Chuyện văn chương

8/4
5:11 PM 2020

DU TỬ LÊ CON DẾ BUỒN ĐÂU CHỈ HÁT ĐÊM MƯA!

Nguyễn Văn Thọ-Tôi chưa từng gặp Du Tử Lê ở ngoài đời. Những năm đầu thập kỉ 90 thế kỉ trước ở Đức, đọc thơ anh trong thế giới liên lạc ít ỏi sách báo từ Mỹ qua châu Âu. Du Tử Lê hớp hồn nhiều người với lối viết gốc rễ vẫn là thơ có vần điệu, nhưng bắt đầu là với cách ví von không xưa cũ, những hình ảnh ám ảnh và cách gieo câu phá luật, trật tự câu thơ hoàn toàn biến động.

 

 Và ở cách tân thơ, sử dụng từng cặp từ hai hay ba từ mang một ý nghĩa mới nội hàm mới của Lê Đạt thì cách sử dụng từ, các dấu chấm, phẩy, gạch bất tuân trật tự cũ cũng là hình thức biếu tấu mới ở thi pháp thơ hiện đại khi sự thay đổi ấy mang theo nội hàm mới sức gợi mới của thơ cách tân.

Thơ Du Tử Lê có ba thời kì, thời kì trong nước nổi tiếng với bài thơ Khúc Thụy Du được nhạc chắp cánh, thời kì thứ Hai sau di tản và thời kì thứ Ba gần đây trong 10 năm trước khi ông trở thành bất tử.

Bàn về Văn học miền Năm, cụ Võ Phiến chọn 31 thi nhân mà loại bỏ không một từ bàn về Du Tử Lê. mặc dù ngay từ năm 1973 tại Sài Gòn, DTL đã được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Như thế, theo cách nhìn khắc nghiệt của Võ Phiến thì thơ giai đoạn Một của Du tử Lê không có gì đáng chú ý.

Và, quả thực Du Tử Lê chinh phục được rất nhiều độc giả, nhất là phái nữ, kể cả hai miền Bắc Nam, trong và ngoài nước, nhất là từ khi ông sang Mỹ với sự thay xác và hồn đúng như với vài nhận xét trên của tôi chăng?

Bài thơ nổi tiếng nhất của ông ở giai đoạn Hai là "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển". Phải nói, đây không phải bài thơ khá nhất của ông ở giai đoạn này, nhưng bài thơ lại tiêu biểu cho một tâm trạng đau đớn của những người ra đi, phải li hương bắt buộc. Bấy giờ tâm lí buồn tủi, thương đau, luyến tiếc dĩ vãng vàng son và tuyệt vọng tràn ngập trong anh em di tản từ miền Nam ở đời sống và văn học. Trí thức Pháp không có tâm trạng này, anh em thuyền nhân và tường nhân cũng như Thợ khách ở châu Âu không có tâm trạng nặng nề này. Có chăng ít nhiều sự hồi nhớ quá khứ dai dẳng đến như Lê Minh Hà ở Đức cũng là cực hiếm hoi, cá biệt hồi khứ dĩ vãng xa lánh thực tế cộng đồng, sự dai dẳng trong văn học cần tuyệt chủng.

Nhưng trí thức vốn là tầng lớp tự thức tỉnh nhanh nhất. Cái giai đoạn nặng nề ấy trào lên tới đỉnh, như câu kết bài thơ trên: "Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết/ đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn", để sinh sôi nhận thức mới, bước sang một tâm thế khác, một tâm thức cho hiện tại và tương lai của cá nhân và đất nước, của cộng đồng nơi người cùng máu đỏ da vàng cần sẻ chia kiếp sống. Và, có thể chính vì thế người ta rũ bỏ được nhiều oán cừu, hận thù mà đạt tới một cõi như niết bàn trong tâm hồn, đổi mới trong thơ ca như Du Tử lê chăng.

Tập thơ mới nhất của ông tặng tôi trước khi mất: "em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình" xuất bản tại California năm 2019, hầu như chứa tất cả cái nhìn xuyên suốt đời sống lịch sử của cá nhân ông và thế hệ ông trong hơn 70 năm qua. Nó không còn sự luyến tiếc vinh quang "một sắc cờ không được chào nữa". đó là một thế hệ chúng tôi không tuổi xanh (Thơ của những người không tuổi trẻ). Một thế hệ buồn:

mang phù sa tro than

rải khắp cùng kí ức, tôi

xám.

Một thế hệ nguyền rủa:

tuổi thơ chưa kịp ngọt đã chua, lè.

Thế hệ "không được chọn lựa", thế hệ "có không gian chưa chỉ dấu đi về", vào đời "không lựa, chọn"..."Suối không mạch, thác không nguồn: chảy ngược." ( thơ DTL-NVT dẫn trong ngoặc) Và oan nghiệt thay cho thế hệ ông dù: "Ửng mặt trời đáy ngực", vẫn lớn lên trong đáy nỗi đau: "sông ngàn năm đứt khúc," cho cái nỗi buồn tê tái nhất: "thiếu quê hương, phế bỏ võ công mình."

Những bài thơ như "Kịp rơi cùng tiếng nấc, lẻ loi từng hạt bụi," và, "ai, hay và tôi, hoặc giọt lệ ngoại hôn" Ngoại hôn với người Mỹ chăng? v.v.. đều ở cùng một tâm trạng, soi xét lại qua khứ cô đơn, nhầm lẫn, oan nghiệt.

Trong tập, có nhiều bài thơ phát huy cái hay nhất của nghệ thuật sử dụng ngôn từ dấu ấn Du Tử Lê, buồn tới thảm thiết mà tạo thành sự lạ, xử thế với chấm phảy, viết hoa, chẳng như ai. Cái hơi thơ sự báo ngày ra đi: "đêm, treo ngược tôi dấu chấm than." Như muốn nói một lần, lần cuối. Bài thơ đầy những câu ai oán cảm thán cho một loài "dế" từng tự tử giữa đêm mưa, tự ý thức chính mình, xứ mệnh mình:

Trời đem mây xuống neo chân sóng

gió hú đường bay ngang ngọn cây

từ/ sinh vốn dĩ như hình/bóng

linh hồn nào còn quẩn quanh đây

nến tôi cháy đỏ mùa li biệt

người ghé qua rồi cũng bỏ đi

những con dế sớm khan khô tiếng

cũng tự chôn mình thoe tiếng ve

sương nhìn tôi xa dần sớm mai.

Trong tập thành thơ cuối cùng này DTL có những bài thơ dài như một bản trường ca, có câu chuyện nhân vật cụ thể, những nhà thơ thế hệ ông. Những Đặng Tiến, Nguyên Sa, Mai Thảo hay một loạt các văn tài miền Nam đều điểm danh ở đây. Cũng là cái nhìn lại, như sự tổng luận cuối đời. Chứ hình thức không có gì mới lạ như điều ông đã có, dù thể tài này thơ của ông tách bỏ vẫn điệu cũ, gần gũi với thơ văn xuôi hơn, mà vốn văn xuôi ông cũng nặng chất thơ hơn là hơi khí không cần giầu chất thơ thực sự của văn xuôi cần đạt tới.

Du Tử Lê rực rỡ và sáng láng có bạn đọc nhất ở thơ tình. Ông là thi sĩ của tình yêu, một tình yêu vừa nhục cảm vừa trong suốt tinh khôi, lãn mạn lí tưởng. Ở tập cuối đời này, bài thơ ngắn cũng là tựa đề tập vẫn là thứ tình bất li thân của thơ ông, tha thiết, trong vắt mà thật là thương:

nghìn năm nữa tôi vẫn là đứa trẻ

cần bàn tay của mẹ thưở lên năm

như mưa/nắng rất cần cho cây trái

em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình

Những câu thơ như:

em chớ bỏ tôi đi ngày nước lớn

chim trời còn sao xuyến nụ hôn sâu

Hoặc như: mưa dắt tôi trở lại tìm chiếc bóng

thấy hiên xưa đang vẽ dáng em ngồi

tóc một thưở nuôi thơm thời thiếu nữ

bên kia đường nấm mộ ngoái trông tôi.

Hay là

Tôi từng nhốt, giam em trong những khuy áo mặc vào/ cởi ra

ngày/đêm đổi thya thời tiết bốn mùa bất trắc

( không loại trờ những lần cởi ra đạp xuống sàn)

và, mồ hôi là tiền lời

....những ngón tay sõng sượt

không đủ sức chùi sạch nước mắt

hân hoan bất hạnh ngày trở lại

Tất cả đều là cái thi tình Du Tử lê, tạo nên chân dung không trộn vào thi sĩ nào trong cách sử dụng dấu, viết hoa giầu tính cá thể, thêm giầu gợi mở, liên hệ, lơ ngơ, trong sáng tình yêu mà vẫn có mùi nhục cảm ( nhục cảm trong tình đều chiếm tới một nửa của đam mê tình ái.)

***

Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) tức là nếu xét về nguồn gốc chỗ đứng ông và tôi thuộc kẻ thù cũ của nhau. Song năm 1999, dầu thừa biết tôi xưa là lính mặt trận, qua đạo diễn Đinh Anh Dũng ông đọc cẩn thận tập thơ Mảnh Vỡ của tôi và chọn ra những bài hay nhất trong sự chia sẻ tha phương yệu nước non cội nguồn mà giới thiệu trên đài Voa về tập thơ của một anh cựu binh Bắc Việt này.

Khi nghe đài được một quân nhân cũ đối thủ cũ giới thiệu thơ mình, tôi không ngạc nhiên lắm, mà chỉ buồn cho một số người không ân oán nặng nợ với dĩ vãng, có người ăn lộc của nhà nước ta vài đời, nhưng ra đến hải ngoại lại chối bỏ tất cả quá khứ, kể cả sự khai sinh lập nước VNDCCH của kháng chiến chóng Pháp, coi những người như chúng tôi là thù địch và mặc định chối bỏ sự sáng tạo văn học của chúng tôi.

Những sĩ quan VNCH cũ vốn là đội ngũ trí thức, như Khánh Trường, như Du Tử Lê, như Cao Xuân Huy v.v... họ không như thế. Có lẽ như chúng tôi khi cầm ngòi bút, đề cao con người, nhìn xuyên thấu lịch sử, trong nỗi đau của dân tộc và đất nước họ và chúng tôi đều trở nên bác ái giàu nhân văn hơn. Và có lẽ không ngẫu nhiên, thơ Du Tử Lê trong số không nhiều các nhà thơ VN hải ngoại được giảng dạy nhiều trong các trường đại học tại Mỹ như vậy. Từ cuối thế kỷ trước văn học trong nước cũng đón nhận thơ anh như người anh em lạc xứ xa quê, trở về với con người, với tình yêu xứ sở...

Cả đời tôi được nói chuyện thư từ với nhà thơ tuổi đàn anh Du Tử Lê vài lần. Gần đây nhất cách đây vài tháng, nói chuyện khi anh còn ở thành phố HCM. Anh và chị có hẹn ra chơi Hà Nội, mong gặp gỡ. Rồi anh gửi tập thơ cuối. Sức yếu, anh đề nhầm cả năm viết tặng.

Tôi chờ anh thụ này gặp như lời hẹn. Có đâu ngờ mùa thu, mùa đẹp nhất của Hà Nội nơi hai tôi hẹn hò, lại là mùa đưa tiễn anh đi. Không bao giờ được đón anh nữa. Con người thi ca tình thư lớn nhất\ nhì lớp đàn anh chúng tôi đã ra đi ở xứ người. Nhưng khi viết những dòng chữ thương tiếc vô bờ, kính trọng muôn phần này, tôi tin là anh Thi Sĩ Du Tử Lê, anh sẽ trở về. Như bao vần thơ của anh vẫn bay lượn trải những mùa tình như một mùa thứ Năm trên quê hương VN.

Tâm hồn anh như tâm hồn bao người con xứ Việt vẫn hát mãi như những con dế đàn ca đâu chỉ trong mưa. Tin thế. Anh Du Tử Lê của em ơi.

Vĩnh biệt.
11-10-2019
Làng Ngọc Hà.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *