Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Mãi mãi tuổi hoa niên

Giang Nam - 28-04-2011 02:02:47 PM

VanVN.Net - Nhà thơ Tế Hanh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia Cách mạng tháng 8-1945. Đã trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng. Năm 1948, ở trong Ban phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ. Uỷ viên thường vụ Chi Hội Văn nghệ Trung ương. Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, là Uỷ viên thường vụ Hội khoá I, II. Uỷ viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nhà văn Việt Nam (1963), tham gia nhiều khoá Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch (1983) Chủ tịch Hội đồng thơ (1986). Mất ngày 16 tháng 7 năm 2009 tại Hà Nội. Giải thưởng văn học: GIải Tự lực Văn đoàn năm 1939. Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I, năm 1996…

Nhà thơ Tế Hanh

Tôi đến với thơ Tế Hanh từ một trong những tác phẩm đầu tiên của anh viết hồi còn đi học ở Huế. “Những ngày nghỉ học” (1938). Tôi không nhớ đã đọc bài thơ ấy ở đâu, trên báo “Ngày Nay” hay trong tập “Hoa niên”, tập thơ đầu tiên của tác giả. Những câu thơ đến bây giờ tôi vẫn thuộc lòng:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương víu trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau...

sao mà có sức lay động tâm hồn lứa học trò chúng tôi như vậy! Thời kỳ 1941-1945 tôi học ở trường Quốc học Qui Nhơn. Xa quê hương, gia đình trên 200 cây số, mỗi năm chỉ được hai lần về sống với làng quê, với những người ruột thịt của mình (Tết và nghỉ hè) trong tôi luôn khắc khoải nỗi nhớ quê, nhớ người thân. Trường tôi lại ở gần ga xe lửa Qui Nhơn, ngày đêm vang vọng tiếng còi tàu. Đêm nằm trong ký túc xá, theo dõi từng chuyến tàu đi, về đến thuộc lòng... Không thể nào ngủ được. Thế rồi, cùng với một vài bạn thân cùng quê Khánh Hoà, chúng tôi bí mật tổ chức “xé rào” (hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng). Đứa canh chừng bác cai trường (bảo vệ), đứa dọn gai, trổ lối chui qua rào keo phía sau ký túc xá, sau đó nguỵ trang lại cẩn thận. Từ đó mỗi buổi chiều, sau giờ ăn cơm tập thể ở nhà ăn, chúng tôi lại nháy nhau trốn khỏi trường bằng lối đi “tự tạo” ấy để ra ga chơi, xem người đi, người về, xem những cuộc tiễn đưa có khi đẫm nước mắt. Một thời gian sau, bác cai Năm (bảo vệ) phát hiện được hành động gian dối ấy. Lẽ ra chúng tôi đã bị kỷ luật, ghi vào học bạ nếu bác ấy báo cáo lên hội đồng kỷ luật của nhà trường. Điều bất ngờ là bác không làm như vậy. Có lẽ bác thương tình lũ trẻ xa  quê nhớ nhà... nên chỉ rầy la qua loa và còn dặn: “đừng để ông hiệu trưởng (người Pháp - GN) hoặc tổng giám thị bắt gặp, sẽ bị đuổi học đấy!”.

Tôi mê bài thơ của Tế Hanh trong hoàn cảnh đặc biệt ấy và đương nhiên như lớp bạn mê văn học của trường rất muốn gặp tác giả, dù biết rằng mình chỉ là chú bé 13, 14 tuổi.

Tôi không ngờ sự “thẩm định” thơ của tôi lại khá chính xác. Sau năm 1975, đọc lại sách và báo trong thành những năm 1939-1945 tôi mới biết: bài thơ “Những ngày nghỉ học” cùng với bài thơ “Quê hương” của Tế hanh là hai bài thơ hay nổi trội trong tập “Nghẹn ngào” gồm 30 bài được giải khuyến khích về thơ của Tự Lực Văn đoàn năm 1939. Thành phần ban giám khảo giải văn chương danh giá này gồm những nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ. Tôi trích một đoạn trên bao viết về sự kiện này:

“Đồng hạng với nữ sĩ Anh Thơ trong giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939, Tế Hanh được giới yêu thơ mến tiếng qua tập thơ “Nghẹn ngào”. “Nghẹn ngào” chứa đựng hai thi phẩm xuất sắc của Tế Hanh “Quê hương” và “Những ngày nghỉ học”. Nó đem đến cho tác giả một thiếu niên hay rụt rè, ngượng nghịu như chàng rễ mới chiếc ghế ngồi trên thi đàn Việt Nam khi nhà văn Nhất Linh, một thành viên Ban giám khảo viết đôi lời khen tặng như sau:

“Có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ xác định giá trị của nhà thơ Tế Hanh”**.

Tôi xin viết thêm về bài “Quê hương”. Như chúng ta đều biết bài thơ nói trên tác giả dành để tặng quê hương thân yêu của mình: xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bài thơ có cái chân chất, thật thà của người dân vùng sông nước, vừa có cái hào khí của những chiến binh làm chủ biển khơi:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang…

Tế Hanh rất tự hào về quê mình và đã giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bài thơ cùng nỗi nhớ thương da diết của anh:

Mười lăm tuổi xa nhà ra Huế học

Tôi bắt đầu cùng các bạn làm thơ

Những vần điệu đầu tiên gởi về quê mẹ

Bài “Quê hương” muối mặn đến bây giờ.

(Gởi Quảng Ngãi)

Bài “Quê hương” là một trong hai bài thơ hay của Tế Hanh trước Cách mạng tháng Tám, khi anh bắt đầu đi vào làng thơ. Rất tiếc tôi lại không “có duyên” với tác phẩm này như bài “Những ngày nghỉ học”. Điều này cũng dễ hiểu: tôi quá “vồ vập” quá say mê với bài thơ diễn tả trực tiếp tâm trạng học trò của mình, vô tình “để rơi”’ một hạt ngọc. Đọc lại hai câu:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

tôi nhiều lần tự hỏi: sao mình lại lướt qua quá dễ dàng những câu thơ đẹp và lãng mạn đến như vậy?

*

Trong kháng chiến chống Pháp nhà thơ Tế Hanh sống và hoạt động ở vùng tự do Liên khu 5 (gọi tắt là Nam, Ngãi, Bình, Phú) với những trách nhiệm rất quan trọng: cán bộ Ban Tuyền truyền Mặt trận Quảng Nam -Đà Nẵng; ủy viên Ban phụ trách trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ do đích thân đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Chính phủ thành lập và hướng dẫn. Đặc biệt anh còn tham gia lãnh đạo Liên đoạn Văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ và năm 1949 là thành viên sáng lập và lãnh đạo Hội Văn nghệ Liên khu 5 (tôi nhớ hồi đó có tên Chi hội Văn nghệ Khu 5, trực thuộc Hội Văn Nghệ Việt Nam). Lúc này sự nghiệp sáng tác của anh đã khá ấn tượng bởi ba tập thơ “Hoa niên”, “Hoa mùa thi” và “Nhân dân một lòng”.

Cùng trong thời gian ấy, ở cái tuổi 16 tôi đã tham gia kháng chiến ở Khánh Hoà, quê hương tôi cũng làm tỉnh đầu tiên nổ súng đánh Pháp ở Nam Trung Bộ, chỉ sau Sài Gòn đúng một tháng. Với ngày 23 tháng 10 lịch sử, ngày mở đầu cuộc chiến đấu ác liệt 101 ngày đêm, bao vây và tiêu hao, tiêu diệt quân viễn chinh Pháp Đổ bộ bằng đường biển lên thành phố Nha Trang, mặt trận Nha Trang đã thu hút hàng vạn người – từ bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích (có cả lực lượng Nam tiến từ miền Bắc và bắc miền Trung chi viện). Tôi được cách mạng phân công làm cán bộ thông tin tuyên truyền và văn hoá văn nghệ cửa thánh. Hồi đó có bằng “thành chung” như tối đã là trí thức rồi! Tôi theo bộ đội đánh đồn, vừa gọi loa tuyên truyền vừa làm thơ, viết văn, viết báo cho tờ báo “Thắng” của tỉnh để động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Tờ báo và các tài liệu tuyên truyền được chuyển về cấp trên để báo cáo và lưu trữ. Qua thư một số bạn bè ở Khu và cán bộ đi công tác về, tôi biết tạp chí “Miền Nam” và báo “Văn Nghệ Liên khu 5” có đăng lại hai bài thơ của tôi “Về vùng tạm chiếm” và “Tôi sẽ trả thù cho anh” được dư luận rất hoan nghênh. Có lẽ anh Tế Hanh biết tên tôi từ đó.

Năm 1951, trên đường vào Cực Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận) công tác, đoàn văn nghệ sĩ của Khu do anh Tế Hanh làm trưởng đoàn đã ghé lại chiến khu Khánh Hoà. Thời cơ bao nhiêu năm chờ đợi mong được gặp anh đã đến nhưng tiếc rằng tôi đã bỏ mất cơ hội. Trong chiến tranh, biết bao lần tôi đã “vô duyên” như thế! Tôi đang bận xuống vùng địch hậu cùng bộ đội làm công tác võ trang tuyên truyền. Khi tôi về cơ quan được anh chị em kể lại: “nhà thơ Tế Hanh có hỏi thăm anh, tiếc là không được gặp anh, một cây bút trẻ Khánh Hoà mà anh nói “rất có triển vọng”. Biết anh hồi trước học ban thành chung trường Quốc Học Qui Nhơn anh rất vui. Anh khen tác phẩm của anh và chúc anh viết nhiều và hay”. “ở vùng bị chiếm mà có nhân thơ, nhà văn cách mạng sống và chiến đấu với nhân dân là rất quý. Khi về nhất định tôi sẽ gặp được anh Giang Nam”.

Tôi mừng như bất được vàng và ngày ngày ngóng trông, chờ đợi. Một thời gian sau dược đọc trên báo của Khu bài thơ “Người đàn bà Ninh thuận” tôi biết anh đã trở về cơ quan ở vùng tự do rồi. Tôi không trách anh vì tôi biết có nhiều tuyến đường bí mật trên đất liền, trên biển và hải đảo... và đoàn đi đường nào là do tình hình hoạt động của địch và sự sắp xếp của cấp trên.

“Người đàn bà Ninh thuận” (1951) là một bài thơ đậm chất hiện thực ác liệt của chiến tranh, viết theo lối kể chuyện:

Chị em phải chịu tật nguyền

Trời ơi, vợ đổi vợ chuyền là đây.

Chị này bị bắn phơi thây

Chị kia treo ngược trên cây mất đầu...

Bài thơ hơi “dân gian” một chút, có lẽ theo quan điểm có lúc thịnh hành ở Khu 5 hồi đó: “thơ phải mang tính đại chúng, dễ nhớ dễ thuộc...” nên có những hạn chế nhất định, Tuy nhiên có hai câu làm tôi giật mình:

Lần đầu tôi thấy chị cười

Cái cười hiền hậu của người Cực Nam

Theo tôi đó là hai câu thơ hay mà tôi cảm được mặc dù tôi biết: nụ cười hiền hậu ấy có phải riêng của người Cực Nam đâu! Chính tác giả, trong phút xúc động sâu sắc với nỗi đau khổ của người phụ nữ đang đứng trước mặt mình đã “thổi hồn” vào nụ cười của chị. “Cái cười” ấy đã vượt lên bom đạn, tang tóc để mãi mãi là biểu tượng của tâm hồn Việt Nam: hiền hậu, thuỷ chung, yêu quê hương, yêu cuộc sống... của người dân Cực nam Trung Bộ.

Tôi không ngờ cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với nhà thơ Tế Hanh lại diễn ra trong hoàn cảnh mà tôi không lường trước được. Đó là vào tháng 4/1975, không phải ở Sài Gòn mà ở Hà Nội.

Giữa tháng 3/1975, tôi đang có mặt ở sở chỉ huy tiền phương của Khối Tuyên huấn, báo chí, văn hoá văn nghệ Trung ương Cục ở một địa điểm giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương thì được điện thoại của Ban Tuyên huấn mời về gấp. Lúc này quân ta vừa giải phóng Buôn-mê-thuột và triển khai việc bao vây, cô lập Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Tôi hồi hộp, hy vọng mình sẽ được biệt phái ra miền Trung theo chân các chiến sĩ về giải phóng quê hương mình. Không ngờ lúc gặp nhau, thường trực Ban Tuyên huấn lại giao một nhiệm vụ khác: đi Hà Nội! “Có điện khẩn của Trung ương yêu cầu miền Nam cử một đoàn nhà thơ đi Hunggari dự hội nghị quốc tế về thơ kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít với tư cách là người đang ở chiến trường đánh Mỹ”. Trung ương Cục đã quyết định thành lập đoàn 3 người: Giang Nam (trưởng đoàn), nhà thơ Viễn Phương và nhà thơ Chim Trắng thay mặt cho các nhà thơ miền Nam đi dự hội nghị.

Được đi quốc tế trong lúc cả ba anh em chúng tôi chưa hề biết Hà Nội đáng lẽ là niềm vui lên, nhưng ngược lại làm chúng tôi rất buồn. Không ai muốn đi khi chiến thắng đã gần kề. Các anh lãnh đạo Ban đặc biệt là đồng chí Trần Bạch Đằng rất thông cảm tâm trạng của chúng tôi và đã lắng nghe rất kiên nhẫn các lý lẽ mà chúng tôi trình bày. Cuối cùng các anh đã kết luận: “Không thể làm gì khác, đó là chỉ thị của Trung ương mà chúng ta phải chấp hành. Các đồng chí hãy về chuẩn bị ngay để chiều nay lên đường cho kịp các chuyến xe ra bên quân đội”.

Chúng tôi rời Lộc Ninh ngày 26 tháng 3 năm 1975, ngày 9 tháng 4 đến Vĩnh Linh và bốn ngày sau nữa đã có mặt ở Hà Nội. Đoàn được nhà thơ Bảo Định Giang đưa lên gặp đồng chí Tố Hữu. Lần này thì kế hoạch đi bị phá sản trong nỗi vui mừng khôn xiết của chúng tôi. Nhà thơ Tố Hữu thông báo: “Trung ương quyết định đoàn nhà thơ miền Nam không đi Hunggari nữa, việc ấy để ngoài này lo. Các anh nghỉ ngơi, thăm thú Hà Nội, Hải Phòng chuẩn bị sức khoẻ để có mặt ở Sài Gòn trong ngày vui chiến thắng”. Và ngày 18/4 là cuộc họp lớn của văn nghệ sĩ tại Nhà hát lớn để chuẩn bị làm nhiệm vụ mới. Đoàn chúng tôi vinh dự được ban tổ chức xếp ngồi hàng ghế đầu bên cạnh các anh mà mình từng nghe tiếng nhưng chưa được gặp mặt: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư... Đương nhiên trong số đó có hai nhà văn có kỷ niệm đặc biệt với tôi: nhà văn Nguyễn Văn Bỗng (đã có thời làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục, người lãnh đạo trực tiếp của tôi hồi ở chiến trường (1963- 1968) và nhà thơ Tế Hanh, người mà tôi đã lỡ dịp gặp nhau năm 1951 ở Khánh Hoà.

Bây giờ mới gặp nhau đây

Mà lòng đã tưởng những ngày một hai

Tôi đã cầm tay anh mà nói trong nỗi xúc động không kiềm chế được: “Chúng ta đã lỡ hẹn 24 năm về trước chắc anh còn nhớ. Ngày ấy tôi đã xem bài thơ “Người đàn bà Ninh Thuận” như một lời nhắn kín đáo anh gởi lại chúng tôi ở chiến trường. Tôi đã đọc dù không được nhiều lắm những bài thơ của anh thời chống Mỹ. Tôi rất thích “Nhớ con sông quê hương”, “Chiêm bao”, “Hà Nội vắng em”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu”. Và ở cái tuổi “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” của tôi ở Qui Nhơn tôi đã mê “Những ngày nghỉ học”, sao mà dễ thương, lãng mạn đến như vậy!”

Nhà thơ Tế Hanh nắm chặt tay tôi: “Cám ơn Giang Nam. Còn ở Hà Nội thì nhớ ghé thăm tụi mình ở 10 Nguyễn Thượng Hiền. Mình và Nguyễn Văn Bỗng ở tầng 1, sát cạnh nhau”.

Những năm sau đó, khi tôi được điều động ra Hà Nội công tác ở Hội Nhà văn, tôi vẫn thường đến thăm các anh, nghe các anh góp ý kiến và những kinh nghiệm về công tác chuyên môn, công tác quản lý tổ chức , về chất lượng tác phẩm, về tuần báo “Văn Nghệ” mà tôi là tổng biên tập. Đặc biệt chính anh Tế Hanh với tư cách là người cùng quê Khu 5 đã giúp tôi hiểu thêm về Hà Nội, về con người Hà Nội, về cách ứng xử... khi tôi còn là một anh “lính mới”. Có thời gian anh và tôi cùng là thành viên Hội Đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam gồm Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Giang Nam, Hữu Thỉnh (1984-1989). Tôi học được ở anh rất nhiều điều bổ ích: trầm tĩnh và sâu sắc, sắc bén trong nhận định. Cho đến ngày anh và anh Bỗng lâm bệnh nặng và tôi thì đã về công tác ở Khánh Hoà, mỗi lần ra Hà Nội tôi đều ghé số 10 Nguyễn Thượng Hiền, nơi tôi có những người anh, người bạn trọn đời yêu thương, quý mến nhau để thăm hỏi sức khoẻ và mang đến các anh những món quà nhỏ của Nha Trang mà các anh rất thích.

Cách đây hơn một tháng, tôi được mời ra dự cuộc họp mặt lớn của các nhà, văn nhân kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Khi tuổi đã ở buổi xế chiều mà được về lại thủ đô, thăm thú cảnh quan và bạn bè ngày xưa thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhân dịp này tôi đã chọn ngày 10-10-2010, ngày đại lễ kết thúc các hoạt động kỷ niệm để viếng mộ anh ruột tôi, một tiến sĩ ngữ văn đang yên nghỉ ở nghĩa trang Thanh Tước. Đây là lần đầu tiên tôi đến nghĩa trang này (do các cháu, con anh chị tôi đưa di). Anh và chị dâu tôi đã mất, tôi trở thành người lớn nhất trong gia dình, thay mặt những người đã ra đi để động viên và giúp dỡ các cháu.

Chiều hôm ấy chúng tôi có mặt ở nghĩa trang. Lần theo các bia mộ ở hàng thứ nhất từ trên xuống, tôi tìm được mộ của anh tôi ô đầu hàng. Trong lúc chờ các cháu sắp đặt hương, hoa tôi tiếp tục thăm các ngôi mộ còn lại cùng hàng. Bất ngờ cách mộ anh tôi 4 ngôi mộ; một tấm bia đập vào mắt tôi: Tế HANH nhà thơ (1921-2009). Tôi dừng lặng, bồi hồi và nước mắt trào ra. Và điều kỳ điệu thứ hai đã xảy ra: ở hàng thứ năm từ trên xuống, tôi đã gặp bia mộ của tác giả “Núi Đôi”: Vũ CAO, nhà thơ (1922-2007). Tôi đốt hương cắm lên từng ngôi mộ và khấn thành tiếng: “Các anh đã yên nghỉ nơi đây, bên nhau như hồi còn sống để gia đình, con cháu và bạn bè biết nơi thăm viếng. Phía sau nỗi mất mát lên lao là niềm vui lớn lao đã cống hiến những gì đẹp nhất của đời mình cho quê hương, đất nước. Bên cạnh hai nhà thơ nổi tiếng là nhà ngôn ngữ học cũng nổi tiếng. Nếu thích, các anh có thể tiếp tục nhưng cuộc đàm đạo, tranh luận về văn học, về thơ…” Các cháu nghe tôi khấn đều ngạc nhiên và che miệng cười. Chúng cắm thêm hương, đặt những cành hoa hồng lên mộ những nhà thơ mà chúng cũng yêu như tôi.

Về đến Nha Trang, tôi tỉ mẩn mở “kho tài liệu quý” của mình để tìm các kỷ   niệm của bạn bè văn nghệ sĩ: thư từ, tác phẩm còn giữ lại được. Về nhà thơ Tế Hanh, tôi có ba tập thơ tự tay anh đề tặng cho tôi. Lạ một điều (không biết tình cờ hay cố ý) anh đã chọn thời điểm Mùa xuân để tặng thơ: Mùa xuân 1977 (tập thơ “Giữa những ngày xuân”), mùa xuân 1986 (tập thơ “Bài ca sự sống”) và mùa xuân 1988 (“Tuyển tập thơ Tế Hanh”). Tôi hiểu anh rất yêu mùa Xuân, mùa của đất trời đổi mới, mùa của sức trẻ, của tuổi HOA NIÊN như tên tập thơ đầu tiên của anh.

Cuối đông 2010

(Văn nghệ số 16)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...