn nhiều nhất. Anh là Chủ tịch Danh dự của Hội Sử học, còn tôi ở Ban chấp hành”.

*

Qua những người thân thiết với anh Văn, tôi thấy được từ người chiến sĩ cận vệ đến nhà khoa học, báo giới, họ đều có một điểm chung: coi anh Văn như một “người Thầy”. Và ấn bản rất độc đáo của Nhà Xuất bản Trẻ (2012) hình thành từ ý tưởng của C. Davis Thomas – họa sĩ người Mỹ - và lời kể của nhà văn Tạ Đức, lại có tựa đề: “Võ Nguyên Giáp . Người yêu nước. Người thầy. Người lính”: một sự mở rộng hơn nữa, bao quát cuộc sống của anh Văn.

Riêng với tôi, tập hợp những kỷ niệm của mọi người viết về anh Văn, tôi gọi anh là “Người mang ký ức của trái tim” hướng về mọi người cũng như tiếp nhận sự đáp lại. Mới đây, Hồng Nam, con trai của anh Văn, còn kể lại: “Gần đây, cháu hay lên xã Tam Kim (Khai Phắt), Cao Bằng, mảnh đất đầu tiên đã che chở cho ba cháu làm cách mạng. Họ nói với cháu bằng tiếng Tày: Mì lai rèng slổng ké. Cháu không hiểu họ nói gì, về bệnh viện thăm ba, cháu viết lại phiên âm vào lòng bàn tay cho ba cháu. Ba vẫn nhớ tiếng Tày Nùng và dịch lại: Nhiều sức khỏe, sống lâu”.

Thật ấm áp, khi phải chống chọi lại với những khó khăn của mệnh người “Sinh, lão, bệnh, ...” tới lúc này, mà vẫn nhận được bao ân tình, đại nghĩa.

 

(Văn nghệ số 41/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...