Chân dung văn

15/4
10:46 AM 2017

NHÀ VĂN BÃO VŨ: NGƯỜI KỂ CHUYỆN CỔ TÍCH HIỆN ĐẠI

Nguyễn Long Khánh-Nhà văn Bão Vũ xuất hiện trên văn đàn muộn: Năm 1998 anh mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Cánh đồng mơ mộng” và ngay lập tức được coi là hiện tượng văn chương lúc bấy giờ… Sau đó liên tiếp từ năm 1999 đến năm 2007 Bão Vũ cho ra đời 3 tập truyện ngắn: Biển nổi giận (1999); Mây núi Thái Hàng (năm 2000); Hoang đường (năm 2003); Hai truyện vừa: Vườn thuốc (năm 2001), Thị trấn Mỵ Giang (năm 2002) và 2 tiểu thuyết: Vĩnh biệt vườn địa đàng (năm 2004); Bài hát cỏ vi (năm 2007).

Một số truyện ngắn, truyện vừa của ông được chuyển thể thành kịch bản phim truyện truyền hình, phim truyện nhựa, kịch truyền thanh như: Trầu têm cánh phượng, Chuyến taxi cuối cùng, Người muôn năm cũ, Cây bạch đàn xào xạc, Niệm khúc, Rau cải đắng, Chuyện có thể, Trò đùa của Thiên Lôi v.v… Tác phẩm của ông còn được dịch ra tiếng Anh: Truyện ngắn Cô gái không biết khóc (năm 2002), Truyện Vết thương trong không gian (năm 2005). Ông được tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giải thưởng văn học nghệ thuật Hải Phòng v.v…

 

Ông nổi tiếng nhanh, tạo được ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo người đọc đến mức một nhà văn  phải thốt lên ngạc nhiên: “Sao cái ông kiến trúc sư này cuối đời lại hứng lên lấn sang lĩnh vực văn chương để làm gì?”. Thực ra, Vũ Bão (tên thật của nhà văn) viết văn từ  sớm: Những năm 60 ông đã viết những truyện ngắn khá hay, nhưng cứ sửa đi sửa lại, bận công việc chuyên môn nên ông ngại gửi đi như truyện ngắn Những đám mây  ông viết từ năm 1961, sửa lại lần cuối năm 2001 mới gửi đi.

Bão Vũ là người sống khép kín, kiệm lời, khiêm tốn. Việc anh chậm xuất bản những gì mình viết có nguyên nhân của nó: Vì khi làm công việc  một kiến trúc sư anh hết lòng, luôn có trách nhiệm với những đồ án, bản vẽ hàng trăm công trình của mình. Chỉ đến khi chuẩn bị nghỉ hưu anh mới  lại cầm bút thường xuyên hơn. Những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời từ năm 1998 đến năm 2014 đã minh chứng tài năng, vốn sống, bút pháp văn chương, khẳng định vị trí của anh trong văn học Việt Nam.

Ngoài những giải thưởng văn học, anh được cử vào Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khoá 7 và là Chi hội Phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng.

Đọc Bão Vũ, ta có cảm tưởng anh mới chỉ nói 50% những điều anh biết, anh cảm nhận. Hai cuốn tiểu thuyết, hai truyện vừa, sáu tập truyện ngắn và những kịch bản phim làm ta giật mình khi đọc anh… Đọc Bão Vũ không thể vội, mà phải chậm rãi, nhẩn nha, nhiều khi phải dừng lại bỏ vài ngày cho ngấm rồi mới đọc, mới thấm được cái hay trong những câu chuyện có vẻ cũ kĩ, cổ xưa nhưng hiện đại, lôgic, như thời chúng ta đang sống. Đó là những chuyện cổ tích mang dáng dấp liêu trai, hoài cổ về cuộc đời.

Tôi mê truyện ngắn của Bão Vũ vì cùng một cách viết, cách nghĩ nhưng đọc anh tôi thấy thú vị hơn đọc một số nhà văn khác. Đó là suy nghĩ của  tôi khi đọc những truyện ngắn tiêu biểu của anh trong tập  Thung lũng ngàn sương (năm 2013). Truyện ngắn đầu tay Những đám mây Bão Vũ viết ở Hà Đông từ năm 1961 khi còn là cậu sinh viên kiến trúc đi thực tập: Một câu chuyện buồn trong veo đượm màu cổ tích về thằng bé Vũ được bố nó gửi lại ở với anh khi đi cùng con tàu Hải quân ra biển sáng tác rồi hy sinh không về nữa. Thằng bé chỉ có một mình, đói và buồn. Những buổi chiều nó thường ngồi bất động trước nhà ngửa cổ nhìn những đám mây bay trên trời mà tưởng tượng ra các chuyện cổ tích về những con ngựa, con gấu bay, những vị tướng, dũng sĩ và cả những con quỷ mà mẹ Vũ khi còn sống đã kể cho nó nghe. Những câu chuyện thần tiên từ hình thù của những đám mây ấy, trong  những giấc mơ bao giờ mẹ nó cũng hiện về nói với nó những lời âu yếm, ngọt ngào. Anh (tác giả) thương xót Vũ, luôn giúp thằng bé tưởng tượng những câu chuyện thần tiên từ những đám mây ấy vì có hôm giông gió bầu trời vần vũ đen ngòm...

Cái kết của truyện ngắn thật buồn thảm: Bố Vũ chết, bác ruột đến đón nó về quê ở vùng núi nào đó để chăn trâu cắt cỏ. Hình ảnh thằng bé trọc đầu, gầy gò, ngơ ngác, mặc chiếc áo thụng quá gối, cầm chiếc đồ chơi con ngựa của bố nó làm từ ống tiêm theo người đàn bà thấp bé, còm nhom mặc bộ đồ đen dắt nhau rời ngôi nhà nơi nó đã tá túc hàng năm ngồi ngắm những đám mây thật buồn, khiến trái tim người đọc  rưng rưng. Đó chính là tài năng thiên bẩm của Bão Vũ trong các câu chuyện cổ tích hiện đại của mình. Những câu chuyện hoài cổ long lanh thoảng mùi hương tinh khiết, thanh tao dành cho những tâm hồn tinh tế chia sẻ cùng anh.

Hai truyện ngắn Thung lũng ngàn sương, Liễu Chương Đài là những chuyện kiểu liêu trai hư ảo, nửa thực nửa mơ, như xảy ra từ trăm năm trước mà vẫn đậm chất đời thường hôm nay. Tình yêu của chàng sinh viên trường Y với nàng  Mai Thi xinh đẹp vợ hoàng tử vua Mèo ở thung lũng Ngàn Sương kia có thật hay do Bão Vũ tưởng tượng ra có lẽ chỉ nhà văn biết? Cũng như chuyện chàng thi sĩ đói khát Hàn Hoành với nàng kĩ nữ Liễu Thị ở Trường An có phố Chương Đài bên dòng sông Lam Thắng có những hàng liễu xanh mướt, chảy dài như dòng suối xanh, như mái tóc của người thiếu phụ vẫy gọi chồng.

Chương Đài liễu trước xanh xanh

Còn nguyên hay đã bẻ cành cho ai.

Và khi Liễu Thị kĩ nữ bỏ Hàn Hoành đi theo tiếng gọi tình yêu xác thịt của viên tướng Asá Lợi… Hàn Hoành bán hết nhà cửa đồ đạc lang thang làm thơ, hát khúc Liễu Chương Đài bất hủ làm dân khắp thiên hạ gặp Hàn Hoành thi sĩ đều khóc, hát cùng anh khúc “Liễu Chương Đài”.

Ngày trước xanh xanh

Hầy a

Liễu Chương Đài

Ngày trước xanh xanh

Hầy à

Hỏi có còn không

Hầy! Liễu Chương Đài

Câu chuyện cổ xưa “Liễu Chương Đài” như sống lại với Sinh từ chiến trận trở về (sau việc báo tử nhầm). Nghĩa khuyên Thục về sống với Sinh, quên chuyện cũ đi, anh bán nhà, đất đai bỏ cả nghề thợ mộc lên đầu nguồn nuôi cá lồng bè để quên Thục… Nhưng cuối cùng Thục vẫn bỏ Sinh, bỏ cuộc sống đầy đủ để tìm đến đầu nguồn nơi Nghĩa sống. Chuyện tình xưa và nay có gì thật giống nhau, đều đau đớn, xót xa, dằn vặt nhưng đậm tình người, tình đời. Đọc 2 truyện của Bão Vũ, nhiều lúc  thức giấc giữa nửa đêm, tôi cứ ám ảnh bởi câu hỏi: Liệu cô nàng Mai Thi có bỏ hoàng tử con Vua Mèo để tìm đến với Linh, chàng sinh viên trường thuốc đang chờ đợi nàng suốt cả cuộc đời? Bên tai tôi vang vọng điệu hát dân dã của người dân Phúc Kiến khi hát khúc “Liễu Chương Đài” của chàng thi sĩ Hàn Hoành.

Ngày trước xanh xanh

Hầy a

Liễu Chương Đài…

Truyện ngắn của Bão Vũ làm ta  ám ảnh, vương vấn rất lâu bởi những chi tiết độc đáo, tính cách của các nhân vật anh tạo nên như một vết chém hằn trên gỗ… không thể quên.

Tôi đặc biệt thích truyện ngắn: Cô Láng Giềng trở về và Rau cải đắng bởi phong vị lãng mạn, nên thơ có dư âm buồn sâu xa, chua chát, có lúc tàn nhẫn làm trái tim đau thắt…

Truyện Cô Láng Giềng trở về chỉ có chục trang kể lại chuyện bà Hằng Việt kiều ở Pháp trở về làng mình sau mấy chục năm... hồi tưởng lại những kỷ niệm của mối tình đầu với chàng Vệ quốc quân, người yêu cô khi mới bước vào đời. Họ yêu nhau thơ mộng, đẹp như một bài thơ. Nhưng anh kiên quyết lên đường vào Vệ quốc quân đi cứu nước. Hằng không thể ngăn anh lại, cô yêu anh say đắm, yêu cả tiếng đàn măng-đô-lin lãng tử của anh. Hôm chia tay anh lên đường, Hằng đã chủ động hẹn anh buổi trưa đến nhà, quyết hiến tấm thân trong trắng cho mối tình đầu. Cô nằm xuống ổ rơm có những sợi rơm vàng óng ánh thơm lừng, tự cởi cúc áo mình… nhưng anh đã cao thượng từ chối. Anh cầm cuốn thơ tặng cô che lên bộ ngực trần... và anh đã lên đường… Vài năm sau Hằng được tin anh  hy sinh ở mặt trận. Mấy chục năm sau, bà Hằng trở về nhà, nỗi nhớ về anh làm sống lại mối tình đầu thiêng liêng ấy. Bà Hằng muốn được nằm lại trên chiếc ổ rơm như xưa ấy chỉ một lần, dù biết bây giờ không ai còn nằm ổ rơm nữa. Một kỉ niệm buồn se sắt, ta thấy như mê đi trong tiếng đàn măng-đô-lin của anh lính Vệ quốc quân bên cô Hằng trẻ trung ngày ấy.

Câu chuyện như một giấc mơ hoài cổ, đẹp và buồn đến lạ lùng. Truyện “Rau cải đắng” cũng hương vị đó, nhưng câu chuyện có cái kết chua chát, cay đắng hơn: Ba chàng sinh viên sơ tán về xóm Sơn Hạ, nơi có những người dân theo đạo Thiên Chúa hiền lành, cả tin mộc mạc, chân tình, họ trồng rau cải đắng. Thục, gã sinh viên thâm độc, bỉ ổi với tài học vẹt, nhớ dai đã đóng vai một thầy dòng giảng kinh thánh cho đám con chiên ít học ở Sơn Hạ những kiến thức về đức Chúa trời được dân quý mến, giúp đỡ cho đồ ăn, áo mặc. Và Thục đã lợi dụng điều đó để lừa gạt Anna Hạ, cô gái có chồng (đi bộ đội đã chết). Thục chiếm đoạt làm cô có mang, Thục đào tẩu đổ chuyện đó cho ông Độc bố chồng của Hạ, làm ông phải bỏ nhà đi, còn Hạ đẻ non, con chết, cô thành người ngớ ngẩn… Câu chuyện buồn nẫu ruột đó được Bão Vũ kể trên nền xanh mùa rau cải đắng ở Sơn Hạ. Những luống cải xanh rờn điểm hoa vàng rực rỡ bên nỗi đau khôn nguôi của những người dân Sơn Hạ mà những kẻ xấu xa như Thục tạo ra.

Chuyện sáng tỏ sau 20 năm trở lại Sơn Hạ do chính Thục nói ra làm Lân, chàng sinh viên yêu cô Hạ ngày xưa đau đớn đến mất ngủ, trước sự vô luân, đểu giả, tàn nhẫn của Thục, giờ đã trở nên giàu có. Câu chuyện hệt một bài thánh ca buồn lặng lẽ đánh vào sự vô cảm ích kỉ của con người. Cái xóm đạo nhỏ bé với mùa rau cải đắng cứ vương vấn, xao xuyến bao trái tim nhạy cảm. Bão Vũ như một ông cha đạo rửa tội cho các con chiên tội lỗi của mình.

Trong hai truyện vừa và hai tiểu thuyết anh đã xuất bản còn nhiều điều để nói nếu ta có thời gian đọc như tiểu thuyết “Vĩnh biệt vườn địa đàng” nói về những người Việt Nam kiếm sống ở nước ngoài. Những bi kịch của Kì, Vĩ, Di, của chị Nhu thật cực nhọc, đau xót: Có người chết, người bị tù đày, người phải tìm đường trở về nước và cả những người còn ở lại sống lay lắt để tồn tại với nỗi nhớ quê hương.

Tiểu thuyết của Bão Vũ có nhiều chi tiết sống động, tái hiện cuộc sống đời thường khiến người đọc tò mò, chăm chú tìm hiểu số phận các nhân vật trong truyện. Những cái kết của tiểu thuyết thường buồn, bế tắc vì đó chính là sự thật của những người Việt tha hương trên đất nước người.

Tôi mê đắm, bị lôi cuốn khi đọc truyện vừa “Miên Giang” của Bão Vũ. Câu chuyện kể về một thị trấn nhỏ bị bỏ quên nằm đâu đó gần quốc lộ từ Đông Hải về Hà Nội, nơi còn sót lại vài ngôi nhà cổ xây từ năm 1932 có con sông Miên Giang kề thị trấn. Những dị nhân mà anh kể trong chuyện là những nhân vật điển hình có một không hai, đọc một lần không thể quên: đó là lão Thầu Khoán lấy cả hai chị em ruột và sau đó lại cưới luôn cả đứa con gái xinh đẹp của mình với lí luận “tao sinh ra nó, nó là của tao”, lão đưa con gái của mình sang Pháp làm lễ cưới… Rồi chuyện tay nha sĩ, chủ hiệu trồng răng lừa cưỡng hiếp một cô gái trẻ đến chữa răng, y  ra toà bị tù 1 năm, phải bồi thường rất nhiều tiền. Khi lão ra tù, vợ lão đã đoạt hết tài sản để sống với chồng mới, lão hoá điên, lẩn thẩn đi khắp thị trấn bới rác sống qua ngày. Y trầm mình chết ở sông Miên sau khi đã tự nhổ hết các răng của mình. Khi vớt được xác, người ta thấy tay lão vẫn còn ôm khư khư bọc đồ nghề trồng răng… thật kinh khủng. Và còn những nhân vật ghê gớm khác như kẻ giết người hàng loạt - thủ kho Đàm Trọng Cuốc, y giết người bất chợt chẳng có lý do gì, chỉ để thưởng thức nạn nhân bị giết giãy giụa tuyệt vọng trước khi chết. Hàng chục nạn nhân đã chết dưới bàn tay hộ pháp của y, vì y giết người chỉ bằng đôi tay của mình. Nếu y không tự nói ra thì sẽ chẳng ai điều tra được tội ác của y. Chuyện về Cuốc làm ta rùng mình về sự dửng dưng tàn bạo của cái ác, “một con thú người” như Bão Vũ đặt tên. Một dị nhân khác của Miên Giang thật ấn tượng là cô Dao người đàn bà cao đến 1m8 xinh đẹp, hấp dẫn có hàng ria mép, làm nghề bốc vác. Bao chàng trai ở thị trấn mê đắm nhưng cô Dao, chỉ yêu, thờ phụng, phục vụ Củng nghiện. Cô làm việc quần quật quanh năm để nuôi Củng ăn, hút. Cô lúc nào cũng rạng rỡ sung sướng như được thờ phụng một báu vật. Củng nghiện hút quá liều, chết, cô Dao không thiết sống nữa, cô bỏ việc sống lang thang đói khát, cô đã chết vào một đêm trăng ở sông Miền. Người ta chôn cô cạnh mồ Củng nghiện. Một câu chuyện về mãnh lực của tình yêu đến kỳ lạ… Các nhân vật chính trong chuyện “Miên Giang” như kĩ sư Lân, ông Khoái nhân viên đo đạc lưu vong từ thời Pháp liên quan đến lịch sử nhà bánh đậu xanh Kim Phượng thật bí hiểm, hấp dẫn. Cái kết không lối thoát của các nhân vật trong cái thị trấn nhỏ bé tù túng ấy hệt những gì đang diễn ra ở các huyện, thị trấn hẻo lánh ở các tỉnh, thành phố bây giờ.

Đọc những truyện ngắn và truyện vừa Miên Giang, ta thấy tài năng đặc biệt của Bão Vũ trên cương vị nhà văn. Ông đã tạo ra những trang viết ấn tượng, những nhân vật điển hình trong tác phẩm của mình đóng góp vào dòng văn học hiện đại Việt Nam.

Bão Vũ đã ngoài 70, ông ít giao du, vẫn lao động miệt mài. Gặp ông để chuyện trò thật khó, đôi khi  gặp được ông qua điện thoại, tôi hỏi thăm sức khoẻ và công việc của ông. Với cách nói chậm rãi, rủ rỉ, ông bảo “mọi chuyện vẫn vậy”. Ông vẫn đang viết vì còn nhiều điều thôi thúc. Còn chuyện nhà, chuyện xã hội, chuyện chức tước, danh vọng ông ít quan tâm. Có trách ông lười hoạt động xã hội, ông lại ậm ừ: “ừ, mình sẽ khắc phục dần dần”.

Chuyện về nhà văn Bão Vũ là thế, ông lặng lẽ, bình dị, miệt mài sáng tạo những tác phẩm đích thực tặng cuộc sống, cho những người đang sống hôm nay và thế hệ trẻ mai sau. Những cống hiến của ông thật đáng trân trọng, làm rạng rỡ nền văn chương  Việt Nam.

 Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *