Chân dung văn

10/3
8:47 AM 2017

TRUYỆN NGẮN “ĐÊM CHỒNG VỢ” CỦA NGUYỄN QUỐC TRÍ

Khi còn ở báo Quân Khu I, có một thời gian tôi làm phóng viên mặt trận tại Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau đó vài năm tôi chuyển về báo Hà Tuyên (nay là báo Tuyên Quang) xây dựng nghề báo và đam mê văn chương. Đêm chồng vợ đã ra đời từ ấy.

                                                                     Minh họa: Thành Chương

Sau này tôi mới biết đó là khoảng thời gian đau khổ nhất của đất nước (lạm phát lên đến 3 con số). Thực ra vẫn là mấy thứ giặc: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt… cùng đó là rất nhiều giá trị sống bị đảo lộn, song những con người chân chính luôn biết cách tự thắp sáng mình. Trong lúc bần hàn và ngu ngốc nhất ấy, tôi cũng nghĩ phải chăng “điểm cố thủ” của hạnh phúc gia đình - nói theo cách nhà binh - chính là những đêm chồng vợ. Tất cả những gì phá vỡ nó đều có thể coi là kẻ thù của sự sống. Ở đó không chỉ có sự cảm thông và chia sẻ, không chỉ có sự trường tồn vĩ đại của nhục dục, mà còn là tất cả đời sống với những nhịp điệu, màu sắc và vẻ đẹp kì diệu mà chỉ quan sát trong tưởng tượng người ta mới cảm nhận được hết. Sau cùng là một kì vọng sống bình yên, thân thiện và nhiều yêu thương…
Tất cả đã đổi thay. Có một điều đã rõ: Người lính chỉ dùng cho việc nước. Câu chuyện về họ và vợ chồng họ là một phần câu chuyện vĩnh cửu về chiến tranh và hòa bình.

 

ĐÊM CHỒNG VỢ

 
Điềm đang ngồi khâu vá. Chỉ đã mủn lại lắm lỗi nên chị phát bực mình vì khâu mãi chưa xong. Cái quần lót màu xanh bộ đội lại khâu bằng chỉ trắng. Cũng chẳng sao, mặc vào bên trong, ai biết. Chồng Điềm đi bộ đội, ở xa, một năm may được đôi lần về. Anh luôn để một bộ quần áo sơ cua ở nhà. Cái quần đùi cũ đã lâu anh không dùng, Điềm cắt thành quần nữ để tận dụng, nhất là khi có “chiến tranh”. Phụ nữ vẫn luôn phức tạp mà!

Ở ngoài đường có tiếng những người đàn ông:
- Kính chào các quan. Hề hề. Trông thấy các văn võ bá quan, tôi lại nhớ cảnh “nửa đêm thuế thúc trống dồn”...
- Này, lính tráng gì mà về lâu thế? Hay “tuột xích” rồi?
- Về chơi, lại được nhận khoán chưa xong. Vợ tôi nó còn bảo: Quá bằng thuê người đi bộ đội. Lần nào cũng tiền. Tiền đi, tiền về, lại cả tiền ở nhà tiêu vặt, tiếp khách nữa.

Những tiếng cười sảng khoái.
Tiếng chân dậm dịch, tiếng người ồn ào ùa vào cửa nhà Điềm.
- Chào bà chủ.
- Vâng. Chào các bác, các anh. - Điềm vội vàng vơ vén cất dọn, mặt chị ửng đỏ.
Có ánh mắt dõi theo khi Điềm kéo vạt áo lót che kín bụng, bước ra cửa. Ngoài sân còn một vị đang chùi chân vì dẫm phải cứt gà. Điềm rút chiếc áo dài trên dây phơi mang vào bếp mặc và đem siêu nước lên nhà.
- Chẳng có phích. Các bác uống tạm nước nguội đã. Em đun nước khác.
- Thôi, không cần đâu.
- Có chè chốt của lính biên giới thì cứ pha, chúng tôi cũng không dám từ.
- Em có chè hậu phương cũng chát và ngọt chẳng kém chè chốt đâu ạ.

Những tiếng cười của cánh đàn ông nối vào nhau như có một cái gì phá phách.
- Ta làm việc luôn thôi chứ, đội trưởng? - Chủ nhiệm Quân đặt cái cặp đen lên bàn hỏi Dục.
- Ngắn gọn thôi. Tôi thấy mệt lắm rồi. - Tự, công an viên vừa nói vừa lật cái xà cột đen trên đùi.
Trung đội trưởng dân quân và hai dân quân lực lưỡng đang dán mắt vào mấy cái tranh vũ nữ và người làm xiếc, cắt từ họa báo dán lên tường.
Con chó vá con, mình đầy hắc lẫm, ngồi gọn trong đống bao tải và đòn khiêng vứt ở hè nhà.
Điềm lấy cái điếu cày và rút nắm gianh trên mái nhà làm đóm đem vào bàn.
- Nhà không có đàn ông mà cũng có điếu à?
- Nhà em bảo để khi có khách khỏi phải đi mượn. Hơn nữa… (Điềm không nói chuyện anh dặn đêm hôm đem ra mà rít lên cho có tiếng đàn ông, biết đâu có thằng kẻ trộm phải sợ). Chị cười.

- Ông ấy có kể chuyện “Chiều biên giới có anh thèm thuốc lào, không có điếu anh làm thế nào” không? - Một giọng thanh niên đùa làm Điềm có vẻ gượng gạo trọng những ánh mắt và điệu cười thú vị của đám đàn ông vốn mọi chuyện đều có thể quy về một chuyện.
- Thôi, bây giờ thế này, chị Điềm ạ. - Đội trưởng Dục lên tiếng, thoáng một chút đắn đo. - Đoàn chúng tôi đến để thu nốt số thóc sản phẩm mà hộ ta còn nợ.
- Chị thấy đấy, - Chủ nhiệm Quân vặn người quay sang Điềm đang ngồi ở mép giường, - Thành phần, lực lượng, chúng tôi đủ cả. Coi như ba mặt một lời. Tóm lại là hợp tác xã phải thu bằng được sản phẩm.
- Vâng… - Mắt Điềm chớp chớp, rồi lại có vẻ lơ đãng. Ngón chân cái chị quắp lấy ngón chân trỏ bẻ khục một cái.
Công an viên Tự ngả người trên ghế tựa, cái ghế cũ kĩ, long đinh, vỡ mộng kêu cọt kẹt:
- Ở đây không có sự hiệp thương, chị hiểu cho. Chúng tôi thay mặt chính quyền, Nhà nước, đến để đòi nợ. Nói thẳng ra là bắt nợ cũng được. Vì nếu không có sản phẩm bằng thóc thì lập biên bản thu các tài sản khác. Từ sáng đến giờ chúng tôi đã làm như thế, khó bằng giời chúng tôi cũng phải thu bằng được.

Có cái sức mạnh vô hình nào đó toát ra từ những con người nhân danh đang ngồi đây làm cho Điềm sờ sợ.
- Vâng, việc công, các bác bảo thế nào thì em cũng phải chịu thế.
- Chị nói thế cũng không được - Giọng chủ nhiệm hơi sẵng - Mình là xã viên, mình có quyền làm chủ. Đã nhận khoán thì phải nộp sản phẩm cho đủ. Ở đây còn là trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội nữa.
- Báo cáo các anh là… - Đội trưởng Dục nhìn Điềm ái ngại - Đợt trước chị Điềm có xin khất, cũng chỉ còn khoảng một phần ba nữa thôi, bởi vì hoàn cảnh neo đơn, vừa ra ở riêng chân lâng, tay trắng…
- Không được. Dài dòng lắm. Thử hỏi ai cũng khất thiếu thì “chúng ta” lấy đâu để chi phí cho các trường học, bệnh xá, cầu đường, thủy lợi, những người đi học, đi bộ đội…? Đấy, vấn đề nó là như thế. Còn nói là nghèo thiếu thì vẫn thấy sắm được cả máy khâu rồi gỗ lạt gì nữa kia thôi.
- Không. Người ta gửi em đấy. - Giọng Điềm vội vã.
- Ai?
- Em nói dối các bác làm gì. Kia kìa, vợ chồng nhà Long, Phái đang xây nhà, nó vừa mang gửi em hôm nọ. Nhà em có vặn răng ra không đủ mua cái bàn máy.
- Thôi được, chị xem còn bao nhiêu mang ra cân đi. Đâu rồi, các “chiến sĩ trẻ” mang bao tải và đòn vào đây.

Một anh dân quân đang mải uống nước, tí nữa bị sặc. Anh ta thích cái bộ ấm chén này quá. Đồ sành của ta cũng khá đấy chứ, rất trắng và sạch sẽ. Cả cái khay nhà y, tuy bong men vài chỗ nhưng vẫn trắng và sạch, mấy ngụm nước uống cũng thấy ngon. Ờ, dường như trong ngôi nhà tranh vách đất này cái gì cũng gọn và sạch sẽ. Đến cơn gió mát trong nhà này cũng như của chủ nó làm ra.
Điềm bỗng thét lên, nhảy lùi ra vì cầm phải con cóc trong thúng lúa để góc nhà. Không biết bằng cách nào nó lao vào được.
- Anh giữ miệng bao để em dồn vào cho. - Điềm bảo Dục.
- Săn sạch chứ?
- Cắn kêu cung cúc đấy thôi.
Lúa chảy vào bao, lúa bắt đầu lên tiếng, lúa đang bào xiết lòng bàn tay Điềm. Chị đã tranh lấy thúng lúa để ôm lấy mà đổ, mà dồn, chị nhìn từng hạt lúa xô nhau lăn xuống mải miết, chị đang chia tay với lúa, với nỗi niềm yêu dấu. Mắt Điềm nhòe đi, chị còn muốn nói, nói to tát, nói thẳng thắn, mạnh mẽ, nói rứt thịt da… về nhiều nỗi, nhưng sao chị lại thôi. Mình là kẻ mang nợ, mình cứ phải trả đã. Nói ra lúc này cũng chẳng hay.

- Nào, xỏ đòn vào.
- Nhấc lên tí nữa.
- Tươi tỉnh nhá.
- Bao nhiêu cân?
- Bốn mươi… bảy cân năm.
- Còn bốn sáu.
- Thiếu bao nhiêu nữa?
- Như vậy là… mười… tám cân nữa.
- Tính sao đội trưởng?
- … Thôi được, sẽ có cách.
- Cách gì? Quyết ngay đi.
- Tôi cho vay.
- Được rồi. Mời các vị kí vào đây.
Điềm phủi tay, cầm cái bút từ tay Dục, chị ái ngại:
- Thế là em lại nợ anh chị. Biết lúc nào mới trả được?
- Đáng bao nhiêu. Bao giờ có thì trả. - Dục xuề xòa.

Đoàn người ra đi, để lại những câu chào hồ hởi, đắc ý. Điềm ra đầu hè trông hai thanh niên khiêng bao lúa đi, bỗng chốc chị định chạy theo giữ lại. Không, chị giữ lại để giãi bày, để nói thêm một tiếng thôi.
Điềm ngồi phịch xuống ngưỡng cửa, kéo hai ống quần tới gối. Con chó vá hắc lẫm đến ngoe nguẩy, liếm chân Điềm liền bị một cái hất cẳng.
Con gà ấp ở trên ổ kêu coọc coọc coọc… như nấc nghẹn trước buổi chiều oi nồng đến ngột ngạt. Chắc là thay đổi thời tiết. Đêm nay liệu có mưa được không. Mưa đi cho mát mẻ. Nóng quá. Điềm thấy đầu nặng trịch, cứ ong ong như muốn vỡ ra.

*
*   *

Thế là ra ở riêng. Chuyện có gì đâu, từ một quả ngô nướng. Hôm ấy Điềm đi làm về vừa mệt vừa đói. Chị nướng hai quả ngô. Vừa chín thì có một đứa trẻ hàng xóm sang vay gạo. Chị quẳng vào rá cho nó một quả. Còn một quả, vẫn nóng, chị để ở ngưỡng cửa buồng. Đứa em cô đang ôn thi ở nhà (không ôn thi thì nó vẫn hay ở nhà, chỉ quanh quẩn việc vặt, lúc nào cũng đầu tóc, quần áo đủ kiểu) từ trong buồng đi ra:
- Ngô của ai nướng để đây? Đúng là ở hiền gặp lành. Chắc có ông bụt biết có cô bé học bài đang đói liền hiện lên cho quả ngô.
- Ngô chị vừa nướng đấy, cô cứ ăn đi.
- Của chị à? Em bẻ một nửa thôi. Ái chà, vẫn nóng. Ơ, nó lại lẹm vào một bên rồi.
- Không phải bẻ đâu, cô cứ ăn cả đi mà.

Cô em cầm miếng ngô đi vào buồng rồi nghĩ thế nào liền ném vụt ra, dằn dỗi:
- Đây, tôi trả cho chị, chị ăn cả đi cho nó béo.
- Cô này hay nhỉ. Tôi nói thực lòng đấy chứ!
- Tôi biết chị thực lòng rồi. Từ trước đến nay tôi còn lạ gì. Chị còn đang ấm ức lắm.
- Cô đừng ác mồm ác miệng thế, không ai nghe được đâu. Tôi ấm ức nỗi gì?
- Bao nhiêu chuyện trong cái nhà này, còn ai nói ra nữa, để hàng xóm người ta biết hết. Nào là đứa em cô đã lười lại thích ăn diện, hay hạch sách. Nào là bà mẹ chồng thì hay chửi đổng, bênh con gái, lắm điều, nàng dâu như con hầu, con ở.
- Cô im mồm đi. Đừng có gắp lửa bỏ bàn tay không. Nói không đúng người ta gang họng ra đấy.

  

dem chong vo

Minh họa: Thành Chương

Nghe rõ chuyện, từ dưới bếp xông lên, bà mẹ chồng tru tréo:
- Thôi, thôi, thôi! Tôi van các người, tôi lạy các người! Bàn dân thiên hạ người ta ỉa vào mồm cho đấy. Không phải vạch áo cho người xem lưng. Ôi trời ơi là trời! - Bà múa máy chân tay, bà phủ phục xuống hè rồi thoắt đứng lên.
- Cái con dở người kia! Mày què đui hủi điếc rồi sao mà không nướng được quả bắp mà ăn hở? Người ta đi đội đá vá giời về, người ta đói, người ta nướng thì để cho người ta ăn. Ăn cho nó trơn lông đỏ da, còn nay đội mai đoàn hò hát, lúc rỗi còn ngằm ngửa lên mà đọc sách báo chứ!
- Mẹ để cho con nói đã. - Mắt Điềm ngấn lệ.
- Chị không phải thanh minh. Chị muốn cãi tay đôi với tôi hả? Thế ra chị lăng loàn gớm nhỉ.
- Mẹ có biết chuyện gì đâu. Càng ngày mẹ càng không hiểu con.
- Phải rồi, tôi không hiểu chị. Con trai tôi nó ngu đần nó cũng nhầm mà lấy chị. Cái nhà này vô phúc!
- Mẹ đừng nói thế, con không chịu nổi đâu. - Điềm đã khóc.

Bà mẹ chồng ngồi phịch xuống cái ghế tựa trong nhà, cái cơi trầu bật nắp rơi reng một cái trên mặt bàn.
Cô con gái từ trong buồng xỉa ra:
- Đấy, bây giờ ba mặt một lời, mẹ hỏi chị ấy xem có phải con đổi cái quần sa tanh đã mặc, lấy cái quần mới của chị ấy trong hòm không?
- Cứ lôi hai cái ra mà so. Một lúc bỏ ra tiền nghìn để mua mảnh vải. Nó cùng cái “hẽm” mẹ nó mà ra, đổi mới lại chả không. Như người ta, chỗ chị em, có đổi cũng đi đâu mà thiệt. - Tiếng bà mẹ chồng trong cái điệu nhồm nhoàm vì miếng trầu vừa nhai dập.
- Chẳng nhẽ cái quần mới để ở đấy mà nó nhăn, nó cũ đi được? Tôi cũng có bảo cô đổi đâu, tôi chỉ kêu ca thế. Còn quần của cô, cô bán đi mua thứ khác rồi còn lấy đâu mà so đọ. - Nước mắt Điềm đã đầy khăn áo, chị đứng dậy đi ra cối giã gạo ở đầu nhà, xì mũi.

Cô em bước ra khỏi buồng, tay cầm cái lược:
- Tôi ăn mặc thế nào mặc tôi. Chị không có quyền gì ở cái nhà này mà phải nói.
- Mày không phải nói nữa. Mai, đi điện ngay cho thằng Tú nó về. Để tao xem nó giải quyết chuyện vợ con thế nào. Nếu cần, tao sẽ tống khứ. Sức dài vai rộng, có giỏi thì cứ làm túp lều ra kia, bới đất nhặt cỏ mà ăn. Bằng không, bà chém tay, thằng Tú sẽ lấy vợ khác.
Thật ra, đây chỉ là một sự kiện - “sự kiện có vấn đề”, sự bùng nổ của một chuỗi ngày tích tụ những xích mích nhỏ. Các bà mẹ đều vĩ đại, các vị em cô đều đáng yêu, ấy thế nhưng từ thời thượng cổ đến nay, khá nhiều chuyện đau xót xảy ra trong gia đình thì bà mẹ và người con gái quý tử của bà thường đóng vai trò quan trọng. Họ phải là người quan trọng nhất!

Cái thể chất nhanh, mạnh, ưa hoạt động, thích tự do ở Điềm đã gây cho chị không ít khó khăn. Đặc biệt là trước cái khung ngắm khá phong kiến của bà mẹ chồng. Chị mới nói chuyện với Phái về ăn mặc những đồ vải màu, vải hoa thôi, cũng đã “được” mẹ chồng khinh ghét ngang với chuyện người ta trần truồng đi ra đường. “Chồng nó lái xe, nó mang tiền mang của về nuôi vợ con nó ăn trắng mặc trơn được. Mình chân lấm tay bùn, không thể bì với nó. Chỉ có cái loại “đĩ” thì mới hám ăn mặc kiểu ấy”. Tiếp theo cái câu cửa miệng nói về vợ chồng Long - Phái ấy là bảng liệt kê cái hạng “một phần người mười phần khỉ” cũng loè loẹt phấn son, kẻ, sọc… trông thì bóng bẩy ngoài da mà trong rỗng tuếch, kim la tám tầng. Sau cùng là cái thần tượng: Quần đen lửng, áo nâu sồng, khăn bùm mỏ quạ, suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, mà bà đã sinh ra từ đấy. Điềm không thể thanh minh, không thể đối thoại, thậm chí không thể nói chuyện. Tất cả những cái đó là “cãi lại mẹ chồng”. Giống như một người lính trái lệnh chỉ huy, trong tình trạng khẩn cấp sẽ bị bắn bỏ.

Chị thích đọc sách báo ư? - Không có thì giờ, đọc có trừ được bữa thì đọc! Chị thích gặp gỡ bạn bè ư? - Đấy là những trò rửng mỡ, ngồi lê mách lẻo! Chửi mắng và đánh đập là một cách giáo dưỡng thông dụng của người dân quê.
Cả ngày hôm sau Điềm đi làm và hầu như không ăn uống gì. Trông chị hốc hác, nhợt nhạt. Đêm ấy, bà mẹ chồng không chịu nổi, vì tức giận, vì sợ hãi: Biết đâu, nhỡ ra có mệnh hệ gì thì khốn. Bà nói:
- Từ mai chị Điềm không phải đi làm nữa. Làm thì phải ăn. Có ăn mới làm được. Nếu chị thấy không thể ở được cái nhà này thì từ mai tôi cho chị ăn riêng, làm riêng. Chờ lúc nào thằng Tú về sẽ giải quyết.
Tú về thật. Có đoạn đường anh phải hộc tốc đi bộ mấy chục cây số. Nửa đêm Tú về đến nhà, anh khóc ầm ĩ từ ngõ vào. Anh đau đớn, tủi thân thật sự. Nhưng, anh bỗng hiểu ra nội dung giả của bức điện thật - Không phải mẹ anh chết. Vừa khô nước mắt, anh đã trở nên cáu kỉnh. Đến bà mẹ cũng phải ngần ngại.
- Đến lúc chết thật, điện tới đơn vị, ai người ta tin nữa? Đang lúc bận rộn. Từ nay con quy định, chỉ một người được kí tên vào những bức điện quan trọng.

Sau khi ngồi nghe bà mẹ đọc một bản cáo trạng về vợ mình, Tú đứng dậy buông một câu:
- Chả có vấn đề gì ghê gớm cả. Toàn chuyện đàn bà. Đã nghèo khổ, không đùm bọc nhau mà làm ăn lại còn sinh chuyện.
Bà mẹ lồng lên:
- À..a..a… Cái nhà này hết phúc thật rồi. Bây giờ nó coi vợ nó to hơn cả. Còn cái đứa mạng nặng đẻ đau này thì nó giả ơn bằng những câu như thế đấy. Được. Từ mai tao sẽ cho ra ở riêng. Chặt mấy cái ngoãn làm nhà ra kia mà ở. Ở đấy mà bênh nhau.

Chỉ sau một tuần, Tú nhờ người làm được cái nhà tranh, trát vách, ra ở riêng. Tú không lấy thứ gì của mẹ, sự thực thì mẹ anh cũng chẳng có gì ngoài ba cái giường Tây gỗ xoan và bộ bàn ghế cũ.
Một gia tài của đôi vợ chồng lính, tay trắng, lòng son. Bồng bềnh trong nghèo túng và ước mơ hạnh phúc.

Đêm tân hôn lại trở về với đôi vợ chồng trẻ trong cái hơi đất mới lạnh lẽo, ghê sợ và hoang vắng. Giữa cái mùi bùn ung ủng, ẩm ướt, tiếng muỗi vo ve, sốt ắng, kiên quyết không trì hoãn món nợ máu truyền kiếp của chúng đối với con người. Những con ruồi bay đến, những con mọt hạ cánh, những con cóc lân la tìm đến căn hộ mới sinh sống, không cần biết con người yêu hay ghét chúng.

Cái giường tre cọt kẹt. hai cái màn một ghép thành đôi rùng rình. Hai trái tim đang vũ hội. Những cơ bắp cũng săn sở, xuống nhiệt trong nhịp điệu của hạnh phúc. Quả đất bé nhỏ chỉ còn lại một người có hai đôi tay và hai đôi chân… Có một khoảnh khắc, trong cái chiều ra đến vô cùng của sự sống, chỉ có tình thương và hạnh phúc. Không còn kẻ thù và cả cái khái niệm về nó. Cái ác chỉ còn trong hóa thạch.

Nhịp thở đều đều đưa con người về thực tại. Cái thực tại không đều đều trong nhịp thở:
- Ngày mai chúng mình sẽ sống ra sao?
- Lao động. Lao động khôn ngoan và cần mẫn. Chỉ có thế thôi.
- Bao giờ chúng mình mới có một đứa con?
- Anh sẽ cho em. Đẻ cho anh một đứa con gái nhé.
- Con trai thích hơn.
- Nhưng đó là cái cớ để người ta nghĩ đến chiến tranh.
- Anh không thích gối đầu tay à?
- Sợ em mỏi… Thế mà cũng dỗi!
- Ứ… Ai đẻ ra chiến tranh mà kinh khủng thế nhỉ? Chỉ trong nháy mắt…
- Theo anh có thể là…
- Cái gì? Ái, đau em. Anh nói đi.
- Có thể là cái gối đầu tay đẻ ra…

- …
- Hôm qua, anh biết thế nào không?
- Dịch vào, rơi xuống đất đấy. Em bảo sao?
- Cái Phái nó cứ hỏi mãi, em cũng không muốn bảo anh. Em vẫn sẻ lại một bát. Đường đỏ hơn lần trước anh mang về, ướt lắm. Lúc cân cho nó, em cứ nghĩ, giá mình có đứa con bé mà lại giấu đường mang đi bán thì tội lắm nhỉ?
- Gạo bây giờ bao nhiêu?
- Lương anh may ra được ba cân. Quên mất, anh nhấc đầu lên, em lót thêm cái khăn cho mà gối. Sao cái áo bạt của anh cứng thế?
- Nó cũ rồi.
- Thảo nào. Mai ngày nó rách, cắt làm cái áo cho con đi học cũng được. Anh sắp được phát cái mới chưa?
- Quá niên hạn rồi đấy. Đã có đâu.
- Bộ đội cũng nghèo nhỉ. Thôi, chúng mình ngủ đi anh.
- Ừ, mai còn dậy sớm. Đào nốt cái giếng… Phải trồng hàng cúc tần vào cái bờ ao mới đắp.
- Em tắt đèn nhá?
- Không. Vặn nhỏ thôi. Đổi bên đi, anh nằm mỏi hết cả một bên người.
- Ai bắt. Anh cứ quay sang bên kia thì sao!
- Không được, khó ngủ lắm!
- Anh nghiện em chưa?
- Nghiện nặng. Nghiện ơi là nghiện.
- Thôi, ngủ nhá… Thơm em một cái đi anh.

- …
- Xã mình vẫn ông Quân làm chủ nhiệm à?
- Vâng. Dục đội trưởng. Em nói chuyện tách hộ rồi. Hết vụ này mới chia ruộng. Như nhà mình, làm cũng khổ, mà không làm cũng chết. Không vay mà nợ, chả hiểu ra sao.
- Cái chân đỡ chưa?
- Đỡ. Thuốc ông lang này khá hơn. Ông ấy bảo thần kinh tọa phải đặc biệt kiêng ngủ với nhau đấy.
- Mỗi đứa một giường? Hoặc là đứa ngủ, đứa thức?
- Kiêng cái kiềng bốn chân í.
- À, nhưng mà lúc kiêng thì lại quên mất rồi còn đâu.
- Ứ ừ, em đếch ngủ với anh nữa đâu.
- Lặng yên nào.
- Chết cười, hôm nọ, anh không ở nhà mà nghe y tế xã phát loa. Đọc danh sách những người cần đi đặt vòng, có cả tên em.
- Đọc cả danh sách biểu dương một trăm phần trăm số người mồ côi chồng đều đặt vòng chứ!
-… Làm em chết sặc đây này. Quỷ ạ.

*
*    *

Phái tong tả đến, trong bộ quần áo ngủ. Phái không cao bằng Điềm nhưng béo đẫy hơn. Hai người bằng tuổi nhau. Họ hay xưng mày, tao với nhau. Hai nhà nhìn sang nhau.
- Này, các ông ấy vừa đến làm gì đấy?
- Thu sản phẩm.
- Tao cứ tưởng có chuyện gì. Có ai hỏi mấy tấm gỗ lát kia cứ bảo của anh Tú mang ở đơn vị về nhá.
- Ừ, mày xem, tao đã xin khất từ trước rồi mà các ông ấy vẫn không nghe.
- Còn khối nhà nợ. Nghe đâu, bố con lão Cường, hai vụ này ăn không, đã thu được hột nào. Lão xin ra hợp tác, lấy hàng mấy mẫu ruộng, tuyên bố chỉ nộp thuế cho nhà nước, thế là xong.

Phái rút một chân dép tông, ngồi xuống hè, kéo hai ống quần tới bẹn. Nhìn chân tay trắng nõn của Phái, Điềm duỗi chân phàn nàn:
- Máu tao xấu thế nào ấy. Cỏ rôm nó cắt có một tí mà cứ sưng tấy lên, mãi không khỏi. Đã thế, mấy đám ruộng lại lắm đỉa, cứ bu vào cắn. Lắm lúc, bắt mãi không được, thôi kệ cha nó. Cho nó kiếm một miếng. Lũ quỷ đói.
- Nói đến đỉa tao kinh lắm. Mấy năm nay chả phải làm ruộng cũng sướng. - Vừa nói Phái vừa vỗ đùi bốp báp.
- Chồng lái xe còn lo quái gì nữa. Anh Tú nhà tao anh ấy vẫn nói - Điềm xoa xoa cái cánh tay xước xát, rám nắng - Cần phải xem lại cái cách khoán của mấy ông ở xã. Tao bảo, khoán trắng chứ còn gì nữa mà phải xem. Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Không nói chuyện chờ trâu, thuê cày rồi đợi phân, hay mức khoán, ngay cái chuyện thuốc sâu thôi đã tai hại. Không làm ruộng mày không biết, lúa nhà tao vụ vừa rồi tí mất trắng. Rõ ràng đội cử người đi phun thuốc, thế mà vẫn cứ sâu. Xót quá, tao phải đi chuốc được một lọ con con về vẩy cho nó, may quá, lúa lại xanh cây ngay. Thì ra thuốc sâu người ta đem phun cho chè, cho mía lấy tiền đút túi, còn ruộng lúa nhà mình nó phun nước lã, ai biết đấy là đâu?
- Giả mẹ nó ruộng cho hợp tác. Đi chạy chợ mà kiếm ăn. Tao tách mối cho. Hội lái xe đoàn Hai qua đây tao nhẵn mặt. Rồi mấy thằng ở xăng dầu, vật tư, thương nghiệp… chả lạ thằng chó nào hết. Có muốn “sướng”, lúc nào tao bày cách cho.

Ngừng một lát, Phái mỉm cười nói tiếp:
- Dạo tháng ba, lão Long đi hàng tháng không về. Lại chết với con đĩ nào ở đâu, tao lạ gì. Ức quá, tao nhảy mẹ xe “Chẩn Cổ” đi Đền Hùng. Chẩn Cổ làm ăn máu mê nhất trong bọn ấy. Thôi đấy, thả phanh. Thích kiểu gì, chiều kiểu ấy. Ăn chơi, xem hội, đủ trò. Anh bao hết! Vừa về đến nhà lúc sáng thì đến trưa Long Chéc xịch vào cửa. Cũng biết điều, nịnh tao ngay: Áo phông, tông lì… mang ra, rối rít bắt thử bằng được. Mình kệ, giả vờ sưng mặt, làm cao, hề hề hề… Tao nói thế, mày đừng nói cho lão ấy biết, trông thế mà cục lắm đấy. Chả thế, con vợ cả trên thị trấn vẫn ấm ức mà có làm gì đâu.
- Mẹ ơi ! Về có khách! Mấy chú công an…

Tiếng đứa con trai năm tuổi của Phái gọi. Phái bật dậy, nghiêng ngả tra chân vào dép. Đôi mông nở uốn éo. Hai bầu vú rùng rình dưới cổ áo rộng. Điềm nhìn Phái, thở dài, nghĩ ngợi. Phái lầu bầu:
- Mấy “cớm” ở giao thông đi làm, ngày nào chả ở đấy, khách gì đâu. Lại về làm cơm là vừa đây. Cho tao xin tí mẻ.
- Vào chạn mà lấy. - Điềm vẫn còn lơ đãng.
- Lấy hộ tao cái. Ngoáy vào cái lọ mẻ nó sực mùi lên, tao kinh lắm. Không sao mà ngửi được cái mùi ấy.
- Đã thế, lại hay ăn. Nuôi lấy một lọ. - Điềm đứng dậy, hơi khó chịu.
- Nuôi rồi, lại phải vứt đi. Nấu lên thì ăn được. Lấy cái đĩa đậy vào cho tao. Lúc nào tao mang cho bát to cơm nguội mà đổ vào. Mày chịu khó nuôi, cả hai nhà ăn.

Điềm ngần ngại không muốn hỏi có thịt gì mà dùng mẻ, Phái đã nói:
- Mua được đùi chó. Mấy ông mãnh hẹn chiều nay đến.
- Ngột thế này còn thịt chó.
- Ăn mãi thịt gà cũng chán. Mỡ thì ngấy. Con chó cún của thằng Mấu ấy mà. Nóng đã có chanh đá. Mình có phải chi đếch đâu mà cần. Các tướng đứng đường một buổi thì đẫy túi. Xế quái nào qua mà không nộp phạt thì lần sau nhớ mặt. Thôi, về cái đã. À, tao vẫn để cho mảnh vải đấy, sang mà lấy.
- Chưa có tiền đâu. Định bán yến lúa thì…
- Cho chịu một tháng. Ăn mặc cho nó hẳn hoi tí chứ. Tội gì!

Điềm nhìn theo Phái, ngượng ngùng mỉm cười. Chị chợt nhớ cái chuyện là lạ. Hôm đến chơi nhà Phái, Điềm chỉ vào cái gương to đùng ở cánh tủ đứng bảo: “Cần quái gì cái gương này, tốn tiền”. Phái hứ một cái, bảo Điềm quê lắm, rồi kéo Điềm ra trước gương. Vừa làm động tác, Phái vừa giảng giải: “Thấy chưa? Ôm nhau mà soi gương nữa thì tự nhiên nó sướng gấp mười lần”. Điềm lắc đầu lè lưỡi, ẩy Phái ra và cả hai cười khúc khích.
Lắm lúc Điềm nghĩ cũng lạ, hầu như ở Phái cái gì cũng thừa chán, cần phô bày, buông thả, còn chị thì chỉ thoáng hiện, buộc phải gìn giữ, cất giấu. Những niềm tự hào của chị luôn mang nặng một nỗi khổ đau, còn Phái thì bất cần.

*
*    *

Mưa. Mưa mỗi lúc một to và sấm chớp đùng đùng. Cả bầu trời đã bị chế ngự bởi những tiếng nổ, những vệt sáng nhiễu loạn. Những cơn gió tưởng chừng cũng tả tơi, ướt sũng, giật lên từng hồi và xô vào trong nhà đầy hơi nước.
Điềm đang ngồi trên giường, quàng một chiếc vỏ chăn mỏng qua bụng. Tóc Điềm buông xõa phủ trên hai bờ vai trần. Từ mái tóc dài vừa se khô, vẫn còn phảng phất hương thơm của những lá cây vườn quen thuộc. Chị khẽ rùng mình ớn lạnh bởi một ý nghĩ: Lúc nãy còn nằm ngủ dưới chiếu trải giữa nhà, chẳng may có một con thạch sùng hay cái gì đó rơi bộp vào người thì có lẽ chị chết ngất luôn. Điềm với chiếc áo dài màu cẩm thạch đã sờn cũ, vắt ở thành giường, định mặc rồi lại thôi, chị soi vào ánh đèn, một lát chị ấp nó lên ngực. Ngọn đèn dầu vặn to, được che bọc bằng cuốn Văn nghệ Quân đội để sát va-li góc cuối giường, hắt lên nửa trên người Điềm những đường ánh sáng thật đẹp. Điềm cúi xuống thơm nhẹ lên chiếc áo. Hôm ấy, Điềm đi cấy về, nhà vắng ngắt, chị đẩy cửa buồng bước vào thì thấy Tú, ba lô vứt chân cột, chân vẫn xỏ dép, nằm chéo trên giường đắp trùm chiếc áo của Điềm. Có lẽ Tú chưa kịp ngủ và Điềm ôm choàng lấy anh rối rít giữa tấm áo ấy. Anh bảo: Nhớ quá, chả biết đi đâu mà tìm, liền vớ lấy tấm áo từ ngày mới yêu nhau…

Điềm mỉm cười, ngẩng lên, lắc đầu, hất tóc. Ngoài trời vẫn đang ầm ĩ, nghe như có tiếng réo gọi hoang dã và cuồng nhiệt của thiên nhiên. Điềm lại nghĩ: Không biết Tú có đỡ nhớ không? “Lúc nào anh cũng nhớ!”. “Khổ. Anh cứ nhớ thế còn làm ăn gì được nữa? Mang cờ ra mà đánh? - Cái trò lên xe xuống ngựa ấy lại càng nhớ - Chơi bài? - Không ổn, giơ những con đầm con pích ra càng chết! - Anh nhớ nhất lúc nào? - Lúc đi ngủ - Vậy thì em bảo nhá, một bài thuốc đấy, anh nằm úp mặt xuống cánh tay trần của mình ấy, hôn lên đấy ba lần, rồi cắn vào bắp tay một cái thật đau là khỏi ngay. - Thật không? - Thật - Sao lại phải ba lần? - Quá tam ba bận mà lị - Nhưng mà… cánh tay bọn anh thì có cái gì đâu, toàn mùi súng đạn! - Thôi, thôi, thế thì em mặc kệ anh.

Tiếng nước chảy róc rách ở các khe rãnh quanh nhà thông báo trận mưa lớn đã tạnh và tiếng ào ào của nước tràn qua bờ đã khiến Điềm bật ra khỏi giường. Cái bờ ao có thể sẽ bị vỡ. Chỉ kịp búi lại tóc, xắn quần cao, Điềm giật cửa bước ra. Con chó cún không biết rúc ở đâu cũng nhau ra quấn theo chân. Đã gần sáng, trời sau mưa quang quẻ, lại có thêm ánh trăng muộn nên mọi vật nhìn khá rõ. Cả cái ao là một màu nước trắng toát. Nước đang xô bờ vượt qua. Hàng cúc tần mới trồng đã bị xói lở một đám. Nước tràn đang dồn vào một chỗ trũng nhất.

Điềm chỉ còn một ý nghĩ duy nhất là cứu cái bờ ao khỏi vỡ. Chị vứt cái cuốc xuống đầu bờ chạy lại tìm con dao. Những cây chuối được đóng xuống làm kè chắn. Những vồng đất liên tiếp đổ vào. Tiếng nước ầm ào dữ tợn bị vỡ ra, nhỏ dần đi. Đúng lúc ấy, Dục đi đâu về chạy đến giúp Điềm một tay.

- Anh đi đâu về vậy? - Ở giếng rửa chân tay, Điềm hỏi.
- Chạy lên đậy mấy cái xe vôi của đội, lúc tối chở về còn để ở sân kho.
- Có bị sao không anh?
- An toàn.
Điềm búi lại tóc, chờ Dục rửa.
- Không có anh giúp thì mình em chưa chắc đã làm gì được.
- Phải mở thêm cái lải tràn cho rộng ra.
- Vâng, anh vào nhà uống nước đã.
- Có khi mình về thôi.
- Sắp sáng rồi, ngủ nghê gì nữa mà vội.

Tuy vậy, Dục vẫn bước theo Điềm đi vào nhà. Mỗi khi gặp Điềm, nhìn ngắm Điềm, Dục lại trỗi dậy một ý nghĩ: Tại sao con người ấy lại không phải là vợ mình? Và Dục lại sợ hãi, khi cái ý nghĩ ấy cứ dẫn dắt anh tới một hành động nào đó. Mỗi lần dẹp được nó đi, anh lại cảm thấy tiêng tiếc, bực bội. Cả đời, hầu như Dục chưa có một hành động vượt ngưỡng nào trừ cái lần anh quyết định xin phục viên vì chuyện gia đình. Lần ấy Dục phát run lên khi được cấp trên đồng ý. Dục thường sống bằng những tiềm thức khá bền vững.

Dục là lính của những năm cuối cuộc kháng Mĩ. Chủ yếu ở một khung huấn luyện quân của tỉnh. Anh lấy vợ, trước hết là chiều theo ý gia đình. Điều đó cũng bình thường. Khổ nỗi, cô vợ ngày càng quá quắt ra. Đã mất khả năng sinh đẻ lại mất luôn cả khả năng làm vợ. Cộc cằn, ngoa ngoắt. Thậm chí còn chửi cả chồng. Nhưng, như người ta nói, ở quê dù sao người ta cũng ít tính chuyện bỏ nhau hơn là ở phố. Đối với Dục, lại càng khó đi đến cái quyết định ấy. Thế là tâm hồn đôi vợ chồng ấy luôn phải mang một cái thai kì quái, cứ đau mãi mà chẳng đẻ được.

Ngồi trong nhà Điềm lúc đêm hôm thế này, Dục cảm thấy không yên tâm. Anh không muốn nói to và dù có thèm thuốc lào, anh cũng không muốn hút. Tay cầm cốc nước vối nguội xoay xoay trên bàn, mọi ý nghĩ, ánh mắt của Dục như muốn lẩn trốn cả vào đó. Đối diện với anh là Điềm: Đon đả, vô tư về đủ thứ chuyện đời thường.

- Anh tính thế này có khổ không, nhà có mỗi miệng ăn lấy đâu ra cám, bí quá, em bán cả mấy cân đạm đong cám cho lợn.
- À này, - Dục như chợt tỉnh, - đợt này lại có đạm ngoài kế hoạch đấy, có lấy thì đăng kí đi.
- Lại như lần trước thì chán chết. Người đăng kí hàng tạ thì được, mà người cần vài cân, một yến, lại không.
- Tôi hiểu, những người cần ít như Điềm thì mới đúng là cần thật. Còn phần lớn là họ tính món hời. Nhà nước đổi một cân đạm lấy một cân lúa, nhưng ba, bốn tháng sau mới thanh toán. Trong khi ngay lúc đó bán đạm cho con buôn tính ra lãi gấp ba.

- Em thấy mọi người bảo đấy là đạm “mất chất”! Vì địa chỉ của nó không phải là gốc lúa được đầu tư, mà ở mãi đâu ấy.
- Đội cũng chỉ là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy thôi, còn các ông ở trên nữa chứ! - Dục đứng dậy tìm cái điếu. - Nhiều cái vô lí lắm.
- Thôi, nói chuyện ấy chán bỏ mẹ. Để em lấy điếu cho. À, anh Dục này!
- Sao?
- Hết vụ này em trả bớt ruộng đấy, chỉ nhận độ sào thôi.
- Cái đó thì tùy.

Bỗng dưng Điềm ngồi thừ ra. Chị nhớ đến những điều Tú nói. Hầu như lần tâm sự nào cũng có cái mục Tú hỏi han rồi tranh cãi về chuyện làm ăn, sinh sống ở quê. “Tại sao những người làm ra lúa gạo lại luôn bị cái đói đe dọa? Tại sao vẫn còn lắm khâu trung gian giữa nhà nước và người nông dân thế?… Chưa bao giờ có lúa giả, gạo giả. Chỉ có những thứ hàng tiêu dùng rởm hoặc “chó tha đi mèo vả lại” mà người nông dân phải chấp nhận… Cần phải có những con người, với một lương tâm cách mạng trong sáng, biết lo cho dân từ bát cơm manh áo ở ngay trong một đội sản xuất, một hợp tác xã. Phải tổ chức lại, bày cho họ cách làm ăn sinh sống, đến từng gia đình. Dĩ nhiên, có người biết điều đó nhưng họ đã trốn tránh, có người làm được nhưng họ sợ trách nhiệm - sợ chết… Tóm lại, bao giờ cũng cần phải có những “cái đầu”.

Có khi Điềm không hiểu hết, nhưng chị thấy hào hứng nghe Tú nói. Có lúc Điềm phải lay gọi bởi Tú nói như người đang diễn thuyết trên bục chứ không phải nằm bên vợ. Tất nhiên, Điềm nghĩ, anh ấy đã đi nhiều, học hỏi nhiều thì mới biết nhiều. Ừ, giá anh được về mà chung sức…

Điềm ngẩng lên đã thấy Dục đứng tựa cửa. Dục không hay nói chuyện lí sự.
- Ấy chết, em đoảng quá. Anh định về đấy à?
- Không. Xem trời đất thế nào. Chắc là không còn mưa nữa đâu.
- Tạnh hẳn rồi. - Điềm đứng gần Dục ngó qua mái hiên nhìn trời. Chị nhận ra cái hơi đàn ông vừa quen vừa lạ.
- Điềm ra kho giúp anh một tay được không?
- Làm gì cơ?
- Gấp mấy cái bạt vào, sợ mất, sau đó che chắn lại một tí.
- Vâng, anh ra kia đợi em nhé.
Điềm quay vào thay bộ quần áo vì có chỗ bị ẩm ướt từ ban nãy.

*
*    *

Thế là con chó chết. Con chó vá hắc lẫm, bụng ỏng, đít vòn, nằm vật ở đầu hè nhà. Cái đống nôn mửa của nó như một điều trăng trối cứ xoáy vào ý nghĩ của Điềm. Nó bị bỏ đói, phải đi lang thang và ăn phải bả của một gã xấu bụng.
- Thôi thế là hết, cho yên cái phận mày chó ạ. - Điềm thầm thì bên cạnh con chó cứng quèo thảm hại. - Có phải tại tao đâu, trước khi đi, tao đã để cho mày một nồi cháo sắn. Tại cái thằng chó đẻ ấy thèm ăn thịt mày, cái thằng ai cũng biết nó hay đánh bả chó, câu chó, chỉ lêu lổng, ăn chơi trộm cắp… Mới ngày nào mày còn là con cún con mũm mĩm, dễ thương, lúc đêm hôm sớm tối quấn quýt bên tao, vậy mà… Chó ơi, mày có biết tao sẽ thiếu vắng cái gì không? Chắc mày không hiểu nổi con người quý cái nghĩa cái tình, cần sự thân thuộc bình yên biết chừng nào. Ừ bởi vì mày là kiếp chó. Thôi, đừng trách tao bỏ mày chết đói. Tao sẽ để mày dưới gốc chanh anh Tú mới trồng kia. Cái chỗ mà ngày đầu anh ấy đo đuôi cho mày ra đấy…

Điềm thấy sống mũi cay cay và đôi tròng mắt ướt khi chị hì hụi đào lỗ chôn con chó.
Vào nhà, cất mấy thang thuốc lên gác bếp, trông thấy khúc chuối thái dở vứt ở hè, Điềm lại nhớ đến con lợn vừa bán trước hôm đi chữa bệnh. Chị phải ở lại nhà ông lang mấy ngày để châm cứu.
Thế là số tiền bán lợn cũng vừa hết. Đong được ít gạo còn thì mua thuốc. Ngồi khâu lại mấy đường chỉ, trước lúc đi tắm, Điềm nhẩm tính cho những ngày mai. Có lẽ phải tính chuyện bán lúa non mất. Những nhà nghèo nhất xóm họ cũng vẫn làm như thế. Biết làm sao, những cây lúa non đã phải còng xuống bởi cái trĩu nặng của ngày mai. Ừ, nếu không thì chỉ còn cách vay lãi chạy chợ. Quả thật, Điềm có thể chạy chợ giỏi, nhưng chị lại không quen và không thích. Nó quay cuồng, mệt mỏi và giả dối làm sao?

Điềm vẫn phải làm cố kĩn đấy thôi. Có ngơi lúc nào đâu. Có khi chị vắt sức làm để quên đi thương nhớ. Chị vẫn phải ăn độn, ăn in ít thôi, chẳng hạn có tí mỡ thì thôi mì chính, ít gạo thì ăn thêm nhiều rau dưa… Đấy không phải thói hà tiện keo bẩn, đó là đức tính. Chị vẫn tin sau một cuộc kiên trì chịu đựng sẽ đến một ngày tương lai tốt hơn.
Điềm mệt mỏi, buồn nản tựa vào bên cửa. Nắm quần áo vừa khâu xong vứt trên cái chổi dưới chân. Khi Điềm chìm sâu vào những suy tư, gương mặt chị ánh lên những nét đẹp duyên dáng. Đôi mắt lặng lẽ sâu thẳm dưới hàng mi dài. Vành môi như một nét vẽ đậm, thanh thoát, đầy nhiệt lượng. Trước trán, những sợi tóc buông lơ lửng. Gương mặt ấy có vẻ gì đơn sơ, nhỏ bé và mãnh liệt của ước mong.

Từ bên nhà Phái, lại một cuộc đánh chửi, kêu khóc vọng sang:
- Ôi mẹ ơi! Con xin mẹ, con lạy mẹ, mẹ tha cho con. Con chừa rồi, mẹ đừng bắt con ăn nữa! - Tiếng thằng bé.
- Ăn đi! Bốp! Ngồi xuống, ăn! Phải ăn cho bằng hết. Tổ sư cha chúng mày. - Tiếng Phái - Tao đã để cho chúng mày ăn đói nhịn khát bữa nào đâu mà hư đốn thế. Đã bảo rồi, hôm nay là ngày mẹ đi làm ăn, đừng có ám quẻ. Nấu được nồi cơm nếp để thắp hương, chưa ráo nhựa, con đã khoét ngay một muôi liếm lúc nào không biết. Rồi lại con gà luộc, quay ra, quay vào con đã cắn mất cái phao câu. Bụp, bụp. Ăn đi này!

- Ối giời ơi, mẹ ơi. Con xin mẹ rồi, mẹ đừng bắt con ăn nữa. Con chết mất, mẹ ơi!
- Phải ăn hết cái chỗ này tao mới tha. Từ mai tao sẽ để cho chúng mày đói rã họng như con người ta kia kìa. Bốp, bốp, bốp bốp!... Ối con ơi là con!...
Thế rồi cả mấy mẹ con Phái cùng kêu khóc.
Dẫu sao, cái chuyện ấy hàng xóm cũng đã quen tai. Có lần Phái đã bảo Điềm: “Chồng với con gì cái của nợ ấy. Cái thằng đàn ông nó chỉ biết sướng, còn tỉ cái khổ là đổ vào con đàn bà. Đối với tao, chồng cũng vẫn luôn luôn có một suất cảnh giác! Nếu không, tao nói cho mày biết nhé, hắn bỏ con vợ trước để lấy tao chỉ vì mụ già, xấu hơn, lại không biết mánh lới làm ăn. Đến khi mình hết thời ngực nẩy lưng eo rồi thì cũng thế chứ gì?”.

Chuyện của Phái có nhiều điều nằm ngoài những quan niệm thông thường của Điềm, nên chị chỉ biết vậy thôi. Ở đời, ai chả phải làm ăn sinh sống, mỗi người một cảnh, cứ phải biết chấp nhận. Hơn nữa, Điềm và Phái cũng chưa có chuyện gì độc ác, sát phạt nhau.
Nấu xong cơm canh, Điềm mới đi tắm. Tắm mát, canh nguội, ăn càng ngon. Điềm cầm củ dong nướng nhai nhai nhổ nhổ, đi xuống giếng. Chị nhớ ra là Tú rất ghét cái củ này. “Anh chỉ con nhà lính tính nhà quan thôi”. Điềm bảo vậy và bẹo Tú một cái. Tú giải thích: Nó khó nhai lắm, đã nhạt nhẽo lại toàn là xơ.

Khi ở trần giữa ánh sáng của trời sao, của gió và nước, Điềm khẽ rùng mình. Điềm cảm thấy trống trải, sờ sợ mà thích thú. Nước mát tựa một bàn tay đang xoa vỗ khắp da thịt Điềm.
Điềm cố hình dung lại mà không sao rõ rệt được cái cảm giác lạ lùng kì diệu, ứ nghẹn yêu thương ấy. Hai người tắm cho nhau. Có một phút lặng yên đứng áp sát vào nhau, nước ướt át và ánh sáng mờ ảo. Trong vòng tay, chị nói như mê cuồng.

- Có thương em không?
- Lúc anh thương, em có biết không?
- Tại sao lấy em?
- Nếu không thì anh chết mất.
- Trời ơi, về sau, hai đứa mình đừng ai chết trước nhé…

Sau một tiếng thở dài, Điềm vội vã dội nước như muốn xua tan mọi ý nghĩ. Đời người, có cái gì vĩnh cửu đâu, tất cả chỉ thoáng qua.
Điềm đã hết bực bội sau bữa cơm. Bởi vì chị đã sơ ý để dầu rớt vào nồi canh. Dù sao vẫn phải cố nuốt. Thoang thoảng mùi dầu còn hơn ăn muối.

Điềm lại ngồi khâu vá bên ngọn đèn dầu. Những mũi chỉ đường kim thoăn thoắt, cần mẫn. Cái kim bé nhỏ cũng vất vả làm sao. Cả đời kim cứ lặp đi lặp lại, ngụp lặn mãi trong đống vải rách lành.
Ngoài đường làng, tiếng nam nữ thanh niên đang kéo nhau đi xem văn công ở xã bên. Vô tư và ồn ã. Tiếng của mấy chàng lính trẻ mới về chơi:
- Này, chưa trả phép à?
- Ở rốn hơn trốn về anh ạ.
- Đợt này về chuẩn bị tư tưởng để đi học sĩ quan.
- Được. Rất mới.

Có tiếng bước chân và một người đàn ông tiến vào sân.
- Ôi, anh Dục! Làm em giật mình, kim đâm cả vào tay.
- Cơm nước gì chưa?
- Ăn rồi. Anh ngồi đây cho mát. À, cái đợt vôi vừa rồi toàn óc chó, thế thì bán cái gì?
- Chịu khó mà nhặt ra.
Điềm thu quần áo lại, quay vào lấy nước. Dục bảo:
- Không uống nước đâu. Cho mượn cái điếu.

- Ngồi tựa lưng vào cái cột hiên, Dục khoan khoái nhả khói thuốc. Lần nào đến đây Dục cũng có lí do. Một cái cớ nào đó mà anh phải cố tìm ra. Dục đã có ý định hỏi Điềm - Câu hỏi nêu một lí do - ngay từ lúc mới đến, nhưng anh vẫn không nói ra lời. Cuối cùng thì anh lại ngồi bẻ ngón tay và hỏi cái chuyện không nên hỏi:
- Hôm nọ, Điềm có trách tôi không?
- Cái đó thì anh tự hiểu.
- Khó nhỉ, biết bao lần tôi đã… Thôi, dù sao tôi cũng tin rằng Điềm là người sẽ hiểu cho tôi tất cả.

Cái đêm sau trận mưa lớn ấy, ở nhà kho, Dục không kìm giữ nổi, anh nắm chặt cánh tay Điềm ấp úng nói thật lòng yêu mến của mình. Chắc là suy nghĩ đã bao ngày nên lúc ấy Dục nói như điên như dại. Điềm không hưởng ứng, cũng không phản kháng mà chị buộc lòng từ chối. Sau đó, Điềm cứ thấy thương hại Dục. Giá mà Dục cứ mạnh bạo lên, lấn lướt đi, thì lẽ nào chị lại không để anh ta hôn một cái. Mặc dù khi bình tĩnh lại Điềm lại thấy thương Tú, có tội với Tú ngay cả trong ý nghĩ ấy. Tú sẽ không biết, nhưng Điềm không thể bình yên dẫu có ngàn lời lí giải. Vậy mà chị đã nghĩ thế.

Dục yêu mến Điềm không vì dục vọng mà vì Điềm là hình mẫu một người vợ đúng với thiên hướng tình cảm của Dục.
Hôm nay, khi thấy Dục có vẻ mặt tỉnh táo, lạnh lùng hơn, Điềm chợt thấy mình như người có lỗi với anh. Tuy vậy, Điềm vẫn muốn Dục đừng nói gì cả và nên quên chuyện ấy đi.
- Điềm có nghe người ta nói chuyện gì không?
- Ai biết gì mà nói. - Điềm chột dạ.
- Không. Tôi muốn nói chuyện khác cơ.
- Chuyện gì vậy? Hôm nay thấy anh lạ lắm.
- Thôi được. Để kiểm tra lại nguồn tin đã. Chắc là không có thật.

Đó là cái tin đồn Tú bị thương nặng trong một trận chiến đấu ở điểm nóng Vị Xuyên. Có một anh lính xã bên ở mặt trận về nói lại. Biết tin này, sau một đêm đay đả con dâu, mẹ Tú đã tìm đường đi thăm anh. Điềm vừa đi chữa bệnh về nên chưa biết tình hình gì.

Chỉ một lát thì Dục về. Cuối cùng anh cũng không muốn nói thật cái tin đồn ấy với Điềm. Anh nửa tin nửa ngờ và thoáng chút ân hận bởi tình cảm của anh đối với Điềm. Anh tự nhủ: chấm dứt, từ nay chấm dứt những trò đùa nguy hiểm ấy.
Điềm lại trở về với màn đêm yên tĩnh dưới trời sao. Ngửa mặt nhìn trời, chị ước muốn tâm hồn con người như những vì sao sáng. Chị ước muốn con người bớt đi nỗi nhọc nhằn đau xót để được sống thanh bình quần tụ như những vì sao kia, sáng mãi, không bao giờ tắt.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *