Chuyện văn chương

4/12
4:24 PM 2019

TÔI ĐI HỌC TRƯỜNG HUYỆN-BÚT KÝ CỦA LÊ BÁ THỰ

Hoà bình lập lại, tháng 9 năm 1954 tôi lên học cấp hai. Cả huyện Thiệu Hoá hồi đó chỉ có duy nhất một trường cấp hai, được gọi là “Trường cấp hai Thiệu Hoá”. Cả làng tôi năm đó chỉ có hai học sinh cấp một đỗ cấp II. Tôi và anh Lê Tâm Thể. Thực ra, họ tên chính xác của anh Thể là Lê Tam Thể, nhưng mỗi lần điểm danh, cứ gọi đến “Lê Tam Thể” là học sinh cả lớp lại cười ồ.

 

Cho nên anh phải đổi “Tam” thành “Tâm” để họ tên mình không còn là trò cười nữa. Anh Thể là anh họ của tôi, hơn tôi hai tuổi. Hai anh em tôi cùng xóm, nhà anh Thể ở đầu xóm, xóm ngoài, còn nhà tôi ở xóm trong, nhìn ra cánh đồng làng. Chiều chiều tôi và anh Thể rủ nhau đi gánh nước giếng làng, giếng đất. Khoảng năm giờ chiều mỗi ngày, tôi ra đầu xóm gọi anh, hai anh em mỗi người gánh một đôi nồi su trên vai (tên gọi loại nồi đất, miệng tròn, dùng đựng nước mưa, nước giếng ở làng tôi) ra giếng múc nước, gọi là “nước ăn”, gánh về nhà để dùng. Hồi đó, làng tôi còn có một chiếc giếng xây bằng gạch, gần đình làng, nhưng vì nước tanh, nồng, nấu cơm thì cơm mất ngon, nấu nước chè thì nước chè mất mùi, cho nên dân làng hầu như không sử dụng. Sau này người ta đã lấp chiếc giếng này, chỉ còn lại giếng đất. Bây giờ thì khác, nhà nhà dùng nước giếng khoan, nhà tôi cũng vậy. Nước mạch ở làng tôi khá ngon, không hôi, không tanh.

     Bố anh Thể là thầy thuốc đông y, chuyên cắt thuốc nam, thuốc bắc cho bà con dân làng. Tuy là nông dân nhưng mẹ anh Thể hầu như không cày, bừa, cấy, hái, quanh năm chủ yếu nuôi tằm, dệt vải. Khác với tôi, anh Thể ít khi được mẹ cho ra khỏi nhà, chơi bời, nghịch ngợm với lũ trẻ trong làng. Còn tôi thì hầu như không bị mẹ tôi cấm đoán, muốn chơi đâu thì chơi, muốn đi đâu thì đi, tự do thoải mái. Cho nên tôi “hư” hơn anh Thể. Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện về cái “sự hư” này mà tôi vẫn nhớ cho đến tận bây giờ. Hồi đó, mới hơn mười tuổi đầu, tôi theo anh Khanh cùng xóm, hơn tôi ba tuổi, đi bộ mười sáu cây số xuống thị xã Thanh Hoá xem trao trả tù binh Pháp sau Hiệp nghị Giơnevơ. Hai thằng trẻ con bỏ nhà ra đi từ sáng sớm, trong túi không một đồng xu, háo hức đi thị xã, gần trưa thì đến nơi. Tại đó chúng tôi chẳng xem được gì khác ngoài việc đứng bên đường xem các đoàn xe quân sự chở tù binh đi ngang qua. Trên những chiếc xe không phủ bạt thấy toàn tù binh da đen ngồi, miệng hát vang bài “Kết đoàn”. Chiều tối hai thằng, bụng đói meo, lại bách bộ đi về. Về đến phố Rừng Thông, cách thị xã năm cây số, thì trời sập tối. Sợ bị cướp, hai thằng không dám đi tiếp nữa. Vì nghe người ta nói, qua Rừng Thông một đoạn không xa, đêm đêm vẫn thường có cướp, đã xảy ra nhiều vụ giết người cướp của ở đoạn đường này. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy buồn cười, trong túi không một đồng xu, tư trang chẳng có gì đáng giá, thế mà chúng tôi lại sợ bị cướp?!. Đứng tần ngần bên đường một hồi lâu, tình cờ chúng tôi gặp được một người đi xe đạp, về hướng phố Bôn, cùng đường với chúng tôi. Tôi và anh Khanh bèn xin người này cho chúng tôi đi theo để “tránh cướp?!”. Thế là chúng tôi chạy một mạch năm cây số liền, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bám theo sau xe của người đi xe đạp, về đến tận phố Bôn, lúc đó mới không còn sợ cướp. Mãi tận đêm khuya hai anh em tôi mới về đến nhà mình. Một phen hú hồn. Tôi bị mẹ mắng hai ngày liền về cái tội không xin phép bố mẹ, dám bỏ nhà, rủ nhau đi chơi bạt mạng tận thị xã. Tôi im thin thít, không dám cãi một lời nào.

     Hồi đó làng tôi vô cùng lạc hậu, sống hoàn toàn tự nhiên, không điện, không báo chí, không đài (Đã có thời gian tôi và mấy thằng bạn trong xóm xin tiền bố mẹ, rủ nhau đi mua một cục đá galen về làm “loa galen” để nghe Đài tiếng nói Việt Nam. Hì hục mấy ngày liền, nào lắp “linh kiện” theo sơ đồ hướng dẫn, nào leo lên hai cây cau cao nhất vườn kéo dây ăngten. Nhưng rốt cuộc không thành công. Chỉ nghe độc tiếng sột soạt, không nghe được đài, thất bại, chúng tôi buồn, mặt tiu nghỉu). Không hề có chuyện nghe dự báo thời tiết như bây giờ. Ngày mai, những ngày sắp tới, mưa nắng ra sao chẳng thể biết. Nếu có cái gọi là “dự báo thời tiết” đi chăng nữa thì hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm, trải nghiệm và những hiện tượng tự nhiên. Mẹ tôi thường là người dự báo thời tiết của nhà tôi. Mẹ tôi bảo: “Đêm qua tau đau ê ẩm cả người. Tay chân buồn bực, không ngủ được, chiều nay lại có mưa”. Hoặc: “Hôm nay chuồn chuồn bay thấp, bay là là sát mặt ao. Sắp có mưa”. Ông nội tôi là người báo bão cực giỏi, thậm chí rất chính xác. Ông tôi đứng giữa sân, ngắm mây trên trời. Nhìn mây ông nói với tôi: “Cháu ơi, mây trời hôm nay có vân vẩy cá như thế kia là sắp có bão đó”. Và quả đúng như vậy, mấy hôm sau bão đổ bộ vào quê tôi. Tôi nhớ, mỗi lần có bão là một lần thiệt hại rất lớn, nhà đổ, vì hồi đó đa phần là nhà tranh vách đất. Cây cối trong làng đổ ngổn ngang, nhất là chuối, xoan. Bão tàn phá hàng giờ đồng hồ liền, cho nên trước khi bão đổ bộ phải huy động mọi phương tiện có thể để chằng chống nhà cửa. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, cho gió bão không lọt được vào nhà. Ngồi co rúm trong căn nhà kín bưng, lũ trẻ con chúng tôi sợ vãi linh hồn, khi nghe tiếng gió rít mạnh, chỉ sợ nhà mình bị đổ. Theo kinh nghiệm thực tế ở quê tôi, phải khi nào “bão đông” nổi lên thì trận bão mới đến hồi kết. Vì bão chuyển động xoay tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ mà.

     Làng tôi nghèo và lạc hậu đến nỗi chẳng ai có đồng hồ, dù là đồng hồ báo thức hay đồng hồ đeo tay. Đồng hồ là một thứ xa lạ đối với dân quê chúng tôi. Mặt trời và gà gáy chính là “đồng hồ” của chúng tôi. Chẳng hạn, mười hai giờ trưa, tức là “trưa”, là lúc mặt trời đứng bóng, nghĩa là vào giờ này nếu ta đứng ngoài sân, dưới nắng trời, thì bóng người tròn xoe in ngay dưới chân mình. Còn gà gáy ban đêm chính là “đồng hồ báo thức” của nông dân, theo canh – canh một, canh hai, canh ba, canh bốn, canh năm.

     Với tôi, mẹ tôi chính là “đồng hồ báo thức”của tôi. Không có mẹ tôi đánh thức chắc tôi toàn đi học muộn vì dậy muộn hoặc ngủ quên. Tôi còn trẻ, ngủ say “như chết”. Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi lắng nghe tiếng gà gáy, nghe tiếng gà gáy là mẹ tôi biết đã mấy giờ để đánh thức tôi dậy đi học. Thường khoảng năm giờ sáng là tôi phải dậy, có hôm tôi ngủ quá say, mẹ tôi phải gọi đi gọi lại đến ba bốn lần tôi mới chịu rời khỏi giường. Hồi đó chẳng có chuyện đánh răng buổi sáng, chưa có “văn hoá đánh răng”, cho nên tôi không phải tốn thì giờ cho công việc vệ sinh cá nhân này. Vùng dậy khỏi giường, tôi chạy ngay xuống bếp, nhóm lửa nấu cơm, đun bằng rơm hoặc rạ. Quê tôi không đun củi, nói đúng hơn, không có củi để mà đun, vì chỉ trồng lúa. Tôi cho một bò gạo (ống bò chính là hộp sắt tây đựng sữa bò thời Pháp) tức khoảng một phần ba cân gạo vào cái niêu đồng để nấu bữa cơm sáng cho mình. Đó là bữa ăn tôi được “ưu tiên” không phải ăn độn. Còn cả nhà phải ăn cơm độn khoai (thường là khoai lang thái, phơi khô, để ăn dần). Ăn xong tôi ra đầu xóm rủ anh Thể đi học. Để tới trường huyện chúng tôi phải đi bộ bốn cây số, đi qua chiếc cầu mà dân làng tôi vẫn gọi là “Cầu Tây”, một chiếc cầu xi măng cốt thép bắc qua Nông Giang, xây dựng từ thời Pháp thuộc. Có lẽ vì vậy mà dân làng tôi gọi là “Cầu Tây”. Tiếp nữa, chúng tôi đi trên con đường xuyên qua hai cánh đồng, cánh đồng làng Vận Quy và cánh đồng làng Vạc. Đến làng Vạc chúng tôi phải sang đò, gọi là Đò Vạc, hay Đò Vạn Hà, qua sông Chu, để sang xã Vạn Hà, nợi có trường cấp II Thiệu Hoá. Là học sinh phổ thông, chúng tôi được đi đò miễn phí. Cho nên mấy người lái đò thường không thích chở học sinh, vì họ bị “thất thu”. Sang đò khổ nhất là mùa lũ, nước sông Chu dâng cao, chảy xiết. Để sang được bờ bên kia, người lái đò phải chèo đò ngược dòng, men theo bờ đến nửa cây số, lên gần làng Khoai, rồi lúc đó mới lấy hết sức bình sinh chèo thật mạnh tay cho con thuyền sang sông. Lúc này, con đò vừa dịch chuyển chậm chạp sang ngang vừa trôi mạnh xuôi theo dòng nước xiết, nếu không lái khéo léo, con đò dễ bị đâm vào những cây gỗ to đang lao như điên giữa dòng nước xoáy. Lái con đò nhằm trúng bến là chuyện không đơn giản chút nào. Còn khi con đò bị nước lũ chảy xiết đẩy trôi xuôi, chệch khỏi bến, thì người lái đò lại phải chèo đò ngược dòng, men theo bờ, để quay lại bến. Lắm khi chúng tôi bị muộn học vì những chuyến đò “bất kham” như vậy. Đó là mùa lũ. Còn mùa đông, nước sông Chu cạn kiệt, để lộ những bãi cát dài, có chỗ nước chỉ sâu đến rốn chúng tôi. Nhất là đoạn ở cuối làng Vạc. Những khi như vậy chúng tôi rủ nhau lội sông cho nó thích. Tôi và anh Thể, tìm đoạn nước nông, hai thằng cởi truồng, tay ôm quần áo và sách vở, lội qua sông một cách ngon lành. Vừa lội sông tôi vừa nhìn về phía bến đò, vẻ mặt đầy kiêu hãnh, ra điều: “Hôm nay ta đếch phải luỵ đò”.

     Bây giờ, tại nơi ngày xưa gọi là Đò Vạc hay Đò Vạn Hà, nhà nước đã xây cầu Thiệu Hoá, hay còn gọi là cầu Vạn Hà, trên quốc lộ 45, nối thị trấn Vạn Hà và xã Thiệu Đô.

     Còn một câu chuyện nữa về việc tôi đi học trường huyện. Hồi đó, đi cùng đường đến trường với chúng tôi còn có cô bạn tên là B., B. học cùng lớp với tôi. B. gương mặt trái xoan, xinh, dễ thương. Đoạn đường từ Ngã Ba Chè đến trường, dài chừng hai cây số, là đoạn đường đi chung của chúng tôi. Sáng nào chúng tôi cũng gặp nhau, và cùng đi trên con đường này. Tôi thích B. Và có lẽ B. cũng thích tôi. Chỉ có điều, hai đứa chung đường, chung lớp, nhưng suốt mấy năm trời chúng tôi không hề bắt chuyện với nhau, không hề nói với nhau một lời nào. Đùng một cái B. chuyển trường khác và biến mất tăm từ đó. Mấy chục năm sau, tình cờ tôi gặp lại B. trên đường phố Hà Nội. Và cuộc tái ngộ vô tiền khoáng hậu này đã cho tôi cái tứ để làm bài thơ “Tình câm”:

Ngày học phổ thông

Hai ta cùng lớp

Hai ta cùng trường

Cùng đi một đường

Không hề bắt chuyện

Đường lên trường huyện

Dày dấu chân ta

Gần mà như xa…

 

Một ngày đầu hạ

Bỗng vắng bóng nàng

Lòng thấy bàng hoàng

Có gì luyến tiếc

Trời cao xanh biếc

Chắc biết tôi mong…

 

Mấy chục năm ròng

Bóng nàng vẫn vắng

Một ngày hạ nắng

Phượng đỏ rực trời

Chẳng hẹn chẳng chờ

Gặp lại người xưa

Sững sờ tôi đứng

Lệ nàng như mưa…

 

***

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *