Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thư gửi bốn người bạn Trung Quốc của nhà thơ Đặng Hiển

27-06-2014 03:53:56 PM

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2014

Thân gửi các anh Lý Tự Cường, Lý tự Chương, An Chí Tín và Trung Mộ Cầu

 

Trước nhất, thay lời xin lỗi về sự đường đột, tôi xin tự giới thiệu tôi là Đặng Đức Hiển học Đại học Tổng hợp Văn khóa 1 với các anh từ 1956 đến 1959, người bé nhỏ ngồi bàn dưới ngay sau bàn của các anh, nay là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với bút danh Đặng Hiển, xin gửi tới các anh lời thăm hỏi về sức khỏe, gia đình và công tác.

Bốn anh thân mến, thấm thoắt chúng ta xa nhau đã tròn 55 năm, các anh về nước còn tôi đi dạy học xa. Hình ảnh các anh vẫn nguyên vẹn trong trí tôi: Anh Lý Tự Cường cao, trắng, đẹp trai, có nụ cười hào hoa; anh Lý Tu Chương, nét mặt, tính tình điềm đạm; anh An Chí Tín kính cận, da trắng, môi đỏ, dễ thương như Phan An, Tống Ngọc; anh Trang Mộ Cầu người tầm thước, ít nói cười hơn cả. Từ bấy đến nay, chỉ nghe tin: anh Lý Tu Chương công tác ở Viện Văn học Trung Quốc sau 1979, có lần sang Việt Nam, anh Bùi Duy Tân (đã mất) và anh Nguyễn Ngọc Sơn (lúc đó là thư ký Khoa) có gặp. Còn các anh khác, không nghe tin. Riêng anh An chí Tín hồi còn chiến tranh, một hôm có việc, đạp xe về Hà Nội, tình cờ thấy anh đi bên Hồ Gươm nhưng anh đang nói chuyện giữa một đoàn chuyên gia Trung Quốc khá đông nên không dám gọi, tiếc quá.

Tới nay, các anh vẫn khỏe chứ. Lớp ta đã đi xa gần nửa rồi. Tôi ít tuổi nhất lớp nay cũng đã 76 nhưng may vẫn khỏe, còn… đi được và còn… viết được. Sau 40 năm dạy văn THPT ở xa, tôi nghỉ hưu ở Hà Nội và 12 năm qua tập trung vào viết văn. Như các anh đã biết, tôi đã bắt đầu sáng tác từ hồi học đại học với các anh, nhưng trước đây bận dạy, tôi chưa dành hết sức lực cho việc viết được như hiện nay. Song thu hoạch lớn nhất của tôi trong 40 năm dạy học, cũng là vốn sống, vốn tâm hồn rất quý cho công việc viết văn của tôi, đó là tôi đã được nhiều năm sống gần nhân dân tôi, một nhân dân cần cù, trung thực, trung hậu, vô cùng yêu nước và giàu tình nghĩa thủy chung, luôn mong muốn được sống trong hoà bình, hữu nghị với các dân tộc xung quanh và trên thế giới. Riêng đối với Trung Quốc, nhân dân tôi rất quý trọng nền văn hóa vĩ đại của Trung Hoa và thường nhắc đến tình cảm của nhân dân Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Nhân dân tôi rất sửng sốt, rất đau xót và phải kìm nén hành động phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trên lãnh hải của Việt Nam, chỉ cách đảo Hoàng Sa của chúng tôi 17 hải lí, cách đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi 124 hải lí, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và pháp luật quốc tế quy định về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa của quốc gia ven biển. Đã thế tàu của Trung Quốc còn xô đập, làm hư hại cho nhiều tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ giám sát trên vùng biển của mình và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt cá trên vùng biển truyền thống của mình. Chưa kể tàu Trung Quốc ngay sau đó còn xông vào cản phá các tàu cứu hộ, thật là trái với đạo lí, với truyền thống trọng chữ Nhân của cả hai dân tộc.

Thực ra, tôi nghĩ người Trung Quốc cũng thấu hiểu rằng địa giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam (các sách bản đồ của trung Quốc từ xưa đến gần đây đều xác nhận điều này). Nhưng tham vọng bá chủ đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tháng 1/1974, đã dùng vũ lực cưỡng đoạt đảo Hoàng Sa, do chính quyền Việt Nam quản lý theo Hiệp nghị Giơnevơ tháng 7/1954. Sau đó chính quyền Trung Quốc lại viết công thư cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà hỏi ý kiến về quyền sử dụng 12 hải lí cách bờ biển. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của cuộc chống Mỹ cứu nước, thủ tướng nước Việt Nam DCCH chúng tôi lúc đó chỉ trả lời chung chung về 12 hải lí theo quy định của pháp luật quốc tế chứ hoàn toàn không nói một chữ gì đến Hoàng Sa. Vì Hoàng Sa đương nhiên là hoàn toàn của Việt Nam mà lúc đó vẫn thuộc quyền quản lý của Việt Nam cộng hoà. Như vậy, Trung Quốc không thể mượn cớ công thư ấy để biện hộ cho mình là Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Sự thật lịch sử là, như các anh đã nghiên cứu, đã biết từ thời Lê Thánh Tông, nước Đại Việt đã có ý thức về chủ quyền của Đại Việt ở Hoàng Sa và nhà vua đã giáo dục quần thần và nhân dân ý thức bảo vệ Hoàng Sa “đến từng tấc núi, tấc sông” không cho kẻ nào lấn tới.

Những tài liệu hành chính như sắc chỉ của nhà vua cử quan, lính đi canh giữ Hoàng Sa, những dấu tích của những người  đi bảo vệ Hoàng Sa còn để lại ở đảo Lý Sơn, lễ khao lề, những ngôi mộ gió, những bức ảnh chụp cột mốc chỉ giới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa trước đây… là những bằng chứng không thể chối cãi.

Cá anh Lý Tự Cường, Lý Tự Chương, An Chí Tín, Trang Mộ Cầu xa nhớ,

Tôi không muốn nhắc lại nhiều những chứng cứ pháp lý và thực tế lịch sử đã chứng minh rằng từ lâu Hoàng Sa và Trường Sa đã là quần đảo của Việt Nam và chỉ của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn không có liên quan gì đến chuyện sở hữu ở đó. Những điều này các anh đã biết, một phần đã biết ngay từ khi còn học ở Việt Nam. Song tôi muốn trao đổi với các anh với tư cách một người bạn học, bạn văn.

Anh Cường, Anh Chương, anh Tín và anh Cầu thân mến!

Các anh đã sống ở Việt Nam 3 năm và có thể một số năm tháng sau đó nữa (do yêu cầu công tác phải sang Việt Nam để làm nghiên cứu), các anh đã hiểu là nhân dân Việt Nam có truyền thống độc lập tự do rất kiên cường, bất khuất nhưng cũng là nhân dân rất yêu hoà bình, quý trọng tình nghĩa. Khi dạy về Nguyễn Trãi về Bình Ngô đại cáo, thầy Đinh Gia Khánh của chúng ta đã giảng cho chúng ta tư tưởng độc lập, tự cường dân tộc và tư tưởng nhân nghĩa của Việt Nam là hai phẩm chất rất cao đẹp và luôn gắn kết với nhau. Khi dạy về Nguyễn Đình Chiểu, thày Vũ Đình Liên cũng đã phân tích cho chúng ta về tính cách anh hùng và tình nghĩa thủy chung của Lục Vân Tiên, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, một nhân dân ân oán rất rạch ròi “Ơn ai một chút mong đền/ Oán ai một chút để bên dạ này”. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên công ơn  những người đã giúp mình nhưng nhân dân Việt Nam cũng kiên quyết giữ gìn từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã để lại. Nhân dân Việt Nam mong muốn được sống trong hoà bình hữu nghị, trong sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nước. Riêng đối với Trung Quốc, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và gìn giữ tình hữu nghị coi như tài sản quý giá. Do đó mới có sự kiện hai nước đã ký kết 16 chữ vàng. Tiếc thay, giữa lúc nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm và tin tưởng ở 16 chữ đó thì nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã âm mưu thôn tính biển Đông của Việt Nam rồi từ đó làm chủ cả vùng biển Đông Nam Á, Đông Bắc Á nên tháng 5/2014 đã ngang nhiên đặt giàn khoan trên thềm lục địa của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa đường chỉ giới đường 9 khúc trên biển Đông, con đường mà họ tự bịa ra, bất chấp thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế. Nhưng chân lí không thuộc về kẻ mạnh mà ngược lại sức mạnh thuộc về người có chân lí, như Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường của chúng ta đã dạy khi giảng bài “Con chó sói và con cừu non” của Lafontainer. Vì vậy nhân dân Việt Nam hiện đang được toàn thế giới ủng hộ trong đó có cả nhân dân Trung quốc.

Bản thân tôi, từ 55 năm nay, khi nghĩ về Trung Quốc tôi lại nhớ đến các anh, 4 người bạn Trung Hoa đôn hậu, lịch sự, vui vẻ và cả 2 giáo sư Trung Quốc đáng kính nữa, giáo sư Tường Trọng Thuân, giáo sư Vạn Bình Cận. Giáo sư Trương đã dạy chúng ta rất hay về thơ Lục Du, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ trong đó có những kiệt tác chống chiến tranh xâm lược. Giáo sư Vạn cũng đã giảng cho chúng ta rất sâu sắc và thú vị về Lỗ Tấn, về thói tự kiêu ngu xuẩn của A.Q.

Nhiều lúc tôi chỉ muốn quay ngược thời gian để được gặp lại các thầy, các bạn mà nay nhiều người đã đi xa. Riêng về các thầy, các bạn Trung Quốc thì gần như tôi không biết tin nên mới mong tin chỉ nghe nói thầy Trương Trọng Thuân đã được an toàn qua đại cách mạng văn hóa, còn anh Lý Tu Chương thì công tác ở Viện Văn học Trung Quốc đã có lần sang Việt Nam như đã nói ở trên. Bây giờ thì người chưa được gặp lại mà đã phải viết thư nói về chuyện không hay này, đau xót biết bao! Song tôi nghĩ rằng “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ” nhất là khi chúng ta ngoài tình cảm bạn học còn có một tình cảm chung là tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc. Tôi tin rằng đa số nhân dân Trung Quốc đã hiểu ra vấn đề, cũng đồng tình với thái độ hành xử của nhân dân Việt Nam hiện nay, một nhân dân có văn hóa, có lịch sử anh hùng hiện đang vượt bao khó khăn để xây dựng đất nước sau chiến tranh mà đang bị xâm phạm, bị đe doạ, nhưng vẫn cố gắng tự kiềm chế vì hoà bình. Nhân dân Trung Quốc xưa nay vẫn lưu truyền câu nói nổi tiếng của Khổng Tử “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Tôi hi vọng nhân dân Trung Quốc sẽ không để cho nhà cầm quyền Trung Quốc lừa mị mà thực chất là đang làm hạ uy tín, làm mất thể diện của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vĩ đại trước con mắt của toàn nhân loại.

Một lần nữa mong các bạn Trung Quốc hiểu lòng tôi.

 

Tái kiến

Nhà văn Đặng Hiển

(Đặng Đức Hiển, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp văn khóa 1- (1956-1959)

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...