Chuyện văn chương

8/12
9:08 AM 2018

NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC: “NÊN CẤP THÊM ĐẤT CHO VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG ĐỂ MỞ RỘNG KHU BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT”

NGUYỄN VIỆT CHIẾN-Trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc có nhận định khá thẳng thắn: “Thành phố Hà Nội nên cấp thêm đất cho Việt Phủ Thành Chương để mở rộng khu bảo tồn các giá trị văn hóa Việt này”. Trước đây 5-6 năm, trong một lần lên thăm Việt Phủ Thành Chương, một lãnh đạo cao cấp của Trung ương cũng gợi ý “Nên mở rộng khu bảo tồn các giá trị văn hóa này”.

  Ngày 6/12/2018, trao đổi với tôi và nhà báo Nguyễn Quốc Phong (nguyên Phó TBT báo Thanh Niên) về vấn đề liên quan đến Việt Phủ Thành Chương mà dư luận hiện nay đang có nhiều ý kiến, một khu bảo tồn các giá trị văn hóa Việt ở Sóc Sơn, Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc có nhận định khá thẳng thắn: “Thành phố Hà Nội nên cấp thêm đất cho Việt Phủ Thành Chương để mở rộng khu bảo tồn các giá trị văn hóa Việt này”. Trước đây 5-6 năm, trong một lần lên thăm Việt Phủ Thành Chương, một lãnh đạo cao cấp của Trung ương cũng gợi ý “Nên mở rộng khu bảo tồn các giá trị văn hóa này”.

Điều đáng nói, trong khi một số bài báo cho rằng: “Việt Phủ Thành Chương được xây dựng trên đất rừng” thì ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí cho biết cụ thể là: “Công trình Việt Phủ Thành Chương được xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn và không nên phá dỡ công trình Việt Phủ Thành Chương, vì đây đã trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch thu hút rất nhiều du khách, nếu phá thì rất lãng phí”. Được biết, cách đây nhiều năm, vì xây dựng trên đất đồi trọc nông nghiệp (có sổ đỏ) nên công trình này đã từng được phạt cho tồn tại và hàng năm đóng thuế đất. Với công trình Việt Phủ Thành Chương đã tồn tại trên đất nông nghiệp gần 20 năm, TP Hà Nội nên xem xét nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì Thành phố đã có chủ trương từ năm 2013 nhưng chưa hướng dẫn gia đình họa sĩ Thành Chương thực hiện.

 

Nhận xét về Việt Phủ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Nhiều  đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Thành phố đã từng đến đó tham quan và phải thừa nhận nó như là một di sản văn hóa mới. Phủ Thành Chương đã từng đón tiếp Vua và Hoàng hậu và các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Rồi một số Bảo tàng, các Tổ chức văn hóa lớn trên thế giới đã có hồ sơ về Phủ Thành Chương. Khi Nhà nước chưa làm được bao nhiêu thì ở Thành Chương đã xây dựng được một khu văn hóa với rất nhiều những giá trị truyền thống, dân gian, những di sản như cổ vật… Và hiện nay nó thực sự đã trở thành một địa chỉ văn hóa. Tôi nghĩ dù cho là một cá nhân như Thành Chương thì trong một chính sách văn hóa đúng, đáng lẽ Nhà nước phải cùng với Thành Chương, trợ giúp Thành Chương để bảo vệ, phát triển, quảng bá nó nữa chứ không phải muốn hủy hoại, phá nó đi”.

 

BÀI VIẾT CỦA HÃNG CNN VỀ VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG KHI HỌ ĐẾN QUAY BỘ PHIM TƯ LIỆU VỀ ĐỊA CHỈ VĂN HÓA NÀY

VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG - NƠI HỘI TỤ DI SẢN VĂN HOÁ CỦA HÀ NỘI

Bài của Dan Tham và Kate Springer - CNN 6/2018

Với những ao sen bình an và cây si, cây đa xanh tươi bao quanh, Việt Phủ Thành Chương là một trong những điểm đến văn hóa phong phú nhất ở Việt Nam.
Nằm trên núi Sóc, ngoại ô Hà Nội, Việt Phủ kể câu chuyện lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và các di vật dân gian.

Nằm trong một dự án bảo tồn, nhiều di vật ở nơi này được sưu tầm từ các địa phương trong nước, hoặc bắt nguồn từ nhiều nhóm dân tộc thiểu số của một đất nước được biết bao gồm 54 dân tộc, trong đó có những ngôi nhà từ gỗ đến chiếc cầu đá 500 năm tuổi.
"Bạn sẽ thấy ở đây có tất cả, từ không gian đến sinh thái, từ kiến trúc đến nghệ thuật" – họa sỹ Thành Chương, chủ nhân Việt Phủ, nói với CNN Travel.
"Dù chúng tôi là một nước nông nghiệp nhỏ và nghèo, gắn với canh tác lúa nước, song chúng tôi luôn hướng đến cái chân thật, lòng tốt và vẻ đẹp".

MỘT DỰ ÁN TÂM HUYẾT
Trước khi trở thành một bảo tàng đông khách như hiện giờ, khu phức hợp ngoài trời rộng chừng hơn 1ha khởi đầu là một dự án cá nhân tâm huyết.
"Cha tôi thật sự rất tâm huyết về di sản dân gian Việt Nam. Cha tôi hiểu biết mọi thứ về phong tục tập quán Việt, các lễ hội và các hoạt động văn hóa khác. - họa sỹ Thành Chương nói. "Vì thế từ nhỏ, tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông ".
Lúc đầu nơi đây vốn được dự định trở thành một không gian cá nhân - một nơi mà hoạ sĩ Thành Chương và gia đình ông có thể sống , thưởng thức và trân trọng nghệ thuật Việt Nam.
Song sự bức xúc với chính sách bảo tồn đã khiến ông quyết định chia sẻ những trải nghiệm này với mọi người.
"Chúng tôi là một dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến từ hàng nghìn năm trước. Nghĩa là, có những thời điểm trong lịch sử, di sản truyền thống của chúng tôi đã bị phá hủy hoàn toàn " - Thành Chương nói.
"Tuy nhiên, những năm tháng chiến tranh, thảm họa thiên tai cũng như ứng xử do nghèo đói không phải là thảm họa cho văn hóa truyền thống Việt Nam như những sáng kiến bảo tồn mà các cơ quan và chính quyền tiến hành gần đây ".
"Tại sao ? Bởi vì họ tiến hành các công việc đó theo cách sai lầm. Họ hoàn toàn phá bỏ những di tích hàng trăm năm rồi xây lên cái mới. Tôi không hiểu được điều đó".

KHÁM PHÁ MỘT VÒNG VIỆT PHỦ
Khi mở cửa cho công chúng năm 2009, không gian thanh bình của Việt Phủ với những cây si và đa, cầu đá xinh đẹp, vọng lâu và miếu thờ, đã nhanh chóng trở thành điểm đến quen thuộc với người dân và du khách ở Hà Nội.
Tha thẩn bước qua khu vườn và các công trình, mỗi khu vực đều có cảm giác là một sự bày tỏ tình cảm thành kính đến các truyền thống văn hoá, vùng dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, có nhiều kiểu nhà cột gỗ, trong đó có một nhà sàn tiêu biểu cho ngôi nhà truyền thống của người Mường - một dân tộc thiểu số vùng tây nam Hà Nội.
"Tổ tiên chúng tôi là nông dân, cả đời họ sống bình yên sau lũy tre làng. Văn hóa của họ là văn hóa làm nông " - Thành Chương nói.
"Bản chất văn hóa Việt của chúng tôi là Dân gian. Là sự giản dị, mộc mạc, thân thiện và hồn nhiên. Và với tôi, điều đó luôn là tình cảm mạnh mẽ nhất - là gốc rễ sâu sắc nhất của mỗi người Việt ".

NGHỆ THUẬT LÊN TIẾNG
Bên trong mỗi phòng trưng bày, du khách sẽ tìm thấy những bộ sưu tập tranh, gốm, tượng, đồ cổ và cả những tác phẩm của chính hoạ sĩ Thành Chương. Có một bức tranh đặc biệt hút mắt. Bức tranh lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian Việt Nam, cha Rồng mẹ Tiên đã sinh ra người Việt.
"Bức tranh này thể hiện hình ảnh người mẹ trải qua hàng nghìn năm chiến tranh, gian khổ và tai họa thiên nhiên, dù thế họ vẫn muốn con cháu mình biết về huyền thoại đáng tự hào Con Rồng Cháu Tiên"- Thành Chương giải thích về bức tranh.
"Đó là gốc rễ, là nền tảng của dân tộc chúng tôi. Bức tranh này tượng trưng cho tinh thần và tâm huyết của tôi trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ tương lai".

Trong nhiều năm, khu Việt Phủ cũng trở thành một nơi quen thuộc dành cho các buổi biểu diễn rối nước và âm nhạc dân tộc.
"Rối nước là một trong những hình thức nghệ thuật cổ xưa nhất của người Việt, mô tả những khía cạnh phổ biến của văn hoá Việt. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải dành một không gian cho nghệ thuật rối nước" - Thành Chương giải thích.
“Sân khấu múa rối nước này được thiết kế dựa trên ( nguyên mẫu) Chùa Thầy, quê hương của người sáng tạo nên rối nước Việt Nam - thiền sư tôn kính Từ Đạo Hạnh ".
Nhiều chương trình biểu diễn dân gian đặc trưng gồm hát, múa, nhạc kể về quá khứ của đất nước Việt Nam.
"Cuộc sống đã trở nên phức tạp hơn nhiều trong thế giới hiện đại, vì thế ngày nay nhiều người muốn đi ngược thời gian, và làm mọi thứ theo cách đơn giản, tự nhiên " - hoạ sĩ Thành Chương nói. "Tôi xây nên Việt Phủ này để bảo tồn lối sống xưa cũ đó cũng như tinh thần cao đẹp của văn hóa Việt".

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *