Chân dung văn

2/4
9:16 PM 2017

VĂN HỌC VIỆT NAM VÀ CON ĐƯỜNG VƯƠN RA THẾ GIỚI

Nguyễn Quang Thiều-Khi Việt Nam trở thành một đất nước độc lập thì nền văn học Việt Nam cũng được một số nước trên thế giới biết đến. Cũng từ thời điểm đó, văn học Việt Nam đã xuất hiện trên thế giới và các nhà văn thế giới đã tìm đến Việt Nam.

                                                          Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 

Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, ngoài hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thì nhiều nước khác đã dịch và giới thiệu một số tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu viết về cuộc đấu tranh đó như Pháp, Thụy Điển, Colombia, Na-uy… Năm 2007, trong chuyến đi dự Liên hoan thơ quốc tế tại thành phố Medellín, Colombia, một bạn đọc đã đến nghe tôi đọc thơ và đã khoe một tập thơ Việt Nam xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha từ những năm 60 của thế kỷ trước mà ông còn giữ được. Đó là một tập thơ mỏng của nhà thơ Giang Nam. Các tác phẩm văn học Việt Nam hồi đó góp một phần vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam và đặc biệt là tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất đầu tranh cho độc lập, tự do và hòa bình của con người Việt Nam. Những năm tháng đó, hệ thống thông tin không như hiện nay, vì thế những tác phẩm văn học là một loại thông tin đặc biệt. Văn học nói chung và đặc biệt là thơ ca với đặc trưng của nó đã làm cho thế giới hiểu rõ và sâu sắc tâm hồn cũng như ý chí của người Việt Nam. Trong những năm chiến tranh, thường xuyên vẫn có các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tham dự các sự kiện văn học và thơ ca trên thế giới. Họ đã được đón chào đặc biệt. Và họ thực sự là sứ giả của đất nước và văn hóa Việt Nam, sứ giả của một dân tộc yêu hòa bình và đấu tranh đến cùng cho nền hòa bình ấy. Từ ngày đó, các tác phẩm văn học Việt Nam đã thay đổi cách nhìn một cách mạnh mẽ đối với thế giới về một đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời.

 

Sau năm 1975, một bước ngoặt lớn trong công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam là quan hệ với các nhà văn cựu binh Mỹ. Sau chiến tranh, rất nhiều các cựu binh Mỹ bắt đầu trở lại Việt Nam trong đó có các nhà văn cựu binh. Họ trở lại Việt Nam để được biết một Việt Nam thực sự mà trong cuộc chiến tranh họ đã bị bộ máy tuyền truyền của chính phủ Mỹ bóp méo và để lý giải cho thất bại của họ ở Việt Nam. Có thể nói Trung tâm William Joiner, đại học Massachusetts, Mỹ đứng đầu là nhà thơ Kevin Bowen, là nơi đầu tiên đưa các nhà văn Mỹ đến Hội Nhà văn Việt Nam. Trung tâm William Joiner đã qui tụ được nhiều nhà văn danh tiếng của nước Mỹ như Tim Obrien, Bruce Weigl, Phillip Caputo, Lary Heineman, Jusef Komnuniakaa, Sam Hamil, Fred Marchant... và các nhà văn danh tiếng này đã trở thành những người bạn thân thiết của các nhà văn Việt Nam. Với vị trí trong nền văn học và xã hội Mỹ, họ đã trở thành những dịch giả và những người truyền bá văn học Việt Nam tới bạn đọc Mỹ một cách hiệu quả nhất và tác động có hiệu lực vào chính phủ Mỹ trong việc tháo bỏ cấm vận và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Và từ sau 1975, qua Trung tâm William Joiner, Mỹ đã trở thành đất nước dịch văn học Việt Nam nhiều nhất trên thế giới cũng như số lượng các nhà văn Việt Nam đến Mỹ để giao lưu và đọc tác phẩm của mình cho bạn đọc Mỹ là nhiều nhất so với các nước khác. Năm 1991, tại Hà Nội diễn ra cuộc gặp chính thức đầu tiên mặt vô cùng đặc biệt và quan trọng giữa các nhà văn cựu binh Mỹ danh tiếng do Trung tâm William Joiner tổ chức và các nhà văn tên tuổi Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng từ đó đến nay, hàng trăm nhà văn tên tuổi Việt Nam đã đến Mỹ giao lưu với các nhà văn, trí thức và bạn đọc Mỹ và xuất bản tác phẩm của mình dưới nhiều hình thức.

Hội Nhà văn Việt Nam là người khởi xướng và là người thành lập Giải thưởng Văn học Mê Kông. Giải thưởng văn học Mê Kông là một tổ chức văn học đa quốc gia trong khu vực có sông Mê Kông chảy qua.  Ba thành viên đầu tiên của tổ chức này là Hội Nhà văn của ba nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia và cho đến bây giờ đã có sáu thành viên chính thức là Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Mianma và Trung Quốc. Ngày 11 tháng 9 năm 2007, Giải thưởng Văn học Mê Kong lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đến dự và tại buổi lễ, Phó Thủ tướng đã trao Giải thưởng văn học Mê Kông lần thứ nhất cho 12 tác giả. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng và đánh giá cao các nhà văn ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia được trao tặng giải thưởng lần này, đồng thời khẳng định: “Tác phẩm của các nhà văn giống như dòng sông Mê Kông không ngừng bồi đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ba nước. Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Cămpuchia và Lào đang trông đợi rất nhiều ở tài năng và tâm huyết của các nhà văn trong việc tạo dựng những tác phẩm lớn hơn, hay hơn về nhân dân mỗi nước và về mối quan hệ lâu đời sâu sắc và đặc biệt của người dân ba nước chúng ta, làm phong phú thêm nền văn học của mỗi quốc gia, đồng thời đóng góp cho nền văn học khu vực và thế giới những tác phẩm có giá trị lâu dài và có sức chinh phục rộng lớn đối với các thế hệ bạn đọc”.

Hàng năm, các nước thành viên luân phiên đăng cai tổ chức Lễ trao giải Văn học Mê Kông và tọa đàm về những vấn đề của văn hóa, văn học và sứ mệnh của văn học thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các nước thành viên. Đây cũng là giai đoạn mà quan hệ và hợp tác giữa các nhà văn khu vực phát triển nhất.

Năm 2012, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương. Cũng là lần đầu tiên các nhà văn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số vùng lãnh thổ đến Việt Nam đông đảo nhất. Cũng là lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam có sự tham gia của nhiều nhà thơ đến từ nhiều nước trên thế giới. Và cũng là lần đâu tiên các nhà thơ thế giới biết đến một sự kiện thơ ca lớn không chỉ của Việt Nam mà của thế giới được tổ chức ở Việt Nam và qua đó cảm nhận được một cách sâu sắc đời sống thi ca cũng như nền văn hóa Việt Nam thông qua hoạt động thơ ca và những hoạt động văn hóa khác. Cho đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức được Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình dương lần thứ 2 và sẽ tiến tới tổ chức Liên hoan thơ Quốc tế tại Việt Nam vào mùa xuân năm 2018. Cùng với Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, Hội Nhà văn đã tổ chức thành công ba Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Sau mỗi Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam thì số lượng các tác phẩm văn học tiêu biểu của văn học Việt Nam được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới được nhiều hơn. Sau gần nửa thế kỷ vắng bóng, văn học Việt Nam bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc và gây ảnh hưởng tốt. Năm 2015, Nhật Bản đã tiến hành dịch, xuất bản và quảng bá 10 thế kỷ thơ về cuộc đấu tranh giữ nước của người Việt Nam. Sau đó, Colombia đã xuất bản tuyển thơ này bằng tiếng Tây Ban Nha và phát hành ở nhiều nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Một sự kiện quan trọng trong năm 2012 là Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi sau gần 20 năm ngừng hoạt động. Đây là Đại hội lần thứ 6 của Hội Nhà văn Á - Phi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cử tham dự Đại hội này và được bầu làm Phó Tổng Thư ký Thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi. Ngay sau đó, Hội nghị Ủy ban thường thực Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã ra được bản thông cáo Hà Nội có giá trị. Bản thông cáo khẳng định lịch sử và văn hóa Việt Nam và khẳng định Việt Nạm là tấm gương lớn cho các nước Á-Phi trước kia cũng như ngày này về tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, khẳng định vai trò của văn học trong việc xây dựng tình hữu nghị và góp phần hiểu biết giữa các dân tộc khác biệt về chính trị và văn hóa và khẳng định vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc phát triển văn học và tình hữu nghị giữa các nước của ba châu lục. Năm 2016, Đại hội Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ 7 tổ chức tại Ai-Cập và quyết định đổi thành Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ La Tinh vì có tám nước Mỹ La Tinh xin gia nhập tổ chức này. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam được bầu làm Phó Tổng thư ký Thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ La Tinh. Ngay sau đó, tạp chí Hoa Sen được tái xuất bản số đầu tiên bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Ả Rập và có sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi Việt Nam như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Số thứ hai của tạp chí Hoa Sen chuẩn bị ra mắt và vẫn tiếp tục có sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam thông qua đại diện của mình trình bày dự án đăng cai trao Giải thưởng Hoa Sen cho những tác phẩm xuất sắc của các nhà văn ba châu lục. Từ khi Hội Nhà văn Á-Phi còn hoạt động, một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Hoa Sen như nhà thơ Thu Bồn (Bài ca chim Chơ-rao)…

60 năm kể từ ngày thành lập, Hội Nhà văn đã đảm nhận xuất sắc sứ mệnh của mình đối với dân tộc và dựng lên một cách thuyết phục chân dung đất nước, văn hóa và con người Việt Nam trên thế giới. Và càng ngày, văn học Việt Nam càng được bạn đọc thế giới biết tới. Số lượng các nhà văn, nhà thơ xuất hiện trên các diễn đàn văn học lớn của thế giới nhiều hơn và số lượng tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Việt Nam được xuất bản nhiều hơn trên thế giới cũng như nhiều hơn các giải thưởng quốc tế uy tín được trao cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

 

Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *