Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Đoản khúc số 117 của Fan Tuấn Anh

02-12-2013 08:02:16 AM

Anh từ bệnh viện trở về nhà, mẹ già ra mở cổng, mắt ướt thấm nhòe tiếng kêu ken két của trục cửa sắt khô dầu

Biết bây giờ tìm em ở đâu? Chỉ để báo tin rằng mọi giọt máu đã được cầm đi, mọi viết tiêm mỗi ngày hóa ra cũng không quá đau, và mọi lần nội soi nhìn xuyên qua hết ruột gan của mình, hóa ra, rất xứng đáng để trả giá cho những cơn đau bằng một lần nhìn thấy chính mình từ bên trong thân thể

Trong những lần mê man, anh đã thấy em gái, thấy chính mình trong tuổi thơ, thấy những con cá anh đã từng nuôi và tất cả những chó mèo đã ra đi trong quá khứ, họ đã đợi chờ anh, suốt bao nhiêu năm tháng qua về trong một lúc nào đó như dịp này, để đừng quá ham bụi trần cõi tạm mà do dự quay về…

 

Anh trở về phòng, khép cửa ngồi một mình trong bóng tối, tìm một chút hơi người trên gối chăn nhưng chỉ thấy lạnh lẽo như vải liệm xác người, không còn mùi của chính mình, không có mùi sát trùng bệnh viện, không còn những sợi tóc của em rơi lại, không có bất kì một vết bẩn nào trên sàn để biết đã có dấu chân người đi…

Có thể em đã lãng quên anh, như người ta vất đi một miếng bông vừa thấm xong máu mình trong sọt rác như một bệnh phẩm hiểm nguy (điều gì đau đớn cũng cần kinh sợ và lãng quên)

Có thể em muốn gửi một thông điệp nào đó trong sự lặng im, khi bao năm tháng qua anh vẫn nỗ lực đến kiệt cùng mỗi ngày lắng nghe em nói trong giấc mơ, khi anh đã từng hứa sẽ luôn hiểu em bằng một cách nào đó không cần dùng đến ngôn ngữ và bất chấp không gian lẫn thời gian

 

Anh ngồi lặng câm dưới vòi hoa sen mở nước chảy qua đầu, hòa nước mắt với nước ấm tuôn trào xuống phía dưới chân và làm quen lại với khuôn mặt của chính mình trong tấm gương soi ám đầy hơi nước, anh đã thấy một kẻ xa lạ râu tóc rối bù và bộ dạng khả nghi

Anh đã muốn tin đó không phải là anh, như vốn dĩ những ảo ảnh vốn không phải là cuộc đời, những căn bệnh không phải là cách để nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của sự sống hữu hạn và anh không làm đau chính anh bằng những quy phạm và giới hạn do tự mình đặt ra

Nhưng rốt cuộc, kẻ tiều tụy đó là anh, hoặc anh chính là cái bóng phản chiếu cho nó, thời gian chính là bệnh tật, vì thời gian mỗi ngày của chúng ta lại ngắn dần đi (bởi không ai sống trên đời, qua mỗi ngày, lại nhiều thêm quỹ sống)

Và anh biết, nỗi đau khổ của chính mình chỉ là do những cấm kỵ của mình đặt ra, những cấm kỵ có thể vi phạm trong một ranh giới nào đó nhưng kẻ khác không thể chạm vào (chúng ta có thể dễ dàng thứ tha cho chính mình, nhưng luôn lại quá cay nghiệt cho mỗi người được chúng ta lựa chọn). Bởi chúng ta tin vào bản nguyên của mình, song lại chỉ luôn nhìn vào hình thức của những thứ xung quanh…

 

Khuya xuống nằm với mẹ một đêm dài, cầm tay mẹ xương xẩu để lên những vết tiêm vẫn còn đang rỉ máu để dịu bớt nỗi đau, sáng ra thấy gối mẹ ướt nước mắt nhưng người vẫn chỉ mỉm cười trong ánh bình minh nghiêng vào từ cửa sổ, trong lặng im, biết mình vẫn còn sống và còn mẹ ở trên đời là một niềm hạnh phúc lớn lao…

Sáng ra còn chập chững bước chân chưa vững ở trên thềm, như thủa ấu thơ tập đi lần đầu bên vệ cửa, thấy mọi thứ hình như vẫn còn có thể bắt đầu lại như lần đầu…

Rồi vội vàng lấy thức ăn cho cá, tưới cho lũ phong lan, trò chuyện với con chó đang nhảy chồm liếm mặt bởi nhớ nhung, tất cả những điều cần làm phải làm ngay kẻo nhỡ mai máu lại chảy và cuộc sống không còn…

Và cuối cùng nghĩ về những cây thường xuân vẫn mỗi ngày trèo lên tường đá khô cằn không ba giờ tuyệt vọng…

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...