Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Murakami, đọc nóng cuốn sách vừa ra

Kazuo Tsuki (Nhật Bản) - 21-05-2014 06:36:00 AM

Đêm 17.4 rạng 18.4.2014, tại một hiệu sách thuộc Kinokuniya (mạng lưới phát hành lớn nhất Nhật Bản) ở Shinjuku (quận trung tâm thủ đô Tokyo), đúng thời khắc chuyển sang ngày mới, tất cả các quầy đồng loạt xuất hiện ấn phẩm mới nhất của Haruki Murakami - tập truyện Onna no Inai Otokotachi (Những người đàn ông thiếu đàn bà). Ký giả đồng hương Kazuo Tsuki đã “đọc nóng” và có ngay ý kiến đăng trên tờ Asahi Shimbun.

Cuốn sách tập hợp sáu truyện vừa, trong đó có bốn truyện đã từng in trong tạp chí hằng tháng của nhà xuất bản Bungeishunju, một truyện trình làng trong tạp chí Monkey, do đó ít nhiều đã nằm trong tầm quan sát của độc giả Nhật Bản. Chỉ có duy nhất một truyện vừa mới tuôn ra dưới ngòi bút của nhà văn lừng danh, nhan đề của nó được dùng làm tên chung cho cả tập sách Những người đàn ông thiếu đàn bà. Họ là những người như thế nào?

Độc giả Nhật Bản với cuốn sách mới của Murakami

Kafuku ở thiên truyện Drive my car, Kino từ Kino và Tokaji từ Cơ quan độc lập. Nhân vật thứ nhất - là diễn viên tuổi trạc sáu mươi, thứ hai - là bartender, nhân viên pha chế rượu, trạc bốn mươi, còn thứ ba - bác sỹ phẫu thuật tạo hình có độ tuổi chính xác: năm mươi hai. Nhân vật nào trong số đó cũng đã mất vợ hoặc người yêu và đang là đàn ông thiếu đàn bà.

Để diễn cho trọn vai một đôi vợ chồng đang sống rất hạnh phúc, Kafuku đã cố làm như không biết gì về chuyện cô vợ mình, cũng là diễn viên, thường xuyên ngủ với anh bạn hay đóng cặp cùng cô trên sân khấu. Kino khi về đến nhà mình thì bắt quả tang trên giường cô vợ đang ân ái với người đồng nghiệp đồng thời là bạn tốt của mình, nên bỏ nhà, bỏ nhiệm sở đi làm nhân viên pha chế rượu trong một tửu quán. Còn Tokaji thì luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định trong quan hệ với một số cô mà anh từng nhanh chóng làm quen, từng cùng nhau thưởng thức những bữa ăn tối và những màn ân ái, chừng nào còn chưa thật lòng yêu một cô trong số họ đến nỗi không một bữa tối nào anh có thể nuốt trôi.

Những người đàn ông ấy nói:

Kafuku: “Đến khi tôi biết dù sớm dù muộn thì mình cũng mất vợ, trong ngực tôi cộn lên vì mỗi một ý nghĩ đó”.

Kino: “Trong tim tôi là một vết thương, mà vết thương đó rất là sâu”.

Tokaji: “Tôi không thể để mất nàng dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu điều đó xảy ra, có khác nào tôi đánh mất chính mình”.

Mỗi người trong số họ đều cố gắng để hiểu sâu hơn người đàn bà của mình, để tha thứ, để yêu hơn nữa, nhưng càng nỗ lực bao nhiêu thì người đàn bà của họ lại càng xa cách hơn, quả quyết hơn, đến nỗi phải mang trong tim một vết thương rất sâu. Những người đàn ông ấy không thể giữ được trạng thái cân bằng trong cõi lòng, họ đánh mất bản thân và bước vào con đường tự hủy hoại. Có cảm giác họ bước đi khá tự tin trên bề mặt cứng lì, nhưng đến một lúc nào đấy, bề mặt ấy bỗng hóa thành một lớp băng mỏng tang. Bấy giờ họ mới hiểu ra rằng đó chẳng qua chỉ là một cơn “điên khùng” mạnh mẽ đến nỗi họ đã không còn giữ thăng bằng được nữa. Nhưng, cũng có thể, trong những điều kiện như thế thì ranh giới giữa “lành mạnh” và “điên khùng” liệu có bị xóa nhòa? Thế là phải nặn óc tìm cách giải thoát, bởi tất cả không hoàn nguyên được.

Người đọc có thể cười những người đàn ông không còn trẻ dại ấy, thậm chí có thể tuyên bố những chuyện tương tự không bao giờ xảy ra được với mình. Thiết nghĩ, bây giờ bạn còn có thể nói thế. Nhưng, xin lỗi, “bởi nỗi bản kẽm bị dỡ ra” (đây là bắt chước phong cách tác giả), sự tự tin đó giống như hoàn cảnh khiến bạn nói rằng bạn sẽ chẳng bao giờ mắc chứng dị ứng trước khi chứng bệnh này xuất hiện ở bạn.

Nhưng cuộc khủng hoảng hủy hoại bản thân mà những nhân vật chính của cuốn truyện gặp phải thực chất cũng không có gì đặc biệt đâu. Tại sao vậy? Bởi vì nếu diễn tả hoàn cảnh chỉ bằng một câu văn mà không sợ sẽ khó hiểu, thì thực tế giản đơn thôi: “Càng đắm vào yêu một người, càng đánh mất mình nhiều”. Điều này không có gì là mới. Tokaji nhớ lại câu của một nhà thơ Nhật Bản thời trung cổ: “Khi ta nhớ lại tất cả những gì giúp con tim sống được trước khi gặp nàng, ta mới nhận ra cuộc sống ấy mới vô vị làm sao” và nói: “Nhưng vốn dĩ tình cảm vẫn nguyên xi như hồi một nghìn năm về trước”. Vâng, chính vì tình cảm vẫn giữ nguyên như vốn có tự ngàn năm trước, thì hoàn cảnh như các nhân vật đã gặp cũng có thể xảy ra với từng người. Với bạn, và tất nhiên - với cả tôi.

Nếu so sánh với những nhân vật ấy, thì Kitaru trong truyện Yesterday còn rất trẻ. Anh mới hai mươi tuổi, sinh trưởng tại quận Denenchofu ở Tokyo nhưng lại nói giọng đặc sệt vùng Kansai ở Osaka, đã hai năm kể khi tốt nghiệp bậc phổ thông chưa thi đỗ đại học. Nhân vật sinh viên trong truyện xưng tôi vừa học vừa làm thêm đã không thể hiểu chuyện gì xảy ra với cậu ta, chỉ thường thấy cậu ta hát bài Yesterday bằng cái giọng Kansai đặc sệt “Chiều tối qua cô gái ấy đã đến đây”… Ở bản in trong tạp chí, câu trích lời ca vốn khác, nhưng chính tác giả đã giải thích trong lời dẫn rằng ông chiều theo “nguyện vọng” của đại diện bên bảo vệ quyền tác giả nên rút thật gọn lời trích để khỏi nảy sinh bất cứ tranh cãi nào. Trong bản in tạp chí, cụm từ “ngày hôm qua” được điệp khúc nhiều lần với những biến tấu khác nhau đã dồn nhân vật Kitaru vào ý nghĩ về những mất mát sâu sắc, nhưng kể cũng tiếc, đã bị lược bỏ khi đưa vào sách. Tại sao vậy? Có lẽ là vì chìa khóa để lý giải cơn “điên khùng” của nhân vật khá khó hiểu này nằm ở trong chính những lời của ca khúc.

Cuối cùng, là truyện Nàng Scheherazade. Trong truyện này không có nhân vật đàn ông “bất hạnh”, mà “bất hạnh” chính là nàng Scheherazade, người kể chuyện. Nàng đang học khoảng lớp mười gì đó thì mang lòng yêu một chàng trai cùng lớp, nhưng chàng thậm chí không buồn nhìn nàng. Nàng không làm cách nào quên được chàng, nên ranh giới giữa “suy nghĩ lành mạnh” với “nỗi tuyệt vọng” được tác giả xóa bỏ - rõ ràng, vòng quay sự kiện như thế được chuẩn bị sẵn cho nàng bằng một tay bút thiện nghệ.

Một con người trẻ tuổi biến thành người nghe chuyện, và đến cuối mới nhận thấy hôm nay có cái gì đó khang khác, rồi về sau mới hiểu ra rằng nàng sẽ không bao giờ đến đây nữa. “Đàn bà là một phần của hiện thực, nhưng chính đàn bà mới biết dâng tặng chúng ta những khoảnh khắc đặc biệt trong khi hiện thực đã ngừng tồn tại”. Sẽ ra sao nếu trong câu ấy thay vì từ “đàn bà” là “câu chuyện”? Chúng ta đánh mất người đàn bà của mình và cái phần đó của hiện thực, nhưng là khi nhận rằng chúng ta đánh mất cuốn truyện đang dâng tặng mình những khoảnh khắc đặc biệt trong khi hiện thực ngừng tồn tại.

Một nét đáng chú ý nữa - “Cơ quan độc lập” trong một cơ thể.

“Có lẽ, cuộc sống của chúng ta thật trống rỗng và vô vị, nếu như không bị can thiệp bởi một cơ quan đưa chúng ta lên đỉnh cao hạnh phúc, đẩy chúng ta xuống vực sâu khổ đau. Cơ quan ấy buộc trái tim ta lạc vào những ngờ vực, cho chúng ta thấy những quang cảnh tuyệt vời, và đôi khi đẩy chúng ta vào chỗ chết”. Từ “cơ quan” bao hàm nghĩa “cơ quan đặc nhiệm độc lập chống lại sự giả dối” ở người đàn bà. Thiết nghĩ, nếu thay từ “cơ quan” thành “tích chuyện”, hoặc nói theo cách khác, xuất xứ “đàn bà = tích chuyện” nằm trong chính “cơ quan độc lập” đó.

Những người đàn ông thiếu đàn bà là những người đàn ông đứng ở ngoài tích chuyện. Họ đánh mất sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện và bước vào cái thế giới của “nỗi tuyệt vọng”. Chúng ta không thể giữ được “nếp nghĩ lành mạnh” nếu thiếu câu chuyện. Chúng ta, những người đàn ông, sẽ rơi vào cơn “điên khùng” khi mất người đàn bà của mình, khi mất câu chuyện. Nếu như chúng ta càng đắm đuối yêu người đàn bà mà ta không thể đánh mất, thì chúng ta đánh mất chính mình. Như thế là thế nào. Trong trường hợp ấy, hãy chỉ bảo cho người đàn ông phải làm gì?

Nàng Scheherazade sẽ trả lời thế nào với Murakami?

“Tôi chỉ biết kể ra những câu chuyện - hình như nàng trả lời đúng là như thế - Vậy thì hẹn đến lần sau”, nàng Scheherazade nói rồi biến mất.

Khi nào nàng Scheherazade sẽ kể câu chuyện tiếp? Chúng ta còn mỗi việc, là chờ.

 


Đăng Bẩy dịch

 

(Nguồn: daibieunhandan.vn)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...