Chuyện văn chương

22/8
9:03 AM 2018

SÂN KHẤU VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẦU ĐỔI MỚI NHÌN TỪ HIỆN TƯỢNG LƯU QUANG VŨ

Lưu Khánh Thơ-Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc lĩnh vực này đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đất nước ta vừa bước qua hai cuộc chiến tranh và đang phải đối mặt với những khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi con người đều chất chứa biết bao vấn đề gay gắt và nóng bỏng.

Tóm tắt: Bài viết khái quát diện mạo sân khấu Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới từ trường hợp nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Anh đã cùng với một số tác giả khác như: Xuân Trình, Tất Đạt, Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang, Sỹ Hanh... làm nên một giai đoạn sân khấu cực kỳ sôi động khó có thể lặp lại. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp được một cách tích cực hơn cho cuộc sống. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch. Anh được đánh giá là "nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại". Trong lịch sử sân khấu nước ta, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Những năm 80 của thế kỷ trước, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hoá văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội.

Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra lối đi ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Anh gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết...

Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và gia đình đã tổ chức Liên hoan các vở diễn sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ. Lần đầu tiên Liên hoan sân khấu chỉ dành cho một tác giả đã được thực hiện trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Đó cũng là dịp để một lần nữa giới sân khấu ghi nhận và tri ân những đóng gớp đặc biệt vào sự  phát triển sân khấu Việt Nam đương đại của anh.

 

 

 

 

 Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc lĩnh vực này đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đất nước ta vừa bước qua hai cuộc chiến tranh và đang phải đối mặt với những khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi con người đều chất chứa biết bao vấn đề gay gắt và nóng bỏng. Chiến tranh vừa đi qua, cuộc sống hoà bình ào tới. Nhưng hoà bình mà chưa yên ổn, xã hội nổi lên bao vấn đề, kinh tế suy thoái, những thế lực thù địch tấn công từ nhiều phía, cơ chế quan liêu bao cấp để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị- xã hội. Những dằn vặt riêng tư bị chìm lấp trong cơn lốc chiến tranh và bị cơ chế thời chiến hạn chế nay trỗi dậy. Rất nhiều giá trị cũ đã được định lại. Dòng hiện thực phức tạp bội phần ấy đã dội vào đời sống văn học nghệ thuật những con sóng dữ dội và mới mẻ. Giữa lúc ấy, sự cởi mở về mặt chính trị và đường lối xã hội là một động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của văn học. Đổi mới, đó là nhu cầu nói lên sự thật của đời sống, đề cập tới những vấn đề mà mọi người quan tâm. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Và anh đã cùng với một số tác giả khác làm nên một giai đoạn sân khấu cực kỳ sôi động khó có thể lặp lại trong một quãng thời gian dài, chí ít là đến tận hôm nay. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn cho cuộc sống. Có nhà phê bình đã nói rằng: Lưu Quang Vũ làm thơ là để sống cho riêng mình và viết kịch là để sống với mọi người.

Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra lối đi ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Ở đó hiện lên những số phận, những cảnh đời khác nhau. Có niềm vui, nỗi buồn, có khổ đau, hạnh phúc. Ngòi bút của anh khi đau đớn xót xa, lúc thâm trầm sâu lắng, khi mạnh mẽ đanh thép, lúc lại nghiệt ngã chua cay hoặc cao giọng phê phán. Anh gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết...

Trong khoảng thời gian gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch, một khối lượng đồ sộ khiến nhiều người kinh ngạc. Anh được đánh giá là "nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại". Trong lịch sử sân khấu nước ta, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Những năm 80 của thế kỷ trước, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết và những đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và với nền văn học nước nhà nói chung. Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hoá văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội.

Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài năng. Điều này không chỉ được bộc lộ ở một số lượng tác phẩm lớn mà còn thể hiện ở chất lượng của sự phản ánh. Cùng với một số tác giả khác như: Xuân Trình, Tất Đạt, Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang, Sỹ Hanh... Lưu Quang Vũ đã góp phần đem đến cho sân khấu những năm 80 của thế kỷ XX một sức sống mới.

Lưu Quang Vũ đã kết hợp và phát huy được những thế mạnh của mình khi đến với loại hình nghệ thuật có tính chất tổng hợp như sân khấu. Kịch của Lưu Quang Vũ khai thác nhiều đề tài, đi vào khám phá muôn mặt của đời sống xã hội và con người. Căn cứ vào cốt truyện của kịch bản, có thể phân chia, sắp xếp kịch Lưu Quang Vũ  ra làm nhiều loại:

- Loại dựa vào một số tích cũ của văn học dân gian rồi viết lại như: Lời nói dối cuối cùng, Ông vua hoá hổ, Nàng Sita, Đam San, Đôi đũa kim giao, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá...

- Loại dựa và một cốt truyện văn học để chuyển thành kịch như: Hẹn ngày trở lại, Đôi dòng sữa mẹ, Chết cho điều chưa có, Muối mặn đời em, Đất sống của người...

- Loại sáng tác về đề tài hiện đại: Mùa hạ cuối cùng, Thủ phạm là ai, Cô gái đội mũ nồi, Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nguồn sáng trong đời, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Quyền được hạnh phúc, Điều không thể mất... Đây là phần chủ yếu, là điểm mạnh và chiếm một số lượng khá lớn trong gia tài kịch mục đồ sộ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Hướng ngòi bút của mình về cuộc sống, kịch Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng nói thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước. Anh đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt cái "lõi" của hiện thực để phản ánh. Ngòi bút của anh đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn của con người. Anh không hạn chế mình trong bất cứ loại đề tài nào bởi ở đâu anh cũng phát hiện ra vấn đề để bàn luận, trao đổi. Trong kịch của anh có mặt nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực cuộc sống khác nhau. Từ đề tài công nghiệp (Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc, Nếu anh không đốt lửa…) đến đề tài nông nghiệp (Bệnh sĩ). Từ ngành y tế (Nguồn sáng trong đời, Vi khuẩn Hanxen) đến ngành giáo dục (Mùa hạ cuối cùng, Tin ở hoa hồng) từ hậu phương đến tiền tuyến (Lời thề thứ chín, Điều không thể mất). Từ chiến tranh đến hoà bình, từ thành thị đến nông thôn... tất cả đều được hiện lên trong kịch Lưu Quang Vũ với một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Kịch Lưu Quang Vũ là tiếng nói phản ánh cuộc sống đang diễn ra với một hiện thực tươi mới, gần gũi. Anh có khả năng biến những chi tiết đời thường thành những điển hình nghệ thuật để tăng thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm. Bằng cách ấy, anh đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh và lý giải những vấn đề nóng bỏng, quan thiết của xã hội.

Anh có thể biến mọi đề tài thành kịch. Những câu chuyện thường nhật tưởng chừng chẳng mấy ai quan tâm qua ngòi bút của anh bỗng mang một ý nghĩa sâu sắc. Anh viết một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không to tát hay khiên cưỡng. Kịch của anh là tiếng nói của những người thường gặp: một ông giám đốc, một chị công nhân, một bác sĩ, một kỹ sư, có cả những kẻ lang thang, những người say rượu, những người bán hàng rong... Muôn mặt đời thường đều có thể đi vào tác phẩm và trở thành những điển hình nghệ thuật truyền tải những thông điệp về cuộc sống. Nét nổi bật trong nhiều vở kịch là sự vui hóm trong tính cách của các nhân vật mà người ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi và có khi gặp ngay trong chính bản thân mình. Người ta đến với sân khấu không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để sống cùng với những gì đang diễn ra, tìm lời giải đáp cho những vấn đề đang được quan tâm. Do vậy, sân khấu là nơi giúp anh thể hiện nhanh nhất tư tưởng và những trăn trở của mình. Kịch Lưu Quang Vũ đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất, tươi rói nhất. Các nhân vật như thể từ cuộc đời mà bước lên sàn diễn. Sân khấu trở thành diễn đàn để trao đổi, bàn luận, giao lưu giữa tác giả và khán giả.

Trong số kịch bản của Lưu Quang Vũ, khối lượng những vở khai thác trực tiếp từ cốt truyện dân gian không nhiều lắm, nhưng hầu hết những vở kịch đó đều đạt tới hiệu quả nghệ thuật tương đối cao. Tiêu biểu nhất là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Vở kịch này được viết từ năm 1981, nhưng cho đến năm 1984, trong không khí đổi mới dân chủ, mới được ra mắt công chúng.  Giới nghiên cứu phê bình cho rằng đây là một trong những vở kịch hay nhất của Lưu Quang Vũ.  Ngay khi mới công diễn, vở kịch đã gây chấn động dư luận, tạo ra một không khí tranh luận sôi nổi trên báo chí và trong giới sân khấu. Với sự dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và lớp diễn xuất có nghề của Nhà hát Kịch Việt Nam, vở diễn đã thể hiện sâu sắc tính đa nghĩa của một kịch bản có cấu trúc chặt chẽ, giàu trí tuệ. Một cốt truyện dân gian quen thuộc, chẳng mấy ai tranh luận về ý nghĩa của truyện, vậy mà khi Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu, vở kịch không chỉ dừng lại ở những giá trị ban đầu mà nó còn đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ. Vở kịch không chỉ nói đến sự hòa hợp và ý thức đạo lý về phần hồn và phần xác con người mà còn đề cao cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người. Qua những lời đối thoại ngắn gọn, súc tích, các nhân vật trong thế giới dân gian xưa cũ trở nên gần gũi, quen thuộc như đang cùng tham dự với cuộc sống đương đại của chúng ta. Vở kịch không chỉ đề cập đến chuyện của một thời mà còn đề cập đến chuyện của muôn đời. Đó là triết lý nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người. Những rắc rối đổ vỡ bắt nguồn từ sự sống vay mượn của Trương Ba trong xác anh hàng thịt đã khiến cho chúng ta thấy: Cuộc sống thật là đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hòa giữa hồn và xác chỉ đem lại bi kịch cho con người. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được sống đúng là mình, được sống trong một thể thống nhất. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt không chỉ nói đến đời sống một cá nhân mà còn đặt ra những vấn đề của xã hội. Thói quan liêu, vô trách nhiệm của Nam Tào Bắc Đẩu đã tước đi mạng sống của người dân vô tội và gây nên bao nhiêu chuyện rắc rối. Sự sửa sai chắp vá của Đế Thích lại là tiền đề bất hạnh cho cuộc đời hồn nọ xác kia không hoàn chỉnh của ông Trương Ba. Mọi sự sửa sai không đúng chỗ đều chứa trong nó nhiều bi kịch hơn là niềm vui. Quyết định vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống vay mượn giả tạo của Trương Ba ở phần kết là một sự phản kháng mãnh liệt và đau đớn. ẩn dưới tầng sâu của vở kịch là một nỗi buồn nhân thế mênh mông. Năm 1990 Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế lần thứ I tại Liên Xô. Vở diễn được đánh giá là vở diễn xuất sắc nhất. Vở diễn cũng có vinh dự được chương trình Nhà hát truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam chọn làm tiết mục khai mạc, phát sống số đầu tiên vào cuối tháng 1 – năm 2003. Năm 1998 vở Hồn Trương Ba da hàng thịt đi lưu diễn tại Mỹ trong chương trình giao lưu sân khấu Việt - Mỹ, được đánh là một sự kiện văn hóa trong năm. Tài năng diễn xuất của cố NSND Trọng Khôi trong vai Trương Ba đã trở thành một vai diễn kinh điển trong sự nghiệp sân khấu của ông. Vai diễn đó cũng đã được khẳng định không chỉ ở trong nước mà còn có tiếng vang ở nước ngoài. GS. TS. Lorelle Browning, chuyên giảng dạy về Shakespeare ở Trường đại học Pacific, Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ đồng thời là người sáng lập Chương trình Trao đổi Sân Khấu Việt - Mỹ đã nhận xét: “Khi chúng tôi mang vở kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ sang trình diễn ở Mỹ vào năm 1998. Mặc dù nhiều khán giả ở Mỹ không hiểu tiếng Việt, diễn xuất của Trọng Khôi trong vai gã hàng thịt đã làm mọi người xúc động sâu sắc. Chúng tôi lưu diễn sáu tuần trong các nhà hát buổi nào cũng bán hết vé ...” (Tạp chí Sân khấu tháng 4 – 2012)

Năm 1984 vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ đã gây được tiếng vang lớn, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Với vở kịch này Lưu Quang Vũ đã mở đầu cho đề tài đổi mới trong cơ chế sản xuất và quản lý, góp một tiếng nói quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng hình tượng con người mới trong cơ chế mới. Vở kịch đã chứng tỏ một sự nhạy bén trong những vấn đề thời sự, là sự tranh luận sôi nổi, gay gắt về vấn đề đổi mới. Vở kịch là tiếng nói nghệ thuật về những điều mà mọi người đang trăn trở, những điều mà có những người can đảm đã nghĩ, đã làm và đã phải trả giá cho những việc làm đó. Lưu Quang Vũ đã công khai bảo vệ những tư tưởng mới, lối nghĩ mới, cách làm ăn năng động sáng tạo, đồng thời phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong lĩnh vực quản lý kinh tế và cả trong lĩnh vực tinh thần.

Lưu Quang Vũ là một trong những tác giả mở đầu cho đề tài đổi mới. Những vấn đề đặt ra trong Tôi và chúng ta tiếp tục được nhiều nhà viết kịch khác phản ánh. Tác giả Xuân Trình trong vở Mùa hè ở biển cũng có những nét tương đồng với Lưu Quang Vũ trong việc đánh giá, phát hiện những vấn đề cuộc sống. Thái độ của Xuân Trình trong vở kịch này là lên tiếng ủng hộ, bênh vực cho những cái mới đang nảy mầm phát triển, đang còn khó phân định đúng sai, phê phán cái lỗi thời, lạc hậu. Xuân Trình cho rằng có những cái tốt của ngày hôm qua không còn thích ứng với hôm nay, nếu không thay đổi, không cải tiến thì sẽ phản tác dụng. Cơ chế mới đòi hỏi những kiểu người mới và những kiểu người mới ấy cần phải có cơ chế mới để phát huy năng lực sáng tạo của mình. ở một lĩnh vực khác, Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm trong Nhân danh công lý cũng đã đấu tranh trực diện với các thế lực tiêu cực, lên tiếng đòi hỏi sự bình đẳng trước pháp luật. Rõ ràng, sân khấu đã cất lên một tiếng nói rất thiết thực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Với Tôi và chúng ta Lưu Quang Vũ đã nói lên niềm khát khao của cả cộng đồng. "Như một hồi kèn khởi động cho cả đất nước bước vào thời kỳ mới mạnh mẽ và bão táp dưới ngọn cờ của Đảng" (Vũ Hà - Báo Hà Nội mới, 10/10/2000).

Năm 1985, Lưu Quang Vũ là tác giả gặt hái nhiều thành công nhất trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc từ Bắc chí Nam. Anh có 8 kịch bản tham dự thì tất cả đều đoạt giải, trong đó có 6 vở đoạt huy chương vàng, hai vở đoạt huy chương bạc. Đặc biệt, tại kỳ hội diễn các tỉnh phía Bắc được tổ chức ở Thanh Hoá vở Nguồn sáng trong đời của anh và vở Nhân danh công lý của hai tác giả Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Hai vở kịch với hai cách đặt vấn đề, hai hệ thống xung đột khác nhau với hai phong cách có phần đối lập song đều tạo được hiệu quả nghệ thuật lớn. Cả hai vở đều được tặng thưởng huy chương vàng. Nếu ở Nhân danh công lý nổi bật lên một không khí căng thẳng, gay gắt với những xung đột bạo liệt mang cảm hứng phê phán mạnh mẽ thói lộng hành của quyền lực và cái ác, sự thiếu công bằng dân chủ và đòi hỏi quyền bình đẳng trước pháp luật thì ở Nguồn sáng trong đời lại toát lên một vẻ đẹp giản dị, một vẻ đẹp thâm trầm sâu lắng tình người. Xung đột trong vở kịch chỉ xoay quanh những khó khăn trong cuộc sống mà con người đang phải cố gắng vượt qua để vươn tới sự toàn mỹ. Chuyện kịch giản dị, chân thực như chính cuộc đời vậy. Con người sống, đấu tranh và lao động, yêu thương và giận hờn, vui cười và lo lắng…Và họ gặp nhau trong hành trình tìm về ánh sáng, hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc đời. Câu chuyện về người thương binh hỏng mắt tìm lại được nguồn sáng của đời mình nhờ vào sự hy sinh cao cả của người khác đã được khắc hoạ bằng những chi tiết thật xúc động. Lưu Quang Vũ đã thuyết phục được khán giả bởi cách xử trí tình huống thông minh, ẩn giấu những triết lý sâu sắc về số phận con người. Chính cái vẻ đẹp giản dị ấy đã tạo cho vở kịch một diện mạo riêng, một vẻ đẹp trầm lắng, như một mạch nước ngầm thấm sâu vào lòng khán giả. Nguồn sáng trong đời là một tiếng nói nội tâm nhỏ nhẹ, khiêm nhường, kín đáo, tinh tế và sang trọng bên cạnh tiếng nói mạnh mẽ, nồng nhiệt của Nhân danh công lý.

Trong nhiều vở kịch của mình Lưu Quang Vũ đã thể hiện tư tưởng triết lý phương Đông sâu sắc. Đó là trăn trở về sự sống và cái chết. Có thể nói đây là tư tưởng xuyên suốt trong kịch của anh, nó chi phối những tư tưởng khác như ý tưởng về cái thiện, cái ác, về lòng tốt, về lẽ sống, lẽ làm người. Năm 18 tuổi chàng thanh niên Lưu Quang Vũ đã ghi những dòng nhật ký tràn đầy dự cảm lo âu về cuộc sống và cái chết: "Rất có thể một điều vô lý nào đó tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết - ta không sợ nó nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được gì cả, ăn hại 17 năm thế rồi chết ư? Thần chết ơi, ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt". Và chính "tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh", những dự cảm tưởng như mơ hồ ấy đã đeo đẳng anh suốt cả cuộc đời, như là một ám ảnh định mệnh.

Trong quá trình sáng tác, Lưu Quang Vũ luôn tâm niệm rằng chỉ gắn bó với cuộc sống, sống hết mình với cuộc sống mới tránh khỏi sự khô cạn tài năng và tâm hồn, thứ hiểm hoạ luôn đe doạ người nghệ sĩ ở bất cứ lứa tuổi nào, địa vị nào. Hướng về cuộc sống, về nhân dân, đó là hạnh phúc, là trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, Lưu Quang Vũ luôn tìm thấy trong cuộc sống vốn ngổn ngang gồ ghề nhiều điều cần trao đổi. Chưa bao giờ những vấn đề bức thiết của cuộc sống lại được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu ào ạt như năm 1988 - năm được mùa nhất những vở kịch của anh đồng thời cũng là năm sân khấu nước nhà mất đi một nhà viết kịch tài năng, sung sức. Vở Quyền được hạnh phúc đã tập trung cao nhất tư tưởng dân chủ của Lưu Quang Vũ. Quyền được hạnh phúc cũng đồng nghĩa với quyền làm người, quyền con người hay nhân quyền. Vở Ông không phải  bố tôi là sự đan xen xót xa giữa quá khứ ấu trĩ và cuộc sống hiện tại. Đặc biệt vở Lời thề thứ chín lại mang niềm trăn trở về mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương người lính. Với tư cách là một người đã từng khoác áo lính, Lưu Quang Vũ đã nói lên những điều tâm huyết. Có được đất nước trong cuộc sống hoà bình hôm nay là nhờ có một quân đội trung với nước, hiếu với dân và một hậu phương vững mạnh, có lòng dân luôn son sắt. Nhưng cuộc sống đang bị xáo động vì những sự bê bối từ nhiều phía, do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên "dân không hỏng, bộ đội không hỏng" mà cái hỏng ở đây là bộ phận, là cái ung mà nếu không sớm cắt bỏ thì sẽ gây hoại thư toàn bộ cơ thể. Không phải ngẫu nhiên mà những người lính nơi biên cương ấy lại có hành động "trấn lột" để lấy tiền về quê trong ba ngày thưởng phép. Mục đích của họ là để trừng trị những tên cường hào mới ở địa phương, giải thoát cho người thân của đồng đội bị giam giữ trái phép, bị oan khuất. Lưu Quang vũ đã rất hiểu tâm tư của người lính. Họ chỉ có thể yên tâm chiến đấu khi phía sau họ là một hậu phương yên ổn, là lòng dân vững chắc, còn như nếu phía sau họ, gia đình, người thân phải chịu sự oan khuất, đau khổ thì họ sẽ tìm mọi cách để hành động, cho dù đó là những hành động sai lầm. Sự manh động của những người lính trong vở kịch đã chứng minh điều đó. Lời thề thứ chín là một trong những vở kịch cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Nhân vật trung tâm của vở là những người lính dám sống hết mình vì đồng đội, sẵn sàng xả thân để bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc đời. Tính nhân văn và những ý đồ nghệ thuật của vở diễn đã được đánh giá cao. Tác phẩm đã được nhận giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 1995.

Một số vở kịch khác như Bệnh sĩ, Trái tim trong trắng, Điều không thể mất đều là những bức tranh hiện thực sinh động với nhiều nỗi niềm băn khoăn về cuộc sống. Lưu Quang Vũ không ngần ngại trong việc nêu lên những vấn đề hiện thực để bàn luận, kể cả những vấn đề được coi là "nhạy cảm". Ngay cả những vở kịch khai thác cốt truyện từ văn học dân gian thì người ta vẫn dễ dàng nhận ra phía sau cái không khí huyền thoại cổ tích vẫn âm vang hơi thở của cuộc sống hiện tại.

Có thể nói kịch Lưu Quang Vũ đã bắt đúng mạch của cuộc sống, đáp ứng được những điều mọi người trăn trở, những tâm sự đau đớn của khán giả. Vì thế mà anh đã gặt hái rất nhiều thành công giữa lúc sân khấu đang đói những kịch bản hay theo sát cuộc sống đương thời. Kịch Lưu Quang Vũ là tiếng nói trẻ trung, dũng cảm trong phong trào đổi mới ở nước ta. Đó là kết quả của nhiệt tâm sức lực, sự hiểu biết cuộc sống của người nghệ sĩ đồng thời cũng là kết quả của một tình yêu, của lòng say mê và khát vọng nghệ thuật. Trên đôi vai lực lưỡng của mình, Lưu Quang Vũ đã gánh đỡ cả một nhu cầu to lớn về kịch bản cho hàng chục đoàn kịch trong cả nước. Có thể nói Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch sáng giá nhất trong những năm vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX đầy biến động.

Với người nghệ sĩ, cái tài và cái tâm là hai yếu tố cơ bản nhất tạo nên chân dung của họ. Lưu Quang Vũ là một tác giả có sự hội tụ đầy đủ những yếu tố đó. ở anh, sự hoà hợp giữa cái tâm và cái tài được bộc lộ trong bản chất của người nghệ sĩ luôn nhìn về cái đích xa của nghệ thuật. Anh là một cây bút nhạy cảm, thông minh, sắc sảo trước những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Anh chớp nhanh cái "thần" của cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết cũng như những thông điệp từ các tác phẩm báo chí hay các tác phẩm văn học của một số tác giả để cải biến thành ngôn ngữ nghệ thuật, tạo nên những vở kịch với một sự hấp dẫn đặc biệt. Kịch của anh thể hiện một sự nhiệt tâm, một tấm lòng đầy trăn trở đối với cuộc đời. Anh hăng hái cổ vũ cho những cái mới, cái tốt, tích cực đấu tranh loại trừ cái xấu, cái tiêu cực. Anh truyền tải chất thơ vào kịch. Chính sự sáng suốt của lý trí và chất men say của thơ đã tạo nên những nét đặc sắc trong kịch của anh và làm nổi bật chân dung của một người nghệ sĩ tài năng, một hiện tượng độc đáo của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo – nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã nhận xét: “Có đến 3/4 nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Việt Nam( ở lĩnh vực sân khấu) phải hàm ơn Lưu Quang Vũ”.

Là một nghệ sĩ tâm huyết với đời, với nghề, Lưu Quang Vũ ý thức sâu sắc sứ mệnh của người cầm bút và luôn ao ước có những kịch “trong đó khát vọng nhân bản của người nghệ sĩ hòa đồng được cùng nhiệm vụ công dân.” Không bao giờ thoả mãn với những gì mình đạt được, nhà viết kịch luôn tâm niệm: “Chỉ gắn bó với cuộc sống, sống hết mình với nó mới tránh khỏi sự khô cạn tài năng và tâm hồn - thứ hiểm họa luôn luôn đe doạ người nghệ sĩ ở bất cứ lứa tuổi nào, địa vị nào.”

Chưa thể nói mọi tìm tòi, sáng tạo của Lưu Quang Vũ đều đạt tới độ toàn bích. Kịch của anh cũng có những hạn chế nhất định. ở nhiều vở tính luận đề, thuyết giáo còn biểu hiện khá lộ liễu, ít nhiều còn mang tính sách vở, kinh viện. Anh viết nhiều, viết nhanh, khai thác nhiều đề tài khác nhau, đi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhưng anh cũng bộc lộ một sự hạn chế về vốn sống, nhất là ở một lĩnh vực cụ thể nào đó của đời sống xã hội. Tuy nhiên những thành quả mà Lưu Quang Vũ để lại đã cho thấy một sự tìm tòi, một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc. Anh đã vượt lên mọi hoàn cảnh để kiếm tìm, thể nghiệm. Thành quả trong sáng tác văn học của anh cần đựơc ghi nhận như một đóng góp xuất sắc cho nền văn học kịch Việt Nam. Anh là một trong những người mở đầu cho một thời kỳ mới của văn học nước nhà mà cho đến hôm nay sự nỗ lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật của anh vẫn là một bài học thiết thực. Tên tuổi của Lưu Quang Vũ gắn liền với đời sống sôi động của sân khấu Việt Nam những năm đầu thời kì đổi mới. Anh đã thành công tốt đẹp với cương vị là người mở ra một chặng đường mới cho sân khấu kịch Việt Nam hiện đại. Có thể nói, cho đến nay vẫn chưa ai thay thế được anh. Khi anh gặp tai nạn và đột ngột vĩnh biệt thế giới này, sân khấu nước nhà rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản. Nhiều người gọi đó là thực trạng kịch Việt Nam giai đoạn “hậu Lưu Quang Vũ”.

 Đầu tháng 9 năm 2000, Lưu Quang Vũ được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Phần đóng góp của anh đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận xứng đáng. Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất trong số những người được nhận phần thưởng cao quý này. Hai vở kịch được trao giải thưởng đều thuộc về đề tài hiện đại. Đó là vở Tôi và chúng taLời thề thứ chín.

Từ năm 2000 đến nay, một số vở kịch của Lưu Quang Vũ đã được các đoàn nghệ thuật dàn dựng lại. Nhà hát kịch Việt Nam với Hoa Cúc Xanh trên đầm lầy, và - Nguồn sáng trong đời.  Nhà hát kịch Thành Phố Hồ Chí Minh với Đường bay, Sân khấu kịch IDECAP, với  Tin ở hoa hồng, và - Lời nói dối cuối cùng, Đoàn ca kịch Huế với Điều không thể mất. Đặc biệt hai vở kịch tiêu biểu nhất của Lưu Quang Vũ là - Hồn Trương Ba da hàng thịt, vở diễn xuất sắc nhất trong liên hoan sân khấu các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ năm 1990 và trong đợt biểu diễn tại Mỹ năm 1998. Tôi và chúng ta, đã được trình diễn trong chương trình Nhà hát truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam thời gian qua đã gây được tiếng vang lớn trong đánh giá của bạn bè, đồng nghiệp và trong sự mến mộ của đông đảo khán giả. Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và gia đình đã tổ chức Liên hoan các vở diễn sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ. Lần đầu tiên Liên hoan sân khấu chỉ dành cho một tác giả đã được thực hiện trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Đó cũng là dịp để một lần nữa giới sân khấu ghi nhận và tri ân những đóng gớp đặc biệt vào sự  phát triển Sân khấu Việt Nam đương đại của anh.

Thời gian trôi qua, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ đối thoại... có những điều đã trở nên xưa cũ so với nhịp sống gấp gáp của ngày hôm nay, nhưng bức thông điệp về tình yêu, hạnh phúc về lòng tốt và sự cao thượng của con người được tác giả gửi gắm qua từng ý tưởng sâu xa của vở diễn vẫn còn nguyên giá trị. Chừng nào con người còn sống, còn yêu thương, hy vọng và đau khổ thì sẽ còn tìm thấy trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ niềm cảm thông chia sẻ. Những vấn đề quan thiết từng được dự báo và đề ra từ rất sớm trong một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ (Tinh thần đổi mới trong cơ chế quản lý, sự công bằng, dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống, nạn cường hào mới ở nông thôn) đã khiến cho các vở diễn của anh cập nhật được với đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn luôn có một mạch ngầm lặng lẽ tuôn chảy. Dù là viết về cái xấu, cái ác, cái chưa hoàn thiện, nhưng bức tranh đời qua tác phẩm của anh căn bản vẫn là tốt đẹp. Có thể thấy rõ niềm khao khát Lưu Quang Vũ muốn bày tỏ là làm sao cho cuộc sống và tình người đẹp hơn, cao thượng và trong sáng hơn.

      Trong những năm tháng sống và viết kịch rất ngắn ngủi của mình, Lưu Quang Vũ đã đáp ứng nhanh nhậy những yêu cầu của công chúng khán giả. Anh đã sống và làm việc hết mình như một bó đuốc rừng rực cháy. Cùng với nhiều tác giả khác, anh đã tạo dựng được cho nền sân khấu nước ta những thành tựu đáng kể mà như cách nói của nhà thơ Anh Ngọc: "Chỉ riêng với sức lao động, ý chí làm việc ấy thôi, Lưu Quang Vũ cũng đã có thể ngẩng cao đầu đi giữa cuộc đời này mà không phải hổ thẹn". Và, cùng với sự ra đi đột ngột của anh, sân khấu Việt Nam cũng chấm dứt luôn một giai đoạn rất sôi động của mình. Từ lúc này, sân khấu bắt đầu có những đòi hỏi khác, những đòi hỏi cao hơn. Không thể biết rằng nếu còn sống, Lưu Quang Vũ có còn đáp ứng được yêu cầu đó xuất sắc như trước hay không? Nhưng những gì mà Lưu Quang Vũ đã làm được và để lại cho cuộc đời cũng đủ khiến anh "sừng sững như một trái núi, một lực sĩ không đối thủ". Với Lưu Quang Vũ, cánh cửa đi vào tương lai đã đóng lại vào ngày 29/8/1988. Đang ở vào giai đoạn chín trong việc khám phá đời sống và sáng tạo nghệ thuật, Lưu QuangVũ đã đột ngột ra đi. Lưu Quang Vũ có vở kịch Người trong cõi nhớ. Vở diễn đạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết. Đã chết như chỉ là mất đi cái phần thân xác, còn tư tưởng, tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của những người còn sống hôm nay. Qua lời của một nhân vật kịch, Lưu Quang Vũ đã nói quan niệm của anh về sự sống chết: Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống TRONG TRÍ NHỚ CỦA NGƯỜI KHÁC, những người không bị lãng quên…Với tinh thần đó cũng có thể nói Lưu Quang Vũ đã trở thành Người trong cõi nhớ. Với hơn 20 năm cầm bút, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm văn học gồm nhiều thể loại. Anh là một hình mẫu nghệ sĩ tiêu biểu về tài năng và sức sáng tạo, là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *