Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Việt Nam với chiến lược biển (1)

16-06-2011 01:25:33 PM

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…

Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam lần thứ 2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là một hoạt động định kỳ nằm trong những sự kiện chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ 01-08/6 hàng năm. Tại Diễn đàn này, nhiều vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đã được đưa ra thảo luận; Nhiều nghiên cứu, kinh nghiệm và thực tiễn của các nước trên thế giới trong việc phát triển kinh tế biển cũng đã được giới thiệu, trao đổi nhằm tìm kiếm các giải pháp cho các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển ở nước ta.

Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Vấn đề khai thác biển đã trở thành mối quan tâm mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền đang cạn kiệt, biển ngày càng được quan tâm hơn. Mặt khác, sự bùng nổ dân số trên thế giới đang gia tăng, theo dự báo đến 2015 dân số thế giới khoảng 7,5 tỷ người. Sự phát triển của dân số thế giới làm cho không gian kinh tế truyền thống đã trở nên chật chội, nhiều nước bắt đầu quay mặt ra biển và nghĩ đến các phương án biến biển và hải đảo thành lãnh địa, thành không gian kinh tế mới.

Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường Biển Đông. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh tế Singapore hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Biển…

Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nước ta nằm ở rìa phía Tây Biển Đông, không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn gấp hơn ba lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng vào loại khá. Sự hiện diện của hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo thế và lực cho đất nước ta trong xây dựng các cụm dịch vụ hậu cần cho hoạt động biển xa, phát triển du lịch biển đảo và thế trận quốc phòng, an ninh. Bờ biển nước ta dài và dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, bến, 48 vũng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương.

Bước vào thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Khai thác biển cho phát triển kinh tế là một cách làm đầy hứa hẹn, mang tính chiến lược và được đánh giá là có vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, theo đó Việt Nam phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế từ biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng Duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim nghạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Nghị quyết, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh ven biển đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện những mục tiêu đề ra.

Theo tinh thần đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo. Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích (cùng có lợi) giữa các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển, hải đảo.

Thực hiện chức năng của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực xây dựng và trình Chính phủ ban hành các công cụ chính sách như Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên và môi trường biển. Bộ cũng đang chủ trì thực hiện hàng loạt các đề án, chương trình, dự án của Chính phủ như: Đề án tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển đến năm 2020 (Đề án 47), Chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ (Chương trình 158), Chương trình Điều tra cơ bản tiềm năng khí hydrate tại các vùng biển Việt Nam (Đề án 796), Chương trình khung về phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan (Chương trình 1278); Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020 (Đề án 80)… Mục tiêu của các chương trình, đề án là nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước có được thông tin chính xác, cách tiếp cận phù hợp góp phần phát triển kinh tế của đất nước trong khi vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị của biển và hải đảo một cách bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020...

Một vấn đề quan trọng khác là Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập với thế giới bên ngoài, vì vậy, đối với biển chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hiệu quả với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn để thực hiện thành công Chiến lược biển, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu vì biển, mạnh vì biển.

--------------------------

1 - Tiêu đề do tòa soạn đặt

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn