Chân dung văn

17/4
4:44 PM 2018

TỌA ĐÀM GIỚI THIỆU TÁC PHẨM “TUYỂN VĂN CHỌN LỌC” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN VINH TÚ

TUYÊN HÓA – Sáng 17-4-2018 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt tập “Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú” của nhà văn Nguyễn Vinh Tú. Đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội, các cơ quan báo chí... cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình văn học, các thế hệ bạn đọc yêu quý nhà văn Nguyễn Vinh Tú và gia đình nhà văn... đã đến dự.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tác giả Nguyễn Vinh Tú sinh năm 1929 trên quê h­ương Nam Đàn, Nghệ An. Cả cuộc đời công tác của ông gắn bó với quân đội, ông từng tham gia đánh giặc ở Đồng Bằng, lên Tây Bắc, rồi về Hà Nội, triền miên đi theo cuộc kháng chiến của nhân dân. Ông thuộc lớp những nhà văn đầu tiên trưởng thành trong quân đội, đã có những cống hiến cho Văn Nghệ  Quân Đội ở thời kỳ sơ khởi cùng  thời với  các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Xuân Thiêm .... tuy nhiên do nhiều vấn đề: Bị thương tật  & hoàn cảnh gia đình khó khăn &  những lý do nhạy cảm khác,  nên con đường văn học của ông bị ngắt quãng nửa chừng. Mặc dù vậy trong ông tình yêu văn  học luôn bỏng cháy, ông miệt mài sáng tác dù tuổi  đã rất cao (Trên 80 tuổi). 

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ôn lại những kỷ niệm công tác cùng nhà văn Nguyễn Vinh Tú hơn 60 năm trước

Bốn  năm trước công chúng đã có dịp tham dự hội thảo về tác phẩm ”Ách giữa đàng” của nhà văn lão thành NGUYỄN VINH TÚ. Một trong những tác giả sáng giá của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thời kỳ sơ khai, với sự xuất hiện liên tục từ tập “Sinh hoạt Văn Nghệ” (Tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội) đến những số đầu tiên của  tạp chí Văn Nghệ Quân Đội như  Sát hạchđược 5 điểm,  xuất kích chuyển quân, Vượt đường 10, Cát bụi thao trường, Kiện tướng, Vết chân chim, Mở đường, Lớp sóng dồn ( được giải VN QĐ)... trong đó truyện xuất kích chuyển quân hiện được chọn đăng trên  trang web của VNQĐ.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Để nghi nhận những đóng góp cống hiến không biết mệt mỏi của một nhà văn từng khoác áo lính, NXB HNV  đã ấn hành tập “tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú” theo đơn đặt hàng của nhà nước. Được coi là tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn suốt chiều dài lịch sử từ giai đoạn chiến tranh  vắt qua thời hậu chiến tới ngày nay. Hợp tuyển bao gồm  trích đoạn hai tiểu thuyết lớn là "Khuất một vầng trăng", “Ách Giữa Đàng" và một số truyện ngắn, cực ngắn.

Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình-Nguyên TBT tạp chí VNQĐ-giới thiệu những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh đăng trên tạp chí 60 năm trước.

Tại buổi tọa đàm ta mắt “Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú”, đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình văn học, các thế hệ bạn đọc yêu quý nhà văn Nguyễn Vinh Tú đã phát biểu về tác giả và tác phẩm, đánh giá cao tinh thần lao động nghệ thuật, tình yêu văn chương và nhân cách văn hóa của nhà văn Nguyễn Vinh Tú. Đáng chú ý là đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình văn học: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (tác giả của  nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như: “Miền Hoang Tưởng”, “Hồ Quý Ly”. … là bạn viết của Vinh Tú từ những năm 1961), Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Giám đốc NXB Hội Nhà văn), Nhà văn Đỗ Chu, Nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”), Nhà văn Phùng Văn Khai & Đỗ Bích Thuý- Phó TBT Tạp chí VNQĐ), Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn VN), Nhà PB Ngô Vĩnh Bình (Nguyên TBT tạp chí VNQĐ), Nhà văn Ngô Thảo, Nhà văn  Sương Nguyệt Minh, Nhà thơ Nguyễn Viêt  Chiến... về những tác phẩm được chọn lọc vào “Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú”.

Nhà văn Nguyễn Vinh Tú ký tặng sách cho độc giả

Theo đó, ''Khuất một vầng trăng" là một cuốn tiểu thuyết rất dài hơi, tác giả viết say mê bằng hồi ức bằng tưởng tượng. Các chi tiết, diễn biến câu chuyện, cũng như cái cuộc sống buồn vui sướng khổ của các nhân vật, ngồn ngộn trong cuốn tiểu thuyết. Tư tưởng chủ đề được tác giả gửi gắm trong tác phẩm là sự cô đơn của nhân vật, sống giữa thời đại, mà không đ­ược thời đại vui cùng.  Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên dưới bầu trời. Sinh mạng ở đời này nhiều vô thiên lủng, như rác rưởi bèo bọt nổi trên sông, nên đôi khi bị bỏ quên, bị giày xéo cũng là điều rất đỗi bình thường. Những gì họ đã mất không gì có thể bù đắp nổi. Họ rất mong một tấm lòng tri kỷ, thấu hiểu họ, th­ương yêu họ. Như­ vầng trăng xanh muốn sự tri kỷ của mặt trời, đừng để đêm dài giá lạnh. Khép lại tác phẩm rồi mà dư­ờng như­ vẫn còn mở ra bao suy nghĩ, day dứt về thân phận con người. Giọng văn trong tác phẩm mới mẻ, kiên cư­ờng, là tiếng nói của một thế hệ, một thời đại, không mệt mỏi, không mòn cũ.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, con trai nhà văn Nguyễn Vinh Tú, phát biểu cảm ơn Ban tổ chức và đồng nghiệp, bạn hữu...

Tiểu thuyết Ách Giữa Đàng”, là nơi tác giả gửi gắm những tâm huyết của mình với đất nước với cuộc sống đương đại; Theo đạo phật đời là bể khổ, chỉ có sang thế giới bên kia mới đáng kể.  BỂ KHỔ nói cụ thể là  “ÁCH GIỮA ĐÀNG”.  Đất nước bị nô lệ dân khổ đã đành, đất nước độc lập dân vẫn nghèo khổ vì tham nhũng thì cũng vậy. Nhân vật  Luyến đã tìm mọi cách để tiễu trừ tai ương đang làm suy vi đất nước.“ÁCH GIỮA ĐÀNG”đưa ra một hình mẫu nhân vật nữ ( LUYẾN) có nhiều yếu tố khác lạ. Trong tác phẩm tác giả đã khéo léo đan cài  thơ ca dưới hình giễu nhại. Cấu trúc lồng ghép pha chút trinh thám tạo được những hiệu ứng bất ngờ đánh lừa độc giả.

Nhà văn Nguyễn Vinh Tú cùng vợ và các con, cháu, người thân... chụp ảnh lưu niệm

Truyện ngắn ''Cát bụi thao trường" vốn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đời sống thao trường của bộ đội. Nhưng  hơn thế nữa với văn phong  tả cách điệu về cát, nhân cách hoá cát thành nhân vật có đầy đủ đời sống, tính cách rất hấp dẫn đầy chất văn chương đã đưa truyện vượt qua tính chất tuyên truyền trở thành một truyện ngắn mang phong cách tiêu biểu của Nguyễn Vinh Tú....

Cũng theo nhận xét của các đồng nghiệp, các truyện ngắn trong “Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú”, mỗi truyện một màu một vẻ như vườn trăm hoa đua nở, chỉ khi nào quý vị cầm đọc từ đầu đến trang cuối cùng, có lẽ mới cảm nhận hết vẻ đẹp và sự hấp dẫn của  tác phẩm. 

TUYÊN HÓA 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *