Chân dung văn

8/5
9:21 PM 2017

NHÀ VĂN FRANZ KAFKA: NỖI LO ÂU MANG TÊN NGOẠI BIÊN

Lê Thanh Nga-Điều gì đã làm nên tài năng của Kafka? Đâu là căn rễ tư tưởng, là khởi nguồn của những suy tư mang đầy màu sắc triết học của Kafka? Một thứ suy tư như phóng chiếu cái nhìn lên thế giới từ nhiều góc độ, nhiều trạng thái cảm xúc, nhiều lăng kính trải nghiệm.

                                                                                    

Để rồi, sau khi ông mất, rất nhiều trường phái triết học, nhiều trường phái văn học tự nhận thuộc "dòng" Kafka, tự nhận Kafka là "ông tổ xa xôi" của mình? Điều gì đã khiến cho những tác phẩm mà chính chủ nhân của nó đã từng muốn đốt đi, sẽ trở thành tương lai văn học thế giới, bằng việc mở ra những khả năng mới cho tiểu thuyết thế kỉ XX? Và điều gì khiến cho các tác phẩm của ông đủ sức bao chứa một hiện thực rộng lớn, không phải của hiện tại, mà của tương lai, để sau mấy chục năm sau khi ông đã qua đời, hậu thế mới giật mình thấy rằng thế giới càng ngày càng giống thế giới của Kafka? 

Thực ra, Kafka không có nhiều điểm tương đồng với Balzac và phần lớn các nhà văn hiện thực chủ nghĩa, mặc lòng họ đều là những kẻ đau khổ. Khác biệt lớn nhất, có tính chất quyết định đổi với những thành công của Kafka chính là một thân phận bên lề - yếu tố tạo nên những mặc cảm bệnh hoạn để ông có thể trở thành thiên tài với những cảm nhận của mình về con người và thế giới, và nó hối thúc ông phải thay đổi cách viết. Có thể nhìn thấy phía sau những nỗ lực của Kafka một thái độ tự ti vượt ngưỡng - một thứ tự ti có thể biến thành những xung năng mãnh liệt khiến người ta vượt lên trước - một sự vượt trội xuất phát từ ý đồ trốn chạy khỏi trung tâm để xác lập một trung tâm mới. Hoặc giả, đấy là một hờn dỗi cá nhân, nhưng với sự quá ngưỡng của nó, đã trở thành những hờn dỗi mang tính lịch sử. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng, một khi chúng ta nhận ra rằng, dường như những ai có khả năng thiết lập một trung tâm mới trong văn học nghệ thuật thế kỉ XX lại là những người chịu đựng nỗi tủi hổ thân phận của kẻ bên lề: Franz Kafka, Guillaume Apollinaire, Pablo Picasso, Gertrude Stein, Gabriel García Marquez, Cao Hành Kiện...

Kafka là một nhà văn Tiệp Khắc, gốc Do Thái, viết bằng tiếng Đức, sinh năm 1883 tại Praha và mất năm 1924 ở một nhà điều dưỡng gần Viên, thủ đô nước Áo. Chỉ cần mấy dòng ngắn ngủi trên đây khi nói về tiểu sử Kafka, người ta đã nhìn thấy ở đó một thân phận lưu đày, một thân phận ngoại biên đúng nghĩa. Chính những điều này sẽ kết thành những ẩn ức và sẽ phóng xuất lên khắp sáng tác của Kafka.(1)

            1. Lần theo nhật kí, thư từ

 "Có thể, mọi người nghĩ dường như tôi đã được nuôi dạy ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó? Không, tôi đã được nuôi dạy ở thành phố, chính trung tâm thành phố. Không phải nơi bãi hoang, không phải nơi rừng rú, không phải trên bờ hồ"(2). Điều gì đã khiến Kafka mở đầu những dòng nhật kí như vậy, ghi ngày 19/ 7/ 1910, để bày tỏ những bất bình của ông về thiết chế, về những quy định và những con người ở trường học mà ông phải chịu đựng. Thẳm sâu trong những gì ông viết, người ta có thể cảm nhận được nỗi tủi hổ là người có nguồn gốc xa lạ, tủi hổ là thiểu số đối với nơi mình sinh sống. Đấy là những khắc khoải mong muốn được cộng đồng thừa nhận, mặc dù không hẳn ông đã tuyệt đối chối bỏ nguồn gốc Do Thái cao quý hay quốc tịch của mình, vì trong ý thức thường trực, chắc chắn Kafka vẫn ngấm ngầm kiêu hãnh về những phẩm chất đặc biệt của giống nòi. Điều đó sẽ thể hiện bàng bạc trong hầu khắp các tác phẩm của ông, và ngay cả trong nhật kí. Ngày 25/ 12 (năm 1010) ông viết: "Những gì Loewy cho tôi biết về văn học Do Thái hiện đại ở Varsava và những phần nào tôi có thể tự mình biết được trong văn học Sec hiện đại chứng minh rằng, rất nhiều đóng góp lớn của văn học là sự đánh thức trí tuệ, là sự bảo tồn tính trọn vẹn ý thức dân tộc thường không thể hiện rõ ra ở cuộc sống bên ngoài và thường xuyên tan rã; là lòng tự hào và chỗ dựa mà mỗi dân tộc thấy được cho mình trong văn học và trước sự bao vây của kẻ thù; là việc ghi lại như một quyển nhật kí dân tộc (...) là việc khuyến khích và tạo ra khả năng bàn luận về sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ cha và con; là sự phô bày đầy đau đớn những khuyết tật dân tộc nhưng gợi nên sự thông cảm, thanh lọc (...). Sự thiếu vắng các uy tín dân tộc tuyệt đối sẽ loại hẳn những kẻ bất tài khỏi việc sáng tác văn học" (3). Ngày 14 tháng 1 năm 1911, ông ghi lại những cảm nghĩ của mình về một cuốn sách đã đọc: "Tiểu thuyết "Hai vợ chồng" của Beragd. Dùng không đúng nhiều từ Do Thái"(4). Sự phê phán ở đây thể hiện một cách sâu sắc lòng tự tôn dân tộc. Như vậy là ở  đây, Kafka đã ý thức một cách khắc khoải về tinh thần, dấu ấn đối với việc hình thành tài năng của nhà văn, cũng như khả năng của văn chương trong việc lưu giữ kí ức dân tộc. Cũng trong nhật kí ghi ngày 25/ 10, ông viết: "Kí ức của một dân tộc nhỏ không nhỏ hơn kí ức của một dân tộc lớn, chính vì thế nó lĩnh hội tư liệu tốt hơn (...) Bởi vì những đòi hỏi mà kí ức dân tộc của một dân tộc nhỏ đưa ra đối với mỗi người bắt mỗi người phải luôn sẵn sàng biết, gánh vác và bảo vệ cái phần văn học của anh ta - bảo vệ trong bất kì trường hợp nào, thậm chí cả khi anh ta không biết đến và không gánh vác nó" (5). Rõ ràng, ở đây nhà văn đang rất có ý thức bênh vực dân tộc của ông, cũng là bênh vực nguồn gốc xuất thân và thân phận của mình, nhất là ở câu: "Kí ức của một dân tộc nhỏ không nhỏ hơn kí ức một dân tộc lớn". Đây chính là khát vọng vươn đến trung tâm dường như luôn thường trực trong ý thức đời sống và ý thức dân tộc của Kafka. Bàn về điều này, Harold Bloom từng viết: "Thái độ của Kafka với cội nguồn Do Thái của mình có lẽ là nghịch lí lớn nhất của ông. Có những dấu vết khốn khổ của sự tự căm ghét cội nguồn Do Thái trong những bức thư viết cho Milena, nhưng chúng dường như vẫn có thể lí giải được, và tệ nhất, chúng mới chỉ là mặt ngoài của sự ray rứt. Trong những phức cảm bất tận, gần như mọi thứ Kafka viết đều gợi lên mối liên quan giữa ông với người Do Thái và những truyền thống Do Thái. "(6).

Quả có một niềm tủi hổ mãnh liệt về thân phận bên lề trong những dòng nhật kí của Kafka, bên cạnh những dòng viết da diết về nguồn gốc, là những dòng mang nặng ưu tư cá nhân. Trở đi trở lại, người ta vẫn thấy hiển hiện ở đấy một người cô đơn, một người luôn bị gạt ra ngoài, một kẻ chầu rìa - ít nhất là trong suy nghĩ của Kafka. Đọc nhật kí của ông, có thể thấy xuất hiện rất nhiều những câu gợi mặc cảm thân phận như "bị đuổi khỏi giấc mơ", "bị đá văng ra khỏi thế giới", "tôi là ai đây", "sự cô đơn của tôi" v.v.. Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó. Trong nhật kí, Kafka không chỉ có những lời than vãn về thân phận, mà còn có những nhận xét, những lời bàn về văn chương. Và lạ thay, trong những lời này, người ta vẫn thấy sức nặng ghê gớm của mặc cảm về một nền văn chương ngoại biên. Ngày 16 tháng 12 năm 1911, ông viết: "Để làm gì cái lối coi thường nhân vật phụ mà tôi đã đọc trong các tiểu thuyết, kịch và v.v. Tôi cảm thấy thật gần gũi với họ! Trong cuốn "Những cô gái ở Bishofsberg" (nó được gọi như thế thì phải) có nói về hai cô thợ may đồ cho cô dâu. Cuộc sống của hai cô gái ra sao? Họ sống ở đâu? Họ đã làm cái gì nên tội để người ta không cho họ vào vở kịch? Họ chỉ được phép chìm nghỉm trong cơn mưa rào, từ phía ngoài một lần cuối áp mặt vào ô cửa số con tàu Noe để khán giả ngồi ở hàng ghế của tầng trệt trong thoáng chốc nhìn thấy một cái gì đó lờ mờ"(7). Truyền thống văn học thường chia các nhân vật ra làm hai tuyến theo sự tham dự của nó vào tác phẩm: nhân vật chính và nhân vật phụ. Sự ưu ái của các tác giả đối với nhân vật chính là một nguyên tắc khó chối bỏ trong truyền thống ấy, bởi nó được xem như là một tất yếu, một hiển nhiên. Nhưng Kafka đã phản đối điều đó. Một ý tưởng có thể được gán ghép vào cái gọi là lí luận sáng tạo. Kafka, trong ý thức thường trực luôn thấy rõ vị trí bên lề của mình. Câu chuyện nhân vật phụ, vậy là một ý tưởng về sự sáng tạo văn học, nhưng rõ ràng chứa đựng nỗi tủi hổ về vị trí ngoại biên của người viết. Những câu tra vấn về thân phận của hai cô gái, về thái độ của tác giả đối với họ cho thấy một niềm thương cảm thực sự. Trong nhật kí đề ngày 25 tháng 12 (năm 1911), tác giả viết: "Bởi vì không có những con người hoạt động chung nên không có cả những hoạt động văn học chung. (Một hiện tượng nào đó được đẩy sâu đến độ sâu để có thể quan sát nó từ trên cao, hoặc là được đưa lên cao để có thể tự khẳng định mình ở trên đó cùng với nó. Sai.) Tuy một hiện tượng riêng lẻ đôi khi được xem xét một cách bình tĩnh, thì dù sao người ta vẫn không đạt đến những ranh giới của nó, nơi nó được tiếp nối với các hiện tượng đồng loại khác, người ta thường đạt được ranh giới đối với chính trị, hơn nữa người ta gắng nhìn thấy cái ranh giới này thậm chí trước cả khi nó xuất hiện, và thường tìm thấy ranh giới hẹp này khắp nơi. Sự hạn hẹp của không gian, rồi việc nhìn lại tính đơn giản và đều đặn, cuối cùng, sự toan tính rằng, do tính độc lập bên trong của văn học mà mối quan hệ bên ngoài của nó với chính trị khá an toàn - kết quả của tất cả những cái đó là văn học được truyền bá trong nước là nhờ nó bám chắc vào các khẩu hiệu chính trị"(8). Đến đây có thể thấy rằng, Kafka đã ít nhiều chú ý đến vị trí trung tâm - ngoại biên của văn học theo nghĩa lí thuyết của cặp khái niệm này.

            2. Trung tâm - ngoại biên trong thế giới biểu tượng của Kafka

            2.1. Sự thức nhận về thân phận ngoại biên: Hóa thân, Người cưỡi xô, Làng gần nhất...

Hóa thân là một thành tựu quan trọng của Kafka được công bố lúc sinh thời. Tác phẩm kể về câu chuyện anh chàng Gregor Samsa, "một sáng tỉnh giấc băn khoăn", nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ". Từ đấy cho đến lúc bị vứt lên một xe rác đưa ra ngoại thành, Gregor sống trong nỗi lo âu về công việc, trong sự đe dọa của lão quản lí, sự kinh tởm của người cha, sự xa lánh của người mẹ và những nỗ lực yêu thương khó khăn, miễn cưỡng đến mệt mỏi của cô em gái. Quá trình Gregor "bị đá văng ra khỏi thế giới" diễn ra một cách khắc khoải, hầu hết đều được cảm nhận từ phía chính chàng. Quá trình biến hóa trong Hóa thân diễn ra một cách đau đớn, da diết. Nhân vật dường như cảm nhận được từng giây phút quá trình biến dạng của mình, và trong quá trình ấy, thậm chí khi đã hoàn tất quá trình biến hình, nó vẫn nghe, và quan sát, một cách khắc khoải và lo âu, những gì diễn ra ở bên ngoài. Ở đây, chúng tôi muốn nhìn nhận quá trình biến dạng ấy như là cảm giác bị loại khỏi trung tâm, là chính là gia đình, sau nữa là xã hội, là cuộc sống mà trong những suy tư của Gregor, dẫu có vất vả, có lúc nhàm chán nhưng vẫn ánh lên dấu hiệu của sự sống, đôi khi, thậm chí, tươi vui. Bằng chứng là, khi đã bị nhốt trong phòng kín, tách biệt hoàn toàn với sự sống, tức là bị cho ra rìa, khi đã biến thành kiếp bọ, anh vẫn khát khao hòa nhập: "Rồi Gregor đưa mắt nhìn qua vuông cửa sổ; những giọt mưa lộp độp rơi trên máng xối; và bầu trời âm u vần vũ ngoài kia khơi dậy trong anh một nỗi sầu khắc khoải"(9). Tiếp đó, trong những ngày ngắn ngủi còn lại, con bọ-Gregor, mặc dù bị hắt hủi, bị xua đuổi, nhưng luôn tìm mọi cách đến với mọi người, bất chấp một ông bố luôn luôn lăm lăm chiếc can, đầy dọa dẫm; bất chấp lão quản lí luôn chờ đợi để bắt chàng trả những món nợ công việc. Điều đáng chú ý là, ngay khi đã sống trong kiếp côn trùng, Gregor vẫn tồn tại trong những suy tư phức tạp và mâu thuẫn: một mặt nhận ra tâm lí chán ngán công việc của mình, một mặt vẫn không muốn bỏ bễ công việc. Có thể thấy ở đây hình thức máy móc hóa, công cụ hay đồ vật hóa con người, nhưng cũng có thể hiểu đây như một khát vọng khẳng định sự tồn tại không đến nỗi vô nghĩa của mình, như một khát vọng được hòa nhập trung tâm - thế giới người, từ một vị trí ngoại biên xa lắc. Dĩ nhiên, khát vọng đó của Gregor đã không được chấp nhận. Có người từng nói đến cái tên Samsa như một cách thể hiện kín đáo của hai chữ Kafka. Điều này, nếu có, lại càng chứng minh rõ ràng cho những gì vừa phân tích trên.

Thể hiện những mặc cảm bên lề, cảm giác "bị đá văng ra khỏi thế giới", Kafka đã có cách xử lí hết sức độc đáo với đề tài biến dạng. Trong huyền thoại cổ, sự biến đổi hình dạng của nhân vật thường được kể như một cú lột xác mang tính chất cơ học, là sự việc được ấn định từ một thế lực nào đó. Điều này thậm chí xảy ra ngay cả trong huyền thoại hiện đại. G.G.Marquez, một người chịu rất nhiều ảnh hưởng của Kafka, trong Trăm năm cô đơn, cũng cấp cho dòng họ Buendía cái đuôi lợn theo hình thức này. Ở Hóa thân tình hình khác hẳn. Cái kì ảo, cái quái dị, sự biến dạng được cảm nhận không chịu sự quy định của trạng thái vật chất, hình thức (người biến thành bọ). Nỗi lo âu mang tên ngoại biên toát lên từ sự tự nhiên của cái quái đản. Tự nhiên, bởi nó được nhìn từ bên trong, từ chính thái độ của các nhân vật trong đó. Họ chấp nhận sự kiện bi thảm này một cách hết bình thường. Ngay cả nhân vật chính, dù nhận ra rằng bản thân đã bị đẩy vào một tình thế vô cùng lố bịch, bi đát, song dường như không quan tâm nhiều. Sự quan tâm lớn nhất của Gregor không phải là tình trạng biến thái - có thể nói như vậy - của mình, mà lại là làm sao để được hòa nhập vào thế giới người, trong đó có gia đình chàng. Đấy chính là quá trình chống li tâm diễn ra một cách khắc khoải, bởi, mặc dù cái kì ảo, nghịch dị bàng bạc khắp tác phẩm, người đọc vẫn có thể nhận ra những nỗ lực phản huyền thoại hóa, đấy là việc tác giả luôn cố gắng chắt chiu những chi tiết hiện thực, để cho nhân vật tồn tại trong quá trình tâm lí và miêu tả những đoạn độc thoại nội tâm như một ý chí thê thảm níu giữ trung tâm..

Khi nói về sự biến dạng của Gregor nói riêng, và tác phẩm nói chung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đấy là điểm thể hiện một tinh thần bi quan của Kafka về thế giới. Song, có lẽ sẽ thích hợp hơn nếu nói đó là cái nhìn bi đát của Kafka về thế giới. Trong ý nghĩa khác, đó là quá trình đấu tranh chống lại khả năng ngoại biên hóa của thân phận, cao hơn là của ý thức dân tộc, của Kafka.

Ngoài ra, có thể thấy motip biến dạng trong sáng tác của Kafka, mặc dù không hẳn đã phổ biến, nhưng cũng không chỉ xuất hiện một lần. Trong những ẩn ức sâu nặng của chính mình, đâu đó ngoài Hóa thân, người ta vẫn thấy các nhân vật của Kafka, trong các hình thức khác nhau, đã có những biểu hiện của sự biến dạng, hoàn toàn hay một bộ phận, một biểu hiện nào đó. Như thế cho thấy một cách triệt để và da diết hơn những suy tư của nhà văn.

 Cũng vẫn trong cái nhìn bi đát ấy về bản thân, người đàn ông trong Người cưỡi xô không thể làm gì khác ngoài việc đáp xuống nùi băng và biến mất. "Tôi" - nhân vật chính của truyện - nghèo, không có than, sắp chết vì giá lạnh. Vợ chồng người bán than sống trong một không gian ấm áp, họ phải mở cửa để cho hơi nóng thoát ra ngoài, nếu không, họ sẽ không chịu nổi. Căn phòng ấm áp của họ xuất hiện, trong cái giá lạnh và sự rét mướt của nhân vật chính, như một trung tâm. "Tôi" phải mua than mới có thể sống. Nhưng, "tôi" không có tiền, nghĩa là không thể xâm nhập trung tâm, vì vợ chồng người bán than đã khước từ, không bán chịu cho "tôi". Tôi, bằng một suy tư quái đản chợt đến, đã cưỡi lên cái xô, và cầm lấy quai xô - một thứ dây cương giản dị nhất. Tính chất lệch lạc của suy nghĩ gợi một tình thế hết sức tréo ngoe của thân phận. Dường như ở đây có một sự nổi loạn yếu ớt, để chống lại hiện thực. Yếu ớt, vì "tôi" đã không thể chống lại khi người đàn bà cởi dây thắt lưng, dùng tạp dề quạt bắn anh ta ra xa. "Tôi" đáp xuống núi băng, chỗ tận cùng của ngoại biên, và biến mất. Cũng cần phải thấy rằng, dường như, trong mắt một kẻ bên lề, thì trung tâm luôn luôn bí hiểm, khác lạ, nên thế giới truyện là thế giới của những nghịch dị, khác lạ: người điếc thì có thể nghe, người không điếc thì không thể...

 Làng gần nhất có ba nhân vật: "tôi", ông "tôi" và chàng trai. Một câu chuyện kể hoàn hảo. Điều kì lạ là một chàng trai trẻ, khỏe, có đủ phương tiện, không gặp trở ngại gì trên đường, lại không thể đến được cái làng bên cạnh. Điều này cũng như K trong Lâu đài, không bao giờ vào được bên trong, thậm chí, không thể đến cửa lâu đài, vì con đường thường vòng vèo dẫn chàng đến một hướng khác. Nỗi thèm khát trung tâm không chỉ xuất hiện một lần, mà là thường trực, như một ám ảnh, bởi vì "ông tôi thường nói". Theo Lê Huy Bắc, ở đây có sự song trùng giữa "tôi" - người kể chuyện và chàng trai - nhân vật được kể tới. "Tôi" là chủ thể chiêm nghiệm, chàng trai là đối tượng chiêm nghiệm. Chàng trai chắc chắn đã đi, nhưng không thể đến. Đấy là điểm cốt lõi để giải thích ý thức về thân phận bên lề của Kafka.

            2.2. Khát vọng chinh phục bất thành: Lâu đài, Vụ án, trước cửa pháp luật và v.v..

            Như chúng tôi đã nói, trong sáng tác của Franz Kafka, mặc cảm ngoại biên luôn hiện hữu, đôi khi trở thành một thực thể. Bằng sự nhạy cảm của một thiên tài bị ruồng rẫy, Kafka luôn nhìn thấy một cách có khi mơ hồ, khi hiện hữu cuộc xua đuổi được thực hiện từ phía trung tâm. Và trung tâm, vì vậy, có vẻ như là một cái gì đó xa vời, xa xỉ đối với các nhân vật của ông. Chính vì thế, người ta thấy trong các sáng tác của Kafka thường xuất hiện những nhân vật chinh phục.

Cuộc chinh phục với khát vọng mãnh liệt nhất, vì thế, cũng dai dẳng nhất thuộc về K. của Lâu đài. Lâu đài kể chuyện K., một người đạc điền, trong một đêm khuya, dưới mưa tuyết, lặn lội đến một cái làng có sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi sừng sững và một lâu đài lớn, theo giấy gọi đến làm việc. Anh xin trọ ở quán vì không thể vào lâu đài đã đóng cửa. Người ta cho anh nằm trên một tấm dạ với lí do là anh không có giấy phép ngụ cư. Khi biết là anh được gọi tới, người ta liền gọi điện tới lâu đài để xác nhận thông tin, song phía lâu đài ban đầu trả lời không, sau đó cải chính... Các chương dàn ra trong một mạch kể chậm chạp, đều đặn, kể chuyện K. chạy vạy để được những nhân viên có trách nhiệm xác nhận quyền ngụ cư hợp pháp trong làng. Anh cố tìm vị bá tước, nhưng vô vọng. Anh chỉ được phép nhìn thấy ngài chánh văn phòng qua một lỗ khóa ở quán. Câu chuyện bị bỏ dở khi số phận con người nhỏ bé, cô đơn ấy chưa được định đoạt.

Tính chất bên lề của nhân vật được thể hiện ngay từ cái tên. Một chữ K. trống trải và vô nghĩa. Ở đây cần nói thêm rằng, trong nhiều tác phẩm của Kafka, nhất là những tác phẩm thể hiện rõ mặc cảm bên lề, tên nhân vật thường xuất hiện dưới dạng một kí tự, một sự vô tăm tích, vô thừa nhận: K. trong Lâu đài, Jozep K (thường được gọi tắt là K.) trong Vụ Án, Josep K. trong Giấc mơ... Hoàn toàn có thể nhìn nhận đấy như là nhận thức bi thảm về thân phận bên lề của nhà văn, về những cá nhân và về những dân tộc được coi là thiểu số, là ngoại biên, những khu vực bị thống trị (nơi Kafka sống cho đến lúc mất lúc bấy giờ đang thuộc đế chế Áo - Hung). Đấy là những dân tộc, nhưng khu vực cư dân vô thừa nhận, bị rẻ rúng. Vì bị rẻ rúng, nên nhân vật càng quyết tâm bằng mọi cách thâm nhập, chinh phục nó. K đến lâu đài, và chờ đợi, tìm kiếm, nhẫn nại tìm đủ mọi cách để thâm nhập, bằng mọi con đường, thậm chí chấp nhận cả phương án lợi dụng Frida, là người tình mới quen của chàng. Nhưng chàng đã chờ đợi trong vô vọng. Các thủ tục hành chính rắc rối đã khiến khát vọng của chàng trở nên bất khả. Hành trình của K cũng rất dài. Con đường đã không dẫn chàng đến ngọn đồi có lâu đài, mà cứ lòng vòng mãi, khi gần đến, dường như cố ý, nó lại vòng sang lối khác. Vậy là, lâu đài ở đây không thể tiếp cận, không thể tồn tại một cách cụ thể. Nó ở nơi nhưng cũng không ở đâu cả. Đấy là huyền thoại về một tổ chức quyền lực quan liêu, nhưng lại cũng là một hình ảnh xa vời về trung tâm. K. ở rìa lâu đài, và cũng không làm được gì chứng minh sự hữu ích của mình: chàng uống bia, quan sát một cách lơ đãng những người nông dân, và làm tình. Để nhấn mạnh trạng thái bi thảm này, Kafka đã chú ý tô đậm sự ngưng đọng, mệt mỏi, vô nghĩa bằng cách kéo thời gian đến mênh mông. Cuộc làm tình của K. với Frida trong vũng bia sau quầy, được miêu tả trong mấy dòng, nhưng người đọc có cảm giác kéo dài cả thế kỉ. Tương tự, thời gian nhân vật ở lâu đài chỉ sáu ngày nhưng có cảm giác như nó đã đi hết số phận K.

Trong Vụ án, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Jozep K. đột nhiên bị hai nhân viên cảnh sát đến bắt đi. K. bị kết tội, mà cũng không rõ là tội gì. K. đã quyết định đi tìm hiểu vụ án của mình, nhưng vô vọng. Tình thế của K. không hề tiến triển theo mong muốn. Đi tìm hiểu vụ án, K. bị lạc vào mê cung tạo nên từ hệ thống nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh. Những người láng giềng, ông chú, họa sĩ Titôreli, luật sư Hun, linh mục, cô Leini, đám đông ở phiên tòa, lũ trẻ trong hành lang của khu nhà chật và tối. Những nhân vật xuất hiện không có hệ thống, nhấn mạnh sự lỏng lẻo và u tối của các quan hệ xã hội trong một xã hội không có quan hệ. Trước mắt K. luôn mở ra những sự kiện trái khoáy hoặc vô nghĩa. Và cũng giống như K trong Lâu đài, con đường dẫn đến lâu đài luôn bất ngờ từ chối tiếp cận với nó, mà đi vòng sang lối khác; ở Vụ án, K luôn luôn trượt khỏi sự tính toán của mình. Định đến pháp viện, nhưng chàng hết vào nhà họa sĩ lại đến nhà thờ. Và toàn phải nghe những lời không muốn. Có điều khác với Lâu đàiVụ án có một kết thúc có vẻ đúng nghĩa hơn. J.K. đã phải chết. Cũng trong tình hình ấy, người nông dân trong Trước cửa pháp luật đã không tiếp cận được pháp luật, cho dù đã chờ đợi, suốt bao nhiêu năm, trong khi cửa pháp luật hằng ngày vẫn mở. Càng ngày đầu óc bác càng lú lẫn đi và bởi vì trong suốt bao năm chờ đợi, bác đã quen cả mấy con rận trong cổ áo lông của anh bảo vệ, nên bác đã cầu cứu đến cả lũ chúng để thuyết phục anh ta. Cuối cùng mắt bác ngày càng kém đi, không còn nhận ra xung quanh trời tối hơn hay do mắt mình đã lòa. "Bác ra dấu cho anh gác cửa lại gần, vì không còn nhấc nổi cái cơ thể đã bắt đầu lạnh cứng. Người gác cửa phải cúi thấp xuống đất để nghe. "Bây giờ bác còn muốn biết gì nữa, - anh ta hỏi, - bác vẫn chưa thỏa mãn ư?". "Anh thấy đấy, mọi người muốn tìm hiểu pháp luật là gì, bác hỏi thều thào. - Vậy tại sao trong suốt mấy năm trời cay đắng vừa qua tôi chẳng thấy ai đến gặp pháp luật ngoài tôi ra cả?". Người gác cửa thấy ông già sắp chết đến nơi và để cho đối tai nghễnh ngãng của bác còn có thể nghe ra, anh ta gào to: Ở đây không một ai được phép vào, bởi vì cái cửa này chỉ dành cho một mình bác thôi. Bây giờ tôi đóng lại đây"(10). Truyện kết thúc như thế. Trong cái chết sau một thời gian không rõ là bao nhiêu năm tháng đợi chờ mòn mỏi trước cửa pháp luật, bi đát hơn cả trong Lâu đài và Vụ án. Nếu trong Lâu đài, nhân vật không chết, trong Vụ án, nhân vật chết, và trước khi chết, dù không hiểu được bản chất vụ án của mình, nhưng nó cũng vào được cánh cửa của pháp luật, dẫu là vào chốn mê cung, thì ở đây, nhân vật vĩnh viễn bất lực trước cánh cửa ấy. Trung tâm, do thế, vẫn là cái gì đó xa vời.

            2.3. Sự đầu hàng hay trốn chạy - thái độ thỏa hiệp trước tình thế

Các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rất rõ rằng, phổ biến trong các tác phẩm của Kafka là trạng thái thức nhận về nỗi cô đơn, sự lưu đày và cái chết. Theo một cách cắt nghĩa khác, có thể lí giải nó như là trạng thái thỏa hiệp của cái tôi bên lề trước tình thế của thực tại, khi khát vọng hòa nhập không thể nào thực hiện được. Nhiều nhân vật của Kafka, sau những nỗ lực không thành để tiếp cận hay chống lại một cái gì đó, đều sẽ chết, hay biến mất khỏi thế giới bằng một hình thức nào đó. Gregor chẳng hạn. Ý thức được sự biến dạng của mình, trong một giấc mơ lộn xộn. Và mặc dù mang lốt bọ, thì trong suy tư của chàng, người ta vẫn nhận ra tiếng nói của một con người với các cung bậc của tình cảm và lí trí. Biết trời đã sáng, đã đến giờ làm, chàng đã tự xoay xở để thoát khỏi cái giường mà tấm lưng đã như dính chặt vào. Tiếp nữa, chàng càng quyết tâm hơn khi nghe tiếng gọi của mẹ, của em gái và của lão quản lí cùng với bao nhiêu toan tính của chính mình. Và chàng muốn thoát ra khỏi căn phòng chật chội, đóng kín. Nhưng càng quẫy đạp, càng vật lộn, chàng càng nhận thấy mình bất lực với tấm thân quá kềnh càng so với những đôi chân bé xíu. Rồi, những đồ vật quan thuộc, chàng muốn có nó, nhưng càng cố chúng càng bị đẩy ra xa. Trong suốt quá trình tồn tại trong kiếp bọ, Gregor đã cố hết sức để lăn xả vào với xã hội loài người. Nhưng những nỗ lực vô vọng của nhân vật chỉ có giá trị tô đậm thêm tính bất khả của tình thế. Gregor, cuối cùng đã chết, một cái chết vô tăm tích. Cũng như thế, Joshep K trong Vụ án, càng nỗ lực tìm hiểu bản chất của vụ án, càng bị đẩy ra xa khỏi pháp viện cùng với những bí mật của vụ án. Cuối cùng, vào một đêm trước sinh nhật lần thứ ba mốt của anh, hai viên cảnh sát đến dẫn anh đi ra ngoài thành phố, và sau một lúc nhường nhịn, đưa đẩy qua lại dễ gợi tưởng những lễ nghi tôn giáo một trong hai đứa "túm lấy cổ áo anh; đứa kia thọc dao vào tim anh và ngoáy ngoáy hai lần. Đôi mắt đã lờ đờ, nhưng K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi xuống mặt anh để quan sát cảnh chót.

            - Như một con chó! - anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời"(11).

Ở có vẻ như mọi chuyện kết thúc nhẹ nhàng, nhất là, trước khi chết nhân vật còn thốt lên được một câu. Nhưng thực chất, đó là một kết thúc hết sức nặng nề. Nặng nề bởi con dao thọc vào tim ngoáy ngoáy hai lần, nặng nề bởi trước đó nhân vật đã trải qua một nỗi vô vọng tuyệt đối, và nặng nề bởi sự tri nhận về tính chất thê thảm của thân phận. Cũng như vậy, người nông dân trong Trước cửa pháp luật đã chết, với một cái chết không kém phần đau đớn, khi nhận thức cuối cùng mà bác có được là: bác là người duy nhất đến trước cánh cửa pháp luật, bởi nó chỉ dành riêng cho bác. Vậy là, con đường vào trung tâm của những người thiểu số, những người bị thống trị luôn luôn bị một cánh cửa vô hình chặn đứng, dẫu rằng, một cách giả tạo, người ta vẫn cho anh một con đường để tiếp cận. Anh tồn tại ở đấy, nhưng không bao giờ nắm được bản chất của sự việc, nếu cố, anh sẽ chết.

 Bên cạnh những nhân vật phải chết trong tuyệt vọng, trong các tác phẩm của Kafka còn xuất hiện những nhân vật không chết, nhưng cũng không bao giờ có thể vào được trung tâm. K. trong Lâu đài bỏ đi sau khi nói những câu chuyện vô bổ về quần áo với người đàn bà vô vị. Và tác phẩm khép lại bằng câu nói của người đàn bà này: "Ngày mai nhận quần áo mới, có lẽ tôi sẽ cho tìm anh". Và dĩ nhiên, lâu đài, nơi anh muốn đến, vẫn mãi ở phía trước, trong sự lòng vòng bất nhẫn của con đường (lâu đài ở đây vì thế, trở thành biểu tượng trung tâm hết sức kiên cố). Người cưỡi xô trong truyện cùng tên, sau khi bất lực trong việc tiếp cận cửa hàng than trong ngày giá rét (vì đây là ngày giá rét, nên cửa hàng than phải được xem như một thứ trung tâm, và người bán than chính là chủ trung tâm ây), đã bị bà chủ tháo dây buộc tạp dề rồi vung tạp dề quạt đi xa. Tác phẩm kết thúc trong nỗi khốn cùng, tuyệt vọng của nhân vật:

"Đồ đàn bà ác độc!". Tôi hét với lại trong lúc bà ta quay vào cửa hàng nửa tỏ vẻ ngạo nghễ, nửa trấn an, vung nắm đấm trong không khí: "Cái con mụ đàn bà khốn nạn! Tao cầu xin mày mỗi một xẻng than xấu nhất mà mày cũng không cho". Với tiếng nguyền rủa ấy, tôi đáp xuống núi băng và biến mất"(12). Ở đây, nhân vật đã bị đẩy vào một trạng thái lố bịch nhưng hình như nó cố không chấp nhận tình thế lố bịch ấy. Việc đáp xuống núi băng và mất tích, như một ẩn dụ xót xa về sự cự tuyệt của trung tâm đối với số phận của những kẻ chầu rìa. Cặp đôi cửa hàng than - núi băng là những biểu tượng hoàn hảo cho hai khái niệm này.

3. Hệ quả bất ngờ của nỗi tủi hổ: những khả năng mới của tiểu thuyết hiện đại

            3.1. Hiệu ứng ngược của tự ti: sự bất đắc dĩ trong sáng tạo cốt truyện và hiện thực

Vậy là, ý thức sâu sắc về thân phận ngoại vi của mình, ngoại tộc mình đã giúp Kafka xây dựng một thế nghệ thuật mà ở đó, mặc cảm lạc loài, mặc cảm bên lề đã trở thành một nỗi ám ảnh ghê rợn. Kafka mãi mãi không thuộc về trung tâm, trong ý thức của ông, và từ đấy, dường như một cách vô thức, những hành động sáng tạo của ông cũng là những nỗ lực cựa quậy để thoát khỏi trung tâm, như một cuộc đào tẩu mà những kẻ tự ti, những người hay hờn dỗi vẫn thường làm. Một khi đã không thể thống nhất được về vị trí và ý chí, không thể thống nhất được tư tưởng thì cũng không thể nào thống nhất được về hình thức bày tỏ tư tưởng. Dường như Kafka, mỗi khi đặt bút viết một điều gì đều nhắc mình như thế. Kafka rất ngưỡng mộ các nhà hiện thực chủ nghĩa, nhất là Dosoievski, nhưng ông không thể viết như họ. Bởi những người tiền nhiệm của ông thuộc về trung tâm. Quan trọng là, những suy tư (nếu có) của Kafka ngẫu nhiên trùng khớp với một quy luật hiển nhiên của văn học: một khi cái nhìn thế giới và con người thay đổi, hẳn nhiên cần tìm ra, thậm chí, có khi rất tự nhiên, hình thức tác phẩm phải thay đổi.

Chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX đã hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ phản ánh cuộc sống trong những quy ước thẩm mĩ của chính nó, với những quy phạm nghiêm nhặt về hình thức, như sự đầy đủ thành phần của các cốt truyện, sự miêu tả kĩ lưỡng nhân vật trong mối quan hệ biện chứng với hoàn cảnh và sự tôn trọng tuyệt đối các chi tiết... Nhưng những quy phạm đó đã trở nên thiếu vắng ý nghĩa trong các sáng tác của Kafka, bởi Kafka hình như không hề có ý tưởng phản ánh hiện thực hay kể lại những gì thuộc về con người trong sự liên quan đến các phạm trù đạo đức xã hội. Kafka là người kể những câu chuyện về thân phận con người, nhất là thân phận của những người vô tăm tích. Vậy nên, người ta thường nói đến sự mờ hóa cốt truyện trong tác phẩm của ông. Kafka đã đúng. Khi miêu tả những con người trong nỗi cô đơn, trong sự lưu đày và cái chết, khi miêu tả con người trong nỗi tủi hổ bên lề, ông cần gì một cốt truyện đầy mâm đủ bát! Tất cả các tác phẩm của Kafka đều có những cốt truyện khá đơn giản, từ tác phẩm bề thế nhất như Lâu đài, đến những tác phẩm có dung lượng nhỏ bé như Làng gần nhất. Motip cốt truyện của Kafka, như trên đã nói, thường bắt đầu bằng một biến cố nào đó, tiếp theo, nhân vật sẽ bị cuốn vào những sự kiện, tình huống ít gay cấn, và cho đến khi kết thúc sinh mệnh của nó, hoặc kết thúc tác phẩm, với một câu nói, hay một sự kiện khiến người đọc không thể khép lại những suy tư của mình: Gregor Samsa biến thành một con côn trùng khổng lồ và chết, được bỏ lên một xe rác tống khứ ra ngoại thành; K đến lâu đài chờ chực, nỗ lực tiếp cận nó nhưng thất bại; Joshep K. bị bắt, bị kết án, đi tìm hiểu vụ án, chấp nhận một cái chết lãng xẹt; người cưỡi xô muốn kiếm một xẻng than trong ngày giá rét, nhưng không được, sau cùng phải đáp xuống núi băng và biến mất... Thậm chí, toàn bộ Làng gần nhất chỉ có vẻn vẹn bấy nhiêu: "Ông tôi thường hay nói: Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ. Trong kí ức của ông, giờ đây nó thu nhỏ mình lại đến mức thật khó hiểu nổi vì sao một chàng trai lại có thể quyết định đi ngựa tới làng gần nhất mà không e ngại - cứ cho là không gặp tai nạn gì đi nữa - rằng một kiếp sống bình thường và trôi chảy cũng còn khó mà đủ cho cuộc du lãm ấy"(13).

Có thể thấy rằng, cốt truyện trong các tác phẩm của Kafka chỉ là một cái cớ theo đúng nghĩa để nhà văn phát biểu những trăn trở về thân phận bị hắt hủi của mình, và của dân tộc mình. Nó dường như không được sử dụng để miêu tả lịch sử, văn hóa, phong tục hay các mâu thuẫn xã hội với thái độ phê phán hay ngợi ca. Và vì thế, nhà văn trở thành người kể chuyện trầm lặng.

Để thể hiện niềm tin vào sự bất hạnh ấy, Kafka, vì thế không mô tả trong tác phẩm của mình một thứ hiện thực rộng lớn với những biến động của đời sống, bằng chính hình thức của bản thân đời sống thế tục. Những nhận thức cay đắng của Kafka về bí mật của trung tâm thực sự đã khiến nhà văn không có gì để kể tả. Một hiện thực mù mịt, khó nắm bắt bởi màu sắc của huyền thoại và thứ hiện thực hai bình diện là kết quả của một lối kể chuyện bất khả tri. Kafka mù tịt về trung tâm, nhưng lại luôn cố hình dung về trung tâm ấy để miêu tả lại nó. Và nghệ thuật miêu tả cái vắng mặt, sự sáng tạo hiện thực hai bình diện, có thể hình dung như là một nỗi bất lực mơ hồ. Lê Huy Bắc trong Nghệ thuật Phran-dơ  Káp-ka đã nhấn mạnh đến sự thiếu tự tin trong lúc kể chuyện của Kafka. Điều này hẳn có những lí lẽ của ông.

            3.2. Tôi không là gì: sự "thủ tiêu" nhân vật

Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kafka, như nhiều nhà nghiên cứu thống nhất đánh giá, là có những đột phá quan trọng. Người ta hay nói đến việc nhà văn không cung cấp cho nhân vật một đời sống đầy đủ, như là biểu hiện của sự biến mất của con người trước thế giới, hoặc biểu hiện của con người bị vật hóa, công cụ hóa trước thiết chế xã hội toàn trị. Trong bài viết này, chúng tôi nhìn thấy ở đó dấu hiệu của những mặc cảm bên lề. Trong nhật kí, Kafka đã từng cho thấy những khắc khoải về việc bị đá văng khỏi thế giới, khắc khoải truy vấn "tôi là ai" trên đời này, khắc khoải về nên văn chương và ngôn ngữ dân tộc Do Thái của ông. Mỗi nhân vật của Kafka dường như là một biểu hiện cụ thể của niềm khắc khoải ấy. Họ lần lượt xuất hiện trong tác phẩm với một nhân thân không rõ ràng. Thậm chí, họ không có lấy một cái tên. Họ luôn luôn xuất hiện một cách bí ẩn không giống bất kì nhân vật nào trong các sáng tác của các nhà hiện thực tiền bối. Các nhân vật của Kafka lặng lẽ tồn tại không cần đến một tiểu sử. Nó không có gia đình, bè bạn và người thân. Nói một cách thoả đáng hơn, khác với những K., những người cưỡi xô hay nghệ sĩ nhịn đói, Jozef K. có một ông chú và cô em họ (cô em này, người đọc chỉ nghe nói đến), thương gia trẻ tuổi Georg Bendemann hơn Jozef K. một ông bố, Gregor Samsa có hẳn một gia đình. Song, những người thân ấy xuất hiện không bao giờ mang đến một tình cảm ấm cúng, một sự sẻ chia cho nhân vật, cũng không nhằm làm cho nhân vật có một vị thế xác định trong mối quan hệ xã hội. Họ có mặt ở đó hoặc theo kiểu những người xa lạ, hoặc chỉ gây thêm rắc rối, hay như kẻ thù của nhân vật, tăng thêm tính không xác định của nó trong thế giới. Họ xuất hiện trong những biến cố nào đó, để rồi họ bị đẩy văng khỏi gia đình. Ngoài mẹ và cô em gái của Gregor với thứ tình thương mà bản thân họ không đủ kiên nhẫn theo đuổi, và ông chú lạ lùng của Jozef K., các nhân vật còn lại đều dửng dưng với người thân đau khổ của mình. Điều này cho thấy, ngay từ khi mới xuất hiện, nhân vật của Kafka đã cô đơn, như dấu hiệu của sự cắt lìa trung tâm. Nhân vật của Kafka cũng chấp nhận là một kẻ lang thang không có nghề nghiệp, vì chẳng bao giờ thấy ông giới thiệu cho nó một việc làm. Hoặc nếu có một việc làm thì cũng chỉ là nghe nói, mà chẳng thấy nó làm cái việc của nó. Nó luôn luôn đứng bên lề công việc, nhất là K. trong những ngày ở lâu đài. Không có một diện mạo rõ ràng, không tính cách, nhân vật của Kafka chấp nhận tồn tại với một cái tên, mà cái tên ấy có lúc chỉ như một sự bắt đầu, bằng một chữ cái đầu.

Ở phía ngược lại, những nhân vật đại diện cho trung tâm bao giờ cũng xa vời, và những kẻ như K, Joshep K. không bao giờ có thể tiếp cận. Đó là những con người có một địa vị trong xã hội, có tên tuổi để gọi, như vị chủ nhân của lâu đài - bá tước Wets West, ngài chánh văn phòng Klamm. Những nhân vật này thực sự kì bí ở chỗ họ luôn luôn dấu mặt ở đâu đó, chẳng hề tham gia vào việc uống bia, làm tình hay bất cứ một công việc nào liên quan đến đời sống cộng đồng, nhưng cái tên của họ lại ăn sâu vào đời sống ấy như một ám ảnh, một đe doạ. Mọi người luôn nhắc đến họ với niềm kính cẩn trong vẻ sợ hãi đến tột độ, và niềm tự hào khó hiểu. Bà chủ quán Bên cầu có lẽ chỉ có một sự an ủi, một niềm kiêu hãnh làm người duy nhất là đã từng được Klamm gọi đến, đã từng là người tình của ngài mặc dù chưa bao giờ "chuyện trò", thậm chí chỉ là "nhìn thấy" ngài: "Ông không thể thực sự nhìn thấy Klamm và điều này về phần mình tôi cũng không nói quá, bởi vì chính tôi cũng không thể nhìn thấy ông ta thật sự. Làm sao mà Klamm nói chuyện được với ông một khi ngài không thèm nói chuyện với cả người làng này. Ngài chưa bao giờ nói chuyện với một người nào trong làng cả."(14) Trong Lâu đài, ta còn thấy một nhân vật khác, xuất hiện, tiếp xúc với con người nhưng không có tên, chỉ thấy mọi người gọi anh ta là "ngài trẻ tuổi", tức là anh ta vẫn còn dấu diếm một cái gì đó phía sau sự có mặt của mình. Trong sự khiếm khuyết của các nhân vật, ta thấy tính chất đe doạ, sự áp bức vô hình và mức độ bí ẩn càng gia tăng. Tính chất ma quái của những West West, những KLamm, những ngài trẻ tuổi..., càng cho thấy cái bí hiểm đến tận cùng của thế giới.

Còn rất nhiêu những điều có thể nói đến về hiệu ứng ngược trong những nỗ lực tiếp cận - chối bỏ trung tâm của Kafka thể hiện trên các bình diện nghệ thuật khác. Nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi không thể trình bày một cách đầy đủ. (để làm được điêu đó, có thể cần đến một chuyên luận). Thực ra, trong hầu khắp mọi phương diện của nghệ thuật Kafka, những hiệu ứng này đều thể hiện với những mức độ khác nhau. Tất cả các dấu hiệu của huyền thoại hóa, phi logic hóa, miêu tả cái phi lí, sự chú trọng các chi tiết như một hoài niệm chủ nghĩa hiện thực... đều có ít nhiều liên quan đến mặc cảm ngoại vi của nhà văn. Thiết nghĩ, những gì đã phân tích trên đây cũng đã phần nào thể hiện được những thành tựu của Kafka trong việc tự mình xác lập một trung tâm mới, trên cơ sở bị hắt hủi bởi, hay tự chối bỏ trung tâm.

            4. Thay lời kết: đốt hay không, đâu là ý muốn thực sự của Kafka?

Georges Bataille đã nói trong một tiểu luận của mình khi bàn về cuộc tranh cãi có nên đốt Kafka hay không: "Nhưng trước khi bắt đầu cuộc thăm dò, ban biên tập "Action" đã nhận được câu trả lời từ chính tác giả, người mà khi còn sống hay dẫu sao cũng đã ở ngưỡng của cái chết, đã bị dằn vặt bởi mong muốn đốt hết các tác phẩm của mình"(15). Điều đó cho thấy Kafka không phải đã thực sự muốn đốt hết những gì ông viết. Vả chăng, nếu thực sự không còn lưu luyến, day dứt, tại sao chính nhà văn không làm việc này, mà lại phải ủy quyền cho M.Brod làm, nhưng phải chờ sau khi ông chết? Phải chăng việc muốn đốt tác phẩm không xuất phát từ một điều gì khác mà chính là xuất phát từ sự thiếu niềm tin của tác giả vào tác phẩm của mình? Kafka là người kể chuyện thiếu tự tin, điều này không chỉ thể hiện trong các tác phẩm, mà cả trong nhật kí. Đã không ít lần ông phàn nàn, tỏ ra thất vọng về tài năng của mình, cũng như ông luôn tự ti về bản thân, trong đó có nỗi mặc cảm về nguồn gốc xuất thân bên cạnh những mặc cảm về năng lực, bệnh tật. Cũng đã không ít lần ông băn khoăn về tài năng, về tác phẩm của mình, ngay từ tuổi thơ (qua những dòng hồi cố) đến lúc đã theo đuổi nghiệp viết. Đấy là kết quả của điều thức nhận về vị trí của mình trong văn đàn (thực ra, lúc sinh thời, chưa mấy người biết đến tác phẩm của Kafka). Vậy nên, những lời tán tụng về nguyện vọng của Kafka, xem như đó là một hành động chối bỏ thế giới, phải chăng cũng nên được xem lại?

                                                                                     Vinh, 25 tháng 9, 2014      

Chú thích:

(1). Theo Đặng Anh Đào trong giáo trình Văn học phương Tây: "Đối với Kafka, hơn bất cứ một nhà văn nào khác, thật khó xác định một bối cảnh lịch sử xã hội truyền thống văn chương. Sở dĩ như vậy, chẳng những vì tính chất toàn thế giới, đa dạng và phong phú trong vốn văn học của ông, mà còn vì rất khó xác định rằng ông chỉ là kết tinh của một nền văn hóa Tiệp, Đức hay Do Thái. Về nguồn gốc, người ta xác định rằng ông là người Tiệp, gốc Do Thái, viết bằng tiếng Đức, có khi lại gọi ông là ngườu Tiệp, gốc Đức... Vả chăng, tuy sinh trưởng ở Bohemia, nhưng thời thanh niên của ông lại rất gắn bó với Viên (lúc bấy giờ thuộc đế quốc Áo - Hung)". - Ngay ở điểm này, người ta cũng đã thấy được sự mơ hồ về nguồn gốc và quốc tịch của Kafka. Thêm một bằng chứng về thân phận của kẻ "bên lề".

(2). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.804.

(3). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.823.

(4). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.823.

(5). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.809.

(6). Harold Bloom (1994), The Western canon the books and school of the ages (Điển phạm phương Tây, tác phẩm và trường phái qua các thời đại), Harcourt Brace Publishing, tr. 453, Hồ Thị Vân Anh dịch, tài liệu đánh máy.

(7). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.806.

(8) Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.824.

(9). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, tr. 16.

(10). Franz Kafka tuyển tập, Sđd, tr. 46.

(11). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr. 759-760.

(12). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr. 300.

(13). Franz Kafka truyển tập tác phẩm, sđd, tr. 797.

(14). Franz Kafka tuyển tập tác phẩm, sđd, tr.799.

(16). Georges Bataille, Văn học và cái ác, Ngân Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Thế giới, H. 2013, tr. 227.

Nguồn: Viện Văn học

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *