Chuyện văn chương

30/8
8:20 AM 2016

TRANG THƠ TỰ CHỌN CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TRUNG LAI

Vanvn.net mở chuyên mục trang thơ tự chọn và trang truyện ngắn tự chọn của các nhà văn hội viên Hội Nhà văn VN, nhằm mục đích giới thiệu với các bạn đọc yêu văn học những tác phẩm hay nhất, ưng ý nhất của mỗi tác giả trong hành trình sáng tạo của mình. Vanvn.net mong nhận được các trang thơ và truyện ngắn tự chọn của các nhà văn kèm theo ảnh tác giả. Bài và thư trao đổi xin gửi về 2 địa chỉ sau: vov.khoa06@gmail.com - nguyenvietchien1952@gmail.com

ĐỖ TRUNG LAI

 

THĂNG LONG

 

Có một Thăng Long huyền thoại

Rồng lên từ phía sông Hồng.

Có một Thăng Long áo mỏng

Gió đùa quanh tấm lưng ong.

 

Có một Thăng Long sát Thát

Tinh kỳ rợp Đông Bộ Đầu.

Có một Thăng Long thơm ngát

Mặt hoa nồng nàn đêm sâu.

 

Có một Thăng Long Nguyễn Trãi

Chong đèn viết sách bình Ngô

Có một Thăng Long mềm mại

Tựa vai ta, bước bên hồ.

 

Có một Thăng Long Lê Lợi

Giặc tan, trả lại gươm thần.

Có một Thăng Long mắt sẫm

Môi cười như đóa hoa xuân.

 

Có một Thăng Long Nguyễn Huệ

Ngựa phi trong sắc hoa đào.

Có một Thăng Long e lệ

Mắt nào góc phố tìm nhau.

 

Có một Thăng Long xa lắm

“Lối xưa, xe ngựa, hồn thu...”

Có một Thăng Long đang thở

Bên ta, từng phút từng giờ.

 

Có một Thăng Long Hoàng Diệu

Treo mình tử chiến giữ thành.

Có một Thăng Long chung thủy

Chờ nhau mấy cuộc chiến tranh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có một Thăng Long "Cờ đỏ

Bay quanh tóc bạc Bác Hồ".

Có một Thăng Long bé nhỏ

Không bao giờ thôi mộng mơ.

 

Có một Thăng Long bốc cháy

Đưa tiễn trung đoàn Thủ đô.

Có một Thăng Long hờn dỗi

Bên thềm, mắt ướt như mưa.

 

Có một Thăng Long mũ lưới

Bộ đội vào năm cửa ô.

Có một Thăng Long dẫn cưới

Bằng cả một đoàn xích lô.

 

Có một Thăng Long lẫm liệt

“Pháo đài bay” rụng mặt hồ.

Có một Thăng Long răng trắng

Cắn vào quả sấu đầu thu.

 

 

Có một Thăng Long bỏ ngỏ

Giặc vào không còn đường ra.

Có một Thăng Long gót đỏ

Tóc dài bên liễu thiết tha.

 

Có một Thăng Long thương nhớ

Người đi mở cõi mơ về.

Có một Thăng Long thon thả

Khép hờ vạt áo ngoài kia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐÁ VÀ CỜ Ở ĐỒNG VĂN

 

 

Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú

Đá cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống, sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi

 

Cả đá lẫn người đều lẫm liệt

Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi

Ngậm gió cổng trời buông tiếng thét

Đá thề sống chết tựa người thôi

 

Sống chết, tận trung mà báo quốc

Chầu bên cột mốc chốn biên thùy

Ấm lạnh với người trong sương tuyết

Che đỡ cho người lúc hiểm nguy

 

Rồi đá cho người thân kiếp đá

Dựng thành chót vót với uy nghi

Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ

Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ.

 

 

 

MŨI CÀ MAU

 

 

Nước, gió, cây, mây

Miền Tây Nam Bộ

Đi vào mênh mông

Dạ này chợt ngộ

 

Thấy một cây tàn

Trăm ngàn cây nở

Biết đón triêu dương

Từ trong nhật mộ

 

Thấy biển lui dần

Ba bề sóng vỗ

Biết đem bùn hoang

Làm nên quốc thổ

 

Nhìn kiếp lênh đênh

Cùng con xuồng nhỏ

Biết ta ở đời

Là hoa là cỏ

 

Nhìn sông lở bồi

Cánh chim bạt gió

Biết không ai người

Ra ngoài bể khổ

 

Rượu đong ly đầy

Đờn ca một trổ

Biết lấy tâm tư

Viết thành vọng cổ

 

Trông nước vơi đầy

Mây tan trong gió

Vỗ tay cả cười

Tang bồng hết nợ!

 

 

 

 

 

 

 

 

TỰ VỆ TẬP TRONG VƯỜN BÁCH THẢO

 

 

Như là hai mặt của một tờ giấy thôi

Mặt này viết thơ tình, còn mặt kia viết hịch

Phương tiện là mặt kia, mặt này là mục đích

Trong cái bề dày ngỡ như không của tờ giấy này, là toàn bộ triết  học loài người- cổ, kim, đông, tây.

 

Từ đống xác B52 đến bãi trẻ con chơi

Đội tự vệ xếp hàng, đi từ mặt kia sang mặt này tờ giấy

Cái bề dầy ngỡ như bằng không ấy

Nhân loại đã bao giờ đi qua được đâu.

 

Giờ giải lao, tôi thấy có hai người trẻ tuổi yêu nhau

             tách khỏi đám bạn bè, sau gốc cây, hôn nhau trên ghế đá

Hai người này, vô tình, bạn ạ!

                          Đã đi hết ngàn vạn năm, trong có một buổi chiều.

 

 

MÔI DỊU DÀNG, TA GỌI:

"BẮC GIANG THU"

(Kính tặng hương hồn Cụ Đề Thám và hương hồn những nghĩa quân Yên Thế)

 

Sông Lục Nam mềm xanh

Thành Nhã Nam rắn rỏi

Rừng Lục Ngạn không biết đâu là cuối

Bắc Giang thu, nắng trải đón chân người.

 

Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi

Màu lúa chín tràn về tận cửa

Sông Thương đục, sông Thương trong muôn thuở

Gió rải đồng trong tiết hanh heo

Trung du thơm như khay mật ong chiều

Đến sỏi đá cầm lòng còn chẳng được

Ai hát khúc núi đồi thuở trước

Dẫu không đò, ta cũng phải sang ngang.

 

Vạt lúa chín Phồn Xương như dải khăn vàng

Buông thơm thắm bên ngực trần sơn nữ

Quân Đề Thám còn đang ngồi đâu đó

Dưới bóng rừng, bên hồ rượu mùa thu

Tay đã buông gươm súng tự bao giờ

Rượu men lá, tấm lòng như nhật nguyệt

Ta cảm khái vén tay tìm nhập cuộc

Bát rượu đầu, xin cạn với non sông

Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng

Trời không tựa, anh hùng đành ôm hận

Thân về đất, tim hồng thành ngọc nát

Thành hoàng hôn thắm đỏ đất trời thiêng

Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng

Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế

Người khởi nghĩa, áo mang màu đất mẹ

 

Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay

Xin cạn với riêng ông bát rượu thứ hai này

Giặc đã chạy, quốc thù xưa đã báo

Quanh đồn luỹ, đá như nồi như đấu

Ngổn ngang nằm trong sắc cỏ mùa thu

Không phải đá đâu. Đó là những câu thề

đã hoá thạch- "Quyết không làm nô lệ!"

Lời thề đá, xưa xây thành đắp luỹ

Vẫn nguyên lành dù luỹ vỡ thành tan

Vẫn nguyên sinh trong cỏ nội hoa ngàn

Rồi sẽ lại gầm lên khi giặc đến

Bao trượng nghĩa mới nên bờ nên bến

Bát rượu thứ ba này, xin cạn với ba quân

Nắng nhuộm vàng cây, lúa trải đỏ đồng

Thu thắng trận, thu hoà đàm, thu thất thế

Thu chết tướng, thu tan quân, thu yên nghỉ

Thu lộng lẫy, thu hào hùng, thu giản dị

Chuốc rượu dưới quân kỳ, bao cung bậc thu qua.

 

Chuông thu không, rừng động dưới trăng già

Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt

Nhưng tiếng hát thì không bao giờ chết

Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông

Rằng, "Muôn năm dòng máu anh hùng!"

Rằng, "Vạn tuế giống dòng hào kiệt!"

Thời gian trôi, thời gian trôi mải miết

Dạ ngọc gan vàng chói lọi giữa thiên thu.

 

Rượu Bắc Giang sóng sánh dưới trăng mờ

Bát này nữa, rồi xa miền cổ tích

Bát này nữa, rồi mỗi khi ấm lạnh

Môi dịu dàng, ta gọi: "Bắc Giang thu!".

 

 

LỜI MỴ CHÂU

 

Đêm khuya. Gió bấc. Mưa phùn. Chợt một người con gái đến bên đầu giường tôi, khóc, rồi than rằng:

 - Sao các nhà thơ ta bất công thế này!

 - Chúng tôi đã làm gì mà em bảo chúng tôi bất công? - Tôi hỏi lại.

- Thì đấy, mấy trăm năm nay, các anh chỉ một mực khóc thương Vương Thuý Kiều. Lại còn đồng thanh bảo rằng, đó là người đàn bà khổ nhất trời Nam.

 - Nàng ấy không khổ thì còn ai khổ nữa?

 - Sao lại nói thế được? Nàng ấy yêu và được yêu, được hẹn thề: Tóc mây một món dao vàng chia đôi. Bán mình chuộc cha là tự nguyện. Mười lăm năm lưu lạc cũng còn được nương bóng vua Từ Hải, được nhờ túi phong lưu của chàng Thúc. Sau lại được tái hồi Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươi - Trăng tàn mà lại hơn mười lần xưa. Thân thì thế, danh thì ông Tiên Điền bênh cho: Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường; Rằng nàng lấy hiếu làm trinh. Thế là thân, danh đều vẹn. Nàng ấy khổ sao bằng em được?

 Tôi giật mình vội hỏi:

 - Thế chuyện của em ra sao?

 - Em bị gả cho thằng gián điệp! Quay đi quay lại chưa hiểu ra sao thì bị chém đầu. Mà người chém, trời ơi, lại là cha mình! Nói rồi, nàng cứ khóc mãi không thôi, trong nước mắt hình như có máu. Tôi nhìn kỹ, đó là một nàng chừng tuổi trăng tròn, mặt hoa da phấn, cốt cách lá ngọc cành vàng, trên mình khoác chiếc áo lông ngỗng. Chợt hiểu, tôi bảo:

 - Ra em là Mỵ Châu đấy ư? Đúng rồi, em mới là người đàn bà khổ nhất trời Nam! Nàng ấy nghe, nét mặt có vui lên một chút.

Khi tỉnh hẳn, chỉ còn mình tôi trong phòng. Trên bàn viết có mấy chiếc lông ngỗng trắng tinh. Lấy làm lạ, tôi cầm một chiếc lông ngỗng làm bút, viết bài thơ này tạ lỗi Mỵ Châu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cha ơi! Cha chọn rể
Cha đắp luỹ xây thành
Mà sao khi nước mất
Cha xử con tội hình?

Thần rùa biết cơ trời
Cớ sao còn tặng nỏ?
Sao nỡ trỏ vào em:
- Giặc đằng sau vua đó!

Chàng đã phụ đời ta
Từ khi chưa gặp mặt
Chuyện tình thành Cổ Loa
Đau trước ngày thứ nhất!

Sống cũng chẳng được nào:
Nước mất! Tình cũng mất!
Nhưng chết dưới gươm cha
Thì ngàn năm oan nghiệt!

Nỗi oan này hoá ngọc
Dưới chín tầng bể sâu
Thần với người đâu cả
Bao giờ thì biết yêu?

 

THƠ VIẾT Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ PLÂY CU, GIA LAI

         

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ trắng một mầu như mây

 

Mây trên ấy còn bay muôn thuở

Ba ngàn nay đã bỏ tay chèo

Ba ngàn mãi mãi buông neo

Ba ngàn mãi mãi nằm theo đội hình

 

Ba ngàn phận, tình ba ngàn khối

Vọng cố hương từ cuối chân trời

Ai người cha mẹ khuất rồi?

Ai người vợ góa con côi đến giờ?

 

Ai ngã lúc mịt mờ lửa đạn

Còn vùng lên trao bạn lá cờ?

Ai người lạc nước sa cơ

Mười năm thao lược, một giờ buông tay?

 

Ai đi nhẹ như mây như khói?

Ai đi sau cơn đói dài ngày?

Ai vì sốt rét về đây?

Ai vì lở đá, đổ cây giữa rừng?

 

Ai vượt thác nửa chừng cạn sức?

Ai bờ khe mép vực sa chân?

Ai người số phận xoay vần

Hùm xanh, báo trắng, voi thần đem đi?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ai đã chẳng tiếc gì máu nóng

Bỏ thân mình cho sống bạn mình

Rồi đi, không ảnh không hình

Đem sinh mệnh đúc khối tình tặng nhau?

 

Những ai nghỉ cùng sâu một mộ

Biết tìm đâu cho đủ hình hài?

Chẳng sinh từ một bào thai

Ôm nhau, cốt nhục Đông- Đoài xá chi

 

Những ai kịp thầm thì trăng trối

Phút cuối cùng đứt nối lời thiêng?

Ai người lịm tắt trong đêm

Nằm im trên võng mà quên cuộc đời?

 

Ai người mười tám, đôi mươi?

Ai người tóc bạc? Ai người hoa râm?

Ai là cán? Ai là quân?

Bây giờ trắng xóa quây quần bên nhau.

 

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ, trắng một mầu như mây.

 

 

THƠ BÊN MỘ LIỆT SĨ ĐỖ TRUNG CẨN

Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ PLÂY CU, GIA LAI

 

Ước gì anh lên đây được

Ngồi nghe em kể chuyện nhà

Ước gì anh lên đây được

Nói cười như những ngày xưa

 

Cha mẹ chúng mình đã khuất

Không ai chống được tuổi già

Anh em yên bề gia thất

Mình anh nhân ảnh nhạt nhòa

 

Đồng làng giờ ba bốn vụ

Cơm làng thôi độn khoai ngô

Thế mà ngày anh đánh giặc

Lội rừng, lấy sắn làm no

 

Giờ vải lụa đâu nhiều quá

Làng mình thưa tiếng thoi đưa

Né kén nong tằm cũng ít

Làm nhiều, hàng bán ai mua?

 

Sông Đáy trước nhà vẫn thế

Mùa này nước màu xanh lơ

Cá tôm càng ngày càng hiếm

Ít ai cất vó đặt lờ

 

Mỗi bận về sông thấy cát

Em thường nhớ anh ngày xưa

Cao lớn, lông mày lưỡi mác

Sải tay bơi giữa hai bờ

 

 

Anh của em là thế đấy

Chỉ thích những con sông đầy

Để lao mình vào nước xiết

Thách cả trời cao đất dày

 

Bây giờ trời cao đã thắng

Vùi anh vào lòng cao nguyên

Bây giờ đất dày ba thước

Làm sao đưa được anh lên?

 

Bây giờ em ngồi bên mộ

Dưới lòng đất đỏ là anh

Trên trời, mây bông trắng nõn

Nhởn nhơ trông rất hiền lành

 

Thế mà lòng trời thuở ấy

Còn sâu hơn ngàn vực sâu

Ngày nào cũng đầy khói lửa

Đêm nào cũng đầy hỏa châu

 

Từ nay em không tin nữa

Rằng lượng trời rộng vô cùng

Trời mang bao người rất trẻ

Về nơi vô thủy vô chung

 

Vẫn biết vào cơn gió bụi

Xưa nay mấy kẻ trở về

Vẫn biết các nhà liệt sĩ

Đều vì lẽ sống mà đi

 

Nhưng trước nấm mồ ruột thịt

Em như người đứt cánh tay

Xin liệm thêm vào dưới ấy

Của em, lời xót thương này!

 

 

CHỊ TÔI

(Kính tặng chị Xa - vợ goá của liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn)
 


 

Anh tôi đi mãi không về

        Không ai giải được lời thề chị tôi

Chị tôi giờ hết duyên rồi

        Bao năm chỉ thấy gió trời trên cao

Bao năm chỉ những ra vào

        Bao năm sáo chả lần nào sang sông

Đợi anh chả thấy vân mồng

        Thôi còn biết gửi tơ lòng vào ai

Khi trăng lặn lúc sương mai

        Một mình một ngõ lấy ai chuyện trò

Vàng xanh như cỏ đầu bờ

        Cỏ còn đợi nước, chị chờ gì đâu?

Sông sâu mà giếng cũng sâu

        Cau già đã đốn, giàn giầu đã khô

Rèm thưa trúc sót đung đưa

        Trúc rơi từng đốt, người chưa gặp người

Chị tôi giờ hết duyên rồi

        Gốc hồng cũng chẳng được ngồi hái hoa

Năm đi qua, tháng đi qua

        Chị trôi trong ấy như là trong mơ

Đời người thế cũng xong ư?

        Đầu xanh mà đã ba thu một ngày.

 

Nói chi đến chuyện hao gầy

Chị tôi đã chết từ ngày anh đi!
HANG NGẬM NGƯỜI

 

Thời chống Mỹ, bên đường 20, Tây Quảng Bình, có một hang đá rộng. Thường ngày, có 8 nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở đó để sẵn sàng cùng mọi lực lượng giữ đường, sửa đường cho cho quân ta vào mặt trận. Vì thế mà hang mang tên "Hang Tám cô".

Ngày 14-11-1972, bom Mỹ đánh sập cả một khối núi lớn, bịt chặt cửa hang! Phương tiện hiện đại không có, nổ mìn thì họ càng không thể sống! Sau 14 ngày cố gắng hết sức dưới bom đạn và chịu thêm nhiều hy sinh ở bên ngoài hang, để tránh những thương vong còn lớn hơn nhiều chắc chắn sẽ xảy ra, nếu tập hợp quá đông số người và phương tiện ứng cứu; để con đường ra trận không bị tắc; bất khả kháng, Bộ chỉ huy mặt trận 559 đã buộc phải quyết định dừng việc cứu nạn! Lúc ấy, trong hang có 4 nữ chiến sĩ thanh niên xung phong và 4 chiến sĩ pháo phòng không bảo vệ đường.

Tháng 4-1995, một đại đội công binh Quân khu 4, với đầy đủ phương tiện hiện đại, cùng nhiều đồng đội và thân nhân các liệt sĩ, do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Lương Trào, dẫn đầu, đã đến thắp hương rồi mở hang suốt 2 tháng ròng, mới đục được một cửa nhỏ để vào hang. Lại phải đợi 14 ngày nữa, "khi trong hang không còn vọng ra tiếng kêu cứu nữa", mới có thể đưa hài cốt các liệt sĩ về mai táng tại quê nhà.

 

Mấy mươi năm nằm trong đá núi

Mới được đưa ra nhìn mặt trời

Công binh vừa mở hang vừa khóc

Đá âm thầm, đá toát mồ hôi!

 

Bao năm hang đá ngậm người

Có ai để lại một lời nào không?

Đâu lời tê tái đêm Đông?

Đâu lời Hạ với bão giông mịt mù?

Đâu lời héo của tàn Thu?

Lời Xuân mưa bụi thâm u ruột rừng?

Giữa đá lạnh - giữa âm cung

Lời nào trong phút cuối cùng? Người ơi!

 

 

 

Phút cuối cùng cũng xa lắm rồi

Đã trôi hun hút về cuối trời

Trôi về hoá thạch, về xương trắng

Rạch hồng hoang, bỏng rát tên người

 

Tám cái tên đã mất hình hài

Hương nến làm sao tỏ hết lời?

 

Tám cái tên thôi hát, thôi cười

Hương nến làm sao tỏ hết lời?

 

Tám cái tên vùi trong đá ngời ngời

Hương nến làm sao tỏ hết lời?

 

Tám tiếng kêu hiện ra từ đá

Hương nến làm sao tỏ hết lời?

 

Cuộc chiến đã sau đường chân trời

Tổ quốc từ lâu không bóng giặc

Đồng đội thấy đá là cay mắt

Cùng nhau đập đá tìm người

 

Người nhìn kìa: mây bay đầy vơi

Đưa người từ miền Tây về xuôi

Qua rừng xanh thắm, đồng xanh thắm

Ta về quê mẹ, người ơi!

 

Ai hay, đá khóc như người?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHA

 

Da mồi, râu tóc bạc  
Gậy trúc và thơ Đường
Thân thuộc mà xa cách
Cha như người trong gương.

 

 

 

 

 

MẸ

 

 

Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với trời
Mẹ thì gần đất!

Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!

Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi trời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.

 

 

 

CHẠP NÀY VỀ

 

Chạp này về với chiều sông Đáy

Rửa lá dong xanh, đám gái làng

Dìu dịu như ngà, như nếp trắng

Buộc người như những sợi lạt dang

 

Chạp này về với đường đi chợ

Đòn tre nhún nhẩy đổi hai vai

Mấy chị quẩy hàng xuôi huyện sớm

Cỏ dầy tơ nhện sương ngọc trai

 

Chạp này về với đường đi học

Lúa chửa xanh đồng, dâu đã gum(*)

Trâu đói gặm lười trong gió bấc

Mây ở trên trời, khói dưới thôn

 

Chạp này về với miền niên thiếu

Bánh chưng bắc bếp luộc trong nhà

Anh em trải chiếu nằm bên lửa

Ai biết rồi ra ngày một xa

 

Chạp này về với miền thơ ấu

Về với cha nghiêm, mẹ dịu dàng

Cha mẹ đã thành ra cổ tích

Cỏ nằm kể mãi dưới chân nhang.

 

                        (*) Uốn cong cây dâu theo luống để dâu bật mầm sớm.

 

 

 

 

ĐÊM SÔNG CẦU


Anh qua sông Hồng sông Đuống
Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu
Không biết ở nơi em ở
Êm êm một khúc sông Cầu

Tiếng một con tôm búng nước
Vó bè ai cất sau lưng
Sao trời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống cả mặt sông

Con sông của người quan họ
Suốt đời nước chảy lơ thơ
Em ơi! Em là cô gái
Từ lâu anh đợi anh chờ

Em là cô Tấm thảo hiền
Đến giữa đời anh trẩy hội
Tình đã trao nhau êm đềm
Mà vẫn mắt nhìn bối rối

Sông Cầu khi đầy khi vơi
Chảy ngang qua câu quan họ
Ướt đầm vạt áo bao người
Vạt thương ướt cùng vạt nhớ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Em nói nhẹ như hơi thở
Anh nghe để nhớ suốt đời
Giữ tình yêu như giữ lửa
Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

Tình yêu có từ phương em
Đi qua năm tháng chờ đợi 
Tình yêu có từ phương anh
Lửa rừng bồn chồn góc núi

Tình yêu có từ hai ta
Chẳng đủ gần mà giận dỗi
Nhà xa, mặt trận càng xa
Gặp nhau lần nào cũng vội

Ngày mai chắc là nhiều nắng
Nên sao giăng khắp trên đầu
Ngày mai chặn miền Ải Bắc
Tựa lưng vào đêm sông Cầu.

 

 

THƠ VUI TẶNG VỢ

 

 

Hằng ngày
sau giờ làm việc
em trở về nhà
xách trên tay cả một phiên chợ cóc
với thịt, cá, rau, dưa, tôm, cua, ốc, ếch...
Rồi em chế thành những món quê mùa
làm lu mờ mọi yến tiệc.
Anh và các con
nhờ thế
chưa bao giờ phải quá tôn trọng cái tủ lạnh.
Rồi em mỉm cười
nhìn chồng con
ngốn sạch những thứ em nấu.
Em là mảnh hồ cuối cùng
sau khi người ta lấp hết hồ đi
để lấy đất xây nhà.
Em là câu dân ca cuối cùng
của nền quốc gia âm nhạc.
Em là mảnh ruộng cuối cùng
sau đô thị hóa.
Em là Bảo tàng Dân tộc học nhà ta.

Hằng tuần
vào hai ngày nghỉ
em quét sạch mọi chỗ
em giặt sạch mọi thứ
(Chỉ có anh, các con và con mèo nhà ta là chưa bị em
cho vào máy giặt!).
Em là Nguyễn Đình Chiểu nhà ta - ghét bụi bặm như nhà nông ghét cỏ.
Anh đã thấy rất nhiều ngôi - nhà - hoang
vì vắng bàn tay phụ nữ.
Nhà mình giàu hơn người, là nhờ có em.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hằng tháng
em đều nghĩ rằng lương anh đã lên
(Nếu thế thật thì rất là hay quá!)
Nhưng muốn Chính phủ tăng lương
phải đủ tháng, năm, ngạch, bậc, ngày, giờ em ạ!
Mà anh lại nằm ngoài các nhóm lấy tiền dự án, tiền cứu trợ
người nghèo, tiền đóng thuế của dân rồi tìm cách chia nhau.
Thôi thì bớt thịt thêm rau
Bớt rau thêm thịt, anh đâu nói gì.
Mỗi ngày dăm chén rượu quê
Ngắm em, dẫu chửa say nhè, cũng vui.
Họp phường bàn chuyện trên đời
Nhà ta chỉ cử một người, là em.

Hằng năm
em đều thay anh sửa sang lại đồ thờ
bổ sung nến, nhang, vàng mã...
Anh thấy đẹp nhất là mâm ngũ quả
các cụ nhà mình khỏi phải đi chợ xa.

 

 


Mai sau cũng thế thôi mà
Ta lên lưng nhà ngồi ngắm chuối xanh
Ngồi lâu thì hóa vô danh
Vô danh lâu, lại hóa thành tổ tiên
Tổ tiên thì vẫn anh em
Phù gia hộ quốc dưới đèn đêm đêm
Rồi ta hoá tượng trong đền
Nhìn xem cuộc thế qua thềm mà chơi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÔI RU CON GÁI TÔI

 

 

À ơi con ngủ cho ngoan

Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con
Nửa đời nước nước non non
Con vừa một tuổi, bố tròn bốn mươi
Nửa đời đi ngược về xuôi
Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ
Môi hồng, da trắng, tóc tơ
Bố cho máu đỏ, mẹ cho hình hài
Trời cho tính nết sau này
Cầu cho con những khéo tay, dịu dàng
Trong đêm con thở nhẹ nhàng
Cầu cho con khỏi bần hàn mai sau
À ơi con ngủ cho lâu
Cầu cho con chẳng một câu lụy người
À ơi thân gái ở đời
Những nơi tục lụy con thời tránh xa
"Thiện căn ở tại lòng ta"
Mạnh hơn lẽ quỷ lời ma dọc đường
À ơi thương đến là thương
Cầu cho Thánh Thiện dẫn đường con đi
         

 

 

 

 

   

 

 

 

 

 

 

 

 

Đừng ham ngũ sắc làm chi
Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu
Đò đầy, phá rộng, sông sâu
Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua
Yêu thơ cùng với yêu hoa
Cũng đừng yêu quá như là bố yêu
Ở nhà biết vá biết thêu
Ra đường kẻ ghẹo người trêu mặc người
À ơi thân gửi ở đời
Cổ kim đâu cũng quý người thủy chung
Câu rằng, chị ngã em nâng
Là qua hết được mọi vùng khó qua


Đi cùng con lúc tuổi hoa

Đời người ngắn lắm! Bố già đến nơi
Nay mai trời gọi lên trời
Cũng là đã có mấy lời cho con
À ơi máu đỏ như son
Mai sau con lớn, con còn nhớ chăng?

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *