Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Nghe đài đọc báo

Đỗ Phấn - 29-06-2014 11:36:41 AM

Mới đấy mà tưởng chừng như xa lắc. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đến với nước mình tuy chậm nhưng lại phát triển thần tốc. Nó âm thầm xóa đi những thói quen sinh hoạt văn hóa làm ta không khỏi ngỡ ngàng.

Chiếc đài điện tử có mặt ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc. Phải những gia đình khá giả mới sắm được. Giá trị của nó có thể so với một ngôi nhà của dân phố bình thường. Sau hòa bình vẫn còn một số gia đình Hà Nội giữ lại được những chiếc radio ấy. Bật điện lên, chờ vài phút cho đèn điện tử đủ nóng. Xoay núm chọn sóng. Nghe. Radio cổ có nhiều băng tần nhưng chỉ dùng duy nhất một băng sóng trung để bắt đài tiếng nói Việt Nam. Khẩu hiệu kẻ ngoài phố rằng “Nghe đài đọc báo của ta/ Chớ nghe đài địch ba hoa nói càn.”. Khẩu hiệu là thế nhưng không có qui định cụ thể đài nào là địch, đài nào là ta. Người dân tự phán đoán đại khái đài Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh là ta, còn lại là địch.

Quãng đầu những năm ’60 một số du học sinh ở các nước Xã hội chủ nghĩa về mang theo những chiếc radio điện tử mới. Đài Vef Radio, Riga của Liên Xô. Orion của Hung, đài Hồng Đăng, Shangai của Tàu. Cũng vẫn là tài sản vô cùng giá trị. Người Hà Nội lúc ấy chủ yếu nghe loa truyền thanh của Đài truyền thanh Hà Nội. Tiền thân của loa phường bây giờ. Mắc đến tận từng nhà. Phát theo giờ cố định. Đài truyền thanh phát lại Đài tiếng nói Việt Nam và thêm vào những thông báo tem phiếu mua thực phẩm, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tiêm chủng và vệ sinh hè phố. Rất ít gia đình tắt nó đi. Cứ thế phát từ chương trình “Vươn thở” lúc 5 giờ sáng cho đến hết chương trình “Tiếng thơ” vào 12 giờ đêm.

Những năm chiến tranh phá hoại, người Hà Nội sơ tán về các vùng quê lân cận. Không đài mà cũng chẳng loa. Vài kĩ sư điện tử mày mò tự lắp những chiếc radio bán dẫn chạy pin Con thỏ để dùng. Đôi khi cũng bán nhưng khá đắt. Và hay hỏng vặt. Phải ở gần nhà ông ấy thì hẵng nên mua. Còn lại người dân quê hay dùng chiếc ga-len. Có thể tự làm bằng chiếc tai nghe máy điện thoại bàn đấu nối song song với một chiếc đi-ốt. Quấn dây đồng nhỏ hình lò xo chăng lên cây bắt sóng. Ga-len kêu lí nhí như chuột rích bồ thóc, phải khuếch đại bằng cách cho nó vào cái vỏ phích sắt cũ. Ba bốn người túm tụm ghé tai vào mới nghe được.

Ông nội tôi có chiếc đài bán dẫn tự lắp dùng từ hồi sơ tán cho đến năm 1980 cụ mất mới bỏ đi. Mỗi tháng hết một đôi pin Con thỏ. Mỗi khi thấy chiếc máy vừa nói vừa có tiếng ti tỉ rít khan, con cháu tự biết mà đi mua pin về thay cho cụ. Ở nơi sơ tán, cụ lập ra một tổ đọc báo. Dắt tôi ra đình mỗi tối đọc báo Nhân Dân cho cả tổ nghe. Đèn chai, nước chè tươi, điếu cày rôm rả. Hôm nào khá hơn có thêm rổ khoai lang luộc. Tôi thích đi theo ông nội chính vì cái rổ khoai không phải hôm nào cũng có ấy. Một mình làm chiếc đài phát thanh cả tối lắm khi mỏi miệng, tôi đọc nhảy cóc vài hàng. Ông biết nhưng về nhà mới mắng. Báo chí hồi ấy nhiều nhưng chỉ có ba tờ Nhân Dân, Quân đội nhân dân và Hà Nội Mới (Thời Mới) người lớn hay đọc. Trẻ con có duy nhất một tờ Thiếu niên tiền phong một tuần một số. Chờ phụ huynh mang được tờ báo về nơi sơ tán có khi là báo tháng trước. Chẳng sao cả. Đọc xong vẫn có thể mang đến lớp cho bạn bè ở làng cùng đọc. Đây là thời kì hạnh phúc nhất của cả báo chí lẫn giáo dục. Báo in ra bao nhiêu bán hết chừng ấy. Trẻ con đến trường muốn học thế nào thì học. Không ai kèm cặp thúc bách gì. Ở làng nhiều người lớn còn không biết chữ. Hay đó chính là triết lí giáo dục giản dị mà chúng ta bây giờ đang loay hoay tìm kiếm? Để người có tài cứ tiếp tục nâng cao học vấn của mình. Và người không học được sẽ bỏ bút cầm cày không mảy may luyến tiếc.

Sau này đến lượt radio bán dẫn chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên đó là thứ đồ dùng xa xỉ sang trọng. Người đi nước ngoài mang về là chính. Nhà nước nhập khẩu vài chiếc Orionton của Hung, Mẫu đơn và Xiongmao của Tàu bán cho cán bộ cao cấp. Vài người lính chiến đấu ở miền Nam mang ra những chiếc radio bán dẫn Sony, Standa của Nhật. Đi hỏi vợ ở quê chú rể thường phải mượn hoặc thuê một chiếc đài bán dẫn đeo kè kè bên mình để giải quyết khâu “oai”. Nhiều cái đài “chuyên dụng” cho việc ấy đủ hết cả volum, mặt số, túi da có quai đeo và pin dự trữ nhưng chẳng bao giờ kêu được.

Giờ thì rất hiếm người còn nghe radio. Chỉ có vài bác tài xế taxi mở băng sóng ngắn FM nghe bản tin giao thông trực tiếp để tránh tắc đường. Vài cụ đi tập thể dục sáng mang theo chiếc điện thoại di động có radio nghe ca nhạc. Vẫn còn một chiếc radio công cộng phát cả ngày. Ở tổ chẻ tăm của Hội người mù thành phố.

Giờ thì tờ báo giấy cũng ít người cầm đọc. Hơn bảy trăm tờ báo trên cả nước đang trong thời kì thu nhỏ qui mô phát hành. Báo giấy sẽ dần bị quên lãng như đài bán dẫn là điều khó tránh khỏi. Bây giờ mà có người đeo chiếc đài bán dẫn đi ngoài đường rất dễ bị hiểu nhầm là vừa trốn khỏi cơ sở chữa bệnh bắt buộc nào đó.

Thế hệ nghe đài đọc báo giờ cũng khụ khị cả rồi. Địch và ta cũng có nhiều thay đổi. Và cái đài phát thanh thật sự là ta cũng vẫn chỉ có một mà thôi.

 

6-2014

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...