Chuyện văn chương

26/10
7:39 AM 2016

NHỮNG THẾ HỆ NHÀ VĂN VIỆT NAM THỜI ĐỔI MỚI: TIẾP NỐI VÀ CHUYỂN ĐỘNG

ĐỖ HẢI NINH-Trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn và Thời xa vắng, hai cuốn tiểu thuyết được coi là tín hiệu đổi mới của văn học, đều xuất hiện những nhân vật bộ đội trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh.

Mùa lá rụng trong vườn, nhân vật Đông xa nhà biền biệt nhiều năm, khi trở về với quân hàm đại tá bên gia đình yên ấm và người vợ đảm đang, thu vén, anh hưởng thụ cuộc sống nhàn nhã một cách vô tư nhưng trước những phức tạp, rạn nứt trong cuộc sống thường ngày, con người đơn giản và vô tư của Đông không hiểu nổi và cũng không thể chống đỡ, anh dần trở nên thừa thãi, lạc lõng. Trong Thời xa vắng, Giang Minh Sài rời quân ngũ với thành tích sáng ngời, trở về anh bị choáng ngợp trước cuộc sống thị thành không thích hợp với anh, cuộc hôn nhân lần thứ hai do chính anh lựa chọn rơi vào bi kịch với những tan vỡ ê chề. Và cũng như nhân vật Đông, con người trở về từ chiến trường không được miêu tả như những anh hùng thắng trận mà thất bại khi đối diện với cuộc sống đời thường. Đông và Sài đều là những con người đơn giản, chất phác đến thô sơ, không nhiều ngẫm ngợi về bản thân mình và xung quanh. Nhưng đến ông tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, cái cô đơn, lạc lõng đã trở thành ý thức thường trực của nhân vật: “sao tôi cứ như lạc loài”. Với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thì sự tự ý thức trở thành dòng chảy chính trong tác phẩm. Kiên - nhân vật người lính trở về cũng cô đơn, lạc lõng giữa đời thường và nhận thức về hiện trạng một cách mãnh liệt với nỗi khắc khoải, ám ảnh và day dứt. Sự khác nhau trong câu chuyện của những con người bước ra từ chiến tranh cho thấy xu hướng vận động của mỗi thế hệ nhà văn qua cái nhìn nghệ thuật về con người và đời sống. Vậy trong điều kiện văn hóa xã hội và không khí thời đại nào, với nền tảng tư tưởng và ý thức hệ nào đã hình thành nên những thế hệ nhà văn như vậy? Bài viết đi sâu tìm hiểu những chuyển động và tiếp nối của các thế hệ tác giả văn xuôi trong 30 năm qua trên cơ sở khảo sát những tương ứng về ý thức nghệ thuật trong tác phẩm với các phương diện bối cảnh văn hóa xã hội, tiểu sử. Văn học Việt Nam có thực sự biến chuyển, vận động hay chỉ là sự nối dài văn học những thời kỳ trước?

Lịch sử văn học luôn là sự tiếp nối của những thế hệ, trong đó “vấn đề cảm hứng tập thể là vấn đề thế hệ văn học” (Các thế hệ văn học, Henry Peyre[1]). Nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet đã dựa trên bối cảnh xã hội phân chia lịch sử văn học theo các thế hệ nhà văn. Giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam cũng tiếp thu quan niệm thế hệ văn học của Thibaudet như Thanh Lãng trong công trình Phê bình văn học thế hệ 1932 hay sau này  trong những đánh giá về các giai đoạn văn học song hành cùng các giai đoạn lịch sử như thế hệ thơ chống Pháp, chống Mỹ[2]. Đối với văn học từ sau khi đất nước thống nhất cho đến nay, các nhà nghiên cứu cũng căn cứ trên những giai đoạn phát triển của lịch sử để phân chia giai đoạn văn học, theo Lã Nguyên, cuộc vận động đổi mới của văn học Việt Nam gồm 3 giai đoạn: 1975 - 1985; 1986 - 1991 và 1992 đến nay[3]. Theo Thụy Khuê, từ 1986 đến 2006 văn học chia thành ba giai đoạn với ba thế hệ quy tụ những ngòi bút đã tạo được một phong cách nghệ thuật của riêng mình[4]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát các thế hệ nhà văn - những người viết văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết thời Đổi mới - một thể loại phản chiếu rõ nét tâm thế con người đương đại và mang âm hưởng chung của thời đại[5]. Bởi, mỗi xã hội, thời đại đều có nghệ thuật riêng của mình và mỗi thế hệ được hình thành trong trường văn hóa của nó, cất lên tiếng nói của thời đại mình. Mỗi thế hệ cũng có cái nhìn riêng về đời sống với phổ hệ ngôn ngữ đặc thù, tạo dựng những lối viết, kiểu nhân vật, giọng kể riêng, và tạo ra được một từ trường quanh nó. Tuy làm nổi bật tính thế hệ nhưng chúng tôi vẫn hết sức nhấn mạnh những cá tính và khác biệt do nội lực của mỗi cá nhân người viết - mỗi người với hành trình độc đạo của chính mình trên con đường văn chương. Không quá coi trọng tiêu chí sinh học về tuổi tác[6] nhưng dựa trên bối cảnh văn hóa xã hội lịch sử và những hiệu ứng xã hội đối với “cảm hứng tập thể” (qua chính các tác phẩm của mỗi thế hệ nhà văn), chúng tôi tạm hình dung các thế hệ nhà văn như sau: từ 1975 đến 1985 là giai đoạn tiền Đổi mới cùng sự trỗi dậy của thế hệ nhà văn từng viết trong chiến tranh với ý thức phản tỉnh, từ 1986 đến 1991 là giai đoạn đầu Đổi mới cùng sự hiện diện của thế hệ nhà văn với ý thức tự vấn, từ sau 1991 đến nay là giai đoạn Hội nhập và thế hệ nhà văn với tinh thần phản vấn[7]: (trong đó hình thành ba nhóm: thiên về thể nghiệm cách tân như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, thiên về thể nghiệm bản sắc như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam,… và ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhóm tác giả trở lại sau một thời gian dài im lặng như Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên,...). Sự phân chia như vậy nhằm nhấn mạnh đến sự tiếp nối của các thế hệ qua cái nhìn nghệ thuật của mỗi thế hệ và lý giải sự tồn tại đó.

Văn học tiền Đổi mới 1975 - 1985 và thế hệ mang ý thức phản tỉnh

Sự khác nhau trong ý thức nghệ thuật làm nên bản sắc của của mỗi thế hệ. Những cây bút tiêu biểu cho thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu,… nhưng cũng là thế hệ hậu chiến “đời đầu” bởi những đóng góp và dấu ấn riêng trong văn học thời kỳ đầu Đổi mới. Họ là những tác giả đã từng xuất hiện và thành danh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng những tác phẩm hiện diện trong thời hậu chiến thực sự đánh dấu những chuyển biến của văn học đương thời, in đậm dấu ấn trong hành trình sáng tác của họ, tên tuổi của họ gắn với đổi mới tư tưởng nghệ thuật những năm 1980. Họ là những người đầu tiên cảm thấy cần phải thay đổi chính mình, nhập cuộc rất nhanh với cái đời thường, đương thời bằng cái nhìn bớt dần lãng mạn, lý tưởng hóa, thay thế cảm hứng ngợi ca bằng cảm hứng triết luận. Nguyễn Khải từng lạc quan, tin tưởng với Mùa lạc, Họ sống và chiến đấu, Chiến sĩ,… thì nay ngẫm ngợi, suy tư nhiều hơn trong Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người. Nguyễn Minh Châu từng mải miết, say mê đi tìm cái hạt ngọc ẩn giấu trong con người qua Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính thì nay lặng lẽ chiêm nghiệm trong Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau,… Những tác phẩm giai đoạn này mang tính luận đề rõ nét, tập trung làm nổi bật những vấn đề mâu thuẫn, phức tạp của đời sống thường nhật. Tuy nhiên có thể thấy những thay đổi chủ yếu trên phương diện nội dung, đề tài, còn trên phương diện thi pháp mới chỉ là những chuyến biến dần từ kiểu cốt truyện truyền thống theo thời gian tuyến tính giàu kịch tính sang cốt truyện tâm lý với xu hướng đào bới chiều sâu bản thể tâm hồn. Ngoài ra, một số cây bút như Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Tuấn xuất hiện từ những năm 80 nhanh chóng nhập cuộc và trở thành hiện tượng được chú ý bởi những tác phẩm khuấy sục lên những vấn đề của cơ chế kinh tế, đạo đức xã hội bằng tinh thần phân tích tỉnh táo và thái độ phê phán quyết liệt. Nhưng tựu trung lại, trong không gian xã hội hậu chiến và tiền Đổi mới đã hình thành thế hệ cất lên tiếng nói phản tỉnh nhằm tự xem xét, nhìn nhận lại quá khứ, lịch sử, và cả bản thân,… Đó là một quá trình vượt thoát của nhà văn bằng cách tự điều chỉnh, thay đổi tư duy. Những nhà văn đã trưởng thành trong trường văn trận bút vẫn tiếp tục đổi mới cái nhìn nghệ thuật, họ không chỉ nhìn một chiều mà có cả chiều xuôi và ngược lại (càng về sau cái nhìn nghệ thuật trong văn học thời kỳ Đổi mới càng trở nên đa chiều). Khi cảm hứng thế sự thay thế cho cảm hứng sử thi, giọng điệu chuyển từ bè cao xuống bè trầm, văn học giai đoạn này không chỉ cố gắng kiếm tìm sự thật trong con người mà luôn đối thoại, chất vấn về nó. Những thay đổi đó có căn nguyên từ chính đời sống xã hội hậu chiến bởi mười năm sau chiến tranh là quãng thời gian chiến tranh kết thúc nhưng vẫn còn dư chấn khi mà di họa của cuộc chiến tranh kéo dài vẫn còn đó, lịch sử tiếp tục chứng kiến mấy cuộc chiến tranh biên giới, những xáo trộn trong lòng người vẫn không ngừng diễn ra. Đời sống hậu chiến với vô vàn khó khăn, phức tạp khi cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập là mối quan tâm chung của toàn xã hội và mỗi người cầm bút. Thế hệ nhà văn sung sức nhất là những cây bút bước ra từ chiến tranh vẫn còn trong mô hình nhà văn chiến sĩ, nhà văn cán bộ với lý tưởng cách mạng, tinh thần thống nhất (cả về tư tưởng và phong cách) như Nguyễn Khải sinh năm 1930, tham gia làm báo trong kháng chiến, tạp chí Văn nghệ quân đội, Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, trợ lý văn hóa, trong quân đội, Lê Lựu sinh năm 1942, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559, Ma Văn Kháng là giáo viên giảng dạy tại Lào Cai, sau chiến tranh trở về Hà Nội làm ngành xuất bản,... Những ngổn ngang, bề bộn của thực tại, những bức bối, trì trệ của cuộc sống đời thường kéo gọi nhà văn trở về với ý thức cá nhân và tinh thần đối thoại. Với sự mẫn cảm của người cầm bút trước những biến chuyển thời cuộc, nhà văn hướng tới Đổi mới bằng sự chủ động, trực diện trong nhận thức lịch sử và cảm nhận tinh thần thời đại. Cùng với hàng loạt truyện ngắn, các tiểu luận của Nguyễn Minh Châu (Bên lề tiểu thuyết, Viết về chiến tranh, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa) là một thái độ phản tỉnh cần thiết để đổi mới. Nguyễn Khải ngậm ngùi nhìn lại “cái thời lãng mạn” đã qua bằng thái độ nghiêm túc và nghiêm khắc với bản thân, đồng thời cũng không ngại xông xáo khám phá “cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen” (Gặp gỡ cuối năm) và thừa nhậnTừ 1955 đến 1977 tôi sáng tác một cách. Từ 1978 đến nay sáng tác theo cách khác[8]. Nhìn cả hành trình sáng tác của họ trước và sau 1975 có thể thấy rõ sự thay đổi trong cảm hứng sáng tác, từ cảm hứng lãng mạn sử thi chuyển sang thế sự đời tư, từ ngợi ca sang triết luận. Mô hình phân lập xấu - tốt, địch - ta mờ dần nhường chỗ cho mô hình đa dạng, phong phú mà Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Lê Lựu với Thời xa vắng, Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn đã bước đầu khơi mở. Tinh thần nhận thức lại đã kiến tạo nên những nhân vật khác hẳn trước đây, kiểu như Quỳ, Đông, Sài, đưa câu chuyện theo hướng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại các khái niệm và các giá trị đạo đức. Bởi vậy, khi nói đến văn học thời kỳ Đổi mới không thể không nhắc đến những người “tiền trạm”, những người tiên phong mà chính ý thức phản tỉnh mạnh mẽ của thế hệ cầm bút này đã châm ngòi cho ngọn lửa văn học đổi mới bùng lên.

Giai đoạn đầu Đổi mới 1986 - 1991 và thế hệ mang ý thức tự vấn

Từ 1986 đến những năm đầu thập niên 1990 là cao trào của văn học Đổi mới đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của một thế hệ nhà văn hoàn toàn mới mẻ, với những đại diện tiêu biểu Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh,... Có thể coi đây là lứa quả đầu của Đổi mới bởi tiếng nói của thế hệ có vị trí đặc biệt trong chặng đầu với sự đột phá trong quan niệm và cái nhìn về đời sống, với từ trường ảnh hưởng rộng rãi. Họ là thế hệ nhà văn sinh vào quãng từ năm 1950 - 1960, sinh ra và lớn lên chủ yếu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trưởng thành cùng với sự nếm trải những năm tháng hòa bình và hậu chiến nhưng chiếc áo nhà văn - cán bộ, nhà văn - chiến sĩ không mặc vừa với họ. Họ là những tác giả đi để trở về, soi ngắm và tự vấn, chính bối cảnh hậu chiến và đổi mới đã quy tụ họ về một không gian chung, nơi tập trung rõ nhất những mâu thuẫn xã hội, và nghịch lý của cuộc sống. Năm 1980 Nguyễn Huy Thiệp từ Tây Bắc trở về Hà Nội sinh sống và mặc dù đã viết một số truyện ngắn từ trước đó nhưng đến 1986, Tướng về hưu xuất hiện mới trở thành một sự kiện của văn học Đổi mới. Năm 1983, Phạm Thị Hoài từ Đức trở về, xuất bản Thiên sứ (1988), Mê lộ (1989) như thổi một làn gió lạ vào văn chương Việt. Bảo Ninh tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên từ 1969, sau 1975 giải ngũ về Hà Nội học tập và sinh sống, xuất bản Trại bảy chú lùn (1987) nhưng phải đến Nỗi buồn chiến tranh xuất hiện dưới cái tên Thân phận của tình yêu  (1990) mới thực sự đem lại cho tiểu thuyết Việt một thành tựu xuất sắc. Đó là những tác phẩm mang cái nhìn khác trước về đời sống, cách viết vượt ra khỏi những nguyên tắc và cấu trúc truyền thống: rời bỏ nguyên tắc điển hình hóa, phá vỡ kết cấu truyện kể kịch tính và logic,.. Ngay trong quan niệm văn chương của họ cũng đầy gây hấn: Phạm Thị Hoài nhận thấy “viết văn như một phép ứng xử” với bản thân và môi trường xung quanh và văn chương là “một trò chơi vô tăm tích”. Nguyễn Huy Thiệp thì cho rằng “nhiệm vụ của các nhà văn không phải là nói ra chân lý mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lý hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Một trong những dấu hiệu có tính bước ngoặt của văn xuôi đương đại là “từ không gian nhà binh chuyển sang không gian đời thường”, thậm chí viết về chiến tranh, hoặc nhân vật có quá khứ chiến tranh nhưng hướng đến sự khai thác từ góc nhìn đời thường (Lã Nguyên) mặc dù chiến tranh trở đi trở lại trong ký ức khiến người viết tự hỏi “chuyện xưa, kết đi, được chưa” (Bảo Ninh). Đến đây, văn xuôi Việt đã bứt phá ngoạn mục với một thế hệ viết bằng tư duy văn học mới, với lối viết mới hoàn toàn cắt đứt khỏi tư duy phân lập rõ ràng tốt - xấu, địch - ta, chính diện - phản diện. Điều đó dẫn đến xu hướng giải thiêng và giễu nhại trở thành đặc điểm nổi bật của văn học giai đoạn này. Đồng thời văn học cũng không còn nặng về cảm hứng triết luận và tính luận đề như giai đoạn trước mà để ngôn ngữ tự trình hiện bằng những biểu tượng và ký hiệu. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh cho cảm giác như những mảng màu lập thể để người đọc có thể nhìn từ nhiều góc khác nhau. Trong những câu chuyện kể của Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có tiếng nói nhân vật cất lên, lời nói tự thân nó thể hiện một quan niệm về đời sống. Người đọc không dễ gì nhận ra tư tưởng của nhà văn qua những chi tiết, sự kiện, nhân vật và cũng dễ mất định hướng trước cái hiện thực trần trụi, “cực thực”(Thụy Khuê) được phơi lộ trong tác phẩm. Chính Nguyễn Huy Thiệp phát biểu: “Tôi chỉ viết những gì mà tôi đã sống và thật sự có xảy ra”, cái thật và những trải nghiệm qua lăng kính nhà văn được thể hiện một cách giản đơn, không màu mè, tô vẽ[9]. Nếu như ở thế hệ trước, vấn đề cốt truyện là sự chuyển giao sang mô hình cốt truyện tâm lý thì với các tác giả giai đoạn này, cốt truyện được nới lỏng hoàn toàn. Chính vì vậy cấu trúc bề mặt của Tướng về hưu chỉ là những ghi chép vụn vặt về cuộc sống gia đình kể từ khi ông tướng về hưu - một kiểu nhân vật lạc thời. Nỗi buồn chiến tranh là những chập chờn đứt nối trong dòng ký ức của nhân vật cựu binh Kiên cũng là một kiểu lạc lõng giữa dòng đời. Nhưng ở bề sâu của tác phẩm là ý thức tự vấn của người viết ráo riết, quyết liệt, đi đến tận cùng con đường đổi mới. Sự hiện diện của thế hệ đầu tiên sau Đổi mới gắn với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị, văn hóa mà thành tựu nổi bật nhất là sự xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp. Văn hóa văn nghệ là lĩnh vực được quan tâm, sau Đại hội Đảng VI, sau 4 tháng tổ chức chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ và khuyến khích văn nghệ cởi trói, nói thẳng, nói thật. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lí văn học nghệ thuật và văn hóa. Có thể khẳng định bầu không khí dân chủ cùng với quan điểm đổi mới tác động tích cực đến đời sống tinh thần con người. Trong đời sống văn nghệ diễn ra những cuộc “xé rào”, “vượt rào”, nhiều cuộc tranh luận cởi mở thẳng thắn. Nhà văn với sự mẫn cảm nghệ sĩ đã đón nhận luồng gió đổi mới với một tâm thế hào hứng để viết một cách tự do thoải mái. Nhờ vậy, thế hệ nhà văn đầu Đổi mới có từ trường ảnh hưởng rộng rãi, tinh thần đổi mới được nhân rộng hơn. Theo Hoàng Minh Tường, cơn sốt báo Văn nghệ, bắt đầu từ năm 1987 và lên đến cao trào năm 1988. Số lượng phát hành từ bưu điện, từ các đại lý, tăng từng tuần, từng tháng, con số phát hành báo đã lên tới hơn 70.000 bản/ kỳ (Làm báo Văn nghệ chặng đầu Đổi mới). Điều đó cho thấy không khí sôi nổi của văn nghệ khi đón nhận luồng gió Đổi mới. Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận tác phẩm của ông ra đời là một sự “cập thời vũ”, cũng như những tác giả cùng thời, ý thức tự vấn trong văn chương của họ đã gặp đúng thời điểm thuận lợi để trở thành tiếng nói của một thế hệ làm nên thành công của văn học Đổi mới.

Từ đầu thập niên 1990 đến nay với thế hệ hội nhập và tinh thần phản vấn

Đây là giai đoạn trỗi dậy của thế hệ của những tác giả đã bắt đầu sáng tác từ thập niên 80 như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái,… những người trải nghiệm giai đoạn đầu đổi mới, và thụ hưởng kết quả đổi mới trọn vẹn hơn: ngoài những nền văn hóa quen thuộc, quá trình giao lưu và hội nhập với quốc tế đã đem lại nền văn học dịch phong phú với những trào lưu tư tưởng lý luận hiện đại, họ cũng là thế hệ kế tiếp chứng kiến và tiếp nhận kinh nghiệm đổi mới từ các lớp trước. Trong văn học giai đoạn này, nhu cầu tự thân của sáng tạo văn chương đã tạo nên một thế hệ đa phong cách, giọng điệu nhưng hướng tới điểm chung là miêu tả con người trong những trạng thái bất thường, buồn nản, thất bại hoặc chìm đắm trong thế giới riêng, rất gần với kiểu nhân vật nghịch dị. Lý giải vì sao tác phẩm của thế hệ này thường có lối viết khó đọc, khó hiểu, Thụy Khuê cho rằng đó là do nhà văn phải tìm con đường an toàn hơn tránh kiểm duyệt và sự đòi hỏi của văn chương hiện hành[10]. Ở đây chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh hơn đến tính chất hội nhập của văn chương giai đoạn này khi đồng thời các trào lưu mới của văn học thế giới ùa vào văn học Việt (từ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa cấu trúc, hậu hiện đại và giải cấu trúc,…) và khi những trường hợp Đổi mới “đời đầu” tiếp tục tỏa bóng rợp, nhưng ở một bộ phận nào đó vẫn dấy lên những nghi ngại về phương diện chính trị[11] (với cả ba trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh) trong khi tác phẩm của họ đã vươn khá xa trên tầm quốc tế[12]. Quá trình Đổi mới đầy mâu thuẫn, thậm chí bị coi là “nửa vời”[13] bởi sau giai đoạn cao trào đã bắt đầu có những hệ lụy và những vùng cấm mọc lên, đây là giai đoạn một số tác phẩm đáng chú ý bị cấm phát hành (Cơ hội của Chúa, Chuyện kể năm 2000, Đi tìm nhân vật,…). Đó chính là những kinh nghiệm đổi mới mà các cây bút sau này có thể nhìn thấy được. Nếu như ở giai đoạn trước cốt truyện được nới lỏng và mờ hóa, thì giai đoạn này chứng kiến sự tan rã của cốt truyện. Văn chương dấn sâu thêm vào chủ đề cái ác và bạo lực như là cách đặt câu hỏi phỏng vấn và nỗi lo âu, hoài nghi về tồn tại của con người. Sự tự do của ngòi bút thể hiện trong cái nhìn đa chiều về đời sống, trong cách họ gửi gắm vào thế giới hư cấu đến độ huyễn tưởng. Giai đoạn này cũng chứng kiến thế hệ trở lại sau khoảng thời gian dài im lặng: Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên. Với những trải nghiệm đặc biệt, riêng khác của bản thân giúp họ có thể lật giở lịch sử từ những góc khuất.

Một thế hệ kế tiếp đã hình thành trong giai đoạn hội nhập với Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp,… Đây là thế hệ nhiều giằng níu, họ khác với các cây bút sau này, mạnh mẽ quyết liệt và dứt khoát hơn, họ đến từ một miền đất vùng quê nào đó vừa hòa vào vừa lạc giữa thị thành, vừa lưu luyến vừa rời bỏ trang giấy sang bàn phím, tuổi trưởng thành của họ vấp luôn vào thời kinh tế thị trường, vừa hướng tới hội nhập, vừa muốn níu giữ quá vãng,… Những tác phẩm của họ xoay quanh trạng thái day dứt, tự vấn, hoài nhớ, buồn đau,… của con người cá nhân. Họ rời bỏ thế giới  huyễn tưởng, phi thực của thế hệ trước để trở về với cái tôi cá nhân, đào sâu vào cái mong manh, mơ hồ của thế giới tâm hồn, theo dấu những cuộc kiếm tìm, những mất mát nhằm tái dựng lại cái căn cước bản thân. Điều này có thể được lý giải từ một bối cảnh văn hóa rộng hơn khi quá trình hội nhập diễn ra ngày một sâu rộng. Sự lan rộng của internet và truyền thông, văn học mạng, văn học thị trường càng khiến văn học đi sâu hơn nữa vào con người cá nhân, con người đời thường. Khi tham gia vào những diễn đàn có tính toàn cầu, tiếp nhận và giao lưu với những nền văn hóa khác, mỗi người viết lại càng có ý thức sâu sắc hơn về căn cước cũng như việc tạo nên bản sắc trong nghệ thuật. Ở một góc nhìn khác về thế hệ mà Thụy Khuê gọi là “thứ ba” này, tác giả nhấn mạnh đến khía cạnh thể hiện bản năng tính dục, sex, hoặc ngôn ngữ tục với các đại diện như Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi,… Thực ra sex và ngôn ngữ tục như một cách thể hiện tinh thần tự do của người viết phản ứng lại những thiết chế đã xuất hiện ngay từ thế hệ đầu Đổi mới trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chu Lai, tiếp nối Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà và đến thế hệ Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Phong Điệp,… không được hiển lộ trên mặt chữ nữa mà giấu bên trong các suy tư về văn hóa xã hội như một lối tìm về và khẳng định bản sắc. Ngay cả ở thế hệ đang hình thành sau này, với những cây bút thuộc về văn chương mạng và đại chúng như Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Kin, Keng, Hà Thủy Nguyên, Anh Khang,…vẫn có thể nhận thấy xu hướng chung là sự thể hiện bản sắc bằng cách trở về với kỹ thuật phân tích tâm lý, ghép nối từng mảnh vụn riêng tư trong một lớp vỏ ngôn ngữ của thế hệ được định danh là “cư dân mạng” và “công dân toàn cầu” .

Sau ba mươi năm tiến hành công cuộc Đổi mới, dẫu chưa có đường biên phân định thực sự rõ nét nhưng từng thế hệ cầm bút đã tạo nên được dấu ấn riêng, có vùng phủ sóng rộng rãi. Trở lên là lý giải sự hình thành những thế hệ trên cơ sở tìm hiểu cái nhìn nghệ thuật và cảm thức chung của mỗi nhóm tác giả trong mỗi giai đoạn lịch sử xã hội, nói như Nguyễn Huy Thiệp “nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình”. Văn chương luôn biết tự thích ứng trước những tình thế lịch sử nhưng trước hết là vai trò chủ thể của nhà văn với ý thức sáng tạo và trách nhiệm của người cầm bút đã không ngừng tự đổi mới. Trong từng chặng đường, hành trình của văn học đã có những chuyển động qua sự tiếp nối các thế hệ nhà văn tạo nên dòng chảy chung để văn học Việt có thể vươn tới biển lớn hội nhập.

"Nguồn: In trong cuốn Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 18/4/2016), NXB Hội nhà văn, 2016)”


[1] Dẫn theo Robert Escarpit: Xã hội học văn học (Nguyễn Phương Ngọc dịch), Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn/tag/xa-hoi-hoc-van-hoc/

[2] Nguyễn Thụy Kha trong bài Thế hệ thơ chống Mỹ - Thế hệ chín muộn cho rằng Thơ chống Pháp được khởi lên từ thời đại của sự ý thức cách mạng. Còn thơ chống Mỹ được khởi lên từ thời đại của sự ý thức khi mà sự sống chết phải được nhìn nhận từ từng số phận, và thế hệ thơ chống Mỹ có thể chia rõ ràng thành bốn phần: Phần đầu từ Hiệp định Genève đến 30-4-1975. Phần hai từ 30-4-1975 đến 1986. Phần ba từ thời đổi mới mở cửa đến hết thế kỷ 20. Phần bốn từ đầu thế kỷ 21 đến nay và tiếp tục về sau nữa. Ngô Thảo trong bài Nhà văn Việt Nam qua 30 năm Đổi mới cũng định vị ba thế hệ: Thế hệ tiền chiến, thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ.

[3] Lã Nguyên: Nhìn lại những bước đi, lắng nghe những tiếng nói, Nguồn: nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamhiendai/.../Default.aspx

[4] Thụy Khuê: Tình thế những người viết trẻ hôm nay, Nguồn: thuykhue.free.fr/tk06/tinhthe.html

[5] Chúng tôi quan niệm thời kỳ Đổi mới là một quá trình gắn với những đổi mới về tư tưởng, kinh tế, xã hội chính trị của đất nước, với mốc 1986 và cho đến nay vẫn đang tiếp tục nhưng cần nhìn thấy quá trình vận động đổi mới văn chương đã manh nha từ đầu những năm 1980.

[6] Thực ra cách phân chia các thế hệ dựa trên từng thập niên khá  phổ biến hiện nay, ví dụ thế hệ 7x, 8x, 9x, ở đây chúng tôi chủ yếu căn cứ trên thời điểm hiện diện của tác giả và ảnh hưởng  đến đời sống văn chương của “một lứa người trở nên quan trọng vào một thời điểm nào đó”.

[7] Chúng tôi tạm chỉ ra và gọi tên đặc điểm của thế hệ này là mang tinh thần phản vấn (self - reflexivity) với hàm ý có sự thừa hưởng, tiếp nối cả ý thức phản tỉnh (reflecxivity) và ý thức tự vấn (self – consciousness) từ các thế hệ trước.

[8] Trả lời phỏng vấn Văn nghệ, số 18/2/1999.

[9] Nguyễn HuyThiệp trả lời phỏng vấn Katharina Borchardt: “Vui mừng chiến thắng và vết hằn của chiến tranh Việt Nam”. Nguồn: https://sites.google.com/site/forumvietnam21/tiengviet/vxd/vxd20150619-nht

[10] Thụy Khuê: Tình thế những người viết trẻ hôm nay, Tldd

[11] Cho đến tận năm 2015, vẫn còn có những bài báo chỉ trích phê bình Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

[12] Sáng tác của cả ba tác giả đều được dịch và in ra nhiều thứ tiếng và được giới chuyên môn trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.

[13] Lại Nguyên Ân: “Văn học Đổi mới hay là sự thức tỉnh nửa với của một lớp nhà văn”. Tham luận Hội thảo Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: thực trạng và triển vọng, Viện Văn học, tháng 5/2015.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *