Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Thế ứng đối văn hóa của Đại Việt qua hành trạng và tâm thức quý tộc thời Trần

Phần 2

Nguyễn Văn Kim - 27-07-2011 01:36:35 PM

VanVN.Net - Tiếp theo phần 1

2. Những vòng tiếp giao văn hóa và ứng đối với phương Nam

Cùng với việc giữ thế ứng đối với văn hóa phương Bắc, nhà Trần cũng rất chú ý đến những ảnh hưởng của môi trường chính trị, văn hóa phương Nam với xã hội Đại Việt. Liên tiếp trong các năm 1294, 1297, 1301, thời vua Trần Anh Tông (1276-1320), nhà Trần đã phải cất quân ngăn chặn các cuộc xâm lấn, cướp phá biên giới miền Tây Bắc của quân Ai Lao. Trong những trận giao tranh đó, danh tướng Phạm Ngũ Lão, một người vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng về sau đã bộc lộ khuynh hướng quý tộc hóa khá mạnh mẽ, đã lập được nhiều kỳ tích. Bên cạnh đó, chính quyền Thăng Long cũng rất coi trọng quan hệ với Chămpa, một vương quốc ở phía Nam. Nhân việc sứ giả Chămpa sang cống lễ vật, Hương Vân đại đầu đà đã theo sứ bộ đến thăm quốc gia phương Nam. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm có trong quan hệ giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực khi người đứng đầu trên thực tế của một quốc gia đến thăm hữu nghị một nước láng giềng. Về phần mình, hẳn là quốc vương Champa cũng muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với Đại Việt và để củng cố mối quan hệ đó, chính quyền Chăm muốn có sự ràng buộc qua con đường hôn nhân (27). Trong chuyến đi đến Chămpa năm 1301, Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Hành động đó của Nhân Tông một lần nữa cho thấy năng lực xuất thế của Thiền phái Trúc Lâm và chính ông, người giữ cương vị cao nhất của giáo hội, không phải bao giờ cũng nhất nhất tuân thủ theo trì giới. Mặt khác, trên phương diện đối ngoại, Nhân Tông muốn gửi một thông điệp hòa bình của Đại Việt đến quốc gia phương Nam. Có thể cho rằng “Nhân Tông muốn qua cuộc hôn nhân này xây dựng quan hệ hòa bình giữa Đại Việt và Chămpa” (28).

Đến TK XIV, thế và lực của Đại Việt đang được củng cố và tăng lên trong quan hệ khu vực. Trước nghĩa cử đó của Trần Nhân Tông đồng thời cũng có thể là để đáp lại sự phối hợp, giúp đỡ của Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông năm 1282 nên vua Chămpa là Sri Harijit (Jaya Simhavarman III), tức Chế Mân (1285?-1307), con trai của vua Indravarman V, có lẽ đã chủ động đề xuất và sẵn sàng đón nhận sự hứa gả đó (29). Kết quả của chuyến “vân du” nhưng thực chất là cuộc vận động ngoại giao đó đã đưa về cho Đại Việt một vùng đất tương đối rộng lớn ở phương Nam với hai châu Ô, Lý (tức Thuận châu và Hóa châu).

Tiếp cận lịch sử theo một chiều hướng khác chúng ta thấy, cuộc hôn nhân Việt - Chăm đã không diễn ra vội vàng. Vốn là một người giàu kinh nghiệm chính trị, uyên thâm, thận trọng nên việc hứa gả công chúa Huyền Trân không thể coi là quyết định đường đột, biểu hiện cảm xúc nhất thời hay sự “trót hứa” của Nhân Tông với Chế Mân như các sử gia thời Lê và một số nhà nghiên cứu quan niệm. Từ khi Nhân Tông hứa gả đến lúc sứ bộ Chămpa sang chính thức đón dâu là 5 năm (1301-1306). Trong thời gian đó cả hai bên đều có thể đưa ra nhiều nguyên nhân hay nguyên cớ để rút lời hẹn ước. Do vậy, trong cuộc hôn nhân, cả hai bên hẳn đều có sự tính toán chiến lược kỹ càng. Ta không rõ sự dâng đất này xuất phát từ thâm ý của vua Chăm hay là điều kiện do Nhân Tông (Anh Tông?) đặt ra. Chỉ biết rằng cuối cùng, cùng với các sính lễ giá trị, chính quyền Chămpa đã chủ động và tự nguyện dâng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới. Năm 1307, nhà Trần đổi thành châu Thuận, châu Hóa đến cuối Trần lập thành lộ (trấn) Thuận Hóa. Như vậy, có thể coi “đất Thuận Hóa ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không phải bằng sự lấn chiếm hay xâm lược mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hòa hiếu và của một cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử” (30).

Điều đáng chú ý là, nếu như ghi chép trong Toàn thư là chính xác thì Trần Khắc Chung, một người có ảnh hưởng lớn trong vương triều Trần thời Anh Tông, đã ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc hôn nhân Việt - Chăm, tức là đồng ý cho công chúa Huyền Trân (có thể đã có tình ý riêng) vào Chiêm Thành kết hôn với Chế Mân. Ông là người giỏi ngoại giao và chắc chắn hiểu rất rõ “tư duy khu vực” của Nhân Tông, đã cùng với Văn Túc Vương Đạo Tái, một người được Nhân Tông đặc biệt yêu mến, nhất trí tán thành cuộc hôn nhân nên “việc bàn mới quyết”. Tháng 6 năm Hưng Long thứ 14 (1306), mùa hạ, đang độ nóng nực, triều đình quyết định gả công chúa Huyền Trân (18 tuổi) cho Chế Mân (31). Như vậy, dưới danh nghĩa hòa bình và củng cố quan hệ láng giềng thân thiện đã có một lớp sương mờ trong kịch bản hôn nhân từ cả hai phía.

Phân tích sự kiện theo tư duy logic chúng ta thấy, cùng với thông điệp hòa bình, chắc rằng Đại Việt muốn mở rộng ảnh hưởng về phía Nam để tạo thế phòng ngự có chiều sâu về chiến lược. Thế trận gọng kìm do quân Nguyên đặt ra trong cuộc kháng chiến lần thứ hai khiến nhà Trần càng hiểu thêm vị trí của hai châu Ô, Lý. Do vậy, “câu chuyện Chế Mân lấy châu Ô, châu Rí làm đất dẫn cưới công chúa Huyền Trân (1306) chỉ là một cớ hợp thức hóa sự chuyển nhượng từ trong thực tế trong khi nhà Trần phải lo tìm đồng minh để đề phòng mối xâm lăng từ phương Bắc” (32). Bình luận về sự kiện trên GS Đào Duy Anh cho rằng: “Vua Chiêm Thành là Chế Mân vì sợ uy nhà Trần mấy lần chiến thắng quân Mông Cổ, sai sứ sang cầu hôn. Thượng hoàng Nhân Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho. Chế Mân bèn lấy hai châu Ô và Lý làm vật nạp trưng”(33).

Nhìn toàn cục, đối với Chămpa về hình thức tuy có bị mất một phần đất, cư dân, tài sản... nhưng qua cuộc hôn nhân, chắc hẳn vương quốc này hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Đại Việt. Từ đó, họ sẽ thâm nhập sâu hơn vào xã hội Đại Việt để rồi nếu cơ hội đến thì không những có thể giành lại đất mà còn tăng cường ảnh hưởng ra vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn, mở rộng không gian sinh tồn đồng thời khai thông tuyến thương mại trực tiếp với Trung Hoa. Tiếc rằng mối tình Huyền Trân - Chế Mân đã sớm kết thúc khiến chúng ta rất khó dự báo chính xác diễn tiến quan hệ Việt - Chăm, nhưng những hành động xâm lấn thường xuyên và sau đó là các cuộc tiến công quyết liệt của quân Chămpa dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga vào vùng Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa mà điển hình là ba lần tràn vào cướp phá, tiêu hủy Thăng Long trong các năm 1371, 1377, 1378 cho thấy rõ tham vọng của nước này. Phải đến năm 1390, khi Chế Bồng Nga bị thủy quân nhà Trần do Trần Khát Chân chỉ huy bắn chết ở Hải Triều, thì về cơ bản mối hiểm họa từ phương Nam mới cơ bản chấm dứt. Cũng cần phải nói thêm là, nhà Trần rất cảnh giác với Chămpa. Suốt thời Lý và đầu thời Trần hai bên đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Năm 1279, vua Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống. Họ xin ở lại làm nội thần, nhưng chính Trần Nhân Tông, người nổi tiếng nhân từ, đã không chấp nhận đề nghị đó!

Trong thế ứng đối văn hóa với các quốc gia khu vực, cùng với các vua, một số danh tướng, quý tộc nhà Trần đã lập được nhiều thành tích và chiến công lớn thông qua các hành trạng văn hóa. Trong số đó, Trần Nhật Duật (1253 - 1330) nổi lên như một nhân vật tiêu biểu. Các sử thần nhà Lê đánh giá: “Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế”(34). Không những say mê nghệ thuật, ông còn là tác giả của nhiều tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát. Hơn thế, Chiêu Văn còn là người tinh thông sử sách, “rất hâm mộ huyền giáo, thông hiểu xung điển, nổi tiếng đương thời là người uyên bác”(35). Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí cũng cho rằng: “Chiêu Văn mưu kế tài giỏi, độ lượng nhã nhặn, làm việc gì cũng được”. Hơn thế, “ông là người nhã nhặn có độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt; lại thông hiểu kinh điển, giỏi âm luật, người thời ấy khen là người hiểu biết rộng rãi. Những văn thư của triều đình đều do tay ông thảo cả”(36).

Là một đại quý tộc, được giao đảm trách quan hệ đối ngoại Trần Nhật Duật đã tự tạo nên một phong cách riêng hết sức độc đáo. Khi người nước ngoài đến kinh đô, nếu là người Tống, ông thường ngồi gần đàm luận say sưa, nhưng nếu là người Chiêm hay các dân tộc khác thì theo quốc tục của họ mà tiếp đãi. Sứ giả nước Xích Mã Tích (Temasek) sang cống, trong triều chỉ có ông hiểu và dịch được ngôn ngữ nước họ. Xích Mã Tích là vùng đất thuộc Singapore ngày nay, nhiều khả năng Trần Nhật Duật đã hiểu được tiếng Malay nhưng cũng có thể ông đã biết tiếng Ba Tư hay Arập (37). Việc giới quý tộc Đại Việt thường xuyên tiếp xúc với sứ giả, thương nhân Trung Hoa, Chămpa và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á đã tăng cường khả năng ngôn ngữ của họ. Vị trí tiếp giao giữa hai thế giới Đông Bắc Á - Đông Nam Á cũng thúc đẩy năng lực hội nhập văn hóa, tư duy kinh tế của giới quý tộc Trần.

Mỗi lần tiếp sứ Nguyên, với tư cách Tể tướng, Trần Nhật Duật đều có thể nói chuyện trực tiếp, không cần người phiên dịch. Do cách ứng xử linh hoạt, có chiều sâu văn hóa và năng lực cao về ngôn ngữ nên sứ giả nhà Nguyên tưởng ông là người Chân Định (Hà Bắc), một vùng đất có tiếng là văn vật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các hoạt động ngoại giao đó, với tư cách là trọng thần, mặc dù luôn có ý thức về luật pháp và coi trọng phép nước nhưng Trần Nhật Duật đã tự mình “tháo dỡ” một số nguyên tắc trong quan hệ bang giao. Tài năng cá nhân vượt trội và một thiết chế chính trị xã hội giàu chất khoan dung, coi trọng giá trị thực tiễn đã tạo nên một không gianthời gian văn hóa rộng mở cho nhiều hành vi, ứng đối văn hóa vượt ra khỏi khuôn phép của hoàng gia và khác với thông lệ.

Là người luôn được giao quản lý các trọng trấn, Trần Nhật Duật có ý thức mạnh mẽ trong việc mở rộng ảnh hưởng, khẳng định uy quyền của Thăng Long - Đại Việt. Thế ứng đối của ông là sự tổng hòa giữa tinh thần dân tộc với bản lĩnh chính trị cùng niềm tin về tri thức văn hóa. Việc xử lý thành công mối quan hệ với các tộc người sống ở phía tây thể hiện sự tài giỏi và nguồn tri thức văn hóa của ông. Năm Canh Thìn (1280) thổ tù ở đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật tụ tập đồ đảng cướp bóc dân chúng. Triều đình cử Trần Nhật Duật đến dụ hàng. Vào chỗ rừng thẳm, núi cao, giữa điệp trùng vòng vây và vũ khí đe dọa nhưng ông chỉ đem theo năm, sáu tiểu đồng đi thẳng đến trại của Mật. Ông dùng tiếng nói của họ để đối đáp, lại cùng với Mật ăn bằng tay, uống bằng mũi. Thổ tù Trịnh Giác Mật vô cùng sợ hãi, khâm phục. Trần Nhật Duật bình được Đà Giang mà không tốn một mũi tên. Như vậy, những thành công của Trần Nhật Duật, như lịch sử ghi lại, đã được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng trong đó rõ nhất, điển hình nhất là sức mạnh văn hóa. Chính sức mạnh văn hóa khiến quân Nguyên phải khiếp sợ. Và cũng chính sức mạnh văn hóa đó mà thổ tù Trịnh Giác Mật phải quy phục. Ba vũ khí văn hóa mà ông sử dụng tỏ ra cực kỳ hiệu nghiệm: Nói bằng tiếng nói của chính họ, ăn bằng tayuống bằng mũi. Nói cách khác, ông đã thực sự dấn thân vào vòng văn hóa đó, làm chủ và cuối cùng đã chinh phục được nền văn hóa đó.

Vấn đề đặt ra là, giữa thời chiến tranh, lại đảm đương nhiều trọng trách nhưng nhờ đâu mà Trần Nhật Duật có thể có được những năng lực siêu phàm đó. Vua Trần Nhân Tông từng giải thích: “Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc cho nên giỏi tiếng các nước đó”(38). Cách giải thích thấm đượm tinh thần Phật giáo của người đứng đầu thể chế không chỉ là sự ngợi khen chân thành mà còn là sự kính trọng đối với những tài năng vượt trội. Phải chăng, chính tư tưởng thân dân, gần dân, sự khoáng đạt trong giao tiếp và một môi trường xã hội tương đối dân chủ, tự do của nhà Trần đã tạo nên những con người bản lĩnh, đa tài (39). Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, tại chiến trận Hàm Tử, Trần Nhật Duật còn mạnh dạn sử dụng số người Tống do chính ông dung nạp trước đây tham gia cuộc chiến. Cùng với binh sĩ người Việt, họ được mặc trang phục, cầm binh khí giống như quân Tống khiến quân Nguyên cả sợ, bỏ chạy, bị quân ta đánh tan tác. Toàn thư cho rằng: “Chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”(40).

Về năng lực ngôn ngữ và sự thấu hiểu phong tục, luật tục của các dân tộc có thể cho rằng Trần Nhật Duật đã tiếp nhận trong thời gian trấn nhậm ở vùng biên ải, trong các cuộc hành binh nhưng điều chắc chắn là ông còn giao hòa với chính những người “Man”, người Chiêm vốn là nạn nhân của các cuộc chiến tranh hay di cư sang đất Việt. Lịch sử cho thấy, xung quanh kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần luôn có một vòng văn hóa ngoại sinh và Trần Nhật Duật đã chủ động kết mối thâm giao với những sinh thể hiện hữu của vòng văn hóa đó (41). Toàn thư ghi rõ: “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (Đa Gia Li, chính là làng Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ ngày nay)... có khi ba bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông”(42) hỏi han, đàm đạo. Thời Trần, các quý tộc thường có nhiều gia nô. Nhiều khả năng, Trần Nhật Duật đã nuôi dưỡng một số gia nô là người ngoại quốc. Từ hành trạng và những cống hiến nổi bật của ông với đất nước, vương triều, có thể coi Trần Nhật Duật là nhà dân tộc học, nhà ngôn ngữ học tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại. Lúc cuối đời, Chiêu Văn Vương còn là người chu toàn, giàu ân nghĩa. Ông đã hết lòng chăm sóc, nuôi dạy hoàng tử Thánh Sinh con vua Trần Anh Tông. Về sau, hoàng tử trở thành vua Minh Tông, người đã dốc lòng “đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”(43).

Là một triều đại hình thành từ vùng ven biển, nhà Trần có ý thức về biển rất mạnh mẽ. Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc kháng Bắc, địch Nam, nhà Trần đã xây dựng được một lực lượng thủy quân mạnh, thành thạo hải chiến. Bên cạnh đó, tiếp nối truyền thống, vương triều Trần cũng rất coi trọng quan hệ giao thương trên biển. Chính quyền Thăng Long rất chú tâm đến hoạt động của các thương cảng đặc biệt là Vân Đồn ở Đông Bắc cũng như các cảng vùng Thanh - Nghệ Tĩnh tiếp giáp với Chămpa và các quốc gia láng giềng phía nam. Dưới danh nghĩa văn hóa và bảo vệ an ninh trên biển, Trần Khánh Dư, được giao trấn nhậm vùng Vân Đồn, đã có ý thức rất mạnh mẽ về vai trò của quan hệ hải thương. Chính ông đã tiến hành nhiều thương vụ nhưng nổi tiếng nhất là việc bán nón Ma Lôi cho khách buôn và cư dân vùng thương cảng. Phòng khi hữu sự và để “tránh nhầm lẫn” giữa người Việt với người Hoa, Trần Nhật Duật đã dùng giải pháp phân lập văn hóa, ngầm sai người nhà (quan hệ thân tộc) đem nón Ma Lôi (sản vật quê hương) đến bán và thu được nguồn lợi lớn (mục tiêu kinh tế). Theo Toàn thư, ban đầu mỗi chiếc bán không tới 1 tiền nhưng về sau giá cả dần nâng lên mỗi chiếc đắt bằng một tấm vải. Kết quả là, số vải mà ông và gia thần thu được lên tới hàng ngàn tấm!

Có thể coi, Trần Khánh Dư là một quý tộc điển hình của vương triều Trần. Ông là một phức hợp của nhiều nhân cách, tư cách. Nhân Huệ vương là người đầu tiên trong giới quý tộc thời Trần đã công khai coi lợi ích, lợi nhuận và sự bóc lột dân chúng là quyền năng của kẻ thống trị với “tuyên ngôn” nổi tiếng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?” (44). Ngoài tài năng quân sự, ông còn có tư chất của một thương nhân, rất thành thạo nghề buôn. Qua các nguồn sử liệu có thể coi Trần Khánh Dư là một quý tộc có tư duy thương nghiệp điển hình nhất thời Trần. Tư duy đó khác biệt căn bản với tư duy nông nghiệp của phần lớn các quý tộc thời đại bấy giờ luôn hướng về kinh tế nông nghiệp với các điền trang, thái ấp. Tư duy đó cũng khác với tư tưởng chủ đạo của nhà Trần luôn coi trọng vai trò của nhân dân và coi việc “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” được thể hiện trong tư tưởng chính trị, văn hóa của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo. Nhưng, không chỉ là người có thiên hướng, tài năng kinh doanh, Trần Khánh Dư còn là người ưa hoạt động thực tiễn. Bị triều đình đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản do tư thông với công chúa Thiên Thụy, ông về vùng quê Chí Linh “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”. Điều thú vị là, thông qua hoạt động thực tiễn đó, khi thời cơ đến ông đã tự giới thiệu lại chính mình, khôi phục lại được danh vị quý tộc và chức vụ trong quân đội (Phó đô tướng quân). Được giao trấn nhậm Vân Đồn, có quyền lực trong tay, môi trường kinh doanh thuận lợi, sẵn có tư duy thương nghiệp, ông đã tiến hành những thương vụ lớn hơn. Nhiều khả năng, vụ buôn nón Ma Lôi đã có những tác động tiêu cực đối với hoạt động của vùng thương cảng. Chính sử triều Lê cho rằng, vua Trần Nhân Tông vì tiếc ông có tài làm tướng nên không nỡ bỏ!

Trần Khánh Dư là người có công lớn trong việc chặn đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (45). Nhưng, Nhân Huệ vương còn là một trí thức quý tộc, là người đề tựa cho tác phẩm Vạn Kiếp tông bí truyền thư với lời bình nổi tiếng: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết”(46). Theo Phiêu kỵ đại tướng quân, bộ sách quý của Trần Hưng Đạo là nhằm để phía bắc trấn ngự Hung nô (chỉ nhà Nguyên), phía nam uy hiếp Lâm Ấp (Chiêm Thành). Những điều viết về ông hẳn còn nhiều sai khuyết nhưng Trần Khánh Dư là hiện tượng dị biệt, có tính cách mạnh mẽ. Mặc dù bị các sử thần nhà Lê coi là người “tham lam, thô bỉ” và trong ông luôn có dáng vẻ kiêu hùng của một võ tướng quý tộc nhưng các tác giả Toàn thư cũng như Lịch triều hiến chương loại chí đều phải công nhận Trần Khánh Dư là một nhà chỉ huy quân sự có biệt tài. Phan Huy Chú xếp ông là một trong bốn vị danh tướng tiêu biểu của thời Trần sau Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão.

Là những quý tộc, giữ trọng trách của đất nước, dần quen với cuộc sống cung đình nhưng hầu hết các vua và quý tộc thời Trần đều ý thức sâu sắc về cội nguồn của mình là vùng “hạ lưu” (hạ bạn), sống và giàu lên nhờ nghề đánh cá. Trong không gian văn hóa đó, cư dân vùng biển đều có tục xăm mình để “giao long tưởng là đồng loại mà không hãm hại”(47). Sau khi nắm giữ được quyền lực, tục đó mau chóng trở thành một biểu trưng chính trị và văn hóa của dòng họ Trần. Toàn thư ghi rõ: “Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm mình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng ở trên người, cho rằng thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm đến, cho nên gọi là “thái long”(48). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất, tiếp nối truyền thống văn hóa và để thể hiện quyết tâm giết giặc đền nợ nước, báo Hoàng ân, binh sĩ nhà Trần đều cho thích lên cánh tay hai chữ Sát Thát. Đó là khẩu hiệu hành động, thể hiện quyết tâm giết giặc. Về sau, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi cho rằng quan quân nhà Trần đã “khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”! (49).

Là người có ý thức dân tộc và quê hương sâu sắc, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có lần đến ngự ở cung Trùng Quang, có sự tham dự của vua Anh Tông và Trần Quốc Tuấn, đã tái khẳng định nguồn gốc của dòng họ Trần: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiển Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”(50). Theo chính sử, chính ông cũng có hình xăm ở đùi. Nhưng khi Nhân Tông yêu cầu vua Anh Tông xăm hình thì nhà vua đã từ chối bằng cách trốn về cung Trùng Hoa. Hành động chối bỏ một phong tục của quá khứ, mang tính đặc trưng của dòng họ Trần của vua Anh Tông hẳn đã dẫn đến một phản ứng văn hóa mang tính dây chuyền trong giới quý tộc. Từ đó, các vua nối ngôi không xăm hình ở đùi nữa! Nhưng, chắc chắn rằng, tục xăm hình vẫn còn phổ biến và được ưa chuộng đối với các tầng lớp xã hội bên dưới. Điều đáng chú ý là, từ chỗ mang ý nghĩa ma thuật, tục xăm hình đã dần trở nên “đời thường” hơn và được coi là dấu hiệu để chỉ thang bậc xã hội, nghề nghiệp, nguồn gốc xuất thân, sắc thái tâm lý... Năm 1298, khi nhà Trần đặt các quân hiệu Thượng đô, Thủy dạ xoa đô, Chân kim đô đã sai thích các chữ như chân kim... lên trán. Quân cấm vệ cũng được thích chữ kim cương. Nhưng đến năm 1323, cùng với việc mở khoa thi Thái học sinh, vua Trần Minh Tông (1330 - 1357) cũng ra lệnh bỏ tục quân sĩ xăm mình rồng ở lưng và hai vế đùi. Nếu như coi tục xăm mình là sắc thái văn hóa của cư dân vùng biển thì đến đây, về cơ bản, chí ít là trong giới quý tộc cao cấp phong tục đó đã bị bãi bỏ(51). Phải chăng, chính nhận thức về tính chất Đông Nam Á đặc thù này mà các ông vua và quý tộc thế hệ thứ ba đã từ bỏ một phong tục thiêng gắn với truyền thống của mình. Nói cách khác, một bộ phận lớp trên của văn hóa cuối thời Trần đã có sự chuyển dịch từ phương Nam (Đông Nam Á) lên phương Bắc (Đông Bắc Á), từ tư duy ven biển, đánh cá đến tư duy châu thổ, làm nông gần hơn với mô thức Trung Hoa.

Cũng cần phải nói thêm, với sự chuyển dịch tâm thế đó, Đại Việt dường như bắt đầu có cái nhìn xa lánh, kỳ thị với nền văn hóa của các quốc gia láng giềng khu vực. Đến TK XIV, trong ánh hào quang của các cuộc chiến tranh vệ quốc, tự coi mình là một cường quốc khu vực, nhà Trần muốn xác lập một nguyên tắc mới trong quan hệ với các quốc gia láng giềng. Lòng tự tôn dân tộc cùng những ảnh hưởng của lối tư duy Hoa Bắc không khỏi dẫn đến những cách nhìn sai lệch về truyền thống văn hóa phương Nam. Toàn thư viết: “Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn giá mỗi thước 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý”(52). Cũng có thể coi đó là cách nhìn của các sử thần thời Lê nhưng qua nhiều hoạt động ngoại giao khôn khéo (ví như việc Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chămpa), sau ba lần kháng chiến thắng lợi nhà Trần dường như cũng có thêm kinh nghiệm và sự tự tin trong việc ứng đối với các quốc gia khu vực. Do vậy, nhận xét của Nguyễn Trãi về tiếng nói của cư dân các nước Xiêm, Chiêm, Chân Lạp “như tiếng nói của chim quẹt” thực ra chỉ là hai cách diễn tả về một trạng huống mà thôi. Có thể cho rằng, đến TK XIV, văn hóa Đại Việt đã có sự chuyển dịch khá lớn về vị trí và tầm nhìn khu vực.

Hiển nhiên, cũng giống như bất cứ một triều đại nào khác, trước những thách đố khắc nghiệt của lịch sử, ở những thời điểm mà cả dân tộc phải gồng mình lên chống lại các trận cuồng phong chính trị và đợt sóng văn hóa dội đến từ bên ngoài, giới quý tộc Trần cũng có sự phân hóa sâu sắc. Trong tập thể anh hùng đó cũng đã có không ít cá nhân tự tách mình ra, chối bỏ trách nhiệm, tồn tại lạc lõng thậm chí bị đào thải ra khỏi dòng chảy chung của lịch sử văn hóa dân tộc và bị lịch sử lên án. Nhưng, gạn đục, khơi trong, trong dòng chảy văn hóa đó cũng có những con người, trường hợp mà ở một thời điểm đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển văn hóa cũng như nền học thuật. Có thể thấy tâm thế đó qua hiện tượng Trần Ích Tắc, kẻ đã được nhà Nguyên phong làm “An Nam Quốc vương”. Là con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông, đến năm 15 tuổi ông đã “thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật”. Mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng trung quân nhưng các sử thần thời Lê vẫn không thể không bình tâm để đưa ra nhận xét: “Thông minh, hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không tinh thạo, từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người đều được dùng cho đời”(53). Và, cả “tòng Thị lang” Lê Tắc cũng đã để lại cho đời một tác phẩm An Nam chí lược có giá trị khảo cứu, học thuật. Hơn thế, khi “bốn biển đã quang trần đã lặng” (thơ Trần Thánh Tông) theo truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, thấu hiểu nỗi đau nhân thế, những xao động của lòng người buổi tao loạn, vương triều Trần đã đối xử hết sức khoan dung với những kẻ lầm lạc. Sau kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, chính Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã chủ động sai đốt hòm biểu xin hàng quân Nguyên của vương hầu, quan lại “để yên lòng những kẻ phản trắc”(54).

Như vậy, trên nền tảng văn hóa của cư dân vùng hạ châu thổ, giáp biển đậm đà chất Đông Nam Á với nhiều dáng vẻ cổ sơ, giới quý tộc nhà Trần đã có ý thức rất sâu sắc về những ưu thế cũng sự hạn chế trong truyền thống văn hóa của mình (55). Điều quan trọng là, họ đã sớm phát hiện ra sức mạnh mãnh liệt của văn hóa, tận dụng triệt để những sức mạnh đó để củng cố vương triều, quyền lực, mở rộng ảnh hưởng và hơn thế còn dựa vào văn hóa để tạo nên sức đối kháng và đối kháng thành công trước các áp chế văn hóa, chính trị của đế chế Nguyên - Mông cùng các thế lực bên ngoài.

(Còn nữa)

_______________

27. A.B. Pôliacốp, Sự phục hưng của nước Đại Việt TK X-XIV, Nxb Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử quân sự, Hà Nội, 1996, tr.242.

28. Dẫn theo Hà Văn Tấn, Phật giáo từ Ngô đến Trần (TK X-XIV), sđd, tr.248.

29. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông TK XIII, sđd, tr.116-157. Theo Nguyên sử, Đại Việt đã cử 2 vạn quân và 500 chiến thuyền vào Chămpa cùng chiến đấu, chống lại quân Nguyên.

30. Phan Huy Lê, Tưởng nhớ công lao của vua Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, Tạp chí Xưa & nay, số 263, tháng 7-2006, tr.17.

31. Hồ Đắc Duy, Có hay không quan hệ giữa công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung?, Tạp chí Xưa & nay, số 288, tháng 7-2007, tr.22-25, 42.

32. Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.170.

33. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.228.

34, 35, 40, 42, 43, 45, 46, 48, 49, 50, 53, 54. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.120, 55, 118, 100, 74, 84, 78, 52, 77.

36. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.371.

37. Li Tana, bài đã dẫn (có thể xem bản dịch của Nguyễn Tiến Dũng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 7 (399), tr.21.

38. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.118. Trần Nhật Duật là con của Trần Thái Tông, em của Trần Thánh Tông nên vua Trần Nhân Tông gọi bằng chú. Về sự ra đời của Nhật Duật, Toàn thư đã chép lại với những sắc màu huyền nhiệm: “Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua (Thái Tông). Đọc sớ xong (đạo sĩ) tâu vua “Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ”. Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức Nhật Duật). Lớn lên nét chữ mới mất đi”. Đến năm 48 tuổi, ông bị ốm hơn 1 tháng, các con làm chay xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ lại dâng sớ cầu đảo, nên đã được Thượng đế y cho sống thêm 2 kỷ nữa. Trần Nhật Duật mất năm 77 tuổi, Toàn thư, sđd, tr.26.

39. Tư tưởng và lối sống thân dân của triều Trần và các vua Trần được thể hiện qua nhiều sự kiện lịch sử. Theo Toàn thư, tháng Giêng năm Thiệu Long thứ 11 (1268) Trần Thánh Tông “xuống chiếu cho các vương hầu, tôn thất khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Nhà vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê gường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau”, Toàn thư, sđd, tr. 37. Đến năm 1310, khi Trần Nhân Tông qua đời. Linh cữu quàn ở điện Diên Hiền. Sắp đến giờ rước linh cữu mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Viên Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không giãn ra được. Vua Trần Anh Tông bèn sai Trịnh Trọng Tử cho cấm quân hát mấy điệu Long ngâm. Mọi người đều ngạc nhiên kéo nhau đến xem, đám người tản ra vì thế linh cữu mới rước đi được. Viết về sự kiện trên các sử thần triều Lê cho rằng: “Triều đình cốt phải nghiêm. Rước linh cữu thì cần gì phải đến tể tướng dẹp người, hữu ty dùng mới đi được? Là bởi nhà Trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ vậy”, Toàn thư, sđd, tr. 95.

41. Năm 1252, Trần Thái Tông đã đi đánh Chiêm Thành bắt được vợ chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, dân chúng đem về. Năm 1277 vua Trần Thánh Tông thân chinh đi đánh “người Man, Lạo ở động Nẫm Bà La (Bố Chính, Quảng Bình) bắt sống bộ đảng hơn 1.000 người giải về. Xem Toàn thư, sđd, tr. 24 & 40. Nhà Trần không ngừng mở rộng ảnh hưởng ra các vùng biên viễn. Ví như, năm 1297 triều đình đã sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi đánh sách A Lộc, Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng đi đánh sách Sầm Từ. Năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông còn thân chinh đi đánh Ai Lao “bắt được người và xúc vật nhiều không kể xiết”, Toàn thư, tr.73. Cũng trong thời gian này, năm 1297, 1298 Phạm Ngũ Lão cũng lập được nhiều chiến công trong việc bảo vệ biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay sau khi giành được vương quyền, để triệt hạ những ảnh hưởng của nhà Lý đồng thời để tranh thủ mối quan hệ với các tù trưởng “người Man” Trần Thủ Độ đã đem các cung nhân và con gái họ hàng của Lý Huệ Tông gả cho họ.

44. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông TK XIII, sđd, tr.161-164.

47. Vũ Quỳnh, Tân đính Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.48.

51. Trên thực tế, đến năm 1403 Hồ Hán Thương vẫn ra lệnh quân sĩ người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào cánh tay để làm dấu hiệu. Xem Toàn thư, sđd, tr. 204. Tục xăm mình rất phổ biến ở Đông Nam á và ngay cả ở Nhật Bản cho đến thời Edo (1600-1868) cư dân vùng Tây Nam Nhật Bản vẫn có tục xăm mình, ở nhà sàn và ăn trầu.

52. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.130. Theo Lương thư, ở châu Tự Nhiên, một vùng đất trong Trướng hải, “trên châu có loại cây mọc trong lửa. Người ở vùng lân cận bên trái châu ấy bóc lấy vỏ cây xe dệt thành vải được mấy thước để làm khăn tay, chẳng khác gì vải đay nhưng màu của nó hơi xanh đen. Nếu bị bẩn, đem bỏ vào lửa thì lại sạch như cũ, hoặc dùng để làm bấc đèn thì không bao giờ hết”. Phải chăng loại vải đặc biệt mà nước “Tiểu Nhân” đem đến bán cho vua Trần cũng được dệt ở cùng một địa điểm?. Xem Lương thư, Tư liệu Trung Quốc viết về Việt Nam và Đông Nam Á, Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, số TL 558, tr.51.

55. Thời Trần Thái Tông, vua thường ban yến ở nội điện các quan đều dự, đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Trong yến tiệc có người cầm mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh. Theo Ngô Sĩ Liên đó là những hành động thô bỉ! Ông viết: “tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị chất phác của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa”, Toàn thư, sđd, tr. 24. Trong hội thề Đồng Cổ, lời thề thấm đượm tinh thần Nho giáo nhưng trước đó bao giờ vương triều này cũng thực hiện nghi lễ rất Đông Nam Á đó là tục uống máu ăn thề. Rồi lời khuyên của Nhân Tông về việc hòa giải mối bất hòa giữa Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên và tả phụ Lê Tòng Giáo “dùng con rươi quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau”. Đức vua đã dùng một món đặc sản địa phương để thể hiện, gợi nhớ mối thân tình, gắn bó máu thịt giữa những người đồng hương xuất thân từ vùng quê Nam Hạ; Toàn thư, sđd, tr.63. Luôn gắn với tình cảm quê hương, dòng họ, dân tộc đó chính là đặc trưng đồng thời là sức mạnh của văn hóa Trần.

(Nguồn: Tạp chí VHNT)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn