Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao

05-09-2011 11:24:04 AM

VanVN. Net – Phạm Nguyễn Ca Dao sinh ngày 26/2/1994 tại Đà Nẵng là một tác giả rất trẻ, hiện học lớp 12C1 chuyên Văn trường THPT chuyên Lê Quí Đôn - Đà Nẵng. Trong 4 năm tham gia trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp với Sở GD - ĐT Thành phố Đà Nẵng tổ chức đều đạt giải. Trong đó có 2 năm đạt giải nhất. Có nhiều tác phẩm đã được đăng báo Đà Nẵng chủ nhật, tạp chí Non Nước, 2 tác phẩm được in chung trong tập “Giao hưởng và đốm  lửa” của Hội nhà văn thành phố Đà Nẳng - 2010. VanVN. Net xin giới thiệu với quý độc giả chùm truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao…

 

TIẾNG RỪNG

 

Sau bao nhiêu ngày vật vã với đống sách cũ trong kho, kết quả là tôi đã đổi được một tấm vé tham gia các trò chơi miễn phí trong công viên.

Cả không gian rộn ràng trong nhịp trống, tiếng nhạc, tiếng của mấy con thú và cả đám đông hò reo. Cuộc diễu hành “Những người bạn của chúng ta!”, chương trình đặc biệt mà tôi chờ đợi. Tôi chạy tới, chen vào giữa dòng người.

Đàn chó lon ton chạy trước nhưng rất trật tự. Mấy con voi đi sau, đôi tai của chúng cứ phe phẩy dường như để xua tan cái nóng hừng hực của đồng bằng, chúng từ Tây Nguyên xuống, mang theo cả những mảng đất đỏ khô ráp dưới lớp da xù xì, dày cộp. Trên lưng bên cạnh người nài chúng còn mang theo những chú khỉ  mặc những bộ quần áo cũn cỡn, còn đội cả mũ bảo hiểm nữa trông thật ngộ nghĩnh. Điều đó, khiến tôi thích thú vô cùng.

Đoàn diễu hành dừng lại trước sân khấu được dựng sẵn.

Đang ngắm nhìn những con voi thì tiếng người dẫn chương trình nhẹ nhàng, trầm ấm cất lên:

- Kính thưa tất cả quý vị khán giả, tất cả các em thiếu nhi thân mến! Những ngày hè vui tươi lại đến, để xua tan cái không khí nóng nực và tạo điều kiện để các em có thể gần gũi hơn những con vật nhỏ bé, đáng yêu. Những người bạn dễ thương ấy sẽ tụ họp về đây và làm vui cho các bạn. Nào! Chúng ta cùng hướng về sân khấu. Mong rằng các bạn sẽ thấy yêu chúng hơn và cùng chung tay bảo vệ môi trường, giữ cho màu xanh, mãi xanh để những người bạn có được một cuộc sống yên bình.

Tiếng vỗ tay ầm vang.

Hai con voi đứng dưới sân khấu bắt đầu dùng cái vòi hút mấy quả bóng màu sắc rực rỡ từ trong rổ ra rồi tung lên. Màn tung hứng của hai diễn viên khỉ càng hào hứng hơn khi những trái bắp thật chuyền ngang bị các con voi chộp lấy bằng vòi  một cách nhanh nhẹn và đưa vào miệng nhai ngấu nghiến.

Màn xiếc voi khép lại. Trên khán đài các chú chó đang chờ được biểu diễn màn đi xe đạp, nhảy qua vòng lửa, học tính…thật đáng yêu.

Thời gian chờ tiết mục tiếp theo lâu hơn. Điều đó thôi thúc sự tò mò từ phía khán giả nhí bọn tôi.

Chiếc rèm đỏ được kéo ra.

Trên chiếc xe xích lô nhỏ trang trí cây lá um tùm, hai chú khỉ bất ngờ bước ra. Chúng cúi rạp mình chào khán giả. Hành động ngộ nghĩnh đến đáng yêu khiến ai cũng phải phải bật cười. Âm nhạc rộn rã cất lên từ hai bên sân khấu. Người hướng dẫn với bộ vest màu đen, tay còn cầm cái gậy màu đen dài thượt trông ông ta ra vẻ lịch lãm lắm. Từ phía trong sân khấu, một chú khỉ khác với thân hình nhỏ nhắn cùng khuôn mặt láu lỉnh đang nghiêng ngả trên chiếc xe đạp nhỏ xíu màu cam, trên cổ tay nó đeo cái vòng bằng inox sáng loáng, chú lượn quanh một vòng rồi quay xoay tít xe đạp. Chú ngẩng mặt lên “đưa răng khỉ ra cười” trước sự thán phục của khán giả.

- Thật tuyệt! - Tôi quay ngoắt sang đứa đứng cạnh để chia sẻ - Nó giỏi thật nhỉ?

Đứa đứng cạnh, không quen biết tỏ ra đồng tình nhưng chẳng trả lời tôi… Chẳng một giây tôi rời mắt khỏi sân khấu.

Ba con khỉ lại hí hửng đứng xếp hàng thẳng tắp, ngay ngắn. Sau tiếng còi hiệu, chúng thi nhau đạp thật nhanh vòng quanh sân khấu. “Ầm!” Chú khỉ đeo vòng ngã nhào. Liếc nhìn mấy “thí sinh” khác vội vã chạy về đích- nơi có những quả chuối được treo lơ lững. Chú ta cũng bỏ chạy nhưng khi nghe gọi “Xen” và nhìn thấy ngọn roi của người hướng dẫn đã phải quay lại, hoảng hốt ôm chiếc xe đạp chạy thật nhanh. Hành động hồn nhiên ấy khiến tất cả khán giả bật cười.

Ăn chuối xong, con khỉ có đeo kiềng với tên gọi Xen lại tiếp tục biểu diễn. Nó nhẹ nhàng ném con lăn về phía người đàn ông kia để ông ta xếp lên bục. Xong việc, nó vội vàng đứng lên miếng ván. Tuyệt làm sao! Nó đưa mình nhẹ nhàng trên tấm trượt. Mấy con lăn hình trục sáng lấp loáng dưới  tia nắng chiều.

Mấy con lăn cứ thế cao dần thế mà nó vẫn làm tốt. Mỗi lần nó đảo mình tôi cũng ẹo người theo. Rồi ván trượt đã cao hơn quá đầu nó. Tưởng chừng đã được luyện kĩ con khỉ có thể vững vàng trên con lăn. Nhưng không! Nó đã ngã. Tiếng loảng xoảng của mấy con lăn va đập vào nhau nghe inh tai. Tâm trạng tôi lúc ấy? Ừ! Thì hụt hẫng. Chẳng còn một tiếng vỗ tay dù là rất nhỏ. Chẳng còn những ánh mắt động viên, thán phục. Có lẽ đây là phút tĩnh lặng hiếm thấy ở chỗ xiếc, con vật thoáng chút bối rối. Nó chỉ thốt lên đựơc một tiếng pha lẫn sợ hãi. Nó thực hiện lần thứ hai, lần này nó có vẻ thận trọng hết sức trong việc bước lên từng con lăn. Nó đặt chân lên. Rồi toan rụt lại. Sự rụt rè của nó đã khiến tôi lo lắng  một điều chẳng lành. Buổi trình diễn chẳng thể dừng lại chỉ vì sự sợ hãi của nó. Chả lẽ một lần ngã đối với nó đáng sợ đến thế sao? Đang mải miết suy nghĩ thì âm thanh ồn ã của mấy con lăn bóng lộn đó khiến tôi giật mình. Đừng. Không lẽ…Tôi chẳng dám tin. Trông nó thật tội nghiệp. Nó lặng yên. Người hướng dẫn liếc nhìn về phía khán giả bằng ánh mắt bối rối. Chẳng còn cách nào khác: “Màn xiếc khỉ kết thúc ở đây”. Ông ta đưa ánh mắt hằn học trừng nó rồi nhìn vào bên trong, hất hàm. Một thằng bé vội vã chạy ra nắm lấy sợi xích đang quàng lên cổ nó giật mạnh rồi lôi đi xềnh xệch về phía cánh gà. Đôi chân ngắn ngủn của nó chẳng thể nào theo kịp những bước đi vội vã. Bàn chân không đứng vững trên con lăn giờ đã chẳng tài nào bám nỗi mặt sàn. Nó cố rướn cái cổ cho thật dài nhưng dây xích ngày một căng thêm. Mắt nó trợn lên, còn tôi thì nhắm lại.

- Xen… - Người đàn ông rít lên.

Tôi giật mình. Tôi chen ra khỏi đám đông bước nhanh tới một góc vắng vẻ sau sân khấu, lẳng lặng dựa lưng vào gốc cây. Hình ảnh con khỉ bị lôi bằng sợi xích thô cứng, tàn bạo cứ chập chờn trước mắt tôi… Tôi thở theo tiếng thấp thỏm của nhịp tim mình, lòng thầm ước ao một điều tốt lành sẽ đến với con khỉ.

Tôi bước tới lén nhìn qua cái lỗ thủng nho nhỏ ở miếng bạt bao quanh cánh gà của đoàn xiếc. Đây rồi. Con khỉ vẫn đang đứng liêu xiêu một góc sợi xích vẫn căng trên cổ.

- Xen! Mày làm gì vậy hả? Con quỷ nhỏ. Rốt cuộc mày muốn gì - Ông ta vừa hét vừa quất mạnh cái roi dây vào lưng con Xen.

- Khạc…

Con khỉ vừa thét lên đau đớn vừa tìm cách lẩn tránh sự tàn bạo của cái roi dây. Trong khi đó, hai con cùng đua xe với nó ban nãy lại đang tranh nhau những quả chuối chín ban thưởng.

Cánh tay lại giơ lên. Tôi lấy tay che miệng. Tôi thật sự cảm thấy day dứt khi phải đứng nhìn nó bị đánh đập. Lưng nó đã rướm máu.  Chiếc áo bóng bẩy mà người ta đã mặc cho nó trước khi ra sàn diễn không thể che tấm thân ốm yếu. Tôi vùng bỏ chạy… nhưng chẳng biết chạy đi đâu. Rồi tôi cũng đã dừng lại bên một quán nước cạnh lối đi. Khát quá tôi mua một chai nước. Lại thấy đói bụng, rút tiền định mua vài quả chuối nhưng bàn tay như có ai giật rụt lại. Tôi không hiểu nỗi mình, có lẽ bị ám ảnh cặp mắt thèm thuồng của con Xen lại hiện ra, khi nhìn chúng bạn ăn còn nó thì bị đánh. Trước khi ngọn roi quất vào da thịt người ta lại vờn quả chuối trước mặt Xen và liệng cho hai con khỉ kia.

- Thật bất công! - Tôi lẩm bẩm.

Nghĩ ngợi hồi lâu tôi cũng tìm đựơc cái lí trong sự vô lí đó.

Tôi quyết định mua năm quả chuối vừa ăn, vừa đi lại chỗ xiếc. Chờ đợi.

Nhóm xiếc ra về. Lần này không trống kèn, không cờ hoa. Các con khỉ cũng không còn chễm chệ trên lưng voi mà là trong chuồng sắt có một thằng bé đẩy đi. Tôi lửng thửng đi theo và tìm cách bắt chuyện. Ban đầu tiếp xúc với tên này, tôi thấy hắn đáng ghét, vô tâm, hững hờ quá. Nhưng càng nói chuyện, tôi càng thấy ở hắn có gì đó “ngu ngơ” nhưng chân thành đến đáng yêu.

Tôi thò tay vào túi xách lấy ra một quả chuối định nhờ nó cho con Xen nhưng chưa kịp nói. Lũ khỉ thì ùa dồn về phía chúng tôi, ngơ ngác. Ai ngờ, nó vừa đẩy xe vừa ăn ngon lành trong sự bối rối của tôi. Ăn xong nó còn bảo:

- Chuối ngon thật! Cám ơn! Còn không?

Tức hết sức nhưng đành đánh bài dịu vì tôi đang cần nó. Tôi cười :

- Ngày mai tao mua cho mày nữa. Bây giờ còn một quả tao nhờ mày cho con khỉ bị đánh.

- Con Xen ấy à? Không được đâu! - Nó vừa nói vừa lắc đầu ngoay ngoảy.

- Anh em mà mày làm gì khó khăn thế. - Tôi nài nỉ.

Nó cười đưa mắt nhìn lại đám người trong đoàn đi theo sau rồi chùng giọng xuống:

- Mày không biết đâu, các con thú chỉ được ăn sau khi tập thôi. Con nào làm sai: phạt, cho nhịn. Con Xen trận này là mệt rồi!

- Nghĩa là nó không được ăn?

- Tuỳ. - Nó trả lời cộc lốc.

Thoáng chốc đã về đến chuồng thú, hắn liếc nhìn tôi rồi nói khẽ:

- Mày lại gốc cây đằng kia chờ, chút nữa tao ra.

Tôi thẩn thờ bước đi, lòng rối bời.

Lúc sau, nó trở ra giải thích đủ điều. Cuối cùng, nó “mạo hiểm”nhận quả chuối giấu nhanh vào túi quần như một kẻ cắp. Nó còn bảo có lần đã bị đánh vì “vi phạm luật”cho một con chó ăn trong khi nó đang bị phạt. Hắn vạch áo chỉ cho tôi xem vết lằn còn in dấu cạnh sườn rồi ngồi lặng yên. Bỗng dưng hắn quay ngoắt sang tôi, giọng hớn hở:

- Mai đến nhé!

- Để làm gì?

Hắn mỉm cười rồi gãi đầu:

- A, mày mau quên thế!. . . Chuối. . . cho tao và con Xen nữa, chắc nó còn bị phạt.

Tôi định ừ nhưng lại thôi :

- Tao không có tiền mua vé.

Nó cười thật tươi ra vẻ đàn anh :

- Yên chí, khỏi cần vé, cái đó tao lo. Khoảng 8 giờ mày đến đứng ngoài cổng chờ tao ra dẫn vào không phải mua vé. Nhưng nhớ đấy. . .

Nó lại cười, tiếng cười mới “đểu” làm sao!

Bỗng có tiếng hét từ đằng xa của ai đó không rõ vọng lại:

- Ê!Thằng quỷ! Sao không dọn dẹp đi. Mày lại vớ vẩn gì vậy hả?

Trong phút chốc tôi nhận ra ánh mắt hốt hoảng của hắn:

- Thôi. Tao đi đây! Nói rồi, hắn xách chiếc chổi cùn chạy biến đi.

- Ê! Mày tên gì? - Tôi hỏi vọng theo.

- Quét Rác! - Hắn cười tinh nghịch.

Một ngày. Lâu thật! Nhưng rồi cũng đã đến. Cái nóng bao trùm cảnh vật. Ngày thường nên công viên vắng hơn, cũng có thể còn quá sớm. Đang thong thả dạo chơi ngoài cổng tràn ngập ánh nắng, bỗng có một tiếng gọi văng vẳng từ đằng sau:

- Ê! Mít Ướt! Tao ở đây này - Quét Rác cười thật tươi và đưa tay vẫy tôi ra vẻ mừng rỡ lắm, chẳng biết nó đặt cho tôi cái tên ấy từ lúc nào.

Tôi chạy thật nhanh về phía cổng.

- Chào! Công việc thế nào rồi?

- Xong xuôi tất, tranh thủ dọn chuồng tao cho nó ăn. Tội nghiệp lắm mày ơi! Ăn xong nó nhìn tao, hình như nó cũng thuộc “luật” rồi. Mày cứ giữ xách chuối đấy khi nào thuận lợi tao sẽ lấy.

- Mày dẫn tao đi xem bọn khỉ tập xiếc nghe?

Bất chợt hắn đưa tay bụm miệng tôi lại. Đoạn, hắn đưa một ngón tay lên bảo tôi im lặng.

- Tại sao? - Tôi hất tay hắn ra.

- Mày ngốc quá! Nếu biết mày  theo dõi tập người ta sẽ tống cổ mày ngay lập tức. Tất nhiên là ra khỏi chỗ tập chứ không phải ra khỏi công viên.

Hắn làm ra vẻ người lớn:

- Theo tao, lối này. Nhớ là yên lặng đấy!

Rồi hắn dẫn tôi đến một góc của sở thú. Hai đứa len lén nấp sát vào một góc tường vỡ.

- Con Xen đâu? - Tôi hỏi khẽ.

Theo cái lôgic tưởng tượng của tôi thì lẽ ra giờ này nó đang bị nhốt trong cũi hay bị trói ở một xó nào đó. Thế mà nó vẫn vậy. Vẫn ánh mắt dáo dác đầy vẻ âu lo, vẫn cái con lăn tròn trùng trục, cao ngất ngưỡng. Không mũ nỉ, chẳng quần hoa, áo khỉ để lộ ra cái thẹo. Cái thẹo loét rộng, máu đã khô lại một màu đỏ bầm.

Không phải một mà là hai, ba…

- Trời ơi!

“Leng keng” con khỉ lại ngã. Dường như, nó vẫn còn sợ. Hoảng quá, nó chạy vào một góc đứng lom khom. Mắt đờ đẫn.

- Khạc…Khạc…

Tiếng con khỉ vang lên thất thanh cùng tiếng roi xé gió và giọng gầm của người dạy xiếc. Nó lại khom người lại dùng hai tay ôm lấy đầu. Nó toan bỏ chạy nhưng sợi xích cột vào trụ đã giật ngược nó lại. Cặp mắt ngơ ngác. Nước mắt tôi trào ra chẳng biết từ lúc nào. Quét Rác an ủi tôi:

- Thôi nào! Mày lại mít ướt ra đấy à? Nó chẳng sao đâu. Tao hứa sẽ chăm sóc nó thật chu đáo. Thật đấy!

- Mày hứa nhé!

Thế rồi, hiện ra trước mắt tôi cảnh tượng xé lòng khi nhìn thấy mấy con chó cùng mấy con khỉ ốm yếu khác “luyện tập”.

Chia tay Quét Rác. Tôi trở về nhà trong tâm trạng thất thểu, một nỗi buồn mênh mang cứ giăng kín trong lòng. Chẳng biết con Xen sẽ ra sao? Liệu nó có chịu đựng nỗi những tháng ngày dài dằng dặc còn lại. Ừ! Có Quét Rác rồi mà. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy đỡ phần nào.

Năm ấy, sau cái lần đến xem bọn thú tập luyện. Đó cũng là lần cuối cùng tôi xem xiếc thú. Sau này cứ có dịp đi qua công viên tôi lại nghĩ về Xen, nhớ về Quét Rác - cậu bạn mà tôi chưa rõ tên.

Lần này, tôi quyết định ghé vào. Công viên chẳng có gì đổi mới chỉ khác là chẳng còn đoàn xiếc ngày nào. Chẳng còn cậu bạn láu lỉnh, tinh nghịch - Quét Rác. Và tất nhiên, tôi cũng chẳng biết gì về Xen. Tôi dừng thật lâu ở mỗi vườn thú. Để làm gì ư? Tôi cũng chẳng biết. Tôi đứng lại ở một vườn thú cũ kĩ, hoen gỉ nơi có những con khỉ đang leo trèo. Bất chợt tôi nhìn thấy một con có vết thẹo dài trên sống lưng. Một điều gì đó mơ hồ nhưng rất đỗi quen thuộc thức dậy, tôi nói khẽ:

- Xen…Xen….

- Khạc…khạc… - Con khỉ bỗng cất tiếng.

- Có phải Xen không?

Con khỉ đưa ánh mắt tìm tiếng gọi rồi vội vã chạy ra phía khung sắt bằng đôi chân khập khiễng.

- Xen!Mày làm sao thế? - Tôi thảng thốt. Ai đã làm gì vậy nhỉ? Ai làm gì nó? Không, đâu có ai đâu.

Có lẽ, nó chẳng hiểu tôi nói gì nhưng nó cảm nhận được qua ánh mắt. Nó đi sát đến song sắt. Nhìn vào mắt tôi. Tôi vội vã chạy mua mấy quả chuối rồi trở lại. Tôi gọi“Xen”, nó lại chạy đến. Đúng là Xen của tôi đây rồi! Nó quàng cái chân què qua song sắt tay chờ chực xin chuối.

Ánh nắng chiều gay gắt xuyên qua song sắt, đổ  bóng dài nằm sóng soãi dưới mặt đất nóng bỏng. Tôi lặng yên nhìn nó ăn. Bất chợt tiếng thuyết minh lanh lảnh của người hướng dẫn viên vườn thú cất lên:

- Ở đây, có rất nhiều giống khỉ khác nhau. Chúng tôi nuôi dưỡng nhằm bảo vệ sự đa dạng nguồn gien. Đặc biệt, chúng tôi còn có nghĩa vụ chăm sóc những con bị săn bắn trái phép - vừa nói người kia vừa đưa tay chỉ - con khỉ què kia sau khi bị thương ở chân và lưng được các cán bộ kiểm lâm đưa về đây nhờ chữa trị   trước khi trả về rừng…

Đoàn người tham quan lắng nghe và nhìn nó bằng ánh mắt cảm thông, thương xót.

Tôi ngỡ ngàng. Nghĩa là sao? Phải chăng tôi đã lầm?

Thoáng nghi ngờ, tôi vội chạy vòng sang bên kia rồi bất ngờ gọi:

- Xen…Xen…

Con khỉ vội vàng quay lại kéo lê cái chân què về phía có tiếng gọi.

Tôi đưa cho nó quả chuối còn lại trên tay, lắc đầu, mỉm cười rồi lặng lẽ quay đi…

 

(Trại sáng tác hè 2008)

 

 

VÁN CHỌI GÀ ĐỊNH MỆNH

 

Thoắt cái, mùa hạ đã đến mang đến cái nắng chói chang, gay gắt. Nắng nóng nhưng không sao! Mới ngày nào, tôi vẫn còn tung tăng đến trường với bọn trẻ trong xóm, vậy mà hôm nay tôi đã được tự do ở nhà vui đùa là thích lắm rồi! Chợ huyện, đó vẫn là địa điểm quen thuộc và ưa thích của tôi. Lao vào thú vui của mấy đứa nhỏ ở đó, tôi đã  thực sự bị cuốn hút bởi trò chọi gà. Nhìn những con gà lao vào cấu xé dữ dội, tôi đem lòng ham thích vô cùng. Về nhà, tôi cứ miên man suy nghĩ: Tại sao mình lại không tự mua một con gà chọi nhỉ? Nếu được thế, mình sẽ “tôi luyện” nó trở thành một con gà cực kì hung tợn, chiến thắng tất cả những con gà khác một cách dễ dàng. Lúc đó, mấy thằng nhóc trong xóm sẽ phải phục mình sát đất, mình đi đâu cũng nở mày nở mặt vì có một con gà vô địch. Giống như cái cách hồi bé mình rèn luyện mấy con dế trống, để rồi mình trở thành một tay đá dế cừ khôi, siêu hạng nhất trong xóm. Nghĩ sao làm vậy, về nhà tôi vét hết số tiền còn lại trong ống. Gộp luôn cả tiền bán ve chai. “Vậy là đã đủ tiền!”- Tôi vui lắm. Ba hôm sau, tôi quyết định lên huyện mua gà.

Mùa hạ. Chợ đông đúc hẳn lên. Cái nóng cứ đeo bám. Chen chúc mãi, tôi mới vào được chỗ bán gà. Xem xét kĩ càng, tôi chỉ ưng ý một con. Tôi với tay chỉ con gà đang được nhốt riêng trong một cái lồng khá lớn có lông đuôi sặc sỡ, cặp cựa nhọn hoắt  ra vẻ oai vệ, lực lưỡng lắm.

- Anh ơi!Con đó bao nhiêu vậy ạ? - Tôi lễ phép hỏi.  

Người đàn ông cao lớn với bộ râu xồm xoàm, trơ mắt nhìn tôi rồi trả lời một cách khinh bỉ:

- Cái gì? Bộ chú em muốn mua con gà đó hả?

Ông ta tặc lưỡi, đầy vẻ tiếc nuối:

- Nhìn bộ dạng của chú em anh biết chú em không vừa sức đâu. Thôi, liệu mà kiếm con khác đi.

Nói rồi, hắn ta đưa tay chỉ mấy con gà nho nhỏ đằng kia. Cảm giác tiếc nuối đan xen một chút tự ái cứ nổi làm tôi bực tức. Tôi toan bước đi vì câu nói sỗ sàng của hắn ta nhưng bất ngờ lại thôi. Tôi quay lại chỗ đám gà choai đang ríu ra, ríu rít. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chọn cho mình một con. Tôi lựa con có cặp chân to và đôi mắt dữ tợn nhất.

Mặc dầu con gà này chẳng ăn nhằm gì so với gà của bọn trẻ xóm bên nhưng tôi vẫn cảm nhận được một niềm vui  trong chính lòng mình. Niềm ước ao con gà này sẽ có một “tinh thần chiến đấu” quyết liệt để đem lại chiến thắng vẻ vang cho mình đã thôi thúc; tôi kiêu hãnh đặt cho con gà của mình một cái tên thật đanh thép: Anh Hùng.

Có lẽ, tinh thần quyết chiến đã khiến tôi  nâng niu, ân cần đối với con gà này lắm. Mấy ngày đầu, tôi cho nó vào một cái lồng sạch sẽ, rộng rãi. Ngoài việc chăm sóc con Anh Hùng thì tôi chẳng tài nào tập trung vào việc khác được. Mấy cái trò chọi dế, chọi cá ngày nào cũng chẳng còn hấp dẫn tôi tí nào nữa. Mặc cho mấy thằng bạn trong xóm có rủ rê, lôi kéo thế nào tôi cũng không. Cứ khoảng một giờ tôi lại thay nước hoặc cho nó ăn một lần. Tôi nói chuyện với nó thật nhỏ nhẹ. Nó trả lời tôi bằng cái nhìn trông đến ngộ nghĩnh.

Ngày lại ngày, dưới sự chăm sóc chu đáo của tôi, con gà dường như hiền lành hẳn. Rồi một hôm, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến đầy vẻ thèm thuồng. Có lẽ, nó khao khát được sống một cuộc sống tự do với những việc đón nhận những tia nắng rực rỡ, ấm nóng  của buổi bình minh hay đơn giản hơn chỉ là việc ngủ chung chuồng với lũ gà con xinh xắn.

Thấu hiểu tất cả những “tâm sự”qua cặp mắt đầy ưu tư của nó, tôi không còn ý định nhốt nó trong lồng nữa mà thả nó đi rông trong vườn. Nó vui vẻ đi kiếm ăn cùng lũ gà nhà nhỏ thó, yếu ớt. Tôi thấy lo lo điều gì đó nên chạy ngay sang nhà thằng bạn xóm bên:

- Thế là không được rồi!Mày đã mắc phải một sai lầm lớn khi tập cho nó quen với cái tính cách của bọn gà nhà. Cứ theo đà này thì chẳng mấy chốc nó sẽ bị lũ gà nhà “thuần hoá” mất thôi.

Nói rồi nó vắt tay lên trán ra vẻ nghĩ ngợi. Như vừa tìm ra được một bí quyết, nó ghé sát vào tai tôi thì thầm. Nghe xong cái kế hoạch “vĩ đại” của nó, tôi lại cảm thấy một điều gì đó bất an:

- Liệu cách đó có ổn lắm không? Tao thấy nó cứ thế nào ấy. . .

Thằng bạn vỗ vào vai tôi cái “Bốp!”, rồi cười khẩy:

- Sao là sao? Mày không tin thì cứ thử đi. Tao bảo đảm cách này an toàn một trăm phần trăm.

Nói vừa dứt câu, tôi cảm thấy vững tin hơn rất nhiều. Về nhà, tôi ứng dụng ngay cái cách mà tôi vừa học được. Tôi cho nó vào trong một cái lồng nhỏ, vây kín vải.

Cứ mỗi lần mở của, ánh sáng lại chiếu thẳng vào. Con gà nhẹ nhõm đón nhận tia nắng ấy ra vẻ thích thú lắm. Bỗng chốc, nó đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn ra phía ngoài, cái vườn cỏ mà nó và bọn gà nhà thường chơi đùa những ngày trước.

Ăn xong. Cái bóng tối hung dữ lại bao trùm. Con gà cúi mặt xuống. Thất vọng. Nhìn nó ngày càng gầy gò đi trông thấy, một chút mủi lòng thoáng qua trong trí tôi nhưng bất chợt câu nói đanh thép của thằng Mít lại hiện ra đập tan bao ý nghĩ tội nghiệp của tôi.

- Mày không được tỏ ra thương hại đâu đấy, phải thật kiên quyết vào mới mong có ngày chiến thắng.

Bắt đầu từ hôm đó, tôi lạnh lùng mở lồng và cho vào đó gạo. Xong việc, tôi quay đi. Chẳng một tiếng nói. Chẳng một nụ cười. Tôi quay lưng vội vã như không hề biết vẫn có một con gà. Sở dĩ, tôi cố tình tỏ thái độ bất cần như thế để nó trở nên

mạnh bạo hơn, hung dữ hơn để trở thành một con gà chọi xuất sắc đúng với mong mỏi của tôi khi quyết định mua nó.

Hôm nay, tôi nhìn kĩ nó khác hẳn mọi khi, con Anh Hùng không còn cái cảm giác sung sướng khi bắt gặp tia nắng đó nữa. Đến bây giờ tôi mới thực sự khâm phục “tài năng” của thằng bạn: nó đã trở nên hung dữ một cách bất ngờ. Nó nhìn tôi bằng một ánh mắt đầy ắp lòng căm phẫn. Tôi cho tay vào lồng đã bị con Anh Hùng bất ngờ mổ mạnh vào ngón tay trỏ. Đau thật nhưng tôi chẳng tức giận nó mà ngược lại còn thấy rất vui, nó đã hung dữ rất nhiều, đúng như ao ước của tôi. Tôi cười phá lên:

- Hay. . . Hay. . . Đúng là Anh Hùng!

Thằng Mít lại sang chơi và dạy tôi bài thứ hai:

- Bây giờ, mày phải bồi dưỡng cho nó.

- Món gì? Tôi gặng hỏi.

- Dế, cào cào và tranh thủ mẹ mày đi chợ về kiếm thêm cá thịt gì đó, nhưng nhớ là đồ tươi nghe không? Còn nữa, mày bắt đầu thả nó ra chừng chừng để nó đá đám gà kiến kia cho quen. Khi cho bọn kia ăn thì nhốt nó lại cho nó tức.

Không biết nó học lỏm ở đâu nhưng thật sự có hiệu quả.

Chiều nay, tôi quyết định đem nó đi đá thử. Quả nhiên, con gà rất sung sức. Vừa giáp mặt đối phương nó đã lao vào cắn như búa bổ. Sau một hồi giao tranh Anh Hùng đã giành chiến thắng, ngay từ lần thử sức đầu tiên. Tôi sung sướng ôm lấy nó lòng tràn ngập niềm sung sưóng và hãnh diện. Vài lần sau đó, nó liên tục chiến thắng những con gà khác một cách dễ dàng đến bất ngờ. Mấy đứa nhỏ trong xóm trịnh trọng gọi tôi bằng cái tên mang đầy uy lực: “Vua chọi”. Tôi huyênh hoang cười mỉa mai, khinh thường. Cho đến một ngày kia. . .

Cái nắng oi bức, khó chịu vẫn bao trùm nơi đây. Tôi ẵm con gà trên tay vừa sung sướng, vừa lo âu. Chiều nay tôi sẽ chọi gà với thắng nhóc xóm bên. Mấy hôm trước, nó chặn đường tôi bằng một khuôn mặt vênh váo, cao giọng:

- Ê!Thằng kia!Tao nghe đồn mày có con gà chọi cứng cựa lắm phải không?

Chẳng chút ngần ngại, tôi trả lời một cách kiêu ngạo:

- Thì sao? Mày có ngon thì đem gà qua đây đá. Tao đây chưa bao giờ biết thua là gì đâu nhé!Trước khi đi nhớ dặn mẹ mày chuẩn bị nước sôi!

- Bao giờ? - Hắn hất hàm hỏi.

- Chiều thứ năm, ba giờ ở đám ruộng gần đình.

Nói rồi, tôi quay đi trước biết bao lời thán phục của mấy thằng nhỏ cùng xóm.

Nói vậy nhưng sao tôi cũng thấy lo lo. Ừ!Lo cũng đúng thôi. Vì thằng đó cũng là một tay vô địch của xóm bên mà. Hôm sau gặp lại tôi và nó còn thoả thuận: nếu tôi thua, tôi sẽ phải nhưòng cái danh hiệu “vua chọi” ấy cho nó.

Trưa hè, mọi vật đắm chìm trong sự yên ắng, tĩnh mịch. Ngay cả bụi tre trước nhà cũng chẳng buồn đong đưa. Tôi đi ra đi vào, dõi mắt ra đường, ngóng đợi. Nóng bức. Tôi ngồi thừ trước thềm nhà. Đang suy nghĩ mông lung thì bỗng chốc tôi nhận ra cái dáng gầy gò, nhỏ thó của thằng Thu ú đang nặng nhọc leo lên bờ tường. Nó nhoẻn cười rồi hươ hươ tay ra hiệu cho tôi ra cánh đồng. Từng cử chỉ, hành động của nó mang một vẻ gì đó gấp gáp lắm, có lẽ nó sợ bố tôi mắng. Tôi chợt giật mình vì tiếng nạt bằng giọng ồm ồm của bố:

- Thằng Sơn!Sao mày chưa ngủ đi? Còn ngồi đó làm gì vậy hả?

Ngưng một lát, bố tôi lại hằm hè:

- Mày chớ dại chạy ra đồng chọi gà đấy!Tao mà biết được thì liệu hồn. . .

Bố tôi chưa dứt câu, thằng Thu ú đã hoảng hốt, vội vàng leo xuống rồi chạy biến trong tiếng hét inh ỏi của mấy thằng khác. Ngồi một mình, tôi im lặng để nghe ngóng động tĩnh từ bố tôi. Sau một hồi ngăm nghe, bố tôi lại thiếp đi, thở khò khè. Sự háo hức  cùng khung cảnh náo nhiệt của bọn trẻ trong xóm đã thôi thúc tôi. Chộp ngay cơ hội, tôi bắt vội con gà rồi vụt chạy.

- Cánh đồng đây rồi!- Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trước mắt tôi bây giờ là một hình ảnh một cánh đồng khô cằn vì cái nắng khắc nghiệt của mùa hạ. Mấy đứa nhỏ đuổi bắt nhau làm bụi tung mù mịt. Tiếng cười đùa ầm ĩ phá tan bầu không khí im lặng vốn có. Tôi hí ha hí hửng hoà vào cái không khí vui tươi, nhộn nhịp và cực kì ồn ào của bọn chúng.

- Thôi!Bắt đầu “sự nghiệp” đi chúng mày ơi!- Một đứa trong bọn lên tiếng.

Tôi vụt ngay đến “sân đấu”- một đám ruộng bé tí giữa đồng- nơi bọn đá gà thường tụ tập.

Mấy con gà trống trong thời kì rèn luyện được đưa vào bãi tập. Chúng lao vào cắn nhau dữ dội. Tiếng “quác. . . quác. . . ” cứ vang lên liên hồi khiến tôi lấy làm khoái chí. Sau một hồi giao tranh một con gà mệt lữ bỏ chạy. Thằng Lân cồ với một khuôn mặt ỉu xìu, thất vọng khe khẽ đón lấy một thân hình bầm tím tội nghiệp của con gà. Đang chăm chú theo dõi thì tiếng thằng bạn nhắc nhở khiến tôi giật thót.

Ba giờ. Không khí khó chịu của chiều hạ vẫn bao trùm. Thằng kia xuất hiện với một khuôn mặt láu lỉnh và đôi mắt tinh ranh. Tôi cười khinh miệt.

Cho gà vào xong, tôi lùi ra vài bước.

Trận đấu bắt đầu. Hai con gà đăm đăm nhìn vào mắt nhau, rồi bỗng chốc con Anh Hùng mổ mạnh vào sống lưng của con kia. Tôi phá lên cười một cách sung sướng, nháy mắt ra hiệu với lũ bạn. Nó đi quanh đối thủ dò xét rồi bất ngờ tung ra một cú song phi khiến con gà kia lảo đảo. Cái nắng chói chang rọi thẳng vào gương mặt sắt đá của thằng chủ. Tôi thoáng nhận ra nét bối rối hiện rõ trong cặp mắt đen lay láy của nó. Thật lạ!Thấy nó buồn bao nhiêu thì tôi lại càng vui bấy nhiêu. Nó đăm chiêu nhìn con gà của tôi, ánh mắt toát lên một ngọn lửa hừng hực, cháy bỏng. Tôi lấy làm vui sướng lắm khi đoán ra được cái chức “vua chọi” vẫn thuộc về mình. Mọi ánh mắt đang dồn về hai con gà trên sân đấu. Hai con cứ choàng cổ nhau rồi lại bất ngờ lùi ra và tung ra những cú sấm sét vào đối phương. Tiếng la hét của bọn nhỏ hai phe ngày một to hơn. Tinh thần đồng đội cũng bừng tỉnh. Mấy hôm trước vài đứa trong xóm chẳng ưa gì tôi thế mà bây giờ cũng nhảy lên khi thấy con Anh Hùng ra đòn. Tôi đang bay bổng trong cái cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm của một người ngồi trên chiến thắng thì tiếng “quác. . . ”của con gà của tôi vang lên. Con Anh Hùng đã bị thương khi bị con kia lật cánh sau một phút lơ đãng. Liên tục sau nó, con gà kia tiếp tục tấn công dữ dội hơn lúc nào hết.

- Trời ơi!Tôi buộc miệng kêu lên.

Trong lúc loay hoay con Anh Hùng đã bất ngờ bị mổ ngay vào cạnh mắt, tiếng “quác. . . quác. . . ”kèm theo những bước chân lảo đảo, vội vã của nó khiến tôi cũng không giữ nỗi mình.

Máu tươm ra từ lưng con gà của tôi, thằng kia có vẻ sung sướng lắm. Thế trận từ chủ động chuyển sang bị động. Sau một hồi bị tấn công, con Anh Hùng bỏ chạy. Trận đấu kết thúc. Nhanh chóng đến ngờ vực.

Thất vọng. Tôi ôm con gà trên tay. Chẳng còn tiếng reo hò cổ vũ. Chẳng còn những giọng nói đầy vẻ thán phục của bọn trẻ trong xóm. Tất cả đổ dồn cả về phía sau, nơi thằng kia đang ăn mừng vui vẻ. Lòng tôi nặng trĩu. Đến nhà, tôi đặt con gà sau vườn. Nó vẫn còn sống nhưng mình mẩy lại bê bết máu. Chưa một lần nào trong đời tôi chịu thất bại thảm hại thế này. Nhớ đến ánh mắt khinh thường của thằng kia, tôi không sao kìm lòng được. Tức tối. Tôi đá mạnh vào con gà khiến nó văng ra một đoạn. Quằn quại trên đất. Mắt đờ đẫn. Tôi  bước vào nhà trong sự bực dọc đến ghê người. Tưỏng chừng việc chơi đùa với con chó sẽ khiến tôi vơi đi phần nào nỗi bực tức, thế nhưng. . . Ý nghĩ của một kẻ thất bại cứ bám víu lấy tôi. Sợ đám bạn lại đến, tôi xin phép mẹ rồi về nhà ngoại chơi.

Sáng hôm sau, khi vừa về đến nhà tôi đi nhanh ra sau vườn. Con gà đã đi đâu mất, nhìn theo vết dưới đất biết nó đã khó nhọc lắm mới lê đi được. Chắc là nó tìm nước uống. Thường sau một trận đấu nó uống rất nhiều nước. Thế mà, hôm qua có được uống gì đâu, nó đã bị thương còn bị tôi hành hạ nữa chứ!

Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó bên bụi chuối. Mắt nhắm nghiền. Toàn thân cứng đờ. Lũ kiến đang tranh nhau cắn vào da thịt, vào mắt. Tôi chẳng biết làm gì trong cái giây phút ấy. . . Chỉ biết đứng nhìn. Con gà đã chết vì sự kiêu ngạo, vì sự háo thắng của tôi.

Một tiếng cười vang lên.

Không phải tiếng cười đùa của tụi bạn. Chẳng phải tiếng cười chiến thắng của thằng kia mà là của chính tôi. Tôi lại cười nhưng lần này không thành tiếng, dưới chân, ánh nắng sớm nhạt nhoà.

 

(Trại sáng tác hè 2008)

 

 

LỖ HỔNG

 

Trời vào hè. Nắng. Cái nắng gay gắt, một màu vàng sộm lá cây, nắng giăng kín khoảng không gian rộng lớn dưới mặt đất. Nắng len lỏi vào cái chuồng gà ẩm thấp, sưởi ấm cả đàn gà con sau một trận mưa rào với sấm chớp nhì nhằng đêm qua. Nắng thêm sắc vàng cho bộ lông óng ánh, mềm mại của lũ gà con vừa xuống ổ.

Con gà bé nhỏ với dáng vẻ gầy còm, yếu ớt vẫn lủi thủi theo sau đàn gà. Chân chạy, nhưng mất vẫn dáo dác nhìn gà mẹ. Bất chợt con gà mái với thân hình hơi ốm do vừa xuống ổ quay phắt lại, đưa ánh mắt hung tợn, vỗ vỗ cánh chực tiến tới làm điều gì đó không rõ, con gà nhỏ vội vàng chạy lui.

Thằng Mèo vẫn mải miết đứng nhìn đàn gà. Nó nhè nhẹ nhón chân theo dõi, nấp kín vào mấy bụi cây rậm rạp trong vườn. Nó không muốn gây tiếng động, cứ để chúng hoạt động một cách tự nhiên.

Mới vài ngày trước mọi việc còn yên bình.

Mụ gà mái. Cái con mụ có thân hình phổng phao. Bình thường, mụ là con gà có thể nói là “uy quyền” nhất trong đàn. Mụ sẵn sàng mổ các con khác chỉ vì vài hạt tấm vương vãi hay vài hạt đậu khô còn sót lại sau mùa gặt. Vậy mà hôm đó mụ nằm yên trong tổ. Mắt lừ đừ. Mụ chẳng thèm nhảy ra khỏi ổ, cũng chẳng “cục tác” như những con mái khác. Thấy lạ, thằng Mèo đến gần lắng tai nghe.

- Chíp. . . chíp. . .

Nó vui lắm, gà nở rồi!

Mấy đứa con của mụ dần cứng cáp sau một hồi ở lâu trong không khí. Một ngày kể từ hôm chú gà con đầu tiên ra đời. Mụ nhảy ra khỏi tổ. Lòng vui sướng pha chút kiêu hãnh dắt theo một bầy gà con lang thang trong vườn nhà. Đôi chân  bị giam trong ổ nhiều ngày nay được tự do mụ tha hồ vẫy vùng bới tung mọi nơi, cát bụi mù mịt.

Thằng Mèo dọn dẹp ổ trứng đầy vỏ. Đưa mắt nhìn đàn gà mỉm cười.

- Ô, cha mẹ ơi!- Bỗng nó kêu lên, ngạc nhiên.

Với ánh mắt ngờ vực, nó nhẹ nhàng cầm cái trứng còn sót lại vào nhà. Mắt nheo lại. Môi mím chặt, có vẻ như đang suy nghĩ một cái gì đó ghê lắm! Nó lục lọi trong góc bếp cầm ra cái đèn dầu bám đầy bụi. Nó bắt chước mẹ, một tay cầm trứng, tay kia che phía trên soi vào ánh đèn dầu ở góc tối trong nhà. Không biết nhìn thấy gì trong đó mà mỉm cười lẩm bẩm:

- Vậy là nở chậm thôi!

Nó lại vội vàng chạy ra chậu nước rửa chén bỏ quả trứng vào rồi đứng nhìn. Cái trứng nổi trên mặt nước lắc lư. Nó lại cười:

- Đúng rồi! Mai nở.

Vừa nói nó vừa cầm vào nhà lấy miếng giẻ thường dùng nhắc nồi lau khô rồi tới hủ gạo bỏ vào đó.

Đêm đến, nó đem quả trứng, lén lút và cẩn thận đặt vào với đám gà con, để mẹ nó ấp vào ban đêm.

Sáng ra. Đàn gà lại lục tục kiếm ăn. Trong cái tổ rơm vàng êm ái quả trứng vẫn im lặng. Cái yên lặng một cách bí ẩn. Thằng Mèo nằm trên cái võng sau vườn, đong đưa nghĩ ngợi. Mắt đượm buồn. Cái nắng le lói xuyên qua tán cây, chiếu thẳng vào mặt nó. Như chợt nghĩ ra điều gì nó vội vàng chạy ngay ra sau hè, cầm cái trứng lẻ loi nâng niu trong lòng bàn tay, nó trèo lên chuồng bò đặt quả vào ổ  nhờ gà đen ấp hộ. Thấy có người chạm vào gà mẹ liền mổ mạnh nhưng nó vừa xuýt xoa vừa cười.

Hồi hộp. Lo lắng. Cuối cùng, hôm sau nữa con gà cũng nở. Thân hình thấp bé, yếu ớt. Gà con cất tiếng kêu như bao chú gà khác. Lông nó phủ sọc đen, chỉ loáng thoáng vài chỗ lấm tấm vàng.  Ánh mắt hấp háy, ngây thơ ngước nhìn gương mặt vui mừng của thằng Mèo.

Đến chiều, khi đàn gà đã đi ngủ, nó trèo lên chuồng bỏ gà con vào ổ với mẹ. Mụ gà mái bực dọc. Mổ cắn tứ phía. Đàn gà con bỏ chạy tán loạn. Tiếng kêu xao xác cả bóng chiều. Cảnh ấy diễn ra trong chốc lát, cuối cùng nó cũng chạy tọt được vào trong và qua được một đêm.

Năm giờ sáng mà mặt trời đã ló dạng. Cái âm thanh hỗn loạn đêm qua lại bắt đầu đánh thức giấc ngủ nướng mùa hè của thằng Mèo. Nghe tiếng gà kêu nó vội choàng dậy chạy ra. Nó chống cằm nhìn con gà bị rượt, bị cắn. Mình mẩy bị xơ xác nhưng nó không khóc. Ừ! Mà nó có biết khóc đâu cơ chứ! Chỉ có tiếng kêu yếu ớt, thổn thức vang lên thay cho sự vỡ oà của những giọt nước mắt. Thì ra gà mẹ vì thương đàn con đã không thừa nhận nó là con. Chắc là nghe tiếng kêu quen thuộc, con mái đen đang ấp lại nhảy xuống xông vào giành con. Nó gọi cục cục rồi dắt con đi. Thằng Mèo mỉm cười. Thế là yên tâm, nó đứng dậy đi vào rửa mặt.

Ngày mùa, mẹ nó đã dậy từ rất sớm để nấu cơm. Nó sà vào khoe thành tích của mình. Nghe đến đây, mẹ  nó hoảng hốt bảo:

- Thế còn ổ trứng của con Đen thì sao?

- Thôi, chết rồi! –Nó chợt thảng thốt.

Hắn thấy lo lắng. Có chút gì đó gọi là ân hận đang tràn ngập tâm trí nó. Tại sao hắn lại làm thế? Tại sao hắn lại cho trứng của mụ gà mái để con Đen ấp hộ? Hắn điên rồi! Đầu óc hắn ngổn ngang những ý nghĩ. Cứ thế! Mỗi lúc một rối ren, chất chồng len lỏi vào khoảng trống của những suy nghĩ. . . Nhưng, chợt hắn sững lại. Hắn không làm thế, con Mười Ba sẽ chẳng thể ra đời, không thể vui đùa, không được nhìn thấy ánh sáng và cái không gian đầy ăm ắp sắc màu của hoa lá, cây cỏ. Và cả sắc lông của chính nó. Và cũng không thể biết cái nghịch lí của cuộc đời.

Nếu lúc trước, giá như cái trứng này mãi mãi đừng nở. Giá như chẳng tồn tại cái trứng thứ 13 này trên đời thì sẽ không xảy ra “bi kịch” thế này. Hắn chợt nhận ra cái ngớ ngẩn đáng yêu. Nó phải làm gì với con gà tội nghiệp, với ổ trứng?

Suy nghĩ một hồi không ra, nó chạy sang gặp thằng Tí. Hai đứa bàn bạc một lúc cũng đã tìm ra một kế. Hắn về với cái lồng chim trên tay. Đến nhà, hắn đã tìm cách bắt được con gà tội nghiệp bỏ vào lồng chim nhanh nhảu giấu vào phòng kín để gà Đen trở lại ấp.

Mất con, gà Đen lại lồng lên. Móng chân cày xuống đất. Vẻ tức giận lộ rõ trong đôi mắt. Trông nó thật đáng thương nhưng còn ổ trứng sắp nở nằm chỏng chơ trên giàn. Còn gà mẹ thì lại lục tục đi tìm “đứa con đầu lòng”. Nó ở đâu? Nó là ai? Mười Ba! Thật oái oăm! Chỉ một con gà con mà với hai mẹ gà thì hoàn toàn trái ngược nhau. Con mình thì lại không nhận trong khi với con Đen thì lại giành cho bằng được.

Đến chiều, thằng Tí sang chơi.

- Sao, ổn không? - Thằng Tí hất hàm hỏi.

- Tốt rồi!

Vừa nói hắn vừa hí hoáy viết viết vẽ vẽ  cái gì đó lên tờ bìa các- tông. Chả biết hắn làm gì nhưng có vẻ hệ trọng lắm. Còn viết bằng bút đỏ nữa cơ. Xong đâu đấy, hắn lấy cơm nguội rồi dán tờ giấy vào lồng chim. Thằng Tí và thằng Nị đi theo.

- Từ nay nó phải ở tạm lồng SOS. Nếu không, lớn lên dễ đi bán vé số như chơi!

Nó vừa dứt lời, hai thằng đã cười toét miệng.

- Anh nói cái gì lạ thế?

Hắn nghiêm mặt:

- Tao không đùa! Mày nhớ nhé. Phải cho nó ăn uống đàng hoàng, phải cho nó vào lồng trước chạng vạng. . .

Con gà nhỏ bắt đầu với một tên mới: Mười Ba. Theo lý luận của nó với thằng Tí nhà bên về chuyện đặt tên đó thì có hai nguyên nhân:

- Thứ nhất là do nó là quả trứng số 13, quả vỏn vẹn còn sót lại trong ổ.

- Thứ hai: do nó có số phận quá “ bi thảm” nên tao đặt cho nó là Mười Ba. Số 13 là số xui mà mày.

Thằng Mèo nói đến đâu, thằng Tí gật đầu lia lịa đến đó. Nó quý con Mười Ba – như nó.

Thằng Nị biết anh nó không đùa nên không dám cãi nhưng nó vẫn gãi đầu, gãi tai ra vẻ khó hiểu. Nó chạy tọt vào bếp đầy khói, thì thầm điều gì với mẹ không rõ. Chỉ biết sau khi nghe xong mẹ hắn mỉm cười thật nhẹ. . . Sau đó, mẹ hắn có vẻ quan tâm đến cái lồng gà mỗi khi hắn đi học hay đi đào dế với mấy đứa trẻ con trên cánh đồng.

Vài ngày sau, khi đang ăn dở bữa cơm thì thằng Tí hối hả chạy sang, mặt đầy vẻ bí mật và lại thì thầm.

Thằng Mèo chạy vào với vẻ mặt sung sướng. Hắn lúi húi đem con gà ra, tay cầm ca nước phun ướt con gà. Thằng Tí bảo mẹ nó bày như vậy để gà mẹ không nhận ra mùi của gà đen ấp hộ. Rồi nó bỏ con Mười Ba vào tổ của mụ gà mái.

Hắn vào ăn cơm nhưng đầu óc cứ để đâu đâu. Ngồi không yên. Hắn lại bỏ dở chén cơm. Lại cắm cúi. Nhưng lần này là ở chuồng gà. Cái yên tĩnh bị phá tan bởi một thứ âm thanh quen thuộc. Lại là tiếng kêu cứu. Lại vang lên một nỗi niềm. Nó lại bị hất hủi. Nó buồn tủi. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sự sống vẫn phải được duy trì. Mèo nghĩ thế! Hay đúng hơn là  tin như thế. Và Mười Ba đã lớn dần theo cách riêng. Đêm ngủ trong lồng SOS. Ngày lại lủi thủi theo sau mẹ. Dẫu cho mụ gà mái xua đuổi mỗi khi có mồi. Dẫu cho mụ vẫn thường đưa đôi mắt đỏ lừ nhìn nó. Nó vẫn vậy.

Thật khốn nạn thân Mười Ba! Nguy hiểm luôn rình rập, bủa vây.

Một chiều, trời đã tắt nắng từ lâu. Gìơ đó, mọi hôm đàn gà đã vào chuồng. Chả hiểu sao hôm nay mụ gà mái cứ luống cuống, vỗ cánh phành phạch ra vẻ dữ tợn lắm. Lũ gà con hoảng hốt chạy nấp vào bụng mẹ. Thì ra, một con quạ đen dang rộng cánh,  bay sà sà sát mặt đất, đang lăm le đàn gà.

- Mười Ba. Mười Ba đâu? - Nhỏ cầm cây củi khô dài  huơ huơ, xua đuổi quạ.

Cái hỗn độn, ồn ào đi qua. Mọi thứ dần trở về với vẻ vốn có. Chỉ có cái lồng vẫn nằm trống không, nghiêng ngả, chỏng chơ trên mặt đất bụi bặm.

Thằng Mèo tìm quanh nhưng chẳng thấy gì. Nó cũng chẳng thèm nhặt lồng lên. Ừ! Mà thôi. Nhặt làm gì? Mười Ba đi rồi, có ai cần nữa đâu mà nhặt. Đóng cửa chuồng gà, toan bước vào nhà, bỗng:

- Chip. . . chip. . .

Tiếng gọi đàn thổn thức. Là Mười Ba. Đúng rồi! Nhưng nó ở đâu lúc   này? Hắn vội vạch bụi cây. Đây rồi, cái dáng nhỏ thó, cái bộ lông điểm vàng ít ỏi. Thằng Mèo vội vàng nhặt lồng chim. Bây giờ thì nó lại thực sự hữu ích rồi. . .

Nhưng, cuộc sống đâu chỉ một vài lần nguy hiểm. Cái chết luôn rình rập, vồ vập bất cứ lúc nào. Hôm ấy, đội bóng trong xóm phải thi đấu với đội xóm bên. Hắn vui mừng với chiến thắng, với chức “vô địch sân cỏ”. Đến chập choạng tối mới lò mò về. Mệt lả. Hắn dựa lưng trên tấm phản tu liền mấy gáo nước. Mắt hắn liu riu.

- Chít. . chít. . .

Tiếng chuột.

- Chắc lũ chuột đồng lại rình rập mấy nhóc gà  đây mà. Đừng mơ! Tao đã. . .

Bỗng hắn giật phắt dậy, chạy ra sau chuồng. Vô ý quá. Lồng chưa khép. Mười Ba nằm ườn ra. Chân đầy máu.

- Tội nghiệp! Nó què thật hả anh Mèo? - Thằng Tí chắp miệng nhìn con gà bé nhỏ với cái chân bị gãy đang nằm dài ra đất. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn quanh sợ hãi trông tội nghiệp.

Thằng Mèo bực tức lắm! Mà không tức sao được, khi nó được bà ngoại mệnh danh là Mèo. Lúc còn nhỏ ở với ngoại nó được giao nhiệm vụ nhốt gà và trừng trị lũ chuột nen gọi là Mèo, chứ tên nó là Chiếu, còn tuổi là trâu. Thế mà giờ đây, chính bọn chuột lại gắn con gà mà nó thương yêu. Thằng Mèo vác cái khuôn mặt ỉu xìu vào nhà, hét toáng lên, ầm ĩ :

- Thằng Nị đâu? Tao bảo mày thế nào hả?

Thằng Nị vừa lon ton chạy về đến đầu ngỏ, thoáng thấy cái bộ mặt dữ giằng của thằng anh, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, nhanh như cắt hắn chui tọt vào cây rơm sừng sững còn ngào ngạt cái vị  thơm nồng sau mùa gặt. . .

Im thin thít, mặc anh hắn sục sạo.

Thời gian trôi đi một cách chậm chạp trên cái chân què. Mười Ba lớn lên trở thành con trống choai. Tưởng chừng những kí ức đau thương sẽ dần mất đi. Nhưng không, nó cứ âm ỉ, dai dẳng mãi trong lòng. Mới đây thôi, Thằng Mèo lại ứa  nước mắt khi nhìn con gà què bị giành giật, cấu xé bởi chính mẹ nó và đám gà cùng lứa.

Mèo sững người. Trong phút chốc, hắn thừ ra như chẳng hề nhìn thấy gì. Nhưng! Rõ ràng mắt hắn đang đăm chiêu quan sát cái cảnh hỗn loạn và tiếng mổ oang oác của đàn gà nhà. Mặt hắn buồn rũ rượi. Như một kẻ mộng du giật mình, hắn cầm cây huơ tứ tung, chân giậm thình thịch làm bầy gà chạy tán loạn. Con thì cắm đầu cắm cổ chạy về phía bụi cây, con lại bay đến cạnh ao cá. Mọi thứ cứ hỗn độn cả lên. Cả hắn nữa. Nhưng chỉ có Mười Ba nằm điềm tĩnh. Hay đúng hơn là nằm trên mặt đất đầy rơm rạ. Nó ngóc cổ ra vẻ cầu cứu.

Lần này nó không khóc. Nó nhìn Mười Ba và biết mình phải làm gì lúc này. Nhanh lên! Hoạ may, sau này con Mười Ba mới có thể sống được. Chứ cứ đứng đấy, yếu đuối để nhìn nó dần tím tái đi à? Nó nghĩ thế!

Rồi vài hôm sau, nó lại có thể khập khiễng đi kiếm mồi rồi.

Lạ thật!  Ngày nào, con gà què cũng lê lết theo sau đàn gà của mụ gà mái.

Đàn gà không ưa nó. Thỉnh thoảng chúng hùa nhau, quay lại xua đuổi. Lại chạy. Rồi lại theo sau. Dẫu thế nào đi chăng nữa Mười Ba vẫn không chịu lìa đàn.

***

Trời hạ. Cây lá lại mang nỗi buồn xao xác. Gió tây nam lại ầm ào thổi. Hất tung những chiếc lá khô nằm dài mỏi mệt trên mặt đất, rối tung mớ tóc vàng vọt của bụi tre và xoáy vào cả nỗi xao xác trong lòng người. Có lẽ Mèo thương cho Mười Ba, nhỏ nghĩ Mười Ba như những chú rùa cát. Dẫu cuộc sống có biết bao hiểm nguy rình rập thì chúng vẫn tìm về với mênh mông, với những cơn sóng trào trắng xoá. Những chú rùa con yếu ớt tìm về để được biển cả ôm ấp, vỗ về.

Mười Ba đã giúp nó nhận ra cái giá trị của cuộc sống.

Nằm dài trên tấm phản, nó đưa mắt nhìn quanh quất trên trần nhà, mạng nhện giăng chằng chịt. Lòng cu cậu lại đang rối bời. . . Bất chợt nhìn qua khe cửa: một không gian đầy sắc màu lại hiển hiện. Màu vàng ươm của nắng, cái xanh mơn mởn của cây lá, một vài đám mây trắng xốp bồng bềnh trôi lơ đãng giữa không trung. Một lỗ hổng

kì diệu. . . Đôi khi, nó lại thích cái cảm giác nheo mắt lại chỉ để nhìn vào một cái lỗ hổng be bé rồi chợt nhận ra cái thế giới đầy sức sống đang hiện hữu ngoài kia.

Giật mình bởi những ý nghĩ mông lung, nó lại bị cuốn vào những suy nghĩ lằng nhằng về cuộc sống, về Mười Ba. . . Một nỗi niềm thương cảm. Một nỗi đau đớn, day dứt giăng trong lòng. Vì cái dáng vẻ đáng thương hay vì thân phận? Hắn cũng chẳng biết.

Thằng Mèo đã nghĩ đến cái cảnh ngộ phải sống trong cái lồng của con gà nhỏ. Hắn thấy lòng buồn rười rượi, ngổn ngang những ý nghĩ. Hắn tìm thấy cái nghịch lý ngay trong lòng hắn. Hắn lại thấy lòng mơn man những cảm giác thích thú khi đưa mắt nhìn qua lỗ hổng. Còn con gà? Có lần, hắn cũng đã nhìn thấy Mười Ba lẳng lặng cố nhìn qua lỗ hổng tờ giấy báo mà chính nó đã vây chiếc lồng để chứng kiến cái cảnh cả đàn gà ríu rít, quây quần bên nhau để tranh nhau những hạt tấm vung vãi, vây quanh đe doạ một con giun đất đen sì bất hạnh đang run rẩy tấm thân dài ngoẵng uốn lượn, quằn quại trên mặt đất; cũng có thể là lúc cả đàn hí hửng chạy theo một vài chú châu chấu xanh lẩn mình khiếp sợ trên đám cỏ mơn mởn vừa được dội rửa sau cơn mưa rào.

***

Cuộc sống đôi khi tồn tại những nghịch lí. Đối mặt hay trốn tránh? Trốn tránh thực tế chỉ là cách lựa chọn của những kẻ yếu đuối. Phải đối mặt để tìm kiếm những điều tốt đẹp đang giấu mình và đôi khi còn là những điều kì diệu nữa. . . Mười Ba đã làm thế.

Sáng nay, Mười Ba đã cất tiếng gáy đầu tiên. Tiếng gáy cất lên ngay trong cái lồng chật chội làm thằng Mèo thả nắm lúa trên tay lúc nào không hay. Nó vỗ tay và cười ran. Tiếng cười giòn tan hoà trong tiếng gáy của Mười Ba tạo nên một âm thanh lạ làm xao động cả một góc vườn.

 

(Trại sáng tác 2009)

 

 

XIN CỨ MÃI LÀ TRẺ THƠ

 

Trời gần trưa. Nắng gay gắt hắt xuống mặt đường nhựa sần sùi khiến người ta có cảm giác mặt đường sắp nhầy nhậy, dẻo quánh tan chảy. Quán cà phê đã hết khách tự lúc nào nhưng nhạc vẫn mở xình xịch. Phát Banh vẫn ngồi đó, gật gật theo điệu nhạc có vẻ thích thú lắm. Thường mọi hôm thì vào nửa buổi là hắn đã về rồi nhưng hôm nay mặc cho bà chủ có nài nỉ, dỗ ngọt thế nào hắn vẫn không chịu về, lại còn nói trống không:

- Chưa trả tiền mà!

Nói thì thế, nhưng hắn làm gì có xu nào trong túi mà chưa với trả.

Sáng sáng, người ta lại thấy một con người với bộ dạng thất thểu, vô hồn của một kẻ điên dại lê những bước chân xềnh xệch của mình trên con đường nhựa mấp mem những ổ gà. Hắn cứ đi, chẳng thèm tránh người, mặc kệ xe cộ. Người ta phải tự tránh chứ hắn cần quái gì phải tránh thằng nào. Hắn đi theo quán tính và tấp vào một quán cà phê giữa phố mới. Hắn nhâm nhi từng ngụm nhỏ cà phê trông có vẻ bài bản lắm nhưng lại chẳng bao giờ trả tiền. Ai trả cho chủ quán mà hắn không thấy là không chịu. Cứ đòi nằng nặc phải đưa tiền cho chính tay hắn trả mới thôi. Có lẽ vì thế mà có người cho rằng hắn “giả điên khiêng đồ”. Nói thì vậy chứ hắn được nhiều người thương vì ngày trước khi còn là một kẻ bình thường hắn cũng đã giúp khối người. Nhà ai có việc gì cần cấp hắn sẵn sàng cho mượn tiền, thấy mấy đứa nhỏ bán vé số hắn hay hỏi thăm rồi cho vài ngàn…

Sau khi nhà nước qui hoạch hơn ngàn mét vuông hắn nhận tiền đền bù rồi làm căn nhà hai tầng khang trang. Không làm ruộng nữa hắn chuyển qua mở quán buôn bán tạp hoá, cà phê, ghi số đề, cá độ đá banh…rồi đi tù! Cái tên Phát Banh của hắn cũng bắt đầu từ đó.

Vào trại được vài tháng là hắn bị bệnh. Ban đầu, người ta nghi ngờ chơi “khổ nhục kế” nên cũng khổ lắm nhưng qua một thời gian họ xác định đúng là bị bệnh thật nên đã dễ dãi hơn nhiều. Sau đó trại có cử cán bộ túc trực ở bệnh viện tâm thần để chữa trị nhưng vẫn không được và với chỉ định của bác sĩ hắn đã được tha sớm trước thời hạn để về nhà mới mong khôi phục được trí nhớ. Thế là người ta gọi người nhà hắn lên để nhận về.

Những ngày ấy trong xóm lại rộn lên biết bao nhiêu là chuyện. Đi đâu cũng nghe người ta xầm xì bàn tán về chuyện Phát Banh ở nhiều góc cạnh cuộc đời hắn: kẻ thương hại, người lo sợ, oán trách đã làm hạ con cháu mình. Giấy báo của trại đã gởi về địa phương nhưng chẳng biết giao cho ai. Cô em gái thì muốn đón anh về nhưng anh chồng thì lại không đồng ý:

- Bây giờ anh Phát thần kinh không ổn định, vợ chồng đều lo đi làm đi ăn, rồi lại còn nhà cửa nữa. Hay là mình cứ nhờ họ chuyển qua bệnh viện tâm thần rồi hằng tuần vợ chồng mình lên thăm cũng được. Khi nào ảnh tỉnh hãy đưa về!

Ý kiến của chồng nghe cũng đúng nhưng cô vợ vẫn biết ẩn ý đằng sau lời nói ấy, anh ta cũng biết thừa là anh Phát cần tịnh dưỡng mới mong khôi phục trí nhớ. Họ đã bảo nếu ở bệnh viện khi phải chứng kiến người điên anh ta sẽ nặng hơn và có thể điên thật. Bạn bè thì đông nhưng ai lại nhận cái của ấy về làm gì. Ai cũng bảo tội nghiệp nhưng chẳng ai dám liều lĩnh. Cuối cùng thì địa phương cũng liên hệ được với cha hắn ở quê. Ông nghe thế thì mừng lắm đã vội vã cùng địa phương lên đón hắn về.

Quê nghèo. Chỉ có không gian bao la rợp mình trong màu xanh dịu mát của cây lá. Nhà cửa không san sát như ở phố thị mà chỉ lác đác, thưa thớt mấy ngôi nhà phênh cũ nát. Cảnh vật có vẻ yên tĩnh, trầm lắng nhưng đôi khi lại tịch mịch quá khiến con người có cảm giác rợn ngợp, sợ sệt nhất là vào buổi đêm. Cái khoảnh khắc tăm tối với những ngọn đèn le lói, lu lấp mờ ảo bên trong những căn nhà. Người ta sống vậy cũng quen rồi. Nhưng còn hắn? Hắn có cái gì đó như sợ sệt, như lo âu, phấp phỏm. Hắn chỉ thu lu trong góc giường, mặt lộ rõ vẻ đau khổ. Lâu lâu lại ú ớ, ngọng nghịu chẳng nên lời:

- Thằng…? Thằng…?

Hình như hắn muốn gọi tên ai đó nhưng lại chẳng nhớ ra. Cha hắn ngồi bên:

- Thằng Tài hả? Con của con hả?

Hắn lại lắc đầu ngoầy ngoậy, rồi phụng phịu như một đứa trẻ:

- Không.

Hắn cứ vậy. Cứ rảnh ra là hắn hỏi bâng quơ, lung tung đủ điều, đủ sự nhưng câu hỏi “con” hỏi “thằng”gì đó là lặp đi lặp lại nhiều nhất. “Thằng Tài” hắn chẳng chịu rồi cha hắn gọi tên đủ người nhưng vẫn chỉ có những cái lắc đầu tưởng như quán tính.

Những đêm dài liên tiếp hắn chẳng ngủ nghê gì. Không chợp mắt nhưng hắn lại mơ. Hắn cứ lớ ngớ. Chắc nhiều chuyện cũ cứ dồn nén, chất chồng khiến hắn cảm thấy đầu óc quay cuồng. Cơn điên loạn cứ thế nổi lên, kéo dài dai dẳng cho đến tờ mờ sáng. Rồi hắn lại thiếp đi mà chẳng hay biết gì. Nhìn cái thân xác ngây dại và cái đầu tóc rối bời, cha hắn không khỏi chạnh lòng.

Hai vợ chồng đứa em về thăm thấy mọi sinh hoạt cá nhân anh đều tự làm được như một người bình thường, khoảng thời gian đau khổ, đầy tiếc nuối của quá khứ đã khiến hắn không nhớ gì. Bác sĩ khuyên nên cho hắn sống ở những nơi hắn từng gắn bó để khơi gợi miền kí ức ngủ quên trong hắn. Và lần này thằng em rể đã đưa ra đề nghị cha hắn đã phải thu xếp công việc nhà để đưa hắn trở về khu phố cũ gần nhà mình.

Và thế là hắn đã có mặt ở đây, tại quán cà phê này.

Những dấu chân lê thê của hắn cứ chồng chéo lên nhau trên con đường ngắn ngủn của khu tái định cư. Hắn đi, đưa ánh mắt vô hồn nhìn quanh quất những ngôi nhà cao rộng hai bên đường. Có lần hắn như chôn chặt chân trước ngôi nhà mái ngói nâu thẫm, hàng rào ánh vàng hoa huỳnh anh. Khung cảnh yên tĩnh hiếm thấy đang chìm sâu trong lòng thành phố đột ngột bị nứt gãy vì những tiếng đập thùm thụp vào cổng sắt với tiếng gào “Mở cửa!” tha thiết của hắn. Chủ nhà bước ra nhưng vừa nhìn thấy hắn đã vội vàng quay vào, khép cả cửa trong. Cha hắn thấy thế, tối đến lại qua nhà đó và thành thật kể về bệnh tình và mong cho hắn được vào nhà một lần nhưng chủ nhà nhất quyết không chịu. Rồi họ lẩn đi đâu hơn cả tuần liền để mặc ngôi nhà nằm im lìm và những tiếng thét gào điên dại phía bên ngoài. Ở lại nhà cô em được hơn nửa tháng thì người cha lại đưa về nhưng hắn dứt khoát không chịu. Hắn nói như một người tỉnh hoàn toàn:

- Cha để con ở đây với em. Con ở giữ nhà cho em.

Nghe con nói, nước mắt ông chảy dài, cô em cũng khóc theo. Hắn lại cười:

- Ở giữ nhà chứ có phải đi tù đâu mà khóc!

Tiếng nức nở lại vang lên lớn hơn. Cậu con rể thấy thế liền bảo:

- Thôi cha cứ về đi, để ảnh ở đây với tụi con, nhà cũng rộng chỗ mà lo gì?

Thế là hắn lại có mặt ở đây: nhà cô em và gần ngôi nhà cũ của hắn. Sáng sớm dậy đi uống cà phê, chiều tưới cây, quét dọn nhà cửa. Tối ngủ. Vòng tuần hoàn đơn điệu nhưng không hề nhàm chán với hắn. Có lẽ thế!

Lâu lâu, người ta lại thấy cha hắn ở quê lên mang theo bao gạo, con gà mái tơ, con vịt và vài quả dưa mọng nước, nặng trĩu… Thấy con không quậy phá gì là ông mừng lắm rồi nên càng về sau lên chơi ông hay cười, nhất là khi nghe mọi người kể chuyện “làm giàu” của hắn:

- Ai cho tiền: nhận.

- Em hắn cho tiền trả cà phê: không trả.

- Ai trả tiền cà phê thì được và mới chịu rời quán.

Có lần chị Ngân phải nhờ một người khác giả vờ vào uống rồi đưa tiền trả, hắn mới chịu về. Thế là mất đến hai lần tiền.

Tối đến, hắn ăn cơm xong là đi ngủ. Nhưng cũng có hôm lại thấy ra sân ngồi hút thuốc, nhả khói phì phèo rồi trầm ngâm nhìn trời, hắn có nghĩ ngợi điều gì không ai rõ. Có hôm, trời nóng vào xem thì lại thấy mồ hôi ướt đẫm mà hắn vẫn ngáy khò khò. Ngủ chẳng biết sao nhưng hắn thức dậy thì rất chính xác bằng chiếc đồng hồ báo thức với tiếng nhạc vọng đến từ quán cà phê.

Cuối đông năm ngoái trời lạnh sớm. Cái nắng vàng vọt ngắt lịm từ bốn, năm giờ chiều khiến cảnh vật như chậm chạp, uể oải. Chẳng biết vì ngủ sớm hay sao mà chưa tờ mờ sáng quán đã nghe văng vẳng tiếng nhạc- khúc nhạc buồn cứ dội liên hồi vào không gian tịnh vắng, tràn vào lòng người những thanh âm não nề.

Nghe tiếng chân sột soạt, biết là hắn đã dậy nên cô em gái vội vùng ra khỏi chăn để khoá cửa nếu không trộm lẻn vào thì khổ.

Mưa rơi, thấm ướt con đường mòn lẵng dấu chân hắn. Không áo mưa, cũng chẳng mũ nón gì, cứ đầu trần thế băng xăm xăm ra ngoài trời. Hắn bước điềm nhiên chẳng sá gì mưa gió. Cửa quán vẫn đóng im ỉm. Chỉ có nhạc dập dìu cùng  ánh sáng đèn từ trong hắt ra. Hắn chẳng gọi. Lặng yên nép mình vào bức tường nhão nhoẹt nước mưa từ đêm qua. Chị Ngân lục đục mở cửa, trông thấy hắn đứng tần ngần đó tự bao giờ, bất giác lùi lại hoảng hốt. Hắn chẳng nói gì, chỉ cười hì hì. Quán mở… Nhưng cũng phải rất lâu sau đó khách mới bắt đầu lui tới. Nhiều người nhìn thấy hắn ngồi ở một góc quán liền ghẹo:

- Thằng này ám miết làm ăn chi ra?

Nghe thế chị Ngân liền cười phân bua:

- Đừng nói rứa tội cái miệng, nhờ vía nhẹ mở hàng mà tôi buôn bán được đó!

- Sao chị không đem ổng về làm giàu, ở luôn trong nhà cho vui?

Chị Ngân lại cười :

- Nằn nì hoài mà có chịu đâu?

Rồi chị lại thực thà kể:

- Từ ngày về, vài hôm đầu trời chưa sáng đã mò ra rồi ì. Tôi thấy cũng chán nhưng sau đó thấy tôi lúi húi nấu nước thì lại dọn bàn ghế dùm. Tất cả đâu vào đó rồi mới chịu ngồi yên nghe nhạc, uống cà phê. Chỉ tội ai hỏi gì cũng chỉ cười cười chứ ít trả lời. Mà có cũng là bâng quơ cho qua chuyện, chẳng ăn nhập gì cả.

Việc đi uống cà phê của Phát thì cô em gái rất thích vì ít ra anh ấy cũng còn có thú vui, hơn nữa biết đâu trong trò chuyện với mọi người anh ta lại tỉnh ra. Nhưng thời gian gần đây cô ta cũng thấy hơi mệt vì cứ lâu lâu chị Ngân lại mở nhạc quá sớm khiến cô phải dậy để mở và đóng lại cửa. Vào nằm một lúc, âm thanh dìu dặt  bỗng dưng ngưng bặt, không gian lại đi vào cái tĩnh mịch vốn có cô lại dậy ra ngõ nhìn sang quán cà phê nhưng quán vẫn tối om. Chẳng biết đi đâu, cô đợi một hồi không được lại vào ngủ. May mà cô chưa đưa ra lời than phiền nếu không lại bị người ta đổ tội rồi, khi cuộc sống của Phát lại bị xáo trộn.

Vài lần cô chú ý thấy cứ đến chương trình bóng đá là anh ta vội bỏ vào phòng ngủ. Tệ hại hơn, một buổi chiều hắn chạy như ma đuổi về nhà, vừa chạy vừa bịt kín mít hai lỗ tai. Tiếng rú man rợ lên thất thanh, dội vào con hẻm nhỏ bé. Đến nhà, hắn dùng khăn dày quấn quanh đầu, lều thều như cái xác ướp. Thu gọn người trong chăn, hắn rên hừ hừ, thỉnh thoảng lại cất những tiếng kêu khủng khiếp. Mấy đứa nhỏ trong xóm chạy theo hắn lấp ló sau cánh cửa sổ nhìn bộ dạng của hắn. Thằng em rể ngồi nhậu nhà hàng xóm vội chạy về, khi hỏi thì mấy đứa nhỏ nói:  

- Chú đang coi đá banh thì tự nhiên lắc lắc đầu, hét lên rồi bỏ chạy như vậy đó chứ không ai làm chi chú ấy cả. À! Chú bị rớt chiếc dép lào trên đường tụi cháu lượm dùm đây nữa nè!

Hắn cứ quằn quại trên giường, mặc cho những lời dỗ ngon ngọt của em hắn. Hắn vồ lấy bất gì ai, cấu xé như để thoả cơn đau. Đôi mắt hắn thoáng kinh hãi, rồi lại đăm đăm dữ tợn. Trông hắn bây giờ như một con chó ăn phải bã- vừa nhăn nhúm vì đau khổ, vừa lộ vẻ phẫn uất khôn nguôi. Chẳng biết cái gì hành hạ thân xác của hắn, cô em chỉ biết khóc lóc rồi chắp tay khấn lạy trời đất…

Những ngày tiếp đó, hắn chỉ dám lẩn quẩn trong nhà. Tuyệt nhiên không thấy hắn bén mảng ra đường và dĩ nhiên không hề lui tới quán cà phê ồn ào phía con hẻm. Hắn cứ luôn mồm bảo rằng có người muốn giết hắn. Có người đánh đuổi. Có người chửi bới hắn.

- Đuổi đi hết đi. Đuổi đi. Nhanh lên! Tau chém bây giờ.

Hắn cứ nói không không, chẳng thấy ai đáp trả, hắn lại quỳ sập xuống van nài. Rồi hắn khóc… Nức nở trong cơn điên loạn của một kẻ mất trí…

- Đừng mà! Đừng mà. . .

Hắn chỉ kịp thốt lên một vài tiếng trước khi lịm đi. Cơn mê man ập đến…

Bây giờ thì ông cha và mọi người đều hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hắn đã bắt đầu nhớ lại tại sao hắn phải đi tù: bán hết nhà cửa cho những trận banh thế giới, người ta đến đòi nợ rồi ẩu đả nhau, cùng đường hắn đã chém một tên đòi nợ thuê.

Thế là ông cha lại phải lên đón hắn về quê.

Hắn đi được một thời gian ngắn thì chị Ngân cũng nghỉ bán cà phê và dọn đi nơi khác. Không biết chị nói có đúng không: vía hắn nhẹ, từ ngày hắn đến uống mở hàng chị bán đắt. Và bây giờ hắn đi chị cũng tìm nơi khác hay đi đâu cũng chẳng ai quan tâm làm gì! Chỉ tội, năm sau có lần lên đám giỗ ở nhà cô em hắn có qua quán nhưng chẳng thấy. Hắn lại lủi thủi ra về.   

***

Trở về với làng quê được hơn một năm. Mắt hắn lại tươi theo cái màu vàng của đồng lúa chín, lại xanh thẳm cái bầu trời ở phía đường chân trời xa tít tắp… Cha hắn nhìn thấu tận trong đôi mắt tưởng như vô thần ấy cả một sự thanh thản rộng lớn. Có lẽ nơi này đã thực sự bình yên…Chiếc võng đầu ngõ đong đưa theo nhịp, hắn nằm nhìn nắng qua vòm cây loang lỗ rồi cất tiếng hát cái giai điệu nhẹ nhàng của khúc dân ca mà hắn thường nghe lỏm được của bà Tư hàng xóm. Hắn hát chẳng đâu vào đâu khi thì đoạn này, khi thì đoạn kia, chắp vá và vô trật tự nhưng lại rất có hồn. Có lẽ vì hắn hát bằng tất cả niềm say mê, sự vượt thoát thanh thản của một tâm hồn vô tư của kẻ tâm thần…

Hắn tỏ ra rất rành trong việc chăm sóc vườn, tỉ mỉ vót từng mắt tre, chẻ từng sợi lạt lại cho thật đàng hoàng, cẩn thận. Hắn dùng lạt buộc tất cả lại với nhau, cây lớn, cây nhỏ nằm gọn ghẽ bên trên bộ khung vững chắc của giàn cà chua vừa ra hoa. Sau cơn mưa, nắng mới đổ xoà trên giàn, làm loang lổ mấy chiếc lá xanh mơn mởn đang chực vươn lên. Trời lên dịu nhẹ, mấy chùm hoa vàng rực lại toả vào không gian thứ ánh sáng ấm nóng. Hắn nhìn cha rồi cười. Cha hắn gật gật đầu rồi cười to hơn.

Lâu lâu hắn lại theo cha ra đồng, ông vác cày đi trước, hắn lẽo đẽo dắt trâu theo sau giống như ngày xưa hắn đã từng làm. Dần dà, hắn ra đồng nhiều hơn nhưng thích gì làm nấy.

Ở quê trời mùa hè hắn cứ nằng nặc treo võng gần cổng để… giữ nhà, nhưng thực chất là để ngắm nhìn bọn trẻ con bày đủ trò chơi. Kí ức về thuở ấu thơ lại chọc thủng không gian, xuyên suốt thời gian hiện về. Hắn mơ màng, chập chờn giữa hồi ức và hiện tại… Rồi chẳng biết cái gì thúc giục hắn. Vì quá khứ quá đẹp đẽ? Hay vì cái bản chất trẻ con đang hiện hữu trong sâu kín tâm khảm của hắn? Hắn chẳng biết và cũng chẳng ai biết điều đó. Chỉ biết rằng, hắn nhập cuộc với bọn trẻ con nhếch nhác ấy một cách hào hứng nhất. Có lẽ hắn đã quên cái thân phận người lớn tủi nhục của hắn, quên bẵng cái quá khứ cay đắng với những trận cá độ bóng đá, với những con số đề vô tâm, tàn ác. . . Hắn giành xách những xô nước to giúp lũ trẻ đào dế trên cánh đồng nồng sặc mùi rạ khô, hắn đứng đầu “làm mẹ” dắt bọn nhỏ lòng vòng trên những con đường gập ghềnh bụi đất khi “Rồng rắn lên mây” đơn giản vì hắn là đứa lớn nhất, khỏe nhất. Trò kéo co thì phe nào cũng giành hắn. Cha hắn lại đứng xem rồi vỗ tay. Có lần hắn bắt ông phải đứng ở nhóm bên kia để kéo với hắn.  Lũ trẻ có vẻ quý hắn lắm! Không biết tự lúc nào chúng đã chôn vùi, gạt bỏ tất cả mọi sự trêu chọc khi hắn vừa tập tễnh về làng.

Một buổi trưa, khi đang nhìn đám trẻ con ngoài ngõ xóm, hắn ngồi nghĩ ngợi rồi như nhớ ra điều gì: “Thôi không chơi nữa! Về đã…” Hắn chạy khắp nơi tìm cha rồi hỏi:

- Thằng Tài đâu rồi? Thằng Tài đâu rồi? Đi chơi rồi hả? Chơi ở đâu mà ngoài xóm không thấy?

Cha hắn sững sờ. Hắn đã tỉnh? Hay vẫn còn trong cơn mê với sự chờn vờn mơ hồ bất chợt của hồi ức. Hình ảnh đứa con trai bụ bẩm đã hiện về trong trí hắn? Người cha già nhìn con bằng ánh mắt thương cảm, bằng nỗi xót xa, day dứt và cả sự bế tắc trong việc giải đáp. Ông nhớ đứa trẻ ngày nào nắm chặt tay mẹ dắt díu về làng từ ngày bố nó đi tù. Mẹ nó về đòi chia phần đất cho thằng nhỏ. Đất chưa chia đã gọi người đến trả giá. Rồi chửi rủa ông già tội nghiệp. Nào là ông bà đã đẻ ra một thằng con trời đánh làm hại cuộc đời mẹ con cô. Nào là sao không chết đi cho rãnh. Chị ta còn doạ sẽ đốt nhà, phá vườn nếu không được chia tài sản…Chẳng làm được gì chị rình và lấy được số tiền ông già dành dụm rồi bỏ đi. Biết giải thích sao đây? Cảm giác tội lỗi cứ dâng lên cuồn cuộn, dậy sóng mãnh liệt trong lòng ông.

- Không biết. Con hỏi ai?

Câu trả lời lớ ngớ trong sự đau đớn tột cùng của một người cha.

- Thằng Hiếu, thằng Nam nữa kìa? Đâu hết rồi? - Hắn cứ hỏi dồn.

Ông già lại quặn lên niềm đau. Đó là tên những thằng bạn đã cùng xóm ngày xưa khi còn bé. Sao hắn nhớ? Lẽ nào? . . .

- Con nhầm rồi! Làm chi có ai tên đó!

Không gian lại rơi bặt vào im lặng, khoảng im lặng rùng mình. May mà hắn bỏ đi vào giường, không hỏi gì nữa nếu không chưa biết chuyện gì sẽ đến.

Cuộc sống quá trớ trêu. Ông Hương và nhiều người nữa từng mong hắn tỉnh. Mấy năm trước, hắn tỉnh trong kinh hoàng, còn bây giờ hắn tỉnh làm ông sợ hãi. Thương hắn, ông đi quanh xóm dặn dò: “Thằng Phát nói bất cứ về chuyện gì của ngày xưa thì tìm cách nói tránh sang chuyện khác dùm, hắn mà nhớ lại thì khổ lắm! Cứ giúp để nó mãi là đứa trẻ thơ ngây. ” Mọi người thương ông đã làm theo nhưng thật cực vì khi nói chuyện với thằng Phát họ cũng phải biến mình thành kẻ tâm thần, một người lãng trí để hoà nhập.

Đã gần bốn năm kể từ ngày hắn trở về với tuổi thơ, với những trò chơi trong tiềm thức. Quá khứ tươi đẹp đã đánh thức hắn nhưng mọi người lại phải một lần nữa đẩy hắn vào sự lãng quên tồi tệ để cứu hắn khỏi bị điên.

Tôi, người kể lại chuyện này, và bạn đọc chắc hẳn phải thở ra, ngậm ngùi trước những oái oăm của cuộc sống. Cuộc sống là một chuỗi những mảnh ghép đầy sắc màu, muôn hình vạn trạng. Và hắn- Phát Banh- đã đến, xuất hiện trong cuộc đời tưởng như một mảnh ghép lệch. Mảnh ghép đó không khớp với bất kì khoảng trống nào. Có thể nó chìm nghỉm trong những sắc màu rực rỡ hơn hay nổi trội vì kì dị so với mọi mảnh ghép khác. Nhưng nó đã đến và con người chấp nhận nó như một mảnh ghép hoàn hảo tô vẽ bức tranh và ta gọi đó là cuộc đời. Ở đây được cai quản bởi một vị thần trên đỉnh Ô- lim- pơ, tôi lỡ quên tên, có thể ưu ái một người nào đó nhưng chẳng ghét ai bao giờ. Vì thế, Ngài đã trở lại để dựng nốt đoạn cuối cuộc đời của Phát Banh- Phát Điên - thằng khờ - đứa trẻ tuổi ba mươi.

Xuân đến với mai, với cúc vàng rực vàng đầy sân và cả cái nắng dịu nhẹ nhuộm vàng cây cối nhưng nó lại nhuốm nỗi buồn trong lòng ông Hương. Người đàn ông còm cõi ấy lại dằn lòng dồn nén đau thương vào trong. Ông chỉ biết vui cùng niềm vui con trẻ, khờ khờ của thằng Phát. Dắt nhau đi lên đồi thắp hương mộ người thân vừa về đến sân thấy đứa trẻ đang lom khom bên bờ giậu bắt chuồn chuồn bỗng hai cha con đứng sững lại. Nhưng mỗi người đã theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Ông Hương lên tiếng gọi trước:

- Tài! – Nghe có người thằng bé quay lại nhưng không trả lời.

Ông Hương thầm nhủ: làm sao có thể như vậy được. Hơn nữa, nếu còn sống bây giờ nó đã mười tuổi rồi mà! Ngày mẹ nó bỏ lại thằng nhỏ đã lên năm. Ngôi nhà lúc ấy chỉ còn thằng nhỏ ngây thơ với con trâu béo mũm mỉm và người ông còm cõi. Ngày ấy, không một ai thấy nó lúc ra đi, không một ai… Chỉ có con trâu ngơ ngác bên sông, chỉ còn cái quần đùi vắt vẻo bên khóm tre cạnh bờ. Nó xuôi theo dòng nước và về ngủ yên trên ngọn đồi để dễ lên đến thiên đàng trên cao kia và thỉnh thoảng ông đã nhìn thấy nụ cười hiền hậu của nó lấp ló trong những đám mây bồng bềnh…

Nghe cha gọi cái tên mà nó mang trong tiềm thức, Phát như nhận ra điều gì đã vội chạy vụt đến ôm lấy thằng bé. Quá bất ngờ, thằng bé không kịp chạy và đã khóc thét lên nhưng hắn ôm ghì lấy thằng bé chạy nhanh như một người thân sau bao ngày xa cách. Vào đến nhà, hắn lại đứng sững lại khi nhìn thấy người đàn bà quen quen, chị ta vội đứng lên đón thằng bé.

Hắn ấm ứ: Chị …Ng…Ngân.

- Ngân đây!- Rồi cúi mặt xuống khi nhìn thấy ông Hương bước vào.

- Con chào bác! – Quay sang thằng bé chị giục.

- Tài, chào ông đi con!

Thằng bé lớ ngớ khi nghe gọi tên đứng xuống đất vòng tay:

- Cháu chào ông năm mới, chúc ông mạnh khoẻ.

Nó lại đưa mắt nhìn mẹ, mẹ nó gật đầu và nhắp miệng bày:

- Con chào ba, chúc ba vui vẻ!

Xong nó vội bước lại đứng nép bên cạnh mẹ.

Từ nhà dưới vợ chồng cô em gái vội bước lên đưa mắt như làm hiệu với ông Hương rồi nhìn Phát nói:

- Đã lâu lắm rồi em mới nhờ chị Ngân tìm được thằng Tài về cho anh đây! Vui không?

Như một cái máy biết nói Phát gật đầu cười: “Vui” rồi vội vàng chạy đến ôm thằng bé hôn rối rít.

Ông Hương dường như vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Ông nhìn thằng nhỏ. Đứa nhỏ giống thằng Tài cháu ông quá, như từ một khuôn đúc ra, giống thằng  đến lạ kì, ngay cả cái tên cũng là một sự trùng lặp vô tình hay hữu ý? Ông cũng không biết nữa! Đang nghĩ ngợi thì thằng con rể đi tới cầm tay ông:

- Cha ra xem con mới mua chiếc xe có đẹp không này?

Hai cha con ra sân chẳng biết nói chuyện gì mà lâu lắm mới vào. Ông bước đến vừa móc túi lấy tiền:

- Ông lì xì cho cháu, khi nãy ông quên.

Đã lâu lắm rồi các nhà hàng xóm lại nghe thấy tiếng cười nói giòn giã trong nhà ông Hương.

Những ngày tết còn lại người ta thấy Phát Điên, người ở đây gọi thế, dắt con và một người đàn bà lạ đi chơi. Ở đâu hắn cũng đòi mọi người lì xì cho con hắn.

Có người hỏi thằng bé tên gì nó lại nhìn mẹ và bảo:

- Dạ, cháu tên là Tài ạ!

Thì ra trong sâu thẳm của tâm hồn Phát chỉ tồn tại duy nhất một tình yêu cho đứa con nhỏ, tình yêu ấy nồng cháy đến thiêng liêng. Hắn gần gũi đứa nhỏ, bày vẽ cho nó những trò chơi của bọn trẻ nhà quê. Và hắn lại lớn lên cùng con hắn- như hai đứa trẻ.

Ông Hương không còn những đêm thao thức; nỗi bất hạnh, sự cắn rứt lương tâm cũng đã vơi dần nhưng trong đêm tối vẫn vọng lên tiếng nguyện cầu:

- Ước gì nó cứ mãi là trẻ thơ!

 

(Trại sáng tác hè 2010)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn